Ngày nay, văn hoá đọc đang gặp thử thách khó khăn trước sự lấn sân của các phương tiện nghe nhìn. Điều này không chỉ gây lo lắng cho thị trường sách văn học mà còn ảnh hưởng đến việc tiếp nhận văn chương trong nhà trường. Trong lịch sử giáo dục thế giới và Việt Nam xưa nay, môn Văn là môn phải học đầu tiên và là môn chính không thể thiếu trong suốt những năm học phổ thông. Nhưng có một thực trạng đáng suy nghĩ là đa số học sinh (HS) hiện nay không đọc sách nhiều như thế hệ cha anh của họ. Bài viết này có mục đích chỉ ra những nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Thứ nhất, chúng ta cần thừa nhận rằng, sự cạnh tranh và thay thế các loại hình giải trí là chuyện bình thường trong lịch sử. Chúng ta vừa mới chứng kiến sự thoái trào của loại hình sân khấu để nhường chỗ cho sự lên ngôi của vô tuyến truyền hình. Thế mạnh của Tivi, Internet và Karaoke… là có hình ảnh động, nhiều màu sắc và âm thanh. Chúng là sự tổng hợp tuyệt vời các loại hình nghệ thuật khác, đáp ứng tốt nhất thị hiếu công chúng. Các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay còn có ưu điểm là đưa tin kịp thời, thiết thực, rẻ tiền. Trong khi giở một cuốn sách văn học, người ta chỉ thấy những ký hiệu khô khan, trừu tượng, mất công phải động não để suy nghĩ những câu chuyện bịa đặt của nhà văn trong quá khứ. Bởi vậy nhiều người chán đọc sách nhưng có thể ngồi cả ngày say sưa quên giờ giấc bên cạnh Tivi, máy vi tính... Việc dạy Văn trong nhà trường cũng không thể cưỡng lại được xu thế chung của thời đại. Bởi vậy, để lôi cuốn được HS, nhà trường cần trang bị những thiết bị nghe nhìn hiện đại, dạy học bằng giáo án điện tử, phòng học được trang bị máy vi tính nối mạng, màn hình, đèn chiếu… Bài học được minh hoạ bằng những đoạn phim, vở kịch, bản nhạc… để tạo hứng thú học văn. Mà HS thích học Văn thì có nghĩa là tác phẩm văn học vẫn còn chỗ đứng trong lòng người.
Thứ hai, chương trình học trong nhà trường lâu nay rất cứng nhắc, khô khan. Các bài diễn văn chính trị lẽ ra được đưa vào môn Sử - Chính trị thì được đẩy sang môn Văn. Đề tài chiến tranh được đưa vào chương trình quá nhiều, không thích hợp cho tâm lý tiếp nhận của phần đông HS được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Đã có một thời, để tuyển chọn tác phẩm, các nhà soạn sách giáo khoa chỉ chú ý đến nội dung tư tưởng, không coi trọng chất lượng nghệ thuật. Những tác phẩm có chất lượng kém chính là nguyên nhân chính làm cho HS chán đọc thơ văn. Một nguyên nhân nữa là phần lớn các tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam thời chiến tranh đều na ná giống nhau về tư tưởng, đề tài, kiểu cốt truyện, tính cách nhân vật, ngôn ngữ trần thuật… Chúng giống như được đúc ra từ một cái khuôn thép có sẵn, từ đó tạo ra sự nhàm chán trong tiếp nhận văn học. Để tránh được điều này, cần chú ý tới chất lượng tác phẩm văn chương trong nhà trường. Ưu tiên những bài có khả năng xây dựng tình cảm tốt đẹp giữa người với người… Mỗi tác phẩm là một đoá hoa đẹp, mỗi bông hoa đẹp có một màu sắc riêng góp phần làm đa dạng thêm khu vườn văn học và thu hút được mọi người đến với nó.
Thứ ba, cần đổi mới phương pháp dạy học Văn. Lâu nay trong nhà trường Việt Nam đã tồn tại quá lâu cách dạy giáo điều, công thức. Người soạn sách định hướng cho giáo viên cách phân tích tác phẩm, giáo viên đưa ra cách hiểu nào thì HS chỉ việc học thuộc lòng cách hiểu đó, không được hiểu tác phẩm theo nghĩa khác. Người thầy làm công việc rót kiến thức, người trò thụ động nhận kiến thức mà không được khuyến khích trao đổi, thảo luận. Chính vì thụ động mà nảy sinh tâm lý không hứng thú học tập. Bởi vậy, để kích thích lòng đam mê nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo của HS thì giáo viên phải cho phép HS được trực tiếp khám phá tác phẩm và lý giải các lớp nội dung của nó theo cách của mình, tránh sự áp đặt quá cứng nhắc. Cần sử dụng thường xuyên phương pháp đàm thoại, nêu vấn đề để tạo ra các cuộc tranh luận thu hút sự chú ý của HS về tác phẩm văn học. Kinh nghiệm ngoài đời cho thấy, người ta chỉ thường đổ xô đọc tác phẩm mỗi khi có diễn ra các cuộc tranh luận, việc đúng sai khó phân định, nhưng qua mỗi lần như vậy, tác phẩm văn học lại được hâm nóng trong lòng bạn đọc.
Thứ tư, cần đổi mới cách thi cử, vì nó quyết định xu hướng học tập của HS. Trước đây, đề thi rất đơn điệu, theo mô hình quen thuộc như: Anh chị hãy phân tích bài thơ A, anh chị hãy phân tích nhân vật B… HS chỉ cần chép nguyên xi văn mẫu là thi đậu. Những năm gần đây, các đề thi có hình thức đa dạng hơn, yêu cầu HS phân tích tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng cách chấm Văn vẫn còn cứng nhắc dựa theo đáp án có sẵn, chưa khuyến khích cho sự sáng tạo. Nghĩa là HS vẫn phải nói theo lời người khác chứ không phải lời của mình. Mặt khác, đề thi chỉ xoay quanh một số tác phẩm đưa vào nhà trường nên chỉ thích hợp cho những ai giỏi học vẹt, không thích hợp cho những người có tư duy sáng tạo, ham tìm tòi những điều mới mẻ trong văn chương. Bởi vậy, để đánh giá đúng năng lực cảm thụ nghệ thuật của HS thì nên mạnh dạn đưa vào đề thi những tác phẩm bên ngoài sách giáo khoa, nhất là đối với đề thi HS giỏi. Hoặc ra đề dạng tổng hợp kiến thức để kích thích HS tìm đọc thật nhiều sách báo.
Thứ năm, vấn đề thời gian cũng có tầm quan trọng trong việc đọc sách. Trong thời phong kiến, cuộc sống tĩnh tại, thời gian rảnh rỗi nhiều nên người ta có thời gian để đọc các truyện dài. Nhưng trong thời kinh tế thị trường, mọi người đổ xô nhau làm ăn kiếm tiền, HS đầu tư vào học các môn nào có lợi cho công ăn việc làm sau này như :Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ, Tin học... Các môn xã hội không còn được chú trọng nhiều. Mặt khác, nhà trường hiện nay có quá nhiều môn học và chương trình ngoại khoá, nên HS không còn nhiều thời gian để đầu tư cho việc đọc sách văn học. Để giải quyết tình trạng này, nhà trường không nên yêu cầu HS phải nhồi nhét tất cả các tác phẩm văn học mà nên cho đọc sách theo kiểu tự chọn. Tuỳ và trình độ, thị hiếu của mình mà HS có thể chọn phân tích những tác phẩm nào mình thích trong số các tác phẩm được gợi ý sẵn. Rồi sau này ra đời, tiếp tục vận dụng những kỹ năng đó để cảm thụ hàng loạt tác phẩm khác. Ngoài ra, mỗi người còn phải trang bị phương pháp khai thác thông tin trên mạng, ở thư viện, hoặc ở ngoài đời… Một người tài giỏi không phải là người cái gì cũng biết, mà là người biết cách khai thác thành công mọi thứ khi mình cần.
Thứ sáu, một trong những lý do khiến HS xa dần sách văn học là do giá sách quá cao. Trước đây, loại hình giải trí còn ít, người ta có thể để dành tiền để mua truyện. Nhưng ngày nay, các loại hình giải trí quá đa dạng, cho nên, túi tiền cũng phải phân phát cho nhiều thứ chứ không không riêng gì việc mua sách. Người ta có thể thưởng thức nghệ thuật trên Tivi không mất tiền. Trong khi đó, giá sách thì quá cao, ngay cả viên chức nhà nước cũng ngại mua chứ đừng nói gì đến thành phần HSSV đang sống nhờ gia đình. Để khắc phục tình trạng trên, cần phát triển hệ thống thư viện trường học. HS không phải tốn tiền mua sách mà vẫn có thể đọc được rất nhiều sách.
Khách quan mà nói, sự đam mê văn học của mỗi thời không giống nhau nên không thể bắt thời nay phải giống với thời xưa. Nhưng thời nào cũng vậy, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật là không thể thiếu, nhưng vấn đề là phương thức tiếp nhận ra sao, và người ta thường đọc nó vào thời điểm nào của cuộc đời. Có người lúc còn trẻ thì từ giã Nàng Thơ để mải mê làm ăn kiếm tiền, nhưng khi kiếm được nhiều tiền rồi thì lại bỏ tiền ra chơi thơ. Ngày nay, hình thức tồn tại của thơ văn rất đa dạng, không chỉ ở dạng truyền miệng hoặc in thành sách mà nó còn được đưa lên mạng Internet cho cả thế giới đọc. Trang thơ văn vẫn xuất hiện thường xuyên trên các báo, mà báo chí bây giờ rất nhiều, nhờ báo chí mà văn học được phổ biến. Như vậy việc đọc tác phẩm văn học vẫn được duy trì thường xuyên nhưng có điều là nó được diễn ra dưới nhiều hình khác khác nhau.