Đọc Chế tạo thơ ca của Phan Nhiên Hạo(1).
Đà Lạt. “Những ngôi nhà xây theo bản nháp. Con đường giãn dây thun”. Mặt trời mọc uể oải. Mấy đám mây lạc trôi thiếu nhiệt tình. Xe gắn máy ăn cắp yên tĩnh ban mai. “Những đàn ông thô bạo trấn lột thân thể xốp thiếu nữ, trấn lột ngôn ngữ dịu dàng, trấn lột đất”. Những chân thông xơ xác chĩa lên trời cầu cứu. Mấy tay phó nhòm xăng xái soi tìm khách lạ. Vài con chó đói lang thang sủa bâng quơ vào sự giàu sang giả tạo. Chiều Đà Lạt lạnh cái lạnh ngày càng lạc lõng hơn, vô vị hơn. Bụi nhà máy, bụi đường và khói thuốc. Không phải những sợi khói lãng đãng của điếu thuốc đen bay ra từ quán cà phê Tùng thơ mộng của tuổi trẻ ngày nào. Tuổi trẻ bị lãng quên như diêm quẹt hết bật cháy, bị vứt bỏ như điếu thuốc đen hút dở.
đây là thời hữu dụng của những doanh gia
(“Tiệc nửa đêm với các đại gia và Venus”)
Thời của doanh gia, doanh gia cao cấp hay mạt hạng, doanh gia đi xe hộp hay doanh gia chạy mánh, nhiều mưu mẹo hiểm độc hoặc ngây ngô nguy hiểm. Người ta bán tất cả những gì có thể bán. Bán hoa và bán bảo hiểm, bán máu và bán bắp thịt, bán nón với bán lồn, bán kim chỉ để vá víu lòng tin, bán nhang để mua sự an tâm tạm thời, bán tuổi trẻ và nỗi mơ mộng, bán một ít nắng ấm tình người sống sót, bán cả sự hi vọng và tuyệt vọng, “cho đến khi con người tự bán mình”.
Những gì đáng mất tôi đã mất rồi,
đất nước, tuổi trẻ, mộng mơ
(“Gặp một người lái taxi ở New York”)
Thế giới trong thơ Phan Nhiên Hạo là một hiện thực nơi con người tồn tại giữa quá nhiều giá trị nhân tạo và giả tạo. Tất cả đều bằng nhựa, nhựa nguyên chất hay nhựa tái sinh, cùng các thứ tương cận nhựa. Những chân trời bằng nhựa dẻo, các vì sao bằng nhựa tái sinh, người nhập cư bằng nhựa, cặp vú sứ, mắt bù-loong, người tài xế bằng đồng, nhà tiền phong hàng mã, bọn thi sĩ màu mè, nước đóng chai, con đường giãn dây thun, hoa nilon,…
Đó là một Thiên đàng bằng nhựa in nghiêng và đậm, nơi chốn đến loài ruồi cũng không thể thụ thai. Thơ không thể thụ thai và, nỗi mơ mộng vô vị lợi không thể thụ thai. Tuổi trẻ không còn nổ banh như xác pháo nữa mà bị vắt kiệt như loài chanh, héo khô, teo tóp. Trong trại lính hay các lò luyện thi, nhà máy và nhà trường, trên đồi hoang khô khốc, dưới vũng ruộng sình lầy, giữa sa mạc, nơi khu nhà ổ chuột, qua vô số chuyến xe đạp thồ gỗ lậu, xăng lậu, tuổi trẻ bị cắt rời thành cơ man mảnh đời lậu.
Đây là thời hữu dụng của những doanh gia.
Từ Thiên đường chuông giấy(2) đến Thiên đàng bằng nhựa, nháy mắt sáu năm của thời gian nhưng biến thiên bao dâu bể cuộc người. Vẫn thiên đường ấy, từ lượng biến thành chất, nó trở nên giàu sang và phong phú hơn, đậm đà bản sắc hơn, giả tạo và làm xa lạ hơn, do đó tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn.
Chúng ta đang học cách nuôi ruồi
trên bãi rác lịch sử
(“Đặc sản ruồi”)
Và chúng ta :
Đã thành công trong việc
biến ngôi làng của mình thành một thủ đô
Một thủ đô được yêu mến bởi những người nước ngoài
nhưng hãy còn xa lạ với nhiều người Việt Nam khác.
(“Hà Nội 1”)
Đi vào thế giới thơ Phan Nhiên Hạo, chúng ta bắt gặp những thân phận. Có thể đấy là con đẻ của Thiên đàng bằng nhựa, cũng có thể là mảnh đời từ thuở Thiên đường chuông giấy rơi rớt lại, tất cả đang có mặt vật vờ và rúm ró giữa thế giới của những doanh gia. Từ Silicon Valley:
Mùa thu như người nhập cư già mặc quần áo cũ
Lạc lõng và phiền trách các đổi thay
(“Bài mùa thu”)
Sang New York:
ở đây người ta bắt xe bằng cách huýt sáo…
[tôi] như con chó vàng tên gọi Taxi
(“Gặp một người lái taxi ở New York”)
Đến các hè phố bẩn thỉu Sài Gòn (“Hớt tóc vỉa hè”), và mọi nơi chốn vô danh trên trái đất già nua và đau khổ này, chúng ta luôn bắt gặp ánh mắt và:
khuôn mặt đứa nhỏ
đứng nhìn hoài mẩu bánh rơi xuống đất
(“Tại sao hỏi”)
Với bao “số phận hẩm hiu” sống và chịu đựng cuộc đời thung lũng.
Những người nghèo không du lịch
Họ miễn nhiễm với các vĩ tuyến
và biên giới quốc gia
(“Dưới chiếc loa sắt”)
đàn bà gánh hai chiếc thúng
Tôi không biết bà gánh gì nhưng
tôi biết sức nặng của cuộc đời không ra khỏi được thung lũng.
(“Đà Lạt: 1989-2002”)
Cuộc đời thung lũng ở đâu và thời nào cũng nhóc đầy, nhưng nơi Thiên đàng bằng nhựa, chúng lồ lộ nỗi cùng khốn và nhẫn nhục, sự tù túng và quẫn bách, một tuyệt vọng kéo dài ngày sang ngày không thể cứu vãn. Đấy là thứ thiên đường đầy “bọn trưởng giả chơi bạc”, “đầy bọn bắt chước”, “đầy bọn ham học”, “quá nhiều anh hùng” và nhất là, “không ai chịu chết” cả! Không ai chịu chết đi cho đôi ba phận người còn mang tính người có mảnh đất dung thân, ít không khí trong lành để thở, vài khoảng trời trong sáng để mơ mộng.
Nơi Thiên đường chuông giấy, có khoảnh phân cách giữa chuông và thiên đường, chuông không vang thì linh hồn không thể bay lên được, nhưng còn đó một Thiên đường cho bao linh hồn lạc loài bám vào cọng hành mỏng manh mà hi vọng. Ngược lại, ở Thiên đàng bằng nhựa, thiên đường là một thực thể lù lù đậm đặc, không có mặt bất kì thứ chuông nào để kêu hay không kêu, thiên đường án ngữ trước chúng ta: không âm vang, bất khả chuyển di, không thể đánh đổ. Nó chỉ cần sự nhào nhoáng để tồn tại, nó chính là sự hào nhoáng. Sự hào nhoáng lớn dậy và khuếch trương thanh thế. Nơi đó thi sĩ mất đất đứng. Họ làm lang thang, và…sa đọa, sa đọa hiểu đủ đầy theo nghĩa của M. Heidegger.
Chúng ta ít nhiều cũng đã tù đày những cách khác nhau
(“Xe điện mạ đồng”)
Ngày hoàn hảo tôi muốn làm quen với thỏa hiệp.
(“Ở nhà một người câu cá”)
Con người sinh ra để hài lòng với sự chờ đợi
Nơi tôi được sinh ra để chờ đợi chính tôi
(“Những chi tiết không đáng kể”)
một người vô danh giữa những người không có mặt
tôi chống trả với thời gian và sự buồn chán bằng những cuộc làm tình
(“Sau bảy ngày trong khách sạn với T.”)
Nhưng bản chất của tuổi trẻ, của thi sĩ là phản kháng. Không thể mãi “suy nghĩ khi được người khác bật công tắc” (“Những tự hỏi ở đây”), không “quen để số phận mình định đoạt bởi kẻ khác” (“Đặc sản ruồi”), không chịu nổi những hào nhoáng trống rỗng của Thiên đàng bằng nhựa. Thỏa hiệp thì không thể, làm tình cho lắm rồi cũng rũ người, có chờ đợi nhưng mọi thứ đều trễ hẹn. Và khi hiểu rằng mình đang bị đóng khung trong cái “thời của những cơn say rỗng tuếch và không biết làm gì / những cuộc cách mạng đều buồn ngủ” (“Những thời của tôi”), rời bỏ cuộc đời thung lũng, họ làm lưu vong.
*
Nhà thơ Thổ Nhĩ Kì Nedim Gursel cho rằng: “Văn học thế kỉ XX phần lớn là một nền văn học lưu vong, ở đó bao nhiêu cảm tính tự diễn đạt qua một số phận chung: ra đi và trôi giạt”(3), trong đó James Joyce, E. Hemingway hay R. M. Rilke được ông xem là những kẻ lưu vong bậc nhất. J. Brodsky lí giải thêm: “Đối với những người trong nghề chúng ta, tình trạng lưu vong trước hết là một biến cố ngôn ngữ”.
Với nhiều nhà thơ, lưu vong có thể vì lí do chính trị - xã hội, họ phải rời bỏ đất nước mình, viết bằng tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ “bản địa”; cũng có khi nguyên động lực trôi giạt của họ chủ yếu mang tính siêu hình; riêng với Phan Nhiên Hạo, lưu vong bao hàm mọi thứ.
Thi sĩ làm “người mắc kẹt giữa hai nền văn hóa”, mắc kẹt giữa Đông phương và Tây phương, giữa Mĩ quốc và Việt Nam, New York và Sài Gòn, tiếng Anh và tiếng Việt. “Tôi không còn chỗ nào để di cư”. (“Di cư mùa hè”). Hay nói như Rilke: Không có quê hương trong thời gian. Cả, không có quê hương trong không gian.
Mắc kẹt, anh không thoát được, không phải anh không thể thoát mà, bởi anh không muốn thoát. Lạ! Nhưng đó là định phận chung của thi sĩ: ra đi và trôi giạt. Phan Nhiên Hạo không là ngoại lệ.
Làm thế nào để trở thành một kẻ lưu vong chuyên nghiệp?...
sờ mó vào sự mất mát nguồn gốc
(“Phở, sự thiết yếu”)
Ra đi và trôi giạt. Nhưng, làm thế nào “để khỏi trở thành tên da vàng cả đời còn lại sẽ sống trong phim”? (“Xe bus 1992”). Đây là câu hỏi cốt tủy, câu hỏi thiết yếu. Bắt chước lối nói của Phan Nhiên Hạo: Phở, sự thiết yếu. Hay, như người ta có thể nói một cách hời hợt và dễ dãi rằng: làm thế nào hiện đại mà vẫn truyền thống, toàn cầu hóa mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc?
*
Đà Lạt. Sài Gòn. New York. California. Hà Nội…Buổi sáng thức dậy với tiếng chim thảng thốt và buổi chiều với ly cà phê đen cô độc. Những ngôi nhà cao tầng... Con đường không cây... Tiếng động của cơ khí ăn cắp yên tĩnh ban mai… Những đàn ông thô bạo… Dăm ngôi sao mới nổi vênh mặt hãnh tiến… Mấy thân cây xơ xác… Vài con chó đói lang thang... Ở góc khuất quán càphê cóc… một thi sĩ lưu vong chuyên nghiệp rít một hơi thuốc dài, chậm rãi phả khỏi vào khoảng trống rỗng của “một buổi chiều không có việc gì làm”, cặm cụi chế tạo thơ. Bằng thứ “nhiên liệu hỗn hợp của xung đột, hi vọng, tình yêu và sự vô ích”.
Đây là chuyện không mới, vẫn là tổ hợp các nhiên liệu cổ điển. Thơ ca không để làm gì cả, không hiệu quả tức thì, nó vừa cấp thiết vừa vô ích – nhà thơ Lê Đạt nói thế, nhưng nó phải được sáng tác bằng tình yêu và hi vọng, bật lên từ những xung đột không thể hòa giải của nội giới và ngoại cảnh, mộng và thực, lý tưởng và thực tại.
Mới ở đây, là Phan Nhiên Hạo không làm/viết thơ (writing verse): thao tác dễ dẫn vào lối mòn quen thuộc, cũng không sáng tạo thơ (composing poems): nghe sao thơ mộng lãng mạn quá, khá lạc lõng trong thế giới quá ư thực tiễn này mà là, chế tạo thơ ca (manufacturing poetry). Lạ, nhưng phù hợp và dễ chấp nhận hơn trong thời đại chúng ta đang sống. Để giải thoát mình khỏi ngục tù của thiên đường kia, có lẽ. Chúng ta thử xem Phan Nhiên Hạo đã chế tạo thơ như thế nào?
Cái nổi bật lên hẳn ở Chế tạo thơ ca là những hình ảnh, cơ man là hình ảnh lạ, hoặc hình ảnh bình thường qua cách nhìn lạ: “một vật thể ở sai vị trí”, “Tôi đi chậm chạp ra khỏi những cái nhìn”, “đôi mắt như dòng sông đã cạn”, “tựa lưng vào sự thất vọng”, “một lát chán nản”, “những giờ phút hỏng hóc”, “một người da đỏ không phải từ trong phim bước ra”, “vị chua nhược tiểu”,…
Hay:
vài người đội mũ hậu hiện đại tay cầm dầu gió xanh
cơn đau bụng bốn ngàn năm lịch sử
(“Không chết cái chết khác”)
thời gian trên trần nhỏ nước xuống đỉnh đầu tôi
chính xác như những viên đạn kí ức
(“Ngôi nhà cũ”)
Những hình ảnh lạ xuất hiện dày đặc trong thế giới Thiên đàng bằng nhựa, nó vượt thoát khỏi mọi ràng buộc của hình ảnh thơ siêu thực ít nhiều cố ý, từng có mặt trong Thiên đường chuông giấy:
sự màu mỡ của chịu đựng nén sâu, các rễ cây cắm xuống
hai con mắt đỏ thiếu ngủ đeo lên mặt gần hai tai
(“Ở trên cánh đồng và tàu điện thế kỉ 21”)
Đó là thứ hình ảnh cần thiết từ nhu cầu thiết yếu cho tư tưởng thơ, rời bỏ mọi gắng gượng mang tính hình thức. “Khuynh hướng tự sự và tính chỉnh thể”(4) khiến thơ Phan Nhiên Hạo ít khi vướng vào các thủ pháp sáng tác đặc thù nào. Vận dụng đầy hiệu quả biện pháp đứt quãng về thời gian, nhưng không vì thế mà nó khiến thơ anh trở nên khó hiểu:
Khi còn bé tôi đã nhổ nước bọt vào bàn tay ngửa ra của một người mù
Bây giờ tôi phải làm gì trong mùa thu?
(“Bài mùa thu”)
Thủ thuật tạo khoảng trắng giữa các chữ hay cụm từ để gây cảm giác hụt hẫng cho người đọc cũng được dùng rất tiết kiệm. Nó chỉ có mặt ở ba bài: “Hà Nội 2”, “Đặc sản ruồi” và “Dưới chiếc loa sắt”. Tôi nói tiết kiệm, bởi không ít nhà thơ đã xài nó, không để làm gì cả!
Phan Nhiên Hạo cũng vắt dòng:
khi nó áp sát vào điện thoại
di động nhấp nháy đèn màu xanh
(“Tại sao hỏi”)
“Nhưng vắt dòng mà tôi áp dụng, và phổ biến trong thơ đương đại Mĩ, rất khác với vắt dòng của tân hình thức Việt Nam. Tân hình thức Việt vắt dòng đều đặn theo mốt số chữ nhất định. Vắt dòng của tôi không đều đặn như vậy. Chúng biến chuyển không ngừng. Chủ ý của tôi khi dùng một số câu thơ vắt dòng hoàn toàn ngược lại thơ tân hình thức. Tôi không tạo ra sự nhịp nhàng để kể chuyện, mà nhằm tạo sự đột biến, sự “chỏi nhịp”. Những câu thơ vắt dòng của tôi thường rơi vào những chỗ đang êm xuôi, như một cách đánh thức người đọc, làm cho họ khó chịu, nhưng phải tỉnh thức và quay lại phần vừa đọc lướt qua. Đây là cố gắng phá vỡ nhịp dứt khoát cuối câu của thơ tự do truyền thống”:(5)
Chúng ta có bao giờ để ý,
rằng vẻ đẹp của Hà Nội một phần lớn nhờ vào
hằng hà sa số xe đạp và xe máy
dày đặc xen nhau trong bụi bặm
giống như đàn cá khổng lồ đoàn kết chặt chẽ
vượt qua những thăng trầm lịch sử, họ, những người này
Những người hàng ngày sống và sinh hoạt
trong nhà ống. Đã thành công trong việc
biến ngôi làng của mình thành một thủ đô.
(“Hà Nội 1”)
Các câu trong đoạn thơ được ngắt nhịp ở cuối câu theo kiểu quen thuộc của thơ tự do, nhưng đến “Những người hàng ngày sống và sinh hoạt / trong nhà ống” thì đột ngột vắt dòng. Như thể một cú gẫy. Nhịp thơ đổi bất ngờ. Một đặc điểm của thơ đương đại là sự thay đổi nhịp điệu trong bài thơ, mà bản thân nó, hàm chứa một ý nghĩa phản tỉnh như kịch của Bertolt Brecht. Nó không cho phép người đọc dễ chịu trong sự đều đều. Nữa: cụm từ “trong nhà ống” được đưa ra đầu câu cũng có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm của hiện thực [đời sống Hà nội].
Một thể nghiệm thi pháp khác trong Chế tạo thơ ca là cắt dán, kĩ thuật được dùng quen thuộc trong thơ Việt hải ngoại, hơn thập niên qua: vài mươi chữ được cắt ra từ mẫu quảng cáo, hóa đơn tính tiền, tấm bưu thiếp... thêm thắt chút đỉnh là đã hoàn thành bài thơ. Thủ pháp nặng tính kỹ xảo này có thể gây hứng thú nhất định, nhưng kéo dài, vô hình trung người viết tự bó mình trong một số vốn từ hạn hẹp. Ở Phan Nhiên Hạo, cắt dán mở rộng hơn và có thể nói, thực dụng hơn. Anh chọn lựa nguyên liệu ngôn ngữ (và chỉ ngôn ngữ) từ một số lượng chất liệu rộng lớn, sơn phết, gia công thêm thắt. Ở “Hà Nội 1”, “Hà Nội 2”, “Ẩm thực ở một làng quê”, phần chú thích cho thấy người viết thu thập nguyên liệu có sẵn từ nhiều trang sách cho mỗi bài thơ.
Đó là những cách thức chế tạo thơ của Phan Nhiên Hạo: tất cả phục vụ tính hiệu quả cho chính bản thân bài thơ, thực dụng mà thoải mái, không ràng mình vào một trò chơi kỹ xảo nào. Cho nên ở anh, vắng bóng thơ cụ thể hay thơ hình họa; thơ ngoài lời, càng không. Phan Nhiên Hạo thừa biết các phong trào thơ ấy, nhưng anh quyết nói không.
“Tôi tin rằng để giải quyết tình trạng ỳ ạch của thơ và văn nghệ nói chung hiện nay, người ta phải dấn thân một cách can đảm hơn nhiều so với chuyện làm thơ theo thể này hay thể kia (…) Sự đổi mới của văn chương phải đến từ những cảm nhận văn hóa mới mẻ hay từ một ý thức văn nghệ tự do triệt để, chứ không phải đến từ những cái gạch chéo hay những bài thơ vắt dòng”(6). Hoặc:
“Chúng ta cần làm mới thơ. Nhưng trong nghệ thuật, sự làm mới không thể là một hành động duy ý chí. Có nhiều chọn lựa, nhưng không phải lúc nào các phong trào thời trang cũng là chon lựa duy nhất cho việc làm mới thơ”. Hơn nữa: “Việc làm mới thơ, theo tôi, nên được xem xét từ góc độ quan hệ của thơ với độc giả”(7).
Thơ Việt hôm nay vẫn cứ ỳ ạch, mặc thiên hạ đi tới đâu thì tới, mặc thời mở cửa, mặc cho thế giới toàn cầu hóa. Như các loại hình mĩ thuật khác, kiến trúc chẳng hạn:
Trong khi chờ đợi một giải pháp
người ta thường kéo nhau ra vỉa hè
kéo một hơi thuốc lào dài
mười thế kỉ
(“Hà Nội 2”)
Trong lúc một bộ phận kẻ làm thơ khác, trẻ hơn, mới mẻ và quyết liệt hơn, quá khích nữa, muốn đấy cho tới cùng đầu mút của các giới hạn, quan điểm của Phan Nhiên Hạo là chừng mực và đúng mực. Quan điểm ấy được thể hiện qua hai thi phẩm đã xuất bản, không phải là không thu phục được một lớp độc giả văn chương, Trần Hữu Dũng chẳng hạn. Trần Wũ Khang nữa:
“Phan Nhiên Hạo với Thiên đường chuông giấy (1998) có thể ví như Huy Cận với Lửa thiêng thời Thơ Mới: có ngay một chỗ đứng biệt lập trên thi đàn khi vừa xuất hiện. Khác điều, Phan Nhiên Hạo không dừng lại, ôm mãi bó hoa cũ mà tàn héo, anh biết cách vượt lên chính mình để có sáng tạo mới hơn bằng ý thức nghệ thuật không quá khích nhưng lành mạnh và đủ đầy”(8).
*
Đi vào thế giới thơ Phan Nhiên Hạo như được lên… thiên đường, nhưng là Thiên đàng bằng nhựa. Đứng trước căn nhà mù mờ đầy ám khí, sợ mình không thể nhấc bước cuối cùng dẫn lên bậc cửa thiên đường được báo trước, mấy lần tôi đứng lại chờ đợi. Chờ đợi những ai đó đã đến trước tôi. Nhưng hoài công: “những người tôi chờ đợi đều đến trễ” (Chờ đợi). Tôi lần từng bước đi tới, vô ích: nhà không cửa. Ngay cả Thiên đường cũng không cửa nốt:
Tôi sống trong ngôi nhà không cửa
Mỗi người đến thăm phải mang theo cửa
trên lưng.
(“Nhà không cửa”)
Vậy là tôi phải vác theo cửa. Tôi có lắp đặt khớp không, chẳng hiểu. Dẫu sau, qua bờ bên kia khoảng trời Thiên đàng bằng nhựa, tôi thoáng thấy lung linh tình người, hiu hiu nắng ấm, mây vẫn bay, trời Đà Lạt vẫn đẹp cái đẹp của tuổi trẻ. Tôi hớp một ngụm càphê, phả khói thuốc vào buổi sớm mai Đà Lạt:
Tôi đọc hết mục rao vặt, tôi ăn hết ổ bánh mì
tôi nhìn hai con chó vật nhau trên thảm cỏ
rồi tôi kêu lên những tiếng cao và ngắn
của loài chim cánh cụt
một ngày mùa hè đẹp trời ở Santa Monica
(“Di cư mùa hè”)
Ở Santa Monica hay ở Sài Gòn, nhưng tôi cứ gọi Đà Lạt, cứ gọi cà phê Tùng dẫu nó mang tên Phù Zung hay tên Hải Yến. Chúng tôi ngồi đó, nhâm nhi giọt cà phê đen như gặm nhấm tuổi trẻ mình, suy nghĩ về lưu vong và quê hương(9). Chợt tôi vỡ ra rằng Lưu vong chính là Quê hương, L’Exil cũng là Le Royaume. Tôi quay lại nói với Hạo ý tưởng cũ rích nhưng thiết yếu đó. Lúc này, Đà Lạt thật đẹp. Đẹp và buồn.
Sài Gòn, mùa Hè 2004.
_______________
Phan Nhiên Hạo
Sinh tại Kontum, Việt Nam. Sống tại Hoa Kì từ năm 1991.
Học xong Khoa Văn, Đại học Sư phạm Tp.HCM 1989. Cử nhân văn chương Anh-Mĩ 1998 và Cao học Thư viện-Thông tin 2000 tại University of California, Los Angeles (UCLA). Hiện làm việc trong một thư viện Đại học ở Los Angeles.
Đã in: Thiên đường chuông giấy, Chế tạo thơ ca.
(1) Phan Nhiên Hạo, Chế tạo thơ ca, NXBVăn, Hoa Kì, 2004.
(2) Phan Nhiên Hạo, Thiên đường chuông giấy, Tân thư xuất bản, Hoa Kì, 1998.
(3) Nedim Gursel, “Chữ nghĩa của lưu đày, lưu đày của chữ nghĩa”, Talawas.org.
(4) Từ dùng của Nguyễn Thị Từ Huy, “Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực trong Thiên đường chuông giấy”, Tienve.org, 2004.
(5) Thư Phan Nhiên Hạo gởi Inrasara, ngày 06.09.2004.
(6) Phan Nhiên Hạo, “Về Tân hình thức, Thơ Tự do, và “tươi mát hồn nhiên”, Talawas.org.
(7) Phan Nhiên Hạo, “Mới - Cũ trong thơ và Hậu hiện đại”, Talawas.org.
(8) Trần Wũ Khang, “Song thoại với cái mới của thơ hôm nay”, Talawas.org.
(9) Hay Lưu đày và quê nhà - L’Exil et le Royaume, tên một tác phẩm của A. Camus.
*
Đăng lại từ inrasara.com-Theo bản tác giả gửi