Tôi chưa chính thức đứng trên bục giảng, chưa là cô giáo đúng nghĩa với tấm bằng sư phạm và một lớp học thật sự, nhưng tôi cũng có học trò, khá nhiều "lứa" học trò nữa là! Đấy là những năm làm sinh viên nghèo dạy kèm kiếm tiền mua sách vở, đóng học phí. Học trò của tôi thường chia thành từng nhóm nhỏ, đủ mọi thành phần, độ tuổi… Từ cấp I, cấp II, III đến những người đã qua tuổi sách đèn từ lâu, muốn tìm vốn liếng từ các lớp "đàm thoại cấp tốc", hòng vượt qua cửa ải "phỏng vấn" ra nước ngòai theo diện kết hôn, bảo lãnh của thân nhân… Ngày ấy, tôi làm gì có quyền để lựa chọn. Nhà nghèo, đồng lương công chức ít oi, để đến với lớp đại học, dù là đại học tại chức, tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì thế khi vừa xong năm hai, vượt qua kỳ thi chuyển giai đoạn cực kỳ gian khổ, với mảnh bằng chứng chỉ đại cương (tương đương với trên B và dưới C một chút), được sự giới thiệu của một giáo sư vốn có tiếng ở các trung tâm, tôi bắt đầu vào nghề "gia sư", trở thành một "tutor" (*) thực thụ. Học trò của tôi như đã nói rất ư là đa hệ. Từ học sinh cấp I ngây thơ, cấp II tập làm người lớn, đến những cô cậu lớp 11, 12 "siêu quậy". Dĩ nhiên cũng có những em ngoan và chăm học, nhưng đa phần để mời gia sư về nhà kèm nhóm hoặc chỉ độc một cô chiêu, cậu ấm, thường phải là những nhà có máu mặt, có của ăn của để. Họ giàu có nên phong bì, quà tặng thường rất… xộp, nhưng đôi khi cũng thật… nhiêu khê.
Còn nhớ, một buổi tôi đang kèm đại trà một nhóm học sinh cấp I tại căn phòng tập thể vừa là nơi ăn nghỉ của gia đình (gồm hai vợ chồng và đứa con tai nhỏ) thì nghe có tiếng xe máy đỗ, tiếng hỏi tên tôi từ ngoài cổng. Rồi chiếc DreamII chạy ào vào, dừng lại trước cửa phòng. Một chị ngoài bốn mươi phốp pháp trong bộ đồ tươi rói, đưa bàn tay móng sơn lấp lánh kim tuyến, vẫn ngồi chống chân trên xe, hất hàm: "Phải cô là cô T.?". Tôi gật đầu. Chị hỏi tiếp: "Nghe nói cô có nhận học sinh luyện thi Anh văn vào lớp 10 ?". Tôi lại gật đầu. Chị cao giọng: "Ăn bao nhiêu một giờ vậy?" Dù đã lường trứơc những đắng cay của nghề dạy kèm, tôi vẫn không ngăn được cảm giác nghẹn ngào. May mà học trò của tôi còn quá nhỏ, chúng chỉ tròn xoe mắt nhìn người khách lạ xuất hiện trong giờ học, chứ chưa đủ suy nghĩ để biểu hiện một thái độ gì, nếu không liệu chúng có thể ngoan ngoãn ngồi học khi hiểu ra việc dạy dỗ được đưa ra mặc cả, trả giá như một món hàng ngoài chợ. Khi kể lại chuyện ấy với giáo sư H., thầy đỡ đầu của tôi, vốn trầm tỉnh ông cũng cau mày giận dữ: "Sao em không mắng chị ta một trận rồi mời đi cho khuất?". Tôi đã không làm như vậy. Khi ấy, vì quá bối rối, và cũng buồn thay, vì tôi đang cần học trò, gầy thêm một nhóm luyện thi nữa để có tiền đóng học phí cho môn tiếng Pháp tăng cường đòi hỏi phải có trong chương trình học. May mà cô học trò mới chẳng mang chút gien gì của người mẹ, cô ngoan hiền và học thật chăm.
Một lần khác, qua giới thiệu của một phụ huynh là thợ điện có con gửi tôi dạy từ năm lớp 2, tôi đến kèm một cô chuẩn bị xuất ngoại theo diện H.O của chồng. Mức lương được thỏa thuận qua điện thoại rất hậu. Nhà cô Uyển, học trò mới của tôi trong con hẽm ngoằn nghoèo hai ba ngõ rẽ. Một biệt thự nhỏ, kín cổng cao tường nằm giữa những tàng cây. Cô ở một mình vì gia đình đều đã ra nước ngoài. Giờ học, cô bận đồ bộ nhưng mặt lúc nào cũng trang điểm thật đậm. Cô đẹp, nhưng nhìn cô tôi không sao hình dung được dưới lớp phấn son lúc nào cũng dày cộm kia khuôn mặt thật của cô như thế nào. Nhà chỉ một mình cô nhưng tôi có cảm giác như luôn lẩn khuất hình bóng của một người thứ hai nào đó. Từ lọ hoa thay mỗi ngày, dĩa kẹo trái cây đầy ắp, chiếc gạc tàn vươn vài mẩu thuốc hút dở, chai rượu chát lưng lửng bày trên bàn xa lông… Tất cả như "lên tiếng" về sự tồn tại của ai đấy (mà bằng linh cảm tôi đoán là một người khác phái), ngay cả khi người ấy không hiện diện. Rồi thì người ấy đã xuất hiện, ngay trong giờ dạy của tôi, thoạt tiên bằng những cú điện thoại. Những cú điện thoại kéo dài dù không muốn tôi vẫn phải để lọt tai những thông tin, đại để nhân vật mà cô gái gọi là "xếp" sẽ về thăm cô vào một ngày nào đó giữa tuần, sẽ mang cho cô những thứ quà mà cô liệt kê bằng một giọng cực kỳ nũng nịu. Không hiểu bị chất vấn thế nào mà cô cứ luôn miệng: "Sáng em đi chợ. Chiều ở nhà học Anh văn. Tối phải thức làm bài tập. Làm gì có thời giờ mà đi chơi với ai". Cô nháy mắt với tôi: "Không tin hỏi cô em mà xem. Có cô ngồi cạnh đây nè". Sau rất nhiều những cú điện thoại mà bất đắc dĩ tôi phải nghe, cô kể với tôi về mối quan hệ của cô với nhân vật nầy. Năm hai mươi tuổi, cô nhận lời kết hôn với người đàn ông góa vợ lớn hơn cô gấp đôi vì lý do đơn giản: ông ta giàu và là sĩ quan chế độ cũ có tên trong danh sách xuất cảnh diện H.O. Đứa con trai lên 6 của cô đã theo cha ra nước ngoài cách đây 2 năm. Cô ở lại chờ giải quyết cho xong thủ tục bán đất đai nhà cửa. Và cô gặp người đàn ông khác, trẻ hơn chồng cô một chút là cán bộ nhà nước bỏ lên Sài Gòn kinh doanh nhà hàng khách sạn rồi phất lên. Chê cô vợ ở quê đã nạ dòng, anh ghé vào cô, một tình yêu hối hả, tạm bợ không cần kết thúc. Không bao lâu, cô sẽ bay sang với chồng, quan hệ của họ sẽ chấm dứt, nhẹ nhỏm, không để lại mảy may hậu quả. "Nhưng có thể em sẽ ở lại đây với xếp Duy vì dường như em cũng thấy yêu yêu. Ở đây em có nhà cửa đất đai, lại được xếp chu cấp, lo liệu đủ thứ. Qua bển chưa chắc được như vậy".
Một hôm, cô thông báo: "Xếp em muốn gặp cô". Tôi hỏi: "Để làm gí?". Cô khoe: "Xếp khen cô dạy em tiến bộ. Sẽ có quà cho cô đấy". Tưởng cô nói đùa, nhưng rồi ông ta xuất hiện thật. Trông trẻ hơn tôi nghĩ và ra dáng trí thức, đạo mạo không giống mẫu đàn ông léng phéng, ham hố tôi đã hình dung từ mối quan hệ của họ (thì ra trong mọi hoàn cảnh, người ta luôn biết cách che dấu bộ mặt thật của mình). Ông đưa chúng tôi dùng cơm tại một nhà hàng sang trọng. Suốt bữa ăn, ông tỏ ra quan tâm đến tôi, luôn hỏi han về gia đình, về chuyện học hành khiến tôi cảm thấy khó xử còn học trò tôi thì khó chịu ra mặt. Lúc từ giã, ông đưa tôi danh thiếp, nắm tay tôi thật lâu, khen tôi vừa dễ thương(!), lại chịu khó (những lời nầy ông nói bằng tiếng Anh) khiến học trò nhìn tôi bằng… cặp mắt đầy những dấu hỏi. Sau buổi gặp gỡ tay ba ấy một ngày, tôi nhận điện thoại của học trò báo có công việc đột xuất phải nghỉ tạm một thời gian. Tôi biết đó là lời nói tránh cho cái việc cô truất phế quyền dạy dỗ của tôi chỉ vì những dấu hiệu quan tâm mà người đàn ông ấy dành cho tôi. Tôi không giận, chỉ thấy tội nghiệp học trò. Yêu mà thiếu tự tin như vậy thì yêu làm gì. Tuy phải mất một khoảng thu nhập không nhỏ, tôi vẫn thở phào nhẹ nhỏm. Tôi đã quá ngán ngẫm những buổi dạy học hành thì ít mà cứ phải ngồi nghe mãi về những hẹn hò, những giận hờn yêu đương… chẳng đâu vào đâu của cô, cũng như không khí ngột ngạt trong căn phòng lúc nào cửa cũng đóng kín bưng, nồng nồng mùi nước hoa, ong ong tiếng máy điều hòa nhiệt độ.
Nhưng để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong chuỗi ngày làm gia sư của tôi là chuyện về hai cô học trò nhỏ Thư và Hoa. Hai cô bé khác lớp, khác trường, khác cả về hoàn cảnh xuất thân, nhưng tình cờ hợp lại trong nhóm dạy kèm của tôi để rồi từ đó số phận như cứ dính vào nhau mãi. Hoa là con gái rượu của một cán bộ đứng đầu một ban ngành ở địa phương. Đối với tôi, ông thuộc hàng chú bác. Tôi quen ông từ chuyến đi công tác về xã ngày tôi mới chân ướt chân ráo về công tác ở tỉnh. Chính ông đã dạy tôi cách leo cầu khỉ, cách ăn ở nhà dân thế nào để được quí, được thương… Gặp lại trong buổi mít tinh kỷ niệm ngày 30 tháng 4, ông hỏi thăm việc công tác, học hành của tôi. Được biết tôi đang theo lớp học tiếng Anh và có dạy kèm ông mừng rỡ: "Vậy cháu cho chú gửi con bé út, nó mới từ trường huyện chuyển lên, sinh ngữ không theo kịp bạn bè. Nếu có thể, cháu chỉ dạy riêng một mình nó thôi. Công sức bao nhiêu chú lo liệu được. Giao nó cho cháu là chú yên tâm". Tôi cười. "Chú biết cháu dạy dỗ thế nào mà lại giao cho cháu". Ông nghiêm mặt; "Gì chứ cháu thì chú tin". Ngay ngày sau, ông dắt học trò tôi lại. Cô bé giống cha như đúc. Cũng khuôn mặt tròn phúc hậu, nước da trắng và mái tóc xoăn… Chỉ khác ở vầng trán hơi dô, bướng bỉnh. Nhìn cái cách cô khư khư ôm cánh tay cha, cũng biết cô được ông cưng chiều thế nào. Giờ giấc được thỏa thuận. Nhà ở tận quốc lộ 1, cách thành phố gần 20 cây số. Ngày ngày, nắng cũng như mưa, ông chở cô buổi sáng đến trường, buổi chiều đến nhà tôi. Cô học có mất căn bản, nhưng được cái chăm chỉ nên cũng nhanh chóng theo kịp chương trình. Ông tỏ ra vui mừng, bảo tôi: "Cháu ráng kèm dùm em đến hết cấp II. Coi bộ nó hợp với cháu. Về nhà nó chịu khó nghe băng, chăm chỉ làm bài tập lắm". Hoa học hơn tháng thì chị Hai tôi dắt tới một cô bé con của bạn chị. Cô tên Thư, học đồng lớp với Hoa, vừa từ kinh tế mới chuyển trường ra thành phố. Chị tôi bảo: "Em coi nhóm nào hợp nhét nó vào cho học miễn phí làm phước. Nhà nó nghèo, lên đây học ở nhờ bà dì, làm gì có tiền trả học phí". Thời gian của tôi hầu như đã kín. Nhìn đi nhìn lại, chỉ có thể cho cô vào nhóm của Hoa. Nhưng chú H, cha của Hoa đã bao trọn học phí và muốn cô bé học một mình. Tôi gặp ông, trình bày hoàn cảnh của Thư, đề nghị cho Thư vào học (tôi định sẽ bớt một phần học phí, xem như phần Thư đóng vào nhóm). Ông gạt đi: "Không sao, cứ để chú lo liệu. Không có nó thì con Hoa cũng học ngần ấy buổi, ngần ấy giờ. Vã lại, như cháu nói học sinh ngữ cũng cần có hai đứa để trao đổi với nhau". Việc cơ bản coi như giải quyết xong, còn lại là chuyện của hai cô bé. Lúc đầu, cả hai đều giữ kẽ. Thư mang mặc cảm là đứa học "nhờ." Còn Hoa cũng có chút ỷ lại nhà khá giả được cưng chiều. Ngoài những lúc phải "đàm thoại" qua bài học, hai đứa hầu như không nói với nhau một lời. Một lần, tan buổi học trời mưa, Thư đứng nép bên mái hiên nhìn Hoa được ba tới đón trùm áo mưa ấm áp ríu rít nói cười, rưom rướm nước mắt bảo với tôi: "Bạn Hoa, được cha thương ghê cô nhỉ". "Chớ bộ cha Thư không thương Thư sao?". Thư lắc đầu, lộ vẻ cay đắng: "Cha em thì chỉ có mắng chửi thôi. Nhất là những khi nhậu say về. Chính vì vậy mà má đưa em ra ở với dì để yên ổn học hành". Tôi nhìn khuôn mặt và đôi tay gầy nhom, đen đuổi của Thư. Buổi đầu Thư đến, nhìn vẻ ngoài khác biệt một trời một vực với Hoa, dù hai đứa cùng tuổi, tôi tự hỏi nghèo khó có thể làm người ta cùng cực đến thế sao. Giờ thì tôi hiểu ngoài nỗi thiếu thốn về vật chất, cô học trò nhỏ của tôi còn bị hành hạ cả về tinh thần. Tôi đem chuyện ấy kể với Hoa, mắt cô bé rươm rướm: "Tội bạn ấy ghê cô nhỉ!". Từ hôm ấy, tôi thấy Hoa hay lân la trò chuyện với Thư. Rồi nhóm hai người trở nên vui vẻ, thân mật lúc nào không hay.
Bẳng một thời gian, việc đưa rước của cha Hoa không còn đều đặn nữa. Đôi khi, tan học Hoa phải chờ cả buổi, rồi người đến rước lại là "chú tài xế của cha". Có bữa, Hoa đến học trễ trên chiếc xe đạp mini, mặt mũi bơ phờ: "Cha chuyển công tác sang công ty, đi suốt cả ngày, không còn thời gian đưa đón em nữa". Quả là như vậy, dạo nầy cũng không thấy ông gặp tôi hỏi han về tình hình học tập của Hoa. Rồi Hoa bắt đầu đến không đều đặn trong các buổi học, có khi nghỉ liên tục hai ba hôm mà không một lời báo. (Trước đây, dù nghỉ một buổi Hoa cũng điện xin phép). Có khi tôi và Thư phải ngồi chờ cả buổi, rồi Thư lủi thủi ra về. "Đợi mai bạn Hoa vào cô hãy giảng bài mới, để tội nghiệp bạn ấy". Tôi thấy giận Hoa nhiều hơn là tội nghiệp, vì cha Hoa bỏ tiền đóng học phí nên cả tôi và Thư đều phải lệ thuộc vào Hoa. Tôi quyết định vẫn tiếp tục dạy dù Hoa không tới. Thư tỏ vẻ lo: "Không biết có chuyện gì xảy ra ở nhà mà dạo nầy em thấy bạn Hoa buồn lắm. Hôm rồi về chung đường em còn thấy bạn khóc nữa. Mà hỏi thì bạn nói không có gì". Tôi cuống cuồng: "Sao em không bảo với cô". Tôi vội vã gọi điện về nhà Hoa, Hoa bảo vì cha… đi vắng nên tạm thời em phải nghỉ học. Tôi nghe giọng Hoa có gì khang khác nhưng không tiện hỏi thêm. Mấy hôm sau, đến cơ quan tôi nghe đồn rân lên chuyện một giám đốc công ty mới thành lập nọ do biển thủ số tiền lớn trong mua sắm, bị nhân viên thưa, tố, công an đang mời điều tra. Hỏi ra thì quá sững sờ, ông giám đốc ấy chính là cha của Hoa, người mới được diều về làm giám đốc công ty chưa được bao lâu. Không thấy Hoa tới học nữa. Thư cứ đến chờ lo lắng hỏi, còn tôi thì… chẳng biết giải thích làm sao.
Một tuần sau, tôi lại nghe tin dữ: Lo lắng và có lẽ vì xấu hổ, đau khổ nữa, ông giám đốc đang bị điều tra về tội tham ô đã lên cơn đột quị, qua đời. Rất nhiều dư luận về cái chết đột ngột của ông:Rằng khi ông nằm hấp hối trên giường bệnh, tổ chức đã đọc quyết định kỷ luật và khai trừ ông ra khỏi Đảng, rằng bao nhiêu năm theo cách mạng liêm khiết, giờ lại không giữ được mình để đến nỗi phải chết trong nhục nhã. Lại có cái nhìn bao dung, rộng lượng hơn: Tội nghiệp, hồi nào tới giờ chỉ quen với công việc tổ chức, giờ tiếp xúc với đồng tiền, không cưỡng được sự cám dỗ để đến nỗi thân bại danh liệt…
Tôi đến đưa ông về nơi an nghĩ cuối cùng. Vì chịu kỷ luật, quan tài của ông không được quàng ở nhà tang lễ, nơi ông đã từng tổ chức không biết bao đám tang cho nhiều người, những cán bộ ngang hàng, tương đương với ông về chức vụ cũng như độ dầy cống hiến, trước khi chuyển công tác qua công ty. Chiều ấy mưa lê thê. Hàng cây hai bên con đường dẫn ra nơi hạ huyệt la lả ngọn. Đoàn người đưa ông về nơi an nghỉ sau cùng chỉ ít oi thân nhân trong gia đình, một vài bạn bè chí cốt của ông. Đời mấy ai phù suy bao giờ! Theo sau quan tài, cô học trò nhỏ của tôi như một cây non rũ xuống trong mưa bão. Không thấy Hoa khóc nhưng thỉnh thoảng môi em giật giật, cả thân hình bé nhỏ run lên như bị động kinh…
Mọi chuyện rồi cũng qua, dư luận về cái chết của ông cũng từ từ lắng xuống, chìm vào quên lãng. Cuộc sống cứ tuôn chảy với dòng quay hối hả. Thỉnh thoảng nhớ về ông, tôi lại ngùi ngùi nghĩ đến một kiếp người hư ảo, mà vinh quang, tủi nhục, sống chết chỉ là chuyện xảy ra trong chớp mắt. Chỉ là một bước sa chân… Người chết đã yên phận, còn người sống sẽ ra sao? Hỏi thăm mới biết Hoa đã chuyển trường về quê. Từ đó tôi không gặp cũng không biết tin gì về em nữa.
Thế rồi năm năm sau, vào ngày 20 tháng 11 đẹp trời, tôi vừa đi lễ tết thầy cô về thì có hai người khách đến thăm. Hai cô gái trẻ một ốm, một cao lêu nghêu trông quen quen nhìn tôi cười: "Cô quên tụi em rồi à?". Là Hoa và Thư. Tôi kêu lên ngỡ ngàng. Hoa kể: Sau biến cố ấy một tháng, chịu không nỗi cú xốc quá lớn, má em ngã bệnh tim, mỗi lúc một trầm trọng. Nhà có mỗi em là nữ nên phải nghỉ học chăm sóc má. Lang thang hết bệnh viện nầy qua bệnh viện kia, cuối năm ấy em không đủ điểm thi học kỳ phải ở lại lớp. Lệch bệch gần hai năm sau mới đậu tốt nghiệp cấp II. Buồn chán, mệt mỏi, có lúc đã định nghỉ học nhưng nhớ lại ao ước của ba em hồi còn sống là em phải vào đại học, nên em không thể… "Thế bây giờ? Tôi ngập ngừng dò hỏi, Thư khoe: "Tụi em đến báo tin vui với cô, nhỏ nầy vừa đậu đại học bách khoa". "Còn nó đã là sinh viên năm hai rồi cô à". Hoa tiếp lời. "Tụi em giờ là sinh viên cùng trường, ở chung phòng trong ký túc xá giống như hồi đó cùng học lớp anh văn cô dạy vậy." Sau nầy, tôi biết thêm suốt 5 năm qua, hai cô học trò của tôi vẫn liên lạc với nhau. Chính Thư đã động viên, an ủi, giúp Hoa vượt qua những mất mát tổn thương để tiếp tục việc học. "Thậm chí bây giờ, má em chỉ đủ tiền cho em mua sách vở, ăn uống, còn học phí trong khi em chân ướt chân ráo lên Sài gòn, chưa có việc làm thêm, nhờ vào Thư cả".
Ở một cõi… xa vời nào đó (nếu thật sự có cái cõi ấy), cha của Hoa chắc hẳn cũng tìm thấy niềm an ủi. Trong quảng đời cuối cùng sai lầm của mình, ông vẫn làm được một việc tốt là cưu mang, giúp đỡ cô bé học trò nghèo. Cái hạt ông gieo ngày ấy giờ đang đơm hoa kết trái, không chỉ cho con gái ông mà còn cho tôi nữa khi nhận ra giữa cõi đời vốn lọc lừa, hư ảo vẫn còn ấm áp một niềm tin.