Lần đầu tiên đi máy bay tôi hư mất cái sơ mi pô-pơ-lin trắng. Thời đó, vào thập niên 60, sinh viên như chúng tôi, gia tài sự sản chỉ có hai cái áo “ăn nói” thế mà hư mất một cái chỉ vì cây bút máy Parker 61. Khi bước chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi nghe ướt lạnh ở ngực trái. Nhìn xuống, một vết mực màu xanh đen, cũng hiệu Parker tràn lan thấm tới tận chiếc may-dô phía trong. Cái thứ mực tốt này thì đừng hòng giặt tẩy. Tôi giận mình sơ ý, khi lên máy bay không chịu vặn chặt nắp bút. Tôi tự nhủ, lần sau phải nhớ việc nầy. Chuyến sau từ Saigon về lại Nha Trang để xin cái phiếu tư pháp lý lịch số 3, tôi lại bị hư thêm cái áo thứ hai. Lần đó tôi nhớ đã vặn thật chặt nắp bút lúc chiếc máy bay từ từ lăn bánh chạy ra phi đạo. Thế mà khi xuống phi trường Nha Trang, lại cũng nghe ngực áo ướt lạnh. Từ đó tôi mới biết mỗi khi đi máy bay đừng giắt bút trong người. Lên cao, áp xuất thay đổi làm cho mọi thứ chất lõng trào ra ngoài.
Về sau, mỗi lần bay lên cao, tôi còn bị nhiều thứ trào ra nữa, ban đầu là máu, sau là nước mắt. Nước mắt chơi vơi trên ngọn đỉnh trời…
Máy bay lên cao dần, tai tôi bắt đầu nổ lốp bốp mỗi khi nuốt nước bọt. Nhìn ra ngoài, phía dưới cánh đồng mây rộng mênh mông phơi đầy mây trắng phau, còn trên là một bầu trời ngan ngát xanh. Tất cả có khi bị nghiêng về một hướng như là trời đất bị xô lệch đi. Thỉnh thoảng một vài chỗ mây thưa để lộ bên dưới khi là màu xanh đại dương, lúc là màu xanh cây rừng. Phi công cố gắng lái máy bay tránh xa những đám mây trắng lớn. Hình như những tảng mây khổng lồ như núi tuyết, óng ánh ngọc trai có hấp lực làm cho chiếc máy bay chao đảo mỏng manh như xếp bằng giấy. Tôi cố ngủ, ngủ để bù lại những đêm thức trắng vui chơi cùng bạn bè Nha Trang. Khi tôi vừa thiu thiu thì một dòng nuớc lành lạnh chảy từ mũi xuống miệng. Tôi đưa tay gạt, trời ơi máu. Tôi bị chảy máu cam rồi ! Tôi tuy là đàn ông con trai nhưng sợ máu. Tiết gà tiết vịt tôi còn gớm nữa huống gì máu người, lại là máu tôi. Tôi hoảng hốt luống cuống chưa biết phải làm gì. Khổ nỗi cả đời tôi không có lấy một chiếc khăn tay. Không có gì để cầm máu. Lưng ghế phía trước chỉ có đặt mấy chiếc bao giấy dùng cho việc ói mửa. Không có bông băng gì cả. Trong khi tôi còn lúng túng thì một giọng nói bình tỉnh ngắn gọn nhưng dịu dàng:
- Ngồi yên !
Tôi cảm thấy cái ghế từ từ hạ xuống, ngã ra giống như chiếc giường. Cô gái nào đó đứng phía trên, tôi không trông thấy nàng. Người ấy đắp chiếc khăn mát lạnh lên mặt tôi, hai tay nàng ấn mạnh vào thái dương. Một bàn tay thơm ngát mềm mại nâng cằm tôi lên. Bây giờ tôi mới được nhìn thấy người phía trên đầu mình. Một khuôn mặt thiếu nữ hiện ra ở trần khoang máy bay màu xam xám giống như nàng đứng ở trong mây thân ái nở nụ cười:
- Hết rồi, máu cầm lại rồi.
- Cảm ơn cô.
- Nằm yên, đừng cử động, đừng nói gì cả. Há miệng ra!
Tôi làm theo như một cái máy. Một mẫu nước đá thơm ngát mùi nước hoa từ bàn tay người đẹp đặt vào miệng. Và thế là tôi hết đường nói năng. Tôi sung sướng nằm yên để cho cô gái đẹp săn sóc. Tôi nhìn ngược lên đỉnh đầu, một lần nữa nụ cười dịu dàng như đoá hồng rơi xuống. Thời gian này đủ cho tôi quan sát khuôn mặt tuyệt vời. Nàng mặc áo dài lụa xanh có thêu huy hiệu rồng vàng của hãng máy hàng không Air Việt Nam , và tên nàng là Nga. Không hiểu vì sao tôi lại liên tửơng đến loài ngỗng trời với chiếc cổ dài thanh tú chao đôi cánh mỏng nhịp nhàng trên không. Từ đó tôi gọi nàng là Thiên Nga. Ôi Thiên Nga xinh đẹp đang dìu tôi bay trên độ cao năm ngàn thước. Tôi bắt chước tài tử gì đó trong phim gì đó mà tôi không nhớ, tự giới thiệu mình như kiểu một người hùng nổi tiếng khắp thế gian:
- Tôi tên là Lân, hai mươi mốt tuổi, cao một mét sáu bảy, nặng sáu mươi sáu cân, sinh viên năm thứ ba đại học luật khoa Saigon …
Tôi tính khoác thêm cho mình vài vòng nguyệt quế với vòng hào quang chói lọi lên đầu thì cô ấy bắt chước cái giọng trịnh trọng của tôi cắt ngang:
- …và mỗi lần lên máy bay không bị ai đấm, lỗ mũi cũng ăn trầu!...
Tôi hổ thẹn nhủ thầm : Thôi phen này ta gặp đối thủ lém lỉnh, tinh quái, sư phụ của ta rồi. Sau đó tôi lại nghĩ, chả trách bọn nhà giàu thường chọn phương tiện di chuyển bằng máy bay. Nhanh thì chưa chắc vì mất nhiều thời gian chờ đợi ở phi trường, chờ xe đưa đón, làm đủ thứ thủ tục…nhưng được những nàng tiên săn sóc như thế này, ai mà không ham ? Tôi cầu mong máu cứ chảy mãi để được nàng đứng một bên chăm sóc. Nhưng tai hại thay máu không chịu chảy nữa. Cái khăn mát rợi trên trán cùng với hai ngón tay bấm huyệt thái dương, bàn tay thoang thoảng hương bay với nụ cười tươi như hoa khiến cho toàn bộ mạch máu trong người tôi như đông lại, quả tim còn muốn đình công nữa huống chi là máu mũi ! Cô tiếp viên tính bỏ tôi đi, cô bảo: “Nằm yên !” Tôi thì muốn cô đứng lại, đứng mãi. Tôi làm bộ nhăn nhó, rên rỉ :” Mệt lắm, choáng váng, trời đất quay cuồng, chắc chết!..”. Nàng nói, kiểu như bác sĩ:” Không chết đâu mà sợ …lớn rồi, đừng có nũng nịu, để cho người ta còn phục vụ khách hàng.” Ôi thế là cô ta đã biết màn kịch do diễn viên tồi như tôi đóng rồi. Nói như mọi người thuờng bảo cô gái đã dẫm đôi guốc có gót nhọn cao cả tấc vào chính giữa con tim rạo rực của tôi rồi! Cô ta thông minh tinh quái, thật khó lừa. Thế nhưng trong giọng nói lại chứa đựng một niềm thân ái hiếm có. Nói xong Thiên Nga đi làm công việc của một tiếp viên hàng không. Tôi nhìn theo nàng, phía sau rồi phía trước. Mỗi khi đi ngang tôi, Thiên Nga nở nụ cười hóm hỉnh, ngầm bảo: Sung sướng nhé: Nằm khễnh ra đó ngắm người ta như ăn tươi nuốt sống.
Đến phi trường Tân Sơn Nhất, tuy là kẻ vốn rất hấp tấp ưa chen lấn, tôi lại hoá thành người lịch sự nhất trần gian. Tôi nhường cho mọi người xuống trước. Tôi hy vọng một cái gì sẽ xảy ra. Cái đó chỉ là một nụ cười tiển biệt giống như mọi tiếp viên khác đối với bất cứ ai xuống máy bay. Nhưng đối với một thanh niên như tôi tất cả những gì vừa mới xảy ra trên chuyến bay là một khai từ cho bản trường ca tình ái.
Hình ảnh nàng từ đó bám riết lấy tôi suốt cả ngày đêm. Nơi nào tôi cũng trông thấy khuôn mặt nàng. Đến trường mở quyển sách “tài chính công “ dày cộm ra, tôi đã thấy nằm sẳn trong đó bóng dáng nụ cười Thiên Nga. Nụ cười đẩy lùi mọi lý thuyết tài chính, mọi thứ ngân sách hàng ngàn tỷ của những nhà nước, lạm phát, giảm phát, mọi cán cân chi phó lôi thôi khi thiếu khi thừa, không ăn nhập gì với cái túi rỗng của tôi. Nụ cười của nàng như bỡn cợt ông giáo sư dạy môn “pháp chế sư”, hành hạ chúng tôi bằng cách bắt học thuộc lòng nhiều cái danh sách “hội đồng hương chính” làng xã Việt Nam qua bao thời kì. Hình bóng chiếc áo dài thiên thanh vờn trong tâm trí tôi như làn khói mờ che lấp mọi lý thuyết trừu tượng về cái gọi là” nghĩa vụ hành chính” của vị giáo sư khả kính đã bỏ ra công sức một đời người xây dựng nên và cố nhồi nhét vào cái đầu đã chật ních tình ái của tôi. Ôi tình yêu khuấy đảo tôi chẳng còn chút thanh tịnh cho việc học hành. Tôi bắt đầu tự dằn vặt mình. Tại sao trong giây phút ngắn ngủi quý báu trên đôi cánh bạc chập chờn trong mây lại không chịu hỏi han nàng về chỗ ở, gia đình, đã chồng con gì chưa? Tôi nghe nhiều người nói những tiếp viên hàng không phải kí hợp đồng với hãng, không dược lập gia đình trong thời gian làm việc. Tôi giận mình nhất là việc không chịu hỏi địa chỉ để bây giờ nàng như con thiên nga ngang dọc chín tầng trời biết nơi nao mà tìm? Rồi tôi lại giậ n mình chỉ quen thói tự coi là ông trời con, cao ngạo khoe khoang… Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra cách tìm nàng. Tôi tin đã là tiếp viên thì chắc chắn nàng có nhà ở ngay trong Tân Sơn Nhất. Tôi quyết tâm vào đó. Tôi không thể ngồi yên để cho tình yêu nó tha hồ hành hạ cấu xé mình. Tôi đi vào Tân Sơn Nhất, tôi lò mò tới khu sĩ quan, hy vọng phép màu tình cờ cho tôi gặp Thiên Nga. Đời không thiếu những sự ngẫu nhiên kì diệu. Nhưng đối với tôi lần này thì không. Tôi không gặp Thiên Nga lại gặp quân cảnh Mỹ. Bọn này chẳng cần hỏi han tống tôi lên xe chở thẳng đến trại nhập ngũ đường Lê Văn Duyệt. Mới tới nơi tôi liền bị ngay một tên lính thợ cầm cái tông đơ ủi sát gốc mái tóc bềnh bồng nghệ sĩ của tôi. Còn may tôi gặp người quen nhờ về lấy cái thẻ sinh viên thì chúng mới tha. Sau thì tôi biết mình vào hang cọp mà tìm ngỗng trời ! Về sau tôi có kể chuyện này. Thiên Nga nói Tân Sơn Nhất là phi cảng dân sự lẫn quân sự, bị tóm đầu cạo trọc là phải. Thật là một kỉ niệm nhớ đời. Lại một lần nữa tôi tìm ra cách gặp Thiên Nga. Thật là đơn giản sao tôi nghĩ không ra? Chỉ cần đáp một chuyến máy bay là gặp nàng. Và thế là tôi nhịn ăn tiêu trong một tháng để giành tiền về lại Nha Trang chiều thứ bảy, chiều chủ nhật tôi sẽ bay về Saigon, thời gian của sinh viên rất ít. Tôi đinh ninh con ngỗng trời vẫn bay lượn Nha Trang Saigon ngày này qua ngày khác. Nhưng than ôi ! Bước lên máy bay tôi hoàn toàn thất vọng. Trong mấy chiếc áo dài xanh tha thước không có Thiên Nga. Tôi thẩn thờ tìm cái ghế trong xó ngồi. Chưa hết buồn phiền lại bực mình. Khi máy bay lên cao, máu lại chảy. Tôi chỉ còn cách bóp chặt mũi, máu chảy ra bao nhiêu tôi nuốt hết. Tôi tủi thân muốn khóc, giá mà có Thiên Nga thì tôi đâu đến nỗi khốn khổ như thế này? Nhiều lần chiếc máy bay bị những đám mây khổng lồ tích điện dằn vặt nó chao đảo ngả nghiêng. Đôi cánh phát tiếng kêu răng rắc như muốn gảy đôi. Nhiều người ói mửa, tôi thì không. Hôm đó trời u ám lạ thường. Lúc đứng ở phi trường tôi đã thấy gió thổi rạp hàng phi lao. Tôi buồn, mệt mỏi chán nản. Tôi nhắm mắt lại nghĩ liều: Tới đâu thì tới, tan xác trong mây cũng được. Xuống phi trường Nha Trang tôi thẩn thờ như người mất hồn. Đến nhà, các bạn tìm đến dẫn đi chơi. Tôi đi theo nhìn chúng nó vui dùa một cách dửng dưng. Ôi tình yêu lạ lùng thật, nó làm người ta chán ngấy cuộc sống, rồi nó lại khiến người ta lao vào cuộc sống một cách ham hố điên cuồng. Đối với tôi giờ đây biển Nha Trang không còn xanh nữa, nước đục ngầu và mây trông giống như giẻ rách phơi đầy trời. Chúng rủ tôi xuống Cầu Đá thăm lầu Bảo Đại. Tôi lại thấy ngậm ngùi cho sự tiêu điều vô lý của một triều đại đã có thời hưng thịnh huy hoàng. Lên Tháp Bà, gạch đá buồn thiu. Đâu rồi bao thế kỷ sáng ngời chiến công người hùng Chế Bồng Nga? Ôi thành phố của nắng vàng rực rỡ, hoa gấy rộn ràng giờ đây u ám lạnh lẽo như còn chìm trong thời kì băng giá kỷ Jura. Ngày chủ nhật qua lê thê, tôi mong trở lại Saigon . Ba giờ chiều tôi nhờ bạn đạp xe chở đến phi trường. Khi lên máy bay, vì tới trễ nên chỉ còn chiếc ghế sau cùng ở tận đuôi máy bay. Chiếc DC 3 chở độ 30 hành khách, nơi đuôi thon lại chỉ có một hàng ghế, kế đó là phòng của tiếp viên, toilet. Lúc lên máy bay, trong hy vọng mong manh, tôi cũng chẳng thấy bóng dáng Thiên Nga. Tôi uể oải lim dim cố ngủ để khi mở mắt ra đã thấy phố xá Saigon . Thôi hết rồi, con chim trời bay bỗng mất biệt phương trời nào rồi. Thôi trờ về, quên đi, lo học hành thằng ngốc. Mầy đặt tình yêu trên ngọn đỉnh trời thất vọng là phải…Máy bay cất cánh chừng mươi phút. Như thường lệ, cái mũi tôi nó bắt đầu hành hạ mình. Tôi đang loay hoay thi bỗng nhiên có hai ngón tay bấm vào huyệt thái dương, một bàn tay đỡ cằm, và một giọng nói quen quen:
- Lại cái anh chàng “ cao…nặng…”Nằm yên , đừng động đậy !Tôi nhìn ngược lên đỉnh đầu. Ôi khuôn mặt thánh nữ diệu dàng hiện ra trong mây.
Kể từ giây phút đó tâm hồn tôi như có ai rung một sợi dây treo những chiếc chuông nhỏ reo lên khúc hoan ca. Tôi hỏi:
- Em ở trong mây hiện ra đây chăng?
- Ở phòng bên cạnh chuẩn bị bữa ăn cho hành khách. Chờ khi nào thấy “ lỗ mũi ăn trầu” thì hiện ra.
Chỗ cuối máy bay thật là nơi lý tưởng cho những cuộc tâm tình. Trong những chuyến bay gần thường hành khách ngồi yên, ít có ai lên xuống qua lại. Chúng tôi tha hồ trò chuyện. Tôi hỏi:
- Chuyến ra chiều thứ bảy hôm qua sao không có em?
- Không phải đội bay của em. Bộ anh tưởng bay suốt ngày trên trời sung sướng lắm sao?- Thế em bay vào những ngày nào trong tuần?
- Hỏi làm chi?
- Để đi theo.
- Theo làm gì cho thêm nặng máy bay mà lại khốn khổ cho đấng trượng phu “người hùng trường luật”.Nàng cười rồi nói tiếp:
- Em đi vào thứ sáu mỗi tuần. Tháng bốn chuyến khứ hồi Nha Trang Saigon.Em học ai cách chữa chảy máu cam? Ai dạy đâu, học lóm. Vả lại di máy bay người ta thường ói mửa, Ít ai chảy máu mũi như anh. Thế sao cách chữa bệnh của em hay vậy?Em thấy bà nội em người Cai Lậy thường làm. Bà nội còn dạy em cách cắt lể cạo gió…Mỗi khi trong nhà có người đau ốm chỉ chữa bệnh theo lối cổ truyền. Bác sĩ khó ăn tiền của nhà em. Anh có biết từ bé đến giờ em chưa uống một viên thuốc tây nào không?
- Tôi hết sức ngạc nhiên, cái cô gái nói tiếng Anh tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ, đi mây về gió lại sành ba cái môn cổ hủ.
Tôi hỏi chơi không ngờ nàng nói thực.:" Thế em có biết tử vi, bói bài, xem chỉ tay không?"
- Có chứ, biết cả bấm huyệt cầm máu nữa. Hôm nọ anh nói hai muơi mốt có phải tuổi Canh Thìn không? Rồi Thiên Nga nhẫm tính một lúc, nói:” Canh Thìn 21 mạng Kim, Bạch lạp Kim, năm nay sao Thái Dương cư mệnh, may mắn nhiều, anh thi chắc đậu. Anh hạp với tuổi Thân, tuổi Tý. Thân , Tý Thìn tam hạp mà.
Tôi lại hỏi đùa:
- Thế “sao Thiên Nga” cư mệnh thì sao?
- Thì khốn khổ rồi!
Tôi hỏi:
- Còn em năm nay ra sao?
- Xấu lắm, Kế Đô thế nào cũng gặp điều xấu…
Sau này tôi mới biết cô gái Tây học, Tây một trăm phần trăm. Nàng cũng chỉ mới biết mặc cái quần xa tanh trắng với chiếc áo dài thiên thanh từ ngày vào làm tiếp viên hàng không. Trước đây nàng chỉ mặc đầm, học ở Marie Curie, nói tiếng tây nhiều hơn tiếng ta, cầm muỗng nĩa sành hơn cầm đũa tre thế mà biết nhiều cái trò lẫm cẫm. Thiên Nga nói:
- Bệnh chảy máu cam ở dưới quê mấy bà già bôi vôi vào thái dương, dán đọt lá trầu lên trán, nấu cháo đậu đỏ cho ăn…
Tôi nói:
- Thế thì từ nay đội bay của em nhớ đem vôi trầu.
- Chỉ có anh mới giống cây bút máy, có ai như thế đâu?
Nàng lại chế nhạo và ví tôi với cây bút máy. Tôi hỏi địa chỉ, Thiên Nga không chịu nói. Nàng bảo gặp nhau trên mây thú vị hơn. Gặp nhau trên mặt đất bao nhiêu phiền toái đời thường khó chịu lắm. Việc đời thực không đẹp như mơ ước đâu. Tôi kể cho nàng nghe cái chuyện điên khùng của tôi khi vào Tân Sơn Nhất tìm nàng. Thiên Nga bảo vào đó đi lạng quạng bị tóm đầu là phải rồi. Thiên Nga còn nói một câu mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ:” Người ta không yêu những kẻ quá yêu “ Cuối cùng Thiên Nga dặn tôi lần này xuống đất nhớ chăm chỉ học hành. Năm cuối phải học hành cẩn thận để thi đổ đi làm, có sự nghiệp rồi hảy tính đến chuyện lập gia đình.
Nghe nàng nói chẳng khác gì một bà già dặn con cháu. Từ nay tôi đã có cách gặp Thiên Nga mỗi tuần một lần. Được thế thì quá cả sự ao ước, và không cần phải nghe lời dặn dò chuyện học hành, tôi cũng chăm chỉ như một cậu bé vừa bị ăn đòn vì lười học. Tôi học ngày học đêm. Nhưng để có những cuộc dạo chơi với tình trên đỉnh trời hồng cái túi tiền của tôi không kham nổi. Số tiền cha mẹ cho tôi chỉ đủ cho ăn, ở, mua tài liệu, làm gì đủ để tuần nào cũng vi vu mây gió với người yêu. Tôi phải kiếm tiền. Kiếm thật nhiều tiền. Kiếm tiền bằng cách nào bây giờ? Học hành thì lở dở không ra thầy chưa ra thợ. Thời ấy, mà hình như thời này cũng thế, giới sinh viên chỉ có một cách làm tiền là đi dạy kèm cho con cái nhà giàu. Tôi cũng mua mấy tờ báo chỉ để xem mục rao vặt, tìm việc. Tôi thử tất cả bốn lần đều thất bại. Lần đầu tiên, tôi vội cầm tờ báo chạy ngay tới địa chỉ ấy, cứ đinh ninh mình là người đầu tiên, không ngờ đã có mấy mươi tên nữa còn nhanh chân hơn. Lần thứ hai, tôi là người nhanh nhất nhưng đơn bị bác vì cái “tội” mặt mày trông “ngầu” quá, không thể kèm cho con gái cưng nhà người ta. Mặc dù tôi đã thề sống thề chết rằng tôi xuất thân từ một gia đình Phật giáo truyền thống. Cha tôi là cư sĩ tu tại gia, má tôi ăn chay trường, còn tôi chẳng khác gì hoạn quan từ xưa đến nay chưa hề bồ bịch với ai…Lần thứ ba thất bại chỉ vì là dân tỉnh lẻ, lại có cai tội ngược lại với lần trước là mặt mày hiền quá, con họ không sợ, không chịu học. Lần này tôi lại phải nói dóc, tôi không hiền, tôi dữ có tiếng, có đai đen Tea Kwon Do, và tôi đã hạ gục nhiều tên côn đồ, thế mà vẫn không được nhận. Lần thứ tư, mặc dù tôi trưng ra hàng tá bằng cấp thế mà ông bà chủ nhà vẫn không tin, coi là đồ dỏm, thử học lực tôi bằng cách bảo tôi đọc cửu chương!
Bây giờ thì nghề ngỗng gì tôi cũng làm, miển có tiền. Tôi có thể bán vé số, đánh giày, hốt rác…Thế nhưng vẫn không kiếm ra việc. Buồn bã, tôi lang thang vào sở thú. Cuối bãi có đám cỏ rộng. Nơi đây người ta mở lớp dạy chó. Không có việc gì làm, tôi ngồi xem người ta dạy chó. Có một bà già người Pháp dẫn con chó cái giống berger màu nâu đen rất đẹp đến học. Trong lúc con chó lên lớp thì bà già đến ngồi gần tôi. Bà hỏi tôi có thời gian rảnh không? Trời ơi, buồn ngủ gặp chiếu manh. Tôi nói có, bà nhờ tôi hàng ngày dẫn con chó đi dạo. Bác sĩ thú y khuyên nên cho nó đi dạo để giữ sức khoẻ. Tôi vui vẻ nhận lời ngay chỉ sợ bà đổi ý. Tôi không ngờ công việc dễ dàng nhẹ nhàng lại có lương cao như thế đủ cho tôi mỗi tuần rong chơi với tình.
Hàng ngày tôi tới cái villa rất đẹp trên đường Duy Tân lúc bốn giờ chiều dẫn con Kinoa đi dạo, sáu giờ chiều dẫn về trả chủ. Thế là tôi đã có công việc làm nhàn hạ nhất trên đời. Trên đường dẫn chó đi dạo mát tôi có gặp người quen, họ lườm tôi và nói, phú quí sinh lễ nghĩa. Người ta đầu tắt mặt tối làm lụng cả ngày không đủ ăn còn tôi chiều chiều dẫn chó đi dạo. Dẫn chó đi dạo nhưng tâm hồn tôi để ở trên mây, chỗ có con ngỗng trời cổ dài sãi đôi cánh dịu dàng bay tới những vì sao. Và khổ nổi tôi bắt đầu nổi hứng làm thi sĩ. Trong khi tôi lo tìm vần thơ thì con Kinoa cuốn theo nó một lũ vàng, vện, vá, mực, cò…Toàn mấy anh chàng lang thang đầu đường xó chợ, vô gia cư vô nghề nghiệp. Những cậu chó hoang nầy đánh hơi thấy nàng đầm tơ đã đến thời kì kén chồng. Chúng nó cắn lộn nhau kịch liệt để giành người đẹp. Thừa dịp đó một anh chàng vện xấu xí nhất trong bọn có diễm phúc chiếm đoạt gắn bó với người ngọc. Tôi chẳng biết làm gì trong tình cảnh này, tôi đang yêu nên cũng tôn trọng mọi cuộc tình. Không ngờ cuộc tình đó làm cho tôi khốn đốn.
Cuối năm con Kinoa đẻ ra một bầy chó “ thuộc địa” . Bà đầm già đuổi tôi với một chiếc phong bì đựng tháng lương cuối cùng. Tôi có tội lớn đã làm cho bà thất vọng. Bà đã kén rể đông sàng cho con chó cưng của bà từ bên Pháp, thế mà tôi không biết giử để cho mấy anh chàng tam khoanh tứ đốm làm cho nàng thất tiết. Bị mất việc tôi đau khổ vô cùng. Bây giờ làm sao có tiền lả lướt với tình? Đang ngồi học bài bỗng nhiên tôi mở ra “huệ nhãn” con mắt thứ ba ở giữa trán. Tại sao tôi ra vào Nha Trang Saigon như người ta đi chợ mà không nghĩ tới thương mãi? Đem cái gì ra, đem cái gì vào buôn bán kiếm lời cho những cuộc dạo chơi. Trời ơi mỗi tuần tôi có tới 6 giờ kinh tế chính trị học. Trong đầu tôi đầy ắp bao nhiêu là học thuyết kinh tế, thế mà bây giờ mới mất cái công việc mạt hạng đã thất vọng, giống như người ta thất cử tổng thống! Từ đó tôi là cây cầu nối giữa chợ Đầm với chợ Bến Thành. Nay tôi đã có đồng ra đồng vào rủng rỉnh. Tôi còn có tiền mua quà tặng Nga và dẫn nàng vào những quán ăn sang trọng như một cặp tình nhân quí tộc, triệu phú .
Tôi nhớ trong một chuyến bay vào sáng tinh mơ. Anh mai trong ngần xuyên qua cửa sổ làm cho mái tóc Nga ánh lên màu vàng nâu óng ấy là màu mật ong, rất đẹp. Tôi chỉ cho Nga Thấy mặt trời mọc lên từ biển. Nền trời trong vắt, mặt trời như chiếc chao đèn màu đỏ khổng lồ chói chan run rẩy từ lòng biển trồi lên. Nó tung thứ áng sáng ướt át phía sau những đám mây làm thành đường viền sáng ngời. Hình thù những đám mây trông như bằng giấy cắt dán lên trời. Thiên Nga reo lên:
- Ô kìa kì dịêu chưa!
Xuyên qua ô kính tròn tôi trônng thấy dưới đôi cánh bạc một đỉnh núi nhô lên. Trên ngọn có làn hơi núi màu lam quấn quýt trong cây rừng giống như cuộn tơ rối bời. Đỉnh núi sừng sững vượt lên trên mọi ngọn núi chung quanh. Đúng là vua của núi. Tôi hỏi:” Núi nào đây em?” Thiên Nga nhìn chăm chăm, ngọn núi thôi miên, nàng nói như còn đang trong mơ:” Cột chống trời…Núi thần tiên…Đỉnh mù sương…” Rồi không hiểu vì sao Nga vẫn nhìn ngọn núi, nói :” Mỗi khi bay qua đây nhìn đỉnh núi chìm một nửa trong mây ,hư hư thực thực, ước chi mình được ở mãi trên ấy với tiên non bồng…” Tôi nói để cho Nga vui lòng : ” Anh sẽ đốn cây rừng dựng túp lều tình trên đỉnh mù sương, chúng ta sẽ vĩnh viễn ở lại trên ấy, xa lánh hồng trần” Trong cơn yêu dấu dâng trào tôi nhớ tôi đã nói như thế. Rất nhiều năm sau đỉnh mù sương vẫn đi về cùng tôi trong cõi mộng mị rối bời…
Trong một chuyến về thăm nhà đã có lần tôi giới thiệu Nga cho gia đình mình. Má tôi người Huế, Hoàng phái chính hiệu,”mệ” một trăm phần trăm. Má tôi là cháu nội của ngài Tuy Lý, một vì vương có tài thi ca. Má tôi cầm ảnh Thiên Nga lên xem, một lúc sau nói:
- Con ni con cái nhà ai ? Mặt mày ngó dúng (giống) đầm rứa?
- Dạ người mình chớ không phải Tây, người nam bộ.
- Ca-tô-lic (Công giáo) hả?
- Dạ không, Phật, ba mẹ ăn chay trường.
Tôi biết má tôi đo lường mức độ đạo đức của con người hay của cả một gia đình bằng thời gian ăn chay dài hay ngắn. Má tôi hỏi:
- Nó làm nghề chi hay còn đi học?
Cô em gái của tôi đứng sau lưng chọc tôi:
- Dạ nghề “đi mây về gió.”
- Đi mây về gió là nghề chi nghe lạ rứa?
- Dạ làm bạn với ông Táo ở trên trời.
- Nghề chi dị rứa? Mi cứ giỡn với tau hoài .
- Dạ, ô-tét-đơ-le ( Hôtess de l’air ) Người mình kêu là tiếp viên hàng không.
Má tôi trao ảnh Thiên Nga lại cho tôi rồi thủng thẳng nói:” Má nghe người ta nói mấy con Ô-tét-đơ-le đi đây đi đó quen biết nhiều người e không đứng đắn. Mi dẫn nó về đây thử tau coi nó ra làm răng? Ngày 14 tháng ni kị bà nội…” Em tôi chọc :” Anh Lân nghe chưa? Tập cho chỉ ăn mắm ruốt dằm ớt xiêm nhiều đi, sắp về làm dâu xứ Huế rồi “đọ” “
Thiên Nga nghe tôi kể, tôi tưởng nàng sẽ cười, nhưng không, trông nàng bâng khuâng. Lúc này tôi đang tràn ngập trong niềm vui. Cuộc tình đã tới lúc đẹp nhất. Chúng tôi dạo chơi với nhau rất nhiều lần trên cánh đồng mây. Tôi lại vừa tốt nghiệp cử nhân luật. Một tương lai rạng ngời mở ra cho hai đứa. Muốn cho nàng bớt lo, tôi nói:” Má anh hơi cổ nhưng thương dâu thương rể lắm” Thiên Nga:” Nhưng em vẫn lo lo làm sao…Mua cái gì về kị nội?” Tôi nói:
- Ở nhà anh có cái lệ, mỗi lần kị bà nội đều phải có món ăn gọi là xôi vị, xôi nếp hương nấu thật khô, trộn đường với ngũ vị hương, cán thành tấm, cắt hình quả trám, thơm ngon lắm. Em đi chợ Bến Thành mua thử có không? Nếu không anh chỉ cách cho làm. Em mà biết làm xôi vị thì cả nhà anh cưng lắm.
- Tại sao phải có xôi vị?
- Bởi vì bà nội anh tuy là tiểu thư con gái đầu lòng quan Tuần Vũ Khánh Hoà, chồng mất sớm để lại ba con trai là ba anh, chú Huệ, chú Thu. Bà nội nuôi cho ba con ăn học đàng hoàng đến nơi đến chốn có ông đi học bác sĩ, dược sĩ tận ngoài Hà Nội là nhờ có nghề xôi vị, làm ra bán ở chợ Thành Nha Trang vào những năm đầu thế kỷ này. Món ăn có ý nghĩa lớn đối với gia đình anh. Làm xôi vị cúng để nhớ đến công ơn tiền nhân.
Thiên Nga lẩm bẩm rồi bấm ngón tay như thầy bói, nói:” Mười bốn tháng mười âm lịch nhằm thứ năm, không phải đội bay của em. Thôi để em gặp con Hoàng điều đình với nó nhường lại chuyến bay đó cho em. Nhưng mà lên đường ngày mười bốn…”
Thiên Nga yên lặng, tôi biết nàng nghĩ gì. Người mê tín như nàng rất sợ xuất hành ngày mồng năm , mười bốn, hai mươi ba. Tôi biết cô gái học trường tây lại đắm mình vào một thế giới kỳ lạ. Chung quanh nàng sự việc hiện ra dều báo trước một điềm lành dữ gì. Có lần đi ăn tiệm, tôi cầm cây tăm đưa, Nga không nắm, nàng bảo đặt tăm xuống bàn để cho nàng nhặt lấy. Nàng nói trao tăm tận tay cho nhau sẽ chia lìa. Nàng còn sợ khăn tay màu trắng. Khăn tay là sự chia lìa đầy nước mắt. Tôi nói:” Hay để lần khác. Đâu có gì phải vội vàng? Anh không muốn em đổi chuyến bay cho Hoàng.” Thiên Nga làm bộ nói cứng:” Em chẳng lo lắng gì cả. Chuyện quan trọng. Mỗi năm mới có một ngày kỵ giỗ. Em phải về ra mắt họ Hồ nhà anh. Chúng ta không thể cứ lén lút gặp nhau kiểu này.” Nghe Nga nói thế nhưng nét mặt nàng nhiểm đầy hoang mang không biết nên đi hay ở? Lúc đó tôi nghĩ nàng lo sợ cho cuộc ra mắt gia đình tôi. Sự thật thì không hẳn thế. Sau này tôi được Hoàng kể lại việc trao đổi chuyến bay.
- Nga nó năn nỉ mãi. Tội nghiệp lắm . Nó nói chuyến đi quyết định cho cả cuộc đời của nó. Nghe như thế ai mà cầm lòng được? Nó còn đem tới cho em một thỏi son gói trong khăn tay trắng. Con bé này thường ngày vẫn sợ khăn tay trắng. Không hiểu vì sao nó lại làm thế. Nó nói anh mua tặng cho nó, nó tặng lại em. Em đã nhường cho nó chuyến bay VN 310 vào thứ năm tuần đó. Lúc chia tay ở cửa, nó nhìn em. Cặp mắt long lanh đầy sức sống của nó trước đây đâu rồi mà còn lại cặp mắt trắng như cá ươn với cái nhìn nhợt nhạt dễ sợ. Em nói:” Hôm nay trông mày thế naò ? ” Nó nói:”Vẽ chuyện, tao vẫn là tao” Em nói:” Nhưng mà chuyến bay đó vào ngày mười bốn…” Nó gạt đi. Hình như đã có điều gì báo trước, cái đó rõ lắm. Em tin những người có linh giác như nó biết trước được nhiều điều, nhưng nó vẫn cứ lao vào, tình yêu có sức mạnh đến thế sao?... Ôi chao ghê quá, nó có cái trán cao trắng ngần mà hôm đó em thấy như có một đám mây đen u ám chập chờn giữa đôi lông mày. Lại thêm cái nhìn buồn bã xa vắng. Lúc ấy em chỉ tuởng nó khó ở. Anh phải biết nghề này có những chuyến bay lúc trở về tơi tả, cả tuần lễ sau chưa lại sức. Lần đó em tưởng nó bị chuyến bay trước hành hạ. Ai ngờ…
Tối thứ ba ngày trước chuyến bay, chúng tôi gặp lại nhau tai quán Broda trên con đường Tự Do. Nga cho biết đã có xôi vị. Nga còn mua nhiều trái cây về đơm quả phẩm. Hình như cô gái có cái bề ngoài văn minh hiện đại này lại sành chuyện cúng tế. Tôi nghĩ má tôi sẽ rất bằng lòng có con dâu mê chuyên cúng kiếng. Nói xong những điều cần thiết, Thiên Nga ngồi yên.
Tôi hỏi:
- Trước khi đi sao trông em buồn thế?
- Em sợ.
- Sợ gì?
- Em không biết nữa.
Bỗng Thiên Nga ôm bụng nhăn nhó. Tôi hỏi:
- Em đau hả ?
Thiên Nga gật đầu, nàng cúi mặt xuống bàn, cái bàn hoá mênh mông như cánh đồng mây dưới mắt nàng.
- Em đau chỗ nào?
- Hình như ở bụng
- Em có…phải không?
- Không, chưa tới ngày. Cơn đau lạ quá, không phải ở trong người, nó ở bên ngoài em, từ một nơi nào đó xa lắc, cuồn cuộn lan toả đến đây.
- Trong cơn đau có cả gió rét mây mù, em thấy đất trời tối tăm mù mịt.
Tôi ngạc nhiên, trong quán giờ đó bốn chùm đèn trần khổng lồ với hàng trăm bóng đèn toả sáng rực rỡ như ban ngày tại sao nàng lại nói toàn cả mây mù. Linh giác bảo cho nàng biết việc gì đây chăng? Tôi nói:” Nếu em không khoẻ thì mai khoan về Nha Trang. “ Nga nói:
- Không, sẽ khá thôi. Mai phải về, chuyến đi hệ trọng lắm, mọi việc xếp đặt xong cả rồi, đồ cúng đã mua, chuyến bay đã đổi, không ngừng lại được nữa rồi .
Một lần nữa tôi cố níu lai:
- Ngày mai 14 xấu lắm đừng đi…
- Cô gái mê tín dị đoan gạt :
- Đừng tin nhảm. Đã hẹn với gia đình anh, lần đầu tiên đừng để má nghĩ không tốt về em. Mai gặp nhau trên máy bay. Về ngủ ngay, đừng đi chơi đâu cả. Bè bạn tới rủ cũng đừng đi. Chuyến bay VN 310 cất cánh lúc 6 giờ 30 sáng, đừng trễ.
Ôi bao nhiêu sự việc xuất hiện níu kéo nàng lại thế mà định mệnh cứ lôi bừa nàng về phíâ vực thẳm. Dường như cô gái này phải tuân theo một lực vô hình không cuỡng lại được. Lực đó là gì ?
Chúng tôi ra xe, trời lất phất mưa. Từ bờ sông bến Bạch Đằng gió thổi dọc lên con đường Tự Do. Trong gió có cái mùi rất là mà quen, nhưng lúc đó tôi chưa nghĩ ra mùi gì. Chỉ ít phút sau thì tôi biết gió hôm đó báo hiệu những gì?
Chúng tôi tần ngần khá lâu trước quán. Nga không cho tôi dưa nàng về. Nga đi bộ theo hướng bờ sông. Một vài hạt mưa nóng hổi chạm phải mặt tôi. Tôi giật mình hốt hoảng, trời ơi ! Đúng rồi, cái mùi mà lúc nãy tôi nghĩ không ra chính là cái mùi của một cơn bão dữ, nó tanh tưởi phát rùng mình. Tôi là dân biển tôi rất sành chuyện này. Xa xa thấp thoáng giữa dòng xe cộ và bao nhiêu con người hấp tấp trở về cho kịp tránh cơn mưa, tôi còn trông thấy cái lưng uốn lượn dịu dàng của Thiên Nga leo lên chiếc xe taxi hai màu vàng xanh. Tôi gào thất thanh nhiều lần:” Nga! Nga!... “ Tiếng tôi chìm trong tiếng xe cộ ầm ầm . Chiếc xe đã chạy xa. Tôi leo lên chiếc xe vêlôxôlet của mình phóng theo. Tôi phóng xe bạt mạng. Gió ngươc chiều như mảnh lụa lạnh ngắt quấn vào đẩy lùi tôi lại. chừng mươi phút thì tôi gặp nạn “Am”. Sáng hôm sau tôi tỉnh lại trong bệnh viện . Hai chân bó bột, toàn thân đau nhừ. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là : Tội nghiệp Thiên Nga, không biết nàng xoay xở làm sao khi không có mặt tôi ở ngoài đó. Ngoài trời mưa như trút, gió quất cành liễu vào cửa kính bệnh viện chốc chốc hiện ra giống như bộ mặt ma quái tóc tai ướt át rũ rượi, rồi mất đi cùng với tiếng động như gõ cửa. Nhìn những hạt mưa tạt ngang, tôi biết bên ngoài gió rất mạnh. Cơn bão hung tợn nào đâu mà chiếc đuôi lê thê rắn rết quỉ dữ rơi rớt tận nơi đây? Tôi phân vân không hiểu thời tiết xấu như thế này người ta có kịp hủy chuyến bay hay không? Tôi cố bám vào một niềm hy vọng mong manh: “Người tốt lành như thế…trời phật lẽ nào…” Radio đọc bản tin sáng: Cơn bão Nancy đỏ bộ vào vùng biển Nha Trang.
Mười hai giờ bản tin trưa: Chuyến bay VN 310 trên đường từ Saigon về Nha Trang bị mất liên lạc.
Sáu giờ chiều bản tin cuối cùng: Người ta đã thấy xác máy bay tan tành trên “đỉnh mù sương”./.