Một cách giải mã mới nhất từ trước đến nay về một huyền thoại cổ nhất của dân tộc Việt Nam ta.
Tác giả trông mong các ý kiến phản hồi.
Chàng về thiếp một theo mây
Con thơ để lại đất này ai nuôi
Câu ca dao thời cổ sơ mãi còn đó. Có thể lớp vỏ ngữ âm của thuở xa xưa ấy theo năm tháng, trải qua vài mươi thế kỉ, đã dần dà được đổi mới, nên còn khá gần gũi với tiếng Việt hiện đại. Nhưng về nội dung ngữ nghĩa, chắc chắn vẫn y như lúc khởi nguyên.
Trong những lúc chuyện trò ngày thường, đôi khi tình cờ gặp hai chữ Âu Cơ trên đường phố hoặc ở giây phút mặc niệm trong Quốc lễ Giỗ Tổ, tức khắc, câu ca dao ấy hiện về trong kí ức chúng ta, trước cả huyền thoại lịch sử Họ Hồng Bàng. Cảm nhận này đến với tôi từ tấm bé, nhưng phải đến một độ tuổi nào đó, mới trở thành một suy nghiệm, để từ suy nghiệm, có thể nói lên một điều nghiêm trọng: huyền tượng Mẹ Âu Cơ chất chứa cả một trời bi kịch. Bi kịch? Tôi thật sự cảm thấy mình run lên vì hiểu mình hình như đã xúc phạm đến Người Mẹ của cả dân tộc.
Có thật là huyền tượng Mẹ Âu Cơ chất chứa cả một trời bi kịch? Chứng minh cho điều đó, chỉ cần nhớ lại câu ca dao thân thiết nghìn đời kia.
Và từ cảm nhận ca dao về nỗi niềm của Mẹ Âu Cơ phải chia tay theo dạng li thân với người chồng Lạc Long quân – Người Cha của cả dân tộc –, chúng ta không thể không liên tưởng đến các bi kịch khác trong đời Mẹ.
Một đời người phụ nữ, thật buồn khi phải trải qua hai đời chồng! Mẹ Âu Cơ của chúng ta đã lâm vào bi kịch ấy. Và chắc Mẹ phải cam chịu nỗi buồn chín nẫu ruột gan khi cả hai đời chồng, Đế Lai và Lạc Long quân, đều chủ động chia tay với Mẹ!
Đế Lai bỏ Mẹ lại ở hành tại, để cùng quân binh rong ruổi những dặm đường viễn chinh, với mưu toan xâm chiếm đất nước của người em họ, Lạc Long quân, đến nỗi “quên cả ngày về”, bất chấp “nhân dân nước Nam khổ vì sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa” (1). Mặc dù đây không phải là cuộc chia tay, dứt nghĩa vợ chồng, để hai người trở thành hai người xa lạ. Đây chỉ là một cuộc chia tay, nghiêm ngặt mà nói, chỉ vì mộng xâm lăng của Đế Lai, và do Đế Lai chủ động. Thư tịch cổ vẫn gọi Mẹ là “ái thê” (2), người vợ yêu dấu của Đế Lai. Như thế, kẻ xâm lăng Đế Lai vẫn yêu vợ, nhưng ông ta yêu bước đường xâm lăng của mình hơn. Và chúng ta không hiểu vì sao Mẹ Âu Cơ của chúng ta không chung thuỷ chờ chồng! Mẹ nghĩ mình bị Đế Lai bạc tình, bỏ rơi chăng? Mẹ lạt lòng chăng? Mẹ bị rơi vào thế bị cướp cả tấm thân mình như một chiến lợi phẩm để phải làm vợ Lạc Long quân chăng? Đó là một thói tục không có gì lạ ở thời hồng hoang cổ sơ, thậm chí còn diễn ra ngay ở thời trung cổ. Nhưng dẫu bị rơi vào tình huống ấy, sao Mẹ không thủ tiết, chạy trốn, thậm chí phải tự chấp nhận cái chết để giữ tròn lòng chung thuỷ? Mẹ là nạn nhân của Đế Lai hay nạn nhân của chính Mẹ và cũng là nạn nhân của Lạc Long quân - Người Cha của chúng ta?
Hình như chúng ta vừa kính trọng Mẹ nhưng xen vào đó còn có một nỗi oán trách Mẹ. Sao Mẹ Âu Cơ của dân tộc Bách Việt chúng ta không toàn bích? Sao Mẹ không là một khối ngọc không tì vết cho chúng con nghìn thế hệ noi theo? Chúng ta cũng không thể không oán trách cả Lạc Long quân – Người Cha khởi nguyên của dân tộc chúng ta! Thật ra, ai cũng biết thời hồng hoang cổ sơ vốn thế, và như thế là đã đúng “luân thường về phụ tử, phu phụ” (3) của thuở ấy, cách hôm nay đã trên bốn nghìn tám trăm năm (>2879 tr.cn. – 2008 s.cn.). Thử đối chiếu với các huyền thoại khởi nguyên của các dân tộc khác, như Hy Lạp, La Mã, Do Thái (cụ thể là Kinh Thánh), Ấn Độ... từ Âu xa xôi đến Á gần gũi, chúng ta sẽ bớt băn khoăn (3). Mỗi thời, mỗi dân tộc, mỗi đất nước có những luật tục, những luật pháp và tiêu chí văn hoá, đạo đức, văn minh khác nhau. Chỉ với cái nhìn lịch sử - cụ thể, nhận thức lịch sử theo từng thời điểm cụ thể, tình tiết cụ thể với tiêu chí bình phẩm cụ thể, mới hiểu được sự thể này của Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long quân.
Tuy vậy, nhìn vào một khía cạnh khác, ngay trong nguyên vẹn hình tượng huyền thoại, tôi thấy Mẹ Âu Cơ của chúng ta hình như cũng có phần chủ động trong cuộc chia tay với Đế Lai, người chồng cũ, khi đồng ý chung sống vợ chồng với Lạc Long quân, người chồng mới. Đó là sự chia tay với một kẻ xâm lược để trao trọn trái tim mình cho người chống xâm lược. Mẹ Âu Cơ của chúng ta đã chọn chính nghĩa, cho dù đất nước phương Nam sông Dương Tử nhỏ hẹp hơn; Mẹ không chấp nhận chung sống với phi nghĩa, cho dù đất nước phương Bắc sông Dương Tử rộng lớn. Người Cha của dân tộc Việt chúng ta, Lạc Long quân, là biểu tượng của chính nghĩa ấy. Đây là nét chói sáng tuyệt vời trong bi kịch của Mẹ Âu Cơ. Và chắc hẳn Mẹ Âu Cơ vẫn quyến luyến Động Đình hồ phương Nam, quê quán Mẹ (4), cũng là vùng đất thuộc người chính nghĩa Lạc Long quân.
Thế rồi, Mẹ Âu Cơ lại rơi vào một bi kịch khác. Lần này, chính Người Cha Lạc Long quân chủ động chia tay Mẹ, vì tuy cùng là người Việt Phương Nam, nhưng mẹ vốn là tộc người (nhân tộc) khác. Cha Mẹ khởi nguyên của chúng ta, thuở ấy, tuy cùng là dân tộc Việt nhưng vẫn khác về nhân tộc, Âu Việt khác với Lạc Việt, khác nòi tộc nhưng chung một dòng giống Việt. Đây chính là bi kịch về sự khác biệt văn hoá tộc người trong đời sống vợ chồng.
Người Cha khởi nguyên của chúng ta nói cùng Mẹ, trong buổi chia tay đau đớn ấy:
“Ta là nòi Rồng đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia li. Ta đem năm mươi con về thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống biển, hữu sự báo nhau cho biết, đừng quên nhau” (5).
Không có nỗi buồn đau nào lớn hơn đối với một người phụ nữ!
Chàng về thiếp một theo mây
Con thơ để lại đất này ai nuôi...
Mẹ Âu Cơ không còn yêu Đế Lai, vì Đế Lai đã là vua lãnh thổ Phương Bắc, đã trở thành người Phương Bắc qua vài ba đời. Đó cũng là bi kịch về khác biệt lãnh thổ và dân tộc (6).
Bi kịch của Mẹ Âu Cơ của chúng ta là thế đó. Bi kịch ấy khai ngộ cho nghìn đời con cháu một nét chói sáng tuyệt vời về ý thức chán ghét kẻ xâm lược, cho dù đó là chồng mình (Đế Lai), và về lòng yêu chính nghĩa chống xâm lược, yêu người cùng nguồn cội dân tộc Việt Phương Nam (Lạc Long quân). Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ bi kịch về sự khác biệt tộc người trong cộng đồng các nhân tộc Việt Nam mà Mẹ Âu Cơ chịu đựng là cuối cùng của loại bi kịch ấy trên đất nước Văn Lang – Việt Nam chúng ta.
Nhưng dẫu sao, Mẹ Âu Cơ của dân tộc chúng ta, thuở cổ sơ cách đây hơn bốn ngàn tám trăm năm, cũng là một người phụ nữ chịu đựng đến hai bi kịch chia xa hai người chồng trong một đời người. Nếu chúng ta kính quý Mẹ ở nét chói sáng ý thức về chính – tà, kính cảm thông Mẹ ở nỗi phũ phàng của thực trạng trong nhận thức về sự khác biệt văn hoá tộc người giữa Âu Việt và Lạc Việt kia, cũng không thể nguôi quên niềm bi kịch đau thương này của Mẹ.
Và nhiệm mầu của đời Mẹ nữa! Liệu chúng ta đã cảm nhận hết chiều sâu của sự nhiệm mầu ấy?
Mẹ Âu Cơ là một người phụ nữ đã hai lần lâm vào cảnh bi kịch đời thường, như chúng ta đã biết. Nhưng Mẹ đã tạo nên một sự thật lịch sử hay chính xác hơn là sự thật về một khát vọng nghìn đời, có thật trong mỗi chúng ta: Khát vọng đại đoàn kết dân tộc. Khát vọng lớn lao này vốn nghìn đời qua đã thể hiện trong thành ngữ hằng ngày: tình huyết nhục, nghĩa đồng bào (tình máu thịt, nghĩa cùng sinh ra từ một bào thai chung). Hình tượng “trăm trứng – trăm con trai khôi ngô, uy dũng – Bách Việt”, hoàn toàn không bao hàm bào thai quái dị, mà chính là bào thai phi thường, chứa đựng ý nghĩa cốt lõi ấy. Mẹ Âu Cơ của chúng ta đã tạo ra một mầu nhiệm tuyệt vời: khái niệm “Đồng bào”.
Ngày Lễ Quốc Tổ, chúng ta hiệp giỗ các vị vua Hùng, con cháu mười tám thế hệ của Mẹ Âu Cơ, đồng thời mặc niệm về Người Mẹ Tiên, Người Cha Rồng khởi nguyên, bắt đầu của mọi bắt đầu thuộc về dân tộc ta, hẳn chúng ta không thể quên câu ca dao này:
Chàng về thiếp một theo mây
Con thơ để lại đất này ai nuôi...
Để từ câu ca dao như một lời dạo đầu ấy, chúng ta lắng sâu tâm hồn mình, thấu hiểu hết bao đau đớn trong tấn bi kịch cổ đại Mẹ Âu Cơ, và cũng từ đời Mẹ Âu Cơ, chúng ta tự hào về ý thức chính – tà (xâm lược – chống xâm lược), rút ra bài học về sự xâm lấn giữa các dân tộc chung một Tổ Thần Nông – Viêm Đế (hoàng đế cõi Viêm Giao), vốn được lãnh nhận cùng nhau màu da vàng sáng, nâu giòn, về lòng yêu cội nguồn Việt Phương Nam, đặc biệt là về khát vọng đại đoàn kết dân tộc Việt trong khái niệm “trăm trứng – đồng bào”.
TP.HCM., 9 : --12 : 20’, ngày 19-4 HB8
(14 tháng 3 Mậu tí HB8)
(1) Trần Thế Pháp và nhiều tác giả khác, “Lĩnh Nam chích quái”, bản dịch của Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, 1960 (?), tr. 43 – 45. Bản khác: “vui quên trở về”; “dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa”.
(2) Sđd., bản dịch Lê Hữu Mục.
(3) Sđd., bản khác: “tôn ti, các đạo cha con, vợ chồng”. Thật ra, em họ thúc bá lại lấy vợ cũ của anh thúc bá lại, đối với chúng ta ngày nay vẫn thuộc phạm vi loạn luân. Không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, luật tục “nối dây” giữa hai anh em ruột hiện vẫn còn tồn tại ở vài tộc người thiểu số (ví dụ anh ruột chết, vợ của anh ruột ấy bị bắt buộc phải trở thành vợ cả hoặc vợ thứ của người em ruột).
(4) Sđd., bản dịch của Lê Hữu Mục, hẳn chính xác hơn: “Thiếp vốn người Bắc”, có nghĩa là người Âu Việt, thuộc Động Đình hồ, gần biên giới phía Bắc của lãnh thổ Phương Nam (Xích Quỷ quốc = Nước Sao Đỏ [*]), chứ không phải “Thiếp vốn là người nước Bắc”, người của lãnh thổ bên kia sông Dương Tử. Xin đừng hiểu lầm Mẹ Âu Cơ của chúng ta là người Hán - Hoa. Xem: Đại Việt sử kí t (1697), bản dịch (3 tập), tập 1, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003,: Tổng luận của Lê Tung: “Kể từ khi Kinh Dương vương, họ Hồng Bàng nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hoá, vua thì lấy đức mà cảm hoá dân, giũ áo khoanh tay. Dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái bình cổ của Viêm Đế ư? Lạc Long quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc [Âu Việt? – ct.] mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ của người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã giàu thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có.
[*] Bị chú của chú thích (4): Quỷ là một trong hai mươi tám ngôi sao được gọi là “Nhị thập bát tú”.
(5) Sđd. và bản khác: giống nhau (chỉ khác cách sử dụng từ để diễn đạt, không có dị biệt về ngữ nghĩa).
(6) Trước thời điểm li thân cùng Cha Lạc Long quân, trong những quãng thời gian Cha Lạc Long quân về Thuỷ Phủ, Mẹ Âu Cơ cũng có khi nhớ về Bắc quốc (bên kia sông Dương Tử); thậm chí, mặc dù bấy giờ Đế Lai đã chết bởi thua trận, dòng vua Thần Nông cũng bị chấm dứt, và Bắc quốc đã bị xâm chiếm bởi Hoàng Đế, Mẹ Âu Cơ cũng có lần đã quay về nước ấy (tuy chỉ mới đến biên giới, thì đã bị Hoàng Đế chặn lại). Đó chỉ là nỗi hoài niệm và cuộc trở về một nơi chốn mà một thời Mẹ Âu Cơ đã sống, thuở Đế Lai còn làm vua ở đó. Xem lại chú thích (4): Mẹ Âu Cơ của chúng ta không phải là người Hán – Hoa (Bắc quốc).