Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.198.834
 
Những đồng đội cũ
Hội An

Trong số bạn bè của chồng thi thoảng lui tới nhà, Huyền chẳng ưa gì anh Lập. Đó là  giám đốc chi nhánh một loại bia ở Tỉnh, là một đồng đội cũ của Thái cùng giải ngũ sau năm bảy lăm về học chung trường đại học. Anh Lập cao lớn, đen thui và trông có một chút ngổ ngáo của dân chơi, tính tình thì ồn ào, nói năng bạt mạng giọng chợ búa kiêm một tấc đến trời của dân nhậu những lúc xừng xừng. Của đáng tội, thi thoảng anh ta cũng nghĩ đến bạn bè. Ngoài chuyện lâu lâu ghé rủ Thái đi nhậu thì vào những dịp lễ tết, chắc là tiền thưởng nhiều nên anh ta cũng mang tới cho bạn thùng bia hoặc dúi vào túi bạn vài trăm ngàn gọi là chút lộc. Tuy nhiên Huyền chẳng ưa gì Thái cứ nhận lời đi nhậu với anh Lập bởi anh Lập uống nhiều, và cũng ép buộc bạn nhậu phải cùng xỉn với mình mới chịu. Có lần, sau khi nhậu xong, anh Lập có xe hơi nên chở Thái về đến nhà say bét nhè. Khi thấy Huyền không vui, càu nhàu chồng, anh Lập phân bua, giọng khê nồng:

- Em phải thông cảm với bọn anh chớ! Mẹ kiếp! …Bạn bè tình cảm,…lâu lâu gặp nhau… Nếu không may như nhiều đồng đội khác thì …giờ cũng xanh cỏ rồi. Phải không? Đâu còn có dịp …mà ngồi với nhau nữa… Mẹ kiếp!

       

Huyền nghe kể rằng ngày trước, vào thời bao cấp, có những  tay thương binh hay bộ đội cùng lập nhóm đi buôn lậu rồi lên giọng công thần kiểu đó để qua mặt tất cả công an, thuế vụ hay quản lí thị trường. Họ sẵn sàng gây sự với tất cả. Nghĩa là họ đã là lính rồi, đã vào sống ra chết rồi thì giờ có quyền làm gì cũng được. Không ai được ngăn cản hay kết tội gì hết.

       

Huyền ghét Thái nhậu xỉn cũng như những nguỵ biện cho việc say xỉn. Cũng bởi vì trong đợt khám sức khoẻ ở cơ quan Thái vừa rồi, dù anh có cất kĩ nhưng Huyền tình cờ tìm thấy và được biết Thái đã bắt đầu có những nguy cơ của các bệnh do nhậu mà ra như gan nhiễm mỡ, bệnh gút, mạch vành tim…Nhậu không chỉ uống mà còn hút thuốc. Báo chí và ti vi ra rả suốt ngày những tác hại, sao mấy người đàn ông này không biết sợ không biết. Đó là chưa kể đã 2 lần Thái phải nằm bệnh viện điều trị vết thương do té sau khi nhậu xỉn.

         

Ai chẳng có những tâm sự cần chia sẻ với bạn. Làm gì Huyền không hiểu chồng. Tuy nhiên cứ nhậu quá đà rồi lấy lí do còn sống là may rồi, được thế này là quá tốt rồi, giờ trời gọi lúc nào thì đi lúc đó, chả còn gì để tiếc. Nguỵ biện mãi sẽ nhàm, sẽ gây khó chịu. Hơn nữa, nói vậy là anh chỉ sống cho mình chứ đâu nghĩ gì cho vợ con, cho những người thân khác. Nhưng quả thật trong số những đồng đội còn liên hệ của chồng thì hình như hai người ấy vẫn là những người may mắn hơn cả. Không rẽ ngang sang ngành kinh tế như anh Lập, Thái làm đúng nghề được học, trở thành một chuyên viên văn hoá, không có bổng lộc gì nhưng được làm đúng sở trường, vợ thì có việc làm, cả hai vợ chồng đều khoẻ mạnh, con cái học hành lên lớp đều đặn nên cuộc sống cũng không đến nỗi nào

       

Nhưng chính đời sống công chức tạm ổn và tương đối nhàn nhã là điều kiện để anh có nhiều thời gian đi nhậu cùng bạn bè và là niềm lo lắng bất an cho Huyền.

        

Một hôm, Thái lại nhậu cùng anh Lập về và lại xỉn. Anh Lập lại phân trần:

- Em đừng lo…Bọn anh giờ..sống thêm ngày nào…coi như lãi ngày đó. Mẹ kiếp! Hôm nay bọn anh uống …để chia sẻ… nỗi buồn về bác Ánh

         

Bác Ánh mà anh Lập vừa nhắc là bạn cùng đơn vị của 2 người.

       

Cách đây dăm năm, trên một con hẻm nhỏ , Thái gặp một người mặc đồ quân phục cũ đi xe đạp chở một bao hàng cồng kềnh vừa đi vừa rao: “Ai đau lưng nhức mỏi… thấp khớp thống phong…đại tràng mãn tính…thuốc bổ ngâm rượu đây!”…Đường chật người đông, nắng thì bắt đầu gay gắt, chẳng ai thèm để ý tiếng rao nhỏ nhoi lạc lõng của người đàn ông. Thái buồn cười nghĩ bụng: Ơ hay! giờ bệnh người ta đi bệnh viện chứ ai thèm kêu ông thầy lang ngoài đường như này, rao gì cho mất công. Không ngờ vóc dáng gầy gầy cùng cái giọng quen quen đã khiến Thái nhận ra đó là bác Ánh. Anh vừa mừng vừa cám cảnh chặn đầu xe của ông lang lại, dẫn về nhà cơm nước nghỉ ngơi. Sau đó Thái nhờ một số bạn quen mua dùm mỗi người một thang thuốc bổ ngâm rượu và khuyên thật lòng:

- Làm thầy thuốc là phải giỏi nghề, ông nghề học mót chỉ được vài chiêu, y tá bộ đội ngày đó chỉ thạo bông băng thuốc đỏ, ông có học được một khoá đông y thì cũng chưa đến đâu. Chỉ dân khù khờ mới giao tính mạng cho ông chứ ai người ta dại. Không khéo mang hoạ! Thôi, ông chuyển ngành đi!

          

Bác Ánh nói thật là vào lúc nông nhàn không có việc mới làm liều. Bác đã đi mấy chuyến ở miền núi rồi. Nghe nói dân trong nam chuộng thuốc đông y nên muốn thử xem. Thu nhập nhà quê để nuôi con ăn học thật khó. Cả vợ chồng Thái cùng nghĩ ngợi rồi dẫn bác Ánh đến một tiệm thuốc đông y của ông anh họ tên Trung. Ông Trung thương tình đồng ý nhận bác Ánh vào chân phụ việc kiêm bảo vệ, lương cũng tàm tạm để bác tích cóp lâu lâu ra bưu điện gửi về một lần. Cũng được mấy năm nhưng vừa rồi vợ bác bệnh nặng, cơ chừng khó qua khỏi khiến bác phải về quê. Cũng còn đỡ là 2 đứa con bác cũng học vừa xong. 2 người bạn góp cho bác ít tiền, Huyền mua thêm ít quà cáp. Tiễn bác Ánh lên xe xong thì 2 ông bạn rủ nhau nhậu.   

 

*

Một buổi Huyền đi làm về, Thái ra mở cửa cho vợ, nói nhỏ:

- Có anh Tuyên vào làm đám cưới cho con em à.

         

Anh Tuyên vừa cùng quê vừa cùng đơn vị với Thái cho tận đến ngày giải phóng miền nam. Sau đó, Thái thì vào trường đại học. Anh Tuyên lúc đó đã là cán bộ đại đội, có trình độ, được giữ lại để bổ sung vào các trường đào tạo quân đội nhưng anh Tuyên hoàn cảnh con một, lại còn bà mẹ già nên anh xin phục viên về quê. Lấy vợ xong đẻ con sòn sòn những 6 đứa. Quê anh Tuyên đất đai khá tốt, anh lại là người có đầu óc tính toán nên kinh tế nhà anh không đến nỗi, chỉ tội con cái chỉ lo làm, học hành ít, lớn lên ruộng vườn không đủ, chúng dắt díu nhau vào khu công nghiệp Biên Hoà. Anh Tuyên dặn các con:

- Trong này không có bố mẹ nhưng có chú Thái ở gần, mọi việc các con phải xin ý kiến cô chú nhé

        

Vậy là từ đó nhà vợ chồng Huyền trở thành nơi đi lại của đám trẻ. Và Thái gánh thêm phần trách nhiệm của một ông chú. Khi thì đứa này muốn chuyển việc làm, đứa kia có bạn gái mang tới giới thiệu, rồi có đứa nào đau bệnh hay cưới hỏi đều có vai trò của cô chú. Thường thì mồng 3 tết năm nào, nhà Huyền cũng vui như hội vì lũ cháu, cả bạn trai bạn gái của chúng ở Biên hoà tới chúc tết. Tuy nhiên, đám cháu này đứa nào cũng ngoan nên dù có thêm việc, thêm bận bịu nhưng Huyền cũng chẳng phàn nàn gì.

        

Cơm xong, vợ chồng Huyền và anh Tuyên ngồi nhâm nhi li trà quê với kẹo cu đơ mà anh Tuyên vừa đưa vào. Anh Tuyên tóc đã bạc gần hết, khuôn mặt đầy nếp nhăn vất vả tuổi tác, cười buồn:

- Nhờ cô chú giúp đỡ một phần, vậy là các con anh giờ cũng trưởng thành. Tuy chỉ là công nhân cả nhưng cũng đều có việc làm, rồi sẽ lần lượt có chồng có vợ, cũng là tàm tạm. Chỉ thương bác Thoả. Thông báo chú là tháng trước anh vừa gặp bác Thoả, tội nghiệp lắm.

- Bác Thoả sao hở anh? Hồi đó giờ em không gặp.

- Bác ấy thì không sao nhưng con cái thì chán lắm. Đứa con trai thứ 2 vừa câm vừa điếc, đứa út bị tim bẩm sinh, còi cọc không lớn được. Bác ấy kể chắc thời kì làm lính trinh sát có đợt bị lạc trong rừng mấy ngày, uống nước ở một con suối lạ, có lẽ dính chất độc da cam. Chỉ có con bé lớn là lành lặn, vừa tốt nghiệp Trường trung cấp văn thư Hà Nội xong nhưng lại không sao xin được việc làm. Có một chỗ người ta đồng ý nhận nhưng với giá mười lăm triệu. Những từng ấy tiền thì nhà bác ấy đào đâu ra. Mấy ông cựu chiến binh ở xã biết chuyện ấy đòi đưa ra ánh sáng nhưng chưa đưa tiền, lại chẳng có ghi âm ghi iếc gì thì chứng cứ đâu. Vả lại chuyện đòi tiền xin việc giờ cũng không quá hiếm, nhất là khu vực nhà nước và những ngành độc quyền. Chuyện đầy rẫy ở xung quanh đó thôi, các trường địa phương vẫn còn thiếu cô giáo đúng chuẩn nhưng giáo sinh sư phạm ra trường lại gạt nước mắt làm việc khác vì không có tiền… Chung quy lại vẫn còn là bế tắc.      

 - Bây giờ bác ấy ở đâu?   

 - Ở quê chứ đâu. Cách chỗ anh hơn hai chục cây. Lần này ra chắc anh sẽ ghé bác ấy trước. Hôm trước đi không dám tới thông báo đám cưới con, sợ bác ấy tủi thân.

       

Cả 3 người cùng lặng đi, nghe rõ cả tiếng quạt máy chạy vù vù. Thái nghĩ ngợi mãi rồi nói:

- Vậy anh nói bác Thoả gửi bưu điện cho em cái hồ sơ xin việc cho con bé. Bao giờ được thì em sẽ nhắn về. Nói xong anh mới sực nhớ tới vợ nên quay sang Huyền: - Được không em?

         

Huyền ngại ngần: - Chỉ sợ việc văn thư bây giờ xin cũng khó, mỗi cơ quan chỉ cần có một người, may ra cơ quan mới thành lập thì mới thiếu. Nhưng thôi, không làm việc này thì làm việc khác, chỉ cần nó khoẻ mạnh.

         

Chủ nhật tiếp, anh Lập lấy xe ô tô chở cả vợ chồng Thái đi Biên Hoà dự đám cưới. Lúc tạm biệt trở về, Huyền còn thấy anh Lập dúi vào túi anh Tuyên một nắm tiền đi đường. Huyền thầm nghĩ: Ông này chắc xỉn rồi nên hào phóng dữ, vừa tốn khá tiền mừng cho con rồi mà còn…

         

Mãi mấy tháng sau vợ chồng Huyền vẫn chưa xin được việc cho con bé Thu như lời hứa với bác Thoả. Chẳng biết Thái có đem băn khoăn nói với anh Lập không mà một bữa anh Lập gọi điện cho Thái: “Mày gọi điện cho con bé vào ngay, có việc phù hợp rồi, ở công ty xây dựng của thằng bạn tao.”

         

Vừa gọi vài hôm thì đã thấy con bé Thu vào đến nơi. Như là nó đã chờ sẵn rồi, như là nó quá nóng lòng để tự lập và muốn giúp cho bố mẹ một niềm an ủi. Con Thu nhỏ nhắn nhưng trắng trẻo và khá xinh gái. Huyền nói với nó:       

 - Tạm thời cháu cứ ở cùng cô chú, đến bao giờ cháu đủ điều kiện tự lập hẵng hay. Vậy cháu cứ coi như đang ở nhà với mẹ. Có gì chưa biết thì hỏi cô, cần gì thì cứ nói, đừng ngại nhé.

       

Con Thu ngoan ngoãn vâng dạ. Hôm sau Huyền đưa nó ra chợ sắm vài thứ dép nón và áo quần cho đàng hoàng rồi mới để Thái chở đến chỗ công ty đồng ý nhận, còn phải qua một cuộc phỏng vấn nữa. Giờ chẳng cơ quan nào chỉ nhận người qua hồ sơ.

*

         

Thấm thoắt con Thu đã đi làm được hơn một năm, và đã có bạn trai theo đuổi. Một buổi tối, sau khi nghe điện thoại xong thì nó khóc oà. Huyền đang xem ti vi phải vặn nhỏ volum để hỏi rõ sự tình. Thì ra là mẹ nó báo tin bố nó bệnh, điều trị ở bệnh viện cả tháng nay mà không đỡ. 2 chân ông bắt đầu teo lại, đau nhức khắp người. Người ta đang nghi chất dioxin ngủ yên từ hồi ấy giờ bắt đầu cựa quậy. Huyền chẳng biết phải an ủi Thu sao nên ôm nó vào lòng: “Thôi, cháu bình tĩnh đi, rồi từ từ tính. Để cô nói với chú Thái và chú Lập.” Nó thút thít trong vòng tay Huyền nhưng rồi chẳng sao bình tĩnh nổi, đôi bờ vai mỏng mảnh cứ rung lên từng chập như cây non gặp bão. Nó lên giường nhưng Huyền thấy con bé trăn trở hoài không ngủ được mà thương quá. Thái lại đang đợt đi học nghiệp vụ ở Sài gòn hơn chục ngày nữa mới về. Đã gần 11h đêm. Dù không muốn nhưng Huyền đành gọi điện cho anh Lập. Anh Lập chắc vừa nhậu đâu về, giọng nhừa nhựa:        

 - Vậy à…Mẹ kiếp! Mấy ngày nữa anh đi công tác ngoài đó… Để anh ghé xem ra sao… Thôi, cô cháu ngủ đi.

        

Tưởng anh Lập nói cho qua chuyện, ai ngờ chưa đầy một tuần sau, anh ấy gọi điện báo tin đã làm thủ tục xin cho bác Thoả chuyển vào điều trị tại bệnh viện quân đội 175 ở Sài gòn. Anh nói điều trị ở bệnh viện quân đội là đúng tuyến, mà bệnh viện này cũng tương đối hiện đại. Vả lại, ở nhà mẹ con Thu còn bận bịu với 2 đứa em, đưa vào đây để mỗi tuần con Thu còn chăm bố được thứ 7, chủ nhật. Còn bạn bè trong này qua lại nữa. Thôi, vậy cũng yên tâm phần nào. Chắc bệnh này nằm viện còn lâu dài lắm.

        

Thứ 7 kế tiếp anh Lập chở Huyền và con Thu đi thăm bác Thoả.

        

Sân bệnh viện nắng hong vàng trên những tán bàng, nắng rắc hoa từng đám dưới vòm những cây điệp. Chưa đến giờ thăm bệnh nên thân nhân trong sân khá nhiều, ngồi từng nhóm nhỏ rải rác trên những ghế đá đặt dưới những tán cây xanh mát. Thái vừa học xong, đang chuẩn bị về, nghe anh Lập thông báo nên đã tới chờ sẵn. 2 mẹ con chị Lài, vợ anh Lập nhà không xa chỗ này bao nhiêu thì lỉnh kỉnh với những túi quà thăm. Ngoài ra còn có 2 anh đồng đội cũ của bác Thoả mà Huyền chưa gặp bao giờ, nhà tại Sài gòn cũng vừa vào tới. Vừa kịp lúc tới giờ thăm. Huyền và mẹ con chị Lài ngồi lại ở hàng ghế trước cửa nhường mấy người đàn ông vào trước vì đông quá. Qua cánh cửa mở, đã thấy con Thu ôm vai bố khóc oà. Bác Thoả xúc động cũng chảy nước mắt trên khuôn mặt tiều tuỵ hốc hác. Mái tóc còn lại lơ thơ những sợi bạc. Tiếng khóc con Thu làm lây lan những khoé mắt ướt cho tất cả mọi người. Anh Lập chịu không nổi lộn trở ra. Anh nói với vợ:

- Mọi người lâu lâu tới thăm chứ trách nhiệm đi lại hàng ngày giao cho mẹ thằng Tùng đấy nhé.

        

Một anh thấp đậm, mập tròn ra theo, còn cố đùa: - Mày giờ cố thủ tỉnh lẻ rồi, lâu giờ vợ con có dân quân trông coi, bây giờ thì giao cho bác Thoả yên tâm hơn. Hay!

        

Mấy người đàn ông chung nhau nụ cười chia sẻ. Ngày xưa đó là những nụ cười thắng giặc. Còn bây giờ, sau một quãng thời gian xa nhau lâu lắc, họ vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ đối diện với nỗi đau chung. Chắc chẳng dễ gì sẽ chiến thắng như đã chiến thắng quân thù ngày xưa. Nhưng nhìn những đồng đội cũ vững chãi bên nhau, trong Huyền cũng dâng lên một niềm an tâm ấm áp. Cô lục túi tìm cái khăn giấy lau những giọt nước mắt.

         

Lạ chưa, trông anh Lập giờ không còn ngổ ngáo tí nào.

       

Huyền hình dung tối nay về thể nào anh Lập và Thái cũng sẽ có cuộc nhậu, để còn “chia sẻ nỗi đau với bác Thoả” và bàn nhau làm cách nào giúp vợ con bác ấy sắp tới.

Hội An
Số lần đọc: 2222
Ngày đăng: 27.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần gian nhìn từ sau lưng - Nguyễn Hiệp
Nước mắt tượng - Võ Tấn Cường
Những bông hoa sẽ nở - Lê Vũ
Nguyệt thực nửa đêm - Phan Thị Thu Loan
Về một lời ước nguyện - Ngọc Thiên Hoa
Hư vô trắng - Võ Tấn Cường
Con nhà tông... - Đổ Thị Hồng Vân
Florence - Phạm Thị Ngọc
Con diều - Lỗ Tấn
Con quỷ và tôi - Nguyễn Đình Bổn
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)