Các nhà bình luận Truyện Kiều trong khi dành nhiều giấy mực cho những Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải…lại dường như bỏ quên Hoạn thư. Có lẽ vì nàng là nhân vật phụ, đóng vai trò phản diện, không có gì đáng để những bậc chính nhân quân tử luận bàn? Hơn nửa thế kỷ qua, khi văn học trở thành công cụ của cuộc đấu tranh giai cấp, Hoạn thư mất đi vai trò nhân vật tiểu thuyết, trở thành con người mang thành phần phong kiến địa chủ. Mặc nhiên nàng là kẻ thù giai cấp xấu xa. Ít ai bình luận về nàng, càng không ai dám bênh vực nàng. Chính vì vậy, nàng bị hàm oan.
Nhận thấy sự bất công, chúng tôi ra tay vén áo giải oan, chiêu tuyết cho nàng.
Với mỗi người chúng ta, ngay từ khi biết học khôn, đã nghe trong câu chuyện của người lớn những lời ghen Hoạn thư, máu Hoạn thư hay chỉ vắn tắt Hoạn thư. Rồi lờ mờ hiểu ra rằng, Hoạn thư là ghen tuông, sâu xa hơn thì là kẻ ghen tuông hiểm ác. Đấy là ý niệm đầu tiên ta hiểu về nàng. Chính ý niệm ấy đã chi phối ta suốt cả cuộc đời, khiến ta cứ tưởng rằng mình đã hiểu đúng. Một vật cản, ngăn ta nhìn xa hơn... Đã mấy ai hiểu được rằng, sống giữa dân gian, ý nghĩa của thành ngữ đã khác xa sự minh triết ban đầu? Có nghĩa rằng thành ngữ đã làm nhòe đi ý nghĩa gốc của tác phẩm. Hoạn thư là hình tượng nghệ thuật cao hơn, đa chiều kích hơn ý nghĩa thông tục nói về sự ghen tuông mà nay mọi người vẫn hiểu.
*
Với việc nhân vật Hoạn thư xuất hiện, Truyện Kiều mở ra một vở kịch đầy kịch tính, có nhiều cảnh éo le. Khác mọi vở kịch ta từng xem trên đời, trong ba nhân vật chính của vở kịch này thì Hoạn thư vừa là tác giả kịch bản, là đạo diễn, và cũng là diễn viên. Nhà đạo diễn tài năng bắt các nhân vật của mình diễn vai trò bi hài của họ suốt vở kịch. Chỉ tới khi màn hạ, Kiều và Thúc sinh mới nhận ra thảm trạng con rối của mình trong trò chơi chết người của kịch tác gia họ Hoạn.
Vở kịch bắt đầu bằng việc giới thiệu nàng tiểu thư con quan Lại bộ đầy quyền thế. Phải hạ mình lấy chàng thư sinh con nhà thương nhân, theo lẽ thường là không môn đăng hộ đối. Chẳng những thế, bây giờ lại tiếng ong, tiếng ve chồng lấy vợ bé khiến nàng hờn giận:
Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Trong hờn giận vì ghen, Hoạn thư vẫn thể hiện là người rộng lượng:
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ duới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Một tiểu thư đài các con quan lớn mà nghĩ được như vậy, chứng tỏ nàng là người biết điều, biết thể tất nhân tình. Nếu như Thúc sinh là con người khác, đủ bản lĩnh thú thực cùng nàng, câu chuyện có lẽ êm xuôi. Nhưng chàng Thúc chỉ là thư sinh nông nổi “quen thói bốc rời” không có khí khái nam nhi, tiếp tục giấu quanh nên câu chuyện rẽ sang chiều khác. Hoạn thư quyết ra tay hành động:
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay!
Từ ý chí đó, con người “ở ăn thì nết cũng hay” này hoạch định mưu lược trả thù ghê gớm. Trước hết dẹp yên trong nhà bằng biện pháp mạnh “sát nhất nhân vạn nhân cụ” là vả miệng, bẻ răng những kẻ tâng công đưa chuyện, khiến cho:
Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói năng một lời.
Với kẻ ngoài thì như vậy, còn với mình thì:
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
Một tấm lưới giăng ra. Tội nghiệp chàng Thúc. Thực lòng, nghe Kiều dặn, chàng cũng muốn nói thật với vợ. Nhưng về nhà, thấy vợ vẫn mặn mà vui vẻ, gia nhân đày tớ không ai hé răng chuyện gì, vốn là người nhẹ dạ, chàng ngây thơ tưởng rằng đã giấu được chuyện mình nên lần lữa không dám nói. Là nhân vật và cũng là đạo diễn tài ba của vở kịch, Hoạn thư cố tình khỏa lấp những dịp mà nàng biết là chàng Thúc sắp thú tội với những lời “mật ngọt chết người”:
Rằng trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài,
bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
Thiếp đà vụng chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!
Thấy vợ như vậy, chàng Thúc tưởng bở càng thêm yên tâm. Hoạn thư tỏ ra cao tay hơn, khi thu sang, chưa cần chồng ngỏ lời, đã đi bước trước, giục chàng trở về:
Cách năm mây bạc xa xa,
Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn.
Chàng Thúc dại khờ cũng chỉ cần có vậy:
Được lời như cởi tấc son,
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.
Sự vui vẻ của Thúc sinh khi trở về chính là giọt nước tràn ly, khiến Hoạn thư hành động. Hồi giáo đầu vở kịch khép lại.
Chàng vừa quay gót thì nàng bèn trở về nhà mẹ, triển khai những màn tíếp.
Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen.
Từ đó liên tiếp những cảnh diễn ra dồn dập: bọn Ưng, Khuyển sang Lâm Tri đốt nhà, bắt người. Thúc ông chứng kiến nhà cháy, con dâu vùi thây trong lửa rồi cảnh chàng Thúc trở về thì người xưa đã thác. Cảnh Kiều bị đưa về nhà Hoạn bà, bị đánh đập, ép làm con hầu. Tiếp đó là cảnh Hoạn thư tình cờ sang chơi:
Mẹ con trò chuyện lân la,
Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời:
“Tiểu thư dưới trướng thiếu người,
Cho về bên ấy theo đòi lầu trang.”
Sang nhà Hoạn thư, Kiều mặc nhiên trong thân phận tôi đòi:
Sớm khuya khăn mặt lược đầu,
Phận con hầu giữ con hầu dám sai.
Tình địch đã ở trong tay, lại là con nhà đại gia, trâm anh thế phiệt, quyền lực có đầy, Hoạn thư có thể vo tròn bóp méo, đày đọa tình địch cho hả dạ hả lòng, nhưng nàng chỉ dùng Kiều trong những công việc nhẹ nhàng. Chẳng những thế, giữa hai tình địch tự nhiên nảy sinh mối thân tình rất người:
Phải đêm êm ả chiều rời,
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày.
Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người.
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.
Hành động kịch đang phẳng lặng bỗng trở nên căng thẳng, hồi hộp khi chàng Thúc trở về:
Bước ra một bước một dừng,
Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa.
Phải rằng nắng quáng đèn lòa,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc sinh?
Chính lúc này Kiều mới hay về thân phận mình:
Bây giờ tình mới tỏ tình,
Thôi thôi đã mắc vào vòng chẳng sai.
Chước đâu có chước lạ đời,
Người đâu mà lại có người tinh ma.
Còn Thúc sinh thì:
Sinh đà phách lạc hồn xiêu,
Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây?
Nhân làm sao đến thế này?
Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi!
Chứng kiến lớp kịch không lời giữa hai người, thưởng thức nỗi đau của kẻ bạc tình cùng tình địch, Hoạn thư rắc thêm muối vào vết thương:
Tiểu thư trông mặt hỏi tra:
“Mới về có việc chi mà động dung?”
Không còn cách nào khác, chàng Thúc đành dối quanh:
Chàng rằng: “Hiếu phục vừa xong,
Suy lòng trắc Dĩ đau lòng chung thiên.”
Có lẽ Hoạn thư cho qua việc dối quanh đó vì cao trào của vở kịch lúc này mới bắt đầu. Từ quan hệ chồng vợ, giữa Kiều và Thúc sinh chuyển sang quan hệ chủ tớ. Kiều phải đứng bên hầu rượu ông bà chủ:
Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.
Khi chàng Thúc không nuốt nổi chén đắng, chỉ mới “cáo say chàng đã giam bài lảng ra” thì Kiều liền lãnh đủ:
Tiểu thư vội thét: “Con Hoa!
Khuyên chàng chẳng đặng thì ta có đòn.”
Sau hầu rượu đến hầu đàn:
Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
Khiến cho:
Sinh càng thảm thiết bồi hồi,
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.
Còn Kiều:
Người vào chung gối loan phòng,
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài.
Sau cao trào của sự trả thù đạt tới tuyệt đỉnh:
Lòng riêng tấp tểnh mừng thầm:
“Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay!”
và nhận ra sự ê chề đau đớn của tình địch đã đủ, đạo diễn Hoạn thư “hạ nhiệt” vở diễn, cho phép Thúc sinh “cậy chàng tra lấy thực tình cho nao.”
Nhờ vậy mới có dịp cho Kiều dâng tờ thư nói rõ nguyện vọng của mình. Một lần nữa, tài và tâm của Kiều chinh phục được Hoạn thư. Nàng nói với chàng Thúc:
Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương.
Ví chăng có số giầu sang,
Giá này dễ đúc nhà vàng cũng nên!
Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời!”
Nhờ vậy, Kiều được chuyển sang Quan Âm các.
Tới đây, vở kịch đi vào hồi kết bằng hành động kịch trong kịch: Hoạn thư giả vờ về thăm mẹ, tạo cơ hội cho Thúc sinh gặp Kiều thở than muôn nỗi, trong khi nàng chứng kiến cuộc tự tình của hai người.
Vở kịch kết thúc bằng việc chạy trốn của Kiều. Ngay việc này cũng không ngoài kịch bản.
Nhưng sau vở kịch kịch do Hoạn thư dàn dựng lại là vở kịch khác, vở kịch của cuộc đời, trong đó Kiều ngồi ghế quan tòa còn Hoạn thư trong vai bị cáo.
Chúng ta – và có lẽ cả nàng Kiều – đều nghĩ rằng, cái phiên tòa báo ân báo oán này là dịp để trả thù thật xứng đáng cho những gì Kiều từng phải chịu. Một cuộc trả thù ngoạn mục, chắc là Hoạn thư phải thịt nát xương tan như những lời bóng gió nói với chàng Thúc:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Kiến bò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.
Ngay đấy bày ra cảnh công đường khiến người ta khiếp vía:
Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn thư.
Thoắt trông nàng đã chào thưa:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều.”
Có lẽ khi nói những lời như thế, trong lòng Kiều cũng ngun ngút mối thù sắp trả và có cái khoái cảm của kẻ sắp báo được thù. Biết đâu trong đó chả có ý làm cho kẻ thù của mình xương tan thịt nát? Dường như chính Hoạn thư cũng hiểu hoàn cảnh của mình:
Hoạn thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng giở điều kêu ca.
Có lẽ lúc đó nàng cũng nghĩ, kêu để mà kêu, chớ mong gì được tha với tội lỗi mình đã gây ra:
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót lòng gây cuộc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.”
Ở đây, trong hoàn cảnh hiểm nghèo, mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, ta lại thấy một Hoạn thư đầy bản lĩnh. Là bị cáo, nàng cũng là luật sư tự bào chữa cho mình. Khấu đầu trước kẻ tình địch thắng thế theo đúng lễ, nàng chỉ nói sự thực, cái sự thực cùng lý lẽ không thể chối cãi. Sau khi đưa ra chứng lý không thể phản bác, nàng còn khôn ngoan nhấn mạnh đến tình còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!
Chính cái tình quyện trong cái lý ấy khiến quan tòa Thúy Kiều phải thay đổi thái độ, xóa bỏ bản án định trước, chuyển sang phán quyết mà có lẽ nàng chưa hề nghĩ tới:
Khen cho: “thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.
Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.”
Đã lòng tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
Có thể lúc đó, cả nàng Kiều, cả những người dự phiên tòa đếu bất ngờ với phán quyết lạ lùng. Nhưng rồi sau đó, mọi người công nhận là phải, là đúng và là sự nhất quán trong nhân cách nàng Kiều.
Được tha bổng, như vậy đứng về pháp lý, Hoạn thư vô tội, nàng được khôi phục quyền công dân. Lúc này ta có thể bình về phẩm hạnh của nàng Hoạn thư.
Trước hết, nàng là người đàn bà thông minh. Phải là người thông minh tuyệt vời mới soạn thảo, đạo diễn và diễn xuất thành công một vở kịch đời lớn đến vậy.
Thứ hai, Hoạn thư là người có bản lĩnh siêu việt. Tuy là nguời ghen tuông ngoại hạng nhưng Hoạn thư nén tình cảm lại, nén những bực tức thông thường lại để đạt mục đích cuối cùng. Chỉ người có bản lĩnh lớn mới hành xử đựoc như nàng.
Thứ ba, Họan thư là người nhân hậu, có tấm lòng bao dung, thương người quý tài. Khi tình địch trong tay, nàng có trăm ngàn cách để trả thù, mà dịp thuận lợi nhất là khi Kiều trốn đi mang theo đồ thờ của Quan Âm các. Nếu là người ác độc, nàng có quyền cho bắt Kiều lại, với tang chứng rành rành, sẽ roi đòn cho tan xương nát thịt rồi lầu xanh lại trả về phường lầu xanh. Nhưng Hoạn thư không làm thế, một phần vì nể chồng, không muốn làm tổn thương chàng Thúc nhưng cũng một phần vì tâm nàng nhân hậu, không muốn đẩy con người vì tài nên trọng, vì tình nên thương đến chỗ tận diệt. Chính cái tâm nhân hậu này đã cứu nàng trong cuộc trả thù về sau.
Như vậy, ta thấy, Hoạn thư là một phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp, đáng cho mọi người, không chỉ phụ nữ mà cả cánh mày râu học để làm người. Trọng nàng Hoạn thư, ta càng kính phục cái tâm và cái tài của thi hào Nguyễn Du.
Sài Gòn, tháng 4 năm 2008
Gửi Hà Văn Thùy,
Bài “Chiêu tuyết…”nói chung Thùy viết tốt. Mình muốn bổ sung đôi điều, nên chăng vẫn là quyền tác giả bài báo.
1. Ở Hoạn thư, do gia phong nề nếp, cho nên “ở ăn thì nết cũng hay”, khi biết chồng phản bội, dù “lửa tâm càng dập càng nồng” song vẫn có suy tính thật đạo lý để bảo vệ uy tín cho cả 2 vợ chồng, nên “dại chi chẳng giữ lấy nền / tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình” và “ví bằng thú thật cùng ta / cũng dong kẻ dưới mới là người trên”. Đến khi đã có được “kẻ thù” trong tay thì tài, sắc của Kiều đã cảm hóa được Hoạn thư: “Tiểu thư xem cũng thương tài / Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân”, cho đến lúc bắt quả tang ở Quan Âm các, Hoạn thư vẫn đủ bình tĩnh, rất khách quan mà đọc bản kinh Kiều đã chép: “Khen rằng bút pháp đã tinh / So vào với Thiếp Lan Đình nào thua / Tiếc thay lưu lạc giang hồ / Nghìn vàng âu cũng nên mua lấy tài” … nên theo tôi Thùy nên phân tích sâu thêm mấy câu của Hoạn thư trong buổi Kiều báo ân báo oán: “Nghĩ cho khi các viết kinh / Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo / Lòng riêng riêng những kính yêu / Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.”
Hoạn thư là con người “lân tài” cho nên nói lòng riêng kính yêu Kiều là nói thật lòng – đâu như nhiều người cho là “nói khéo” để thoát tội, chứ làm sao yêu được tình địch! Thường thì phụ nữ hay đố kỵ, ghen ghét ai hơn mình về phương diện này khác… , huống hồ kẻ tài sắc này lại là tình địch, lăm le cướp chồng mình? Qua đó ta càng thấy quý cái “Tâm” của Hoạn thư.
2. về việc hiếu: đã chú thích trong bài.
--------------
Câu kết Thùy nói cái tâm cái tài của Nguyễn Du là đúng. Nguyễn Du không chỉ đau nỗi đau nhân thế nói chung, nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh nói riêng, nhất là cuộc đời các ca kỹ nữ (Đạm Tiên, Thúy Kiều,…) Ông phải thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà!” Ngoài những kiếp người bạc mệnh đó, đối với Hoạn thư là một tiểu thư con quan, Nguyễn Du cũng xây dựng được một nhân vật có tâm, có đức, có lòng lân tài.
Ai đã đọc nguyên tác Trung Hoa “Đoạn trường tân thanh” của Thanh Tâm tài nhân, thì thấy Nguyễn Du tuy mượn cốt truyện đó song đã thay đổi rất nhiều: Hoạn thư trong nguyên tác không được như Hoạn thư của Nguyễn Du; Từ Hải trong nguyên tác chỉ là một tên giặc biển, đâu phải là Từ Hải “lược thao gồm tài” như Từ Hải của Nguyễn Du; cũng như trong Đoạn trường tân thanh, khi báo ân báo oán, tác giả đã cho Kiều bắt mẹ của Hoạn thư về đánh một trận thừa sống thiếu chết… Nguyễn Du thì không thế, không những không bắt mẹ Hoạn thư mà còn “laị cho lệnh tiễn truyền qua / giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên”…
Thôi nhé, ba hoa vài câu để Thùy tham khảo.
Minh Mỵ
22/4/2008.