Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.014
123.235.651
 
Kỳ Nhân
Văn Chấn Ngọc

Chân lý thực sự không thể giảng dạy. Mà mỗi người phải chứng nghiệm bằng bản thân, bằng nỗ lực và thất bại của chính mình qua nhiều thử thách cam go...

 

Một lần nào, Chi đã nghe ai đó nói vậy, rồi cũng lãng quên đi. Bây giờ tự nhiên điều đó lại chợt hiện ra, vẫy vùng trong tâm trí khi cô đang ngồi lắng tai nghe nữ giáo sư  Pháp thuyết trình trong một hội nghị giao lưu Pháp -Việt _ hội nghị Gây Mê Hồi Sức nhi khoa.

 

Lâu lắm rồi mới lại gặp TS bác sĩ  Ngộ _ thoắt cũng đã mười hai năm chẵn_ người đã dạy từ mấy chục năm cho hàng ngàn thầy thuốc gây mê hồi sức trong nước, từng đi Pháp về Anh và từng dạy cho bọn Chi biết thế nào là gây mê gắn liền với hồi sức như thịt với da; thế nào là thế gây mê nửa kín, nửa hở .v.v ... Chừng đó bao nhiêu năm ngược dòng thời gian cũng đủ gợi lên trong tâm tưởng Chi những kỷ niệm ngọt ngào xa vắng của thời còn vác túi. Một quãng đời nhỏ nhoi thấp thỏi của một cô bé ngày nào còn chân ướt chân ráo khập khiễng giữa trường đời. Lạc lõng, cô độc giữa đất Sài Gòn  đầy hoa lệ nhưng lại thênh thang, ấm áp trong chân tình bằng hữu.

 

Ngày ấy một chiếc xe đạp cũ kỹ của Chi vẫn hiên ngang sánh vai cùng những chiếc dream, cub của năm người bạn là chuyện thường tình như cơm bữa. Chiếc xế điếc đó vẫn cứ đường hoàng đứng chờ Chi, kề bên  hàng chục chiếc motocycle láng bóng cáu cạnh, ở giữa những chiếc quán sang trọng thanh lịch một cách thản nhiên! Và lúc đó, Chi đã chợt bật cười khi nhìn đi nhìn lại xung quanh quán cũng chỉ có một mình nó... độc  quyền!

 

…Bây giờ người đang đứng đó, tượng trưng của một thời đã qua. Thầy đi đến nói chuyện với từng người trò cũ trong hội trường của bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ một cách bình đẳng, nhiệt thành và thân ái… Đến khi đối diện nhau trong một buổi chiêu đãi tại nhà hàng, Chi đã ngỡ ngàng không biết  thầy  đùa hay thật khi ông chấm lửng với  cô bằng  một câu mệnh lệnh:

" Chị đừng nhìn tôi bằng đôi mắt... căm thù như vậy!"

"  Dạ, đâu có… Trời! Thầy đâu có gì để em phải thù đâu, thưa thầy!" _ Chi mỉm cười bình thản và định nói thêm _ " Từ trước tới giờ em cũng chưa hề thù ai để mà căm đâu, thầy ơi!"_ Lại thôi.

Tất nhiên, ngày thường mỗi khi nói chuyện với ai, Chi đều chăm chú nhìn thẳng vào mắt người ấy một cách điềm nhiên, không hề né tránh hay phải nhìn xuống vì sợ sệt, lo âu một điều gì đó!

 

Vậy thì sao giờ đây thầy lại bảo như vậy kià! Hay là mình có đôi mắt… dữ dội lắm hay sao?_ Chi tự lấy làm lạ_ Mình cũng chưa từng nghe ai nói thế bao giờ!

 

Lần thứ hai là ngày hôm sau trong hội nghị,  ông cũng lại nói với Chi câu nói ấy:

"Chị đừng nhìn tôi bằng ánh mắt căm thù như thế! Chị nhìn như vậy tôi không ngủ được! Suốt đêm qua tôi không ngủ được vì ánh mắt của chị, chị có biết không!"

 

Ý trời đất ơi! Thầy giỡn chơi hoài! Làm sao mà em biết được! _ Chi  ngạc nhiên lầm thầm.

Đêm qua liên hoan tại nhà hàng do hãng thuốc B.B đài thọ. Khi tất cả mọi người ăn uống đã no say và sau khi từng người trò cũ (bây giờ là những vị đang có vai vế lớn trong xã hội) bước đến thăm hỏi người thầy xưa thì ông  lại bước qua đùa vui trò chuyện với từng bàn... Chi lúc đó vẫn ngồi riêng một góc, tìm một người bạn cũ (giờ đang công tác ở Sài Gòn) làm bức bình phong, hỏi chuyện bạn bè ngày xưa để che chắn cho sự đơn côi cố hữu của mình. Chi lúc ấy lặng lẽ và sầu lắng, nhìn mọi người vây quanh chúc tụng, tiếu ngạo cùng thầy mà ngưỡng mộ. Đôi khi cô cũng muốn mình là một trong số những người kia. Chen chúc và xô đẩy, thâm nhập cùng đám đông để có thể dành cho mình một chút thuận lợi nào đó... Nhưng hình như  còn một  Chi  khác nữa, đang ngự trị óc cô, bảo cô đừng hòa nhập! Thì thôi, Chi đành ngồi yên đó, ngắm nhìn giáo sư giữa đám người hào sảng huênh hoang như một biểu tượng "gươm lạc giữa rừng hoa". Mặc dù xung quanh "gươm" không phải hoàn toàn là "hoa" mà có khi  còn có... cỏ.

 

Giáo sư Ngộ miệng nói, tay khoát, nhưng mắt thì âm thầm kiểm soát toàn cảnh. Và đương nhiên, Chi cũng không thoát ra ngoài tầm ngắm của ông. Cuối cùng cô bị... tóm:

" Nè nè! Hai người kia sao ngồi một góc tâm sự  gì vậy?"

 

Chi cười lùng bùng (Rồi, có lẽ Bá Nha gặp  được Tử  Kỳ!). Cô bỏ mặc "bức bình phong" kia, tiến về phía ông cúi chào:

" Thầy! Lâu lắm rồi, em mới được gặp thầy!"

" Hừ hừ, chị có... ông xã chưa?"

" Dạ có! "

“Mấy ông xã?”

“Dạ một!”

" Mấy con?"

" Da, một”

“Ừ ừ. Gái một con trông mòn con mắt!”_ Ông gật gù…

 

...Tiếng của giáo sư Pháp đột ngột vang lên trong micro kéo Chi trở về thực tại. Lúc nãy Chi nói, thầy đâu có gì để em phải căm (hay) thù đâu! Nhưng dường như  ông  còn muốn nắn thêm gân cốt của Chi, nên vẫn chưa buông tha:

"Chị đừng nhìn tôi bằng ánh mắt... tà đạo như vậy!"

 

Rồi ông  xoay mình bước đi, bỏ lại một câu nói sau lưng lãng đãng:

" Nếu không phải tà đạo thì là… Phật!"

 

Thoắt kinh động, nhưng Chi vẫn giữ được sự bình thản cố hữu trên nét mặt. Mường tượng như  trước vài người xung quanh, lời nói kỳ lạ  kia cô chưa từng nghe thấy... Cô tự bảo lòng: _"Ý tại ngôn ngoại!".

 

Ở trên kia, nữ giáo sư Pháp của hiệp hội ADEP vẫn còn đang thao thao bất tuyệt cùng người phiên dịch về những luận đề hấp dẫn và lôi cuốn. Trong lúc đó thì  ở đây ông đi tới đi lui từng bàn, đến những chỗ có nữ bác sĩ, cử nhân mặc áo cổ rộng, trễ tràng để...tiện bề thăm hỏi. Ông tiến tới, nhìn lườm lườm vào mặt một chị như để uy hiếp tinh thần rồi nói: "Chị chị, chị kéo cổ áo lên coi nè! Cả trăm người thế này mà chị... Người ta thấy...  của chị hết trơn rồi kìa!".

 

Rồi ông xoay sang người kế bên: "Nè nè, chị mặc áo thun có hàng chữ tiếng Anh này, có nghĩa là chị bắt người ta phải mang vác chị trên đầu trên vai hoài hả?" ... "Còn cái chị này! Trời đất ơi! Chị nói chuyện với người ta thì phải đứng thẳng lên, đâu cần phải cúi cúi khum khum như vầy, để cho anh con trai này nhìn hết vô ngực chị hoài kià, thấy hông?"... Khiến mấy người phụ nữ  phải vừa đỏ mặt vừa tức cười.

 

Những người khác ngồi gần đó vô tình bật cười toét miệng! Có nụ cười khoái trá; có nụ cười chữa thẹn; cũng có nụ cười thâm thúy nhưng cảm thông và hoàn toàn thoải mái... Vì mọi người hầu hết ai cũng từng học với thầy nên quá hiểu tính. Cho dù bây giờ nhiều người tóc đã hoa râm và đang mang nhiều chức tước, nhưng hầu như chẳng ai tỏ vẻ tự ái hay giận hờn chi. Dường như ở đâu có mặt ông  thì không khí ở đó tràn đầy muà xuân, vui tươi và sảng khoái. Rồi ông cũng  trở lại bàn Chi ngồi, hỏi cô (cho công bằng với kẻ khác):

"Cổ chị... có hở không?"

"Dạ đâu có, thầy!"_ Chi lắc lắc tay, tỏ dấu không có gì hết mà ông  vẫn không tin, cứ nghiêng đầu nhìn đi nhìn lại thật kỹ bâu áo kín cổ của Chi, cho tới lúc không phát hiện được gì mới thôi.

Bấy giờ ông đã ngót nghét bảy mươi mà vẫn rất tinh anh, nhanh nhẹn, quắc thước và thần thái như một nhà hiền triết. Dường như sau mười mấy năm đằng đẵng nhiều biến cố, ông vẫn không hề già đi một chút nào! Nghiêm túc, chính khí và lễ độ của ông có đôi lúc làm cho người đối diện tự mâu thuẫn khi  nghe giọng (và) điệu  tưởng như cà rỡn và móc ngoéo của ông… Nó làm cho ông trở nên quái dị và phớt đời như nhà thơ Bùi Giáng. Thay vì nói như Khuất Nguyên ngày trước: " Cả đời đục cả, một mình ta trong... "  thì ông lại nói:

"Thôi cả đời trong hết đi. Chỉ một mình ta đục đủ rồi!".

 

Bất chợt nghe vậy, Chi lại không thể không đồng tình  nên cảm thán:

" Cũng khó lắm thầy ơi! Con cá mà nhảy ra khỏi nước thì cá sẽ chết. Nhưng cá chết không phải vì tại nó quá cao hứng muốn nhào lộn khỏi mặt nước, biểu diễn chút chơi... hay tại vì nó muốn chết. Mà chết vì tính vô tư, cương trực  của mình nên bị cá khác... giết hại!"

"Nói lung tung. Chị mà biết gì!"

" Thì em không biết!" _ Chi cười méo mó _ "Nhưng mà… sao thầy vẫn cứ nói chuyện với em hoài!"

"Vì chị... chị đối với tôi là... vô giá!"_ Ông trợn mắt nhìn thẳng vào mắt Chi, khiến cô dưng không thinh lặng.

 

Người bạn kế bên (hồi nãy bị nói là “tại sao chị cứ bắt người ta phải mang vác chị trên đầu trên vai hoài vậy”) bây giờ có cớ để bật cười thành tiếng một cách… thỏa dạ. Ông biết tiếng cười kia chưa đủ trình độ, nên vẫn thản nhiên quay nhìn Chi chứ không nhìn chị ta, rồi nhấn mạnh: "Vô giá là tôi không định được giá trị chị đó thôi. Chị hiểu không?"

"Dạ..."

"Mà chị có hiểu không?"

...???.!!!.

 

"Đây nè! Tôi ngồi kế bên, hích tay chị... mà chị cứ như  đá, không động tĩnh gì. Tôi nói bậy, mà tâm tư chị vẫn bình yên phẳng lặng chứ không hưởng ứng như người ta, mà cũng không dị ứng gì cả… thì chắc là chị đạt đạo rồi!... Mà chồng chị có hay ghen không?"

"Dạ... có!" (mà sao thầy đọc được tâm tư em tài vậy?! _ Chi kinh ngạc tự hỏi). Ông như không thấy sự hoang mang kia nên tự nhiên nói tiếp:

"Ghen là phải! Gặp tôi, tôi... cắt cổ chị luôn nữa kià!"

“Sao kỳ vậy thầy?”

 

Ông không nói gì (làm Chi thêm một lần kinh ngạc), ông lẳng lặng lôi trong cặp ra một tấm danh thiếp_của một vị bác sĩ  gây mê hồi sức (cũng học trò ông). Bác sĩ gây mê, ngoài giờ chuyên sửa sắc đẹp lành nghề _ Ông đưa cho Chi:

" Tôi cho chị địa chỉ này! Chị đi sửa dung nhan lại cho… xấu bớt đi, cho chồng chị không ghen khùng nữa! Chị cầm tấm danh thiếp này chị sẽ được giảm giá 50% lận đó nghe! Đây, có ghi trong này nè!"

 

Chi lắc đầu:

" Dạ thôi. Em xấu, thì sửa cỡ nào cũng vậy thôi thầy ! Mà sao thầy cứ méo mó nghề nghiệp người ta hoài hà! Sửa cho đẹp, chứ ai sửa cho xấu bao giờ, thầy?”

"Nói lung tung! Chị mà biết gì!"_ Ông  lại gạt ngang khiến Chi cười lùng bùng  (Ừ, mình không biết gì thật!).

 

Ông  có tính cách dị thường, mà phải nói là đại tài. Khi ông nói chuyện với bọn Chi ở đây thì ở kia: giáo sư Pháp đang diễn thuyết. Trong khi đó, ở đây với Chi, ông vẫn nói hết chuyện này đến chuyện khác liên tu bất tận. Từ chuyện đọc thơ của Hà Huy Hà; chuyện nhà thơ Đông Hồ có bài thơ nào là tuyệt tác; Chuyện của nữ sĩ  Mộng Tuyết... Vua Trần Nhân Tông là con của ai?; Trần Dụ Tông làm gì... Cho đến đông tây kim cổ, Kim Dung... Lệnh Hồ Xung; Lục tổ Huệ Năng... ông đều thông tuệ, tưởng như ông không hề đoái hoài gì  đến những lời diễn thuyết hay những vấn đáp trên kia. Thế nhưng mỗi khi họ dứt lời thì ông đã rất nhanh, có mặt trên diễn đàn, ý tứ về những vấn đề có liên quan đến điều họ vừa nêu ra một cách chuẩn xác, tế nhị và mạch lạc. Tưởng chừng như  ông vẫn đang luôn luôn tập trung chăm chú lắng nghe từ đầu chí cuối , không phân tâm đứt đoạn.

 

Tự nhiên, ông nói với Chi:

"Đàn ông họ dễ tha thứ nhưng khó quên. Còn đàn bà, họ mau quên nhưng khó tha thứ."

Chi và Vân  (người bạn ngồi kế bên) không hẹn mà đồng thanh phản đối:

"Thầy nói ngược rồi. Đàn bà họ mới dễ tha thứ chớ khó quên  lắm thầy ơi!"

"Nói lung tung. Mấy chị mà biết gì! Để tôi nói cho chị nghe! Thí dụ, một người con gái… mất trinh trước khi về nhà chồng thì người chồng có khi tha thứ, nhưng suốt đời họ không bao giờ quên được chuyện đó!"

"Có nghĩa là họ bằng mặt chứ không bằng lòng hả thầy? Rồi họ sẽ dằn vặt người vợ đó đến suốt đời sao?!"_ Tự nhiên Chi mỉm cười.

"Chớ gì nữa!"

 

Chi cười buồn:

“Cho nên mới dễ xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc trong gia đình mà lẽ ra nó không đáng xảy ra, có phải không thầy? Hà, người ta nói “người đàn bà có một dĩ vãng, người đàn ông có một tương lai… Thì ra là vậy!”

“Chứ còn gì nữa!”

"Dạ. Nhưng mà bản thân em thì  cũng dễ tha thứ  chớ khó quên lắm, thầy à!"_ Chi đột nhiên bướng bỉnh một cách thành thật.

"Ừ! Thì phải rồi! Tại vì  chị… để tóc ngắn như vầy. Chớ nếu chị để tóc dài thì chị thuộc về vế sau như mấy bà kia  rồi! Phải không?"

 

Chi gật đầu thán phục.

Trong đám học trò tốt, có người nói bản ông là tổng hợp của bốn thầy trò Đường Tam Tạng. Thầy đôi khi như tục, vẻ như tham lam mà có duyên như Trư Bát Giới (thì cũng là thân con người). Thầy chân thật, có khi ngu ngơ như  Sa Tăng. Thầy tinh thông tự cổ chí kim, thấu tình đạt lý hầu hết tất cả vấn đề lĩnh vực như Tề Thiên Đại Thánh có đầy đủ bảy mươi hai phép thần thông biến hóa để chống chọi với lũ yêu tinh ma quái. Nhưng thầy lại đạo hạnh, hiền lành, giữ giới như Đường Tăng.

 

Còn Chi lại thấy thêm, trong con người của ông như đầy rẫy những mâu thuẫn khó hiểu. Hay những mâu thuẫn đó là biểu hiện mặt phải và trái  của thế gian với đầy đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, chát, bùi trong nhân thế mà ông đang phơi bày để biểu hiện một điều gì đó... Có trời mà biết!

 

Đột  nhiên  Chi bật nói:

" Em thấy thầy... giống phật Di Lặc hơn!"

( Ông Di Lặc trong truyền thuyết dân gian ăn to nói lớn, đâu ra đấy đàng hoàng.Thầy cũng vậy. Di Lặc có vẻ thô bạo nhưng vui tính, bác học và từ bi hỉ xả, lại hay trảm ma trừ yêu. Thầy cũng vậy. Không chấp nhận những chuyện vùi lấp, lôi thôi, không minh bạch. _ Chi nói thầm)

 

Ông không hề hay biết, vẫn gật gật , cười khà khà:

"Chị thấy hông. Tôi khoái ông Di Lặc ở chỗ ổng đưa cái rún tổ bố ra ngạo ngễ chọc đời. Ổng đem cái bụng phệ ra khoe với thiên hạ,  ăn chơi tới cực lạc luôn! Bởi vậy người ta mới sợ ổng. Mà ổng làm biếng lắm nên tu không lại Thích Ca. Cho nên tới giờ ổng cũng chỉ là Bồ tát thôi. Tôi cũng làm biếng lắm chị ơi!”

 

Chi mỉm cười. Thầy khác ông Di Lặc ở chỗ thầy không có cái bụng phệ bự và không cạo trọc đầu. Mà Thầy đang ngạo đời đó ư!... Bồ tát thường xả thân cứu đời, thậm chí bố thí cả bản ngã vì  không tiếc thân mạng... cho nhân gian thôi bớt khổ đau... Bồ tát thành Phật rồi vẫn còn ở lại với thế nhân cứu độ chúng sinh như đức Quan Âm đại từ đại bi đó, không phải sao?! Phật thì cao hơn, cĩ thể sai khiến hng triệu người ở hàng triệu nơi cùng  một lúc!

 

Danh vị chỉ là do lòng người đặt để. Còn bản lĩnh, tài hoa có khi không cần người khác phải cấp bằng. Nó tồn tại  hay mất  đi cũng tùy vào sức nhìn của từng người riêng biệt, chứ thật ra nó vẫn còn hiện hữu đó, tồn tại mặc nhiên một cách khiêm nhượng đến như vô hình! Quan trọng của một đời người: Bá Nha có tìm gặp được Tử Kỳ hay không mà thôi! Có phải không thầy?

 

Và Chi nói:

" Đa tạ thầy! Nhờ được nói chuyện với thầy, mà em ngộ được rất nhiều điều từ trước tới giờ em không tài nào hiểu nổi!"

 

Ông gật gù:

"Tất cả là giống sự thường!"

....

Về sau, có lần Chi đánh bạo hỏi ông một thắc mắc của mình khi trước:

"Tại sao lần đó thầy nói: nhiều người giống như  tà đạo mà cũng đồng thời là Phật nữa! Là sao hả thầy?"

 

Ông thản nhiên:

"Ừ, thì bởi vì ma chướng cũng chính là bồ đề. Mà Huệ Năng cũng đã có nói đó: Bồ đề không phải cội / Tâm không phải là gương / Cội, gương đều không có/ Bụi biết bám vào đâu!"

 

Ngày tạ thế, là lúc ông hưởng thọ một trăm lẻ tám tuổi, người ta nhặt được vô số những hạt xá lợi đủ màu lóng lánh trong đám tro xương còn sót lại sau cuộc hỏa táng.  Và theo di nguyện của ông, nắm tro ấy được mang rải đi trên dòng sông Cửu Long,  thỏa chí ngao du khắp bốn phương trời lãng đãng.

 

Tháng 11.  2004

Văn Chấn Ngọc
Số lần đọc: 2065
Ngày đăng: 23.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vòng trắng - Nguyễn Lệ Uyên
Người Đàn Bà Bên Bông Hồng xanh - Minh Thuỳ
Chat Room - Minh Thuỳ
chợ - Phạm Ngọc Cảnh Nam
Chim trời (5) - Mang Viên Long
Dì Lucia (1) - Mang Viên Long
Vọng người thiên cổ - Lê Hàn Yên
Đêm bãi gió - Trần Đại Nhật
Người chị(1) - Mang Viên Long
Thầy giáo của cha con vua Mèo Vương Chí Shìn - Phùng Phương Quý
Cùng một tác giả
Chuyện Báo và Cọp (truyện ngắn)
Thử thách (truyện ngắn)
Không lời (tạp văn)
Kỳ Nhân (truyện ngắn)
Thiện trong thiện (truyện ngắn)
Khúc Tâm Du (truyện ngắn)
Đêm Muôn Màu (truyện ngắn)