Tôi không được cái may mắn là quen biết ông. Nhưng từ 16 năm nay ( khi đọc tác phẩm “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách ), không ít lần, ông đã hiện diện trong tôi như một ánh lửa, một loại kim chỉ nam về cái lẽ SỐNG LÀM NGƯỜI.
Có lẽ không nên ( và không cần ) luận bàn, thế nào là sống - làm – người. Bởi vì, dù mỗi thời đại có khác nhau đến đâu chăng nữa, những gì đã làm nên giá trị tinh thần của NGƯỜI vẫn tồn tại, mặc cho thói huênh hoang trong thắng thời của những cái GIẢ đang ngự trị.
*
Nhiều người gọi ông là nhà văn Xuân Sách, theo cách gọi quen, căn cứ trên những tác phẩm văn xuôi của ông. Đối với một số người khác, ông là nhà thơ. Vừa theo nghĩa : ông là lương tâm của cộng đồng ; vừa về mặt chữ nghĩa : chỉ bằng vài câu thơ, ông đã khắc họa thật tài tình chân dung của người ông miêu tả đồng thời lồng vào đó một ý tưởng được khái quát, một thông điệp.
Thực ra, không có sự phân biệt : mọi nghệ sĩ chân chính đều là lương tâm của cộng đồng, của thời họ sống.
*
Nhà văn Xuân Sách là lương tâm của một cộng đồng, trong một thời kỳ, xin phép được nhắc lại.
Lương tâm, như đã từng diễn ra trong lịch sử, có lúc bị che mờ. Nhưng lương tâm không bao giờ mất, cho tới khi NGƯƠI vẫn muốn được LÀM NGƯỜI
*
Nhiều người thấy mất mát, trước sự ra đi của ông, hiểu theo nghĩa Sống – Chết thông thường. Nhưng nhiều người cũng biết rõ rằng, ông đã để lại Ánh Sáng cho những người tiếp nối ông. Con người, theo góc nhìn của vật lý học, cấu tạo bằng ánh sáng. Nhưng, chỉ có thứ ánh sáng tinh thần do con người tạo ra mới có giá trị lâu bền.
*
Cung kính tiễn đưa Ông, Nhà văn Xuân Sách, xin hãy soi bóng mình trong vùng ánh sáng ông đã gửi lại cho Cuộc Đời này. . .
8giờ, ngày 4 tháng 6 năm 2008