Tối tối, vào cái thời khắc mà nhiều người dân Thành phố đã chập chờn trong giấc ngủ, thì Ánh, một ông già râu tóc bạc phơ, bắt đầu cầm đàn hát. Ánh hát không hay, nhưng sao nghe nao lòng đến thế! Cứ dọc đường phố "Pôn-be", mà nghêu ngao. Ấy là nói theo cách của Ánh, chứ từ non nửa thế kỷ rồi, cái đường phố đẹp và to nhất này, đã mang tên mới: phố Trần Hưng Đạo; chả ai còn nhắc đến cái tên "Pôn-be" từ thời "Pháp thuộc" cổ lỗ sỹ ấy nữa. Ngay các cụ "via tông kanh" ngoài thất thập, cũng ít cụ còn nhớ, huống chi lớp trẻ? Ánh cũng đang bước dần sang cái tuổi lục thập, nhưng Ánh vẫn nhớ, vẫn thích gọi con phố này bằng cái tên xưa cũ ấy. Có lẽ bởi đó là con phố thân quen gắn bó máu thịt cuộc đời Ánh và gia đình Ánh, không phải mấy chục năm, mà xuyên suốt cả thế kỷ!
Bài hát mà Ánh hát nhiều nhất, có đoạn: "Nhà của tôi! Nhà của tôi!... đâu rồi? Còn đâu nhà của tôi!.."! Đêm khuya, phố xá vắng bóng người, nên tiếng Ánh lúc nhỏ nhất cũng rõ như hát qua máy tăng âm. Nhưng mà ít người nghe được tiếng Ánh, bởi lẽ, như trên đã nói, đó là thời khắc mà nhiều người dân Thành phố đã chập chờn trong giấc ngủ, sau những giờ thức bon chen, vật lộn với cuộc mưu sinh!...
Ánh không chỉ đi hát đêm. Ban ngày người ta cũng thường gặp Ánh cùng cây đàn ghi-ta cáu bẩn, lang thang qua các con đường, hẻm phố. Hắn hát vì nhu cầu phải hát, chứ không nhằm phục vụ một đối tượng hay một tầng lớp nào. Ánh hát cũng không nhằm xin tiền như bất kỳ kẻ hát rong đường phố nào khác. Chưa ai thấy Ánh chìa tay ra trước một người nào qua đường. Nhưng gặp bạn cũ, bạn đồng môn chúng tôi, thì thế nào Ánh cũng xin: "Cậu đấy à! Có tiền lẻ, cho tớ vài tờ?". Đi xin mà giọng điệu "ông tướng" thế đấy! Có lần tôi với Định Mít đang đi thì bất chợt gặp Ánh. Ánh đã giữ hai đứa tôi lại, nhưng chỉ cầm tiền của Định Mít, chứ nhất định không chịu nhận tiền của tôi:
- Tiền của chú thì cháu không dám nhận! Cám ơn chú!
Vâng, tôi là bạn học thời nhỏ với Ánh, nhưng sau này tôi lại xây dựng gia đình với người cô họ xa của cậu ta, nên trở thành "chú" là như thế. "Chú" kém "Cháu" tới một hai tuổi gì đấy! Sau này có người nói lại với tôi, Ánh không muốn cầm tiền của tôi hôm ấy, không phải vì tôi là họ hàng, mà vì: "Đồng tiền của những tay này khó mà sạch lắm!" – Ánh phân bua với bạn bè thế, vì lúc ấy, tôi đang là giám đốc kiêm bí thư đảng uỷ một doanh nghiệp Nhà nước!
Cái vị trí mà Ánh xuất hiện nhiều nhất vào ban đêm, để cất lên lời rên rỉ "Nhà của tôi! Nhà của tôi!... đâu rồi? Còn đâu nhà của tôi!..", là một gốc cây gạo đã có tuổi thọ tới trăm năm. Chỉ chỗ đó, không thay đổi ! Chỉ một câu đó, không câu nào khác! Vậy là người ta đoán già đoán non: "cái nhà ông này chắc là một... tư sản phá sản"? Người ta trông điệu bộ và căn cứ câu hát của Ánh mà đoán vậy thôi.
Hát chán, đàn chán, Ánh quay ra ngủ ngay dưới gốc cây, ngáy một cách vô tư như người ta kéo bễ!
Ánh không phải là "nhà tư sản" hoặc "con nhà tư sản", bởi trong những năm "cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh", chưa một lần Ánh và gia đình Ánh bị "quy" như vậy. Bố Ánh còn là người có công nuôi cán bộ cách mạng cao cấp, là nguồn cung cấp kinh tài cho cách mạng nữa. Chỉ tiếc rằng bố Ánh già quá rồi, ông cụ lại bệnh tật ốm đau luôn (nhưng cái chính có lẽ là ông không muốn ... cầu cạnh, ngại cái tiếng: "thấy kẻ sang bắt quàng làm họ"!.. ); chứ nếu không, bố Ánh chỉ lên Trung ương, tìm gặp vị "A", vị "B", thì thể nào đời sống gia đình Ánh cũng dễ chịu hơn, ít nhất cũng là như thế! Thế rồi bố của Ánh qua đời. Từ đây mẹ và anh em Ánh không chỉ mất một chỗ dựa, mà ngay cả niềm hy vọng bấy lâu trông chờ, cũng trở nên mong manh, vô vọng! Khi nhà cách mạng nổi tiếng còn sống, tôi đã từng khuyên anh em Ánh, nên tìm cách xin gặp ông ấy đi, nói ông biên cho một tờ nhận thực những việc bố trứơc đây đã làm, như nuôi dấu ông trong nhà và kiếm tiền ủng hộ Cách mạng... Những việc như thế, không bao giờ người ta quên đâu! Nhưng Ánh cứ lần lữa không chịu đi gặp cái ông cán bộ cách mạng cao cấp ấy. "Đúng là cái đồ sỹ hão!.." Có lần tôi đã mắng Ánh thế
Mặc dù không bị quy kết, nhưng hình như dưới con mắt của thiên hạ, gia đình hắn vẫn là một tầng lớp khác, không thuộc tầng lớp giai cấp cần lao. Sống giữa cộng đồng mà cứ cảm thấy như bị tách ra!.. Để thay đổi cái nhìn đó, người ta phải làm nhiều cách: người thì xin đi làm công trường, kẻ yếu đuối lại không quen lao động chân tay, thì tìm cách đón rước một cán bộ cách mạng nào đó, càng có địa vị quan trọng càng tốt, để cho ở nhờ trong nhà của mình; làm cái bình phong che chắn bớt cái nhìn thiếu thiện cảm của thiên hạ! Lại còn một cách nữa, tìm vợ tìm chồng từ đám công nhân, nông dân. Cô nào xinh đẹp, vớ được anh cán bộ, thì mừng hơn được vàng. Cách này, đôi khi cũng tạo ra hạnh phúc đấy, nhưng tâm chả yên, vì những tiếng chì tiếng bấc: "Cái tay ấy ăn phải kẹo bọc đường" hoặc "đồ lấy con nhà tư sản" hoặc "đâu phải nó lấy con gái lão, mà là nó lấy cái thành phần của lão, cái ghế của lão, đấy!"!..
Các em của Ánh cũng vậy, đứa thì xin được vào Thanh niên xung phong, đứa thì lên miền núi làm công nhân địa chất... Riêng Ánh, lớn tuổi nhất, phải có trách nhiệm với gia đình, nên Ánh chọn giải pháp... cưới một cô nông dân đặc sệt, một "La Nhà quê" chính hiệu! Từ đấy, Ánh mặc toàn áo nâu, quần nâu. Đôi khi đi đâu đó, lại đeo thêm chiếc "sà-cột" nâu – trông đặc một cán bộ Việt Minh thôn! Vậy mà cuối cùng, Ánh cũng không che đậy được cái "đuôi tư sản" của mình. Bây giờ, hễ trông thấy Ánh ở đâu, người ta lại thì thào: "cái nhà ông tư sản phá sản" phải đi hát rong để kiếm sống đấy! Nhưng ông này sỹ lắm, ai cho thì cầm, chứ tuyệt không ngửa tay xin ai!
Tôi biết gia đình Ánh ở quê tuy có nghèo, nhưng không đến nỗi Ánh phải đi ăn xin như thế. Con cái cũng học hành đến đầu đến đũa; lại có đứa đã dựng vợ gả chồng, công ăn việc làm tươm tất. Cái việc đi hát rong của Ánh là mới nẩy sinh mấy năm gần đây thôi, khi mà cái bấu víu cuối cùng, niềm hy vọng sau chót – nhà cách mạng nổi tiếng, người đã được bố Ánh nuôi dấu trong nhà những năm tháng Cách mạng bị khủng bố trắng, không còn nữa!
Như con ve, kêu lắm cũng không qua được mùa hè! Ánh, người hát rong của đường phố tôi, cũng im tiếng, sau một cơn đột quỵ! Đám ma có đủ kèn Tây, kèn Ta, rền rĩ inh ỏi. Nhưng những âm thanh đó vẫn không sao át nổi tiếng hát quen thuộc : "Nhà của tôi! Nhà của tôi!... đâu rồi? Còn đâu nhà của tôi!..", it nhất cũng là trong tâm khảm những người thân thuộc và bạn bè Ánh, dù lúc này họ có mặt hay không có mặt!..
Vợ chồng tôi viếng Ánh một ít tiền còm, bỏ trong phong bì. Tôi thắp hương khẽ khấn: "Ánh ơi! Đây hoàn toàn là những đồng tiền sạch. Chú của cháu, bạn đồng môn của Ánh chưa bao giờ biết cầm một đồng tiền bẩn!.. Ánh hãy yên tâm mà nhận cho lòng tôi được an ủi".
Không biết nơi chín suối, Ánh có nghe thấy lời tôi?!.