Này hải đăng Hải Yến
Em yêu lắm và ta cũng yêu nhiều lắm
Hôm tàu về Âu Châu tôi có nhận của Hoàng Yến gói quà gói trong một phong bì giấy xốp, bên trong ép những tờ giấy trắng tẩm nước hoa ngọc lan thơm phức. Phần quà có hai cuộn băng cải lương, một tập thơ lay out trên máy vi tính, bìa màu vàng bóng, mỗi bài thơ in trên một màu giấy khác nhau. Trong gói quà có kèm theo một bức thư viết nắn nót nét chữ học trò. Yến cho biết, trên biển có nhiều loài chim lạ mà cô rất thích, cô muốn tôi kể cô nghe về chuyện các loài chim biển và chuyện vui buồn trên chuyến hài hành.
Hôm kia có xảy ra một chuyện mà tôi cũng hông biết vui hay là buồn, chỉ thấy sau khi dọn dẹp xong thủy thủ đoàn thằng nào thằng nấy mệt muốn đứt hơi. Chuyện bắt đầu vào buổi trưa. Trong lúc tàu chạy cách bờ biển Châu Phi gần trăm hải lý. Chợt nghe chuông báo động reo ầm ĩ, thường thì chuông reo một ngắn một dài là báo hiệu tàu bị cháy, bảy dài một ngắn tức là tàu bị nạn gì đó, thủy thủ phải chuẩn bị rời tàu. Nhưng hôm đó chuông reo liên hồi không ai hiểu là báo hiệu chuyện gì hết. Tuy vậy thủy thủ đoàn cũng mang áo phao tụ tập lên phòng lái.
Lên tới nơi thấy mặt viên thuyền trưởng không có gì là khẩn trương hết, ông kêu mọi người cởi áo phao ra và ông chỉ tay về phía trước mũi tàu. Mọi người nhìn theo tay ông và ồ lên một cái. Xa xa một vùng khói sương mù mịt. Jono, thủy thủ người In Đô, thắc mắc:
– Mưa hay sương mù?
Thuyền trưởng đáp:
– Không phải mưa cũng không phải sương mù mà là cát từ trong sa mạc Sahara bị gió lốc cuốn ra.
– Mình cách bờ gần trăm hải lý thì làm sao cát bay ra được.
– Gần trăm hải lý mà nói gì, cát của sa mạc Sahara bay qua tới Âu Châu lận. Ở Hoà Lan, nhứt là những ngày mùa xuân, lắm khi sáng thức dậy đi ra ngoài thấy trên lá cây, trên mui xe và trên mái nhà cát mịn đóng một lớp mỏng, thì biết đó là cát của sa mạc Sahara bị gió lốc cuốn rải về.
Giải thích xong chuyện cát bị gió lốc cuốn từ sa mạc Sahara sang Âu Châu, viên thuyền trưởng ra lịnh đóng kín hết các cửa và trong lúc tàu chạy qua ngang vùng cát không ai được ra ngoài boong, trừ trường hợp người nào có chuyện cần ra ngoài thì phải đeo mặt nạ hoặc kiếng che mắt và khẩu trang.
Không bao lâu tàu lọt vào vùng gió cát mịt mùng. Lạ thay lẩn, trong cát vô số cào cào, con nào con nấy lớn bằng nửa cườm tay, xanh màu đọt chuối, hai hàm răng giống như hai kìm sắt, loại cào cào nầy lỡ đáp lên một thửa ruộng hoặc một vườn hoa màu nào chắc chắn trong nháy mắt sẽ bị chúng cắn phá sạch sành sanh. May mắn cho nhà nông, nhà vườn đám cào cào không bay vào ruộng, vườn mà theo gió cát bay ra tận biển khơi làm mồi cho cá.
Khi tàu qua khỏi vùng gió cát thì trời đã về chiều. Những trự cào cào bị ống khói phun cháy cánh rơi rụng nằm lẫn lộn trong cát ngập cả boong tàu. Thủy thủ đoàn phải mất một phen xúc cát và xác cào cào đem đổ xuống biển, sau đó kéo ống nước ra xịt rửa tàu, tới khi xong chuyện thì đã quá giữa khuya.
Biển Châu Phi thường êm sóng và màu nước rất xanh. Một ngày trôi qua và ngày thứ hai đã hết. Mọi người đã quên chuyện cát sa mạc Sahara và con tàu chạy rất bình yên. Thủy thủ đoàn lúc nầy được nhàn rỗi hơn, tối lại họ tụ tập vô phòng ăn coi phim và uống bia. Tôi cầm chai bia ra lái tàu ngồi nhâm nhi. Đêm nay hăm mốt âm lịch, đầu hôm trăng chưa mọc. Biển tối đen, chưn vịt tàu đạp nước rù rù, nước biển gợn lên một đường dài ngời sáng trông giống như dãy Ngân Hà vướng vô bánh lái và bị tàu kéo theo. Ngồi trên tàu tôi có cảm giác như ngồi trên một hành tinh lạ. Xa xa trên hải phận quốc tế nổi bật sáu chòm đèn tàu buôn, ba chiếc xuôi Nam, ba chiếc ngược Bắc, tàu tôi đương hướng về phía Đông.
Đương thả hồn theo cảnh vật chợt nghe tiếng động rột rẹt ở góc mui. Tôi mới nhớ tới con nhàn bị bịnh sao đó mà tôi để nó trong lòng cuộn dây lái từ hồi sáng tới giờ. Con nhàn nầy hồi hôm đậu với hàng trăm con nhàn khác ngủ ở đằng trước, sáng sớm đồng bọn bay đi săn mồi còn vãi phân lại trắng trên mặt boong. Trong lúc xịt nước rửa tàu, Jono thấy một trự đứng co ro bên cuộn dây cáp của cần trục, anh bắt đem vô giao cho tôi. Tuy biết thức ăn của loài nhàn là cá sống, trên tàu không có cá, tôi mới lấy bánh mì xé nhỏ và lon nước đặt trước mặt nó nhưng từ sáng tới giờ nó không ăn uống gì hết.
Trong ánh đèn lờ mờ từ trên trần mui dọi xuống, trông con nhàn thê thảm với bộ lông khô, xoắn lại từng cọng, chỉa ra như lông nhím, đôi lần nó nhấp cánh định bay nhưng thân hình lê thê lết thếch, miệng ngáp ngáp rồi quỵ cặp giò chúi nhủi. Thấy tội nghiệp quá, tôi đỡ nó dậy để lại chỗ cũ, lấy bánh mì nhét vô miệng nhưng nó không nuốt được, cần cổ cứ lắc lư mỏ rẫy mạnh làm bánh văng tứ tung, cái mửng nầy kéo dài cho tới ngày mai thì làm sao nó sống được. Con nhàn cũng có quê hương là hài đảo xa gần nào đó, với đôi cánh ngàn dặm nó có thể đi đi về về bất cứ lúc nào, chẳng may giữa đường lâm bịnh hấp hối và nằm đây chờ chết.
Nhìn con nhàn sắp chết, tôi nhớ tới Hoàng Yến, người con gái mảnh mai, ốm nhưng không yếu, nhan sắc trung bình. Cô biết viết văn, làm thơ, không uống rượu nhưng ăn thịt chó và cô rất thích nhìn loài chim biển bay lượn trên bãi biển lúc chiều hôm. Tôi gọi loài chim biển trắng là con nhàn, còn cô gọi nó là hải âu. Tôi bắt bẻ:
– Hải âu không phải tiếng Việt.
Cô cãi lại:
– Gọi hài âu là nhàn thì giống dân Hai Lúa.
– Hai Lúa làm ruộng thì làm sao biết được tên của các loài chim biển.
– Tại sao thủy thủ các anh gọi hải âu là con nhàn?
– Tui hổng biết từ đâu nữa, nhưng nhớ hồi còn nhỏ làm ngư phủ trong vịnh Thái Lan, miệt đó có hai loại nhàn, nhàn sẻ nhỏ con, lông màu trắng mượt, nhàn ô thì lớn hơn nhàn sẻ, lông cũng mượt mà và trắng tươi nhưng đặt biệt dưới ức có một đốm lông đen.
– Vậy thì chữ nhàn ô cũng không phải thuần tiếng Việt.
– Nhưng ít ra cũng có phân nửa tiếng Việt.
– Nhưng Yến thích gọi nó là hải âu nghe thi vị hơn.
– Giống tiểu thuyết tình cảm của Tàu thì có, nhưng cô là nhà thơ mà, gọi sao nghe hay và có vị thơ là được, còn tôi thì quen gọi chim nhàn rồi sửa lại kỳ thấy mồ.
Có lần đi chơi ngoài bãi biển, Yếu thấy một con nhàn chết khô nằm trên gành đá, cô rưng rưng buồn, cầm con nhàn chết cứng đưa cho tôi và biểu tôi đào cát chôn cất cho đàng hoàng. Mỗi lần gặp chuyện cảm động cô hay thốt lên câu “Buồn năm phút”. Hôm đó mặt cô dàu dàu buồn...năm phút khi thấy tôi đào cát chôn cất hải âu.
Hồi chiều có mấy thủy thủ sợ con nhàn ỉa dính dơ tàu mới kêu tôi liệng nó xuống biển, tôi không nỡ lòng liệng khi thấy nó chưa chết. Cứ để đó khi nào nó chết rồi tính sau.
Không biết bây giờ là mấy giờ mà ánh trăng già hơn nửa mảnh nằm ngang đọt cần trơi, ánh sáng nhạt nhoà chan hoà trên mặt biển. Trời nước yên bình quá, có lẽ tôi phải viết cho Yến một lá thư dài, kể chuyện biển cho cô nghe. Tôi trở vô phòng, kéo mở hộc tủ lấy giấy, viết để lên bàn. Chợt thấy tập thơ của Yến bên cạnh, tôi ngồi xuống lần giở tập thơ. Đập vào mắt mắt tôi một bài thơ chữ nghiêng trên trang giấy màu xanh nước biển và có in hình mấy con nhàn đương dang cánh bay.
Tôi đọc:
*"Ta yêu lắm nhịp đều hoà của biển
Sóng trầm lặng rồi sóng lại dâng
Bình minh lên và hoàng hôn xuống
Trong thoáng mơ hồ bâng khuâng một chút
Cho Hải Yến tung cánh giữa khơi
Lẩn vào mây...
Mây xanh ngát bầu trời
Cho đêm đen thẳm tối
Có hải đăng mịt mù xa trên cao
Này Hải-Đăng Hải-Yến
Em yêu lắm và ta cũng yêu nhiều lắm
Biển trời xanh...
Thời tuổi nhỏ cũng xanh"
Hoàng Yến chưa từng ra khơi bao giờ vậy mà cô làm thơ về biển rất sống động. Còn tôi thì lênh đênh trên biển nhiều hơn ở đất liền. Biển khi xanh màu da trời, lúc xanh màu cẩm thạch, bàng bạc lóng lánh và lúc thì đục màu phù sa. Chim biển rất nhiều loại, có con đen như quạ, con thân hình mập chè bè, chưn thì giống như chưn con vịt, con thì giống như cò đen, cò trắng, hạc... nhưng nhiều nhứt vẫn là chim nhàn. Tôi không biết viết văn, làm thơ gì hết thì làm sao viết thư tả cảnh biển ban đêm có trăng tỏa sáng và triệu trệu sao trời lấp la lấp lánh, ban ngày thì có chim bay lượng trên mặt bước và bầu trời xanh bát ngát... Tôi ngần ngại, muốn viết cho Yến một lá thư dài, nhưng chuyện biển của tôi quái đản, kỳ cục, nhạt nhách nhạt nhẽo cũng như chuyện cát, cào cào và chuyện con nhàn sắp chết. Biết đâu đọc xong thư Yến hỏi tôi con nhàn chết chưa và nếu chết rồi thì có đem nó chôn cất cho đàng hoàng không. Trên biển lấy đất đâu mà chôn. Còn nói tôi sẽ thủy táng con nhàn sau khi nó chết thì thế nào Yến cũng thốt lên câu tội nghiệp và “buồn...năm phút”. Không muốn cô nhỏ phải mất năm phút buồn, tôi bèn thu xếp giấy, viết cất vào học tủ và cầm lấy tập thơ leo lên giường nằm đọc à vỗ giấc ngủ./.
Đại Tây Dương tháng 5 2008
*Thơ của Hoàng Ngâu