Tôi là một người con lai mang hai dòng máu Hàn – Việt. Năm nay tôi đã 38 tuổi, có vợ và hai đứa con trai. Tôi đang làm cho một Công ty Du lịch, vừa phiên dịch vừa hướng dẫn cho những phái đoàn Hàn Quốc sang thăm Việt Nam. Mức lương tạm đủ sống. Vợ tôi là một phụ nữ miền Trung, giỏi giang, hiền thục và tiết kiệm, lúc nào cũng thương yêu chồng con.
Tôi đang sống ở một thành phố lớn miền Nam – Việt Nam. Đời sống của tôi, so với hàng ngàn đứa con rơi Hàn Quốc đang ở tại Việt Nam sau năm 1975, cũng tạm gọi là đủ sống, không đến nỗi nào. Tôi được may mắn có cơ hội đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, chứng kiến bao mảnh đời luân lạc, đang trầm luân trong khổ não của những người con lai Hàn, không những của chính họ mà còn của con, cháu họ. Như thể sự đói rách, khổ đau, dốt nát là gia tài của người con lai Hàn, được truyền lại từ đời con sang đời cháu. Đa số không có giấy tờ tùy thân, không nghề nghiệp, nhà cửa… bị ruồng bỏ và bị ghẻ lạnh. Họ đang sống cuộc sống vô cùng khốn khổ dưới đáy xã hội, làm nhiều nghề lao động tay chân: Quét rác, hốt phân, bồi phòng, phụ hồ… Họ mong được tồn tại, dù lây lất qua ngày, với hy vọng mong manh là biết đâu một ngày nào đó, họ sẽ được bảo lãnh sang Hàn Quốc, như những người con lai của Pháp, Mỹ, Nhật, Úc, Tân Tây Lan…, sau chiến tranh Việt Nam, đã được bảo lãnh từ lâu.
Trong cuộc tiếp xúc của tôi với nhiều người Hàn Quốc sang Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, tôi cũng có nhiều lần đưa ý kiến về vấn đề con lai Hàn Quốc còn ở tại Việt Nam để hỏi nhiều vị khách, nhưng đa số đều lắc đầu. Vì nhiều lý do khác nhau, một số ít, nói, đó là công việc của Chính phủ Hàn Quốc, chúng tôi không biết. Số nhỏ nhoi còn lại có quan tâm đến, nhưng lực bất tòng tâm. Hình như mọi người đều muốn quên đi quá khứ; quên hết những kỷ niệm đau buồn mà những người lính Đại Hàn đã tham dự vào cuộc chiến tại Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1973 để lại.
Đã nhiều đêm tôi không ngủ. Bao hình ảnh khốn khó, bao cuộc sống đoạ đày của những người con lai Hàn Quốc, của những bà mẹ già với ánh mắt mờ nhoè, tuyệt vọng đã ám ảnh tâm trí tôi. Tôi không thể không ghi lại những mảnh đời luân lạc này, như những nỗi buồn cần chia sẻ, như một tiếng lòng chung của những thân phận đã từng bị xã hội gọi là con hoang. Chúng tôi chỉ là nạn nhân của chiến tranh. Chúng tôi không có tội. Chúng tôi là một con người, không phải là phế liệu của chiến tranh mà người ta sẽ vứt đi sau khi đã dùng. Như hầu hết mọi con người đang sống trên mặt đất, chúng tôi cần có quê hương, tình yêu thương, công việc… và một người cha, dẫu đã muộn màng.
Nhiều đêm giật mình trở giấc, nằm bên cạnh hai đứa con trai còn nhỏ, thấy tôi vẫn còn thức ngồi dưới ánh đèn lẻ loi, vợ tôi thường cằn nhằn: “Anh không đi ngủ đi! Hơi đâu suy nghĩ việc bao đồng! Một mình anh có thể làm gì được, khi nhiều người cố tình đã quên?”. Tôi ậm ừ trả lời để vợ tôi có thể yên tâm ngủ tiếp. Nhưng tự thâm tâm tôi muốn la lớn trong đêm trường tĩnh mịch:
“Chúng tơi là con người ! Không phải là những đứa con hoang !”
Có thể tiếng nói của tôi lại rơi vào im lặng, cũng có thể tạo thành những tiếng vang trước lúc bầu trời rạng sáng.