Thi sĩ có những ngày long đong : trưa ngủ đậu , chiều đi , đêm đợi – mai lang thang mốt biết về đâu ? Trong những ngày thui thủi , những ngày vất vưởng ấy , thi sĩ chợt nhận ra :trong đám đông anh lại càng cô độc – bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ngủ nhờ – sợ cả lời chia vui thành thật – bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ … Trên bước đường luân lạc ấy , đôi khi thi sĩ : đứng sững bên bờ đau hồn cỏ – con bướm giang hồ lả cánh bay rơi
*
Mệt mỏi ,rã rời nhưng không thể dừng chân bởi mấy năm không đi trời đất nhỏ dần – ôi tiếng còi tàu như một nhát gươm – rướm máu lòng khao khát … Thi sĩ lên đường để thoả mãn cơn khát : thèm đi , thèm thấy , thèm nghe , thèm học ở cuộc đời nầy ; cho dù : đời cứ quay tròn , ta chóng mặt – ta cứ phải nhìn những kẻ đu dây – anh hùng đổi áo theo màn xiếc – chữ nghĩa văn chương đã dạn dày …
Để tồn tại , thi sĩ phải tự nhủ : con chim còn biết tập quen với lồng – con cá còn tập quen với chậu – con người cũng phải tập long đong , và hơn thế : ôi vết chém đã qua thời đau nhức – đâm da non để thành sẹo muôn đời – anh thở đều để sống em ơi … Thi sĩ phải sống để mà tạ lỗi với mẹ buồn ta tóc trắng lưng còng ; để mà tạ lỗi với em , người vợ hiền thục nhu mỳ vì thi sĩ mà một đời lận đận : anh biết nói gì khi em long lanh – hai hàng lệ thương con ngày đói – anh đã hiểu dầu em không nói – em khóc tự nhiên như lúc em cười ; để tạ lỗi với tất cả những ai mà thi sĩ một lần phiền luỵ …
Thi sĩ đã hát khúc hát đời lỡ vận – hát âm u trong đêm tối một mình và tự nhận anh là một gã giang hồ tới – lòng hoang như con lộ không đèn – ngồi với lòng sầu ly rượu cạn – sao mới vài ly mà đã say ? Thi sĩ đã có một đêm say cuối cùng như thế để rồi vĩnh biệt , nhưng may còn có em … để còn có thơ ; may còn có thơ để hình ảnh thi sĩ còn thấp thoáng trên cuộc đời nầy và còn một chút gì để nhớ , để quên …
Ghi chú : chữ in nghiêng được trích từ thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định