Ông xã trưởng đang nói với đồng bào ấp L.N. về tình hình đất nước, vấn đề hòa bình và ngưng bắn, và lập đi lập lại lập trường của chính phủ. Tôi đứng trên bục gỗ (chỗ tụ họp nói chuyện, học tập, thảo luận là một ngôi trường sơ cấp hai lớp, một phòng bị ngã sập, mái tôn thủng nhiều lỗ đạn loại lớn) tay chắp sau lưng, ngó ra ngoài khung cửa sổ lớn. Đây là lần thứ tư hay thứ năm gì đó, tôi quay mặt ra ngoài, qua khung cửa sổ.
Tôi nhìn ra vùng nắng chiều ngoài cánh đồng, có mấy con trâu đang đi dạo theo bờ ruộng hẹp. Tôi muốn nghĩ tới một chuyện khác hơn là cứ để sự bực dọc ray rứt. Tôi chăm chú nhìn vào luồng nắng, nắng vàng, êm ả và mong manh quá. Tôi chợt nghĩ là từ khi vào lính, mặc vào người bộ áo quần dầy cộm nầy, tôi chưa có được một dịp nào, để nhìn một chút nắng êm đềm như vậy, mà mơ tưởng tới một ước mơ nhỏ nhắn tầm thường cho đời sống mình. Tôi bận rộn, tôi ngơ ngác. Tôi bồn chồn. Bấy nhiêu tình cảm đó cũng đủ khiến tôi mệt đừ trong hai mươi bốn giờ của một ngày.
Bóng nắng hình như mỗi lúc một vàng võ, yếu ớt hơn. Tôi đoán có lẽ trời đầy mây. Mùa đông - tháng mười, nắng vẫn đượm một màu vàng bạc buồn bã như vậy. Nếu là một người bệnh, nhìn màu nắng nầy, chắc hẳn sẽ thấy nôn mửa, hay chếnh choáng. Chiều hôm qua dì Lucia hình như cũng đã nói một cảm tưởng tương tự như thế với tôi khi tôi tới thăm dì. Lúc tôi đẩy cánh cửa sổ sát chỗ dì nằm, dì đã kêu chóng mặt vì ánh nắng chiều chếch xuống.
Tôi nhớ dì Lucia bị bệnh từ thứ hai tuần trước. Buổi chiều chúng tôi di chuyển từ chỗ công tác tới nhà thờ T.A. để nghỉ đêm, dì còn đứng ở cổng Cô nhi viện, nhìn bâng quơ ra cánh đồng, bầu trời lờ lững mây trước mặt. Tôi tìm một chỗ để cởi bỏ súng đạn, ba lô xong, tiến lại phía dì. Tôi không ngờ tôi đã gặp một người nữ tu trẻ, và đẹp như dì Lucia. Chắc là tôi khó có thể tả lại được một vẻ đẹp như vẻ đẹp của dì Lucia, nhưng tôi có thể nói chắc một điều, xưa nay tôi chưa hề được gặp một người nữ nào có một vẻ đẹp, vừa quyến rũ, vừa thánh thiện như thế.Có lẽ nét hồn hậu, điềm tĩnh của dì, khiến tôi về sau này, thấy nhớ dì hơn.
Tôi dừng lại trước mặt dì Lucia – gợi chuyện :
-Thưa dì, buổi chiều chắc dì rảnh? Dì Lucia nhìn tôi hơi ngạc nhiên.
-Chúng tôi ít khi rảnh lắm, hơn nữa, chúng tôi không muốn được rảnh rổi làm gì.
Tôi cười:
-Có lẽ dì khác ở với anh em chúng tôi nhiều. Chúng tôi mong được nghỉ, cũng không được. Đi công tác thế này, buổi chiều, sau năm giờ, coi như được thư thả đôi chút.
Dì cười:
-Phải khác chứ!
Dì Lucia nhìn tôi thật chậm sau câu nói. Tôi thấy đôi mắt dì có nhiều điều thích thú. Tôi hút một hơi thuốc dài, nhìn xuống chút khói mỏng ở đầu điếu thuốc : “Thưa dì, phải khác, nhưng có lẽ cũng có một điểm nào đó giống nhau chứ dì?”
-Ông ví dụ như điểm nào?
-Chẳng hạn như chiều nay, dì cũng có một tình cảm buồn như tôi… dầu cho là mỗi người có một cái buồn khác.
-Không được. Tại sao ông biết tôi buồn ?
-Tôi biết nhưng không thể nói được. Dì có đồng ý là có nhiều điều chúng ta biết, mà không thể diễn đạt, nói ra không?
Đôi mắt dì mở lớn:
-Tại sao vậy?
Tôi im lặng. Tiếng một đứa trẻ gọi dì Lucia ở dãy hành lang đầu. Dì vén tay áo, xem giờ, rồi hỏi : “Ông đóng ở đâu?”.
-Thưa dì, tối nay chắc phải ngủ nhờ tại nhà thờ. Ngủ quanh hiên. Mấy đêm rồi ngủ canh đồn Đại Hàn bên kia, đêm đêm chúng bắn đại bác gọi la ơi ới, ngủ không được.
Dì cười:
-Lúc nào rảnh, mời ông tới chơi, giờ tôi phải đi chích thuốc, rồi lo tắm rửa, coi sóc chỗ ngủ cho lũ nhỏ.
Dì Lucia quay vào cổng viện. Bước đi vội vàng. Bước đi thoăn thoắt. Những bước chân dì dầu có vội vã, nó vẫn là những bước êm ái nhẹ nhàng như những bước chân chim. Chim sẻ. Thực sự là tôi ngơ ngẩn vì những bước chân dịu dàng đó. Tôi nhớ: “Lúc nào rảnh, mời ông tới chơi”. Lời dì Lucia thốt lên tự nhiên ngọt ngào quá. Bây giờ tôi đã được rỗi rảnh đây, tôi muốn được đi theo dì vào viện, tôi muốn được nhìn lại nụ cười ánh mắt ấm cúng hồn hậu của dì lúc này. Tôi búng mẩu thuốc xuống đất, quay nhìn vào phía trong viện, những bóng áo chùng đen, những bóng áo dài trắng, thấp thoáng trong các dãy hành lang sâu lòa nhòa bóng tối. Tự nhiên tôi đi ngược trở lại ngôi nhà thờ. Buổi chiều âm u. Có lẽ đêm nay sẽ có một cơn mưa lớn…
*
Qua hệ thống liên lạc của trung đội nghĩa quân trú đóng gần căn nhà được mượn tạm dùng làm trụ sở xã, tôi nói chuyện với ông Loan Bích. Tôi trình bày cùng ông tình hình an ninh của xã, về mấy ông nhân dân tự vệ, về phương tiện và sức khỏe của toán công tác và xin được tạm nghỉ đêm ở một tọa độ khác. Ông ta vui vẻ chấp thuận lời đề nghị của tôi, kêu tôi cho một tọa độ chính xác, để có thể yểm trợ nếu có việc gì xảy ra. Tôi giở bản đồ, đọc tọa độ mới, tọa độ của ngôi nhà thờ chúng tôi đã nghỉ tối hôm trước. Ông Loan Bích hỏi: “Báo cáo trong ngày anh có gặp trở ngại nào không?”. Tôi đáp : “Thưa Thiếu tá, không có gì”, và đặt ống liên hợp xuống.
Suốt ngày nay, chúng tôi đã theo trung đội nghĩa quân, nhân dân tự vệ, cảnh sát xã, đến ấp X.M - một ấp được ghi nhận tình trạng an ninh yếu kém nhất của xã. Theo sự lưu ý của ông cuộc trưởng, tôi nhìn thấy bất cứ ngôi nhà nào của ấp này cũng có một chiếc bàn thờ, nhang đèn nghi ngút. Dân cư thưa thớt, từng ngôi nhà rải rác, vườn tược hoang vắng, tôi chỉ gặp được toàn đàn bà, con nít và ông già. Tất cả họ đều có vẻ sợ hãi, nghèo khó, và tội nghiệp. Sống ở đây, tôi biết họ phải gánh lấy nhiều điều đau lòng, nhưng tôi biết làm sao hơn, khi tôi chỉ ở lại với họ một ngày, chỉ có nhiệm vụ giải thích, loan báo cho họ về một ngày ngưng bắn hay hòa bình sắp tới. Tôi không được làm gì khác, và tôi cũng không có đủ quyền để làm khác. Tôi cũng đã cầu nguyện hòa bình, yên ổn như họ. Tôi chỉ biết cùng họ ước mong rằng thù hận, và máu lửa, thôi không còn kéo dài, tiếp diễn trên quê hương này nữa mà thôi. Hình ảnh kham khổ của họ đã cho tôi nhìn thấy rõ chiến tranh, thù hận, là một điều đáng ghê tởm, và đáng nguyền rủa nhất. Có bao giờ, những người chủ chiến nhìn thấy được những nét mặt, những đời sống cùng khổ này không?
Tôi được Souer Thérèse cho hay, dì Lucia đang nằm trong phòng, cuối dãy nhà, vì bệnh nặng. Tôi xin phép Soeur được tới thăm di Lucia. Soeur do dự một lúc, nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên, rồi cười khỏa lấp: “Ông vào xin Bề Trên. Có lẽ Bề Trên sẽ cho phép”. Tôi ngập ngừng, chưa nói được gì thì Soeur đã bước đi. Tiếng lũ trẻ ồn ào cười nói phía sau khu nhà giữa. Tôi bước dần ra phía sau, nghĩ tôi có thể lén Bề Trên tới thăm dì Lucia một chút cũng không hề gì. Tôi chắc tôi sẽ không làm một điều gì có tội khi thăm một người bệnh.
Dì Lucia kêu lên:
-Ông, làm sao ông biết tôi nằm ở đây?
Tôi cười:
-Hỏi thăm, thưa dì.
Dì ngồi dậy, hai chân xếp trên nệm, dáng bình thản;
-Ông hỏi thăm ai ?
-Thưa , dì Thérèse.
Tôi thoáng thấy trên nét mặt dì Lucia hiện lên một chút lo lắng, hay một chút gì bàng hoàng. Dì cúi đầu nhìn xuống tấm drap trắng phủ nệm, im lặng, khó xử. Tôi đẩy cánh cửa sổ cạnh giường của dì, ánh nắng chiều chiếu chếch vào chỗ dì ngồi. Dì Lucia ngẩng lên, nói nắng chiều buồn quá. Nó làm người bệnh chóng mặt. Lúc tôi định kéo khép cánh cửa lại, thì dì cười, nói thôi, để vậy cho sáng sủa. Tôi khuyên dì nên để cửa cho quen, đau bệnh mà thiếu ánh sáng, có lẽ dì sẽ khó khỏi. Dì cho tôi hay dì bị sốt đột ngột, từ nửa đêm hôm qua. Cơn sốt nóng kéo dài tới ba, bốn giờ sáng, rồi dì bị rét. Bây giờ, đã khỏe rồi, nhưng Bề Trên chưa cho phép rời khỏi phòng. Tôi cũng kể cho dì Lucia nghe mấy ngày công tác vừa qua của tôi, những chiếc bàn thờ hương khói nghi ngút, những chiếc hầm bí mật, những nét mặt nhăn nhó của đám người tôi được gặp, và sau cùng là ước mơ của tôi về một ngày hòa bình được trở về dạy học, được vun xới một mảnh vườn, được viết những điều muốn viết.
Dì Lucia tươi cười:
-Ông ước mơ nhiều quá.
Tôi hút một hơi thuốc, cười theo dì:
-Đâu có gì là nhiều, thưa dì. Sống như tôi mà không có hy vọng, ước mơ, thì khổ chết. Đời lính ngắn ngủi và buồn lắm – không biết “ra đi” lúc nào!
Dì hỏi:
-Vậy ông có tin được như vậy không?
Tôi đáp:
-Dĩ nhiên là phải tin. Tôi cầu nguyện luôn…
-Tôi cũng cầu nguyện cho ông!
-Được vậy thì diễm phúc cho tôi quá - Xin dì hãy cầu nguyện cho tôi.
Dì nhìn tôi xúc động. Đôi mắt dì chợt sáng lạ thường. Trong tia sáng của đôi mắt dì Lucia, tôi mơ hồ đã gặp, đã thấy được ở đâu đó. Tôi nhìn dì, im lặng. Chúng tôi ngồi im lặng. Tôi nghe rõ tiếng chim sẻ kêu dọc theo mái hiên ngói, phía ngoài hành lang. Buổi chiều đã xuống thật thấp bên ngoài…
*
Tiếng vỗ tay nổi lên. Tôi quay phắt lại, thấy mọi người nhìn tôi - Ông xã trưởng nhường lời cho tôi. Tôi tiếp tục kêu gọi bà con nêu ý kiến, thắc mắc. Tôi lập lại lời hứa là sẽ lấy sự thành thực, lấy sự suy nghĩ chân xác để trả lời. Tôi không thích chiến tranh. Tôi không là cán bộ tuyên truyền. Nhưng là một người trẻ biết trách nhiệm với quê hương, còn tin tưởng và hy vọng để xây dựng. Chính chúng ta phải xây dựng xứ sở của chúng ta chớ không ai khác, sau ngày ngưng bắn và hòa bình.
Chúng tôi đi từ giã mấy gia đình cạnh đó, rồi trở về xã. Đây là ngày công tác cuối cùng của chúng tôi, ngày mai sẽ trở lại chi khu, nhận lãnh công tác ở xã khác. Tôi nôn nao chờ xe để trở lại ngôi nhà thờ. Trong đầu tôi, hình ảnh dì Lucia đứng ở cổng Cô nhi viện, bóng áo trắng lẻ loi, đôi mắt xa vời buồn bã, như lúc nào cũng khiến tôi nao nức, hoang mang. Trong giấc ngủ muộn màng đêm khuya, tôi vẫn thường mơ thấy dì Lucia đứng đó, trước cánh cửa sắt, bờ tường rêu đen chạy dài theo con lộ vắng vẻ. Từ ngày gặp dì Lucia, tôi thường tự hỏi, tôi có còn dịp nào gặp lại được dì sau này chăng? Dì đã nói: “Xa đây, chắc ông không còn dịp nào gặp tôi nữa đâu. Tôi cũng sắp đi nơi khác rồi”.
Tôi đến nhà thờ thì anh em đã treo võng nằm hút thuốc, nói chuyện, rải rác dọc bờ rào. Tôi vội vã cởi bỏ súng đạn, nói với mấy người bạn là đi thăm dì Lucia lần chót. Họ cười : “Còn ngày nào ở đây, ông còn nói đi thăm dì Lucia ngày đó mà”, một người bạn nói.
Tôi cười:
-Ở đây hay ở đâu, chắc tôi phải đi thăm dì Lucia mỗi ngày.
Tôi rời họ ngay để tránh những câu nói đùa cợt, khó lòng ngăn cản. Thực sự là họ đoán đúng: Tôi đã yêu dì Lucia. Điều đó hẳn dì Lucia cũng nghiệm thấy. Phần tôi, tôi chưa thể đoán biết rằng dì có nghĩ gì về tôi, có giống như tôi đã yêu và nhớ dì ngay trong những giấc ngủ. Tôi chỉ thấy dì thực vui khi gần tôi, nói chuyện, và dì trầm lặng khi nghe tôi từ giã. Tôi đọc được ở đôi mắt dì nhiều hơn là lời nói. Đôi mắt ấy thực tinh khiết và nồng nàn.
Dì Lucia hỏi:
-Như vậy là sáng sớm ngày mai ông đi rồi phải không?
Tôi lập lại:
-Thưa dì, sáng sớm ngày mai.
Dì cười :
-Mấy ông khổ nhỉ?
Tôi ngước nhìn dì:
-Khổ nhiều chuyện lắm dì ạ.
-Tôi biết.
-Dì có buồn không?
Dì Lucia ngập ngừng:
-Tôi cũng là một con người…
Chúng tôi đi dọc theo bờ tường, phía trong, dưới những hàng bạc hà cao. Cánh đồng phía trước im vắng. Khu nhà nguyện chưa có bóng người. Dì Lucia lặng lẽ hơn sau câu nói, như một lời tự thú, một câu giải bày giản dị nhưng quá khó với dì lúc này. Tôi nghe tôi bàng hoàng. Nếu dì Lucia không cầm xâu chuỗi trên tay, không mặc bộ áo chùng trắng, không còn vướng bận tới những lời khấn trước đức Chúa để hiến dâng trọn đời dì, thì tôi đã nói thực với dì rằng tôi đã yêu dì như một mệnh số. Tôi không thể quên dì. Và ước mơ của tôi, sau cùng, là được gần dì mãi như chiều nay. Nhưng dì Lucia đã quay lại hỏi : “Giáng sinh này ông ở đâu?”
-Thưa dì chưa rõ được.
Dì Lucia cười:
-Tôi hỏi để coi ông có thể tới vui với mấy em ở đây được không?
Tôi quả quyết:
-Tôi sẽ tới, thưa dì. Chắc là ở đâu tôi cũng sẽ về đây ngày Giáng Sinh… Dì hãy cầu nguyện cho tôi còn sống để trở lại.