Những con ghẹ oan ức dường như không chịu buôn tha chàng. Dừng xe bên con đường vòng qua lưng núi, trước mặt biển cả mênh mông một màu tối đen, chàng vẫn thấy vẩn lên trong gió mùi tanh tanh của món ghẹ hấp. Chàng không thích ăn ghẹ. Vì sự nhiêu khê, vì thứ mùi rất khó tẩy rửa, nhất là trong bữa ăn hôm nay lại có nàng ngồi bên. Nhưng loài hải sản tươi sống ấy luôn có sức hấp dẫn khách du lịch đến từ nơi xa. Bạn của nàng, một người đàn bà có khuôn mặt vuông và hàm răng chắc, không cần che giấu sự ham thích được cắn vỡ, bóc tách và chấm mút. Suốt bữa ăn, nàng ngồi nhìn người bạn háu đói và mỉm cười rất đỗi dịu dàng. Một chiếc răng khểnh xinh xinh bên khóe miệng. Vì thương những chiếc răng xinh nên chàng ngồi cặm cụi bóc ghẹ cho nàng...
- Cô chú ngồi ghế nhé?
Đứa con gái chừng mười bốn mười lăm tuổi, chủ của những chiếc ghế bố kê sát kè đá, bất ngờ xuất hiện sau lưng hai người, đon đả chào mời. Chàng nhìn chiếc ghế bố đôi còn trống trước mặt, rồi lại liếc nhanh sang những chiếc kế bên đã có từng cặp chiếm chỗ. Mùi ghẹ thoang thoảng khiến chàng bố rối: "Không, không...".
Đứa con gái lẳng lặng bỏ đến chỗ chiếc xe bán đồ giải khát.
- Chỗ tôi tối kia là gì hở anh?
- Đấy là Hòn Bà - chàng đáp trong đầu lởn vởn ý nghĩ: "Có thật nàng đã thân thiết với mình đến thế không ?"
- Có đường đi ra đấy không anh?
- Có, nhưng phải đợi đến khi triều rút.
- "Trên đường phóng xe ra đây, nàng đã nép sát vào lưng mình"...
- Thế nước xuống vào lúc mấy giờ?
- Hình như khoảng bốn, năm giờ sáng...Anh không rõ lắm "Những chuyện như thế thì chẳng bao giờ mình biết được chính xác... Xe máy phóng hết ga. Gió biển vù vù. Mình hỏi: em có lạnh không? Nàng cười khẽ, càng nép vào mình sát hơn: anh che hết gió cho em rồi"
- Mời ông, mời bà!
Giọng đàn ông khào khào. Chiếc mũ vải sùm sụp, khuôn mặt tối. Đôi tay bất động chìa ra trước mặt tập vé số. Chàng định lắc đầu, nhưng không hiểu sao lại đưa tay rút vội lấy mấy tờ nhét vào túi rồi đếm tiền.
- Mình ngồi xuống đây, được không anh?
Lời đề nghị thật tự nhiên, cứ như ngay lập tức thần May mắn đã xuất hiện và mỉm cười, nháy mắt với chàng.
Họ ngồi xuống. Chiếc ghế đôi gần gũi đến mức nếu nàng ngả lưng ra thì chàng phải ngồi thẳng dậy.
Chàng gọi đứa con gái mang đồ uống đến.
- Anh đã ra ngoài ấy bao giờ chưa?
- Ra đâu?
- Ra Hòn Bà.
- à... Một lần... Nhưng đã lâu lắm rồi. Ngoài ấy có điện thờ Bà. Thiêng lắm. Mỗi rằm tháng giêng, người ta lại rủ nhau ra lễ cầu xin Bà tình yêu...
- Cầu cho tình yêu đến với mình?
- Không. Cầu cho tình yêu đừng bỏ đi...
Lâu rồi thật, rằm tháng giêng năm ấy. Chàng và cô nhân tình kém chàng mười lăm tuổi rủ nhau ra Hòn Bà. Trời chưa sáng. Gió lạnh. Những người đi lễ đứng xúm vào nhau trên bãi biển chờ nước xuống. Hồi lâu, một vệt đen mờ hiện hình dần trên mặt biển bàng bạc. Tiếng gọi nhau. Những bóng người nghiêng ngả. Những tảng đá trơn nhãy. Những mảnh vỏ hà sắc lém. Tiếng xuýt xoa chợt thốt lên đâu đó... Cô nhân tình trót mang đôi giày gót cao, giờ đang bối rối lựa từng bước một. Chàng vội nắm tay cô giữ lại, thong thả cúi xuống, cởi giày của mình ra. Ngồi xổm trên vũng nước, chàng bắt cô xỏ chân sang đôi giày rộng thùng thình của mình. Đôi bàn chân xinh nhỏ, mềm mại, hơi lạnh và ngấm nước. Một nụ cười thẹn thùng, rạng rỡ khi chàng vô tình ngước lên. Nụ cười như ân sủng của thượng đế ban xuống cho kẻ yêu hết lòng... Điện thờ Bà người đông cứng. Khói nhang mờ mịt. Lùi ra sau, chàng âu yếm dõi mắt theo chiếc áo dài của mình thoắt chỗ này chỗ nọ với nắm nhang cháy đỏ trên tay. Đầu năm mới, chàng có cầu gì không? Có. Cầu cho mỗi rằm tháng giêng đi lễ hội, chàng lại được quỳ xuống buộc dây giày cho đôi chân xinh nhỏ ấy.
- Đánh giày đi chú!
Chàng bàng hoàng, thẫn thờ nhìn xuống chân...
Lời cầu xin của chàng chư kịp đến tai Bà thì cô nhân tình báo tin: nàng đã có mang. Nhưng là có với chồng, như tất cả những người vợ ngoan hiền khác. Rồi nàng lại vô tư sà vào lòng chàng, muốn chàng tiếp tục vuốt ve mình cùng với cả đứa con hợp pháp trong bụng.
- Chú ơi đánh giày!
Chàng thong thả duỗi đôi chân khuất trong bóng tối ra ngoài:
- Chú không đi giày.
Thằng bé đánh giày chưng hửng nhìn đôi dép, rồi xách hòm đồ nghề lảng đi.
- Cây gì kia hả anh?
- Anh không biết - chàng nhìn theo hướng tay nàng chỉ và lại thấy hiện ra lờ mờ một gương mặt đàn bà khác. Cùng với gương mặt ấy là giọng nói cố làm ra vẻ trầm trọng: "Em đồng ý là trong buổi tối nay chúng mình gọi nhau là anh em... Em có làm anh buồn không"? Buồn ư ? Không chàng chỉ thấy buồn cười. Vẻ trầm trọng làm cho chàng buồn cười. Cách xưng hô làm cho chàng buồn cười. Cách xưng hô ấy là do chàng đề nghị. Cô ta vốn làm cùng cơ quan với chàng, nhưng nay đã chuyển đi nơi khác. Thỉnh thoảng gặp lạ nhau, họ vẫn "chú cháu" như trước đây...
- Thế còn chỗ đèn sáng ngoài kia?
- Người ta bơi trên biển..
- Bơi trên biển?
- ừ bơi trên biển.
"Mình bảo cô ta: tối nay, anh muốn được gọi em là em. Tối nay, hình như cô ta còn xấu hơn mọi lần. Mình lại bảo: anh yêu em. Lẽ ra anh phải nói với em điều đó từ lâu, nhưng anh rất ghét nói bằng thư hoặc nói qua điện thoại. Anh muốn nói trực tiếp như thế này, nhìn thẳng vào mắt em và nói. Rõ là đàn ông nhé! Không gì mạnh mẽ, trung thực hơn được nữa. ấy thế là cô ta cuống quít lên. Cô ta viện lý do để từ chối. Từ chối vì sợ? Vì không yêu mình? Mình đâu cần biết. Mình đang muốn chôn vùi nỗi thất vọng về đàn bà - nỗi thất vọng vô cùng lớn lao và cùng khái quát - vào chính thân thể một người đàn bà cụ thể nào đó. Bất kể người đó như thế nào. Mình là kẻ khốn cùng. Mình đang cần được việc. Không được việc thì về! Đơn giản thế thôi. Băn khoăn cao thượng thế kia thì thật buồn cười. Rõ khỉ"
- Anh đang nghĩ gì thế?
- Anh đang nghĩ... à không. Anh rất thích nghe em nói. Nhiều khi nhớ Bắc, thèm nghe
một giọng con gái Bắc kỳ. Giọng càng chua nghe càng đã...
- Có nghĩa là giọng em chua lắm?
Anh bật cười vì sự thật thà hớ hênh của mình.
- Này em, không hiểu sao chúng mình lại gặp nhau...
Và đi chơi với nhau như thế này...
- Rất nhanh.
- Vâng, rất nhanh.
Nàng có một cử chỉ như muốn ngả đầu vào vai chàng. Chàng nhớ lại lúc hai người mới gặp nhau hồi chiều. Đôi mắt nàng rợp mát nhưng cũng chứa đầy bí mật như một khu vườn hoang. Bản năng tự vệ ngăn chàng lại: đừng, đừng sa chân vào. Vào đấy rồi sẽ không bao giờ ra nối... Vậy mà tại sao vẫn có bữa ăn tối? Tại sao chàng lại ngồi bên nàng, làm ra vẻ tự nhiên bóc ghẹ và gắp thức ăn vào bát nàng? Tại sao còn đèo nàng đi qua những con đường đầy gió, để tim phải thon thót vì những đụng chạm mơ hồ, vì tiếng cười như những giọt nước rơi vào cổ ? Chàng không biết. Chàng để mặc cho số phận cầm tay mình dắt đi...
- Anh bảo những người kia đang bơi à?
- Ai bơi?
- Những ngọn đèn ngoài biển kia kìa.
- Đấy là những con thuyền đang bơi, chứ không phải người bơi.
- Thế còn cái cây kia?
- Cây phi lao. Dân ở đây lại gọi là cây dương.
Nàng ngửa cổ cười khúc khích.
- Em cười gì?
- Em cười là anh đã hơi tinh tỉnh... Cùng một cái cây, nhưng lúc trước em hỏi thì anh không biết cây gì. Còn những chiếc thuyền... Anh đã làm em tưởng nhầm là có người cầm đèn bơi trên biển. Bơi mãi, bơi mãi, thế mà đèn không tắt.
Đêm ở vùng biển, bầu trời thấp và không trong. Nhưng cũng đủ cho những vì sao của Đô-đê (Alphonse Daudet, nhà văn Pháp với chuyện ngắn Những vì sao nổi tiếng) lấp lánh. Cuối thế kỷ hai mươi, chàng chăn cừu không để cho cô gái ngủ gục trên vai mình.
Chàng quỳ xuống bên cạnh chiếc ghế bố, vùi khuôn mặt nóng rực vào lòng nàng. Một tiếng thổn thức sâu thẳm như thoát ra từ ruột đất trong cơn địa chấn nhẹ
Chàng ngủ một giấc thật sâu rồi giật mình tỉnh dậy vì chính tiếng ngáy của mình. Cảm giác đầu tiên: vừa bị ném trả lại cuộc sống ươn ao quen thuộc hàng ngày. Bất giác chàng đưa cả hai tay lên mũi. Mùi ghẹ - thứ mùi khó chịu ám chàng suốt buổi tối qua đã bị xà phòng và nước nóng mấy lần xóa sạch. Lúc đẩy xe ra cửa, suýt nữa chàng lại vấp phải vợ. Vợ chàng đang ngồi nhặt rau. Nhặt cho bữa trưa. Ngỡ như cả nghìn năm nay người đàn bà này chỉ có việc ngồi lo xa những bữa ăn như vậy: buổi sáng đã chập chờn bóng trưa, còn buổi trưa thì hoàng hôn lảng vảng đâu đó rồi...
- Nhớ ghé qua phường, hỏi xem cái bìa đỏ nhà mình xong chưa. Chầu chực hoài, không chừng sang thế kỷ hai mốt!
Lời nhắc nhở tinh tướng đột xuất của vợ khiến chàng lạnh lưng. "Sáng nay nàng sẽ rời khỏi thành phố này. Tàu cánh ngầm rời bến chuyến đầu tiên vào lúc bảy giờ bốn lăm phút. Còn đủ thì giờ cho mình chia tay nàng ở khách sạn"... Chàng vừa nghĩ vừa cho xe tua lại một vòng chặng đường tối hôm trước đã đi qua. Quán ăn với cái tên mời gọi vườn Hồng". Dãy phố dài lấp lánh màu nhũ bạc nhũ vàng của những chiếc quan tài mới đóng. Một bãi biển chen chúc những quầy hàng bán đồ lưu niệm. Con đường uể oải trườn lên sườn núi cao. Và đây, bãi đất trống bên kè đá... Chàng dừng lại, tò mò ngắm nhìn xung quanh. Bãi đất ngập nắng. Những chiếc ghế bố đã được thu dọn, khiến chàng ngơ ngẩn như lạc vào một nơi xa lạ. Lăn lóc đây đó vài mảnh báo cũ, vỏ đồ hộp. Ngoài kia, Hòn Bà hiện nguyên hình với những mỏ đá, vạt cỏ khô cằn. Tất cả bợt bạt ra trong ánh ngày. Những mảnh ký ức tươi ròng đêm trước cũng trở nên rời rã và có vẻ như hoang đường.
Bỗng nhiên chàng thấy ngại... Không, đêm qua không ai hẹn. Không ai nhắc đến cuộc chia tay sáng nay. Cứ như thể hai người không ở cách nhau đến hàng nghìn cây số, và nếu muốn, họ có thể bay đến với nhau bất cứ lúc nào. Cả hai đều dễ chịu, đều ngấm ngầm chấp nhận sự "quên" đó.
Thay vì đến khách sạn, chàng cho xe chạy thẳng tới ủy ban nhân dân phường. Chàng cố tập trung ý nghĩ về chiếc "bìa đỏ". Sắp sang thế kỷ mới rồi thật. Nhưng chàng đã trót mặc vừa tấm áo của thế kỷ này, thế kỷ mà tình yêu cũng cần được cấp giấy chứng nhận, như quyền sử dụng đất đai.