Chúng tôi có năm thành viên hợp thành một băng, gắn bó suốt những năm phổ thông. Bốn anh bạn tôi quê phía Bắc, gia đình ở Hà Nội, riêng tôi quê ở bên kia vĩ tuyến 17. Tôi tốt nghiệp phổ thông, đúng lúc miền Nam giải phóng, tôi vào Đà Nẵng học, Mạnh và Đình đi bộ đội, Tùng và Bách vào Đại học Bách khoa.
Gần đây tôi mới có dịp gặp lại bạn bè. Ra đúng thời tiết thu se lạnh, vui mừng khi thấy cuộc sống của bạn bè đều ổn định.
Trưóc đây, chúng tôi thường tụ tập ở nhà Tùng, lần này cũng vậy, bởi không gian thoáng đãng, cửa sổ mở thẳng ra Hồ Gươm. Cha mẹ Tùng là những trí thức, tôn trọng sở thích con cái.
- Thiếu Mạnh?
Tôi bỗng nhớ đến Mạnh, rồi bố Mạnh “Bác sẽ tặng cháu một bộ nhãn vở cho năm học mới, do bác và bạn Mạnh cùng làm”. Tôi nhớ đã thích thú ra sao khi ngắm nhìn chiếc nhãn có hình ngôi nhà của cáo và thỏ con. Trong khi bạn bè tôi thi nhau nói:
- Dạo này nó lầm lì, không giao tiếp với ai!
- Ở bệnh viện tâm thần, lại có vẻ nặng hơn!
- Hình như sau mối tình với con Hiền, nó chán đời!
Sau đó cuộc chơi trong khuôn viên nhà Tùng thật vui, dường vẫn nối tiếp không khí những cuộc chơi thuở phổ thông không bao giờ có con gái, đơn thuần là cuộc chơi của những nam nhi hợp gu.
Tùng học giỏi nhất băng, có năm đi thi toàn quốc, tận tình trong các cuộc vui: nào chụp, rửa ảnh, ghi âm các cuộc “trà đạo”cần thiết, nào giới thiệu nhạc mới… Tùng am hiểu khá nhiều lĩnh vực kỹ thuật tân tiến. Hiện Tùng vừa bảo vệ xong một dự án cấp quốc gia, đồng thời là giám đốc một trung tâm có tầm cỡ về điện tử. Có thể nói Tùng là đứa thành đạt nhất trong băng.
Sau cuộc tụ tập ở nhà Tùng, tôi đến thăm Mạnh. Đứng trước ngôi nhà, cách đó chừng hai chục năm tôi thường thập thò gọi Mạnh đi học, tôi thấy hồi hộp. Tôi nhớ lại gương mặt khắc khổ, đôi chút lầm lì của bố Mạnh, hình ảnh ông đang cầm quê hương giơ lên trước điện thờ có câu đối chữ nho còn in trong đầu tôi. Lần này ngôi nhà im ắng lạ, chờ một lúc, tôi đi vào cổng phụ bên cạnh, đến cuối nhà, gặp một chú bé, tôi hỏi nhỏ và biết “chú Mạnh suốt ngày trên gác”.
Tôi cẩn thận cúi lách trên cầu thang nhỏ hẹp, đầy mạng nhện. Gặp cánh cửa, tôi gõ đến hai lần.
- Linh đấy hả, cứ mở cửa vào!
- Trời! Gần hai chục năm mà chỉ với tiếng chân lên cầu thang, tiếng gõ cửa mà Mạnh lại nhận ra tôi. Mạnh nở nụ cười dễ mến như ngày nào và mời tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ, dường chưa có ai ngồi và không còn chắc. Ở một bên tường, một số khung tranh xếp úp vào nhau, mạng nhện giăng đầy. Chúng tôi nói ít, nhưng phần nào cảm nhận được về nhau. Tôi được biết bố Mạnh mất trong trạng thái ngặt nghèo, sau khi truyền xong nghề gia truyền làm văn hoá phẩm cho Mạnh. Ông mất đi, quầy văn hoá phẩm trước đền Ngọc Sơn không còn, hèn gì tôi có cảm giác trống vắng. Quầy văn hoá phẩm của gia đình Mạnh đã hiện hữu trong tôi từ thuở ấu thơ, hồi đó tôi cứ ngỡ nó ra đời cùng Hồ Gươm. chỉ ở đó mới có loại nhãn vở ngôi nhà của cáo và thỏ con. Cạnh quầy có một khoảng đất trống, nơi chúng tôi nhiều lần chơi bóng. Học sinh qua lại quầy rất nhiều, không bao giờ ông để các em thất vọng bước ra.
Mạnh quyết định rời “ổ”, mời tôi ra quán cà phê góc đường. Quán vắng, cà phê ở Hà Nội thật ngon, bà chủ dọn cà phê cũng thật khéo. Đã lâu rồi, một mùa thu Hà Nội lại lặn ngập trong tôi. Ngả ra ghế im lặng hồi lâu, tôi lên tiếng:
- Sau khi đi lính về, cậu có thi trường nào không?
- Tôi chuẩn bị khá kỹ và thi đỗ vào trường Mỹ thuật Công nghiệp. Nhưng lại không đi. Mạnh trả lời chậm chạp.
- Nghe nói cậu có quen một cô bạn?
- Hồi đi lính, nhưng thôi rồi - để khẳng định thêm và chấm dứt đề tài này, Mạnh nói - không có gì cả, Linh ạ.
Tôi không thấy cái bệnh “bất ổn” ở Mạnh, nhưng điều tôi quan tâm thì Mạnh có vẻ thờ ơ. Ngược lại, Mạnh lại hỏi tôi lại đầy vẻ suy tư về gia đình, cuộc sống trong Nam và má tôi. Cảm động nhất là có lần Mạnh vào tận Đà Nẵng tìm tôi, nhưng không được.
Tôi chuyển hướng qua bạn bè, Mạnh không mấy tập trung, trả lời qua loa. Nhưng khi tôi vừa nói gặp Tùng, Mạnh bổng thay đổi sắc mặt, như vừa bị ai quật cho một cái bất ngờ.
- Chắc nó nói với cậu, tôi bị tâm thần!
- Không! Ai cũng nhắc đến cậu.
- Không đúng!
- Đó là sự thật Mạnh à. Tôi khẳng định.
- Câu nói sự thật nào? Sự thật… chỉ có sự thật…
*
Bố tôi đã nhận cái chết đau đớn kéo dài. Có một việc từ lâu lắm ông không giải quyết được, việc đó, khi có tuổi, ông thấy nó trở thành tội lỗi. Ông không nói được với ai kể cả tôi - Mạnh hít thật sâu rồi nói tiếp - Trước khi mất, ông đã dặn tôi “cần phải sống trong sạch, lỡ vấy, phải tẩy bằng được”. Muốn cầm vào nghề gia truyền và phát huy nó phải luôn nhớ lời ông. Khi tuổi cao, ông càng lầm bầm trước điện thờ nhiều hơn. Nhiều ngày, tôi đứng quầy thay ông, ông như nhập vào tôi, cả nỗi lo lắng và cách ứng xử. Nhiều người qua lại đã thốt lên về sự giống nhau này. Khi ông qua đời, tôi bỗng thấy cần phải làm trong sạch mình. Việc đầu tiên là nỗi ám ảnh trong nhiều năm qua cần phải được giải quyết. Đó là việc thằng Tùng nhờ tôi làm giấy tờ giả để chiếm đoạt một khu đất rộng, trong đó có một căn nhà nhỏ, tính ra giá trị khá lớn. Lúc đầu tôi không rõ, nghe Tùng nói là của ông bà nó trước đây. Xong việc, tôi có nhận ít tiền. Thời gian ở quân ngũ, tôi luôn có cảm giác mình đang trốn chạy, tôi đã vứt và huỷ tất cả các dụng cụ làm giả. Nhưng việc đó cứ theo đuổi tôi. Số tiền ít ỏi đó tôi dùng vào việc chạy chữa cho ông, chỉ kéo dài chứ không khỏi. Sau đó tôi đã nghĩ, những đồng tiền kiểu này sẽ không chữa khỏi bệnh cho ai cả. Quả có lúc tinh thần tôi khủng hoảng. Tôi định kết cuộc đời với Hiền, nhưng không thành. Sự bất thường của tôi khiến Hiền khó hiểu, rồi chúng tôi chia tay. Khi được biết miếng đất và ngôi nhà đó không phải của ông bà Tùng trước đây, tình tiết khá vòng vèo, nhưng lúc đó là vô chủ, tôi đã hoảng loạn, mất hai tháng liền ở bệnh viện tâm thần. Ra viện, tôi quyết định làm đơn tự thú trước pháp luật. Để có thêm cơ sở, tôi đến chỗ Đình, buộc nó phải làm chứng, vì nó là người thứ ba biết việc này. Đình lập tức coi tôi là “đầu óc có vấn đề”, nói tôi có ý hại bạn bè. Câu cuối cùng tôi nhớ mãi “Mày suy nghĩ dở hơi, bỏ ngay những ý tưởng điên rồ đó”. Trời! Chúng nó lạnh lùng từ khi nào vậy.
Công an gọi tôi lên, tôi trình bày tường tận. Hồ sơ đã quá lâu, nhập nhằng, Người theo dõi trước không còn làm việc ở đó, vả lại cái tài giả mạo đã hại tôi, chính tôi đã không phân biệt nổi đâu là giấy tờ, dấu do tôi làm. Trong khi Tùng quen biết khá rộng. Kết cục là câu trả lời “Đơn của người tâm thần không có giá trị pháp lý”, còn Đình coi như không biết gì. Tùng vẫn đương nhiên là chủ sở hữu hợp pháp miếng đất và căn nhà đó. Bây giờ, nó đã trở thành một trung tâm điện tử khá đồ sộ.
*
Không khí lặng lẽ kéo dài, tôi chợt buột miệng:
- Tôi cũng khó tin đó là chuyện có thật!
- Cậu nói như pháp luật. Mạnh lạnh lùng.
- Về tình tôi cũng không ủng hộ việc làm của cậu. Tùng là thằng bạn tốt, nó sống hết lòng với bọn mình.
- Tình… cái tình đó đã nghiến nát một phần đời của tôi.
Câu nói đó đập quá mạnh vào tôi, khiến kí ức dội lại. Có lần tôi thu học phí của cả tổ, bỗng nhớ đến lá thư và địa chỉ của cậu tôi (anh ruột má tôi mới ở trong Nam ra, an dưỡng tại Hải Phòng), thế là ý kiến đi Hải Phòng- Đồ Sơn được cả băng ủng hộ. Tìm không được chỗ cậu tôi ở, cả băng tiêu sạch sẽ số tiền học phí, lại trễ học một ngày. Khi về, ngày nộp tiền cho cô chủ nhiệm cận kề, cả bọn hoảng lên. Mạnh đã ra tay kịp thời vào trận bóng quốc tế giữa Thể công - Sachio. Chúng tôi run run cầm xấp vé giả trên tay, mà giá trị mỗi tấm ngang một chiếc áo len. Với những chiếc vé pơluya xanh mỏng, đủ các con dấu nổi có, chìm có, chúng tôi chia lẻ ra, đứng tản xa sân Hàng Đẫy. Vậy mà vẫn bán hết sạch. Số tiền không những trả đủ cô giáo mà còn kha khá để xung quỹ băng. Nhưng việc đó lặn sâu trong quá khứ, nó là trò chơi mang tính phiêu lưu nhiều hơn, một trò tinh nghịch bất đắc dĩ, đầy phấp phổng. Bán xong một chiếc vé, mặt chúng tôi tái không còn hạt máu. Tôi còn nhớ Tùng run lẩy bẩy, chạy thốc tháo và té như thế nào. Sau đó không còn lặp lại.
Nhớ lại chuyện trong qua khứ, tôi thản nhiên:
- Cứ tạm cho sự thể như vậy, nhưng Tùng đã tin cậu!
- Không phải! Đó là một kiểu ăn cướp mới, mà tôi đã trở thành phương tiện. Nó đã biến trò chơi thời nhỏ của bọn mình thành việc sinh lợi cho nó. Nó cần cái quá khứ có lợi, chứ không phải là một quá khứ mà chúng ta sống như ruột thịt. Người như nó sẽ nghiền nát những điều to lớn hơn nữa. Mạnh nói khá lớn tiếng và dứt khoát.
Tôi bàng hoàng, đã đến lúc không thể chấp nhận để Mạnh kết luận về Tùng như vậy, bởi tôi cũng có chính kiến của mình, chưa nói giữa tôi và Tùng còn biết bao kỷ niệm sâu nặng.
- Cậu cần nói lời cuối cùng về Tùng, chắc chắn sẽ khác nhiều so với những suy nghĩ cực đoan vừa rồi. Chính cậu đang quên đi quá khứ.
- Nếu vậy, chúng ta chia tay. Mạnh nói khá bình tĩnh và đứng lên.
*
Tôi tạm biệt Hà Nội lần ấy, thấy mình có lỗi hoặc không phải một việc gì đó, không tài nào xác định được. Tôi lặng lẽ ra tàu với tâm trạng nặng nề. Tiếng còi tàu hú lên, rồi cả đoàn tàu lao đi, tôi mới chợt giật mình - ta lại thêm một lần xa Hà Nội, xa Hồ Gươm. Nhìn qua lớp kính mờ cửa sổ, tôi thấy bố Mạnh, ông cầm xấp nhãn vở, tay vẫy và gọi tôi “Cháu, cháu để quên ngôi nhà của cáo và thỏ con à!”. Bóng ông nhỏ dần rồi mất hút.
Trích từ http://vanhocdanang.sky.vn/