Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.131
 
Chuyện lão cố tổ chuột
Phạm Ngọc Hiền

Lão cố tổ Chuột vừa thưởng thức xong món sườn nướng béo ngậy. Lão nằm phơi nắng trên máng nước, mắt lim dim mơ màng. Một cảm giác khoan khoái, bình yên đang rậm rực trên cái mặt nung núc thịt của lão. Bỗng một tiếng “Roẹt” làm lão giật mình, thì ra là thằng Mèo trắng đuôi đốm. Thấy lão, thằng Mèo thanh niên lên tiếng hỏi: “Tại sao? Tại sao?” Lão đã quen với câu hỏi ngớ ngẩn này nên chẳng những không thèm trả lời mà còn nhe răng đuổi nó đi. Thằng Mèo quý tộc thấy lão làm dữ nên bỏ đi cho xong chuyện. Có lẽ nó không tự ái cho lắm vì có cớ để biện luận rằng: một đấng tiểu Hổ như ta thì hơi đâu nói chuyện với lão Chuột chù dơ bẩn này.

 

Thằng Mèo trắng đuôi đốm này vốn là con của mụ Mèo nông thôn – Lão Chuột tự đặt cái tên như vậy để phân biệt thế hệ mèo cổ điển với thế hệ mèo hiện đại lớn lên ở thành phố và không biết ăn thịt chuột. Từ khi mụ Mèo mẹ về ở căn biệt thự này, mụ đã mở ra một trang bi thảm trong lịch sử các cộng đồng Chuột thuộc ngõ 6 khu phố 1. Vốn từng sống ở nông thôn nghèo nàn, nên đối với mụ, Chuột là món ăn khoái khẩu bậc nhất thế giới. Bởi vậy, mụ về đây chỉ mới một tháng mà dân số Chuột đã tụt xuống một nửa. Lũ Chuột không còn dám ngang nhiên kéo nhau từng đoàn đi kiếm ăn như trước nữa. Nạn đói hoành hành, những con sức khoẻ yếu và nhát gan chết trước. Chỉ còn lại những con khỏe mạnh, tinh ranh mới tiếp tục tồn tại và luôn ngóng đợi một ngày mai tươi sáng.

 

Lão cố tổ Chuột lại rung rung chùm ria mép nhuốm màu thời gian và tự hào rằng: Sở dĩ mình sống lâu đến chừng này là do có trí thông minh và sức khỏe phi thường. Thời còn trẻ, lão đã đủ uy tín để lãnh đạo một đại đội Chuột tung hoành ngang dọc, coi thường con Người lẫn đàn Chó cảnh. Theo nguyên tắc bất thành văn của loài Chuột, mỗi bữa ăn, hai vợ chồng anh cả của lão được quyền ăn trước cả đàn, họ thản nhiên thưởng thức những món cao lương mỹ vị trước mõm bọn Chó và đôi lúc là trước mắt bà chủ nhà hiền từ và các cô tiểu thư có đôi mắt bồ câu. Bỗng một hôm, trong căn biệt thự xuất hiện một mụ người ở. Ngày đầu tiên mụ chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng mà có thể trước đó mụ chưa từng thấy ở thôn quê: Bọn Chuột giành ăn món bò hầm với Chó, và lạ thường hơn là chúng không hề bỏ chạy khi có Người bước tới. Mụ vào nhà lấy gậy ra, một cú giáng trời đánh làm cho anh lão chết không kịp ngáp. Chị dâu của lão mang bụng chửa lặc lè chưa kịp hiểu lý do gì cũng bị đập banh thây. Sự kiện kinh hoàng ấy gây cho lão một cú sốc ghê gớm và lão lập tức thay đổi nhân sinh quan: Trong xã hội loài Người, có kẻ hiền người ác, bởi vậy, không phải ai cũng thân thiện với loài Chuột.

 

Mụ người ở còn bày ra nhiều mưu kế để trị lũ Chuột. Mụ mua về một cái bẫy dập Chuột và bỏ một ít cơm trên miếng sắt mỏng để nhử. Nhưng sáng ra, mụ trố mắt ngạc nhiên khi thấy bẫy đã sập, cơm đã hết mà chẳng có con Chuột nào dính bẫy cả. Lần thứ hai, mụ bỏ vào đó một khúc xương với hy vọng rằng vật nặng sẽ làm Chuột xoay xở khó và dễ sập bẫy. Nhưng sáng ra, mụ càng ngạc nhiên khi thấy bẫy không sập mà khúc xương biến đi đâu mất. Lần thứ ba, mụ lấy sợi chỉ buộc cục xương dính vào bẫy, dự tính rằng con vật gì tha cục xương sẽ kéo theo cả bẫy. Nhưng hôm sau, mụ tái mặt khi thấy cục xương biến mất, còn bẫy thì không sập. Mụ và bà chủ bàn tán với nhau rất nhiều về sự kiện này. Tất nhiên không phải là Chó tha vì chúng được xích ở trước nhà. Mà nếu Chó có tha cục xương thì phải kéo theo cả bẫy nhưng đằng này bẫy vẫn giữ nguyên ở vị trí cũ. Phải có bàn tay con Người mới làm được chuyện ấy. Bà chủ tỏ ra sợ sệt và lẩm bẩm: “Hay là ma!”.

 

Lão cố tổ Chuột nhếch mép một cái, tỏ vẻ coi thường bộ não kém thông minh của loài người. Sinh thời, cha lão đã truyền đạt lại cho bọn lão nhiều mưu mẹo tài tình mà loài người khó đoán trước được. Chẳng hạn, cách thức lấy cục xương có buộc dây đêm đó như sau: Phía trên bẫy Chuột có một giàn gỗ gồm nhiều thanh ngang. Lão đã chỉ đạo cho đàn Chuột bám vào đó, con nọ cắn đuôi con kia làm thành một sợi dây thòng xuống. Lão là kẻ sau cùng leo lên cái sợi dây Chuột ấy. Lão thò đầu xuống và khéo léo cắn đứt sợi chỉ, rồi ngoạm chặt cục xương. Lão lắc lư sợi dây Chuột để lấy đà văng cục xương ra xa. Xong việc, sợi dây Chuột tự động rút ngắn dần rồi biến mất.

 

Sau đợt ấy, mụ đầy tớ về quê vài ngày và mang ra một sinh vật lạ có bốn chân, lũ Chuột trẻ chưa có kinh nghiệm tưởng đó là bà con họ hàng với bọn Chó. Vốn láu lỉnh, một chú Chuột nhắt nhảy ra nhe răng chào liền bị cô bạn mới tóm chặt bằng hàm răng sắc lẹm. Chuột ta giật mình la oai oái: “Đau quá, đừng giỡn!”, mụ Mèo liền thả ra. Chuột ta vẫn chưa chịu chạy mà huơ huơ cái chân đau và trợn mắt nhe răng như để bắt đền Mèo. Thấy mình nhỏ bé quá, dọa chẳng ăn thua nên chú đành lủi thủi bò đi thì bị tóm trở lại. Lũ Chuột trẻ trong các ngóc ngách nhìn ra hỏi lẫn nhau rằng đó có phải là một trò đùa hay không? Một tên định chạy ra can thiệp nhưng bắt gặp tia mắt mang hình viên đạn của mụ Mèo nên liền chạy thụt vào. Lần đầu tiên trong đời, chúng nhìn thấy cảnh đồng loại bị Mèo nhai rau ráu. Từ đó, trong bộ nhớ của chúng ghi thêm một dữ liệu: Chuột có thể là thức ăn ngon cho các loài khác. Tin dữ lan đi nhanh chóng. Giờ đây, bầy Chuột không chỉ sợ Người và Mèo mà sợ lây cả những con Chó cảnh hiền lành. Mối nguy hiểm rình rập khắp nơi: Trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, trên trời, dưới đất. Thức ăn cạn kiệt, bệnh dịch hoành hành. Một bộ phận Chuột tỏa đi kiếm ăn nơi khác và làm nảy sinh những cuộc chiến tranh đẫm máu ở nhiều nơi. Mối bất hòa của vợ chồng lão cố tổ Chuột cũng bắt đầu từ đó.

 

Số là trong những lần đi kiếm ăn ở khu nhà kho phía bên kia đường, vợ lão để ý gã thủ lĩnh bầy Chuột bên đó. Lòng ham muốn có được miếng ăn dễ dàng cộng với tính lẳng lơ đã xui ả tằng tịu với hắn ta và ở luôn bên đó. Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, lão dẫn tiểu đội Chuột còn sống sót mò sang đất của kẻ tình địch để kiếm ăn. Bất ngờ, bắt gặp vợ lão đang ân ái với tình nhân. Trong cơn ghen điên cuồng, lão xông vào cắn xé tình địch. Khán giả hôm ấy ngoài quân Chuột của hai bên còn có một cặp Mèo tò mò cũng ghé lại xem. Vừa nhác thấy tiểu Hổ, lũ Chuột phe lão đã chạy táo tác nhưng lũ Chuột phía nhà kho vẫn thản nhiên đứng cổ vũ. Lão cũng muốn chạy nhưng cố can đảm đứng lại vì thấy hai vị Mèo đây chẳng có gì nguy hiểm. Vả lại, lão không muốn bị chê là hèn nhát, làm mất uy danh của một vị thủ lĩnh từng ngang dọc một thời ở khu phố này. Thế là trận đấu được tiếp tục. Hai võ sĩ chạy ra xa để lấy đà rồi xông vào nhau, dùng miệng cắn bầm bập. Rồi xoay quanh lựa thế để tiếp tục cắn đối phương những đòn chí mạng. Cặp tình nhân Mèo chỉ đứng cách đó một mét. Cô Mèo tiểu thư luôn miệng hỏi: “Tại sao? Tại sao?” Chàng Mèo quý tộc giải thích bằng ngôn ngữ của loài Mèo rằng: “Em thân yêu! Đó là luật thi đấu của các võ sĩ nhà Chuột. Họ chỉ dùng miệng để cắn chứ không được phép dùng thêm hai chân trước như loài Mèo nhà ta. Vì tinh thần võ sĩ đạo, họ không được phép phá luật. Vả lại, nếu có muốn thì họ cũng không có khả năng phá luật được vì hai chân trước của họ quá ngắn”. Sau một hồi đấu nhau chí tử, lão cố tổ Chuột thấy mình rơi vào thế yếu nên đành rút lui. Như vậy, lão không chỉ mất người tình với  danh dự thủ lĩnh mà còn mất cả thị trường kiếm ăn béo bở vì lão thề rằng không bao giờ bén mảnh tới khu nhà kho nữa.

 

Nhưng cũng may là cuộc sống của đàn Chuột ở khu biệt thự ngày càng trở nên dễ thở hơn. Đấy là cái lúc mụ Mèo nông thôn đã trút bỏ được quá khứ lam lũ của mình và bước vào hàng ngũ Mèo quý tộc thành thị. Mụ chê thịt Chuột, thậm chí còn tránh xa nữa. Thức ăn của mụ bây giờ đã quá thừa thãi vì đàn chó chỉ còn lại một con. Từ ngày các cô tiểu thư đi lấy chồng, mụ người ở cũng ra đi, bà chủ chỉ còn biết dành thời gian để chăm sóc Mèo mẹ và hai Mèo con mới sinh. Chúng được nuôi nấng chu đáo, được ăn những thứ cao sang như: Cá rán, sườn nướng, tôm kho, gà hầm rôti… Những lúc Mèo đi vắng, lão cố tổ Chuột dẫn đầu đàn lén lút bò ra ăn thức ăn thừa. Có vài lần gặp hai chú Mèo con nhưng các chú không rượt đuổi vì chưa được mẹ dạy cho một điều rằng: Tổ tiên nhà Mèo đã từng coi Chuột là thức ăn khoái khẩu nhất. Bởi vậy, các chú cũng tôn trọng loài Chuột như các loài khác. Rồi một ngày nọ, mụ Mèo mẹ biến mất, có lẽ mụ đã xuống địa ngục rồi, và biết chừng bị ném vào vạc dầu cũng nên. Thế là thời kỳ thịnh trị của loài Chuột bắt đầu. Chúng sinh sôi nảy nở khỏe, tự do chạy nhảy trong nhà ngay cả ban ngày. Tội nghiệp hai chú Mèo, khi bị đàn Chuột tranh ăn, hai chú chỉ biết đứng nhìn, mắt long lanh như đang khóc. Có khi, hai cục cưng của bà chủ mải mê chén hết thức ăn, không chừa tí gì cho đàn Chuột, bị lão cố tổ Chuột tức giận rượt cắn. Hai chàng công tử Mèo sợ quá leo tọt lên giường bà chủ và tè ngay một bãi trên gối. Từ đó, vì ngại tiếp xúc với đàn Chuột nên các chú quẩn quanh trên vương quốc thần mộng của bà chủ và vô tư coi đó là nhà vệ sinh của mình. Bà chủ giờ đây đã trở thành một người đầy tớ tốt bụng, ngày nào cũng cần mẫn đem giặt khăn trải giường, bao gối, mền… cho mèo và chăm chỉ nấu thức ăn ngon cho đàn chuột.

 

Mặt trời đã khuất sau dãy phố, lão cố tổ Chuột đứng dậy dũi chân cho đỡ mỏi. Lão thấy thân thể mình đã yếu lắm rồi, lũ Chuột trẻ không còn nghe theo lệnh lão nữa. Ban đêm, chúng kéo theo con trai trưởng của lão đi tìm thức ăn, bỏ mặc lão sống chết thế nào thì tùy. Lão cảm thấy cô đơn và chợt nhớ đến vợ. Lão nhắm nghiền mắt lại để cố hình dung ra vẻ đẹp kiêu sa của nàng thời trẻ. Thuở ấy, nàng là hoa hậu của vùng này, lão đã chiến đấu với bao nhiêu anh hùng hào kiệt mới chiếm được trái tim nàng. Họ sống bên nhau hạnh phúc, sinh con đàn cháu đống. Còn việc nàng theo kẻ khác, có lẽ do miếng cơm manh áo mà ra. Giờ đây, lão có thể tha thứ. Nghe nói lão tình nhân của nàng đã chết rồi. Sao ta lại không mời nàng về đây an hưởng tuổi già trong cảnh bình yên này?

 

Và lão trèo xuống nhà, bò ra vỉa hè, nhìn trái, nhìn phải cẩn thận rồi mới băng qua đường. Đây rồi nơi đấu trường ngày xưa giữa lão và kẻ tình địch nhưng thay vì một bãi đất sỏi, người ta đã lát gạch nhiều màu trông rất đẹp. Ta sẽ đón nàng về trên con đường thơ mộng này. Lão tiếc rằng đã lâu lắm rồi không được thưởng thức sự hấp dẫn của da thịt giống cái. Mà cả đời lão chỉ chung thủy với một mình nàng, giờ thì cơ thể đã rệu rã nhưng dẫu sao được sống bên nhau cũng còn một chút an ủi về tinh thần. Mải mê suy nghĩ như vậy, lão đã đến nhà kho lúc nào không hay. Các bác Chuột trung niên ở đây nhận ra lão ngay và với vẻ mặt buồn như các hiệp sĩ, họ đưa lão đến gặp cố nhân. Hỡi ôi, nàng đã dính bẫy rồi. Lão vội chạy tới để cứu nhưng nàng phát tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Lão lăng xăng chạy quanh cái bẫy lạ, làm bằng giấy bìa, chất keo dính đã giữ chặt bốn chân nàng như xiềng xích dành cho kẻ ngoại tình. Nước mắt long lanh, nàng nói với lão bằng ngôn ngữ của loài Chuột rằng: “Anh vẫn còn nhớ đến em ư?”. “Vâng, anh định đón em về bên đấy, không ngờ em ra nông nỗi này. Sao em lại để sa bẫy như vậy?” “Em vẫn biết đây là loại bẫy mới nhưng trong lúc bị rượt đuổi, em sơ ý dính phải. Vả lại, mắt em cũng đã kém tinh rồi. Có lẽ ngày mai là em chết. Đàn con cháu của mình bên ấy vẫn mạnh khỏe cả chứ?”. “Vâng, mụ Mèo nông thôn đã chết rồi. Cuộc sống bên ấy giờ sướng lắm nhưng anh vẫn buồn vì cảm thấy cô đơn”. Lão nhích tới gần vợ và đưa mõm hôn nhau, nụ hôn lúc tuyệt vọng có lẽ cũng nồng cháy chẳng kém gì đêm tân hôn. Lão hỏi: “Em có nhớ đêm hợp hôn của chúng mình không?”. “Làm sao em quên được, mỗi lần nghĩ tới là em ứa nước mắt. Em vẫn nhớ một lần em bụng mang dạ chửa sinh con, anh đã bất chấp hiểm nguy để kiếm về cho em một cục xương đầy thịt. Anh đăm đắm nhìn em gặm với đôi mắt âu yếm làm sao!”. Lão Chuột quấn quýt bên vợ suốt đêm không nỡ rời. Sáng hôm sau, lão đi tìm ít hạt thóc về móm cho vợ nhưng nàng không ăn được gì. Buổi trưa, lão nhìn thấy một phụ nữ đi xe đạp chở theo một dụng cụ gì đó phát âm thanh inh ỏi: “Keo diệt Chuột không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt có thể tái sử dụng nhiều lần với hiệu quả và thời gian lâu nhất…”. Lão biết tràng âm thanh đó có liên quan tới mình bởi có từ “Chuột”, một từ mà con người vẫn thường kêu lên khi gặp họ hàng nhà lão. Con Người không chỉ xấu xí về hình dáng mà còn có tâm địa độc ác nữa. Các loài vật chẳng ai làm hại họ nhưng họ vẫn tìm cách giết với muôn vàn lý do khác nhau. Lão đã nhiều lần chứng kiến lũ trẻ con đuổi bắt các con chuồn chuồn, dế… không phải để ăn mà chỉ để ngắt đầu chơi cho vui thôi. Đời thật phi lý!

 

Đến chiều, vợ lão đã kiệt sức và gục đầu xuống vũng keo, từ đó, không thốt lên được lời nào nữa. Đôi mắt ươn ướt của nàng nhìn Lão một hồi lâu rồi nhắm lại dần, tắt thở. Lão đứng lặng giây lâu rồi đưa mõm hôn vợ lần cuối, chẳng may, mấy cọng râu dài dính ngay vào vũng keo. Lão rùng mình xoay xở một hồi lâu mà vẫn không rút ra được. Lão than thở: Hay là Định Mệnh bắt ta phải chết cùng nàng đây? Không, ta phải sống! Lão gắng chịu đau và giật đứt mấy cọng râu đã bạc màu sương gió. Lão không muốn nhìn cái bẫy quỷ quái đó chút nào nữa và lầm lũi ra về. Trong lòng tràn ngập nỗi thương nhớ đầy vơi người vợ quá cố. Chỉ trong vài ngày nữa thôi, tấm thân ngọc ngà năm xưa của nàng sẽ bị bọn dòi bọ rỉa tan tành. Sự đời sống chết vô thường, chẳng biết đâu mà lường. Lão lẩm bẩm như vậy và dừng lại ở một gốc cây bên vỉa hè để chờ xe vắng rồi mới qua đường (Lão sống lâu cũng nhờ vào cái tính cẩn thận ấy). Vừa lúc đó, có mấy cậu bé đi ngang qua, một cậu kêu lên: “A, con Chuột kia kìa!”. Lão thấy thần Chết đang truy đuổi như chỉ chạy được một cách chậm chạp. Một viên gạch nhỏ đã kết thúc đời lão. Mấy cậu bé reo cười hất xác lão ra lòng đường rồi bỏ đi. Sau đó, nhân viên nhà kho cũng vứt vào cạnh xác lão một con Chuột chết vì dính bẫy. Chất keo đã dính chặt đôi Chuột lại. Một chiếc xe tải lớn chở đầy xi măng đi ngang qua đã nghiến xác vợ chồng lão nát bét.

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 2770
Ngày đăng: 06.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Họp lớp - Trần Trung Sáng
Thoại khúc rìu và thơ - Trần Hạ Tháp
Con gái của bố - Lê Vũ
GÁNH NẶNG - Giang Tâm
CON GÁI CỦA RỪNG - Đào Hiếu
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc - Trần Lệ Thường
Những đồng đội cũ - Hội An
Chuyển sang thể loại - Ngô Phan Lưu
Cầu vồng bẩy sắc - Phan Thị Thu Loan
Trần gian nhìn từ sau lưng - Nguyễn Hiệp
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)