Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.280
123.158.838
 
Phó thường dân !
Trần Huy Thuận

Chị Ý vợ Thuật báo cho biết: Vũ Huy Kính lâm bệnh nặng! Tối nay mình gọi điện vào và trò chuyện trực tiếp với Kính được một lúc. Giọng nói không tỏ ra người ốm nặng, nhưng Kính bảo:

 

- Thuận ơi, kết thúc rồi, mình bị ung thư phổi!

 

Tôi choáng người! Nhưng vẫn động viên: "đừng có bi quan! Ung thư với thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến này, nhiều người đã được chữa khỏi. Cái chính là bản thân  không được ngã lòng! Phải tin tưởng vào các giáo sư bác sỹ.". Mình đã nói dối, đã giả vờ ngây thơ mà nói với Kính thế, chứ giáo sư tiến sỹ nào có thể cứu sống được người mắc bệnh ung thư phổi đã sang giai đoạn cuối?

 

"Kết thúc rồi!" Cái ngày đang học đại học ở Hà Nội, khi nghe nhà trường thông báo không cho sinh viên Kính tiếp tục theo học, vì thành phần gia đình, theo yêu cầu của địa phương nơi Kính sinh ra, thì Kính cũng đã nghĩ thế, đã nói với bạn bè thế! Nhưng lần ấy Kính đã không kết thúc, đã đứng dậy bằng sự nỗ lực phi thường của tuổi trẻ, bằng chính sức lao động của bản thân. Còn lần này thì..!

 

Chúng tôi gặp lại nhau tại thành phố Nam Định, sau hơn bốn chục năm xa cách. Lần ấy tôi đang cầm điện thoại nói chuyện với ai đó, thì Kính xuất hiện. Cửa mở, nên Kính vào thẳng chỗ tôi đang đứng, chiếc mũ nan rộng vành che gần hết khuôn mặt hắn –  Im lặng và bí hiểm! Linh tính thế nào đó, tôi nhận ra Kính ngay sau khi buông chiếc tai nghe:

 

- Thằng "Tuần còm"!

 

"Tuần còm" là cái tên tếu bạn bè đồng môn đặt cho Kính và tôi, hai thằng gầy nhỏ nhất lớp hồi đó. "Còm" thì đúng rồi, nhưng không biết tại sao lại gọi là "Tuần"? Lâu ngày quá, không ai còn nhớ nữa. Tôi chỉ đồ rằng, chắc hồi ấy có học một bài văn gì đó có nhân vật trương tuần, nên khi thấy dáng điệu hai đứa tôi có nét giống với nhân vật được miêu tả, thì bạn bè gán ngay cho!

 

Kính bỏ mũ ra, ôm lấy tôi khen: "Cậu giỏi thật! Tớ đang định đóng vai hành khất, hỏi xin cậu mấy đồng!...". Tôi nào có giỏi giang gì, chẳng qua đó là cái mà người ta gọi là "giác quan thứ sáu". Bạn bè, người thân nhận ra nhau, nhiều khi bằng linh tính, chứ không chỉ bằng trực giác!

 

- Thế nào? Khoẻ chứ? Bây giờ sống ra sao? Có còn làm gì không? Những câu hỏi dồn dập, hai đứa tôi dành cho nhau. Kính nói:

 

- Tớ trước là thường dân, còn bây giờ là "phó thường dân"!

 

Thế đấy! Cái thằng Tuần còm này vẫn có tính tếu táo như xưa, chẳng "người lớn" lên được tý nào! Trong lúc ngồi nhâm nhi ly cà phê, Kính thong thả giải nghĩa cho tôi về ba chữ "phó thường dân": Ngày xưa, những người không có chút địa vị nào trong xã hội, được gọi là dân... "bạch đinh"! Đã "bạch đinh" thì "tiếng nói" chả có giá trị gì sất! Chỉ là "đầu sai" trong mọi công việc, không hơn không kém...

 

Cùng nghĩa như bạch đinh là "tốt đen"! Trước hết, "tốt" chính là lính. Trong môn cờ tướng của người Á Đông, "tốt" là quân chiến đấu ngoan cường nhất, chỉ có đường tiến chứ tuyệt không có đường lùi. Vậy nhưng khi gặp thế cờ bí, người ta lại sẵn sàng dùng chiêu "thí tốt"; và chiêu này không ít lần đã giúp người cầm quân lật ngược thế cờ, giành thắng lợi chung cuộc!

 

Lại nữa, trong phép chơi bài tam cúc, khi người chơi có bốn quân tốt (cùng đỏ hoặc cùng đen), thì người đó được "trình làng", buộc những người chơi còn lại phải "chui" quân, mặc dù anh ta không phải là người cầm "cái" ván đó! Còn nếu ai đó lại có tới năm quân tốt cùng mầu, thì nghiễm nhiên anh ta được cướp lại "cái" của người khác. "Tứ tử trình làng, ngũ tử cướp cái" chính là như thế! Nhưng "tốt đỏ" giá trị hơn "tốt đen". Dù anh có "tứ tử" hay "ngũ tử", nhưng chớ vội mừng. Nếu là bốn hay năm tốt đen mà gặp đối phương có bốn hay năm tốt đỏ, thì chỉ có nước... chui sớm! Bởi thế nên, tốt đen mới thực là cuối rốt trong nấc thang xã hội!

 

"Thường dân" hay "dân thường", "dân đen" – Kính nói tiếp, cũng là người chẳng hề có chút chức sắc gì trong cộng đồng. Vậy nhưng những thập niên gần đây, người ta đưa ra một khái niệm mới, để khẳng định hơn nữa "vai vế" thấp kém của một con người cụ thể, bằng một danh từ mà mới nghe có vẻ khôi hài; nhưng ngẫm kĩ, mới thấy thật thâm thuý: "phó thường dân"! Phó thường dân thì nhất định phải thấp hơn thường dân rồi, đúng không? Vậy cho nên "tôi chỉ dám nhận mình là phó thường dân thôi! Xin các vị đại xá cho, đừng có chấp đến tôi làm gì!". Kính nói vậy, nét mặt tỉnh bơ. Tôi tự nhủ: "Thu mình đến mức ấy, là hơn cả chui vào vỏ con sên rồi!". Tôi hỏi Kính:

 

- Cụ thể bây giờ cậu sống ra sao?

 

- Giòng máu của cha mẹ mình vẫn chẩy trong cơ thể mình!

 

- Nghĩa là....?

 

- Sau năm "bẩy nhăm", mình đưa gia đình vào Sài Gòn. Nhưng cuộc sống đô hội không hấp dẫn mình, bởi nó không tạo chút điều kiện sống nào cho mình và gia đình. Thế là mình di chuyển về Long Khánh. Ở đây có cơ man là đất đai, ai muốn xin bao nhiêu chính quyền cũng cho tất. Cánh dân miền Bắc vào, lại càng được ưu tiên! Thế là bỗng nhiên mình có cả một trang trại, to gấp nhiều lần mấy thửa ruộng của các cụ mình ngày xưa!..

 

- Ra vậy! Xin chúc mừng!

 

Bỗng Kính làm bộ mặt nghiêm, nói nhỏ vào tai tôi: "Cậu có nghe tin này chưa: Lê-nin là người Việt Nam ta đấy! Chính vậy đấy. Hồi đó "Cụ" đi làm cách mạng thế giới mà! Thế này nhé: Chỉ Việt Nam ta mới có họ "Lê", chứ Liên Xô toàn "Sít". "Khơ", "Lép"... thôi, đúng chửa?!.

 

Tôi ôm bụng mà cười vì câu chuyện tếu ấy. Nhưng cậu ta thì vẫn cứ tỉnh bơ, như không hề nói đùa!

 

Vậy mà bây giờ cái thằng "Tuần còm" hay đùa tếu ấy, đang nằm chờ chết, chờ ngày kết thúc cuộc đời đầy truân chuyên ... không phải trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mà mãi tại cái trang trại Long Khánh xa lắc xa lơ! Tôi, Vũ Trọng Tứ, Thái ngố, vợ chồng  Vũ Thiện Thuật, Bùi Gia Thọ, Đinh Quang Châu,... đã một lần được Bảng cho xe đưa đến thăm Kính tại cái trang trại đó. Sau khi được chủ nhân dẫn xem toàn bộ cơ ngơi, tôi buột miệng nói với Kính: "Cuối cùng mày lại là thằng địa chủ!".

 

- Nhằm nhò gì! Kính giải thích. Những thằng như tớ, ở đây có mà vơ cả nắm! Vẫn là phó thường dân thôi. Có người còn có trang trại lớn gấp trăm lần mình ấy chứ, cũng chả là địa chủ nữa là...!

 

Sau bữa cơm trưa với thực phẩm toàn "khai thác" từ vườn, ao, chuồng của gia đình, phu nhân trang trại mang lên một mâm mít tố nữ đã tách múi sẵn. Kính nói:

 

- Các ông ăn tráng miệng, cây nhà lá vườn!

 

Vũ Trọng Tứ vỗ vai Kính:

 

- Hồi ấy ông đưa gia đình vào đây lập nghiệp là quá đúng. Một quyết định thật khôn ngoan!

 

- Số phận xắp xếp cả thôi các ông ạ! Mình chả khôn ngoan gì đâu. Đời vốn "may hơn khôn" mà!

 

*

- "Kết thúc rồi!" Kính lặp lại câu đó trong điện thoại, chào tạm biệt tôi và tắt máy. Ngay sau đấy, tôi lần lượt thông báo tình hình bệnh tật của Kính đến các bạn đồng môn...phía Bắc. Tất cả chỉ thở dài, "cái gì đến, tất sẽ đến!".

 

Vâng! Cái gì đến, tất sẽ đến! Còn có cách suy nghĩ nào khác hơn thế không, lúc này, lúc mà lứa tuổi chúng tôi đều đã cập kề thế giới bên kia?!.

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 3349
Ngày đăng: 22.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn chương vô dụng - Lê Văn Như Ý
Thơ tình của tuổi …. - Vương Trung Nghĩa
Hình thức và nội dung - Nguyễn Bùi Vợi
Đồng môn (tiếp) : Chuyện kể về một kẻ hát rong! -9 - Trần Huy Thuận
Vấn đề đọc sách văn học trong nhà trường hiện nay - Phạm Ngọc Hiền
trang thơ thập thò nhánh rẽ… - Lý Đợi
Hoa báo mưa - Võ Quê
Ngu lâu ! - Trần Huy Thuận
Những góc phố dịu dàng - Trương Đạm Thủy
Phú Yên thi nạn diễn ca - Khuyết danh
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)