Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây
TRỊNH CÔNG SƠN
Hắn là một thằng ngố bẩm sinh và đáng thương nhất trên cõi đời này! Người ta bảo hắn ngố, hắn không tức đã đành, đằng này hắn lại ngang nhiên thừa nhận: "đúng, mình ngố thật!" – thì thật sự là chuyện hiếm có.
Mà nào nó có ngố? Gia đình Thắng so với nhiều gia đình khác ở cái thành phố Nam Định này những năm "năm mươi" của thế kỉ trước, không thuộc loại giầu lắm, nhưng vì các cụ thân sinh hắn buôn vàng, nên cũng được liệt vào "hạng có máu mặt". Đã thế, bản thân Thắng lại đã từng được bố mẹ cho ra mở cửa hiệu riêng ở phố Cửa Đông. Từng là một "ông chủ" hẳn hoi cơ đấy! Phải nhắc lại rằng, thời buổi ấy, ngoài một số có điều kiện được tiếp tục học lên cấp III rồi đại học, thì số còn lại chúng tôi đều tìm con đường lập thân bằng lao động chân tay như kéo xe "ba gác", đun xe "goòng", đội đá, làm đường xá; thì mới hiểu viêc Thắng ung dung làm một ông chủ con, nó oai vệ như thế nào?!. Vậy mà không hiểu sao hắn lại thi được vào đại học và học yên ổn cho đến mãn khoá? Hắn tốt nghiệp loại giỏi hẳn hoi, cùng khoá với một "vị" sau này làm to lắm! Rồi hắn còn được Nhà Nước cho đi tu nghiệp ở Ba – Lan nữa chứ. Mà lại được đi tới hai lần cơ! Trong khi bạn hắn, thằng Vũ Huy Kính ấy, đang học Đại học Bách khoa thì ở quê có giấy gửi lên Trường, tố cáo là con địa chủ, yêu cầu trả về quê hương. Thế là Vũ Huy Kính trốn biệt. Mà trốn đâu được? Kính đành tìm một điếm canh đê bỏ hoang, chui vào đấy mà trốn. Hàng ngày đi làm công chính, kiếm miếng ăn qua ngày. Thế cũng là hạnh phúc cho Kính và những kẻ như Kính lắm rồi, chứ vác xác về quê theo như giấy gọi của quê hương, thì còn khốn nạn nữa!
Thế thì hắn – cái thằng Thắng ngố ấy, nó ngố ở chỗ nào?!. Chỉ so sánh hắn với thằng bạn đồng môn Vũ Huy Kính nói trên thôi, đã thấy hắn đâu có ngố? Gần đây, tôi có đem điều băn khoăn đó hỏi Thắng, được Thắng giải thích: Mình không biết cách che dấu lý lịch gì cả đâu! Nhưng bọn chúng mình là dân thành phố, "dễ chịu" nhiều, chứ ở nhà quê thì cũng chả thua gì thằng Kính đâu! Đúng thật! Điều đó thì đúng thật, vì tôi cũng là kẻ sống ở thành phố, nên tôi biết.
Vậy nhưng vẫn phải thừa nhận là... hắn ngố thật! Trước hết phải kể đến cái ngố trong việc hắn lấy vợ. Vợ hắn không phải là mối tình đầu của hắn. Mối tình đầu hắn gửi vào một cô gái học cùng lớp với em gái hắn, thường xuyên đến chơi, ăn ở nhà hắn như em út trong nhà. Cô ấy cũng có cảm tình với "anh trai bạn". Bằng cớ là cũng hay "nũng niụ" ông anh lắm. Và khi cô này đi học nghề nấu ăn xa nhà, đã thư từ cho hắn, lại còn gửi cho hắn cái món ăn đầu tay do cô tự làm! Nhưng hắn nhát (thời ấy bọn tôi ai chả "nhát gái"!). Đến khi hắn được đi Ba Lan học, hắn đã viết không biết bao nhiêu là thư gửi về cho nàng. Chỉ có điều hắn không hề nhận được hồi âm, mặc dầu suốt một thời gian dài, khi hắn mới bước chân ra đi, "nàng" cũng có viết thư gửi về địa chỉ cơ quan cho hắn. Thì ra, những thư hắn gửi, đều bị cái cô bạn đồng nghiệp giữ lại cả - bởi vì cô ấy cũng là con gái, cũng biết yêu. Mà một thằng trai như hắn, sao lại không đáng yêu?!.
Thế là mối tình đầu đó không thành. Người trong mộng đi lấy chồng. Rồi người trong mộng bị chồng bỏ! Đúng lúc ấy thì hắn từ Ba Lan về. Hắn vẫn chưa có mảnh tình nào. Thấy hoàn cảnh cô như vậy, hắn rất thương. Và hắn không chỉ "thương môi thương mép", mà thực sự muốn cùng nàng kết lại "đường tơ xưa lỡ đứt". Nhưng nàng cao thượng quá, nàng nghĩ: anh ấy là người đàng hoàng như thế, lại còn "trai tân", làm sao nỡ bắt anh phải chịu lấy "vợ thừa" của người khác? Thế rồi, để hắn khỏi vương vấn, nàng vội vàng quyết định lấy chồng lần thứ hai. Lấy ai cũng được, nàng nghĩ thế - cốt sao đừng để anh ấy (tức anh chàng Thắng ngố của chúng ta) còn bận lòng về nàng!
Sau lần ấy thì hắn lấy vợ. Đó là vợ một... liệt sỹ! Hắn lấy không phải vì tình! Vì thương người đàn bà ấy một phần, phần khác, hắn coi việc lấy cô là thực hiện một chính sách hậu phương, mà hắn phải có trách nhiệm đóng góp, bởi trong cuộc sống này, hắn quá được ưu ái rồi! Hắn không thể ích kỉ đến chỉ biết có hưởng thụ, mà còn làm tốt nghĩa vụ công dân nữa chứ! Nói về "nghĩa vụ công dân", không thể kể chuyện này: Người ta đi nước ngoài, thì ngoài việc học, ai cũng lo làm chút kinh tế, để khi trở về nước sống đỡ vất vả. Hắn đi nước ngoài, lại là đi Ba Lan, đi tới hai lần lận; vậy mà hắn mang về toàn những sách là sách! Một chút quà cho bố mẹ, cho các em, cũng là do bạn bè hối thúc, chứ cả như hắn, "được Nhà Nước cho đi học thế này là tốt lắm rồi, không nên lợi dụng"!
Nhưng cuối cùng thì người vợ ấy cũng bỏ hắn. Cô ta không chịu được những tính cách "ngố" của chồng. Chính Thắng thừa nhận với bọn tôi thế mới khổ thân hắn chứ! Không ngố mà sao một kỹ sư có thâm niên, lại hai lần du học ở Ba Lan về đúng cái ngành nghề đang làm, khi bị lãnh đạo họp cơ quan, gợi ý vận động giảm biên chế cho thích nghi với tình hình mới, hắn lại xin nghỉ hưu non? Hắn đâu có thuộc đối tượng cần giảm biên chế. Đối tượng là những người không có bằng cấp, nghề nghiệp cơ. Nhưng hắn... "xung phong"!?. Lãnh đạo cơ quan ngạc nhiên lắm, nhưng họ cần có người "đầu tầu gương mẫu" nên đồng ý ngay! Lúc đầu người ta còn tưởng hắn chắc là có cao kiến gì đây, cơ chế đang thoáng thế này, hắn ra làm tư, kiếm tốt hơn nhiều. Khối người đã làm thế đấy thôi, cần gì cứ phải bám mãi vào Nhà Nước?
Nhưng mọi người nhầm! Hắn về hưu non, non luôn cả mọi mánh lới sống trong cái cơ chế đang chuyển đổi khôn lường này. Hắn không biết làm bất cứ một việc gì để có thể kiếm thêm cho vợ con lấy một đồng bạc lẻ. Cái khả năng làm kinh tế thời hắn là "ông chủ nhỏ", đã tắt ngấm trong cơ thể hắn tự lâu, rất lâu rồi! Trong đầu hắn bấy nay là sự khinh miệt lối làm ăn tư hữu, thu vén cá nhân,... Truyền thống kinh doanh của gia đình, với hắn, đến nay cũng đã thui chột hết! Hắn sẵn sàng đổi ngang giá gian nhà tập thể tầng trệt cho gia đình anh bạn cùng cơ quan, để dọn lên tầng trên, ở cho yên tĩnh. Vì hắn rất ghét thói buôn buôn bán bán của "bọn con buôn"! Với chuyên môn khá giỏi của hắn, kèm với những mối quan hệ sẵn có, sau khi nghỉ cơ quan Nhà Nước, hắn hoàn toàn có đủ khả năng thành lập doanh nghiệp riêng. Nhưng hắn đã không thành lập. Bởi hắn nghĩ: làm thế thì ra mình đi cạnh tranh cả với đồng nghiệp cũ của mình sao? Như thế bất tiện quá! Sao nỡ vậy?
Khi vợ hắn chán hắn đến không thể chịu nỗi, cô ấy đòi ly thân. Hắn cho rằng cô ấy giận thì nói vậy thôi, chứ chẳng gì cũng đã có "mấy mặt con" với nhau rồi... Thôi thì cứ tạm vậy một ít ngày!... Trong thời gian tạm ly thân đó, hắn vẫn lấy quần áo của vợ, con đi giặt – thì hưu rồi, có việc gì đâu mà chả giúp vợ con một chút? Cô vợ kêu lên: người đâu người đời! Đàn ông đàn ang ai lại đi giặt cái đồ của phụ nữ! Thôi lần sau đừng có động vào, tôi không khiến! Chẳng trách thiên hạ họ gọi là ... ngố! Hắn lẩm bẩm: "Thế mà cũng gọi là ngố à?". Đến khi vợ hắn đưa đơn xin ly dị, hắn vẫn tưởng thị "thử thách" hắn chút thôi, nên hắn hạ bút ký liền. Mấy ngày sau, toà án gọi, hắn mới giật mình: "hoá ra cô ấy làm thật?". Ly dị đến cả chục năm rồi, mà hắn vẫn như người trong mơ! Luôn luôn hắn vẫn dự đoán, rồi vợ hắn sẽ nghĩ lại thôi, chẳng gì cũng đã có "mấy mặt con" với nhau! Rồi hắn lại tự nhủ, thôi, cô ấy muốn bỏ thì đó là việc của cô ấy; còn mình, mình vẫn phải thực hiện tốt "chính sách hậu phương quân đội", nghĩa là không bao giờ được quên, cô ấy vốn là vợ liệt sỹ!
Bây giờ thì hắn sống một mình, cô đơn giữa gian nhà tập thể mà hắn vừa mua lại bằng số tiền cô vợ trả cho hắn, để mẹ con cô được sử dụng toàn bộ căn hộ họ đang ở. Ra khỏi ngôi nhà quen thuộc, gắn bó bấy lâu nay, hắn mới thật sự nhận ra: mình bị vợ con bỏ thật rồi! Căn buồng mới này nhếch nhác quá, thiếu đủ mọi tiện nghi. Thì tiền có thế, làm sao khác được? Nhưng cái thiếu nhất đối với hắn lúc này đâu phải là tiện nghi, mà là một cái lớn lao hơn rất nhiều, lớn lao đến mức ở cái tuổi gần thất thập này, hắn không còn khả năng cũng như hứng thú để làm lại. Đó là một gia đình!
Qủa Hắn là một thằng ngố bẩm sinh và đáng thương nhất trên cõi đời này!