Những năm từ sau 68 trở đi…Khi tôi còn là cậu thiếu niên trung học, ná cao su trên tay luôn thơ thẩn dưới những tán cây to nườm nượp bóng chim bay.Đàn Xã Tắc ngay trong thành nội Huế, nơi đã ghi nhiều kỷ niệm buồn vui về một thuở hoa niên…
Chị tôi, một goá phụ nửa chừng xuân lo buôn thúng bán bưng nuôi bốn con côi cút.Chỉ mình tôi là thường xuyên lai vãng.Gian nhà chị rất gần, chừng mười mét bên nền đàn rạn nứt chơ vơ các lớp gạch rêu phong, cỏ mọc.Bà từng dặn dò tôi cẩn thận :
- Cậu út chơi mô đừng leo lên trên nớ.Chỗ thờ thần đất đai xứ sở linh thiêng lắm.Coi chừng cái bia xưa khắc chữ.Chị thường thắp nhang ở đó.Thấy chưa, trong đám cỏ gà…
Vắng chị, rồi tôi cũng cầm ná leo lên để thoả tính tò mò.Đằng khác đấy lại là nơi cao nhất gần các tán cây hơn cả.Tôi quanh quẩn trên ấy hàng giờ mãi đến khi xế bóng.Nó như một nền nhà bị bỏ hoang, đầy đất mầu vàng nhạt.Dường như ngoài tôi ra không một ai lai vãng.Lắm lúc bên bia đá, tôi ngẩn ngơ nghe như tiếng thời gian đâu đó đang lặng lẽ trở về.Gió thổi và chim kêu ríu rít…
Đàn Xã Tắc ngày ấy tuy đã điêu tàn hoang phế từ lâu song sự xâm hại của con người từng gắn bó nơi đây không đáng kể.Muôn rằm tứ quý vẫn có người như chị tôi cắm nén nhang lên bờ thành dù chả ai sai bảo.Tôi không biết bia đá khắc những gì ? Về sau, khi trở thành chàng sinh viên trường Luật, tôi học thêm khoa Việt Hán ở đại học Văn khoa.Tiếc thay, hồi đọc được ít chữ Hán thì bia ấy cũng không còn.Chuyện nhỏ đến bây giờ tôi vẫn còn bâng khuâng hối tiếc.
Trại gia binh Xã Tắc giải tán sau 75, chị dọn nhà về quê làm ruộng.Từ đấy, ở đây toàn người xa xứ đến lập nghiệp định cư.Tôi không còn lai vãng nơi lưu dấu một phần kí ức thời hoa niên tươi đẹp.Hình bóng chị kham khổ trong gian nhà tối om với tiếng đập cánh rì rào của bầy gián bu đầy hốc vách gồ ghề chưa bao giờ tô lớp xi măng…Cảm xúc ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi dẫu thực tế đổi thay cơ hồ không nhìn ra cảnh cũ.Chị cũng sớm mất vì ốm đau lam lũ.Mấy cháu mồ côi cha lẫn mẹ, bỏ làng đi tha phương cầu thực ít khi về Huế.Hình bóng đàn Xã Tắc chừng như đã dần trôi vào quên lãng.Những đám cỏ gà trên mấy lớp phế hưng…
Đã 33 năm trôi qua.Một niềm vui bất chợt trong mùa xuân Mậu Tí.Nghe đâu đàn Xã Tắc đang dần được trùng tu để kịp đưa vào danh mục Festival 2008.Tôi xúc động tìm cách báo tin cho các cháu đang ở đâu tận Cà mau, Cái sắn.Có đứa hứa thu xếp, cố gắng kiếm đủ vòng xe đem con cái về giỗ anh chị tôi, sau tìm lại chút hình ảnh đàn Xã Tắc ngày cũ.Âu đây là dịp hiếm hoi, cậu cháu sẽ gặp nhau trong niềm vui hội ngộ.Tôi chạnh lòng tự hỏi, khoảng cách biệt ấy có là bao trong thời internet hôm nay ? Để có đuợc ngày hội ngộ đơn giản kia phải đợi đến cái duyên từ thế cuộc.
Có sách ghi rằng, Gia Long năm thứ 5 (1806) vị hoàng đế triều Nguyễn lệnh cho khắp toàn quốc, mỗi tỉnh tuyển chọn hai ghe đất tốt, tinh sạch nhất cho chở theo đường biển về kinh.Toàn đất ấy được trịnh trọng cho đổ vào đây để kiến tạo nên đàn Xã Tắc thờ thần đất, thần lúa(thần Hậu thổ và thần Nông - nếu muốn nói theo văn hoá Trung Hoa).
Vâng, tổng hợp đất thiêng của toàn cõi Việt Nam là đây.Cái “Rốn đất”quê hương lặng lẽ trải qua biết bao lần nắng mưa, dâu bể.Thuở chiến tranh ngày ấy ít có ai đem dạ quan hoài.Cái đàn đất thiêng liêng kia tưởng chỉ còn đôi hàng nhạt nhoà qua sử sách :
“Văn thánh trồng thông.Võ thánh trồng bàng”
“Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u ”.
Câu ca xưa.Ba địa danh gắn liền với ba loài cây đầy ấn tượng khó phai.Thông - Bàng - và Mù u.Các nghị luận xưa nay đã nhiều. Với tôi, ý nghĩa liên đới vẫn ẩn chứa trong ba phạm trù thâm thuý :
“Võ - Văn - Xã Tắc”.Đấy là sự thu tóm các vận hội thăng trầm từng kinh qua của tổ quốc.Như một loại quy luật cho thấy ảnh hưởng lịch sử tuỳ thuộc rất nhiều vào vận dụng tinh hoa và trí lực nhân tài.Văn, võ hay nói chung tất cả những tài năng đa dạng khác.
Vâng, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” vẫn luôn là câu trả lời nhằm cắt nghĩa lẽ thịnh, suy trong lịch sử.Phải chăng, hào kiệt muôn đời không bao giờ thiếu hụt.Phần còn lại, hẳn thuộc về
những con mắt xanh triều đại có nhìn ra đích thực nguyên khí ấy ở nơi nào ? Câu hỏi ấy chả riêng cho một triều Nguyễn không thôi. Là câu hỏi đủ để người xưa nhìn rõ hôn quân hay minh chúa.
Đời trước lập đàn thờ đất - thần Xã - nhớ ơn đất đã sản sinh người hiền tài trên mọi miền tổ quốc.“Địa linh sinh nhân kiệt”Biểu tượng đất được kết tập cùng phân lượng đồng đều nói lên sự công bằng, không tư vị giai cấp hay ân sủng riêng biệt một địa phương nào.Tất thảy được tôn vinh, trân trọng.
Thờ lúa - thần Tắc - để nhớ ơn loại thực phẩm chính đã nuôi sống con người kể từ khi rời vú mẹ.Một cách gián tiếp để thật sự có niềm cảm thông đích thực với hạng nông dân chân lấm tay bùn. Những kẻ suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”nhưng trời đất kia lắm lúc vẫn đi đôi với “thiên tai, địa hoạ” không ngờ…
Đàn Xã Tắc đã đến lúc phục chế.Ngoài ý nghĩa bảo tồn các di tích cố đô như một nghĩa vụ quốc tế, vẫn còn đó ý nghĩa giáo dục thiết tưởng rất gần gũi và đầy tình người trong xã hội.Cái nét đẹp quá cụ thể, không trừu tượng và cao xa như khi đứng trước đàn Nam Giao chẳng hạn…
Bất kỳ người Việt nào đến Xã Tắc - nay mai - hẳn sẽ phải bồi hồi xúc cảm vì biết rằng, trong kiến trúc không quá lớn ấy…Vẫn tồn tại một phần đất thiêng đại diện cho nơi chôn nhau cắt rốn của chính mình.Vâng, tồn tại đến hôm nay và muôn thuở…
Khi nhạc sĩ thiên tài Chopin rời tổ quốc Ba lan, ông ứa lệ trịnh trọng đặt một nắm đất nhỏ của quê hương vào chiếc bình làm hành trang, ôm đi vào viễn xứ.Hôm nay, vẫn không thiếu hình ảnh người ly hương lâu năm về tổ quốc.Vừa chỉ bước xuống sân bay lộng gió, có người nằm xuống thổn thức hôn lên lòng đất mẹ.
Bạn vẫn có thể đến Xã Tắc để trịnh trọng hôn lên nền đàn ấy - dù chỉ một lần - với cảm giác kỳ diệu không thể tìm ra ở một nơi nào khác Huế.Chỉ một lần thôi.Vâng, là đủ để hôn lên mọi vùng đất thiêng toàn cõi Việt…
thành nội - Huế.2008