Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.275
123.157.043
 
Những góc phố dịu dàng
Trương Đạm Thủy

Sàigòn , TpHCM nơi có những con đường đẹp, thẳng tắp với hai hàng cây cổ thụ giao cành tạo thành một mái vòm màu xanh hun hút…, điều ấy ai cũng biết rồi. Nhưng đâu chỉ có thế? Sàigòn còn có những góc phố dịu dàng, chính nó đã làm nên cái hồn của con phố. Những góc phố, những mái quán là những nét chấm phá, là điểm nhấn cho bức tranh hoàn hảo trong một không gian riêng tỉnh lặng, bất chợt đến lạ lùng…

NƠI CÓ QUÁN CÀPHÊ CÔNG TRƯỜNG

Hồ Con Rùa là “đứa con chung” của ba con đường Phạm Ngọc Thạch – Vỏ Văn Tần – Trần Cao Vân. Có thể nói nơi đây, một vòng tròn màu xanh lung linh in đáy nước mây trời, là nơi đột nhiên như một dấu lặng giữa một trường canh huyên náo, dồn dập của nhịp điệu đường phố Sàigòn.

Quán cà phê Công Trường là một quán “lão làng”, chiếm cứ một góc Phạm Ngọc Thạch. Nếu như các quán cà phê Gió Bắc, Sao, Window, Ciao bề thế mới mọc lên đó thì cà phê Công Trường là bậc… “cha chú” đã mở cửa nhìn ra phía Hồ Con Rùa đã gần 20 năm nay. Ôm một vòng tròn có thể quét một tầm nhìn 360o người  ngồi đây có thể vừa nhăm nhi tách cà phê bốc khói vừa ngắm những hàng cây cổ thụ cao vút bao quanh hồ. Về những ngày cuối đông vào buổi sáng sớm ngắm lá sao, lá dầu từng chiếc rơi trên mặt hồ mới thấy sao đời còn có những góc phố mơ màng đáng yêu đến thế. Một anh bạn, anh Nguyễn Xuân P nay là phó giám đốc một công ty thương mại kể rằng hồi anh còn là một sinh viên của một trường đại học gần đó anh thường hay ra đây ngồi uống cà phê và ngắm những buổi bình minh rọi trên mặt hồ. Và một lần anh gặp cô ấy sinh hoạt ở NVH PN gần đó ra đây ăn kem. Thế là hai người “kết” nhau. Bây giờ thì hai người đã thành vợ thành chồng và có với nhau hai mụn con. Năm nào đến ngày kỷ niệm “hai đứa quen nhau” hai vợ chồng cũng lại đưa nhau ra đây ngồi vợ ăn kem chồng uống cà phê ngắm cảnh để nhớ lại một thời đầy ắp mộng mị đã qua thường diễn ra tại quán Công Trường nầy.

Với vợ chồng anh bạn Nguyễn Xuân P thì cái góc hồ Con Rùa nơi có cái quán Công Trường nhỏ hẹp nầy là một góc phố dịu dàng nhất  đối với con mắt của họ. Góc phố dịu dàng không chỉ là một góc phố đẹp thôi mà điều cần và đủ của nó là ở nơi đó còn có một kỷ niệm nào đó để lưu dấu, và để nhớ nhung…

Và vì Sàigòn TPHCM không có một Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm như Thủ đô Hà Nội, hay như một hồ Xuân Hương giữa lòng TP Đà Lạt nên cái tâm điểm thơ mộng nhất chỉ quanh quẩn ở một cái hồ bé tẹo: hồ Con Rùa.

Nhiều bạn trẻ thích chọn góc nhìn xuống hồ Con Rùa từ trên lầu quán cà phê Gió Bắc. Với một không gian ấm áp từ trong Gió Bắc thả một tầm nhìn rộng bao quát không gian hồ Con Rùa, mỗi một thời khắc sẽ thấy quang cảnh đẹp ở đây hiện ra trong mỗi độ tương phản một hòa sắc khác nhau. Nếu như buổi sáng êm đềm ánh nắng phản chiếu vào các tia nước phun màu cầu vòng thì buổi trưa sẽ có một màu nắng vàng mật ngọt xuyên qua những tán cây đan lưới dưới con đường bao quanh những đốm sáng, những vũng bóng mát lay động. Buổi chiều khi ánh đèn đường bật sáng thì hồ nước chợt lấp lánh như một viên ngọc sa phia nhỏ cắm trên một chiếc nhẫn màu đêm. Nơi đây những cặp tình nhân trẻ thường hẹn hò để có được những khoảnh khắc yên tĩnh bên nhau nhỏ to tâm sự.

Đôi bạn trẻ Trần Q và Lê Thị TT Sinh viên đại ĐHMT và ĐHKHTN nói rằng mỗi tuần họ đều có một cuộc hẹn tại đây như để thường xuyên hâm nóng cuộc tình của hai người và cũng vì họ yêu mến cái góc phố ấy. Bạn Trần Q nói: “Tụi em lần đầu đưa nhau đến đây và rồi không muốn thay đổi chổ nữa. Buổi nào trong ngày thì góc phố quanh hồ Con Rùa đều mang một “matiere” sắc màu riêng của nó, đẹp và thơ như tranh vẽ”. “Quyết thủy chung với một góc phố nầy mãi sao?”, nghe hỏi Q cười và cô bạn TT thay lời: “Tụi em quen nơi đây rồi, như… thia thia quen chậu vậy mà, để cho kỹ niệm càng lúc càng thêm sâu dày nơi góc phố dịu dàng nầy”.

GÓC PHỐ AQ.

AQ là tên nhân vật trong một tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn. Ông chủ cà phê nhà cổ ở đường Mạc Đĩnh Chi – Trần Cao Vân có lẽ đã cảm kích điều gì đó ở nhân vật AQ. Ban đầu Lỗ Tấn gọi gã là A Quei, dịch ra tiếng Việt là A Quế, nhưng mà về sau vì không muốn gọi tên “gã” này là A Quế bởi vì đời gã cũng chả có gì dính dáng đến duyên nợ văn chương thơm như hương quế hương trầm nên Lỗ tiên sinh chỉ gọi gã là AQ.

Ngôi nhà cổ cách đây 20 năm hãy còn chệch choạc lớp gỗ cũ kỹ phai màu mưa nắng. Sau gần mươi năm nay nó được “tân trang mông má” lại và đã trở nên là một ngôi nhà đáng giá vì nó có tuổi đời đến trên dưới một thế kỷ. Và điều đáng bàn chính là sự hiện diện của nó nằm ở một góc của hai con đường vào loại đẹp nhất Sàigòn.

Vào những ngày chớm Xuân khi có một chút nhẹ của hơi gió mùa Đông Bắc từ xa xôi thổi về thì ngồi ở đây có thể ngắm những chiếc lá vàng lững lơ bay từ những hàng cây cao vút của hai con đường Trần Cao Vân và Mạc Đĩnh Chi thả xuống. Ngồi ở quán AQ trong tiết trời se se lạnh dưới mái ngôi nhà cỗ ta bỗng có cảm giác như đang ngồi ở một quán cà phê cổ kính nào đó ở TP. Đà Lạt sương mù.

Quán AQ với tất cả là gỗ, những cột kèo, rui, mè, tường, vách đều lên một màu gỗ đen nhánh. Những chụp đèn cỗ như một mảng… cổ tích còn lưu giữ được giữa cuộc sống của một Sài Gòn hiện đại.

Góc phố làm nên cái đẹp cho quán và quán làm nên nét duyên, cái hồn của phố. Những khách cà phê AQ đa số là trung niên. Khi buổi tối họ đến đây vừa ngồi uống cà phê vừa nghe tiếng đàn piano độc tấu, khách như đã rũ bỏ hết những căng thẳng lo toan của một ngày qua để thả hồn tự do bay lượn vào cõi mông lung… Góc phố ấy, quán ấy tự nhiên sinh động hẳn lên hòa vào nhịp đập của trái tim đêm thành phố.

QUÁN BÔNG GIẤY ĐỎ

Nếu như xem phim “Lồng đèn đỏ treo cao cao” của đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu ta đã phải mê mẫn trước những chiếc đèn lồng mà họ Trương đã trình diễn như một “xen” trưng bày nghệ thuật xếp đặt tuyệt hảo của giới hội họa đương đại, thì ở một góc phố khác của Sàigòn cũng có những cánh hồng treo cao cao như thế.

Có một cái quán cà phê nằm cận kề góc ngã tư Trần Quốc Thảo – Ngô Thời Nhiệm. Quán không tên. Thế nhưng trước quán có một cây bông giấy đỏ bò ngang qua mái quán làm thành một vòm cổng tự nhiên xinh đẹp. Và vì thế nó lại có tên: quán Bông giấy đỏ.

Buổi sáng mùa hè ngồi trước thềm quán sẽ nhìn thấy bên kia đường những cánh phượng hồng tinh khôi điểm xuyết giữa màu trời xanh mát mắt. Về mùa xuân một cây Hoàng hậu bên trong một tòa biệt thự nghiêng cành ra bức tường cao lay động những cánh hoa vàng lung linh dưới nắng. Cụ Tản Đà “khó tính” khi nói về nghệ thuật ẩm thực là người ta ăn món ngon không phải chỉ vì nó ngon, món ngon phải có được một chỗ ngồi ngon và người đối ẩm ngon…

Cũng như thế, cà phê Bông giấy đỏ không chỉ rẻ giá bình dân thôi, nó còn ở chỗ có một cảnh quan rộng trước mặt mở ra với bầu trời xanh, cây cối và sự linh hoạt của tiết điệu sắc màu của hoa lá. Buổi sáng hạ mưa, buổi sáng đông tàn, buổi sáng xuân ấm… bất cứ buổi sáng nào ngồi ở đây cũng sẽ nhận ra được một vẻ đẹp riêng của từng ngày, từng mùa thành phố. Có thể ta lơ đãng để quên cốc cà phê nguội ngắt trước mặt nhưng cũng đã… uống no mắt cái dịu dàng thư thái của một bình minh êm ả thả trên một góc phố nhẹ tênh…

QUÁN CÀ PHÊ NHIẾP ẢNH

Một quán cà phê ở một góc phố dịu dàng khác không thể không nhắc đến nằm ở gần góc Sương Nguyệt Ánh – Tôn Thất Tùng là quán cà phê được mệnh danh là cà phê Nhiếp Ảnh do quán được bày bán trước Hội Nhiếp Ảnh TP.

Mà chắc ai cũng biết đường Sương Nguyệt Ánh và Tôn Thất Tùng là hai con đường có những hàng cây thuộc dạng “lão làng” của Sàigòn.

Những buổi sớm chớm xuân ngồi ở đó có thể phóng tầm nhìn suốt con đường có vòm lá giao cành đẹp mắt. Mỗi lần có cơn gió sớm lùa qua, lá sao, lá dầu khô vàng úa bị ngắt khỏi cành rơi tản mạn trong nắng làm cho không gian ở cái góc ngã ba nầy linh động và đẹp lạ thường.

Ngày trước có một tờ báo tỉnh đặt một “văn phòng di động” ở một cái quán sát bên góc ngã ba nầy. Mỗi thứ năm hàng tuần các văn nghệ sĩ cộng tác viên của tờ báo nầy đến đây giao bài và nhận nhuận bút, vì vậy cũng có người gọi ngã ba Sương Nguyệt Ánh – Tôn Thất Tùng là ngã ba Văn nghệ do là nơi tụ tập thường xuyên của các giới văn nghệ sĩ TP.

GÓC PHỐ NGUYỄN DU

Chỉ mới đây thôi nhưng BGĐ của tòa cao ốc 33 tầng ở góc Nguyễn Du – Tôn Đức Thắng đã có sáng kiến tạo một góc phố ấn tượng bằng một quán cà phê ngoài trời bên cạnh tòa tháp cao ngất của mình. Quán được che nắng bằng những chiếc dù xinh xắn dành để phục vụ cho các nhân viên văn phòng đóng trong cao ốc đó cũng như khách vãng lai. Nhăm nhi tách cà phê nóng hoặc nhấm nháp một bữa ăn sáng nhẹ và thoải mái thả tầm mắt nhìn về phía những hàng cây xanh lúng liếng nắng sáng còn gì thú vị bằng!

Một khách hàng của Công ty Prudential nói lần nào đến giao dịch với bộ phận văn phòng của công ty nầy đóng trong tòa nhà trên, sau khi xong công việc bao giờ ông ấy cũng ra ngồi đó khoảng nửa tiếng đồng hồ vì ông muốn được sống lại những ngày xa xưa hồi còn là sinh viên trên đất Pháp, ông nói: “Hồi còn là sinh viên bên đó tôi thường lang thang đến khu Saint Germain Des Prés để được ngồi uống cà phê đường phố như thế nầy. Cứ ngồi dưới những bóng dù nhìn những hàng cây trút lá và mặc sức nhìn những cô gái cũng ngồi hong nắng như thế bên những cái bàn kế cận. Thú vị và lãng mạn thật!”

VẪN MỘT CHÚT NẮNG Ở MỘT GÓC PHỐ

Cũng một “gam màu” như thế, một quán hè phố khác nằm kế tòa nhà đối diện với Nhà thờ Đức Bà, cũng là một điểm nhấn ấn tượng cho khách dạo chơi trên phố.

Nắng đổ dọc trên con đường Đồng Khởi và tràn trên Công viên Thống Nhất. Ngồi đó có thể vừa ngắm hun hút về cuối đường Đồng Khởi vừa có thể quay lại thả tầm mắt nhìn lên hai tháp chuông cao như chạm tới trời xanh. Và kế đó là những hàng cây xếp hàng thẳng tắp mà dưới chân nó là thảm cỏ xanh rờn còn đẵm sương đêm…

Sau những giờ đi dạo phố đã mỏi chân khách có thể vào đây ngồi nghỉ, uống chút gì đó hay thưởng thức một cốc kem và thả lỏng người trên ghế. Đây là một góc phố đẹp ở giữa những tòa nhà đẹp, và có một công viên đẹp vào hạng nhất nhì thành phố. Và còn điều gì làm ta hài lòng hơn khi có được những phút giây an nhàn thư giản nơi một cái quán lãng mạn ở một góc phố dịu dàng?

HỒN CỦA PHỐ

Thường thì người ta ít khi để ý nhưng nói không ngoa, có những cái quán lâu năm đã làm nên một cái gì đó thiêng liêng với con phố mà bản thân nó đã hòa nhập và trở thành cái hồn của con phố đó, vì mỗi một góc phố, môt hàng quán đều lưu giữ biết bao kỷ niệm của biết bao người. Nó cũng giống như cây đa bến nước đầu làng lưu giữ tuổi thơ của ta ở đó. Có biết bao chiếc quán, góc phố đã đi vào âm nhạc, văn học của những nghệ sĩ văn nhân và đã lưu giữ ở đó sự hoài niệm của người nghệ sĩ...

Vì thế có những người đầu bạc rồi vẫn không sao quên được một quán cà phê, một góc phố mà nơi đó mình từng có một kỷ niệm đầu đời đã được khắc sâu vào tâm khảm.

Những chiếc quán, góc phố ấy đang rất dịu dàng và sẽ còn dịu dàng hơn đằm thắm nữa hơn khi ta nghĩ về nó hay ta chợt bắt gặp lại nó trong những giấc mơ…

Trương Đạm Thủy
Số lần đọc: 2777
Ngày đăng: 06.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đàn Xã Tắc và đất thiêng cõi Việt - Trần Hạ Tháp
Thân cò thời vật giá leo thang ! - Vũ Trà My
Thắng ngố - 8 - Trần Huy Thuận
Thơ-lái của Võ City - Tô Vĩnh Hà
Vô tâm đến.. vô duyên !! - Vũ Trà My
Cha tôi - Trần Huy Thuận
Lại chuyện Tam nông ở xứ Kinh Bắc - Vũ Ngọc Tiến
Bài học trong lịch sử : Ăn cơm nhà... 37 - Phạm Lưu Vũ
Dọc đường… Bia bọt - Trương Đạm Thủy
Đứng và Đi - Trần Huy Thuận