1/ Tôi không định nói về "Tướng - Số", nhưng quả thật, các Cụ xưa đã dậy: "Trông mặt mà bắt hình dong / Con lợn có béo, miếng lòng mới ngon!" - nhận định này đúng hoàn toàn, không thể trông cậy có miếng lòng ngon ở một con lợn gầy ốm tong teo được! Cho nên từ đó suy ra, các bộ phận trong cơ thể con người chúng ta cũng vậy, cũng luôn luôn báo trước tình trạng "tâm lý" của một con người. Xin dẫn ra đây một vài thí dụ:
Quan hệ của mắt - miệng: "Thấy sao, nói vậy" là biểu hiện một kẻ đại khái đến vô trách nhiệm.
Quan hệ của mắt – tai: "Mắt thấy, tai nghe" hoặc "Mắt thấy, tai nghe, tay sờ" là biểu hiện của người chín chắn, thân trọng, không quyết đoán hồ đồ, hấp tấp.
Quan hệ của mắt - ... lông mày: "Mắt la mày lém" là biểu hiện của kẻ gian giảo!
Quan hệ của mắt – mặt: "Mặt đỏ tía tai", "mắt long sòng sọc" là biểu hiện sự tức tối đến tột đỉnh của người có quyền thế. Gặp trường hợp này nên im lặng ... chấp hành, kẻo chuốc vạ vào thân!
Quan hệ của đầu – tai: "vò đầu rứt tai" là biểu hiện của sự bế tắc.
Nhưng đáng chú ý nhất là các mối Quan hệ của miệng – tay: "Miệng nói, tay chém chém" là biểu hiện của người tự tin. "Miệng nói tay làm" là biểu hiện của "người của quần chúng", rất lo cho dân và rất gần dân. "Mồm miệng đỡ chân tay" là biểu hiện của kẻ láu cá, cơ hội! "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" là bệnh kinh niên của riêng kẻ nghèo (người giầu thì khác, càng giầu càng ít vận động chân tay!).
2/ Các bộ phận cơ thể con người ta thường hoạt động phối hợp, "ăn ý" nhau, chứ hiếm khi "làm ăn riêng rẽ"! Trong đó, ăn ý nhất có lẽ là "cặp" chân – tay: không ai có thể đi mà không "đánh" tay, mà phải là chân này bước thì tay kia đánh; chứ nếu chân phải bước mà tay phải đánh theo cùng hướng, thì ... cũng đi được đấy, nhưng trông cứng lắm, lại buồn cười nữa! Chân trái tay trái cũng vậy. Cặp mắt - mắt cũng thế. Hai mắt cùng nhìn một hướng là người bình thường, không thế, hay dân gian gọi là "mắt nọ chửi mắt kia", ắt là người dị tướng (lác!).
Nhưng cũng có những bộ phận không chịu ăn ý nhau như vậy. Đó là các "cặp" miệng - bụng: miệng nói thế nhưng bụng không "nghĩ" thế! "Miệng nam – mô, bụng một bồ dao găm"! Bà con Nam Bộ gọi đó là kiểu "nói dậy mà không phải dậy". Miệng – tim: miệng Phật tâm sà; miệng sà tâm Phật!, Miệng - đầu: miệng nói thế này, đầu nghĩ thế kia! Miệng – tay: nói một đàng, làm một nẻo; cũng tức là nói không đi đôi với làm! Than ôi! Thờì buổi này, cái sự nói không đi đôi với làm, nó mới phổ biến làm sao! Đi đến đâu cũng thấy! Ở cấp nào cũng thấy! Công việc gì cũng có! Môi trường nào cũng có!.. Sinh thời Bác Hồ đã cảnh báo căn bệnh này, căn dặn đi căn dặn lại cán bộ đảng viên luôn luôn phải ghi nhớ "nói phải đi đôi với làm"; ấy vậy mà đến nay nó vẫn là căn bệnh phổ biến và nan y! Luôn luôn dân chúng thường chỉ được nghe những lời nói rất hay mà thôi! Nói xong, bỏ đấy. Lâu lâu, lại mở ra ... nói lại. Lâu nữa, lại tiếp tục nói lại! Thế đấy, người nói cứ "vô tư" nói, cứ ngộ tưởng mình đang nói toàn điều mới. Cho nên nói không biết chán, không thấy "ngượng mồm"! Còn người nghe thì quen rồi, nghe cũng như không nghe; bỏ ngoài tai hết!
Ứơc sao mọi bộ phận cơ thể con người chúng ta đều có quan hệ hợp lý và luôn luôn ăn ý. Nói như Đông y: một cơ thể khoẻ mạnh thì mọi bộ phận trong cơ thể phải hoà hợp, cân bằng âm – dương! Suy rộng ra, cũng có thể nói: cơ thể một xã hội cũng vậy!