Ngày 12 tháng 5...
Anh,
Về tới nhà ở Tuy Hòa, trời đã xâm xẩm tối. Tắm rửa xong, ngồi nói chuyện với cả nhà một lát thấy người mỏi mệt hung, bỏ vào phòng nằm. Tưởng có thể nhắm mắt ngủ ngay, nhưng dư âm của những ổ gà, bụi đường và chiếc xe đò cọc cạch rung lật bật trên đoạn đường dài đã chống hai mí mắt lên, không tài nào ngủ được.
Ngoài phòng khách có tiếng cười lích nhích của mấy đứa em, rồi là tiếng lào thào: “Cái bà này mới lạ, làm như ngoài này không có bánh mì kẹp thịt hay sao mà phải vác từ Sài Gòn về?”. Chúng nó đâu có biết những điều chúng vừa khám phá là do anh bày ra. Anh lo em đói giữa đường, lo xe hỏng đâu đó trên quãng đường vắng. Sự chỉn chu hình như đôi khi cũng hơi phiền phức, anh nhỉ? Duy chỉ có chai dầu Gió Xanh là hết vèo ở đoạn Rừng Lá. Còn hai chai nước thì khi xe đổ đèo Cả mới thanh toán một cách gọn ghẽ bằng cách thò đầu ra ngoài cửa rửa mặt cho tỉnh táo, cho sạch chút son phấn làm duyên. Không rõ nếu như có anh ngồi bên cạnh thì em có can đảm xoá đi cái duyên dáng tạm ấy không? Mà duyên gì được nữa kia chớ? Mấy trăm cây số va qua đập lại thiếu điều gãy cả xương sườn xương sống, mọi thứ trong bao tử cứ tưng tưng đòi nhảy ra ngoài đến phờ phạc thì đến Hằng Nga cũng biến thành Chung Vô Diệm anh ơi!
Đấy, đường ra xứ em nó nhiêu khê là vậy, thử hỏi anh có can đảm trèo tam tứ núi, lội ngũ lục sông như khi ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn anh thề thốt không? Các cụ thường bảo đám đàn ông con trai khi ngồi bên cạnh phụ nữ luôn đầu môi chót lưỡi. Em mong anh không lấy cái thuộc tính đàn ông bị đả kích kia mà đối xử với em. Dòm bộ dạng anh cũng cảm ra được là anh thuộc mẫu người thiệt thà, chắc bụng, chứ không như đám... Ui, em xin lỗi; chỉ là lỡ tay viết ra chớ không có ý định ví von này nọ. Em có thói quen khi viết sai thì cứ để nguyên vậy chớ ít khi dập xoá, đấy cũng là tính xấu không sửa chữa được, dễ gây hiểu lầm.
Suốt dọc miền Trung mùa hè chỗ nào cũng nóng gắt. Mấy nơi khác em chưa tới nên chưa biết, còn Tuy Hòa tới mùa này gió Nam thiệt dữ dội, thấy cả gió cuộn lên trước mắt. Gió đùa giỡn với những chiếc lá rụng cuốn tròn chấp chới những cánh chim tập bay khắp các ngách phố lớn nhỏ, những mẩu giấy rác... ngoắc ngoải vờ vật tung lên, hạ xuống. Gió hốt cát ném rào rào vào những cánh cửa sắt khép hờ, bay lượn trên mâm cơm. Gió thổi thốc cuộn xoắn dọc hai triền cát sông Đà Rằng tung bụi mù mịt cả một đoạn sông dài. Mẹ em kể hồi nẳm gió Nam cồ còn bốc cả mái ngói vảy ném xuống sân nói chi đến mái rạ mái tranh ! Còn ba em thì nói cũng nhờ ngọn gió đó thổi ba bay tuốt vào cầu Bóng để gặp má. Cái thứ gió lạ lùng vừa lãng mạn, thơ mộng vừa gây khó chịu cho lắm người. Mà anh đâu hình dung Nam cồ Nam mái là gì phải không? Nam mái là hiu hiu như kiểu người con gái hờn dỗi. Còn Nam cồ thì ác liệt hơn gấp trăm lần, như thể trận lôi đình của người cha có đứa con hư hỏng vậy. Nói vậy chớ nó chỉ thổi tung chừng vài tiếng thôi, lúc nửa đêm một chặp rồi nửa buổi sáng về trưa một chặp. Còn lại đều lặng lờ yên ả như chưa từng xảy ra chuyện gì cả. Mà tự dưng sao lại đem cái gió tào lao kia nói với anh nhỉ? Đâu có gì nhè nhẹ như ngọn heo may đất Bắc hay ngọn gió chướng quê anh? Cái loại gió ác liệt này đôi khi làm tụi con gái bọn em đến là mắc cỡ mỗi khi tới lớp và tan trường: gió thổi lật tà áo dài phơi ra chút thịt trên thắt lưng, rồi thì cuộn thốc muốn lật tung chiếc quần mặc bên trong. Tay líu quíu chưa kịp khép vạt áo thì hàng trăm cặp mắt bọn con trai dán vào như muốn lột trần ra. Một cảm giác gai rợn cứ len nhẹ từ đầu xuống chân rồi lộn ngược trở lên cho tới khi giữ được vạt áo căng phồng một cách tạm bợ. Cái ngọn gió hung hăng, nóng nảy kiểu Trương Phi ấy cũng góp phần làm tàn phai nhan sắc nhiều phụ nữ: phấn son nhòe với bụi đường, quần áo như dày thêm vài ly mét một cách nhếch nhác, còn đầu tóc thì rối nùi như đụn rơm khô, như những vạt rơm gà bơi, vì vậy tụi em mỗi khi ra đường đều có cái lược để gỡ tóc. Đang đi cũng đưa lược lên chải, đứng cũng chải, ngồi cũng chải. Thiệt phiền phức. Vậy mà nhiều người mới tới Tuy Hòa, mới chạm tới ngọn gió lạ một chút thì có cảm giác như vừa khám phá ra điều mới lạ, thấy nó đẹp. Đẹp bởi cách nó thổi dọc ngang phóng túng như một gã hành giả trên đường đi tìm sự chứng ngộ cho riêng mình, như một tên lang bạt kỳ hồ trên con đường thiên lý, giày vẹt gót, áo sờn vai; như có một ông nhà thơ kêu lên “Ơi cái gió Tuy Hòa... Cái gió chuyên cần và phóng túng”. Còn em, mỗi năm chỉ giáp mặt với nó một lần thôi mà đã thấy hãi. Em sợ kinh khủng. Mọi người cũng sợ nhưng không thể tránh mặt mà phải chung đụng với nó suốt cả tháng trời. May mà nó không kéo dài lâu để con gái Tuy Hòa vẫn tròn nụ cười, má hồng, mắt lúng liếng...
*
Ngày 15 tháng 5...
Anh thân yêu,
Hôm nay em viết về dòng sông chảy ngang qua thành phố. Cùng một dòng chảy nhưng có tới hai tên gọi khác nhau. Đoạn từ đập Đồng Cam ngược lên thượng nguồn, đâu tận Phú Bổn, Cheo Reo gọi sông Ba, còn xuôi về phía hạ lưu thì là Đà Rằng. Mùa mưa, nước ơi là nước! Nước mênh mông như biển cả. Nước cuồn cuộn đổ ra biển, đỏ quạch phù sa. Nước gầm réo dưới chân cầu thiệt là hung hãn, cuốn trôi tất cả những gì chúng đi qua, tưởng chừng như chiếc cầu dài ngằn ngặt này cũng bị đẩy phăng ra biển trong phút chốc. Cũng may, sự hung hãn này chỉ diễn ra có vài bữa thôi và xem ra cũng có ích: nó mang lớp phù sa dày đặc bồi thêm lớp màu mỡ cho cánh đồng “thẳng cánh cò bay”.
Nhớ hồi năm 93, lúc đó em còn là đứa trẻ con. Mấy bữa trước mưa dầm dề như cầm chĩnh trút nước vậy. Đến đêm nước ở đâu bò vào khắp nơi, vào các đường phố, bò lên thềm, nhảy tọt vào nhà, dâng lên cao đuổi bọn em chạy lên gác. Đứng ở cầu thang nhìn xuống thấy nước tới đầu gối rồi bò lên tới thắt lưng, rướn lên tới gần ngực ba. Điện bị cắt, đèn đóm tối thui. Có tiếng người la ơi ới, tiếng gõ soong nồi gọi nhau như chạy giặc. Đồ đạc chuyển từ tầng dưới lên cái được cái không, ướt ngoi ngóp. Sáng ra đứng trên balcon ngó ra đường, thôi thì nước là nước, chỉ có ghe sõng xuôi ngược khắp các ngả phố, còn xe lớn xe nhỏ mọi ngày như chìm mất đâu đó trong làn nước đục ngầu. Tụi trẻ con được dịp tắm lụt: chúng ở trần lội nước, chặt những đoạn chuối ngắn xiên cây làm bè chống ngang dọc khắp các nơi như thể chúng đang vào mùa hội đua bè, khiến em nghĩ thành phố bữa trước giờ là dòng sông mênh mông nước, nhà cửa phố phường mọc lên từ mặt hồ rộng. Đứa em trai em cũng nhập bọn, la hét cười đùa thỏa thích, coi mọi hư hại do trận lụt băng qua chỉ là chuyện bình thường. Tới chiều xẩm nước mới rút từ từ, để lại những vạt bùn dẻo quánh trên vách, trên nền nhà, lòng đường ... Hôm sau một cái chợ mọc lên ở ngã Năm, ồn ào náo nhiệt như thể trận lụt vừa rồi chỉ là bữa tắm gội cho thành phố. Bọn em đi coi họp chợ rồi rủ nhau lên đầu phố đứng nhóng qua chiếc cầu dài coi chiếc cầu còn hay trôi mất ra biển. Nỗi lo sợ vu vơ không thành sự thật. Nó vẫn bình thản nối hai bờ nam bắc dù cho dòng nước cuồn cuộn kia chỉ cách mặt cầu đâu hơn hai gang tay! Vậy mà đến mùa khô, dòng nước lừ đừ như con trăn no mồi, lười biếng nép mình giữa hai bãi soi vàng rực bông mướp, bông bí, cỏ lông lan tận ra mép nước xa.
Hồi sáng này mẹ con em đi chợ. Mẹ kêu lâu cả nhà chưa ăn sứa. Vậy là mẹ thực hiện ngay. Anh ở đồng bằng thì làm gì biết con sứa? Nó là sinh vật sống ở biển. Toàn thân mềm và trong suốt. Mẹ mua toàn sứa chân mang về chần nước sôi, trộn với rau thơm, chuối chát xanh, đậu phộng rang, da heo xắt nhỏ, thêm chanh ớt xúc vào chén ăn với bánh tráng nướng bóp nát. Nó ngon không thể chê vào đâu được. Thịt sứa mát lạnh, giòn dưới chân răng, thơm mùi rau húng đứng húng duỗi và đậu phộng. Ăn tới no mà không thấy ớn, vì không có mỡ như cá tra cá ba sa trong quê anh. Khi nào anh là thành viên chính thức trong gia đình, hẳn mẹ em sẽ đãi anh món này trước tiên. Anh ăn một lần sẽ nhớ đời. Mà biết đâu sau khi ăn anh sẽ bỏ xứ mà ra làm con dân trên mảnh đất hai mùa đầy những mưa cùng nắng này?
Nói đến chuyện ăn uống thì Tuy Hòa của em có nhiều món lạ lắm. Tỉ như món cá thài bai nấu cháo đậu cút thì cả nước này và cả trên thế giới không đâu có cá thài bai. Nó nhỏ bằng cọng tăm. Người ta bán không phải cân ký, đếm con mà lật ngược cái chén lên, đong bằng khu chén để tính tiền. Giá trị là ở chỗ đó. Chỉ cần ba khu chén cá thài bai nấu cháo đậu cút là ngọt lừ, thơm, mát, bổ... Mẹ em nói cháo cá thài bai nấu đậu cút dành cho người ốm mới dậy ăn sẽ mau phục hồi sức khỏe. Loại cá này hiếm nên rất quý. Mỗi năm chỉ xuất hiện một lần khoảng nửa tháng trước và sau Tết âm lịch. Đám cá mẹ xuống tận cửa biển đẻ trứng. Nở ra, tự kiếm ăn được thì chúng bơi ngược dòng sông lên thượng nguồn, nên người ta dùng những tấm đăng nhỏ, tạo dòng chảy sát mép bờ cát để lũ thài bài nương theo đó mà vượt lên, phía trên có chiếc đó dày chặn lại bắt kỳ hết. Con nhỏ Nghi giỏi môn sinh vật kêu thài bai là thài bai chớ không phải là cá bống con như tụi em nghĩ. Cãi với nó mấy bận không thắng đành thôi, miễn sao loại cá này đừng mất để thỉnh thoảng còn được ăn: kho tiêu, làm chả ram những năm được mùa cá.
Toàn nói chuyện ăn chắc làm anh mệt? Giờ chuyển sang đề tài khác: nói về thành phố của em, anh nhẻ?
Thành phố bây giờ đã khác nhiều. Chẳng trách hồi em mới lững chững tập đi, mẹ kể thành phố chỉ toàn gai bàn chải, xương rồng và cồn cát. Trường Nguyễn Huệ hồi ba mẹ em học nằm lọt thỏm giữa rừng gai bàn chải lởm chởm. Nay anh có ra đi tìm gai bàn chải trong thành phố làm thuốc cũng không còn. Thành phố giờ đã có những ngôi nhà cao tầng, biệt thự, xưởng máy và vô số những thứ khác mang dáng dấp hiện đại hơn, gần gũi với thời đại internet hơn. Nó cũng hối hả, nhộn nhịp như một góc nhỏ Sài Gòn chẳng kém.
Em thì mong cho thành phố to hơn, giàu hơn, mọi người dân có đời sống sung túc hơn, nhưng đồng thời em muốn những hình ảnh, nếp cũ của Tuy Hòa xưa vẫn luôn được tồn tại trong góc khuất nào đó của đời sống tinh thần, như ba em hay kể chuyện hồi nhỏ ông và đám bạn hay rủ nhau lên núi Nhạn giành chuối giành chè với lũ khỉ núi và đánh nhau với chúng ngay trước am thờ thần gần cửa tháp, kể về những cuộc hẹn hò với mẹ em trên bãi soi sáng rực bông mướp vàng đầy ắp giọng hò khoan của những nông dân cắt cỏ bò bên mép nước sông Đà Rằng. Hồi đó chắc khổ hơn bây giờ, nhưng lãng mạn. Con người lãng mạn để thành phố cũng trở nên lãng mạn, thơ mộng hơn. Còn thế hệ của bọn mình, sự lãng mạn ấy đã được cách tân hóa bằng cách chui đầu vào các quán cà phê tối om, các sàn nhảy nêm cứng người cùng tiếng nhạc phát ra ầm ầm như động đất!
Sẽ có người cho rằng em có những ý nghĩ cổ hủ, ích kỷ. Mặc kệ. Em yêu cái cổ hủ, ích kỷ ấy lắm lắm.
Ước chi có dịp để anh thấy tận mắt thành phố này, em khỏi cà kê...
*
Lá thư chấm dứt đột ngột, dài hơn 10 trang, viết trên giấy prelure gập đôi, bằng màu mực xanh bút bi kẹp trong cuốn sách Phong Lưu Cũ Mới của cụ Vương Hồng Sển tôi mua lại trong tiệm sách cũ ở Bình Thạnh. Chỉ chừng ấy, không có chữ ký, không có tên người gửi, người nhận; chỉ xưng hô anh em, kể về thành phố Tuy Hoà bằng niềm thương nhớ, tự hào. Không rõ khi nhận thư, anh chàng đã lơ đễnh bỏ quên trong quyển sách cũ, hay cô nàng chưa kịp gửi tới tay người yêu?
Tôi vẫn giữ lá thư một cách cẩn thận và cầu mong cho hai người luôn bên nhau và tràn đầy hạnh phúc như những lời bày tỏ chân tình trong lá thư kia. Tôi cũng mong được hoàn trả lại lá thư nếu như chủ nhân của nó cho tôi biết địa chỉ.