Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.144.244
 
Bàn thêm về cội nguồn dân tộc Việt Nam
Hà văn Thùy

(nhân trao đổi với ông Trần Trọng Dương)

 

Chân thành cảm ơn ông Trần Trọng Dương đã trả lời bài viết của tôi đồng thời cho tôi có dịp thưa chuyện với bạn đọc. 

 

Bất đồng giữa tôi và ông Trần Trọng Dương là mâu thuẫn giữa hai hệ quy chiếu. Ông Trần Trọng Dương nằm trong quan niệm lịch sử văn hóa của phần đông giới khoa học hiện nay. Trên đại thể, quan niệm này cho rằng, người Việt và người Hán là hai tộc người sinh sống dưới chân cao nguyên Thiên Sơn. Người Hán vào Trung Nguyên còn người Việt theo sông Dương Tử xuống miền Hoa Nam. Bị người Hán xua đuổi, người Việt vào chiếm đất Việt Nam ngày nay. Do những điều kiện riêng, người Hán tạo dựng nền văn hóa sớm. Các quốc gia Đông Á, đặc biệt là Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Hán.

 

Quan niệm như vậy đã là nền tảng của nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhân văn phương Đông. Tuy có những phát hiện về văn hóa Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn, thời đại Hùng Vương…nhưng khoa học nhân văn Việt Nam cho tới cuối thế kỷ XX vẫn có hàng loạt vấn đề gốc rễ chưa được giải quyết. Có thể nói không quá lời là, khoa học về thời tiền sử của dân tộc còn như một bãi hoang mà trên đó mới dựng được vài căn lều tạm. Tình trạng như vậy là hệ quả tất yếu của những chuyện đáng tiếc. Chẳng hạn, trong trả lời phỏng vấn đài BBC tiếng Việt đầu năm 2005, nhà sử học Trần Quốc Vượng cả quyết: “người Việt bị Hán hóa từ thời Bắc thuộc” và không có một trung tâm nào trên thế giới, từ đó nghề nông được truyền sang các vùng khác.”(1) Tác giả Nguyên Nguyên trên nhiều mạng Việt ngữ, dùng thủ thuật “quay nhanh băng vidéo” kéo thời đại Hùng Vương bắt đầu từ năm 330 TCN đồng thời khẳng định những từ thuần Việt như bút, viết…là từ gốc Hán,  Trước đó, những trí thức bậc thầy như Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố thì cho rằng: “Tiếng Việt mượn đến 70 % từ tiếng Hán.”! 

 

Một thực trạng đáng buồn là, cho tới cuối thế kỷ trước, chúng ta chưa hề biết chính xác về nguồn gốc cũng như lịch sử, văn hóa của Việt tộc. Buồn nhưng không trách ai được, vì đó cũng là giới hạn của tri thức nhân loại. 

 

Sang thế kỷ này, nhờ công nghệ di truyền và internet, nhiều thông tin khoa học mới đã đến với công chúng.

 

Vốn là cử nhân Sinh học làm nghề viết lách, có mối quan tâm sâu sắc đến cổ sử nên khi nhận được thông tin của nhóm Y.J. Chu, J. Li…tác giả Dự án Đa dạng di truyền người Trung Quốc (Chinese Human Genome Diversity Project), tôi nhận ra ý nghĩa cách mạng của phát hiện này nên tập trung thời gian đi sâu tìm hiểu. Nhờ vậy, tiếp cận với nhiều công trình quan trọng khác như Địa đàng ở phương Đông (Eden in the East), Out of Eden Peopling of the World (Rời khỏi địa đàng chiếm lĩnh Trái đất), Genographic (Dự án Bản đồ gen)…

 

Kết nối tri thức mới nhất về nhân loại học với những hiểu biết về khảo cổ, nhân chủng, lịch sử, văn hóa Việt Nam và phương Đông, tôi viết tiểu luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa”, đưa lên mạng talawas.org đầu năm 2005. Khi nhận thêm dữ liệu, tôi khai triển tiểu luận trên thành sách “Tìm lại cội nguồn Văn hóa Việt”, được Nhà xuất bản Văn học in giữa năm 2007. Cũng trong thời gian trên tôi viết hàng chục bài báo về cùng đề tài. Làm những việc đó, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng:

 

Khoảng 70.000 năm trước, người Khôn ngoan Homo sapiens gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid đã từ châu Phi theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. Găp môi sinh thuận lợi, họ đã hòa huyết, sinh ra 4 chủng người Việt cổ thuộc loại hình Australoid rồi lan tỏa khắp Đông Nam Á, lên khai thác đất Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và châu Mỹ. Cũng trong thời gian này, có những nhóm Mongoloid riêng lẻ từ Đông Dương đi lên Tây Bắc Trung Quốc, trở thành tổ tiên những bộ lạc du mục. Ít nhất là 5000 năm TCN, bên sông Hoàng Hà, người Mông Cổ đã tiếp xúc, hòa huyết với người Việt cổ, sinh ra chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ mở cuộc xâm lăng lớn chiếm đất của người Việt. Một bộ phận người Việt vượt biển lánh nạn. Phần lớn người Việt đã ở lại chung sống với quân chiếm đóng. Hai chủng Việt, Mông hòa huyết sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, được gọi là người Hoa Hạ, tổ tiên của người Hán. Là con lai, người Hoa Hạ tiếp thu văn hóa của tổ tiên Việt – Mông, xây dựng văn hóa Trung Hoa. Một hệ quả tất yếu: những văn hóa vật thể và phi vật thể có mặt trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN thuộc về Việt tộc.

 

Trong số thuyền nhân Bách Việt di tản khỏi lưu vực Hoàng Hà tới Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và các vùng đất Đông Nam Á khác, có chủng Mongoloid phương Nam, chủ nhân văn hóa Ngưỡng Thiều (Yangshao). Người Mongoloid phương Nam đã hòa huyết với người tại chỗ, làm biến đổi di truyền đại bộ phận dân cư Đông Nam Á từ loại hình Australoid sang Mongoloid phương Nam

 

Ở Việt Nam, người Việt từ Hoàng Hà trở về kết hợp với đồng bào của mình  xây dựng đất nước Văn Lang. Trong khoảng nửa thiên niên kỷ, cho tới 2000 năm TCN, việc hòa huyết hoàn tất, đại bộ phận dân cư Văn Lang là Mongoloid phương Nam, người Australoid trở thành thiểu số.  

Như vậy, lịch sử Việt tộc có hai thời kỳ: thời kỳ đầu từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Thời kỳ thứ hai, đại bộ phận ở lại dựng nước Trung Hoa, một bộ phận trở về dựng nước Văn Lang cùng các quốc gia Đông Nam Á khác. Dòng Việt này bổ sung văn hóa tích lũy được ở phương Bắc vào văn hóa Việt Nam đồng thời làm chuyển đổi di truyền của dân cư Việt sang Mongoloid phương Nam.(2)

 

Công nghệ gene cũng cho ta biết con đường loài người chinh phục Trái đất. Đấy là hành trình đầy gian nan và chết chóc. Lứa đầu tiên rời khỏi châu Phi đã bị chôn vùi trong băng giá đất Ixraen 90.000 năm trước. 74.000 năm trước, trên tiểu lục địa Ấn Độ, hơn chục ngàn người bị thiêu trong nham thạch núi lửa Toba. Vào thời băng hà cuối cùng, hầu hết người đi lên địa cực bị tiêu diệt vì lạnh đột ngột. Chỉ tới 10.000 năm trước, thời tiết châu Âu mới ấm lại, tạo điều kiện cho nông nghiệp manh nha trên miền đất này (3)… So với những tai biến mà loài người phải chịu thì những người tới Việt Nam 70.000 năm trước đã lạc vào địa đàng. Khí hậu ấm áp, một đồng bằng ven biển rộng mênh mông, nhiều sông hồ, cây cối xanh tươi, nhiều thú rứng, tôm cá làm nguồn thức ăn dối dào. Con người ở đây đã tăng nhanh số lượng, sáng tạo công cụ đá mới đầu tiên của nhân loại và khoảng 20.000 năm trước phát minh ra cây kê, lúa nước, khoai sọ, thuần hóa gà, chó… Từ trung tâm Hòa Bình, người Đông Nam Á cung cấp vật nuôi, cây trồng và tư tưởng nông nghiệp cho các vùng khác của thế giới. 

  

Đấy là bức tranh khái quát giai đoạn tiền sử Việt tộc mà trí tuệ nhân loại đã tặng cho cộng đồng người Việt.

 

Từ cái nền tri thức mới này, chúng ta có cơ sở để lý giải nhiều vấn đề của lịch sử, văn hóa Việt Nam mà trước nay chưa tìm ra đáp án. 

 

Do Việt tộc đã sống trên đất Trung Hoa từ 40.000 năm trước và đại đa số dân cư Trung Hoa thời thái cổ là người gốc Việt nên hệ quả tất yếu, văn hóa Việt là chủ thể tạo thành văn hóa Trung Hoa. Mặc nhiên, ngôn ngữ Việt cũng góp phần hình thành ngôn ngữ Hán cổ đại. Qua thời gian dài hơn 4500 năm, qua nhiều biến cải, ngôn ngữ Việt xưa đã hòa tan vào ngôn ngữ Hán hiện đại, dẫn tới hệ quả ngược đời là không ít học giả cho rằng, phần lớn tiếng Việt được học từ tiếng Hán!  Nhưng bằng tâm linh và dự cảm, nhiều người Việt vẫn nhận ra dấu ấn của tổ tiên mình trong văn hóa Trung Hoa. Giáo sư Kim Định với dự cảm thiên tài đã giải mã hàng loạt truyền thuyết để tìm lại cho ta Việt nho, triết lý An vi bị khuất lấp. Tiến sĩ Lê Mạnh Thát cũng rất tài tình khi từ những dấu vết mong manh trong Lục độ tập kinh tìm ra hình bóng tiếng Việt trong Hán ngữ. Có điều, khi tìm tòi trong cô đơn, các vị chưa hề biết đến lịch sử chân thực của giống nòi. Ngày nay, nhờ có trong tay lịch sử chân thực của Việt tộc, chúng ta có cơ sở khoa học để lý giải những ý tưởng của các vị.

 

Tìm lại cội nguồn là phát kiến lớn, không chỉ cho ta khám phá ra lịch sử, văn hóa chân thực của Việt tộc, đáp ứng nhu cầu hiểu biết mà quan trọng hơn, nó giúp ta khai thác nhiều lớp trầm tích văn hóa Việt đang lưu giữ tại phương Đông, kết tinh trong Việt nho với nội dung Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh và Đạo Việt An vi. Đấy là khối năng lượng tâm linh, tinh thần, văn hóa vĩ đại không chỉ giúp ta phục hưng Việt tộc mà còn tìm ra phương cách đưa nhân loại đi lên trong những năm tháng đầy khó khăn này.

 

Phát hiện ra cội nguồn, lịch sử, văn hóa chân xác của Việt tộc là niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân Việt. Nhưng dù sao cũng không tránh khỏi có những người cảm thấy mất mát. Đó là những vị cả một đời học hành, thi cử, thành danh trong một hệ quy chiếu, nay bỗng chứng kiến lâu đài của mình sụp đổ. Với những chàng trai trẻ mới ra trường, mang một “túi càn khôn” trong bụng, tưởng như mình có thể làm nắm cả hồn vía thiên hạ. Nhưng rồi chợt nhận ra rằng, có những cuốn sách mình đọc, ông thầy mình học thuộc về tri thức của hôm qua, sao tránh khỏi hụt hẫng? Nhưng ở đời, trong họa có phúc. Sự sụp đổ của hệ quy chiếu cũ chắc chắn sẽ mở ra chân trời mênh mông cho sáng tạo ...

  

Sài Gòn, tháng 5.2008.Bản tác giả gửi VCV

 

1 Từ khảo cổ đến văn hóa. GS Trần Quốc Vượng mạn đàm với BBC. Bài đăng trên Đông tác.net (Eastern culture.net) số ra ngày 12.3.2007.

2. Hà Văn Thùy: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt. NXB Văn học, 2007.

3. Stephen Oppenheimer: Out of Eden Peopling of the World http://www.bradshawfoundation.com/journey/introduction.html.)

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 5053
Ngày đăng: 28.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn thêm về thông báo cho thiên hạ cần vương (cáo dụ cần vương), lệnh dụ thiên hạ cần vương & cụm từ “tờ chiếu cần vương của vua Hàm Nghi” - Trần Xuân An
Đức Bổn Sư đạo Tứ ân hiếu nghĩa cùng “Bá gia” quyết trấn giữ vùng biên cương, núi xa - Nguyễn Hữu Hiệp
Việt Nam và những vấn đề ở biển Đông - Giang Tâm
Đô thị ở Nam bộ thời cận đại - Nguyễn Thị Hậu
Bàn lại với ông Trần Trọng Dương : Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt? - Hà văn Thùy
Huyền tượng mẹ ÂU CƠ: Bi kịch và mầu nhiệm - Trần Xuân An
Giai đoạn huyền sử trong ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (1697) và KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (1884) - Trần Xuân An
An Dương Vương : “Giặc Thục” hay anh hùng bi tráng ? - Trần Xuân An
Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần Chung, Sài Gòn 1929 - Lại Nguyên Ân
Nhận định danh nghĩa TRIỆU ĐÀ (NHÀ TRIỆU – HÁN) và phân kỳ lịch sử : Giai đoạn mất nước - Trần Xuân An
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)