Tôi được tham dự trại viết của Hội nhà văn tại Vũng Tàu. Một buổi chiều, một nhà văn cùng dự trại kêu tôi bảo: “ này, đến nhà anh Xuân Sách chơi đi. Anh kêu đó. Chỉ Thiện, mình và Khôi Vũ thôi”.
Sung sướng quá còn gì. Với Xuân Sách, tôi chỉ biết tên. Cái tên rất sáng trong nền văn học Việt Nam với cuốn sách mà tôi đọc từ thưở còn là một đứa trẻ: ĐỘI DU KÍCH THIẾU NIÊN ĐÌNH BẢNG. Những đứa trẻ ngộc nghệch, ngây thơ, đánh giặc bằng những trò nghịch phá hồn nhiên đến mức giặc bị đánh mà cứ như lọt vào những trò chơi con nít vậy. Tôi còn tò mò hơn khi người ta kháo nhau Xuân Sách có chân dung các nhà văn bằng thơ đọc thích lắm, hóm hỉnh lắm, khối ông nhà văn có ý kiến. Lúc ông bệnh nằm ở Bệnh viện Thống Nhất, trang web vanchươngviet.org đã tải tất cả một trăm bài và tôi nhanh chóng tải xuống làm của riêng mình. Có nghĩa là với tôi, ông là một thần tượng không dễ gì mà gặp được. Thế mà lại được ông kêu tới chơi, còn gì sung sướng hơn.
Chiều ấy, chúng tôi anh bạn nhà văn kia, Khôi Vũ và tôi đến nhà ông. Một căn nhà nhỏ nằm khuất trong một ngõ nhỏ. Mở cổng ra là một cái sân nhỏ như không thể nhỏ hơn. Bầy cây cảnh chen chúc trong cái sân nhỏ ấy. Chúng mọc tự do, cây nào giỏi thì vươn lên cao, cây nào hèn yếu thì đành nằm khiêm tốn dưới tán cây kia. Vậy mà chúng vẫn cứ sống, cứ xanh và hình như chẳng màng gì đến sự chen chúc xung quanh. Phòng khách nhà ông cũng thế, nhỏ chỉ đủ kê một cái bàn, chiếc tủ thờ.
Nhà văn Xuân Sách đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền hậu. Ông nói như thanh minh: “ Nhà chật quá, các cậu thông cảm. Nên chẳng dám mời nhiều”. anh bạn cùng đi ghé tai tôi: “ Ông nói vậy mà không phải vậy đâu. Ông chỉ mời những người ông thích thôi. Vậy chớ khái tính lắm đó”.
Ông pha một ấm trà rồi bỏ chúng tôi ngồi với nhau và chạy xuống bếp. Dưới ấy, chị Tú vợ anh đang lui cui với cái lò than. Lát sau, cả anh và chị cùng lên. Giống y như một đám rước, chỉ có điều đám rước chỉ có hai người. Anh bưng trước một cái nồi. Chị đi sau mấy cái chén. Rồi quay lại, anh cái dĩa đựng bún, chị rổ rau sống. Lũ trẻ hư, để ông bà già chạy ngược chạy xuôi. Chúng tôi bào nhau đứng dậy giúp anh chị. Anhh cười: hết rồi, còn gì nữa đâu mà giúp. Có một món thôi: chân giò heo nấu giả cầy, phải bảo bà Tú đi mua than về nướng đó. Nướng bếp ga cũng được, nhưng thiếu mùi nhà quê, không ngon. Giá mà có rơm thui chân giò heo còn ngon nữa. Ôi chao, chân giò heo nấu giả cầy có giềng, mẻ, mắm tôm được nấu từ tay vợ chồng Nhà văn Xuân Sách thì còn đòi gì hơn nữa. Nguyên cái tình cho mấy cậu văn thơ trẻ thế này đủ, no đủ say rồi. Anh bạn nhà văn cùng đi rôm rả kể lại chuyện ra Hà Nội tìm người về làm chủ tịch Hội Văn nghệ Vũng Tàu. Người ta giới thiệu với anh về Xuân Sách, thì lúc đó ông đã vào Đồng Nai. Anh chạy về Đồng Nai, “ tranh thủ” rước ông về Vũng Tàu. Từ đó, ông thành người Vũng Tàu và gắn bó chặt chẽ với Văn nghệ Vũng Tàu. Mậu bảo: suốt thời gian ông làm chủ tịch Hội, chẳng hề có điều ra tiếng vào nào. Anh em tụ về làm ăn ra tấm, ra món lắm, để sau này mới có thêm những Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Còn Khôi Vũ, cũng say sưa với những câu chuyện ngày anh Xuân Sách về Đồng Nai. Nhắc hoài chuyện chị Tú thương mình như thương cậu em ruột. Có những chuyện chỉ khi trà dư tửu hậu mới có thể nói ra, nói ra cho biết, rồi quên, chẳng trách giận ai, có trách là trách phận mình không có duyên với đất này, đất kia, người này người kia mà thôi. Người bạn van và Khôi Vũ “ ăn to nói lớn” bao nhiêu thì nhà văn Xuân Sách điềm đạm bấy nhiêu. Ông cười rất tươi, nhưng tiếng cười rất nhỏ. Ông nói rất say sưa nhưng cứ như đang nói thầm. Người nghe cứ tưởng có chuyện gì bí mật lắm. Mà có gì bí mật đâu, chuyện kỷ niệm thời Văn nghệ quân đội, mà ông gọi là nhà số Bốn. Nhà số Bôn có anh Vũ Cao, anh Thanh Tịnh. Nhà số có anh Văn Phác, anh Hồ Phương… Những người khi nhắc đến tên là lớp đàn em như tôi phải kính nể. Ông kể về chuyện viết ĐỘI DU KÍCH THIỀU NIÊN ĐÌNH BẢNG. Rồi ông cho biết lý do vì sao lại làm thơ. Tôi vui miệng đọc: “ Viết Nam, trên đường chúng ta đi…” Ông cười ngỏn nghẻn: “ cái ông nhạc sĩ làm thơ mình hay lên đó…” Hỏi anh, bây giờ gọi ông là nhà văn hay nhà thơ. Ông cười khào khào: “ Nhà nào chả được, miễn có nhà là được”. Phải hiểu câu trả lời của ông bằng cả nghĩa đen và nghĩa bóng mới được.
Tôi rất muốn biết vì sao ông lại làm chân dung nhà văn bằng thơ. Thì hỏi. Nhưng khi vừa buột miệng định hỏi tôi ngưng ngay được và tự nhủ: “ Ngu. Thích thì viết, hứng thì làm, làm quái gì có chuyện tại sao ở đây”. Nhưng rồi, câu chuyện đẩy đưa anh cũng nói đến nhưng thật ngắn gọn: “ Chí ít, mình cũng sống được trong anh em văn chương bằng chân dung nhà văn. Người thích, thì mình tồn tại trong sự thích thú. Người ghét, người yêu, thì mình được sống trong sự yêu ghét của anh em. Sống mà…” . Rồi ông ngẫu hứng đọc, vẫn cái giọng khẽ thôi, khào khào, nhưng rất rõ:
Cô giáo làng ta đã chết rồi
Một đêm Ra trận đất bom vùi
Xót xa Đình Bảng người Du Kích
Đau đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi
Đường tới chiến công, gân cốt mỏi
Lối vào lửa đạn tóc da mồi
Mặt trời ảm đạm quê hương cũ
Ở một cung đường, rách tả tơi…
Lúc ấy ông không nói nên tôi không biết, bây giờ mới biết đó là chân dung nhà văn thứ 100 và chân dung ấy chính là Xuân Sách. Không bàn về cách thức làm chân dung của ông, vì nó không nằm trong ý định của bài viết này. Chỉ muốn nói một điều: quý mến bạn văn lắm lắm, Xuân Sách mới làm được như vậy. Một trăm nhà văn trừ ông ra thì còn chín mươi chín nhà văn khác, nếu ông không đọc của bạn thì làm sao có thể đúc kết chân dung bạn bằng tác phẩm đúng đến như vậy. Thử hỏi có bao nhiêu nhà văn làm được như Xuân Sách: đọc hết tác phẩm của bạn bè. Khi nhận được thông tin trên blogs Nguyễn Trọng Tạo về giây phút hiểm nghèo của Xuân Sách, tôi nhắn cho Nguyễn Trọng Tạo một câu thế này: “ Chắc ngày xưa, khi chân dung nhà văn của Xuân Sách ra đời, có những nhà văn tấm tức, nhưng ngẫm lại, nhất định chỉ tấm tức chút chút thôi. Có yêu bạn mới làm được như thế”.
Nhà văn Xuân Sách đã ra đi. Tôi không thể đến viếng ông, phải nhờ Lê Huy Mậu làm việc ấy giùm. Hôm nay, viết những dòng này, tôi phải cám ơn ông, người khi vừa gặp đã nói với tôi: “ Thiện hả? Người không chịu bị bỏ quên đây hả? đến tớ chơi nhé.” Và đời tôi, chỉ một lần đến được nhà ông, một căn nhà nhỏ, chứa một tâm hồn lớn. Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách!
Ảnh : Chuyến thăm anh Xuân Sách của anh Trung Trung Đỉnh