Nghe noí về U Minh – Miệt Thứ thì nhiều.Qua tranh ảnh , sách báo và cả tư liệu sống về những con người ở miền đất đặc thù ấy. Noí sao thì tôi cũng như người khách lạ lần đầu tiên mới biết nơi đây . Dẫu rằng trước đó dẫn dắt tình cảm của tôi đến với vùng đất này chỉ thông qua bằng con đường … âm nhạc .Vì đã từ lâu tôi từng yêu thích khi nghe bài hát “Hương tràm “ được nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân . Có thể chính vẻ đẹp từ nơi này đã tạo nên những giai điệu mượt mà và đầy chất thơ trong lời bài hát , khiến ai nghe qua mà không xao xuyến để tìm về.
Chiếc phà chầm chậm chở anh em của hội văn nghệ Kiên Giang cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà nghiên cứu lịch sử VHDG Trương Thanh Hùng trên 2 chiếc xe qua bên bờ kinh sáng Xẻo Rô. Như một lời chào , tấm Pano thật to dựng ngay đầu cầu phà với câu khẩu hiệu“ Đảng Bộ Nhân dân vùng bán đảo Cà Mau kính chào quí khách”. Tôi nghĩ không riêng mình mà tất cả mọi người đều thấy vui vui vì cách thể hiện sự nhiệt tình của chủ nhà khi vừa bước chân đến nơi.
Dọc theo kinh sáng Xẻo Rô, đường quốc lộ đưa chúng tôi đi qua từng địa danh , mà từ xưa người ta dựa vào những con rạch đào để phân lô , xẻ vùng , họ chỉ gọi là “ Thứ” chớ không đặt tên. Từ Thứ Nhất cho đến Thứ Mười Một, có chổ tôi còn nghe chen thêm từ “rưõi” như là : “Thứ Chín rưỡi” thật ngộ và lạ tai.
Chợ Thứ Ba nhìn chật chội, hình như không đủ sức chưá cho người dân mua bán . Người ta tràn ra cả lề đường . Xe chạy thật chậm để tránh va quẹt . Nhìn thì chưa ổn về mặt an toàn giao thông . Nhưng đó cũng là những tín hiệu tốt để thấy được sức bật về đời sống của dân cư, cũng là áp lực cho chính quyền địa phương cần phải tìm ra những hướng mới để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trước nền kinh tế đang ào ạt mở cửa .
Xe đến Thứ Bảy theo quốc lộ 63. Ngồi trên xe tôi nhẩm đếm từng “Thứ” đi qua nhìn chung theo cách tả thì nét hoang vu ngày nào của Miệt thứ nay đã thay đổi diện mạo đến bất ngơ. Như cách nói : “ Điện , đường ,trường ttạm” là những yếu tố quan trọng để người dân phát triển về mọi mặt. Huyện mới U Minh Thượng đã được thành lập cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế, xã hội,tuy còn thiếu thốn về cơ sở vật chất để làm việc nhưng chăm lo cho con em có điều kiện học tập vẫn được Đảng và nhà nước hết lòng quan tâm.Thật là vui ngay đúng vào dịp lễ Quốc Khánh 2/9 vừa qua Đại Tướng Lê Hồng Anh đã về dự khánh thành trường PTTH Vĩnh Hoà. Ngôi trường vớikinh phí hơn 8tỷ đồng do Thủ Tướng chính phủ tặng cho người dân huyện mới U Minh Thượng.
Theo quốc lộ 63 cách Ngã Tư Công Sự 20 km là vườn quốc gia U Minh Thượng “ tâm điểm” ma chúng tôi háo hức mong chóng đến, xa xa đã thấy xanh mướt một màu xanh bạt ngàn .
Tiếp đòan có anh Phạm Quốc Dân, Phó giám đốc vườn quốc gia U Minh Thượng , sau khi giới thiệu sơ nét đã hưóng dẫn mọi người vào rừng bằng những chiếc tắc ráng, dù dưới ánh mặt trời như muốn hắt ra lửa cũng không làm giảm đi sự hăng hái của anh em trong đoàn , có lẽ chính nhờ vào sự hấp dẫn của khu rừng ngập nước hiếm hoi trên thế giới này đã làm mọi người quên đi cái nắng gay gắt còn sót lại của những ngày cuối hè.
Tôi lấy làm lạ khi nhìn nước của con rạch có màu đỏ thẩm , không phải là màu của phù sa , cũng không phải màu trắng đục bình thường . Tôi nói với anh Trăm : “ sao nước ở đây dơ quá!” – Chắc thấy tôi ít hiểu về vùng đất naỳ anh vui vẻ giải thích : “ nước đỏ là do bông tràm và lá tràm rụng xuống làm đổi màu của nước chứ nước này rất sạch, không độc” . “Ngày trưóc đây là vùng căn cứ cách mạng mọi sinh hoạt nhờ vào nguồn nước này đó em!”.Rồi anh đọc luôn cho tôi nghe 2 câu thơ cuả anh Dương Công Khanh :
“Trái tràm đỏ , nước lá tràm cũng đỏ
Đưa em về để rõ U Minh”.
Khoát một bụm nước vuốt thử lên mặt, nước mát lạnh không mùi. Con kinh thẳng tắp, cái màu đỏ được phản chiếu dưới bầu trời xanh, giòng nước trở thành màu đen nhánh nhìn như tấm lụa satanh bóng mướt được điểm xuyến bằng những cánh bèo xinh xinh trôi lơ lửng.
Món quà của thiên nhiên thật hào phóng , vẻ đẹp nguyên sơ luôn gợi sự tò mò cho du khách .Tôi nhìn hàng trăm con dơi đeo bám vào một thân cây chúng phát ra những tiếng kêu chí chít không ngừng. Đằng kia đôi vợ chồng khỉ đang âu yếm, cặp bồ nông đang nghểnh cổ nhìn trời, không một loài thực vật nào mà chẳng gây sự chú ý cho chúng tôi . Hơn 21 ngàn hec ta rừng một khu bảo tồn với biết bao nhiêu loài động thực vật phong phú và quí hiếm và còn ẩn chứa bên dưới kia những trầm tích đang chờ đợi sự khám phá của con người .
Tắc ráng chở chúng tôi ngang qua khu rừng tràm bị cháy năm 2000 , lửa đã “ngốn” đi gần 3 ngàn hec ta rừng lỏi , bây giờ tất cả đã hồi sinh , nhìn những cây tràm mọc đều suông thẳng mới thấy được sức sống mạnh mẽ của loài cây nầy. Hình như chúng luôn tự thân vận động cho sự sinh tồn của chính mình không cần đến bàn tay gieo trồng của con người.
Ghé qua láng trại bên hồ Hoa Mai đễ ăn trưa .Được biết hồ Hoa Mai cũng là một chứng tích của chiến tranh của Mỹ ngụy với quả bom 7 tấn đã bỏ tạo thành một cái hố rộng , sau này được cải tạo như hình dạng như cánh hoa mai. Tranh thủ, anh Dân lấy xuồng đưa tôi qua bên hồ cho xem hai loài lan mới phát hiện .Đó lá Lan cuốn chiếu và Luân lan .Lan cuốn chiếu thì tôi được nhìn thấy hoa cuả nó , nhánh hoa dài hình dáng cong như con cuốn chiếu. Còn Luân Lan thì tôi chỉ nhìn được thân cây thôi vì hoa của nó chưa nở . Anh Dân cho biết vườn quốc gia chưa có phòng trưng bày những tiêu bảng động thực vật , cũng như chưa có được phòng truyền thống lịch sử cho thêm phần sinh động thu hút khách tham quan muốn tìm hiểu.
Buổi cơm trưa “đặc sản” , nhất là món lẩu canh chua cá lóc U Minh thứ thiệt được ăn kèm cùng các thứ lá rau rừng tại đây.Tôi vui miệng hỏi một anh ngồi cán bộ ngồi chung bàn: “ với khu du lịch như thế này thì nguồn thực phẩm đặc sản ở đâu mà có để phục vụ khách dài lâu?” – Anh nói : “ chỉ cần phần “vùng đệm” được phép khai thác thôi cũng đủ sức cung cấp rồi!” .Bây giờ mà còn như thế sao ? Hồi trước tôi cũng từng được nghe lời nhận định : “ Tôm, cá từ dưới miệt U minh phần lớn cung cấp về cho dân thành phố và nuôi dưỡng Cách mạng trong thời chiến tranh ”. Cũng đủ để thấy sự trù phú của một miền đất giàu có về nguồn tài nguyên và dồi dào sản vật trời cho .
Bây giờ càng ngày người ta càng thích đến với thiên nhiên nhiều hơn .Cuộc sống hối hả, bộn bề mưu sinh , môi trường quá tải …Để được ngọn gió trong lành , được ngắm nhìn cây cỏ muôn thú quả thật khó tìm ra . Chính từ đó sẽ giúp họ tự ý thức mà biết cách ứng xử và giữ gìn cho tốt hơn với môi trường thiên nhiên .
Đi trong ruột rừng trở về. Trên đường ghé UBND huyện An Minh . Chợ Tứ Mười Một bên kia kinh sáng Xẻo Rô cũng không kém gì chợ thứ 3. Hàng quán , các mặt hàng gia dụng , văn hoá phẩm, kim khí điện máy , điện tử , kết nối mạng viễn thông không thiếu để phục cho người tiêu dùng. Xem ra cũng cần có một trung tâm thương mại tiêu biểu cho huyện nhà lắm chứ!
Cái thời xuồng ba lá là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân Miệt thứ nay đã xưa rồi ! Có còn chăng chỉ để hoài niệm khi 8 /11 xã đã có đường ô tô đi lại dễ dàng đến trung tâm huyện khiến người ta phải kinh ngạc về sự thay đổi nhanh chóng của một vùng bán đảo .
Hơn một giờ đồng hồ trao đổi và trò chuyện với anh Tám Hùng ,Trưởng Ban Tuyên Giáo huyện Ủy An Minh , không khí lặng đi theo cảm xúc của người nghe .Những câu chuyện anh kể như tái hiện lại quá khứ hào hùng của nhân dân Đảng Bộ trong những năm tháng chiến tranh . U minh như một huyền thoại , những địa danh ghi dấu ấn lịch sử như Tân Bằng , Cán Gáo , Cây Bàng, Xẻo Rô , Ngã Tư Công Sự đã từng vang dội những chiến công anh dũng , tinh thần chiến đấu của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến. Chiến tranh đã qua nhưng có những nỗi đau vẫn còn âm ỉ khi không ít những gia đình đã hy sinh xương máu , người thân để đổi lấy cuộc sống yên vui cho hôm nay!
Như để làm tan bầu không khí đang trầm lắng Anh Tám Hung phấn khởi khái quát nhiều nét đổi mới trong thời gian qua và những định hướng đang khởi sắc của huyện nhà… tỷ lệ hộ ngheò chỉ còn 11,3% , 85% hộ sử dụng điện , 65% sử dụng nước sạch. Toàn huyện có 44 trường , 10 tạm y tế xã . Dự án xây dựng khu trung tâm thương mại tại thị trấn Thứ 11 ,khu kinh tế Xẻo Nhàu với qui mô lớn đang triển khai dự án. Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái địa phương.
Điểm cuối cùng chúng tôi ghé qua là rạch Ngã Bát,xã Đông Hưng B đăm ra sông Trẹm . Bước qua chiếc cầu cây bên kia là địa phận tỉnh Cà Mau. Ráng chiều loang loáng trên sông , giòng sông thật hiền hoà càng gợi thêm vẻ đẹp của một vùng quê yên ã .
Trước khi chia tay chúng tôi nghĩ chân ở một quán lá bên đường cạnh con sông thơ mộng chảy qua huyện Thới Bình chia rừng U Minh thành hai vùng Thượng va Hạ cánh đàn ông nhâm nhi mấy ly rượu đế với ít món nhậu miệt vườn cho có khí thế ở “lượt về” .Vài câu ca được cất lên với tiếng đàn vọng cổ . Sau bài vọng cổ tôi biết mình đã có cơ hội để hát bài mà mình thích …
“ U minh bốn bề là Tràm . Chẳng biết tháng nào nở hoa, mà hương thơm dường như bốn muà .Ướp mật vào hơi em thở .
…Sáng trăng ra sân em chãi tóc .Khuấy chân em nghịch ánh trăng tan …”
Lưu luyến tạm biệt Miệt thứ đã để lại những cảm xúc lâng lâng cho một lần ghé qua .Đoàn chúng tôi từ giã trở về Thành Phố . Đến phà Tắc Cậu .Tài xế nói: “ xuống xe qua phà mấy anh chị ơi!” . Lúc này cái cảm giác mệt mõi như đã ngấm dần sau một ngày du khảo, bất chợt thầm ước : “ Ước gì có được một cây cầu bắc qua giòng sông Cái Lớn cho mau về đến nhà”. Ừhm ! mà điều này tôi nghĩ chắc cũng không còn xa.