Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.145.167
 
Má tôi
Trương Hoàng Minh

Ba tôi mất khi má vừa tròn ba mươi. Tôi lên bốn, đứa em gái kế mới giáp thôi nôi. Còn lại một mình với bốn đứa con lao hao lụn vụn, má tôi tần tảo như người mua gánh bán bưng. Một bên gióng đựng hàng hoá, một bên gióng đựng các con, mỗi ngày gánh đi kĩu kịt trên từng bước đường đời. Mệt, má ngồi nghỉ ven đường. Khoẻ, má đứng dậy gánh đi tiếp tục. Khi anh Hai trỗ mã con trai, thấy má cực khổ vất vả anh xin má cho nghỉ học làm phụ tiếp nuôi em. Má âu yếm nói với chúng tôi :

-Các con yên tâm, má không sợ cực khổ đâu. Nếu sợ má đã bước đi bước nữa lâu rồi chớ đâu ở vậy với các con tới bây giờ. Cho nên má không muốn các con nghĩ ngợi lung tung xao lãng chuyện học hành. Đó cũng là cách các con yêu thương má và báo hiếu cho má.

Ôi! Má tôi thật cao cả, vĩ đại! Má đã đi trên từng bước đường đời bằng đôi chân trần nhưng lại lấy thân mình trải thãm cho các con đi. Đàn bà không bao giờ sợ khổ, chính vì thế đàn bà mới là người đem lại yêu thương và hạnh phúc cho gia đình

 

x

 

Anh Hai và chị Ba tôi lần lượt lập gia đình trong niềm hân hoan sung sướng của má tôi. Đến phiên tôi thì hoàn toàn ngược lại dù cuộc hôn nhân rất thuận lợi.

 

Tôi và Kim Khuê yêu nhau hơn ba năm. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, chúng tôi đồng ý tiến đến hôn nhân. Nàng là con gái út trong một gia đình giàu có, cha đã mất, hiện sống với mẹ trong ngôi biệt thự sang trọng có kẻ ăn người ở giúp việc hàng ngày. Do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên mẹ Kim Khuê chỉ đồng ý gả nàng với điều kiện bắt rể. Thấy điều kiện không quá khó khăn như chuyện thách cưới tôi bèn về quê thưa lại với má và xin má mang trầu cau hỏi cưới Kim Khuê. Những tưởng má sẽ vui vẻ nhận lời nào ngờ má nín thinh, không gật đầu cũng không lắc đầu, sắc mặt lúc nào cũng trầm tư như một triết gia. Thỉnh thoảng lại thở dài thườn thượt, thỉnh thoảng lại nhìn tôi chăm chăm. Trong đôi mắt trũng sâu toát lên nhiều u ẩn! Tôi lo lắng, để ý xem má đang nghĩ gì để tìm cách thuyết phục nhưng không phát hiện được gì. Trong lúc bối rối tôi trực nhớ ông ngoại bèn cầu cứu ông.

 

Ngoại kêu má và tôi sang nhà ông bàn bạc. Ngoại hỏi ý kiến má trước. Má nói má còn đắn đo lưỡng lự, chưa quyết định là vì cuộc sống của hai gia đình chênh lệch nhau một trời một vực. Và, quan trọng hơn là mẹ Kim Khuê đòi gả bắt rể nên má sợ mang tiếng đèo bồng, đỉa đeo chân hạc. Ngoại gật gù ra vẻ đồng ý với má rồi quay qua hỏi tôi về anh chị của Kim Khuê. Tôi thành thật thưa với ông rằng họ đều ở riêng, giàu có và đều tán thành cuộc hôn nhân của chúng tôi như mẹ họ. Ông vuốt râu mỉm cười nói với má :

- Bây cẩn thận như vậy rất tốt. Tuy nhiên, nó chỉ đúng trong trường hợp “trâu đi tìm cột” nhưng sẽ thừa trong trường hợp “cột đi tìm trâu”. Đó là nói nôm na, còn nói sâu xa phải bắt đầu bằng tình thương. Người đời thường nói “thương thì không chấp mà chấp thì không thương”. Chính vì thương con bây người ta mới đưa chân hạc cho đỉa đeo; chính vì không chấp sự chênh lệch giữa hai gia đình người ta mới bắc cầu từ trời xuống vực chớ mình có cầu cạnh người ta đâu mà sợ mang tiếng, đúng không?

 

Tôi mừng thầm. Ngoại đã cố ý đánh vào tình thương trong lòng má tôi. Mà, tình thương trong lòng má tôi lúc nào cũng đầy đặn như nước trong lòng hồ thuỷ điện, dù khi khô hạn nước vẫn không thiếu để vận hành bốn cái tuốc-bin.

 

Ngoại nhìn má chờ đợi câu trả lời. Má ngồi nín thinh. Ngoại bất chợt xổ nho :

-Sách có câu “dục tri tiền thế nhân kim sinh thụ giả thị; dục tri lai thế quả kim sinh tác giả thị”. Theo đó thì kiếp trước của con bây là người giàu lòng nhân ái, hay giúp đỡ người nghèo, tạo nhiều nhân lành nên kiếp nầy được hưởng toàn quả tốt là lẽ đương nhiên. Số mệnh đã định như vậy thì có chạy trời cũng không khỏi nắng. Cho nên tao muốn bây phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường nghe con.

 

Ngoại thật tuyệt vời. Ông chẳng những giải thích sự việc theo cuộc sống đời thường mà còn theo đời sống tâm linh. Nãy giờ má vẫn ngồi im nghe ngoại nói nhưng khuôn mặt lúc thì giãn ra, lúc thì cau lại và bật thở dài khi nghe ngoại kết luận. Điều đó cho thấy má đã bị ngoại thuyết phục hoàn toàn.

Ngoại uống hớp trà lấy giọng rồi quay qua tôi :

- Về phần mày cũng nên cẩn trọng. Đừng quá ỷ lại vào quá khứ vì đó là nguy cơ đánh mất tương lai. Ông nói thế có nghĩa là phước đức cũng như tiền bạc của cải, nếu chỉ biết hưởng thụ mà không biết vun bồi thì “toạ thực sơn băng”, ngồi không ăn núi lở nghe con.

- Dạ, con xin nghe lời ngoại, con cám ơn ông.

Ngoại hỏi má còn ý kiến gì nữa không. Má ngần ngừ như muốn nói điều gì đó nhưng lại lắc đầu. Ngoại nói :

-Nếu không còn gì nữa thì mẹ con về lo tiến hành sớm đi. “Cưới vợ phải cưới liền tay, đừng để lâu ngày thiên hạ gièm pha”.

 

Dù ý kiến của ngoại thuộc loại “Ý kiến chỉ đạo” nhưng má tôi vẫn không được vui, sắc mặt cứ dàu dàu. Tôi nghĩ chắc má còn điều gì khó nói với ngoại mới ấm ức trong lòng. Đêm đó, má kêu tôi ra nhà sau nói chuyện. Má nhìn tôi mỉm cười. Tôi biết má cười gượng. Má hỏi :

- Con vui lắm phải không? Con có trách má không?

- Dạ thưa không. Tôi đáp.

- Má biết! Trước mắt thì con có phước thiệt đó. Tuy nhiên…Giọng má trở nên thiết tha. Dù sao con cũng có công ăn việc làm ổn định lại có địa vị trong xã hội đủ để xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc mà…mà đi ở rể sống đời chùm gởi sao má thấy không được anh hùng cho lắm con à. Đâu con nghĩ kỹ lại coi con?

 

Tôi suýt bật cười trước ý tưởng ngộ nghĩnh của má :

- Má có lộn không vậy má? Cầm quân đánh giặc hoặc trị nước an dân mới anh hùng chớ cưới vợ cũng anh hùng nữa sao?

 

Má lắc đầu nghiêm nghị :

- Không lộn đâu con. Má còn sợ rồi đây bạn bè con sẽ chê con là “kỹ sư đào mõ”, sống dưới nách đàn bà nữa. Gẫm lại, đàn ông con trai mà chấp nhận cuộc sống như thế là hèn. Hai người đàn kia lại sống trong nhung lụa chưa biết mùi gian khổ là gì làm sao không coi thường nghi kỵ kẻ thấp kém hơn họ. Ở rể khó lắm con ơi, “thực lộc chi thê” như cá trê ăn cứt.

 

Lại một ý tưởng ngộ nghĩnh và cũng rặt mùi phong kiến “cát đằng núp bóng tùng quân”. Té ra điều ấm ức trong lòng má là đây. Tôi trấn an :

- Xã hội bây giờ tiến bộ bình đẳng lắm rồi má ơi. Gia đình Kim Khuê cũng sống rất “tây” má lại xem thường con quá mức. Con đâu phải dân cùng đinh mạt hạng hay bạch diện thư sinh mà má sợ ăn bám người ta. Của chồng công vợ thì ở nhà mình hay ở rể đều như nhau, chẳng khó khăn gì hết. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình Kim Khuê rất đơn chiếc thì làm sao cô ấy bỏ mẹ theo chồng dù chồng cô ấy là con hay bất cứ người nào khác. Má nghĩ lại coi con nói đúng không?

 

Má tôi cố nén tiếng thở dài.

Rốt cuộc đám cưới của tôi cũng được tiến hành. Để con mình không bị người ta coi thường, nghi kỵ, má tôi đã dốc gần hết gia tài ra nạp sính lễ. Tôi hoàn toàn không biết việc nầy. Mà nếu có biết tôi cũng đành bó tay trước sỉ diện và lòng tự trọng theo kiểu “quân tử tàu” của má tôi.

 

Trước khi cưới Kim Khuê tôi đã được nàng đưa về nhà chơi mấy lần nên sau khi hoà nhập vào cuộc sống mới tôi cũng không lấy gì làm xa lạ bỡ ngỡ như cô dâu mới bước chân về nhà chồng. Tuy nhiên, “nhập gia tuỳ tục” thành thử tôi vẫn để ý tìm hiểu lối sống, nếp sinh hoạt, thói quen, sở thích… của từng thành viên trong gia đình nhà vợ. Nhất là Kim Khuê và mẹ vợ tôi, hai người đàn bà mà má tôi từng cảnh báo “sống trong nhung lụa chưa biết mùi gian khổ là gì làm sao không coi thường nghi kỵ kẻ thấp kém hơn họ”.

 

Tôi biết khá nhiều về Kim Khuê. Giàu từ trong trứng giàu ra. Kiêu hãnh. Bướng bỉnh. Thích được người chiều chứ không thích chiều người. Còn mẹ vợ tôi đã ngoài bảy mươi, ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi điều độ và thường xuyên tập thể dục dưỡng sinh nên da dẽ hồng hào, tinh thần minh mẫn. Thông thường người già hay khó tính, đó là lẽ đương nhiên vì tính cách của con người không phải bất biến mà thay đổi theo môi trường sống và tuổi tác. Mẹ vợ tôi cũng không ngoại lệ. Bà hay nghe ngóng dòm hành tất cả mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, hay lẫy đươn hờn mát, chửi chó mắng mèo và dằn mâm xáng chén…

 

Chỉ một thời gian ngắn tôi đã nắm bắt được cá tính và các thuộc tính tâm lý của từng người. Từ đó tôi không khó chọn cho mình một cách sống thích hợp. Khi mềm mại như nước trong bầu, khi uyển chuyển như cây sậy trước gió. Tôi còn áp dụng một số kinh nghiệm sống của chị dâu mà tôi đã học lóm được và cả lời giáo huấn của ông ngoại. Ở đời đâu có ai đạt được mười điều hoàn toàn thì chấp nhứt làm gì bà già khó tính và cô tiểu thư đỏng đảnh. Đối với họ tôi chỉ cần biết chiều chuộng đúng lúc, tránh làm trái ý thì mọi chuyện đều đầu xuôi đuôi lọt.

x

 

Vào lúc bốn giờ ba mươi sáng mỗi ngày là cả nhà tôi thức dậy. Mẹ vợ tôi ra công viên tập thể dục dưỡng sinh cùng bè bạn trong hội người cao tuổi phường. Tôi và Kim Khuê đưa bà ra đấy mới chạy bộ. Khoảng năm giờ mười lăm hai đứa trở lại rước bà cùng về. Cô Giàu giúp việc dọn dẹp trong nhà, lo bữa điểm tâm. Anh tài xế Bảo quét tước ngoài sân, tưới hoa kiểng.

 

Hai hôm nay có khác. Cô Giàu xin nghỉ vài hôm về quê thăm mẹ nên tôi phải tập trước sân nhà để coi chừng nhà. Tập một mình buồn, tôi quơ chân quơ tay vài cái cho giãn gân cốt rồi vào nhà bếp nấu nước châm trà, pha cà phê. Việc nầy tôi tự làm lấy dù có hay không có cô Giàu. Kim Khuê còn phân công tôi pha sữa cho nàng và mẹ vợ tôi.

 

Uống chưa hết ly cà phê bỗng chuông điện kêu vang. Tôi đưa tay xem đồng hồ. Năm giờ năm. Ai gọi cửa sớm thế cà? Miệng hỏi nhưng tay tôi vẫn lấy chùm chìa khoá, chân bước ra mở cổng. Kim Khuê và mẹ vợ tôi về. Tôi cười hỏi :

-Ủa! Sao hôm nay về sớm vậy?

 

Hai người nín thinh lầm lũi vào nhà, sắc mặt không được vui. Tôi khoá cổng lót tót theo sau. Đến bàn ăn, mẹ vợ tôi liếc qua một cái mới vào phòng ngủ. Kim Khuê đứng lại nhìn. Tôi bước đến giả lả :

-Ở nhà một mình buồn miệng anh uống trước. Em và mẹ tắm đi, anh sẽ pha sữa ngay.

 

Mẹ vợ tôi không tắm. Tôi đến bàn pha sữa. Giở nắp hộp Anlene tôi giật mình. Chết cha! Sữa chỉ còn tráng đáy hộp. Giờ nầy làm sao mua kịp. Thôi! Đành pha sữa của Kim Khuê cho mẹ uống đỡ vậy.

Vừa bưng ly sữa lên tay, Kim Khuê nhăn mặt chê:

-Sao nguội ngắt vầy nè?

 

Kim Khuê đẩy ly sữa về phía tôi, sữa trong ly chòng chành dợn sóng. Hồi nãy thấy hai người không vui tôi nghĩ chắc họ gặp chuyện gì bực mình ngoài đường rồi “thua me gỡ bài cào” chứ ly sữa không đến nỗi nguội ngắt.

-Pha cho tui ly khác đi. Kim Khuê gắt.

-Vâng! Anh pha ngay, em yêu. Tôi pha trò

Mẹ vợ tôi bĩu môi nói :

-Hứ! Tình tứ quá ha?

 

Tôi cụt hứng mặt mày sượng trân đi pha ly sữa mới và bưng lại cho Kim Khuê.

 

Mẹ vợ tôi hớp một ngụm, chép chép miệng, cau mày hỏi:

-Sữa của tui hôm nay có mùi gì lạ vậy?

-Dạ thưa mẹ, do sữa của mẹ hết bất ngờ nên con thế sữa của vợ con cho mẹ uống đỡ ạ. Tôi đứng lên giải thích.

 

Mẹ vợ tôi dằn ly sữa xuống bàn cái cốp, sữa trong ly văng tung toé ra ngoài, hằn học hỏi :

-Thay thế sao không cho tui hay? Mấy người biết tui không uống sữa có chất béo mà?

-Dạ thưa mẹ con biết.

-Biết sao còn tuỳ tiện. Nhà nầy mấy người làm chủ hay tui làm chủ? Mà tại sao sữa hết? Tại nhà nầy hết tiền hay ngoài chợ hết hàng?

Giọng bà trở nên gút mắt. Tôi khoanh tay cúi đầu nhận lỗi :

-Dạ thưa mẹ, đó là lỗi tại con. Con xin lỗi mẹ.

-Hứ! Nhận lỗi xin lỗi rồi có được ly sữa khác như người ta không?

Mẹ vợ tôi xô ghế đứng dậy đi te te vào phòng ngủ. Kim Khuê lườm tôi, trách :

-Mẹ rất khó khăn trong việc ăn uống. Tui đã nhắc nhở anh nhiều lần sao anh vẫn vô ý vô tứ vậy? Pha sữa cho mẹ uống hàng ngày mà không hay hết là thế nào? Tui còn bực huống gì mẹ.

-Tại lỡ quên chớ anh đâu muốn vậy. Tôi xuôi xị như diều đứt dây.

 

Kim Khuê có vẻ thông cảm, căn dăn:

-Hôm nay đi làm ghé siêu thị mua đại chục hộp đi để lỡ hết hộp nầy còn hộp khác. À, sẳn dịp đi kêu thợ về sửa cái máy giặt luôn thể. Ráng nhớ dùm nghen ông tướng, quên nữa là có chuyện lớn đấy.

 

Tôi chưa kịp quên thì chuyện lớn ập đến liền. Mẹ vợ tôi đã nghe, bà bước ra hỏi :

-Máy giặt hư sao kêu thợ sửa?

Tôi và Kim Khuê nín thinh, bà lẫy :

-Bộ con mẹ già nầy không xứng đáng cho mấy người trả lời sao câm hết vậy?

-Mẹ biết rồi còn hỏi gì nữa. Kim Khuê cau có. Hư mới kêu thợ sửa chớ hổng hư kêu thợ làm gì?

-Ý tui muốn biết hư hồi nào, ai làm hư kìa? Mẹ vợ tôi nạt.

-Thì người trong nhà nầy chớ hổng lẽ người hàng xóm?

 

Kim Khuê vô tình chế dầu vào lửa và ngọn lửa cháy lan sang tôi. Mẹ vợ tôi nhìn tôi chòng chọc. Thật ra chuyện hư máy giặt đối với tôi đúng là “oan ôi ông địa”. Chắc chắn cô Giàu đã làm hư trước, nếu không sao tôi mới ấn nút khởi động nó lại hư liền. Nhưng thôi, “vô tang bất luận tội”, mình làm mình chịu chớ đỗ thừa ai. Tôi nhận lỗi :

-Dạ thưa mẹ, do con làm hư chiều hôm qua.

-Lại mấy người. Ba gằn giọng. Con Giàu giặt mấy năm nay không sao đến phiên mấy người là có chuyện. Mấy người là kỹ sư hay cu li? Không khéo đồ đạt trong nhà nầy trở thành phế liệu do tay mấy người hết. Bộ mấy người tưởng mẹ con tui có tiền muôn bạc vạn sao chớ?

 

Kim Khuê đứng lên đi bình bịch vào phòng vệ sinh. Mẹ vợ tôi ngoe ngoải trở lại phòng ngủ. Tôi dọn dẹp ly tách, lau bàn, bưng đi rửa.

 

Sáng ra, trước khi đến sở làm tôi ghé siêu thị mua chục hộp sữa theo lời Kim Khuê căn dặn. Trưa tôi lại đến tiệm sửa chữa điện máy kêu thợ về sửa máy giặt. Không có thợ rảnh. Ông chủ tiệm cho tôi địa chỉ một người thợ tên Sơn. Nhà anh ta trong khu lao động nghèo, tôi chạy kiếm vòng vòng gần hai mươi phút mới gặp. Vừa bước vào cửa, một hình ảnh sống động, đẹp mắt và đậm đà tình nghĩa mẹ con đập vào mắt tôi. Một bà cụ trạc tuổi mẹ vợ tôi, tóc bạc phơ, mặt phúc hậu, ngồi trên ghế bố thòng hai chân trước mặt Sơn ngồi chèm bẹp dưới gạch chăm chút cắt móng chân cho bà. Sơn quay ra chào tôi:

- Chào anh, mời anh ngồi, tôi bận tay chút xíu.

- Anh cứ tự nhiên. Tôi nói

- Móng tay móng chân người già dày cui cứng ngắt. Cái cúp lại lụt nhách nên cắt trậm trầy trậm trật. Sơn vừa làm vừa nói.

 Tôi móc túi quần lấy chùm chìa khoá có cái cúp xịn đưa cho Sơn:

- Anh lấy cái nầy bén cắt cho dễ.

 

Sơn nhận xâu chìa khoá, nói cám ơn tôi. Bà cụ ngước nhìn tôi cười móm mém. Cắt xong Sơn đỡ bà nằm xuống, sửa sang ngay ngắn mới trả chùm chìa khoá cho tôi.

-Cái cúp cắt ngon thiệt. Chắc móng tay móng chân của má anh cũng như của má tui?

 

Sơn bất ngờ hỏi tôi. Đầu óc tôi choáng váng như vừa bị anh tát một cái tát tay cực mạnh. Câu hỏi rất tầm thường và rất dễ trả lời đối với những người con giàu tình thương và giàu lòng hiếu thảo như Sơn. Còn đối với tôi nó rất hóc búa và rất khó trả lời do tôi có bao giờ quan tâm chăm sóc má tôi đâu mà biết móng tay móng chân của bà dày hay mỏng, cứng hay mềm! Nhất là sau khi cưới vợ tôi chỉ biết đến nhu cầu và sở thích của hai người đàn bà giàu sang, mới nhận làm người thân chứ không hề nhớ đến tâm tư nguyện vọng của người đàn bà nghèo khổ đã mang nặng đẻ đau và nuôi tôi nên vóc nên hình.

 

Tôi cúi đầu xấu hổ trước anh thợ sửa chữa điện máy nghèo nàn, ít học nhưng cao hơn tôi một cái đầu và nhiều hơn tôi một trái tim. Tôi cúi đầu chua xót và  nhói đau trước hình bóng người mẹ đã lấy thân mình trải thảm cho tôi đi trên từng bước đường đời từ tấm bé đến trưởng thành; trước người mẹ quê mùa chất phác nhưng am hiểu thói đời như một vĩ nhân.          
Trương Hoàng Minh
Số lần đọc: 4588
Ngày đăng: 14.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bão - Doãn Dũng
Thế trận linh xà - Trần Hạ Tháp
Cánh diều mùa xuân trên đồng chó ngáp - Trương Đạm Thủy
Người ngủ ghế công viên - Trần Hạ Tháp
Chuyện lão cố tổ chuột - Phạm Ngọc Hiền
Mưa trên những dấu chân - Nguyễn Đình Bổn
Mưa trên sông ĐăkBla - Nguyễn Lệ Uyên
Họp lớp - Trần Trung Sáng
Thoại khúc rìu và thơ - Trần Hạ Tháp
Con gái của bố - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Nghiệp dĩ (truyện ngắn)
Kiếp nghèo (truyện ngắn)
Lưới tình (truyện ngắn)
Giận cá chém thớt (truyện ngắn)
Nhãn đắng (truyện ngắn)
Bức tranh không lời (truyện ngắn)
Nhân quả (truyện ngắn)
Má tôi (truyện ngắn)
Mặt Trời Bé Con (truyện ngắn)
Con trâu thần (truyện ngắn)
Con chim tu hú (truyện ngắn)
Người Bạn Vong Niên (truyện ngắn)