Tham luận tại Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại,
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19.02.2008.
Bài thơ tiêu biểu 03.
“Khóc” của Bùi Chát đã làm cuộc nhảy thẳng vào tâm điểm của vấn đề “khóc”, nó mang khả tính làm hoang mang kẻ khóc và người nghe khóc mà không cần đến các ngón nghề tu từ rườm rà của hệ mĩ học cũ. Như thể một lời giải công án Thiền; độc giả thơ bị đẩy vào hoặc cửa tử hoặc đốn ngộ. Đó là một cách gây phản tỉnh độc đáo. Nghệ thuật gây phản tỉnh nơi ý thức người đọc được Lý Đợi thể hiện kiểu khác.
Một nhà thơ bị đánh chết
Nữ thi sĩ Nadia Anjuman, người Afghanistan bị chồng và mẹ chồng đánh cho đến chết. Hai kẻ phạm tội và gia trưởng kia đã bị bắt. Liên Hiệp Quốc khóc lóc trước hành vi bạo lực này.
Tại Việt Nam thì khác, có nhiều nhà thơ đã chết ngay trong lúc sống, nhưng không ai biết, ngay cả bản thân hắn. Đa phần các nhà thơ khác bị ngược đãi, nhưng không ai thèm nhìn. Liên Hiệp Quốc quá chán ngán nên không thèm lên tiếng.
Anjuman qua đời hôm thứ sáu [ngày 4-11] tuần trước tại một bệnh viện ở phía tây thành phố Herat sau khi bị đánh đập tàn nhẫn [và mất cả nhẫn cưới]. Trong lời chỉ trích đưa ra vào hôm thứ ba, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng vụ việc này cho thấy nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn tiếp diễn ở Afghanistan sau khi chế độ Taliban đã sụp đổ cách đây 4 năm. Anjuman năm nay 25 tuổi, nổi tiếng với tập thơ đầu tay Gule Dudi [còn gọi là:Gul-e-dodi] (Bông hoa u huyền).
Các tác giả trong độ tuổi 25 đến 35 tại Sài Gòn thì đang sống trong sự phè phỡn, vị cá nhân, vì tuổi thơ có nhiều mặc cảm, thua thiệt... nên nay tìm cách lấy lại; và tất nhiên, do không được tu dưỡng đường hoàng, nên thích sống cuộc đời vô cảm và phi nhân tính.
Chồng Anjuman chỉ thú nhận là có tát vợ sau một cuộc tranh cãi giữa hai người. Mẹ chồng Anjuman cũng bị bắt nhưng người ta chưa có đủ chứng cớ để buộc tội.
Hàng nghìn người đã tham dự tang lễ Anjuman tổ chức hôm chủ nhật. Homayan Ludin, một sinh viên tại Đại học Kabul, cho biết: "Sinh viên trên khắp đất nước đều rất bức xúc trước sự kiện này. Anjuman là một nhà thơ có triển vọng của Afghanistan".
______________________________
Nguồn: metimes.com,... Và một vài địa chỉ khác.
(Lý Đợi, Tienve.org)
Có thể coi bài viết trên là tin trong tin. Lý Đợi sử dụng tin làm thứ chất liệu (như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì) sẵn có, chế biến chút đỉnh, làm thành bài thơ. Để bày tỏ một thái độ trước thời cuộc. Đó là “điển tích” mới, nóng hôi hổi. Tại sao không? Bản chất của tin tức báo chí là được đọc lướt qua rồi quên. Nhưng ở đây, nhà thơ buộc kẻ đọc bằng tâm trạng hờ hững khi trước đọc lại bản tin và kiểm nghiệm thái độ sống của mình.|
Tại đây có ba điểm cần nhấn: Thứ nhất, những hoa đào năm ngoái, cánh nhạn đưa tin, núi Thái Sơn xa lơ xa lắc từng có mặt trong thơ và được cộng đồng chấp nhận, tại sao một tin thời sự liên quan trực tiếp đến thân phận thơ ca như thế không thể có mặt trong cuộc sống văn chương đương đại? Thứ hai, các bình luận mang tính liên hệ sát thực và gần như thế (các câu in nghiêng) không gây cho ta sửng sốt, giận dữ và ngao ngán hơn mấy điển tích lạ huơ lạ hoắc kia sao? Cuối cùng, bạn đọc có thể hỏi vặn nếu vậy thì nhà thơ cứ viết một bài xã luận đi, sao lại phải viện đến thơ? Và kêu một bài như thế là thơ?
Quan điểm hậu hiện đại: sự nhùng nhằng giữa các thể loại, thao tác kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới. Khi ta muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.