Cả năm nay tim anh có dấu hiệu bất thường, thi thỏang lại nhói đau, hẹn lần lữa mãi đến sáng nay anh mới đi khám tổng quát tại một trung tâm chẩn đóan y khoa trong thành phố. Bảy giờ sáng anh đến trước cổng trung tâm, đã muốn tháo lui vì người khám bệnh đông ơi là đông, dễ chừng đến năm bảy trăm người, khiến con tim anh nhói lên. Dạo này, khi thấy đám đông là con tim anh lại giở chứng.
Thế nhưng trung tâm chẩn đóan y khoa này tổ chức rất khoa học, và có nhiều bác sĩ khám bệnh nên đến mười giờ anh đã làm xong các xét nghiệm, siêu âm. Anh chỉ còn đợi lấy kết quả xét nghiệm máu rồi trở lại gặp bác sĩ khám bệnh. Anh muốn thời gian chờ đợi cứ kéo dài, không phải để anh đọc hết mấy tờ báo và quyển tiểu thuyết mới mua, mà anh sợ bác sĩ tuyên án tử hình anh, ví như anh bị nhồi máu cơ tim, nám phổi hay ung thư gan giai đọan cuối chẳng hạn.
Chính trong lúc hồi hộp đó, anh đã quen con mèo ốm phố núi.
Mở rộng tờ báo, trên ghế đợi, anh đang đọc thì cô gái ngồi bên anh ghé đầu nhìn. Có lẽ nàng chán ngấy nhìn cảnh đầy dẫy bệnh nhân xung quanh và cái màn hình ti vi trước mặt cứ phát đi phát lại đọan băng quảng cáo một lọai thực phẩm dành cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
Anh không nhìn sang, dịch tờ báo về phía nàng. Nàng thản nhiên đọc chung với anh, làm anh ngạc nhiên. Anh trao tờ báo cho nàng, nàng đọc chăm chú còn anh chăm chú quan sát nàng. Đợi đôi mắt đẹp của nàng rời chữ nghĩa, anh mở chuyện :
- Em khám bệnh gì?
- Em đau bao tử.
Nàng bỗng nhăn mặt đau đớn, anh cảm nhận cái bao tử nàng vừa cuộn lên, và trái tim anh cũng nhói một cái như có bàn tay to bè bóp chặt.
- Anh sao thế ?
- Tim anh, thi thỏang nó … mất dạy.
Đôi môi hồng thắm của nàng hé rung, trái tim anh bỗng ngoan ngõan, nó trở lại bình thường và hình như cái bao tử nàng cũng không
còn căng phồng.
Nàng từ Pleiku đến. Anh chưa hề đến Pleiku, chỉ mường tượng thành phố này qua một bài thơ câu nhớ câu quên của thi sĩ Vũ Hữu Định. “ Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên mắt em ướt và tóc em ướt/ Da em mềm như mây chiều trong”. Anh hy vọng là hết đau bao tử, má nàng sẽ đỏ như ông thi sĩ diễn tả, còn sáng nay nàng chỉ có môi hồng tự nhiên cũng đủ làm anh rung động một tình cảm mơ hồ.
Nàng tên Quỳnh Liên, nhỏ hơn anh đúng một giáp, anh biết được nhờ đọc phiếu khám bệnh của nàng. Ngòai bệnh về bộ phận tiêu hóa, nàng muốn nhân dịp này rà sóat lại chức năng của các “ cơ quan đòan thể ” trong cái cơ thể mảnh mai của mình. Vì nàng bỡ ngỡ, anh tự nguyện đưa nàng đến từng khoa chuyên môn theo chỉ định của bác sĩ.
Khoa đầu tiên anh đưa nàng đến là khoa xét nghiệm, nàng không có vẻ hồi hộp như anh vì nàng tin tưởng mình chỉ đau bao tử và có nếp sống lành mạnh, mỗi chiều đều chơi đánh cầu lông chứ không như anh, không bao giờ chịu thua kém bạn bè về các khỏan…hút thuốc lá, uống cà phê, cả bia rượu, và không chơi môn thể thao nào. Sau khi ở khoa siêu âm ra, anh đưa nàng đến khoa phụ khoa. Ở mấy dãy ghế trước phòng khám phụ khoa, anh thấy tòan mấy bà sồn sồn, chỉ có một đức ông chồng mặt chảy dài vì lo lắng bệnh tình của vợ. Anh nhìn nàng chăm chú xem nàng có thẹn thùng khi được một người xa lạ đưa đi khám bệnh đàn bà không nhưng nàng không tỏ vẻ gì. Anh khiêu khích:
- Sao phải tới đây?
- Khám cho đủ lục phủ ngũ tạng thôi mà.
Nàng nhỏen cười xóa lo lắng của anh.
- Quỳnh Liên có thấy… mắc cười không, khi ở nơi khám bệnh nhân nữ này, người ta chỉ đi một mình hay với người thân nhất của họ?
Nàng nhăn mũi :
- Cứ coi em như em ruột, anh đưa đi khám không được sao.
Tuy nói thế nhưng má nàng đỏ lên e thẹn, thật đúng là “ Em Pleiku má đỏ môi hồng”, khiến anh ngẩn ngơ.
Nàng ở phòng nội soi bộ phận tiêu hóa bước ra, mặt nhợt nhạt, chúi người về phía trước vì đau đớn. Anh vội bước tới đỡ nàng ngồi xuống ghế. Trên gương mặt xanh xao của nàng như còn đọng nước mắt. Nàng nhìn anh trìu mến, cùng lúc anh xót xa tưởng tượng ngày mai sương mù lãng đãng trên phố núi, trong gian nhà nhỏ ấm cúng ngọn lửa, khói than củi bay vòng không thóat ra ngòai thơm nhẹ nhàng, có một người thiếu nữ Pleiku mắt ướt sẽ xa anh vĩnh viễn.
Anh để nàng ngồi nghỉ mệt, cầm toa thuốc đi mua cho nàng, dù nàng mấy lần dúi tiền vào tay anh, anh vẫn không nhận, còn đùa :
- Quỳnh Liên uống thuốc tặng sẽ mau nhẹ bệnh hơn vì có tấm lòng anh gửi theo trong thuốc.
Quỳnh Liên ngoan ngõan để anh đưa ra bến xe miền Đông, nàng sẽ về Pleiku ngay trong đêm. Trong căn tin bến xe, nàng nhai nhỏ nhẽ từng hạt cơm, trông nàng như một con mèo ốm. Con mèo ốm phố núi sắp trở về với sương mù, anh cũng chỉ là chút sương mù rồi sẽ lõang tan. Nhìn chiếc xe đò chất lượng cao có ghế bật cho nàng nằm suốt chặng đường dài rời bến, anh mong sớm tới ngày nàng trở lại Sài Gòn để tái khám bệnh theo lời dặn của bác sĩ, nhưng nếu vì lẽ gì mà nàng không trở lại …
Con tim anh bỗng nhói một cái, hình như là cái nhói thứ hai từ lúc gặp nàng, nó có vẻ ít giở chứng hơn những ngày trước. Anh cất kỹ toa thuốc điều trị bệnh tim của bác sĩ vào ví, hôm nay anh không có đủ tiền mua thuốc cho cả hai toa.
Trưa hôm sau, anh nhận được điện thọai của nàng báo tin đã về đến nhà bình yên và sẽ đi làm vào buổi chiều. Nàng làm ở ngân hàng Việt trong thành phố, cách nhà nàng hai cái dốc dài và một cái dốc ngắn. Nhà nàng ở trên đầu một dốc dài, có khỏanh vườn đủ rộng để ba má nàng trồng hoa và rau xanh, hoa để đẹp nhà và rau xanh để nuôi bầy thỏ bán thịt và giống, ba má nàng còn có rẩy cà phê ở ngọai ô. Nàng hứa lần gặp tới sẽ mang tặng anh một ký cà phê thật ngon.
Từ đó, nhiều đêm anh nghe chăn gối trong phòng mình thơm phảng phất mùi cà phê rang chín. Mỗi đêm, quãng mười giờ, anh đều gọi điện thọai di động cho nàng. Anh tưởng tượng nàng quấn kín người trong chăn ấm, khi ngòai vườn cái lạnh len lỏi trong từng gốc hoa, luống rau, làm mờ ô kính cửa; áp điện thọai vào bên má, nàng thỏ thẻ trả lời anh, anh như nghe được hơi thở ấm áp và thơm tho của thiếu nữ. Dạo này, anh về nhà sớm hơn, chẳng bù trước đây có khi theo bạn bè đi chơi qua đêm, anh muốn gọi điện thọai cho nàng vào mỗi muời giờ đêm từ căn phòng nhỏ trên gác xép nhà anh, và anh cũng nằm dài trên giường nhưng không quấn chăn như nàng vì trời Sài Gòn quá nóng nực.
Con tim anh không thường nhói đau như trước dù anh không uống thuốc mà bác sĩ đã cho toa. Anh luôn luôn thiếu tiền để mua đủ toa thuốc vì anh cần tiền để mua cạc điện thọai di động. Anh có thể giảm chi tiêu mọi thứ, nếu cần có thể chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm nhưng không thể thiếu cạc điện thọai.
Tình yêu, dù mơ hồ và lãng đãng như sương mù cao nguyên nhưng đã làm con tim anh vui và khỏe hơn từ ngày quen con mèo ốm phố núi.
Anh đợi Quỳnh Liên ở quán cà phế xế cổng trung tâm chẩn đóan y khoa Hòa Hảo. Anh và nàng chia tay tròn một tháng, bảy giờ sáng hôm nay nàng trở lại khám bệnh. Trông nàng rất vui, anh càng vui hơn vì gặp lại nàng thân thuộc chứ không chỉ thấp thóang bóng hình qua chuyện trò hằng đêm.
- Em lên cân?
- Dạ, em ăn được nhiều hơn, ngủ ngon hơn, cái bao tử ít hành hạ em hơn. Còn anh?
Anh thành thật :
- Tim anh cũng khỏe hơn, chỉ còn hơi hồi hộp mỗi mười giờ đêm.
- Vì sao?
- Vì anh sợ nghe câu … “thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được”.
- Em cũng không ngủ được nếu chưa được nghe tiếng nói của anh…
Nàng thì thầm, âu yếm nhìn anh khiến anh sung sướng và bối rối.
Vì không phải làm các xét nghiệm, siêu âm nên vào khỏang mười giờ sáng, việc khám bệnh của nàng đã xong. Anh chiều nàng, đưa nàng đi chơi thảo cầm viên vì ngòai voi, tuy ở cao nguyên gần gũi rừng đại ngàn nhưng nàng chưa hề thấy cọp, sư tử; còn heo rừng thì nàng chỉ thấy từng lát mỏng đã hấp gừng.
Trong bữa cơm trưa, nàng ăn khỏe hơn, không còn dáng mèo ốm liếm láp. Anh tưởng tượng thuốc tây chỉ làm giảm một phần căn bệnh bao tử, chính tình yêu mới làm nàng khỏe mạnh. Lần gặp nhau này, nàng mới thật sự là “ Em Pleiku má đỏ môi hồng” như câu thơ của thi sĩ họ Vũ.
Nhưng nàng có yêu anh không, hay nàng đang yêu một người khác? Anh ghét cay đắng ông bác sĩ điều trị bệnh cho nàng, hà cớ gì ông ta cho nàng uống thuốc đến hai tháng sau mới trở lại tái khám. Hai tháng là sáu mươi ngày nữa anh mới được gặp lại nàng, thời gian xa cách quá dài cho một con tim run rẩy vì tình yêu của anh.
Trời chuyển mưa, anh và nàng vào một rạp xi nê. Cả hai không để ý chiếu phim gì, nàng cần một chỗ nghỉ trưa trước khi lên xe trở về phố núi, và bờ vai của anh là chỗ tựa êm ái cho nàng tựa đầu. Anh không dám thở mạnh, sợ làm nàng khó ngủ. Giấc ngủ đến với nàng thật dễ dàng, nàng thở đều phả vào má anh làn hơi ấm áp hết sức dễ chịu. Anh cầm tay nàng, mơ màng hít thở mùi hương thiếu nữ, muốn đặt lên trán nàng một nụ hôn thánh thiện nhưng sợ làm nàng thức giấc.
&
Còn đúng ba ngày nữa anh sẽ được gặp lại nàng ở Sài Gòn, bỗng dưng nàng biến mất, mỗi lần gọi điện thọai anh đều nghe câu nói “ thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được”; anh nhắn tin thì luôn xuất hiện câu “ không gửi được”. Con tim anh thường xuyên các cơn nhói đau khi anh giả định các tình huống : nàng ốm nặng, nàng bị tai nạn, nàng mất điện thọai mà không nhớ số điện thọai của anh để báo tin; hay là anh đã làm điều gì khiến nàng giận, chắc chắn là anh không có cử chỉ nào khiếm nhã với nàng, cả lúc nàng tựa đầu vào vai anh ngủ ngon lành, trong lòng anh trào dâng nỗi hoan lạc muốn hôn lên đôi môi hồng của nàng xiết bao nhưng anh đã kiềm chế. Mỗi ngày anh gọi điện thoại cho nàng nhiều lần nhưng không bao giờ còn nghe giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp của nàng nữa.
Ngày thứ sáu mươi từ lúc xa nàng, anh đến trung tâm Hòa Hảo rất sớm, ngồi ở quán cà phê nhìn đau đáu từng người bước vào cổng. Đến trưa, anh đi rảo các khoa từ tầng trệt đến tầng năm. Nàng hòan tòan biến mất, không lưu lại dấu vết nào ngòai số cà phê bột đã tặng anh, mà anh cho vào hủ thủy tinh để thỉnh thỏang mở nắp hít thở mùi thơm chứ không pha uống. Anh quáng quàng bỏ chạy khỏi nơi có quá nhiều người đau khổ vì bệnh họan, nhưng tại nơi đó anh đã bắt gặp tình yêu của mình, nó giúp con tim anh khỏe khoắn hơn, yêu đời hơn. Anh lại biết mơ mộng và lãng mạn hơn. Nhưng rồi … Con tim anh bỗng nhói đau, bây giờ nó thường xuyên nhói đau hơn trước.
Ngày thứ sáu mươi mốt anh trở lại nơi đã cho anh dù ngắn ngủi, những gì thơ mộng mà anh tưởng chừng trong đời sống đầy bất an hôm nay, anh không bao giờ còn tìm thấy. Thế nhưng không có tiếng gọi tên anh cất lên từ đám đông đang ngồi âu lo chờ đợi trước các phòng khám bệnh.
Anh quyết định đi đến thành phố của nàng dù anh hòan tòan xa lạ với nơi này. Anh gửi tiệm cầm đồ chiếc máy vi tính xách tay để lấy tiền làm lộ phí, vật thân thiết và là cần câu cơm của anh, một nhà văn tuổi xấp xỉ bốn mươi được gọi là nhà văn trẻ mà tim óc vắt ra mấy trăm trang tiểu thuyết chỉ nhận được khỏan nhuận bút vài triệu đồng. Ứng trước thêm nhuận bút mấy bài báo, anh lên cao nguyên vào một đêm mưa.
Mưa dầm dề suốt chặng đường dài. Mưa tàn bạo giam chân anh trong bến xe suốt mấy tiếng đồng hồ. Trong một quán cóc, anh gọi một xị rượu, ngồi nhâm nhi lắng nghe tiếng dòng nước đổ xuôi theo con dốc, rượu nồng cháy cổ họng không làm anh ấm áp hơn, mà buồn ảo não vì uống rượu một mình ở nơi chốn bơ vơ lạ lẫm. Phố núi có quá nhiều dốc dài dốc ngắn, anh biết tìm nàng ở trên đầu con dốc nào.
Khi mưa chỉ còn những sợi mỏng mảnh đan xiên, anh hỏi đường đến ngân hàng Việt. Anh ngồi trong quán nước đối diện nơi nàng làm việc, chờ đợi giờ tan sở, mong tìm lại một bóng hình yêu dấu. Khi ly cà phê không có hương thơm như hương cà phê nàng đã tặng vẫn theo anh vào giấc ngủ hàng đêm nguội lạnh, nhân viên ngân hàng bắt đầu ra về. Anh nhấp nhổm, căng mắt nhìn từng gương mặt, từng vóc dáng; anh tiến sang đường để nhìn rõ hơn nhưng đến khi người bảo vệ kéo cổng, anh vẫn không tìm thấy nàng.
Anh nhớ nàng kể nhà nàng cách nơi làm việc hai con dốc dài và một con dốc ngắn. Anh đứng trước ngân hàng, gọi một chiếc xe thồ, bảo chở chạy chầm chậm về phía tay trái. Anh đếm các con dốc, nhìn quanh quất hai bên đường tìm ngôi nhà mà anh chưa một lần đến, chỉ hình dung mơ hồ qua chuyện kể của nàng. Anh không phân biệt con dốc nào dài con dốc nào ngắn, anh cũng không nhìn thấy căn nhà gỗ nào có khỏanh vườn nhiều hoa và các luống rau.
Anh bảo người chạy xe thồ quay ngược lại, trong lòng anh trĩu nặng nỗi tuyệt vọng.
- Ông tìm nhà ai?
Anh không đáp lại sự quan tâm của người chạy xe thồ, anh ta mà biết anh tìm ngôi nhà phải đi qua hai dốc dài và một dốc ngắn thế nào anh ta cũng hỏang hốt mời anh xuống xe, vì không dám cho … một thằng khùng ngồi sau lưng. Một dốc, hai dốc rồi ba dốc, trên một dốc cao anh đã nhìn thấy căn nhà mà anh linh cảm là nhà nàng, bên cổng nhà có treo tấm tôn viết nguệch ngọac “ ở đây có bán thỏ thịt và thỏ giống”.
Anh đẩy cánh cổng khép hờ, run rẩy bước lên thềm nhà. Có tiếng chó sủa rồi một người đàn ông ngòai năm mươi tuổi xuất hiện. Anh lí nhí hỏi mua thỏ giống. Chủ nhà vui vẻ dẫn anh đến dãy chuồng thỏ đặt phía sau nhà bếp. Anh nhìn thấy sợi dây phơi treo nhiều quần áo nhưng không thấy màu áo quen thuộc của nàng nhiều đêm nhạt nhòa trong cơn mơ của anh.
Anh mua một cặp thỏ giống, người bán trách anh không mang theo giỏ, ông tặng anh một cái giỏ tre để nhốt thỏ, không quên dùng dây kẽm cột chặt miệng. Đây là cha của nàng? Anh liều :
-Thưa bác, con thấy bác quen quen, hình như bác là ba cô Quỳnh Liên làm ở ngân hàng Việt?
Vừa trả tiền thừa cho anh, ông vừa hỏi :
- Anh làm chung với con Liên à, đám cưới nó anh có dự không, tôi trông anh cũng quen lắm.
Anh nghe rõ con tim mình nhói mạnh như có ai thụi một quả đấm, giọng anh run run :
- Thế cô Liên đi làm chưa về hả bác?
- Nó và chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật đã về đâu. Biết là con gái lớn phải lấy chồng nhưng trong nhà vắng vẻ quá.
Ba nàng nói đượm buồn, còn anh chỉ muốn mau chóng rời khỏi chốn này.
Cái dốc nào cũng thật dài. Anh thất thểu, rã rời từng bước chân với cái giỏ nặng trĩu hai con thỏ giống không biết để làm gì; nhưng anh biết chắc chắn là anh không có lý do để đi tìm nàng nữa, anh chỉ có thể giữ lại mối tình đẹp đẽ và nên thơ cho riêng anh. Chẳng lẽ mang hai con thỏ về Sài Gòn làm mồi nhậu để kỷ niệm về nàng và mối tình lãng mạn của anh. Ngang một khúc quanh, anh mở dây cột giỏ, bắt từng con thỏ thả vào đám hoa dại ven đường. Trước khi thóat thân, hai con thỏ còn tròn xoe mắt ngóai nhìn anh.
Anh nhớ ánh mắt nàng nhìn anh qua kính xe trong lần chia tay cuối cùng, hình như có điều gì nàng muốn nói nhưng đã kịp giữ lại. Con tim anh lại nhói đau, lần này nó nhói hai cái liền làm anh muốn quỵ ngã giữa nơi chốn hòan tòan xa lạ vì vĩnh viễn nàng đã lìa bỏ anh mà không một lời từ biệt.
Nha Trang – Pleiku 5/2008