Biển Đông (còn gọi là biển Nam Trung Hoa) là một vùng biển rộng lớn, tài nguyên phong phú ngày càng trở nên có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Biển Đông giàu tài nguyên sinh vật nhất là nguồn lợi thủy sản được đánh giá là ngư trường lớn của thế giới, thềm lục địa lại có nhiều tài nguyên khoáng sản (đặc biệt là dầu mỏ với trữ lượng vô cùng lớn), lại có vị trí chiến lược quan trọng khi án ngữ một trong những đường hàng hải quốc tế có lưu lượng tàu bè qua lại dày đặc. Thế nhưng, vấn đề biển Đông là một vấn đề đặc biệt và mang tính thời sự trong nhiều năm trở lại đây, có liên quan tới hầu hết các nước trong khu vực: Việt Nam, Philippin, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Brunei và cả với các nước và lãnh thổ ngoài khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp với nhiều vấn đề phức tạp. Mỗi nước có những quyền lợi, mưu đồ chiến lược riêng và chưa thống nhất với nhau trong việc giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại, nhất là khi nhiều ý kiến cho rằng biển Đông đang có một khoảng trống quyền lực và cần được khỏa lấp. Do đó, việc giải quyết các vấn đề tranh chấp về Biển Đông, xây dựng các quan hệ hợp tác trong việc khai thác và kiểm soát ở Biển Đông sẽ đem lại lợi ích cho các nước có liên quan và góp phần làm hoà dịu các vấn đề của khu vực.
1.Việt Nam với một vài thành công về vấn đề chủ quyền lãnh hải: Là một quốc gia nằm trọn trong vùng biển có nhiều tiềm năng giá trị này, Việt Nam đã và đang đối mặt, giải quyết và vượt qua nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền lợi quốc gia của Việt nam trên biển Đông. Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam dựa trên pháp lí quốc tế đã có những thỏa thuận với một số nước trong khu vực và đi đến cam kết một vài vấn đề về việc phân định biển, làm rõ chủ quyền ở một số vùng biển, đảo, quần đảo có tranh chấp. Đó được xem là thắng lợi bước đầu trong những chính sách ứng xử trên biển Đông từ phía Việt Nam.
1.1 Việt Nam đã đảm bảo được tính hợp pháp về chủ quyền quy định trên biển Đông. Căn cứ vào luật pháp quốc tế, công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982,Việt Nam có những tuyên bố chủ quyền của mình về lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế... thông qua các văn bản pháp luật như: Tuyên bố ngày 12/5/1977 của chính phủ; thông tư số 30, ngày 29/1/1980, bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 12/7/1990/ . Cụ thể: Lãnh hải Việt Nam rộng 12 hải lí, vùng đặc quyền kinh tế hợp với lãnh hải Việt Nam rộng 200 hải lí kể từ đường cơ sở...Và nhiều quy định pháp lí khác liên quan đến vấn đề quản lí, khai thác, bảo vệ quyền lợi ở biển Đông. Những tuyên bố trên của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ nghiêm chỉnh công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc nên đa số được quốc tế công nhận.
1.2 Với những cuộc đàm phán song phương, khu vực, Việt Nam đã đi đến nhiều cam kết phân định vùng biển. Điều này tạo điều kiện cho sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng tới chủ quyền lãnh hải quốc gia. Đồng thời việc giải quyết ổn thỏa, hợp lí vấn đề tạo điều kiện thắt chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, tránh phương hại đến quan hệ vốn tốt đẹp nhất là với các nước cùng tổ chức ASEAN. Những cam kết đó là:
Việt Nam với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ: Trong tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở Việt Nam ngày 12/11/1982 đã xác định vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa Việt Nam và Trung Quốc, phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của Việt Nam. Tuyên bố này đã xác định cơ bản chủ quyền của hai nước về vịnh Bắc Bộ, góp phần đẩy nhanh những hợp tác mới trên nhiều vấn đề lãnh thổ, biên giới trong thời điểm 1982.
Ở vịnh Thái Lan, Việt Nam có vùng biển chồng lấn với vùng biển của nhiều nuớc như Thái Lan, Malaysia, và Campuchia. Với diện tích khoảng 300.000 km2, vịnh cũng là một vùng biển có nhiều giá trị về nhiều mặt, tranh chấp là điều tất yếu xảy ra. Chính phủ Việt Nam đã dàn xếp và thỏa thuận lần lượt với những quốc gia có tranh chấp. Hầu như, trải qua đàm phán, Việt Nam đều thành công trong giải quyết vấn đề. Campuchia là nước đầu tiên Việt Nam tiến hành đàm phán. Hai bên đã kí kết Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam- Campuchia ngày 7/7/1982 quy định vùng nước biển nằm giữa giới hạn bởi các bờ biển Hà Tiên( Việt Nam) và Kampot (Campuchia), đảo Phú Quôc, Thổ Chu( Việt Nam), nhóm đảo poulowai (Campuchia).
Việt Nam cũng đã giải quyết vướng mắc với Thái Lan về vịnh Thái Lan và đi đến hợp tác trong việc khai thác nguồn lợi ở vịnh Thái Lan. Trải qua 9 vòng đàm phán, hai bên đã ký hiệp định phân định biển vào ngày 9/8/1997. Đây là một trong những hiệp định phân định vùng biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt-Thái và lịch sử phân định vịnh Thái Lan.
Với Malaysia , qua Bản ghi nhớ ngày 5/6/1992 quy định phạm vi “vùng xác định”. Hai bên cử đại diện của mình để tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác trong “vùng xác định”( Phía Việt Nam cử PETROVIETNAM, Malaysia cử PETRONAS). Ngày 29/7/1997, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bunga Kekwa, đánh dấu thành công lớn cho cả đôi bên trong quản lí, hợp tác khai thác nguồn lợi cũng như đóng góp kinh nghiệm quý báu để giải quyết các tranh chấp khác.
Đặc biệt, trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông,Việt Nam và các nước trong khu vực đã tham gia Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC) vào ngày 4 tháng 11 năm 2002. Đó là Tuyên bố về Hành vi của Các bên ở Biển Nam Trung Hoa, “tái cam kết với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển”, “tránh những hành động cư trú ở những đảo, đá, bãi cát, đảo thấp”, cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hoà bình và “tôn trọng quyền tự do giao thông và bay trên Biển Nam Trung Hoa.” Các nước ASEAN sau đó thiết lập một chế độ theo dõi sát tình hình. Đây không phải là một Hiệp ước với những điều khoản chi li, dù việc thương thảo kéo dài rất lâu.Tuyên bố này áp dụng chung ở Biển Đông Nam Á, chứ không chỉ riêng các vùng tranh chấp ở vịnh Thái Lan hay Trường Sa. Một bước tiến dài của sự hợp tác và những nỗ lực giải quyết tranh chấp trong hòa bình, trong đó công lao của Việt Nam là không nhỏ.
Những tuyên bố, cam kết, thỏa thuận thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về chủ quyền quốc gia. Đó là những thành công trong quan hệ đối ngoại với các nước anh em, bạn bè trong khu vực. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông không đơn giản chỉ là việc phân định vùng biển đơn thuần. Một vị trí chiến lược, một bể cá rộng lớn sản lượng hàng năm nếu khai thác tối đa nhất nhì thế giới, một túi dầu khổng lồ với trữ lượng dự đoán khoảng vài tỉ thùng, trị giá hàng ngàn tỉ đôla đã biến biển Đông trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Những tranh chấp quyền lợi, những bất đồng trong việc hoạch định việc khai thác tài nguyên ở biển Đông đã, đang và sẽ là điểm nóng tranh cãi cho nhiều nước có quyền lợi. Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, mà việc đi đến giải pháp tốt đẹp nhất hãy còn là sự đợi chờ của tương lai.
2. Những vấn đề còn tồn tại:
2.1 Về chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa : Nói về điểm nóng nhức nhối của Việt Nam không gì hơn là việc chứng minh, xác định chủ quyền ở hai quần đảo địa đầu, hai bức bình phong án ngữ biển Đông: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gắn liền với việc khai thác nguồn lợi ở đó. Từ lâu biển Đông đã gắn bó với đất nước Việt Nam như một bộ phận không thể tách rời. Biển Đông là quê mẹ của những cháu con dòng dõi tiên rồng. Vì thế, cuộc sống của bao thế hệ người dân Việt gắn liền với biển, gắn liền với những con thuyền lênh đênh sóng nước để từ đó đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của mình lên những "bãi cát vàng" đáng giá. Chủ quyền ấy đã được lịch sử chứng minh với những luận cứ không thể chối cãi được qua nhiều bằng chứng xác thật.
Đánh dấu chủ quyền, Phía Việt Nam, có những bằng chứng sau : Theo chính sử Việt Nam và theo nhiều nhân chứng nước ngoài, từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn với danh nghĩa Nhà nước đã thành lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hàng năm ra khai thác và quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày nay vẫn còn vết tích của hoạt động đó thông qua "lễ khao lề tế lính Hoàng Sa" được tổ chức hàng năm tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mới đây, từ ngày 19-21/4/2008 lễ hội đó lại được tổ chức tưng bừng để tưởng nhớ những người lính ra đi bảo vệ vùng viễn đảo của tổ quốc mấy trăm năm trước. Đó là một bằng chứng sống, vẫn còn có giá trị đối với Việt Nam. Tiếp đó triều Nguyễn rất quan tâm đến việc củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo, các hoàng đế Gia Long, Minh Mạng liên tiếp phái thuỷ quân ra Hoàng Sa - Trường Sa khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ, lập miếu, dựng bia, cắm cờ (1816). Theo Đại Nam Thực Lục Chính biên, trong 3 năm: 1833, 1835, 1836 vua Minh Mạng liên tiếp có chi thị về Hoàng Sa.
Nhiều bản đồ do người Việt vẽ đã xác định chủ quyền ở hai quần đảo trong: Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ; Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ (của Đỗ Bá Công soạn năm Chính Hoà thứ 7-1686) và Toản Tập An Nam Lộ . Nhiều sách của người Việt nhắc đến hai quần đảo với nhiều trích dẫn có giá trị như:Phủ Biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776); Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833)Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ(1851) của triều Nguyễn.
Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa (cũng như với Trường Sa) còn được minh chứng bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre(1749), J,Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)…;.Gần đây, trong cuốn "Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" xuất ở Paris năm 1996, giáo sư Monique Chemillier Gendreau, chủ tịch Hội luật gia Châu Âu đã vìết; "Khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp năm 1884, Việt Nam đã nắm giữ không có cạnh tranh và trong khoảng gần hai thế kỷ, một quyền đối với các quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa), theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó".
Đến thời Pháp thuộc, dù là chính quyền bảo hộ nhưng người Pháp vẫn có những hành động "giữ nguyên hiện trạng " giùm Việt Nam”. Mãi đến đệ nhị thế chiến (1939-1945) mới có những xao trộn nhỏ khi người Nhật vào Đông Dương. Trong cuộc chiến tranh ba mươi năm (1946-1975), vì mãi lo đối phó với cuộc chiến cũng như điều kiện không cho phép, hai quần đảo Việt Nam lần lượt bị sang tên đổi chủ một cách bất hợp pháp hoặc toàn bộ hoặc một phần quần đảo, để lại những hệ quả đến tận hôm nay.
Như vậy, chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo là đúng sự thật, phù hợp với lịch sử, hợp lí với luật pháp quốc tê. Hơn nữa nhiều nghiên cứu độc lập cho thấy điều này là hoàn toàn đúng. Nhưng đáng tiếc, hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử, ý đồ tham vọng của một số nước đã xâm phạm đến chủ quyền thiêng liêng đó của Việt Nam. Hôm nay, việc chứng minh chủ quyền vẫn chưa ngã ngũ, chưa đủ "nặng", chưa đủ cơ sở để Việt Nam có thế giành lấy những gì đã mất.
2.2 Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông được xem là vấn đề khó khăn phức tạp nhất trong quan hệ Việt - Trung. Cụ thể là việc giải quyết tranh chấp giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước thế kỉ 20, do hoàn cảnh của thời đại, “con mắt chiến lược” của chính giới Trung Quốc chưa có đánh giá đúng về tầm quan trọng của hai quần đảo phía nam đất nước họ. Thế nhưng, bước sang thế kỉ mới, cái nhìn đã thay đổi thể hiện qua sự quan tâm ngày càng lớn của các thế hệ chính quyền Trung Quốc. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì mãi đến năm 1909, lần đầu tiên Trung Quốc mới đề cập đến chủ quyền của mình đối với khu vực lãnh thổ này. Bắt đầu từ đó, Trung quốc chú ý hơn đến vùng biển này và những quyền lợi ở đó. Với những chính sách cụ thể, lần lượt là chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch rồi đến chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thực hiện các cuộc chiếm đóng lên các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa (phía Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Đối với quần đảo Hoàng Sa, sau trận hải chiến giữa lực lượng hải quân chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào tháng 1/1974, quần đảo này hoàn toàn bị Trung Quốc chiếm đóng. Năm 1958, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp tục đưa ra tuyên bố xác định lãnh thổ biển của họ gồm cả quần đảo Trường Sa dựa trên vị trí lịch sử. Trong các năm sau đó, với chiến thuật "gặm nhấm”, “tằm ăn lá dâu", Trung Quốc chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa. Nghiêm trọng hơn, hai bên đã xảy ra vụ đụng độ quân sự ở Trường Sa vào năm 1988 dẫn đến cái chết cho nhiều quân nhân Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến quan hệ Việt-Trung. Sau này, Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã từng là một phần thuộc Trung Quốc trong gần 2.000 năm và đưa ra các thư tịch cổ có nhắc tới quần đảo Trường Sa và những mảnh vỡ đồ gốm, tiền, thậm chí cả hài cốt người được tìm thấy ở đó để chứng minh, mặc dù tính xác thật của nó cần phải xem lại.
Những hành động trên của Trung Quốc được lí giải bởi tham vọng mưu đồ làm bá chủ biển Đông trong hoàn cảnh biển Đông ngày càng có giá trị về mặt chiến lược. Vấn đề đặc biệt được chú ý khi có những phát hiện thăm dò có túi dầu ở Biển Đông, trong đó khu vực Trường Sa là tâm điểm. "Cơn khát dầu" của thế giới đang tăng từng ngày và càng khát hơn với con "rồng ngủ đang vươn mình Trung Quốc" muốn xây dựng một nền đại công nghiệp mà hằng năm tiêu tốn mất 8% lượng dầu thế giới khai thác được. Chủ nghĩa nước lớn-đại quốc là lập trường của giới lãnh đạo Trung Quốc muốn vươn cánh tay quyền lực bao trùm biển Đông mà ít nhất là một vài nước láng giềng như Việt Nam.
Về vấn đề này, lãnh đạo hai nước đã nhiều lần thỏa thuận "tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện nay về các vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được. Trong khi tiến hành đàm phán, hai bên không tiến hành những hoạt động làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh trên tinh thần xây dựng.". Lập trường đó của lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc phù hợp với tuyên bố về vấn đề Biển Đông của cuộc gặp cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Phnôm Pênh năm 2002. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện cam kết ấy không phải bao giờ cũng dễ dàng. Vấn đề này đòi hỏi các bên có liên quan phải thực sự thiện chí, lấy hòa hảo làm trọng, tự kiềm chế để bảo đảm ổn định khu vực trong khi "kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được".
Việt Nam giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc chủ yếu bằng con đường hòa bình, đàm phán là chính.Việt Nam kiên trì thực hiện nguyên tắc đã thoả thuận ngày 19/10/1993 là tiếp tục đàm phán về các vấn đề trên biển Đông để đi đến một giải pháp ổn định, công bằng nhất, tránh làm xấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng mới đây nói: "Về Biển Đông, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định chủ trương của Việt Nam là thông qua đàm phán, giải quyết một cách hoà bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông năm 2002. Như thế, rõ ràng lập trường của Việt Nam mang tính cởi mở, hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Mặc dù, hai bên nhất trí kiên trì thông qua đàm phán hoà bình để tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; đồng thời cùng nhau giữ gìn ổn định ở Biển Đông. Đến nay, hai bên đã tiến hành hơn 10 vòng đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề trên biển, tăng thêm hiểu biết về lập trường của nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách nhất quán ở biển Đông thể hiện ở thái độ không muốn từ bỏ bất kì chủ quyền nào của Trung Quốc ở đó. Chủ trương của Trung Quốc lập lờ, khó hiểu, khó đi đến sự bình ổn thông qua những thỏa hiệp. Trung Quốc rất khôn khéo trong vấn đề đàm phán, thường là đàm phán riêng rẽ với từng nước về vấn đề biển Đông, ít khi hợp tác với tập thể các nước có liên quan (ngoại trừ Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC). Vì thế lộ trình đi đến một hiệp định hay ít ra là một cam kết sẽ rất khó thực hiện. Tình hình phức tạp thêm khi tháng 7 năm 2006, Trung Quốc đã cho công bố bộ bản đồ chính thức, xác định trước quốc tế lãnh thổ và lãnh hải của nước mình. Vấn đề là các bản đồ nói trên đã chồng lấn lên lãnh thổ hay lãnh hải của nhiều quốc gia khác nhau. Bản đồ này dành về cho Trung Quốc toàn bộ biển Đông cùng các quần đảo trong đó. Việc này đã gây nhiều phản đối ở các nước liên hệ. Một số các nước này thuộc khối ASEAN trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 12/2007 chính quyền Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa để quản lí các đảo bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, gây nên một làn sóng bất bình từ những người Việt Nam yêu nước. Điều này gây phương hại đến quan hệ hai nước nhất trong thời điểm hai bên đang có những hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Có những tranh chấp không thể giải quyết trong chốc lát được mà là cả một quá trình lâu dài. Tranh chấp Việt-Trung cần nhiều thời gian hơn nữa để giải quyết vấn đề. Hi vọng một ngày không xa sẽ có những cam kết hợp lí để không ảnh hưởng đến phương châm chiến lược 16 chữ vàng của quan hệ Việt - Trung là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" mà năm 1999, lãnh đạo hai nước đã xác định.
2.3 Việt Nam giải quyết vấn đề với các nước khác:
Các nước có liên can đến tranh chấp ở biển Đông với Việt Nam, chủ yếu là chủ quyền ở quấn đảo Trường Sa gồm: Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), Philippines, Malaysia và Brunei, đều cho là mình có chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần của quần đảo. Lập trường của Việt Nam vẫn không có gì thay đổi so với chính sách đối với Trung Quốc. Việt Nam vẫn duy trì con đương đàm phán, hòa bình để đi đến những thỏa thuận vẹn cả đôi đường.
Philippin vốn là nước không có quyền gì đối với quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha theo đó Tây Ban Nha giao Philippin cho Mỹ đã xác định phạm vi quần đảo Philippin trên bản đồ kèm theo Hiệp định không bao gồm 1 đảo nào của quần đảo Trường Sa. Từ năm 1951, Philippin bắt đầu chuẩn bị dư luận để nhẩy vào tranh chấp quần đảo Trường Sa với lời tưyên bố của Tổng thống Philippin Quirino rằng quần đảo Spratly (tức Trường Sa) phải thuộc về Philippin vì nó ở gần Philippin.Từ năm 1971-1973, Philippin cho quân đội ra chiếm đóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa và năm 1977-1978 chiếm thêm hai đảo nữa. Cả 7 đảo nằm ở phía Bắc quần đảo. Đầu năm 1979, Philippin công bố sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11/6/1978 coi toàn bộ quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa) là lãnh thổ Philippin và đặt tên cho quần đảo là Kalayaan.
Từ năm 1978 đến 1994 Việt Nam và Philippin đã thoả thuận ở cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thống và Chủ tịch nước là sẽ giải quyết mọi tranh chấp giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình trên tinh thần hữu nghị, hoà giải, tin cậy lẫn nhau. Ngày 7/11/1995 hai Bộ Ngoại giao Việt Nam - Philippin đã đạt được thoả thuận về 9 nguyên tắc ứng xử cơ bản đối với vùng tranh chấp. Cuối tháng 4 đầu tháng 5/1996, hai bên đã thực hiện thành công chuyến khảo sát chung về khoa học biển tại khu vực quần đảo Trường Sa và Biển Đông. Hai bên sẽ tiếp tục tổ chức khảo sát khoa học chung trên khu vực quần đảo và trên Biển Đông. Uỷ ban hỗn hơp Việt Nam - Philippin do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước dẫn đầu họp tại Hà Nội tháng 1/1997 đã thoả thuận về một số biện pháp xây dựng lòng tin trên quần đảo, trong đó có việc trao đổi các cuộc viếng thăm của các chỉ huy quân sự và lực lượng đồn trú của hai bên trên quần đảo.
Giữa Việt Nam và Malaysia có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa do Malaysia có yêu sách đối với vùng phía Nam quần đảo Trường Sa và trên thực tế trong 2 năm 1993-1994 Malaysia đã cho quân chiếm ba bãi đá ngầm ở Nam quần đảo Trường Sa: Hoa Lau, Kỳ Vân, Kiệu Ngựa. Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia nhiều lần khẳng định sẽ giải quyết mọi tranh chấp giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình.
Đài Loan cũng chiếm được một số đảo trong đó có đảo Ba Bình là đảo lớn nhất. Nước này tuyên bố chủ quyền lên cả toàn bộ quần đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa. Đài Loan dường như có tham vọng lớn ở biển Đông. Việt Nam vẫn chưa giải quyết được tranh chấp với Đài Loan. Vấn đề còn nóng lên khi có tin lãnh đạo cao cấp của Đài Loan là Trần Thụy Biển sẽ đến thăm một số đảo khi sắp hết nhiệm kì.
Việt Nam đã, đang và sẽ đẩy nhanh lộ trình đi đến những cam kết hợp lí cho những vấn đề ở biển Đông. Đã đạt được một số thành tựu như: Giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử ở biển Đông (DOC), hiện đang trong quá trình trao đổi để đi vào triển khai, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); Có những hợp tác trong khai thác tài nguyên, cụ thể, ngày 14/3/2005, ba công ty dầu khí 3 nước Việt Nam (PetroVietnam), Trung Quốc (CNOOC), Phi-lip-pin (PNOC) đã ký Thoả thuận về khảo sát địa chấn chung trong một khu vực tranh chấp trên biển Đông và đã bắt đầu triển khai. Vấn đề sống còn ở biển Đông là các bên liên quan trực tiếp phải làm thế nào để sẻ chia quyền lợi trong việc khai thác các tài nguyên biển Đông một cách công bằng, hợp lí, tránh phải xung đột quân sự. Nhiều dự báo cho rằng, tranh chấp ở biển Đông nếu không có sự điều chỉnh sẽ dễ dẫn đến một cuộc chiến giữa các nước. Đó là mối nguy hại lớn. Đặc biệt là Trung Quốc với mưu đồ bá cường sẽ còn đẩy tình hình đi theo nhiều chiều hướng đáng lo ngại, với những chính sách cũng đáng lo ngại không kém.
Vấn đề biển Đông vẫn nóng lên theo từng ngày với những đợt sốt giá dầu tăng, giá lương thực tăng. Điều đó chỉ nguội đi khi những nước liên quan có sự phối hợp hành động, nghiêm túc để giải quyết vấn đề. Một khi vấn đề tranh chấp ở biển Đông vẫn còn nóng, căng thẳng thì đó là mối lo lớn không những của Việt Nam mà cả các nước hữu quan.
Tài Liệu Tham Khảo:
1.Lê Minh Nghĩa (1998), "Những vấn đề về chủ quyền của Việt Nam và các nước láng giềng", Hội Thảo về Phát Triển Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương và Tranh Chấp Biển Đông.
2. Nguyễn Nhã (2007), "Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam", Vietbao.vn
3.Nguyễn Nhã (2008), "Hoàng Sa trong quá khứ", Báo Thanh Niên, số 1-10/1/2008
4.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, quyển Đại Nam 104, kỷ thứ hai, NXB Thuận Hóa, Huế, 1999.
5.Dương Trung Quốc (2007), "Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam", Vietnamnet.com
6.Nguyễn Huy Quý (2005), "55 năm quan hệ Việt-Trung, nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai", tc Cộng Sản, số 3.
7.Trần Văn Thắng (chủ biên) (2003), Luật quốc tế và Lý Luận Thực Tiễn, NXB Giáo Dục, Hà Nội, trang 169-194.
8.Trà Sơn (2008), "Còn một bằng chứng khác", Báo Thanh Niên, số 106, trang 13.
9.Vũ Quang Việt (2005),"Vấn đề tranh chấp biển Đông", tạp chí Thời Đại Mới Số 4 - Tháng 3/2005
10.Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo Trình Luật quốc tế, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội, 1999, trang 161-190
11. http://www.vnagency.com.vn
12. http://www. wikipedia.com