Kính gởi Anh Hai Bình !
Tôi về quê vào những ngày đầu tháng Năm, không khí Cà Mau có cái gì đó nặng nề, căng thẳng. Trên trang nhất của các tờ báo lớn ngày nào cũng có hai chữ Cà Mau cùng với những thông tin không vui về anh: Bí thư tỉnh ủy Võ Thanh Bình. Chuyện cũ lẫn chuyện mới: Chuyện ký duyệt dự án lập bản đồ địa hình 39 tỷ đồng sai nguyên tắc, chuyện viết giấy giới thiệu cho một tên tội phạm đang có lệnh truy nã đi xuống huyện làm phim, chuyện ký công văn miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho một người phạm tội, chuyện bổ nhiệm anh cán bộ kiểm lâm sang làm giám đốc sở văn hóa, chuyển ông trưởng ban tổ chức tỉnh ủy sang làm giám đốc sở nông nghiệp và chuyển ông giám đốc sở nông nghiệp sang làm bí thư đảng ủy khối, bổ nhiệm ông phó văn phòng ủy ban tỉnh lên làm giám đốc sở giao thông và đưa ông giám đốc sở giao thông xuống làm phó ban tôn giáo . . . rồi đến những thông tin nhiều cán bộ dùng tiền để chạy chức chạy quyền mà dư luận đang trông đợi từng ngày, chờ anh công bố. Hàng chục nhà báo đang có mặt ở Cà Mau để chờ đợi kết quả làm việc của đoàn cán bộ kiểm tra Trung ương đối với những sai phạm của anh và ông Trần Công Lộc - viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Rồi như “nhà sập bìm leo”, liên tiếp hai ngày trước cổng trụ sở tỉnh ủy, hàng chục người dân với băng, cờ, khẩu hiệu yêu cầu ông Võ Thanh Bình phải trả đất lại cho gia đình liệt sĩ. Tôi gọi điện cho anh nhiều lần, nhưng anh cứ để mặc cho chuông reo.
Tôi biết anh đang giận tôi.
Hồi trước, anh từng nói với tôi, “Chỗ anh em cùng họ với nhau, lúc nào tôi cũng coi chú như em ruột. Khi nào chú cảm thấy nhớ quê thì cứ mua vé bay về chơi, mọi thứ tôi lo hết”. Mặc dù tôi chưa lần nào ngẩu hứng về quê như lời anh căn dặn, nhưng tôi vẫn ghi nhớ trong thâm tâm đó là một ân tình.Thế rồi một hôm anh gọi điện cho tôi, nhờ tôi can thiệp với một tờ báo đang “tấn công” anh về chuyện đất đai. Anh nói: “Tôi biết, tác giả của những bài báo ấy dù gì cũng là đàn em của chú, chú nói giúp tôi một tiếng, tôi mang ơn !”
Anh Hai thân mến !
Tôi biết tôi từ chối giúp anh trong lúc ấy, có thể là một sự phủ phàng. Nhưng nếu tôi buông một câu nói với người bạn đồng nghiệp của tôi để can thiệp giúp anh thì với mẹ Giàu, không chỉ là sự phủ phàng mà còn là điều ác. Tôi muốn anh hiểu được điều ấy mà chia sẻ với tôi, đừng trách, đừng giận tôi, bởi tôi không thể vì anh mà quay lưng lại với mẹ Nguyễn Thị Giàu, một người mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ.
Anh Hai biết không, mẹ Nguyễn Thị Giàu và ông Phạm Văn Kiều, cả hai vợ chồng đều là đảng viên, được Đảng phân công ở lại miền Nam sau tập kết. Năm 1956, trong một cuộc họp tổ đảng tại nhà mẹ ở ấp 2, xã Khánh Lâm, U Minh, giặc phục kích, nã súng vào nhà, mẹ Giàu đã nhảy ra đỡ nòng súng giặc cho đường đạn bay lên trời, để đồng đội mình chạy thoát. Giặc rút quân, mẹ đốt đuốc lá dừa đi tìm thì thấy ông Kiều, chồng mình bị một viên đạn xuyên qua bụng, ruột đổ ra ngoài, nằm bất tỉnh ở ven rừng. Mẹ đóng vai một người lái heo để chở chồng ra bệnh viện Cà Mau, nhưng đến bót Cái Tàu thì bị giặc phát hiện, họ giải ông về chi khu Thới Bình. Trên đường đi, ông Kiều đã cắn răng, bức ruột tự tử để khỏi rơi vào tay giặc. Cũng trong ngày hôm ấy, lính từ chi khu Biện Nhị kéo vào Khánh Lâm, phá nhà, tịch thu tài sản mẹ Giàu, bắt mẹ cùng đứa con trai mới sinh chở ra Cà Mau, bỏ tù hơn một năm với những trận đòn chết đi sống lại.
Ra tù, về căn cứ làng rừng, mẹ không được tiếp tục sinh hoạt Đảng vì chưa được xác minh trong thời gian ở tù mẹ có khai báo hay không. Không chịu đựng nỗi mặc cảm bị nghi ngờ của những người bạn kháng chiến, mẹ dắt bảy đứa con về quê cũ ở Huyện Sử, Thới Bình, sống trong vùng kiểm soát của chính quyền họ Ngô. Nhưng với một lai lịch “gia đình Việt Cộng nằm vùng”, mẹ bị ghi vào sổ bìa đen của chính quyền sở tại, nhất cử nhất động đều có người theo dõi. Không chịu nổi sự kềm kẹp, mẹ âm thầm tiễn hai đứa con trai lớn đi bộ đội rồi dắt díu năm đứa còn lại ra sống ở chợ Cà Mau. Tại đây, mẹ gặp ông Nguyễn Hồng Dân, một người đồng hương cũ, góa vợ, nuôi bảy đứa con. Hai cuộc đời ấy nương tựa vào nhau, vừa mua gánh bán bưng, vừa mua mười hai công ruộng để mưu sinh, gồng gánh hai đàn con, chống đỡ sự đói nghèo.
Anh Hai biết không, năm 1968, trung đoàn 32 của quân đội VNCH tịch thu của mẹ Giàu một phần ba số đất để làm hậu cứ, cùng lúc ấy, mẹ nhận được hung tin: hai người con trai của mẹ, anh Phạm Ngọc Ẩn và Phạm Chiến Đấu đã hy sinh ở chiến trường đông Nam bộ. Sống bên cạnh hàng rào kẽm gai của giặc, được tin hai nắm ruột đứt lìa cùng một lúc mà không dám gàu thét, không dám chia sẻ cùng ai, mẹ âm thầm ra bờ chuối sau vườn ngồi khóc. Một người hàng xóm phát hiện, hỏi lý do, mẹ chỉ nói bị chồng tệ bạc.
Anh Hai ạ, là một sĩ quan quân đội, có lẽ hơn ai hết, anh là người thấu hiểu nỗi đau của mẹ Giàu trong cùng một ngày phải mất hai đứa con trai. Tôi đã từng chứng kiến những sĩ quan quân đội ta với những tình thương cao đẹp, họ nuôi cha, nuôi mẹ của những đồng đội mình đã hy sinh cũng như cha mẹ ruột. Nhưng mẹ Giàu vô phước, chẳng những không gặp những tình thương cao đẹp ấy mà nỗi đau mất mác cứ chất chồng lên. Năm 1985 – không rõ lúc ấy anh Hai đang ở đâu - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Minh Hải căn cứ vào sơ đồ cũ của trung đoàn 32, cho rằng gần một mẩu đất còn lại của mẹ Giàu thuộc đất quốc phòng của chính quyền cũ, nên ra quyết định thu hồi. Thu hồi mà không phải đền bù, cũng không cho biết rằng mẹ sẽ về đâu ? Anh Hai có biết mẹ về đâu không ? Mẹ về một túp lều đổ nát cách đó vài chục mét, chỉ 30 mét vuông mà phải chứa gần một chục con người. Anh Phạm Tấn Sĩ, con trai mẹ xuống bến sông dựng chòi chèo đò kiếm sống, chị Phạm Thị Ánh, con gái của mẹ, dắt năm đứa con lên Cầu Nhum thuê đất cất chòi, anh Phạm Hòa Bình, người con trai hồi mới vài tháng tuổi đã vào tù với mẹ, giờ lang thang đi làm mướn ở U Minh.
Phần đất của mẹ - bị thu hồi vì đất quốc phòng của chính quyền cũ – bây giờ, ngoài nhà hàng khách sạn T98 – nơi ăn chơi khá nổi tiếng ở Cà Mau – còn lại là của anh, 2520 mét vuông mặt tiền đường Nguyễn Khắc Xương với tường rào bao bọc, vườn kiểng, chuồng cá sấu, một cơ ngơi mà dù hiện tại có thể tính ra vài chục tỷ, nhưng với mẹ Giàu, kính thưa anh Hai, nó không thể tính bằng tiền !
Anh sống vương giả như thế chỉ cách căn chòi ọp ẹp của mẹ Giàu vài chục mét, cái khoảng cách của không gian tưởng có thể sờ đụng được. Nhưng cái khoảng cách của cuộc đời, của lòng người sao quá xa xôi, xa đến mức không thể nào nhìn thấy. Ngày mẹ Giàu trút hơi thở cuối cùng – sau hơn hai mươi năm mõi mòn đội đơn đi kiện – anh lạnh lùng đến mức không bước qua nhà mẹ thắp một nén nhang. Sao vậy anh Hai ? Anh đã từng là lính, là đồng đội với con của mẹ kia mà ! Anh sợ đối diện với sự thật hay anh coi đất đai quan trọng hơn tình người ?
Nói đến đây, có lẽ anh hiểu vì sao tôi không can thiệp với thằng bạn đồng nghiệp của tôi khi nó “tấn công” anh. Thật tình mà nói, lúc ấy, khi tôi nhìn hai bức ảnh của bạn tôi đăng trên tờ báo, bên cạnh bức ảnh mẹ Giàu ngồi trên chiếc xe lăn trong căn chòi đổ nát là cái cơ ngơi đồ sộ của anh tọa lạc trên mảnh đất từng là mồ hôi nước mắt của mẹ Giàu, tôi muốn gọi điện nói với anh rằng: “Anh Hai ơi, đó là đất của mẹ, dù là “đất quốc phòng” đi nữa thì nó vẫn là đất Mẹ, là Tổ quốc. Bây giờ, dù nó là của anh, sổ đỏ của anh, đất nầy vẫn là đất mẹ. Anh hãy xử sự với mẹ của chúng mình sao cho xứng đáng là một người con trước khi xứng đáng là người lãnh đạo của tỉnh nhà, là đầy tớ của nhân dân !”
Bài đăng trên báo Văn Nghệ số 22- ngày 31 tháng 5 năm 2008