Gành Ráng Tiên Sa, vùng núi- biển của thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã được nhà nước xếp hạng di tích danh thắng bởi phong cảnh đẹp, nơi từng có lầu Bảo Đại và bãi tắm hoàng hậu Nam Phương. Nơi non thanh thuỷ tú có huyền thoại “tiên sa” cảm động này thêm nổi tiếng vì có mộ thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử, nên người Bình Định con gọi nơi đây là Đồi Thi Nhân.
Cô bé massage mù ở TP. Hồ Chí Minh hỏi tôi: “Khách người ở đâu?” Tôi bảo Quy Nhơn cô bé reo lên: “Nơi có nhà thơ Hàn Mặc Tử phải không?” Tôi quá ngạc nhiên khi cô bé mù bẩm sinh này biết Hàn thi sĩ, hỏi, cô giải thích hồn nhiên là do em nghe tuồng cải lương! Cách đây hơn mười năm, nhóm nhà thơ nữ TP. Hồ Chí Minh ra thăm Bình Định, chị Phạm Thị Ngọc Liên kể đầy xúc động rằng năm 16 tuổi từng theo người thân ra Quy Nhơn, cốt để viếng mộ Hàn. Bạn bè văn nghệ khắp nước về Quy Nhơn, điểm viếng thăm đầy háo hức trong lòng mọi người vẫn cứ là nơi yên nghỉ của thi sĩ sáng rực trên bầu trời thi ca Việt rồi vụt tắt đầy bi thương. Quá nhiều những nén nhang thành kính của người yêu thơ và những nhà văn tên tuổi quanh mộ Hàn. Trước đây, khu vực này bị cấm vào vì là khu quân sự của Mỹ. Sau năm 1975, người yêu thơ mới thoả lòng tìm viếng mộ thi nhân.
Mấy năm gần đây, khi Gành Ráng- Tiên Sa được quy hoạch làm khu du lịch, tỉnh Bình Định giao cho Công ty Cây xanh- chiếu sáng đô thị và nhất là cuộc “bung ra” đầy tiềm năng hợp tác với Sài Gòn Tourist thấy có một số sự buồn.
1. Nghệ sĩ ngâm thơ Thuý Vinh ở TP. Hồ Chí Minh rất yêu thơ Hàn, thường chọn thơ ông trong những lần trình diễn. Một lần du lịch Quy Nhơn, chị tìm đến viếng mộ Hàn thì bị gạn lại bảo mua vé. Chị giải thích là chỉ muốn đến thắp hương cho thi nhân cũng không được chấp nhận. Vé vào cổng 5.000đ không nhiều nhưng chị thấy buồn vì niềm kính ngưỡng phải trả tiền. Bạn tôi, một nhà báo cũng từ Sài Gòn ra, nghe bạn bản địa bày kế, vào cổng với lời giải thích vô nhà hàng Hoàng Hậu nhậu (mới khánh thành cách đây mấy tháng) lại được người trực cổng vui vẻ mời vào không cần mua vé. Khai thác du lịch là điều hiển nhiên ở mọi khu di tích danh thắng nhưng xem ra có gì đó chưa ổn trong mấy biểu hiện vừa nêu.
2. Đêm thơ Nguyên tiêu hàng năm, Bình Định luôn tận dụng không gian thơ đẹp và đầy ý nghĩa là Đồi Thi Nhân làm nơi tổ chức. Hai năm trở lại đây, trừ người có giấy mời, ai muốn nghe thơ phải mua vé. Năm ngoái tôi cứ hồn nhiên tới (cứ nghĩ mình là người hoạt động văn nghệ cần chi mang theo giấy mời, giải thích cũng vô hiệu đành chạy về lấy giấy). Khua miệng hỏi mấy vị có trách nhiệm lại nhận được lời giải thích rằng cũng kẹt, họ kinh doanh có kế hoạch, chỉ tiêu và phải nộp thuế gì gì đấy. Cái thời văn chương thi phú rẻ như bèo, đêm rằm đẹp mọi người còn tìm đến nghe thơ mới thật là điều đáng mừng, cớ sao cứ phải chuyện nọ kia.
3. Với Hàn thi sĩ, người góp phần làm cho nhiều người trên đất Việt biết đến Bình Định- Quy Nhơn hãy để mọi người đến viếng ông không phải trả tiền bằng cách dời cổng bán vé vào ngả ba rẽ ra mộ, ngay đỉnh dốc Mộng Cầm. Ai muốn vào ngoạn cảnh Gành Ráng-Tiên Sa, thư giãn với nhà hàng Hoàng Hậu thì trả tiền vào cổng. Ai muốn nghiêng mình trước mộ thi nhân thì không nên bắt họ móc túi. Với đêm thơ Nguyên tiêu, có thể xã hội hoá bằng cách in logo một công ty tài trợ nào đó dưới mấy chữ quảng bá treo đầy trên phố, công ty này sẽ tính toán trả tiền cho đơn vị quản lý kinh doanh khu đồi.
(Theo Người đương thời 23)