Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.162.319
 
Hồi ức Xóm Nghĩa Địa
Ngữ Yên

Ngày hai buổi trên chiếc xe đạp cà tàng chở tàu hủ ra chợ phố huyện cho vợ ngồi bán.Hắn cũng có một đời sống tương đối ổn định để nuôi vợ con. Người ta thấy sau khi bỏ tàu hủ xong, hắn chong đèn ngồi hí hoáy viết tới khuya, trưa trưa hay nằm võng đong đưa dưới gốc mít cầm những quyển sách cũ kỉ rách nát dầy như cục gạch - lâu lâu gặp chỗ đắc ý hắn tợp một ngụm trà ngâm nga như lời kệ.

 

Người dân xóm Nghĩa Địa nầy sớm hôm tất bật với miếng ăn, chữ nghĩa chưa đầy lá mít làm sao hiểu nổi ý tưởng thần thánh của hắn, nhưng thấy hắn như vậy nên ai cũng nể. Hắn thường nói với bạn bè ở xóm là mình như con rồng chưa gặp hội, còn nằm dưới đất chờ thời.

 

Từ từ hắn cảm thấy mình là siêu phàm , toàn lời nhả ngọc phun châu ? còn nghề bán tàu hủ xem ra trần tục quá ,nên lơ là việc làm ăn ,bỏ mặc con vợ tất bật sớm hôm, hắn xem mình như thi gia ngày ngày nằm nghêu ngao trà rượu ,xem sách thánh hiền?

 

Xem và nói là nghề của hắn ( kể cả nghề bói toán - xem chỉ tay ) nên cũng có người thán phục trong đó có ông bạn hàng xóm vốn là cán bộ xã mê những câu chuyện đông tây kim cổ của hắn, một hôm trong lúc trà đàm ông nói:- Anh có tài ăn nói ,tôi quen ông trưởng phòng văn hoá để giới thiệu anh vào làm. Mỗi ngày ngữa tay nhận từng đồng của vợ uống cà phê riết cũng tủi thân .Nay có một nghề nghiệp đúng sở trường,như đại hạn gặp mưa rào hắn mừng khấp khởi cám ơn ríu rít!

 

Hắn vào làm ai ai cũng thích vì mồm mép nhanh, có mấy tài vặt như đờn ca lẹt quẹt, cắt chữ, đặc biệt hắn làm thơ cổ động, khẩu hiệu  rất nhanh. Có tài xuất khẩu thành thi trong chớp mắt ? Như ca ngợi điện khí hoá nông thôn khi xã nhà có đèn đường cháy sáng rực:

 

Đêm nay trăng sáng như gương

Nhưng thua ánh sáng đèn đường xã ta !

 

Đặc sản quê hương hắn làm cũng khéo? :

Quê em thịt luộc bánh canh

Rau sống bánh tráng mời anh đến cùng.

 

Xem ra chuyện gì hắn viết cũng được, nhưng bốc nhất vẫn là câu thơ cổ động kế hoạch hoá gia đình ai ai cũng thuộc , ngành y tế  rất hả hê:

 

Trai khôn tìm gái đặt vòng

Gái khôn tìm chồng thắt ống dẫn tinh!!

 

Ở vùng quê nầy gặp được người như vậy quả là của quý, ông trưởng phòng mừng ra mặt, rất tự hào.

 

Tuy vậy hắn cũng chưa hài lòng với thực tế cho rằng mình là kình ngư mắc cạn, con cá lớn còn nằm trong hồ chật chội chưa ra được biển cả thì ai thấy được những cú vẩy đuôi uốn lượn tuyệt đẹp của chúng. Từ đó Hắn đâm ra tự phụ kiêu ngạo, xem anh em cơ quan là bọn nhà quê không biết gì, nói năng chả ai hiểu. Mọi người lúc đầu quý hắn nhưng với giọng điệu khinh khỉnh đó không ai chịu nổi nên dần dà cũng chán.Hắn trở nên cô độc (nhưng cho rằng người tài thường bị  đố kỵ).

 

Cô đơn hắn lấy chữ nghĩa làm niềm vui, lao vào say mê viết lách gửi ào ào đi hằng chục tờ báo. Hắn viết dễ như lấy đồ trong túi ra ( tuy rằng vàng thau lẫn lộn) sức viết của hắn quả thần tốc

ai cũng phục .Hắn cho rằng có chí thì nên, cứ giăng câu có ngày cũng dính một con cá, thật vậy lâu lâu cũng thấy có một vài bài của hắn được đăng.

 

Ngày ấy ,Tỉnh nhà đang phát động phong trào đào kênh rầm rộ, hắn liền lao vào trận tuyến ,ăn ngủ cùng dân công,viết bài gửi đi như tầm ăn rỗi và sáng tác ngay khẩu hiệu : Đào kênh là hạnh phúc của mỗi gia đình. Panô được treo khắp nơi làm hắn nỗi như cồn .Được mời ra Toà soạn dự hội nghị cộng tác viên , được bắt tay ông Tổng biên tập, các quan trên Tỉnh… hắn liền nhanh trí chụp ngay mấy pô hình làm kỉ niệm. Thời gian sau,không biết thế nào mà người ta thấy hắn ra vô Tòa soạn thường xuyên như một phóng viên chính thức.

 

Vào Toà soạn,như cá gặp nước hắn bắt đầu bơi ! hắn viết liên tục là một tay cực kì nhạy bén: lễ lộc ,truyền thống nào cũng có thể viết được, rất nhanh,viết như người trong cuộc, thậm chí có người tưởng hắn là cán bộ kháng chiến! Khi ấy ông bạn thân của hắn mới cười khì trả lời dùm: - Kháng chiến gì, nó bị động viên đi lính ,sau đào ngũ về như tui vậy thôi.

 

Một hôm, thằng bạn xóm nghèo Nghĩa Đia ra chơi lật lật xem xem bài của hắn và hỏi: - Sao nay ông viết khác xưa? Mấy bài ngày xưa tôi nghe đươc lắm. Hắn khề khà: - Thời buổi nầy mà viết cái loại triết lí hoang tưởng đó có nước cạp đất mà ăn. Chuyện nầy chỉ có ông Bùi Giáng mới làm nổi thôi, tớ phải trở về thực tại để sống cậu ạ! Có thực mới vực được đạo.

 

Ông bạn nghe hắn dạy đời, liền cười khẩy nói  : - Đạo của ông chắc có ngày trở thành tà đạo hoặc vả chỉ là tên bồi bút mà thôi.

 

Đi đêm có ngày gặp ma, hắn viết nhiều quá không kịp suy nghĩ nên hay bị lỗi nhịp : Có lần viết bài cho nhà văn lão thành cách mạng,hắn cao hứng lại vẽ vào cho ông phì phà điếu thuốc,ổng điện vào chỉnh hắn vì từ xưa đến giờ ông có biết hút thuốc đâu. Còn chuyện người tốt việc tốt hắn lại vẽ một chiêu cho chị phụ nữ xã đi xe đạp vận động học sinh ra lớp. Tới bữa tổng kết phong trào thì mới rõ bà nầy đâu biết đi xe, mọi người cười khúc khích, hắn mắc cở quá thu vội một số báo biếu rồi chuồn thẳng một nước.

 

Nhiều chuyện như thế người ta đặt cho hắn một bút danh là Thợ vẽ ! hắn chả buồn phiền quan tâm gì cả,có ai hỏi hắn chỉ cười hề hề sổ một câu chữ Nho :- Nhân vô thập toàn mà mấy cha, báo Trung ương còn sai huống hồ mình báo rày địa phương, nhuận bút bao nhiêu mà đi nổi?

 

Từ hồi hắn ra Tỉnh làm việc, ít khi trở lại xóm Nghĩa Địa nghèo khó năm xưa người thân bạn bè muốn liên lạc với hắn cũng khó ( di động thì hai, ba số thường xuyên tắt máy ).Lâu lâu địa phương hay bà con có nhờ giúp vài chuyện ….cũng tránh né. Do đó ,thỉnh thoảng Hắn có về thăm gia đình nhưng chỉ đi ban đêm rồi sáng sớm chuồn thẳng không dám gặp mặt ai. Có lần ông trưởng phòng văn hoá huyện về họp  trên Tỉnh gặp mặt hắn giận quá mắng cho một trận :- Mầy là thằng vong ơn bội nghĩa, ăn cháo đá bát, đừng về xóm Nghĩa địa nữa nghen?

 

Hắn không giận chỉ cười hề hề nên mọi chuyện cũng qua.

 

Năm xưa, lúc cơ hàn có thằng bạn nối khố xóm Nghĩa Địa, khổ quá cù bơ cù bất, cũng biết chút đỉnh văn chương hắn kêu vào cộng tác toà soạn, thằng bạn mừng quá viết bài ào ào như hắn khi xưa định kiếm chút đỉnh cháo rau cho vợ con. Viết liên tục mấy tháng trời mới đạp xe cọc cạch ra toà soạn lãnh tiền nhuận bút, gặp cô thư kí bảo : - Tiền của anh, anh Thợ vẽ lãnh dùm rồi.

 

Thằng bạn chưng hửng, giận nói:- Tôi có biết anh Thợ vẽ nào đâu, tôi viết bài thì toà soạn phải trả tiền nhuận bút cho tôi. Không ai giải quyết được. Ông bạn bực tức bỏ ra về…

 

Ngày hôm sau, hắn hay tin, tức tốc chạy xuống nhà đưa cho gia đình một cọc tiền cả bạc triệu, bà vợ ông bạn tự dưng có một mớ tiền lớn cười nói lả vả: - Em tưởng mấy anh làm báo cho vui, ai dè cũng tiền nhiều dữ, sướng hơn trăm lầm em gánh bánh canh bán dạo ở xóm. Hắn cười gượng ra về.

 

Một hôm đẹp trời trong trạng thái ngây ngây ,hắn nổi hứng lấy xe cơ quan đi thăm bồ nhí, chạy thế nào rồi gây tai nạn bỏ của chạy lấy người, làng xóm giữ xe lại. Cơ quan biết được họp kiểm điểm cộng với nhiều vụ khác nữa … nên kỉ luật hắn, cho ngồi chơi xơi nước không làm biên tập nữa, nhưng ngày ngày hắn cũng phải sáng xách ô đi tối xách về cho đơn vị chấm công.

 

Buồn chán – Rồng bay nữa vời- kình ngư lại mắc cạn như xưa….Hắn trở về xóm Nghĩa địa nghèo khó năm xưa như một Từ Thức xuống trần, không ai biết ,không ai hỏi… ( vì xa cách mọi người quá, có người biết cũng không chào). Trở lại nghề cũ ngày ngày cọc cạch chở tàu hủ ra chợ bán nhưng tối về đóng cửa im ỉm, người ta  không còn thấy hình ảnh quen thuộc của một chàng thi sỹ thân yêu ( niềm tự hào của Xóm Nghĩa địa ) ngày nào ngồi chong đèn viết viết… hay đong đưa bên gốc mít ngâm nga thơ thẩn nữa…

 

Tháng 10/2006.

Ngữ Yên
Số lần đọc: 2302
Ngày đăng: 28.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xuân về, trên nhịp cầu Quay - Dương Ðình Hùng
Chuyện kể người đánh cắp tượng PHẬT THÍCH CA MÂU NI - Vĩnh Nguyên
Ban bè một thuở - Nguyễn Đức Thiện
Tấm kiếng rạn nứt - Nguyễn Đức Thiện
Dạ nữ - Dương Ðình Hùng
Tìm quê - Dương Ðình Hùng
Không thể đùa - Nguyễn Đức Thiện
Người viết đơn thuê - Nguyễn Đức Thiện
O chuột và ngôi nhà rỗng - Nguyễn Thị Thu Hiền
Nhân phủ - Nguyễn Ngọc Tư