Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.240
123.154.580
 
Đôi điều về “ĐÔI ĐIỀU CẦN NÓI VỀ…” của Mang Viên Long.
Inrasara

“Sẽ không có cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trong tương lai gần”, là tham luận đọc tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, ngày 25.8.2006; báo và Internet đã năm lần đăng lại. Anh Mang Viên Long “đôi điều” là về bản đăng ở tạp chí Nhà văn, số 03.2008. Vấn đề anh nêu ra, tôi đã giải minh thấu đáo từ hai năm trước, trong bài “Góp nhặt sỏi đá” in một phần ở báo Văn nghệ, 20.9.2006, Tienve.org đăng toàn văn ngày 26.08.2006.

 

Trao đổi, tôi rất ngại bị đẩy chệch ra khỏi đường biên văn chương. May quá, anh Mang Viên Long đã không thế; nhưng rủi thay, tất cả vấn đề anh “đôi điều” với bài viết trên đều sai. Xin được tuần tự:

 

1. “Tại sao gọi là ‘kẻ’… Nghe xa lạ và vô ơn quá!”.

 

- “Kẻ” theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học, 1997): 1. Người hoặc những người như thế nào đó, nhưng không nói cụ thể là ai. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Kẻ đàn anh. 2. Người hoặc những người như thế nào đó, nhưng không nói cụ thể là ai, nhưng hàm ý coi thường, coi khinh. Kẻ xu nịnh. 3. … Kẻ ở người đi…. 4… Như vậy là “kẻ” trung tính chiếm ¾ nghĩa Từ điển!

 

- Nguyễn Hữu Hiệu dịch Van Gogh [tự nhận]: “nhưng anh, kẻ khổ đau…”; hay viết về Rilke: “Rilke là kẻ suốt đời…”. L’Étranger được dịch là Kẻ xa lạ.

 

- Trong các bài viết của mình, đa phần tôi dùng cụm từ “kẻ sáng tạo” để chỉ người sáng tác rất ư là… trung tính, cho dù các mệnh đề sau đó mang nghĩa tiêu cực hay tích cực. Riêng ở đây, tôi nói về những nhà thơ đương đại đang sáng tác theo “truyền thống”. Nên, không có chuyện “vô ơn” thất nghĩa ở đây cả!

 

Bảy lần kinh qua bảy Ban biên tập khác nhau, rồi sau gần hai năm xuất hiện, không nhà nào gợi ý bảo tôi thay đổi hay góp ý chi cả; chỉ mỗi anh Mang Viên Long là “kẻ” duy nhất “nghe xa lạ”. Lạ!

 

2. “tuyệt đối không được dẫm đạp, khinh thường (thậm chí nặng lời) với quá khứ…”

 

Tôi chưa bao giờ khinh thường quá khứ, chứ đừng nói “dẫm đạp”. Trong nghiên cứu lẫn phê bình, trong nói cũng như làm. Ví dụ với Chăm, tôi làm Tủ sách Văn học Chăm 10 tập, trong đó 8 tập thuộc văn học quá khứ (truyền khẩu và viết) của tộc mình. Tôi lang thang khắp thôn cùng xóm tận thu nhặt từng dòng ca dao, câu tục ngữ,… đầy nâng niu trìu mến. Với Việt Nam, cứ xem các nhận định trong mấy chục tiểu luận của tôi về thơ của thế hệ cha anh thì đủ biết. Riêng thơ Việt đương đại, tôi đã có 50 bài phê bình giới thiệu, trong đó ¾ là tác giả sáng tác theo “truyền thống”. Đầy trân trọng và trang trọng đến long trọng. Tôi “đậm đà truyền thống” quá đi chớ!

 

3. “Nó không có tội gì – và cũng không phải là vô ích, đã “làm hỏng bầu khí quyển khí quyển thơ mà không tự biết” như lời ông đã viết”.

 

Tôi cho sáng tác theo truyền thống “làm hỏng bầu khí quyển khí quyển thơ”, bởi “các loại thơ này đang độc quyền mặt bằng thơ Việt”. Tôi gom vào nhóm truyền thống: thơ lục bát, Thơ Mới, thơ tự do vần và không vần,… Chúng khác với thơ xu hướng mới: tân hình thức, hậu hiện đại, nữ quyền luận,… là các loại thơ hoàn toàn không có chỗ đứng trên văn đàn chính lưu. Sự thể này dẫn đến ba hậu quả tai hại: độc giả nhàm chán thơ, thơ Việt không chuyển động và nhất là, sự thiếu công bằng trong nhìn nhận.

 

Về quan điểm mình, tôi viết rất rõ:

“Rừng thì có cây to cây bé, cây cao cây thấp; cổ thụ cần mà loại dây leo kí sinh cũng cần nốt. Một nền thơ cũng vậy. Đâu phải cứ muốn là được. Không thể nằm mơ sáng mở mắt thấy trắng bong mọi loại thơ đồng phục khắp các mặt báo. Thơ Áo trắng, Mực tím cần, thơ đậm đà bản sắc cũng cần; lục bát cần mà Đường luật cũng nên có; thơ của câu lạc bộ thơ Phường có mặt không thừa bên cạnh thơ trên báo Văn nghệ hay Tạp chí Nhà văn; và như thế, thơ tân hình thức, hậu hiện đại cũng phải được đề huề vui vẻ sánh vai. Mới đích thị là một nền văn học công bằng và lành mạnh. Chứ các bác vỗ ngực ỉ lại hay cậy thế gần nhà ta đây rậm dày truyền thống để dọc ngang độc quyền mặt bằng thơ đất Việt thì, chẳng những nhà bác bóp chết mầm thơ của người thiên hạ thôi mà còn tự buộc tay chân mình đầy tệ hại, cực kì tệ hại nữa!”

 

Tôi chưa hề phát biểu to con kiểu như: “hãy chôn Thơ Mới” hay “chôn phứt quá khứ để lên đường”,… ở đâu cả.

 

4. “Viết sao cho hay” thì đã ngầm chứa sự “cách tân, đổi mới – từ hình thức đến nội dung” rồi còn gì?”

 

Nó không ngầm chứa gì cả!

“Rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay”, là sai lầm đầy ngộ nhận mà không tự biết. Bởi, nói quyết liệt như E.Pound: Không có bài thơ hay nào được sáng tác bằng phong cách đã hiện hữu cách nay hai mươi năm!

 

“Nhưng thế nào là hay? Thử điểm qua vài giọng thơ Việt của thế hệ qua và phản ứng của các đại biểu của chúng. Tại sao các thế hệ thơ không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ, nhà thơ hàng đầu nữa? Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; Xuân Diệu được cho là ông hoàng Thơ Mới, nhưng chỉ mươi năm sau thôi ông hoàng đó cho thơ Nguyễn Đình Thi là lủng cà lủng củng. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Cứ thế, tiếp tục chương trình… ” (“Góp nhặt sỏi đá”).

 

Giả dụ thuở đó ta cứ nghe quý ngài bảo thủ “viết sao cho hay” như Xuân Diệu mãi đi thì miền Bắc làm gì có [cách tân, đổi mới như] thơ tự do không vần? Hay ở miền Nam cứ tin Nguyễn Hiến Lê, thì nhóm Sáng Tạo đâu làm nên cuộc cách mạng thơ. Vụ này thì tôi có thể dẫn ra vô thiên lủng điển hình [tiên tiến]!!!

 

Vậy đó, cái hay của Thơ Mới hoàn toàn toàn khác cái hay của thơ tự do hoàn toàn khác cái hay của thơ hậu hiện đại…

 

5. “Nhà thơ (nhà văn – nói chung) anh cứ sáng tác – chỉ biết sáng tác, theo quan điểm, lập trường; theo khả năng của riêng mình – còn “gọi là gì” thì nên dành cho người đọc, cho quý nhà phê bình, cho lịch sử văn học mai hậu”.

 

Nếu thế, đích thị là sáng tác cảm tính rồi còn gì. Một nền văn học cảm tính thì sẽ đi về đâu? Thực tế, các nhà văn lớn trên thế giới, chẳng những chỉ lo sáng tác thôi mà còn [ý thức sâu thẳm hay làm] lí luận nữa. Apollinaire nhà thơ song hành Apollinaire nhà lí luận phê bình; ông cũng không chỉ phát ngôn cho thơ thôi mà còn cho cả hội họa. Rồi Paul Valéry, J-P.Sartre,…

Có ba dạng sáng tác: dạng viết hoàn toàn theo cảm tính, dạng song hành với hay đi sau lí luận [của kẻ khác], và cuối cùng là dạng lí thuyết đi trước sáng tác. Cézane bậc thầy ấn tượng, nhưng sau một thời gian ông từ chối chính trường phái đó để lao mình vào hậu ấn tượng. Ông lớn thế nào thì khỏi bàn.

 

Christofer Fredriksson: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng. Nhưng dường như ở Việt Nam các nghệ sĩ ít thích bàn về điều này, họ thường thích làm tác phẩm hơn là nói về các tác phẩm của mình. Họ cho rằng tự tác phẩm đã nói lên điều đó. Nhưng ở trường chúng tôi lại khác, khi một nghệ sĩ làm nghệ thuật thì điều đầu tiên họ phải được học về các vấn đề lí luận nghệ thuật. Sau đó họ bắt đầu viết các dự án nghệ thuật thành các bài viết, rồi mới đến công việc thực hiện các ý tưởng đó. Công việc này được lặp đi lặp lại trong các năm học. Do đó khi một người nghệ sĩ ra trường có nghĩa là họ đã có một năng lực lí luận nhất định”.

Ít bàn, ông nói, nhưng thực ra là: không bàn, không muốn bàn, không dám bàn vì, không khả năng bàn, thậm chí – dị ứng với lí luận. Người làm văn học-nghệ thuật chúng ta luôn dừng lại ở phong trào là vậy. Đa phần nhà thơ Việt Nam luôn chịu định mệnh một bài, một tập, là thế. Không thể đi xa… Không ít sáng tác có dấu ấn là sáng tác ăn may, ăn mòn vào năng khiếu “trời cho”. Một nhà thơ ăn may, thì nó sẽ đến đâu?” (Inrasara, “Nhà thơ và vấn đề lí luận”, Vanchuongviet.org, 30.11.2006).

 

Các trào lưu nghệ thuật Pháp thế kỉ XIX và nửa bán thế kỉ XX, chính chúng làm cho nền nghệ thuật Pháp phát triển đa dạng đầy lí thú, từ đó tác động mạnh đến thế giới. Ai dám phản bác sự thật lộ thiên này? Còn hội họa Việt Nam [nếu] từ chối tiếp nhận chúng, thì nó sẽ ra sao? Thực tế sáng tác, cứ so đọ hai nền này cũng đủ biết. Và văn học nữa? Nếu chúng ta sáng tác không cần thuyết lí mà văn học ta đại to cồ hơn văn học người thiên hạ đi, thì không cần bàn. Đằng này…

 

“Thử ngó sang siêu thực vào những năm 20 của thế kỉ XX ở Pháp. Các khuôn mặt trẻ sáng giá của thi ca Pháp thuở ấy: A.Breton, P.Éluard, Aragon, Soupault, T.Tzara,… và cả R.Char tụ tập, sinh hoạt và sáng tác xoay quanh ngọn cờ Tuyên ngôn siêu thực (1924), đã làm nên cuộc cách mạng lay chuyển thi ca Pháp, sau đó – thế giới. Cho nên, dù chủ nghĩa siêu thực với tư cách một trào lưu sớm lụi tắt, và các thành viên của nó đã tự phân rã để mỗi người tìm lối đi riêng cho mình, nhưng các sáng tác thuộc hệ mĩ học siêu thực thực sự để lại dấu ấn rất đậm trong tiến trình phát triển thi ca nhân loại. Mãi tận hôm nay, bút pháp siêu thực vẫn còn được nhiều kẻ sáng tạo vận dụng.” (“Góp nhặt sỏi đá” - chú ý: ở đây tôi lại “kẻ”!)

 

Và Mỹ ở hậu bán thế kỉ XX. Chính các trào lưu thơ trương nở, thơ ngôn ngữ, thơ tân hình thức, hậu hiện đại,… vân vân đang ảnh hưởng mạnh đến văn chương thế giới đấy chứ. Còn ở Việt Nam mình, sáng tác bất cần lí luận, có tác phẩm nào tác động đến ai không? Chớ nghĩ ta ngôn ngữ nhược tiểu! Hãy ngó sang Kierkegard của Đan Mạch bé tí đi…

Đoạn văn trên trả lời luôn cho ý kiến sau:

 

6. “Thơ không cần “tuyên ngôn đao to / búa lớn” (kinh nghiệm ở phương Tây loại này không tồn tại được lâu dài)… mà chỉ cần mỗi người ý thức được sứ mệnh của mình, khát vọng của mình – mà ngày đêm nỗ lực cống hiến cho người đọc, cho văn học… những tác phẩm ngày càng sâu sắc, trí tuệ và truyền cảm hơn mà thôi!”

 

Cống hiến cho văn học? Nếu mãi Hát nói với lục bát, thì làm gì có Thơ Mới tám chữ hay mười hai chân? Rồi nếu cứ Thơ Mới [mà đè ra làm] kéo dài, thì văn học sử Việt Nam có thơ tự do không? Nhóm Sáng Tạo không từng “đao to” tuyên ngôn và sáng tác theo tuyên ngôn “búa lớn” đó sao? Họ không đã là “truyền thống” cho các nhà thơ hôm nay ư?

 

Cống hiến cho văn học Pháp không phải là các tác phẩm lớn thuộc cả chục trào lưu từ hiện thực, lãng mạn, tượng trưng cho đến siêu thực, hiện sinh sao? Còn ví cứ nhè hiện thực, lãng mạn mà “sáng tạo” mãi thì nền văn học kia nhích tới đâu? Nó có ảnh hưởng đến thế giới như nó đã [trong đó có Việt Nam] không?

 

7. Trào lưu

 

“kinh nghiệm ở phương Tây loại này không tồn tại được lâu dài”

 

Đúng lăm lắm. Bởi chúng đâu cần tồn tại lâu dài. Đơn giản: có mặt lâu dài, chính nó tạo thành lực cản ngăn sự phát triển của văn học! Và nó tạo ra lực lượng cầm bút bảo thủ mới. Hãy nghĩ đến vụ Xuân Diệu chê bai thơ Hàn Mặc Tử giai đoạn sau.

 

“Dị ứng với lí thuyết không gì hơn là tâm lí phản trí thức, một thái độ phản [chuyển] động trong nhìn nhận sáng tác văn học. Bởi chính lí thuyết [bên cạnh là các trào lưu] làm nền tảng cho sáng tác chuyên nghiệp. Tránh cho nhà thơ cái hủ tục sáng tác như là một thói quen dễ dãi, hời hợt. Từ đó hụt hơi lãng nhách.

Ở các nước phương Tây, những trường Lãng mạn - Romantisme, Hiện thực - Réalisme, Tượng trưng - Symbolisme, Siêu thực - Surréalime, Thơ Tân hình thức - New Formalism, Thơ Mở rộng - Expansive Poetry, Thơ Tân truyện kể - New Narrative Poetry,… nẩy nở và phát triển, trùng trùng điệp điệp. Vừa bởi các nhà lí thuyết, vừa bởi chính nhà thơ. Chúng được khai sinh, lan rộng và biến mất. Từ Âu sang Á, từ Nam Mĩ sang Bắc Phi, từ Pháp quốc sang Nhật Bản. Và cả… Việt Nam. Chúng không chết hay bị chôn vùi trong nghĩa trang văn chương chữ nghĩa, như lâu nay chúng ta từng dè bỉu. Cần xem chúng như là những cuộn sóng, những xoáy nước trong dòng sông lớn của thi ca nhân loại. Chúng lặn đi, để sẵn sàng khai sinh đợt sóng mới, đột biến và bất ngờ, góp phần làm nên hình ảnh đẹp của dòng sông. Chúng tồn tại mãi mãi.”

(Inrasara, “Thơ, nghĩ & viết”, 02.2003).

 

8. Viết và đọc

 

Đọc và thưởng thức là một chuyện, còn sáng tạo là chuyện hoàn toàn khác. Tạm lấy “điển hình” cá nhân tôi đi, vẫn say mê Truyện Kiều, thơ Đường, vẫn yêu thơ tự do Thanh Tâm Tuyền, lục bát Phạm Thiên Thư; nhưng tôi hoàn toàn sáng tác khác. Khác hay là chết. Đó là chuyện bất đắc bất nhiên trong văn chương.

 

Văn chương khác với thời trang, khi nó đã hay thì nó thành cổ điển. Người đời sau vẫn thưởng thức cái cổ điển đó. Nhưng đã là kẻ sáng tạo, bạn không được đi theo vết mòn vạch sẵn. Sự khác biệt [về phong cách, thi pháp, hệ thẩm mĩ] làm nên giá trị của văn chương. Chính nó mới là “cống hiến” đích thực cho văn học và người đọc.

 

Người đọc nữa? Người đọc nào? Thập niên qua, bao nhiêu là hệ mĩ học ra đời, chúng phân hóa độc giả làm nhiều khối khác nhau. Nhân danh thành phần độc giả này để từ chối các thành phần còn lại, chẳng những chúng ta - nhà phê bình - tự hạn chế tầm mắt mình thôi mà còn gây trì trệ đến phát triển văn học nữa.

 

“Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thơ số Mùa Xuân 2006, tôi nói: “người đọc cần phải được đào tạo”! Bởi, các thế hệ độc giả hôm nay và cả tương lai gần chưa được chuẩn bị tinh thần đón nhận cái mới [nên mỗi lần đọc phải cái xa lạ là giật mình thột], chưa trang bị tri thức cơ bản để hiểu cái mới,  bên cạnh đó thông tin đại chúng không công nhận (in, đăng báo, giới thiệu) các sáng tác [theo hệ mĩ học] mới, thì người đọc không thể tiếp nhận chúng thì có chi lạ.

 

Đâu phải cái mới nào cũng hay. Phải qua bao nhiêu cuộc sàng lọc mới đọng lại vài cái đáng lưu kho. Qua thẩm định của người đọc đặc tuyển, nghĩa là kẻ được trang bị vốn hiểu biết về hệ mĩ học văn chương đó, đánh giá hay/dở từ số lượng khổng lồ các tác phẩm thuộc hệ mĩ học đó. Và còn phải qua thẩm định của thời gian nữa.” (“Góp nhặt sỏi đá”).

 

Sài Gòn, 01.05.2008.

Inrasara
Số lần đọc: 3891
Ngày đăng: 02.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi điều cần nói về : Không có cuộc Cách mạng Thơ trong tương lai gần của Inrasara - Mang Viên Long
Đọc MÙA HOÀNG HOA của MAI TRÂM : Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn(1) - Lê Vũ
Lục bát Trần Vạn Giã :Thả thơ theo ngọn gió bay - Võ Quê
Chiêu tuyết cho nàng Hoạn Thư - Hà văn Thùy
Ngô Liêm Khoan sớm thoát “máng xối”… - Phan Hoàng
Từ Cửa mở đến Cửa đã mở * - Đặng Huy Giang
Trần Đại Nhật là người làm thơ mang hai dòng máu Hàn-Việt. - Hồ Ngạc Ngữ
Hãy nằm im và lắng nghe những vũng nước xanh lơ xôn xao trong đầu - Cổ Ngư
Suy nghĩ về tập thơ Mắt Giấy của Nguyệt Phạm - Nguyễn Đức Hiệp
Sách vi phạm tác quyền dự thi Tiểu thuyết VN lần 3 - Thanh Huyền
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)