Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.145.211
 
Người đàn ông đọc thơ
Trương Đạm Thủy

Người đàn ông gầy còm, mái tóc cắt trùi trủi nên khuôn mặt ông ta trông hóp héo như một người bệnh mới từ nhà thương về.

 

Bốn giờ sáng mà điện đã cúp. Chung quanh trời tối mênh mông. Ông mò cái bật lửa bật lên tìm cây nến. Cây nến nằm trong một góc tủ. Chiều qua hình như ông ta nhậu hơi nhiều nên đến giờ nầy đầu óc vẫn chưa tỉnh táo ra.  Vẫn lơ mơ trong đầu ông ta câu chuyện nơi quán rượu. Cái quán nầy như có ma lực khiến ông không thể xa nó, đi đâu ông cũng nhớ nó, nhớ những câu chuyện quanh nó.

 

Cái quán nầy lạ lắm, nó được che phủ bởi hai cây si già rể thả xuống đong đưa như một bầy rắn. Thêm một cây cao su ở đâu lạc loài về đây hàng trăm năm, da lên xanh rêu mốc. Về mùa đông xuân lá cây su trở nên vàng ánh bỏ rơi từng bầy lá sau mỗi cơn gió nhẹ. Lá vàng phủ trên mảnh sân rộng, phủ lên bốn năm tảng đá sắp không đều hàng. Theo một khách nhậu, mấy tảng đá nầy được dựng đây một cách có ý thức chớ không phải vô tình: nó được xếp đặt theo phong thủy. Bên cạnh mấy tảng đá buồn thiu ủ dột đó là một cây đèn đá kiểu Nhật Bản có hai chân được chôn sâu dưới đất.

 

Người đàn ông hay ngồi nơi cái bàn đặt sát cạnh mấy tảng đá bí ẩn bên thềm quán. Một cảm giác lạ lùng đã ám ảnh ông ta không sao rứt ra nổi. Đó là …. Ừ, cứ mỗi buổi chiều mưa khi ngồi ở đây rượu đã ngà ngà say, khi một ánh chớp lóe lên ông lại thấy những hòn đá cử động, chúng lắc lư như đang say rượu. Và những lúc đó hình như ông nghe chúng trò chuyện. Chúng cứ thì thầm to nhỏ điều gì đó bí mật trong mưa. Có một tảng đá thấp gầy nói giọng nữ, một tảng đá cái ư? Một tảng đá cái duy nhất giữa những tảng đá đực có vẻ gì đó khá bí hiểm hiện ra mỗi lần có một tia chớp lóe lên nhoáng qua mặt sân. Ông Tư già một khách rượu thường xuyên ở đây trầm trồ về mấy tảng đá: “Ở đây người ta bố trí mấy hòn đá nầy theo phép ngũ hành. Không phải là ngẫu nhiên đâu. Thế đất ở đây hơi bị hãm nên mới dựng ra mấy viên loạn thạch nầy để trấn yểm lấy lại thế cân bằng: Chủ nhân của ngôi nhà cổ trên mảnh đất nầy hẳn xưa phải là một tay giàu có và rất sành khoa phong thủy. Những viên đá nầy tương sinh tương khắc, vừa nương tựa lại vừa chế ngự lẫn nhau. Và như thế thì ngôi nhà và những người sống nơi đó sẽ được bình an làm ăn phát đạt”.

 

Người đàn ông cứ bị mấy hòn đá ám ảnh. Cũng theo ông Tư già, trong rừng có thần rừng, trong núi có thần núi. Những viên đá là một phần của núi. Đá lâu năm nó có thần ở trong đó. Vậy nhóm loạn thạch lâu năm nầy nằm đây hẳn phải có một duyên sự gì đó bí mật.

 

Ở đây khách nhậu đông lắm, quen mặt nhưng khó nhớ tên. Quán chỉ bắt đầu hoạt động lúc 11 giờ sáng, đến 10 giờ đêm thì đóng cửa, bất kể xuân hạ thu đông. Không có ngày nghỉ, rượu chảy suốt bốn mùa. Cô phục vụ tên Phấn kể rằng hồi cô mới vào làm việc bưng bê cô chỉ mới tròn 18 tuổi. Vậy mà nay đã sắp sửa ba mươi, tính ra hai chân cô di chuyển mỗi ngày suốt hơn mười năm bằng con đường vòng quanh trái đất. Đã có bao nhiêu người chọc ghẹo cô, bao nhiêu gả say và giả say tỏ tình với cô, cô quên mất. Phấn cười nói khi quán rượu đã đầy lúc ấy mắt cô chỉ nhìn thấy mơ hồ những khuôn mặt giống nhau, đỏ khé mờ mịt hơi men. Phấn sợ những đôi mắt soi mói nhưng chủ quán quy định các cô phải mặc áo rộng cổ với lý luận: khách nhậu không chỉ nhậu bằng môi miệng mà còn nhậu với con mắt. Với một phần ngực đẹp của các cô gái sẽ góp phần cho bữa nhậu hào hứng thêm, khí thế thêm.

 

Vậy đó, hơn mười năm áo hở rộng cổ, một phần ngực nửa kín nửa hở dành cho những cái nhìn chăm bẳm, miễn phí, Phấn đi qua tuổi xuân hồi nào chẳng hay. Bây giờ quen mặt áo rộng cổ rồi; quen những đôi mắt háo hức, Phấn hết còn quan tâm đến bọn đàn ông nhấp nhô trong cái không gian mênh mông của quán rượu.

 

Người đàn ông mỗi khi đến quán hay ngồi ở cái bàn gần mấy hòn đá nơi những rể si lòng thòng phất phơ trong gió. Người đàn ông gọi Phấn bằng em và xưng mình là bố: “Phấn ơi, em cho bố mấy chai bia”. Phấn đặt hai chai bia với cái ly đá trước mặt ông, nheo mắt cười: “Bia đây mời bố!”. Cái nheo mắt, nụ cười và chất giọng thanh tao của Phấn đã thường xuyên đến với ông ta trong những giấc mơ. Có lần trong một cơn say la đà ông ta đã nói với Phấn như lời thú tội… trước hoàng hôn: “Giá mà bây giờ bố được trẻ lại hai mươi năm tuổi chắc bố sẽ yêu em đến già đến chết”. Chẳng hiểu Phấn nghĩ gì khi nói nhỏ vào tai ông: “Nếu như bố trẻ lại thì em đâu có cho bố đi nhậu và em cũng sẽ chẳng làm cô gái phục vụ quán bia…”, nói xong em cười và biến đi.

 

Người đàn ông mơ màng: Ừ, mà trẻ lại để làm gì, để hai đứa được sóng đôi nhau chăng? Biết đâu sau hạnh phúc lại đến lúc bất hòa rồi ly thân, ly dị… chi bằng mỗi ngày cứ đến ngồi đây nhăm nhi bia bọt, cứ bố bố em em há chẳng hạnh phúc hơn sao? Người con gái đẹp hay một tình yêu đẹp có lẽ nên có một quãng cách ở ngoài tầm tay với để ta luôn mơ tưởng, chiêm ngưởng nó như chiêm ngưởng một bức tranh một pho tượng quý nơi viện bảo tàng. Cấm sờ nó, cấm sở hữu những báu vật của thế gian, tình yêu thật sự là cái ta yêu và luôn tưởng mơ về nó.

 

*

Ngọn nến chập chờn rồi phụt tắt. Bên ngoài cửa sổ gió nổi to. Trời đang chuyển cơn mưa sớm. Bầu trời chưa kịp sáng đã trở nên tối lại.

 

Người đàn ông thấy con mắt mình ríu lại. Chợt thấy mình ngồi nơi cái bàn cũ gần bên mấy tảng đá sù sì. Nghe tiếng hòn đá cao to cất tiếng trầm trầm: “Bố yêu em, chúng ta phải đi suốt đường trần”. Không thấy miệng đá nhót nhép vậy mà lời của nó nghe rõ mồn một. Hình như hòn đá cái ngọ nguậy trong cái khoảng mờ mờ tối đồng thời một giọng nói có vẽ giận dữ: “Xin chớ đụng tôi, hãy lui ra vì tôi sắp vỡ và sắp nổ đây”. “Hãy vỡ và nổ đi, chúng mình sẽ về cõi vĩnh hằng”, tiếng hòn đá đực nói như van lơn. Im lặng một lát giọng nữ lại cất lên: “Hãy lánh xa em bố ạ, em cần có khoảng trống bao la để biến tan trong ánh nắng, hòa chảy trong ánh trăng. Đừng nhìn em như thế!”. Hình như trong giọng nói ấm ức có cả tiếng sụt sịt khóc. Ủa lạ, sao giọng người con gái nào lại giống giọng nói của Phấn?

 

Bất chợt trời đổ mưa. Xuyên qua màn mưa những làn chớp lóe sáng. Mưa nhả xuống hiên quán dội trên mấy tảng đá. Gió gấm rú trên cây si làm những chiếc rể si quẩy lộn dữ dội.

 

Bây giờ là mấy giờ? Là sáng, trưa hay chiều tối? Người đàn ông hoàn toàn chẳng còn ý thức được thời gian. Cái quán sao mênh mông và lặng yên một cách kỳ lạ. Khách ngồi giương những đôi mắt sâu hoắm tăm tối hướng ra bầu trời ủ dột mưa như đang chìm đắm vào một mối trầm tư gì đó khó hiểu.

 

Không nghe tiếng ly cốc khua động, những chai lọ đứng yên trên mặt bàn hứng những làn gió và tia chớp tạt vào. Lẫn trong tiếng mưa lời của một giọng nam cất lên run rẩy: “Em cho bố một cơ hội nếu như bố trẻ lại hai mươi năm tuổi. Bố yêu em, ta đi với nhau đến cuối đường trần nầy”. Tiếng người nữ thút thít: “Xin bố chớ đến gần em, coi chừng hạt linh hồn em bám phải sẽ vươn rất nhanh cành lá, rể quấn nhằng nhịt hút lấy máu bố…”.

 

Người đàn ông rùng mình. Gió hất đám rể cây si quất vào thềm quán uốn éo như bầy rắn lục đang tìm mồi. Chúng sẽ vươn tới và quấn chặt ông ta. Bầy rắn sẽ hút sạch máu ông ta bởi những cái miệng đỏ như ngậm hòn than nóng. Bất giác ông ta nhích vào phía trong một chút. Gió đột nhiên gồng mình lên gầm rú qua hành cây xô đẩy, vặn bứt chúng. Có tiếng gảy đút răng rắc, rồi một súc gỗ thật to bị ném ầm xuống chỗ mấy tảng đá. Súc gỗ nhảy tưng mấy cái rồi nằm im. “Trời đất, nếu như ta chẳng chịu nhích vào một chút thì có lẽ bây giờ hồn đã lìa khỏi xác”, ông ta ôm ngực than thầm.

 

Có tiếng cười ngặt nghẽo ở đâu trong mấy hòn đá nổi lên. Bọn chúng thích chí đang cười cợt ông vừa trải qua một cơn sợ muốn đứng tim. “Phấn ơi, nếu như ban nảy cành cây đòi mạng nầy rơi vào bố thì giờ đây bố sẽ ra sao? Bố sẽ hóa thành một ngọn gió, một ngàn mây cuồn cuộn bay đi hay một hồn ma ngơ ngác thấy mình bất ngờ bị vất ra khỏi xác? Liệu lúc đó bố còn nhớ em, còn yêu em như tấm hình hài nầy?”, người đàn ông nghe thấy tiếng mình buồn bã cất lên trong lòng ngực. Bên trong lòng ngực ông, dường như đó mới chính là con người thật của ông, nó luôn ở bên ông và nói và nghĩ suy thay ông. Yêu thương, giận hờn, mừng vui hay sợ hãi… tất cả mọi thứ đều xuất phát từ trong cái lồng ngực ấy. Nó vô cùng sống động, vô cùng bao la trong cái cõi gần gũi kề bên mà ông hình như chẳng bao giờ chạm đến được nó.

 

Người đàn ông bỗng nghe vùng cơ ngực co thắt nhói đau. Tiếng ho của ông làm ông giật mình mở mắt ra ngơ ngác. Ủa, ông đang ở nhà trong buổi sáng trời mưa tơi tả.

 

Đã sáu giờ sáng mà trời vẫn tối thầm thầm. Khí lạnh len qua cánh cửa sổ mở hé lọt vào căn phòng yên ắng. Mấy con muỗi vo ve tìm chút máu làm ông tĩnh hẳn. Hóa ra ông mới vừa rời khỏi một giấc mơ. Mò tìm cái bật lửa ông thắp lại ngọn nến. Ánh lửa chập chờn soi mặt bàn bừa bộn sách vở. Lâu nay ông thường bị những giấc mơ kéo đến bất chợt. Đang ngồi đọc sách hoặc viết lách đột nhiên ông rơi vào giấc ngủ chẳng biết lúc nào. Và trong mỗi giấc ngủ lại có nhiều mộng mị khác nhau kéo về khiến nhiều khi ông phân vân tự hỏi khi ông đang tĩnh là lúc ông mơ hay khi đang mơ lại là khi đang tĩnh?

 

Ông đứng lên đốt một cây nhang trên bàn thờ vợ, vợ ông là một nhà giáo. Bà có những tình yêu của đời mình: yêu ông và yêu đám học trò ồn ào náo nhiệt của mình. Bà mất đã 20 năm rồi, lúc đó ông mới vừa 30 tuổi. Cái chết của bà là nỗi đau thương lớn nhứt đời ông. Nhưng 20 năm qua, vết thương cũ đã lành, ông thôi xót xa. Tuy nhiên nhìn ảnh vợ ông cũng không sao khỏi chạnh lòng. Những ngày yêu nhau, ông cũng si mê bà như bây giờ ông si mê Phấn. Bà cũng hiền từ dễ thương như Phấn, bao giờ cũng chịu thương chịu khó mà nét mặt vẫn tươi cười. Đi dạy về, bà lại lao ngay vào bếp lo cho bửa cơm. Có bà ông chẳng phải lo nghĩ gì từ miếng ăn giấc ngủ. Bà vừa như một người mẹ lo cho con trai, vừa như người chị chăm nom đứa em nhỏ. Có những lúc vui hay giận ông bà thường trách yêu: “Nếu như không có em chẳng biết anh sẽ sống ra sao?”. Quả vậy, ông sống một cách phiêu bồng với cây bút ngòi viết, chẳng hề biết sửa cái cầu chì, công tắt điện, chỉnh sửa cái vòi nước hư….

 

Áo quần ông mặc vất ra có bà giặt. Thay đồ mới đã có y áo ủi kỹ treo trên móc. Ông đi đâu về gọi “Em ơi đói bụng rồi” là có sẵn mâm cơm. Vậy mà 20 năm nay ông chỉ còn nói chuyện với cái bóng của mình, ông tự kêu đói và tự đi nấu ăn; tự vất quần áo bẩn ra và tự đi giặt lấy…. Thiếu sự hiện diện của bà đời ông bơ vơ, cơ cực. Nhưng nói gì thì nói vết thương của 20 năm cũng dần liền da liền thịt và người đàn ông bắt đầu nghe một mùa xuân mới trở về trên cánh đồng khô hạn của đời mình.

 

*

Ngoài trời vẫn chưa sáng. Người đàn ông dụi mắt thắp lại ngọn nến. Trên bàn trước mặt ông gió lật mấy trang thơ một cuốn thơ cũ ố vàng. Ông ta cúi xuống đọc. Những con chữ như có ma thuật chúng đang nhảy múa. Hình như có tiếng ai đó ca hát ê a trong thơ, giọng lạnh lẽo, gay gay….

 

Hồi này sao thế, mới tảng sáng mà ông cứ chợt tỉnh chợt mê. Những khoảnh khắc chợt thức chợt ngủ cứ đan nhau làm ông lẫn lộn giữa hư và thực. Lại nữa rồi, giọng đọc thơ ấy vẳng lên sao giống như giọng nói lạnh lẽo phát ra từ hòn đá cái: “Xin chớ gần tôi, thuyền tôi sắp vỡ”, vừa xua đuổi lại vừa thiết tha van xin ở lại. Những tảng đá ấy không còn yêu nhau nữa chăng? Hôm kia khi Phấn nghiêng người xuống rót rượu cho ông em nói rất nhỏ: “Bố ơi, em sắp sửa xa bố, em đi lấy chồng. Bố sẽ không còn gặp em nữa đâu. Nhưng bố đừng buồn”. “Tại sao không buồn khi chẳng còn em ngày ngày bố gặp?”, ông nói mà như khóc. Hơi thở Phấn lướt qua trên mái tóc lốm đốm bạc của ông: “Đừng buồn bố ơi, vì sao bố biết không, vì dù em đi lấy chồng nhưng em yêu bố, em yêu bố, em yêu bố….

 

Người đàn ông chợt nghe trái tim mình đau thắt, lòng ngực như đang bị ai kéo dãn ra. Trước mắt ông ta có những bóng đen như có bầy ruồi đen bay lơ lững. Ông thấy chếnh choáng như những hôm say rượu, mắt hoa lên. Ông gục xuống cuốn thơ cũ ố vàng dưới  ánh nến đang lụng dần, lụng dần….

Trương Đạm Thủy
Số lần đọc: 2135
Ngày đăng: 16.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Má tôi - Trương Hoàng Minh
Người đàn bà trên bến cảng - Trần Đại Nhật
Bão - Doãn Dũng
Thế trận linh xà - Trần Hạ Tháp
Cánh diều mùa xuân trên đồng chó ngáp - Trương Đạm Thủy
Người ngủ ghế công viên - Trần Hạ Tháp
Chuyện lão cố tổ chuột - Phạm Ngọc Hiền
Mưa trên những dấu chân - Nguyễn Đình Bổn
Mưa trên sông ĐăkBla - Nguyễn Lệ Uyên
Họp lớp - Trần Trung Sáng