“Bia nào cũng là bia. Bia Ti (Tiger) hay bia Gòn (Sài Gòn), bia nào cũng là bia…” giọng hát nhừa nhựa của tay Sáu “mát trời” cất lên giữa trưa hè nơi quán bia đối chứng trên đường N, đủ biết là anh Sáu đã bắt đầu… sứa rồi.
Thường theo giới làm việc ở Phòng Kiểm nghiệm các Laboratoire Dược phẩm thì các loại thuốc để dành làm mẫu, để đối chứng cho những lô thuốc lần sau giống y như chất lượng, màu sắc của mẫu trước được gọi là “Témoin”, tức mẫu thuốc tiêu chuẩn. Các hãng sản xuất bia cũng có loại mẫu bia để làm “Kim bản vị” cũng nương theo ngành dược phẩm mà có một loại bia gọi là Bia Đối chứng. Có điều, Dược phẩm đối chứng không bao giờ được bán ra ngoài, trái lại Bia Đối chứng thì cứ bán… bao la, nhậu mút trời ông địa cũng không cạn.
Giới có xu hào rủng rỉnh thì chơi bia cao cấp Heineken, Tiger, San Miguel, Saigòn “tuy không cao nhưng ai cũng phải ngước nhìn”. Giới lưng vốn có hạn mà muốn uống triền miên khói lửa nhậu quắc cần câu mà chỉ tốn bốn năm chục ngàn thì nhào vào Bia Đối chứng.
BIA ĐỐI CHỨNG ĐÔNG VUI MÀ KHÔNG HAO
Tuy cái tên có hơi khiêm tốn, có vẻ như… “bình dân giáo dục” nhưng đừng tưởng các quán Bia nầy hom hem cóc, ổi, soài sống mắm tôm là lầm. Hãy vào quán Bia Đối chứng ở đường N mà xem, rần rần khách “biên đình”. Đi kèm cùng cốc, vại, chai, thùng là một nhà bếp hoành tráng có thể chế biến cả trăm món nhậu từ rau muống luộc, đậu bắp hấp chấm chao, “lẩu”, đậu phông cho đến các món lươn um, gà nướng mọi, cá chép chiên xù… sẵn sàng phục vụ một lúc cho cả “tiểu đoàn” chiến hữu cùng nâng ly nêu cao… ”nghĩa khí”.
Sáu “mát trời” hay Tám “nhà đất” chuyên làm cò nhà đất là một trong những nhân vật quen thuộc của quán Bia Đối chứng trên đường N.
Quán đối chứng chỉ mở cửa từ 10 giờ. Ấy vậy mà mới 9 giờ 30 đã thấy lác đác những tâm hồn ăn nhậu đã có mặt ngồi dựa lề đường dưới bóng những cây sao, cây dầu cổ thụ đợi chờ giờ… hoàng đạo.
Sáu “mát trời” có cái “bịnh” là sợ vô trễ người ta chiếm mất cái bàn quen thuộc của anh ta. Mỗi lần vì lý do gì đó mà Sáu đến muộn cái bàn bị người ta chiếm chỗ là Sáu buồn, Sáu giận như bị ai chiếm đất lấy nhà. Sáu lý sự: “Rượu, bia bọt ngon, món ăn ngon mà chổ ngồi không thuận thì coi như hỏng, bữa nhậu ấy coi như đồ bỏ”. Khó tánh thế! Còn Tám “nhà đất” thì vô đây hẹn hò làm ép phe. Lâu lâu cứ lấy di động ra bấm bấm rồi nói với ai đó với cái giọng ồm ồm to nhu cái loa phóng thanh: “Hả? Sao? Ủa, hôm nay là mấy rồi. Ông nói gì, chưa có tiền à? Giởn hả? Có năm mươi triệu chớ là cái đinh gì mà ông nói chưa có? Ngày mai mà không có thì tôi sẽ vất hồ sơ của cha qua một bên rồi đừng có năn nỉ nghe. Ông rành nguyên tắc làm việc của Tám nầy mà, đúng không?”. Chú Chín chủ cửa tiệm bán phụ tùng xe gắn máy khều tôi: “Thằng nầy xạo, bữa nào cũng giở máy A lô A lô mà có con ma thiên lãnh nào nói chuyện với nó đâu. Nó muốn “khè” tụi mình đó”.
Ở quán Bia Đối chứng nầy đủ mọi giới, mọi thành phần xã hội. Có người vì tiền túi có hạn nên vào đây, song cũng có người có cả xấp giấy năm trăm “cứng” cũng tham gia vì đông vui mà không hao mấy. Ở đây là vùng “thánh địa” của lưu linh, quy tụ nhiều “trường phái” của nền nhậu nhẹt đương đại. Có “trường phái” chuyên sử dụng Bia Đối chứng “chính hãng”, coi đó như thứ bia danh môn chính phái. Có “trường phái” vào Đối Chứng nhưng chơi xì tin dùng bia ngoại để cào hy vọng “dùng bia Tiger để trúng Landcruser” cháy bỏng ước mơ.
BAO LA NHƯ BIỂN THÁI BÌNH DƯƠNG
Một trong những “biển” Bia mênh mông sào vắn khó dò tới đáy, đó chính là Bia P. (tạm dịch là Bia Thái Bình Dương). Bia Thái Bình Dương toạ lạc trên đường K và đường LTT với 8.000 đồng/ly vại to bự, đậm đà hương vị đã thu hút hàng trăm… con tim nhạy cảm với chất cồn.
Quán bia TBD trên đường K rộng rãi, mát mẽ. Buổi tối ai muốn được gần gủi cùng trăng sao, hy vọng khi say có thể sờ tay chạm vào sao Hoả hay khều được sao Bắc Đẩu thì lên tầng thượng. Ai muốn rủ rỉ tâm tình bên dòng con “kênh” bé tẹo thì ngồi tầng dười sân vườn. Mươi phút một lần máy phun sương nhân tạo lại phun trào một làn sương mát rợi như thể được ngồi nhậu trên đỉnh Lang Biang hay dưới núi Hoàng Su Phì hoặc Sapa bốn mùa sương phủ. Bác sĩ D thường đến đây bởi chất lượng thức ăn ngon, rượu bia thấm đẩm mùi sương khói. Ông nói: “Nhậu vậy mới là nhậu, nhậu mà tiên phong đạo cốt mới là cái nhậu… vô vi”. Vô vi cái gì, làm cở ba ly cối bia TBD nếu tạng yếu có thể cho chó ăn chè, thốc tháo ra đến giọt bia cuối cùng. Nhưng đừng lo, nơi đây bia vẫn còn tràn trề lai láng, uống tiếp mấy hồi.
Một tay chuyên buôn bán xe hơi “sơ – công – hen” trụ trì ở đây mỗi tối cho biết anh ta đã đi năm sông bảy biển, bước chân anh hằng in dấu nơi các quán bia khắp đất Sài thành, cuối cùng thì anh ta quyết chọn quán bia TBD trên đường K nầy làm chỗ… dừng bước giang hồ: “Ở đây thức ăn ngon cở “Yan – can – cook”, bia thì bao la dưới lớp sương mù lại ngồi gần gủi với sao Nam Tào – Bắc Đẩu, khi say có thể hớp sao vào miệng mà nhai… còn cảnh nào hơn cảnh non Bồng nước Nhược nầy!”.
Khi hứng thì nói vậy chớ lâu lâu cũng thấy cha nầy xuất hiện ở một quán bia Đức nặng đô trên đường Tôn Đức Thắng. Mà đã nhậu ở đâu rồi thì cũng có 1001 lý do để biện minh cho việc ngồi “tám” chuyện trời ơi đất hỡi, chọc ghẹo mấy em phục vụ và uống như rồng uống nước. Cũng tay buôn bán xe hơi nầy lý sự: “Ngồi ở quán nầy thả con mắt ra sông Sài gòn với gió sông lồng lộng, ôi sao nhậu hoài mà hỏng biết say”. Hỏng dám hỏng say đâu, một người bạn của chiến hữu nầy cho biết năm rồi anh chàng đã được Bác sĩ ở BV. Sài Gòn may cho bốn năm mũi và mất mấy ngày nằm viện sau một chầu nhậu không say không về. Được hỏi không say sao đang lái xe tự nhiên lại phi thân xuống lòng đường thì anh chàng ôm cái mặt sưng vều bầm tím cười đau khổ: “Mình có biết tại sao đâu. Đang lái xe ngon lành tự nhiên thấy mặt đường dựng đứng lên. Thế là… rên - mé – đìu - hiu”
BIA ĐỨC BIA TIỆP BIA NÀO CŨNG LÀ… SAY
Ở đường MĐC có một quán bia chuyên phục vụ bia Đức. Chỉ khác bia khác ở chỗ bia có màu đen, vị hơi đắng một chút. Giới sành điệu có rủng rỉnh tiền thường chọn nơi nầy làm chỗ giao lưu.
Có người cho rằng, trên cõi đời nầy chẳng có bia nào ngon hơn bia Đức. Họ tôn xưng rằng, Đức là quê hương của bia, nơi có hàng trăm loại bia thượng thừa, mà người Đức cũng là dân tộc nốc bia vô địch trong thiên hạ. Tất nhiên đây là “trường phái” tôn thờ bia đen Đức Quốc. Còn một ”trường phái” thì nghiêng về bia Tiệp. Theo các “tín đồ” của “Bia giáo” xuất phát từ một nước ở Đông Âu nầy thì bia Tiệp mới là “đệ nhất cao thủ võ lâm” trong cõi….bia bọt giang hồ
Theo “ngài” Tư ”cô đơn” và “ngài”Bảy lép thì muốn chơi bia Tiệp đảm bảo nguyên chất chính hiệu thì nên đến Cây Quéo đường NVĐ. Bia khá đắt 16 ngàn đồng/ly vại. Bia màu nâu vàng, hương vị đậm đà. Ai có tửu lượng cỡ… Võ Tòng thì có thể gọi phục vụ “bơm” cho luôn vài lít. Còn nếu uống chơi tài tử thì nên gọi từng ly. Quán khá đông khách, trang trí theo kiểu Tây phương với màu đèn ấm áp, người phục vụ sạch sẽ, nhanh nhẹn, lịch sự. Thức ăn đa số là thực phẩm phương Tây.
Tư “cô đơn” có một cửa hàng bán tạp hóa gần chợ Bà Chiểu. Bảy lép lại là chủ một tiệm thuốc Tây. Chết tên “cô dơn” bởi anh chàng chỉ ngồi uống một mình nếu không có “tri kỷ” Bảy lép đi kèm. Anh chàng khó tính, không chịu ngồi chung với người lạ, không ưng khách không mời mà tự ý sà vào. Tư cô đơn lý giải: “Ngồi uống cà phê thì có thể du di ngồi với ai cũng được. Nhưng đã bia rượu thì phải… “tửu phùng tri kỷ”, người nói người nghe đều có nội dung để kẻ tung người hứng. Còn uống với người “bất tri kỳ vị” thì rượu chưa kịp nếm đã thấy say, chưa gắp mồi đã thấy ngán. Uống bia rượu với tình trạng oải chán như vậy thì uống làm gì, chết sướng hơn”.
Chỉ có Bảy lép tiên sinh là người mà Tư cô đơn chọn để đối ẩm khi ngồi vào bàn lai rai bia Tiệp. Bảy lép tiếp lời “bạn hiền” Tư cô đơn: “Mỗi đêm hai đứa lận lưng chừng 200.000 là có thể cụng ly tới dẹp quán. Thà không uống thì thôi, đã uống thì phải bia Tiệp mới là sành điệu, mới thắm thía là trên đời nầy còn có một chất men dễ gây tình nhớ”, nói xong Bảy lép cười khà khà còn Tư cô đơn thì chỉ nhếch mép cười ruồi.
ĐIÊU HỒNG NƯỚNG GIẤY BẠC
KHỔ QUA HẦM THÁC LÁC
Món ăn cũng phải có thơ ca vần điệu thì mới tăng thêm khẩu vị cho người thưởng thức. Đó là quán nhậu bình dân nhưng rất được nhiều người ái mộ. Nằm trên con đường T dưới những tàn cây râm mát, sân bãi rộng rãi quán như một chỗ vui vầy, tâm sự hay đơn thuần chỉ là để bù khú cho vui nên được khách mười phương thấy đất lành bèn làm chim đậu.
Có những tửu khách tuần đến vài lần, nhưng cũng có nhiều “cha nội” ngày nào cũng “đáp” xuống đây “làm bậy” vài chai. Có cha gặp bạn bèn tía lia: “Hôm nay ông đừng ép, mình chỉ uống một chai thì dìa”. “Sao dìa?”. “Bận mà”. “Mới 11 giờ 30 làm gì gấp quậy?”. “Bận mà, phải dìa trước 6 giờ cha ơi”. “Thôi cha nội, nói uống tới chiều thì nói quách, bày đặt chi một chai mà tới 6 giờ chiều. Thôi vô một cái đi, khát quá!”.
Đó là mẫu đối thoại của hai chiến hữu cầm ly không biết mõi ngày nào cũng bù khú ở đây.
Luật chơi là hùn hạp hoặc tùy ý muốn chiêu đãi anh em. Chuyện nhậu nhẹt coi vậy chớ cũng có thơ. Thơ rằng: “Xưa nay Kiều vẫn là Kiều/ Ai kêu nấy trả là điều tất nhiên” để làm luật cho chuyện “anh kêu, tui kêu, nó kêu”; ai đã có hào khí vung tay gọi mấy chai, bia gì thì phục vụ ở đây đều ghi vào bộ nhớ. Anh nào gọi mấy chai lúc tính tiền đều không để lọt sổ một con ma nào. Cũng nhờ vậy mà tuy đông, vui nhưng chẳng có ai tự nhiên bị è cổ ra trả cho cả nguyên bàn. Nhờ chơi vậy mà chơi lâu, chơi bền tình nghĩa gắn bó như Lưu Bị – Quan Công – Trương Phi – Triệu Tử Long, ngày nào cũng gặp, ngày nào cũng nêu cao nghĩa khí “một trăm phần trăm em ơi!”.
RA ĐI VỢ DẶN
Đàn ông mà, có chút rượu với đời bằng không sẽ bị đồng bạn mày râu kêu là Nguyễn thị cũng kỳ. Uống bia bọt để giao lưu, để keo sơn gắn kết tình bằng hữu thì cũng tốt nhưng chớ để say rồi phát ngôn bừa bãi làm xích mích bạn bè thì mất cả vui. Uống bia cũng nên nhớ chừa … một chai để biết đường về. Có lắm cha xỉn quá chạy đâu không chạy nhè chun tuốt vô bệnh viện mà nằm thở oxy thì chán lắm.
Nói tới rượu dù sao cũng phải nói đến chuyện nghĩa tình, hoặc nay anh mai tui, hoặc chơi theo “xì - tai” Mỹ ai kêu nấy trả, có vậy mới vui, mới gặp hoài không ngán. Đừng để cảnh vừa mới bắt tay bắt chưn đã phải bị nghe một câu chào “âu yếm”: “Hé lô, lâu quá … gặp hoài!” do thường “hào phóng” khi uống mà lại “khiêm tốn” ít chịu móc tiền. Có lẽ do chuyện “chạnh lòng” nầy mà trong giới … tửu lâm có lưu truyền mấy câu thơ chẳng biết tác giả là ai? Thơ rằng: “Ra đi vợ có dặn dò/ Rượu chùa thì uống rượu mua thì đừng/ Rượu mua nên uống cầm chừng/ Rượu chùa cứ uống tưng bừng vô tư”.
Chuyện bia bọt coi vậy mà vui, anh ly tui ly, mày chai tao chai, coi vậy chớ cũng lắm chuyện lâm ly cười ra nước mắt, khóc chẳng thành lời. Nhờ vậy mà các quán nhậu ngày cứ phình ra, đâu đâu cũng có. Và vì thế truyện dài nhiều tập về… dọc đường bia bọt có viết mõi tay cũng chẳng biết đến năm nào mới hết!