Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
638
123.241.665
 
Thơ tình của tuổi ….
Vương Trung Nghĩa

Ngạn ngữ  Pháp  có  câu  rất  thú vị  :  Tuổi trẻ  yêu  như điên,  về  già  điên  mới yêu.Nhà thơ Lép-Sép (Bungari) có lần phát biểu trong thơ :  Với  tuổi hai mươi,  tình yêu  là  điều  thường  tình  :

 

“ Nhưng  yêu  là  chuyện  ghê  gớm,

Khi  người  ta  đã  bốn  mươi …"

( Không khóc ).

 

Về phương diện nào đó, dường như thể  tình yêu là một  “đặc quyền, đặc lợi”  của tuổi trẻ  và  thực khó chấp nhận ở tuổi già.  Tuổi “già”  có  còn… yêu hay không?  Tình yêu ấy như thế nào?   Đây không phải là vấn đề  “giật gân”,  thiếu nghiêm túc.  Thử đi tìm câu trả lời trong thơ.  Thơ  của  những nhà thơ  viết về  tuổi trung niên  và  khi  đã già …

 

“ Tình  yêu  không  có  tuổi,

Bạc  đầu  vẫn  còn  trai,

Dù  vật  dời  sao  đổi,

Tình  yêu  chẳng  tàn  phai”.

 

Với nhà thơ Diệp Minh Tuyền,  tình yêu là thế đấy.  Chẳng ai “già” cả  khi yêu.  Tự bản thân  tình yêu  đã chứa đựng  sự bất tử.  Nó thách thức quy luật thời gian và cái chết,  có sức mạnh diệu kỳ  đến độ  Diệp Minh Tuyền  chẳng ngần ngại “tuyên bố” :  “Nếu phải yêu từ đầu , tôi sẵn sàng yêu lại !”.  Thế nhưng  dòng sông thời gian trôi,  trạng thái cảm xúc – tâm trạng của con người không phải là bất biến.  Những người mái đầu đã bạc chẳng thể “yêu” như chàng trai mười tám đôi mươi.  Nhà thơ Chế Lan Viên đã nắm bắt được nét yêu riêng  của  tuổi già  qua một bài thơ tình hóm hỉnh, thâm thúy :

 

“ Anh  hái  tặng  em  chùm  hoa  sắc  trắng,

Nhưng  khi  yêu,  anh  yêu  đỏ  hoa hồng,

Tuổi  năm  mươi  lòng  yêu  như  lửa  đỏ,

Nhưng  bên  ngoài  vẫn  cứ  trắng  như  không”.

( Hoa  trắng  đỏ ).

 

Đó là tình yêu của những người đã từng trải cuộc đời, đi qua bao nỗi buồn vui trong cuộc sống;  Vẫn thiết tha nồng thắm  nhưng chín chắn đĩnh đạc  không cuồng nhiệt, ào ạt và  dễ “lộ”  như tuổi trẻ.  Thời gian đã hun đúc cho những người lớn tuổi một bề dầy kinh nghiệm sống.  Và có thể cả kinh nghiệm… yêu chăng?  Thực đáng sợ nếu như ai đó  cố tình tích lũy cho mình  một “kinh nghiệm” yêu.  Trái tim chân chính  không chấp nhận những cuộc thể nghiệm phiêu lưu  tình ái.  Tôi  thích  câu  thơ  Tế  Hanh :

 

“ Tôi  yêu,  Tình  yêu  có  kinh  nghiệm  gì  đâu ?”

 

Ở độ tuổi cứng cỏi sự đời và thâm niên nghề nghiệp, nhiều nhà thơ đã có kinh nhiệm và  điêu luyện hơn  trong  sáng tác,  ngay cả với  thơ tình.  Nhưng đấy là  nghiêng về  mặt  “kỹ thuật”  thơ.  Điều đáng qúy : Ta vẫn bắt gặp trong thơ  những cảm xúc tình yêu tươi non, hồn nhiên và trẻ trung đến bất ngờ.  Đây là  nỗi bồn chồn rạo rực  đến thẫn thờ  của Tế Hanh  trong  buổi  hò hẹn  người yêu  lúc  nhà thơ  đã ngoài… 60 tuổi :

 

“ Phố  này  anh  đến  tìm  em,

Người  qua  lại  tưởng  anh  tìm  bóng  cây”.

( Hà  Nội  vắng  em )

 

Và đây  nỗi nhớ thương  mong chờ tha thiết  của  Xuân Diệu,  vị “giáo chủ” thơ tình hiện  đại  Việt Nam  lúc  tròn  50 :

 

Lâu  lắm  em  ơi  tháng  rưỡi  rồi,

Sao  nhiều  xa  cách  thế,  em  ơi,

Sớm  trông  mặt  đất  thương  xanh  núi,

Chiều  vọng  chân  mây  nhớ  tím  trời.

( Lâu  lắm  em  ơi ).

 

So với  những bài thơ tình  trước 1945,  thơ tình “già”  của  Xuân Diệu  không hề thua kém chút nào, nếu như không muốn nói hay hơn.  Với nhiều nhà thơ khác cũng thế.

 

Từ lâu, trong khái niệm tình yêu của ta, chữ  TÌNH  thường gắn liền với chữ  NGHĨA. Tuổi trẻ yêu vì “tình”. Người già có thêm cái “nghĩa”.  Thơ tình của tuổi trẻ thường đắm say trong cảm giác yêu thương, phiêu diêu của cảm xúc, dễ quên người, quên đời. Thơ tình của tuổi già  thấm đẫm hơn  chất suy tư  về tình yêu, cuộc sống, nặng nghĩa với người yêu, với đời:

 

Bát  ngát  lòng  anh  giữa  trái  đời,

Hai  ta  đôi  hạt  giữa  nghìn  đôi.

( Huy  Cận )

Cảm  ơn  gạo  ruộng  cá  đồng,

Thìa  canh  thổi  húp,  trái  hồng  bẻ  trao,

Vị  đời  thơm  ngọt  biết  bao,

Có  em  sẽ  với  chung  vào  cùng  anh.

( Xuân  Diệu ).

 

Cho nên, ta dễ hiểu vì sao các nhà thơ lớn tuổi thường hay viết về lòng chung thủy trong tình yêu.  Bởi lẽ, đó là cái nghĩa lớn nhất của con người trong quan hệ luyến ái, chứa đựng một giá trị nhân bản lớn lao.  Nhiều trang viết rất xúc động, tôi mến lời bộc bạch chân tình của Diệp Minh Tuyền về tình yêu của mình : “càng già càng tri kỷ”,  “đôi tim nồng vẫn quấn quýt như sam”.  Tôi qúy tấm lòng thủy chung gắn bó của nhà thơ Bê-ni-Uùc (Rumani) với  người vợ  thân thương :

 

Dù  cái  chết,  cho  dù  cái  chết,

Cũng  không  bao  giờ  có  thể  nhạt  phai,

Tình  hai  ta  rạng  rỡ  song  đôi,

Như  hai  trang  không  rời  trong  quyển  sách.

 

Và chính sự gắn bó keo sơn trăm năm bền chặt ấy đã đem đến cho con người một hạnh phúc đích thực trong tình yêu. Nhưng phải đâu tình yêu chỉ có niềm vui và hạnh phúc.  Còn những mối tình tan vỡ, khổ đau.  Ta bắt gặp niềm đau thương, tiếc nuối  khi ngoái nhìn  tháng năm tuổi trẻ trong thơ  của  nữ  thi  sĩ  Bungari  Di-mi-tơ-rô-va :

 

Đã  qua  rồi  bao  cơ  hội  được  yêu,

Làm  sao  kéo  về  dầu  chỉ  một  vầng  trăng  đã  lặn …

( Tiếng  cu  gù  )

 

Ta bắt gặp vết thương lòng thầm kín của thi hào  Ấn Độ  Ta-gor :  ‘Môi em đăng đắng thơm ngon  như hương rượu  tôi uống đậm nồng đau khổ.  Em là của riêng, của riêng tôi đang  ngự trị trong giấc mộng cô đơn  tôi hằng ấp ủ”.  Và đây,  xin các bạn hãy đọc những vần thơ cảm động  của  nhà thơ Lục Du (Trung Quốc) 75 tuổi, khóc người tình Đường Uyển :

 

Dứt  mộng  quê  nhà  bốn  chục  thu,

Thẩm  Viên,  liễu  cỗi  chẳng  buông  tơ,

Thân  này  sằp  bón  non  Kê  đó,

Giọt  lệ  còn  tuôn,  khóc  dấu  xưa.

( Thẩm  Viên )

 

Đến năm 81 tuổi, ông lại viết tiếp hai bài thơ nữa khóc nàng, khi người tình ấy đã thành  người thiên cổ  hơn  50 năm.

 

Đấy,  dầu hạnh phúc  hay  khổ đau,  người ta  vẫn yêu bền bỉ đến thế !

Gần 80,  Gớt (Đức) vẫn yêu tha thiết nàng Unrickơ.  Ngoài 60, A-ra-gông vẫn là một chàng Rô-mê-ô  say đắm  người tình En-xa…  Và  bao người nữa  chẳng ai  yêu “giả” cả.

 

Đâu là lý lẽ giải thích điều này ?  Sự “hồi sinh”  theo Y học chăng ?   Với ta,  đó là điều kỳ diệu  của  đời sống tình cảm con người,  là sức mạnh nội tâm bất diệt,  sức trẻ  của những tâm hồn  tha thiết  yêu người,  yêu đời  và  yêu cuộc sống.

 

Quả thực có một tình yêu ở tuổi già,  một tình yêu  với  đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn  và lấp lánh  vẻ đẹp riêng của nó.  Tản mạn  đôi điều  ta  đã  thấy  trong thơ …

 

Vương Trung Nghĩa
Số lần đọc: 5748
Ngày đăng: 12.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hình thức và nội dung - Nguyễn Bùi Vợi
Đồng môn (tiếp) : Chuyện kể về một kẻ hát rong! -9 - Trần Huy Thuận
Vấn đề đọc sách văn học trong nhà trường hiện nay - Phạm Ngọc Hiền
trang thơ thập thò nhánh rẽ… - Lý Đợi
Hoa báo mưa - Võ Quê
Ngu lâu ! - Trần Huy Thuận
Những góc phố dịu dàng - Trương Đạm Thủy
Phú Yên thi nạn diễn ca - Khuyết danh
Đàn Xã Tắc và đất thiêng cõi Việt - Trần Hạ Tháp
Thân cò thời vật giá leo thang ! - Vũ Trà My