- Trả mẹ cho tôi, sao các người lại bắt mẹ tôi vào ấy chứ? Mẹ ơi! Mẹ dậy đi, để con giúp mẹ ra khỏi đấy!
Tôi lao vào giữa đám đông, nhoài người về phiá chiếc quan tài người ta đặt mẹ tôi trong đó. Phía trên là bát cơm, quả trứng, còn tôi thì vùng vẫy như một con thú bị chặt mất tay chân,quằn quại trong vũng máu. Ánh nắng mặt trời thì rọi sâu vào mắt, nung nấu và bức bách. Nhưng tôi không thể tiến về phía mẹ dù chỉ nửa bước.
-Mẹ ơi! Đông lắm! Chật lắm, họ kìm kéo con này. Đông lắm!
Rồi tôi thấy chân tay mình bủn rủn, không chịu được nữa rồi. Tôi đang khụy xuống dần dần.
*
Giật thót mình, một đường máu lạnh chạy từ đầu tới gót chân. Tôi nhận thấy mình đang rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ. Tôi cố dùng hết sức lực để cử động ngón tay, rõ ràng tôi thấy mình cử động, nhúc nhích, tôi đứng dậy, vén màn ra khỏi giường. Tôi chạy, chạy đi đâu không biết. Thế mà hóa ra tôi vẫn nằm im bất động. Cố lên! Cố lên nào, tôi vẫn không hề nhúc nhích. Khỉ thật! Lại bóng đè. Không! Ác mộng thì đúng hơn. Mồ hôi tôi túa ra, nhầy nhựt. Nóng quá, chết mất, mở mắt ra nào.Tôi lại thấy người ta đưa mẹ ra đồng. Nhiều người đội khăn trắng lắm, ai cũng khóc. Thằng em tôi nó không đủ sức nữa rồi. Có một vài người đứng giữa đường trong lúc nghỉ. Tôi thét lên:
-Im đi! Các người khóc cái gì đấy. Ai chết mà các người khóc. Các người thả mẹ tôi ra, nếu không sẽ làm mẹ tôi ngạt thở đó, thả ra!
*
- Lan ơi! Dậy đi, tỉnh dậy đi. Mày ngủ mơ à, nói lảm nhảm thế con. Dậy đi!
May quá mẹ đã lay tôi dậy, mẹ vẫn đứng đấy, vẫn đôi tay gầy gò nắm lấy tay tôi, đôi mắt vàng võ, trũng sâu, thâm quầng vì mất ngủ. Dẫu sao được nhìn thấy mẹ như vậy cũng là hạnh phúc lớn nhất đối với tôi sau khi vừa trải qua một cuộc vật lộn đầy dữ dội. Toàn thân tôi đau ê ẩm, các khớp như muốn rời nhau ra, mồ hôi ướt đẫm như vừa mới húp xong bát cháo hành trong cơn sốt. Mẹ sờ tay lên trán tôi hỏi:
- Con sốt à? Sao đầu nóng thế? Thảo nào cứ thấy nói nhảm.
Tôi uể oải trả lời:
-Không sao đâu mẹ ạ. Con chỉ cần đi lại một chút là khỏe thôi.
Kì thực là tôi sợ phải nằm đấy, sợ phải thiếp đi, phải vùi sâu vào một thế giới toàn chết chóc. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “ Liệu có ai sống trong hai thế giới như tôi hay đó là điểm gở báo trước một tương lai toàn màu trắng”. Tôi lại rùng mình.
Sáng dậy, tôi ngồi thừ ở thềm hè, sau khi đã làm vô số những công việc lặt vặt từ nhà ra ngõ. Mẹ thấy tôi mệt mỏi, cúi xuống sắn vội ống quần, rồi bảo:
Mệt thì ở nhà nấu cho tao nồi cám lợn. Không ra đồng nữa, hôm nay còn một góc ruộng tao làm một lúc là xong
-Không đâu, con ra đồng làm với, ở nhà chán lắm. Cám lơn thì cứ để trưa về nấu. Cái nồi bé tí chứ có to tát gì đâu.
Mẹ không nói gì, lùi lũi vác cuốc đi xuống cái cổng quăn queo như chính cuộc đời bà. Mỗi lần đi trên nó tôi cứ ngỡ như mình đang đi trên một nỗi đau đã hóa thạch rồi. Ở nơi đó có những rạch sâu hoắm, do nước mưa bao năm đổ từ vở rừng chảy xuống “Thế mà mòn dữ thật”. Bà đi tất tưởi về phía cánh đồng, ở nơi ấy đang có hàng vạn những sinh linh như chỉ có việc nhắm mắt suốt một đêm dài và chờ bình minh lên bà sẽ đến. Để vạch từng khóm lúa nhổ cỏ, từng cây lạc bắt sâu như bà vẫn thường bắt chấy cho chúng tôi khi còn bé xíu. Bà làm những công việc ấy nhẹ nhàng lắm, cần mẫn lắm. Tôi cảm nhận dường như bà không cảm thấy đó là công việc của một người nông dân phải làm để kiếm miếng ăn. Bà chăm sóc chúng đấy chứ, cứ như chúng là cái kiếp sống thứ hai của mỗi con người. Mỗi lần nhìn bà làm, tôi lại mong “giá chi đó là sự thật thì ước gì sau này bà chết đi cũng được một con người có tấm lòng như nắm lá mua (mà người ta vẫn thường hái, nhai nát đắp vào chỗ bị thương để cầm máu) chăm nom bà như thế”. Nghĩ vậy tôi an ủi được lòng mình.
Tôi đang “chấp nhận” đấy ư? Hóa ra là tôi đã biết chấp nhận, chứ trước đây tôi toàn huyễn hoặc mình bởi những mơ ước khờ khạo đến điên rồ tự che đậy, bao bọc cho sự sợ hãi trong tôi cứ chực trào, trỗi dậy.
Cứ nghĩ đến những ngày tháng ấy. Chao ôi! Trong tôi vừa cảm ơn vừa thù hận. Tôi cảm ơn nó vì nó nuôi sống tôi, dù không bảo vệ tôi được hoàn toàn nhưng cũng không để những nỗi ám ảnh băm vằm, cấu xé tôi, chúng chỉ còn bào mòn tôi thôi, âm ỉ đau, âm ỉ chảy. Bây giờ thì tôi không có được thứ ấy, nhiều lúc tôi cứ tiếc vu vơ như một kẻ điên khùng. Thế mà tôi đã có lúc tôi hận nó lắm đấy, khi mà càng lớn lên tôi càng hiểu rõ những niềm tin vào thần tiên khi xưa đã càng làm cho tôi nhỏ bé, và không đủ mạnh mẽ đi trên đôi chân của chính mình. Càng lớn ngã càng đau, hệt như cây giống càng nhiều ngày tuổi, khi bị gãy thì càng bị chột lâu. Mẹ tôi bảo cái cây ấy mang dị tật suốt đời. Tôi lại buồn man mác, nhìn mẹ tôi trân trân như muốn nói “ Con thì có khác gì”. Nghĩ vậy nhưng thôi, sao tôi lại có thể dã tâm dở tấm băng trắng xóa cho mẹ xem vết thương vẫn còn sền sệt máu, có nguy cơ sẽ bị ung lên bất cứ lúc nào. Còn mẹ tôi, bà lại quá cam chịu và nhẫn nhục.
2.
Mỗi buổi trưa tôi ngấm dần vị nắng vào da thịt, con gà mái mẹ cục con vây đàn kiến, tíu tít. Không có con trống mà cuộc sống của gia đình gà mái vẫn vui vẻ, hạnh phúc. Tôi lại chợt nghĩ đến những cuộc chia ly, “ Ờ! Mà bố mẹ tôi bỏ nhau có khi vẫn hơn”. Tôi lại xua đuổi những ý nghĩ ấy cuốn xéo khỏi đầu mình. Tôi cho đó là tội lỗi, là không mang nhân tính. Sau này lớn lên tôi không còn xua đuổi những ý nghĩ đó nữa, bởi thấy nó tồi tội nên thương. Tôi hay hít nhè nhẹ nhưng sâu mùi ngai ngái của phân bò, cộng với mùi giun dế sâu trong bảy tầng đất bốc lên. Tôi cứ lắng nghe mọi thứ xung quanh như là một con nghiện, xa thì nhớ lắm, vắng thì thèm lắm chứ! Tôi hay nhổ tóc cho mẹ và tỉ tê để được nghe mẹ kể những câu chuyện ngày xưa. Hóa ra chính những thói quen đó lại đưa tôi vào những cái thung lũng sâu hoắm của sự ám ảnh mà tôi gọi là “lỗ hút”. Sau này tôi ân hận vì thói quen đó lắm.
3.
Tôi nhận ra thời gian trên khuôn mặt ngày càng gầy gò và đen đủi của mẹ tôi. Nên tôi rất sợ nhìn vào khuôn mặt ấy. Khuôn mặt đã bị bố tôi bao lần vùi dập, trút giận lên. Cả đời tôi sẽ bị ám ảnh vì những gì thấy được, những vòng dây xích cuộn tím tái thịt da bà, những chiếc đá móc sâu hoắm, những cái ghì sát cổ như muốn ăn tươi nuốt sống. Những cái túm tóc dập đầu xuống đống tro. Sau mỗi lần đánh đập, vết thương thành di chúng. Nó tạc vào cơn mơ như nỗi đau nhức nhối, kinh hoàng. Để có lúc tôi đã tin, nếu mẹ tôi có chết thì đó cũng là do những vết thương cha đánh. Mẹ tôi đều cam chịu. Mấy anh em chúng tôi chỉ biết đứng nhìn. Nhiều lúc kể lể với người ta mẹ nói:
-Con nhà người ta còn biết quỳ xin cha nó đừng đánh mẹ. Đằng này con nhà mình chỉ biết mở mắt trân trân mà nhìn. Rồi tao cũng chết lúc nào không biết.
Rồi đã có một lần chúng tôi nhìn thấy bà phản kháng, xô cha tôi ra khi ông đang sấn vào bà bóp cổ, bà vơ chiếc đòn gánh dựng ở góc tường. “Mày lại đây. Tao giết!”. Mắt mẹ ngầu lên, chúng tôi nửa sợ, nửa mừng.
4.
Bà hay đi xem bói, chính điều đó đã đưa tôi và bà, hai người đàn bà thuộc hai thế hệ trong một gia đình đi vào hoản loạn tinh thần. Từ đó tôi căm ghét những bà đồng, bất cứ khi nào gặp họ tôi đều nhìn họ bằng con mắt của một con thú dữ. Đến mức nhiều khi tôi tự thấy mình không còn là con người nữa. Bởi tôi không có niềm tin, khi niềm tin thần tiên nhỏ bé vỡ đi, tôi bắt đầu hoài nghi cả tổ tiên mình. Mỗi lần mẹ thắp hương, tôi nhìn chừng chừng vào mắt những người đã khuất trên khung ảnh. “Tất cả cũng chỉ là lừa dối mà thôi”. Bà đồng ham tiền, tổ tiên cũng nhận toàn tiền giấy, bằng nhau cả.
Vào một buổi chiều cái nắng trung du như muốn thử lòng đá sỏi nên cứ việc vốc nắng mà vung vãi, nó thiêu đốt mắt những con bò đang trầy trựt bòn mót những ngọn cỏ héo queo còn sót lại dưới gốc cây Bạch đàn. Nó vắt kiệt cổ họng tôi không còn ướt một chút nước nào. Tôi mặc kệ đàn bò, mặc kệ bãi sắn dù trồng bằng phân gà, mà bất cứ con bò nào tợp vào lúc này đều có thể lăn ra say mà chết. Nước! tôi cần có nước, nhưng vừa về đến đầu hiên đã nghe thấy tiếng thút thít nhỏ to. Tôi giật nảy mình “Tiếng ai khóc, mẹ à?” và áp tai vào kẽ nứt của tường nghe rõ từng lời:
-Thím nó à, chị đi xem bói người ta bảo chị là “mệnh yểu” nhất nhà. Anh chị lấy nhau tuổi kim lâu, một trong hai người phải chết sớm, mà đi xem cho mấy đứa con nhà này, thầy nào cũng bảo số chúng nó mất mẹ sớm, chị chán lắm, chả thiết sống gì…
Tôi bỏ quên đàn bò đến tận chiều tàn. Từ đó bắt đầu những tháng ngày giông bão.
Tôi bắt đầu sống trong nơm nớp sợ hãi, nơm nớp hoảng loạn và nhiều khi cả sự nơm nớp mong chờ. Mong chờ khi con người ta không chịu nổi sự sợ hãi, thà mong nó mau đến với mình rồi qua mau. Sự cam chịu đến mệt mỏi.
5.
Từ đó tôi bắt đầu sống ở một thế giới khác, cái thế giới chìm nghỉm, nghẹt thở như khi mình bị người ta bịt mũi ghì nằm xuống mà hù dọa. Thế giới ấy chắp nối, nó hoang tàn, rơi vãi những cái đời thường mà hàng ngày tôi vẫn gặp. Nó cũng là vùng đất mới với những cảnh vật và con người mới. Tôi lại nghĩ đến những câu chuyện cổ tích.
Tôi cũng có những giấc mơ, nhưng nó không đẹp, những giấc mơ mọc ra từ những chiếc gai nhọn hoắt đâm vào tôi, lăn xả vào tôi. Tôi mơ thấy mình lao xuống một vực thẳm mà không ai nhìn thấy đáy. Những đốm xanh đỏ, tím vàng, quấn tôi xuống, xoay tôi chóng mặt. Tôi gọi rất to nhưng cũng chỉ như người đứng giữa vách đá. Tiếng hét đập vào vách vang xa, mà không thấy đáy đâu, tôi đã bị xoáy vào một đám ma. Khăn tang trắng con đường quê tôi. Tôi thấy mẹ tôi chết. Rồi tôi cứ khóc kiệt sức mình rồi lại tỉnh.
Tôi cứ trông chờ vào những câu chuyện cổ tích, vào những ông bụt bà tiên. Rõ ràng là tôi kiên nhẫn lắm, ngày nào tôi cũng trèo lên cái chãng ba Bạch Đàn cao nhất rừng. Không phải để dễ nhìn bò mà để nhắm mắt và cầu khẩn. Tôi cứ tin ở cành cao thì lời cầu khẩn càng đến tai của thần tiên. Nhưng tôi đợi mãi…
Chiều về bỏ quên những trò chơi đánh đáo, chơi que mà tôi yêu thích, mặc lũ bạn chí chóe cãi nhau chỉ vì con gà cỏ của mình bị phật cụt phăng cái cổ. Đêm về tôi không còn soi chiếc đèn làm trong hộp xà phòng đục lỗ để đi soi cóc. Thôi chơi trò chốn tìm, thôi chạy uà trên con đường làng đầy gió và tiếng thở của bụi tre làng. Tôi nghĩ về xứ sở của những vị thần tiên, tôi tự an ủi mình bằng các lí do mà bà tiên đến muộn. Tôi đặt tay lên ngực lại cầu mong, hy vọng sáng mai tôi có được những bông hoa đầy phép lạ, hay những hạt dẻ thần, những viên ngọc ước. Sáng tỉnh dậy tôi cố mở mắt ra và hy vọng… Tôi cử động hai bàn tay thấy nó trống trơn, tôi đợi thêm ngày nữa… Ngày lại qua ngày tôi chỉ cầu có ba điều ước ôi. Bây giờ tôi mới biết là nó ngô ngê lắm. Tôi đã bao giờ nói cho ai biết đâu…Và bây giờ cũng thế.
Rồi mẹ tôi hay ngồi bên bếp lửa, mùi khói rơm bốc lên, bấu vào từng rải bồ hóng đen xì đung đưa khắp bếp. Tôi cứ lê la ngồi gần bà vì tôi cứ có cảm giác sắp mất bà đến nơi rồi. Nhiều khi hai mẹ con chẳng nói gì cứ nhìn những cọng rơm bị hoá thân dần thành ngọn lửa, thành tàn đỏ, thành tro, tơi ra đơn điệu và buồn tẻ. Mẹ thường ngồi như thế như là để chuẩn bị cho giây phút đau đớn trong bà… Bà lại bắt đầu kể những câu chuyện chẳng có đầu có cuối, bà cứ kể vạ vật như thế thành ra tôi cũng thành người nghe vạ vật.
-Tao đi xem người ta bảo anh mày có ba lần hạn. Cái hạn lớn nhất vẫn chưa qua đâu, tao còn lo lắm.
-Mẹ cứ đi xem làm gì? Hạn hán gì chứ, vớ vẩn cả đấy mẹ ạ.
-Mày thì biết gì, con người ta có tướng số cả đấy. Còn đấy mày xem, tao lo lắm. Thằng em mày người ta bảo năm nay, năm nay đấy…
Rồi mẹ thu hai đầu gối lại, gục đầu xuống. Nhìn chằm chằm ngọn lửa đang lụi dần.
Mẹ không biết rằng bà đã xếp vào chiếc quang gánh trên vai tôi những cục đá ong nặng hơn cơ thể. Tôi lại gánh nó đi qua suốt đêm dài, trầy trật hết bả vai, đến không còn cảm giác.
Tôi gánh nỗi đau của mình đi trên chặng hành thình tìm đến thần tiên, nhưng tôi toàn đi qua xa mạc. Mà tôi không phải là loài xương rồng, tôi không cam chịu để cả lá cũng biến thành gai…
Cũng từ đó tôi biết yêu thương em trai hơn, tôi và nó học cùng trường cấp hai. Tôi không còn chú ý đến lời cô giảng, tôi ngước nhìn lên tầng hai, về phía lớp em và cầu nguyện. Giờ ra chơi tôi lao ra khỏi lớp đầu tiên, vùn vụt chạy lên tầng hai như bay, lén lút nhìn ngoài khung cửa, nó chơi kìa, nó cười kìa, mà sao nó lại ngồi một chỗ hay là nó ốm…
Tôi vật vã trước nỗi lo âu, nỗi ám ảnh về trận ốm ngày thơ của em ăn sâu vào tôi nhức nhối như chiếc đinh cắm vào thân cây từ lúc nhỏ, vết sắt rỉ tanh nồng, xon xót hàng ngày ngấm vào nhựa cây lan khắp cơ thể. Ngày bé, toàn thân nó bị mụn nhọt, nhiều nhất là ở đầu, dù bố mẹ tôi đã đưa nó xuống tận Hà Nội chữa trị. Mụn nhọt cứ loét ra tanh thối cả hai tay áo mẹ. Bác sĩ dặn “không dược cho cháu ăn thịt gà, và nhất là không được có dù chỉ một chút mặn”. Mẹ bón cho nó ăn suốt hai tháng trời nó chỉ ăn được cháo nhạt. Mặt nó quắt lại, mắt nó lồi ra, chỉ đòi ăn muối. Mẹ chẳng trả lời chỉ khóc “Trời để cho nó sống thì sống, không thì thôi, đừng có đầy con tôi mãi”. Bây giờ kể lại mẹ vẫn khóc, vì lại nghĩ đến cảnh em tôi giả vờ ngủ, mẹ tôi lén dậy lấy muối chấm mấy con cá rô phi rán trắng ởn, để lâu đã tanh ngòm, mẹ ăn cơm. Vô tình bà rơi vãi vài hạt muối. Em tôi nhìn thấy chồm ngay dậy, lao xuống đất vồ lấy cho vào mồm và cắn chặt răng sợ mẹ tôi bắt nhả ra. Để có được hạt muối ấy nó đã phải chịu đau đớn vì toàn bộ mụn nhọt ở hai đầu gối vỡ ra rỉ mủ và máu tươi, dưới nền gạch còn vết chân người đi lại. Mẹ tôi xót xa cứ ôm con khóc. Rồi nó cũng được giải thoát khi bác sĩ nói: “Anh chị đưa cháu về nhà. Có gì ngon cho cháu ăn đi”. Bố tôi biết câu nói ấy có nghĩa là gì…Mẹ tôi tuyệt vọng kêu lên: “Vậy trời đã không cho con tôi sống!”
Rồi ai ngờ chính đất mẹ, cây cối nhỏ nhoi, mọc hoang trên đồi đã cứu được em tôi. Sau khi bàn bạc gia đình bán cả thổ cư để về lại nhà bà, để lấy tiền đưa em đi chữa bệnh lần nữa, thì mẹ tôi với chính hy vọng mệt mỏi dã dời, thuốc đắng vắt đến giọt cuối cùng của rừng thì em tôi khoẻ bệnh. Ngẫm ra ông trời vẫn còn thương chán.
Nhưng từ đó thằng em tôi gầy tọp đi, khuôn mặt vốn tròn trịa, hàm răng thẳng đều, vậy mà tất cả đã gầy gò và vêu vao lắm. Tôi cũng chẳng nhận ra nó vào những trưa hè, nó cứ ngồi đầu hiên nhìn ra mảnh vườn xem lũ gà con bới đất, chẳng biết nó theo đuổi những ý nghĩ gì. Tôi rất sợ sẽ lại bị mất em một lần nữa. Nếu một ngày cây cối của rừng cũng không cứu nổi em tôi.
Rồi tôi lớn lên, gánh đá ong mẹ xếp trên vai tôi nặng thêm sau mỗi cơn mơ. Bây giờ thì tôi hay mơ tôi chết lắm, tôi hay thấy mình bị ung thư, đầu tôi rụng hết tóc, mẹ phải đội cho tôi chiếc mũ len, bạn bè đến tôi tránh gặp mặt, chỉ úp mặt xuống gối và khóc. Rồi tôi ngồi viết nhật kí cho từng người một.
“Bố mẹ yêu thương. Con sợ chết lắm. Thế là bây giờ mỗi mùa đông con không được về ngồi co tròn bên bếp lửa mà bố đã bổ sẵn mấy chiếc gốc to tướng không cháy được chỉ khói um lên. Và đêm sẽ không được bố đặt dưới gầm giường một chậu than đỏ rực, vùi vào đó mấy củ sắn, đêm ấy ngủ ấm mà sáng hôm sau tỉnh dậy lại có sắn ăn bố nhỉ? Con sẽ chẳng được quà của mẹ mỗi sáng đi chợ về, lúc mẹ ốm đau con chẳng được ở bên mẹ nữa rồi…
Con vẫn ước được học xong đại học, đi làm chăm chỉ cả ngày lẫn đêm để xây cho bố mẹ một căn nhà, để mỗi mùa mưa cả nhà không phải co ro tìm chỗ ngồi tránh dột. Ngôi nhà mới sẽ có căn phòng của riêng con, con sẽ trồng thật nhiều hoa và bố trí những gì con muốn. Con còn muốn kiếm thật nhiều tiền chữa bệnh, cắt những cơn đau của mẹ, thế mà giờ đây con phải bó tay với số phận thế này sao? Con không muốn đâu, con còn yêu cuộc sống nhọc nhằn, vất vả này nhiều lắm…”.
Thế rồi tôi khóc, khóc rất nhiều. Tôi thấy bạn tôi cũng khóc, mẹ thì đuối sức quá rồi, bà không khóc được chỉ oằn người đi thôi. Đâu đó có ai bưng mặt chạy ra ngoài, tôi hoa mắt không thể nhận ra. Rồi cái chết đến, tôi cảm nhận được dần dần, đến bụng, nó gần đến tim rồi. Không! Không thể…
Tôi hoảng hốt vùng dậy, bợt bạt khi còn đủ sức nhận ra rằng đó chỉ là một cơn mơ. Và sau mỗi cơn mơ như thế đã vắt kiệt sinh lực tôi, tinh thần tôi. Tôi ngày càng quắt queo đi. Mẹ chỉ buồn nhưng không biết nguyên do.
Rồi tôi cũng quen, quen cả với những nỗi đau giằng xé trong người. Tôi lại có thêm một thứ linh cảm mới, chúng lại dày vò tôi. Đêm! ngoài những cơn ác mộng về những đám ma, tôi còn hay mơ đến những cảnh lẫn lộn, đặc biệt những cảnh đó lại xảy ra ngay trong cuộc sống đời thường vào một thời gian không lâu sau đó. Tôi đã gặp nhiều người lạ trong cơn mơ, họ đã nói với tôi những lời bâng quơ, những lời ám chỉ. Chỉ sau đó một thời gian không lâu, ở một hoàn cảnh ngẫu nhiên hoặc đặc biệt nào đó. Tôi bất chợt giật mình vì một ánh mắt, một khuôn mặt, một cảnh tượng. Tất cả đã diễn ra trong một hoặc nhiều cơn mơ và tất cả đã ám ảnh tôi dai rẳng đến thế nào. Tôi đặt tên cho nó là “sự trả giá cho những giấc mơ”, dù tôi biết chính những giấc mơ đã báo mộng cho tôi. Tôi đâm sợ nên ngay cả trong cơn mơ tôi cũng co người lại. Rồi tôi thành ra sợ tất cả, tôi lì lì cả ngày không nói chuyện với ai, cứ lùi lũi làm việc suốt ngày chỉ cúi nhìn xuống cỏ. Đêm tôi không dám ngủ, cứ ngồi giữa cái lạnh để chống chọi, để khi nào thật mệt tôi sẽ thiếp đi, thiếp đi trong hơi thở vẫn còn yếu ớt.
Rồi có lúc bỗng giật mình khi nhận ra tôi khác mọi người xung quanh nhiều quá. Tôi sợ con người, ghét con người. Không! Tất cả đều không phải. Thế tại sao tôi vẫn ngồi nói chuyện một mình. Tôi cứ nghĩ xung quanh tôi lúc đó là cả một thế giới những con người, tôi cứ nói, cứ khóc, cứ cười, cứ chửi. Mà rõ ràng tôi nghe thấy họ cũng cười, cũng khóc, cũng nói, cũng chửi với tôi.
-Thủy ơi! Sao hôm nay tớ gọi mà cậu không thèm quay lại?
-Thì tại cậu đó!
-Sao lại tại tớ?
-Thì không phải cậu chỉ thích ngồi và suy nghĩ một mình hay sao?
-Ai bảo cậu?
-Cậu không nói nhưng ai cũng biết.
Hóa ra tôi tự đặt cho mình nhiều cuộc đối thoại, tự gây những xung đột tạo nên cảm xúc. Tự dày vò bản thân. Tôi làm thế để làm gì nhỉ? Tôi cũng không biết nữa. Tất cả cứ diễn ra như một quy luật, như một nhu cầu tự nhiên mà tôi cũng không bao giờ nắm bắt được. Tôi nói lảm lảm như thế ở bất cứ nơi nào, miễn là lúc đó không có người, tôi nói khi trong vườn chỉ có những cây xoài già nhăn nhó mình dưới nắng tháng mười. Tôi nói khi đàn gà con rúc mình vào bóng mẹ trong một buổi sáng mùa đông. Tôi nói khi chỉ còn tôi phả chiếc bóng lên tường biểu diễn những màn kịch câm vô thức, tôi nói cả trong nhà xí nơi tôi chốn mình ngồi hàng giờ, nghĩ vẩn vơ. Tôi nói khi ngọn lửa tôi cời vẫn trỗi dậy những khát khao… Còn khi có mọi người xung quanh, tôi vẫn tự tạo cho mình những cuộc đối thoại trong tâm tưởng và bị nó nhấn chìm, cuốn đi, xoáy tít, rồi cũng chẳng biết khi nào tôi tỉnh lại, trở về cuộc sống đời thường? Nhưng ngay cả khi sống trong thế giới của riêng mình, tức là cả khi tôi đang thức tôi vẫn luôn luôn gặp những cơn ác mộng hành hạ tâm trí. Rõ ràng tôi đang ngồi trước mặt mẹ, mẹ đang cặm cụi giã lac muối, bàn tay mẹ nện chày đều đều. Vậy mà trong óc tôi bỗng hiện ra một thế giới khác. Những vòng hoa mưa gió tàn rũ, đất đỏ hiện ra. Nghĩa địa buồn thê thảm. Tôi khóc tự bao giờ, mà đến khi mẹ giật giọng tôi mới cảm nhận thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má.
-Có chuyện gì vậy con? Sao tự nhiên lại ngồi thần ra mà khóc? Tao thấy dạo này mày làm sao ý, cứ ngơ ngơ ngẩn, liệu mà lo học, nghĩ linh tinh, học hành sa sút tao khắc bảo.
Tôi mừng rơi nước mắt. Cứ nghĩ cả đời giá mẹ cứ sống mãi mà mắng tôi như vậy, thì có phải mù hai mắt, điếc hai tai và lê lết đôi chân tôi cũng cam lòng. Mẹ nhìn tôi một lúc lắc đầu. Bà bê bát muối đi khuất tầm mắt của tôi. Lúc đó tôi lại thở dài, buồn, buồn mãi… Tôi thấy mình thêm cô độc hơn nhiều. Tôi đem căm thù những giây phút tôi chốn vào cái tôi. Phải chăng tôi bất lực…
Giờ thì gánh đá ong trên vai tôi, tự tôi đã xếp vào đó những viên đá vô hình, càng vô hình càng không sao gỡ nổi. Tôi đâm ghét tất cả những gì thuộc về thế giới tâm linh con ngừơi bởi nó làm cho tôi mềm yếu quá. Nhưng kì lạ thay chính tôi chứ không phải ai khác lại không thể giằng giật để vứt nó ra khỏi chính mình. Chắc tại tôi sinh ra đã uống vào người dòng sữa mẹ - người đàn bà từ đồng ruộng. Mẹ tôi là người sinh ra tôi, là đồng bào tôi, là người dân tộc tôi. Nên dòng máu từ trong người bà truyền vào người tôi là dòng máu Việt. Dòng máu hàng ngày vẫn chảy qua tim…
Tôi theo nghề viết. Đời lại trớ trêu đẩy tôi đến nơi sâu cùng của cái tôi. Từ khi cầm bút tôi chẳng thể làm dịu cơn đau của chính mình, trái lại tôi càng khoét hơn nữa những nỗi đau. Tôi đau những cơn đau quằn quại, không một thứ thuốc nào, một bàn tay nào có thể chữa khỏi.
Nỗi dày vò khiến tay tôi không thể cầm vững cây bút được. Cây bút chẳng khác gì thứ vũ khí đang giết tôi mòn mỏi hàng ngày. Đêm trước khi tôi quyết định tạm xa nghề viết, tôi đã ôm mặt khóc tức tưởi như một đứa trẻ con lạc mẹ. Đêm ấy mưa, tôi đi dọc con đường thành thị mong hoang lạnh gột sạch những ám ảnh trong tôi để về lại mảnh đất quê hương nhưng nhức.
Trở về, cuốn mình vào những công việc vẫn thấy mình đờ đẫn.
Tôi quyết định ngồi thiền. Người ta bảo điều quan trọng nhất khi ngồi thiền là phải tĩnh. Nghĩa là không được suy nghĩ về bất cứ điều lớn nhỏ gì. Việc đó quả là thực khó với tôi. Người khác ngồi thiền để lấy năng lượng từ trời đất vào cơ thể và để chữa bệnh. Còn tôi chỉ mong chốn chạy được những giấc mơ độc ác. Nhưng tôi đã thất bại. Vì càng gò mình ngồi thiền đầu óc tôi càng thêm căng thẳng, không thể nào tập trung đẩy bật mọi suy nghĩ ra khỏi đầu được. Ức quá tôi nắm chặt hai bàn tay, đấm mạnh vào tường, rỉ máu, rồi cứ thế ngồi bất động.
Có lúc cố ép mình ngồi thiền, tôi bị xoáy vào giấc mơ thức không tài nào rứt ra nổi. Rõ ràng tôi không ngủ, vậy mà vẫn hình ảnh người ta đưa mẹ tôi ra đồng, trời rét căm căm, mạ vừa reo đã chết rũ trên những thửa ruộng vẫn còn lỗ chỗ dấu chân. Tôi thấy mình gào khóc, mắt ngầu lên như một con thú dữ. Tôi phá, tôi đánh đập, kêu gào…
“Cộc. Cộc. Cộc.” Tiếng gõ cửa, tôi giật mình nhận ra, nhưng cũng không thể thoát khỏi trạng thái bất động, dù đã cố gắng giật phăng giấc mơ ra khỏi đầu óc. “Không nghĩ gì hết. Nào cử động ngón tay! Cố lên! Có người đang gõ cửa. Gõ mạnh nữa xem nào. Đừng có bỏ đi như thế chứ?” Thế rồi tôi lại bị cuốn vào giấc mơ như trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Lúc thì cơn mơ kéo tôi chìm nghỉm không biết gì, lúc thực tại dội cho tôi một gáo nước lạnh. Nhưng vẫn không có gì tiến chuyển. Tôi vẫn ngồi đó. Bất động.
Cũng không nhớ nổi khi nào và bằng cách nào tôi thoát ra khỏi cơn ác mộng hãi hùng như thế. Chỉ biết sau một tháng hành hạ đầu óc và thể xác, tôi mòn mỏi đi nhiều. Các khớp đau dã dời, lưng đã gù càng gù hơn. Đầu tôi ong ong như tiếng trống đám ma, tiếng khóc mướn, tiếng cuốc xẻng va nhau đào huyệt. Trời đất! Tôi sớm muộn gì cũng sẽ thần kinh. Thà thế còn hơn, suy cho cùng sướng nhất vẫn là người vô âu vô lo. Mà là người ai chẳng phải lo nghĩ, chỉ những thằng đần độn, ngớ ngẩn và thần kinh là sướng. Nhưng nhỡ đâu, thần kinh có cái khổ của thần kinh thì sao nhỉ? Thế thì tôi biết phải làm sao? Làm sao bây giờ chứ? Tôi bóp gì hai bàn tay vào hai thái dương. Cảm tưởng như mười đầu ngón tay đang tụ máu. Một ý nghĩ tội lỗi man rợ loé lên. Tôi cười, nụ cười đỏ nhoét, toàn máu ở chân răng: “Sao mẹ không chết đi? Chỉ cần mẹ chết là mình không phải suy nghĩ về bất cứ điều gì. Mình cũng thôi bị ám ảnh. Phải! Sao bà không chết quách đi chứ?
Ai ngờ mấy tháng sau mẹ tôi ốm thật. Khi bà ốm người ta mách tôi lên tận Sapa lấy thuốc nam may ra mới cứu được mẹ. Tôi lì lợm không đi, cứ đứng chân giường nhìn mẹ trừng trừng tưởng như con người hoá đá tự bao giờ. Cha tôi đưa mẹ xuống bệnh viện trung ương. Bệnh khám đúng, thuốc phát đủ. Vậy mà tim mẹ đập ngày càng yếu đi. Vì bà không lúc nào ngủ hay nhắm mắt. Bà cũng cứ nhìn tôi trừng trừng. Bỗng nhiên lúc ấy, trong tôi sôi lên lòng căm thù mẹ cùng những câu chuyện, những quẻ bói ám ảnh, đeo đẳng bào mòn tôi. Rõ ràng tôi thấy tôi lao vào mẹ, gì chặt cổ đến khi mắt bà trắng dã không nói lên được một lời. Không! Là tôi vẫn ngồi cuối giường, chỉ nhìn mẹ thôi, hai tay vẫn đặt lên đầu gối. Bố và anh tôi bên cạnh mẹ. Sao lại thế. Bác sỹ vào lắc đầu thất vọng. Mẹ chết, mẹ ra đi thật. Tại sao tôi cũng không hiểu được nữa…
Trong cơn mơ, bao giờ đám tang mẹ tôi cũng kêu gào thảm thiết. Nhưng lần này, lần thật sự này, tôi lại không mảy may rơi một giọt nước mắt. Tôi câm lặng bên mọi tiếng kêu gào. Tôi không khóc.
Những tưởng mẹ ra đi, là bà đã chút bỏ được hoàn toàn gánh đá ong ở thế giới này để thanh thản sang thế giới bên kia. Và tôi cũng quẳng ngay gánh đá ấy đi khi mọi ngươì lấp huyệt. Ai ngờ! Nào có ai ngờ.
Chẳng biết là mẹ đã gánh đá mang theo hay tại tôi không chút bỏ được. Mà hằng đêm lại vẫn là những cơn ác mộng, không phải là cảnh đưa tang mẹ, mà chính là bà hiện về. Bà đòi móc hai con mắt tôi. Bà bảo: “Tao sẽ ăn tươi nuốt sống nó, vì nó đã cướp đi cuộc sống của tao.” Tôi hoảng loạn, van xin, quỳ lạy mẹ. Nhưng bà chỉ cười, giọng cười như tiếng dao kéo sắc nhọn va vào nhau rờn rợn và man rợ. Cũng có lúc mẹ hiện về kêu khổ. Bà bảo ở dưới địa ngục cũng có một người đàn ông luôn luôn đánh đập bà. Người ta còn cứ doạ, sẽ bắt chúng tôi đi. “Chém hết. Giết hết.” Bà bảo: “Mẹ mệt quá rồi, chắc không sống được.” Tôi rùng mình về một thế giới nào xa xôi hơn nữa.
Tôi bỏ nhà lên chùa đòi sư bà cắt tóc đi tu. Cha tôi tìm gặp căn ngăn. Lạy cha. Tôi khóc. Người thân trong gia đình không hiểu tại sao. Sư bà nhìn lại, nói những lời không trọng lượng:
-Lòng con đã thật sự tĩnh chưa? Quên hết mọi chuyện đời trần tục hay chưa? Nếu không, có cạo đầu, tụng kinh cũng vô tác dụng.
Tôi gật đầu:
-Lòng con đã tĩnh.
Mà trong lòng gào lên cơn cuồng phong dữ dội.
Anh trai lên thăm, tôi không ra tiếp. Sư bà gật đầu:
-Đã quyết, ắt con làm được.
Ai ngờ tiếng gõ mõ tụng kinh chính là màn cười man rợ của mẹ vọng về.
Tôi ốm liệt giường mấy ngày. Sư bà vào ra không nói một lời. Tại tiếng gõ mõ tụng kinh át đi! Lại là mẹ hiện về rất gần đây thôi, bên tay tôi, đúng rồi, bà hiện về bên má tôi. Đòi móc mắt tôi.
Tôi lao ra khỏi phòng, ra gian thờ chính giằng bộ mõ của sư bà quăng ra khỏi cửa. Tôi lao ra ngoài, hoảng loạn.
*
-Trời đất, đau ê ẩm cả người. Sao đầu óc nặng trịch thế này không biết nữa? Người! Đông người thế này, đừng có xúm vào tôi như vậy chứ?
-Bố đây. Bố Phùng đây mà Phương. Con thấy trong người thế nào?
-Bố Phùng! Phương! Tên tôi là Phương á? Nhầm rồi! Tôi không có tên. Mà ông bảo gì cơ? Ông là bố tôi ư? Thế mẹ tôi đâu? Kia à? Hay là kia?
24-11-07 (AL)