Nhà thơ Lê Đạt tên khai sinh là Đào Công Đạt, sinh ngày 10-9-1929 tại Yên Bái. Quê quán xã Á Lữ Bắc Giang, hiện ở số 9 phố Lãn Ông Hà Nội Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.Giải thưởng nhà nước về VHNT.
Ông tham gia cách mạng trong kháng chiến chông Pháp.Ông có thời hệ luỵ Nhân văn giai phẩm. Các tác phẩm chính:Bóng chữ, Hèn đại nhân. Ông là người cả đời cách tân thơ, ông gọi nhà thơ là PHU CHỮ.
Ông đã từ trần hồi 3 giờ 30 phút ngày 21-4-2008 tại bệnh viện Hữu nghị. Hưởng thọ 80 tuổi.
Chúng tôi đoàn nhà văn đang đi thực tế Hải Phòng gồm: nhà thơ Vân Long, nhà văn Hoàng Mnh Tường, Bão Vũ, Đình Knh, Sương Nuyệt Minh, Trần Nhương, Nguyễn Thị Anh Thư , Trần Quang Quý xin gửi lời chia buồn tới gia quyến nhà thơ Lê Đạt và cầu mong linh hồn ông siêu thoát về cõi vĩnh hằng.( Vì đang đi công tác nên chưa đầy đủ thông tin. Xin các bạn thông cảm)
Xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Huy Thắng về nhà thơ Lê Đạt
NHÀ THƠ LÊ ĐẠT NHƯ TÔI MỚI BIẾT THÊM
Một ngày cuối năm 1996, tôi đang ngồi làm việc ở tầng 3 Tòa soạn thì có điện thoại. Người ở đầu dây bên kia xưng là Lê Đạt, ông cho biết có một Việt kiều nhờ ông kiếm cho một cuốn tập V Toàn tập của cha tôi, nhưng không tìm mua được. Nếu tôi có thể giúp cho một cuốn thì tốt quá..
Bấy giờ, bộ Toàn tập của cha tôi vừa được ra mắt bạn đọc một thời gian, do Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khi ấy là nhà thơ Lữ Huy Nguyên chủ trương xuất bản. Trong đó, ông dành riêng tập V để in thư từ, nhật ký... của cha tôi, cùng một số tản văn khác. Là người biên soạn bộ sách, tôi chưa được hài lòng lắm với nhiều đoạn trích nhật ký – thiếu chọn lọc, thiếu hệ thống, thiếu chú giải... – nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, được thế cũng là tốt lắm rồi. Quả nhiên, khi bộ sách ra, bạn đọc quan tâm nhiều đến tập V này. Nhiều người bày tỏ với tôi sự thích thú khi đọc, nhiều người phàn nàn muốn mua riêng tập V nhưng không được...
Thú thực, khi nghe điện thoại, tôi không hề bất ngờ về lời đề nghị, vì trước đấy đã có khá nhiều người hỏi mượn hoặc xin cuốn đó; nhưng tôi quả có hơi bất ngờ về người đề nghị, vì tôi đâu có hân hạnh được quen biết ông, nhà thơ Lê Đạt! Tuy nhiên, tôi đã nhận lời vì hai lẽ: Thứ nhất, trong nhà tôi vẫn còn vài cuốn dự phòng. Thứ hai, trong nhật ký của cha tôi có nhắc đến ông; ông cũng có quyền được biết cha tôi đã viết gì về ông, và tôi, người biên soạn, đã công bố những gì chứ!
Hôm sau, theo hẹn, ông tìm đến nơi tôi làm việc. Tôi vẫn định bụng chờ khi nào thường trực gọi điện báo sẽ xuống gặp ông dưới phòng khách, để ông đỡ phải lên. Nào ngờ đang tranh thủ đọc bản thảo trong lúc chờ ông thì ông đã xin phép thường trực lên thẳng chỗ tôi. Dẫu đã vào hạng U70 – mượn lối nói của ông ở tập thơ sau này, U75 từ tình -, lại vừa leo suốt ba tầng cầu thang, trông ông không có vẻ gì là thở gấp. Ông nói nhanh và to, nêu lại lý do cần cuốn sách. Trong lúc nói, ông luôn miệng cười, vẻ hồ hởi. Tôi chỉ biết vâng vâng, theo thói vẫn hay e dè trước các bậc chú bác, nhất là với người mới gặp, và lấy cuốn sách đã chuẩn bị sẵn ra đưa cho ông. Ông xem qua cuốn sách, rồi bảo tôi viết cho vài chữ. Tôi nói tôi không biết người kia, ông nói tôi cứ đề tặng ông cũng được. Gọi là mấy chữ kỷ niệm từ con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thôi mà... Đấy là nhà thơ Lê Đạt như lần đầu tiên tôi được biết.
Đúng hơn, lần đầu tiên tôi gặp ông, vì thế hệ chúng tôi ai mà chẳng ít nhiều nghe nói về ông, tác giả bài Cửa hàng Lê Đạt trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm. Kèm theo đó là không ít giai thoại về ông, rằng ông kiêu, ông muốn leo lên nắm ngọn cờ thi ca, rằng về tài, ông không chịu nhà thơ này nhà thơ nọ, thậm chí cả với người đang nắm vị trí độc tôn... Riêng tôi còn được biết về ông qua nhật ký của cha tôi, dẫu không nhiều như về một số người khác. Không những không nhiều, xem ra, còn không mấy thiện cảm. Với tất cả thái độ không định kiến như nhiều người đã nói về cha tôi, ông đã có những dòng không đồng tình, thậm chí bất bình về thái độ của nhà thơ trẻ này (hai ông hơn kém nhau tới 17 tuổi) trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm. Nhật ký ngày 22-2-1956 của ông viết: “Tiến hành tranh luận về bài Nhất định thắng của Trần Dần. Anh em văn nghệ đến đông. L.Đ. ở Hội nghị Tuyên huấn ra, nói lại với Trần Dần, thái độ ngông nghênh”. (L.Đ. chính là Lê Đạt mà trong nhật ký cha tôi thường viết tắt cho nhanh.) Nhưng về sau, khi cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ biến thành việc quy chụp, xử lý một số người mà cha tôi cho là bất công, trong đó có nhà thơ Lê Đạt, ông rất lo cho anh em: “Nghĩ thương cho anh em Nhân văn, thương Đang, Lê Đạt, Hoàng Cầm, v.v...” (nhật ký các ngày 11, 12-12-1958). Âu thế cũng là thỏa đáng, ít nhất về phần cha mình, tôi nghĩ...
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ấy, khiến cho nhiều chuyện nghiêm trọng của ngày xưa chỉ còn là những điều đáng tiếc, mà nếu giờ đây người ta có nói đến thì cũng chỉ như nói về sự ấu trĩ của một thời. Dẫu sao, cuộc gặp gỡ hôm nào với nhà thơ Lê Đạt vẫn khiến tôi suy nghĩ. Chả nhẽ một người (với vẻ ngoài) như thế lại từng có thể “ngông nghênh” sao, như cha tôi từng ghi trong nhật ký? Hay chăng cha tôi đã bất công, do bất đồng quan điểm mà đâm thành cảm tính?
Năm 2006, Nhật ký của cha tôi được xuất bản trọn bộ, với tổng cộng khoảng 1700 trang in. Đến lúc này, vụ việc Nhân văn Giai phẩm đã được nhìn nhận lại cởi mở hơn nhiều, và các nhà văn nhà thơ chủ chốt trong nhóm, như các ông Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm... cũng đã được vinh danh bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Là người biên soạn Nhật ký của cha mình, tôi có thể đưa vào hoặc rút ra đoạn này đoạn nọ, câu này câu kia tùy theo cảm nhận chủ quan, với trách nhiệm cá nhân và cao hơn, trước vong linh cha mình. Sau khi cân nhắc, tôi đã quyết định đưa vào đoạn nhật ký ngày 22-2-1956 như đã trích dẫn ở trên, với nhận xét của cha tôi về thái độ của nhà thơ Lê Đạt là “ngông nghênh”. Cái gì đã thuộc về lịch sử phải trả về lịch sử, hay như người ta vẫn nói, cái gì của César phải trả cho César!
Cũng năm 2006, nửa thế kỷ sau cái năm 1956 đầy biến động trong xã hội Việt Nam, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của những người trong cuộc về sự việc này. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến loạt bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Lê Đạt trên một đài phát thanh nước ngoài, về quá trình báo Nhân văn ra đời và sự hình thành của nhóm Nhân văn Giai phẩm. Trong câu chuyện, người phỏng vấn đã không quên hỏi nhà thơ về những gì liên quan đến cá nhân mình trong thời gian đó, cụ thể là trong các cuộc họp đấu tranh tư tưởng kéo dài hàng tháng trời. Nhà thơ đã trả lời thẳng thắn, không né tránh, về nhiều việc, nhiều người cũng như về phần mình. Ông cho biết tính ông hay... cười, có khi người ta nói những điều không đúng, có hại cho mình, nhưng thấy vô lý quá, ông liền phá lên cười, ngay giữa cuộc họp đòi hỏi phải hết sức nghiêm túc, thành khẩn! Thế là ông bị mắc tiếng ngông.
Tôi nói điều này không phải để thanh minh cho cha tôi cũng như nhà thơ Lê Đạt (việc này hà tất giờ đây đã còn cần thiết nữa), mà chính là để cho tôi, cho sự nhận thức của tôi về nhà thơ. Bởi vì trước đây ít lâu, tôi đã có cơ may được gặp ông, không phải trực tiếp ở ngoài đời mà trên trang báo. Một tạp chí ở hải ngoại có ý định ra một số chuyên đề về cha tôi, có mời ông tham gia, và cả tôi nữa. Ông – như một người đồng thời với cha tôi, hay một nhân chứng. Tôi – như một người cũng có viết đôi chút về cha mình, bằng vào cảm tính.
Một ngày cuối năm 2007, tôi tìm đến nhà ông ở phố Phó Đức Chính, sau khi đọc bài viết của ông trên số tạp chí nói trên. Tôi có mang theo cuốn sách mới ra của ông – cuốn Mi là người bình thường vừa mua được để xin ông chữ ký. Ông viết mấy chữ “Bản của Thắng” rồi ký tên, dặn tôi “Thỉnh thoảng đến chơi với chú”. Nói chung ông vẫn ít lời (ít nhất là theo cảm nhận của tôi), nhưng bao giờ cũng hồ hởi và cười luôn miệng. Ngay cả khi viết, ông cũng rất kiệm chữ - chả phải ông là người phát minh ra thể thơ hai kâu đó sao! Trong bài viết của ông về cha tôi – bài viết có tiêu đề Anh Tưởng, một cái tên khá khái quát nhưng cũng chỉ chưa tới năm trang – tôi thật sự không hiểu nổi bằng cách nào ông có thể kể được nhiều chuyện đến thế, từ những kỷ niệm giữa ông với cha tôi trong kháng chiến đến lớp đấu tranh Thái Hà II thời kỳ Nhân văn Giai phẩm; từ chuyện cha tôi hồi mới bắt đầu viết văn có đến thỉnh nhà văn đàn anh Trương Tửu, tới chuyện ông thạo tiếng Latinh đến mức cắt nghĩa được tên nhà văn Pháp Bossuet là ghép từ ba đầu ngữ, có nghĩa là “con bò kéo cày”; từ việc cha tôi đốt thuốc như điên khi viết đêm đến việc ông ngủ gật ngay bên bàn viết – không chỉ ngủ mà còn ngáy to nữa... Vâng, cám ơn chú Lê Đạt đã cho cháu biết thêm một đặc điểm của cha cháu, rằng ông khi ngủ thường ngáy to, hay ròn rã, như chữ dùng của chú. Vâng, cám ơn chú đã cho cháu biết cha cháu ngáy to, chứ không “lớn tiếng”, trong văn cũng như trong đời!
Theo Trannhuong.com