Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.163
123.146.975
 
Thiện trong thiện
Văn Chấn Ngọc

Một ngày, Nhựt và người em gái tên Nguyệt đến một vùng đất khá lý tưởng để thuê nhà ở, vừa làm vừa học tự nuôi nhau. Vì cha mẹ mất sớm nên Nhựt  phải bỏ học nửa chừng, làm nghề đội cát theo ghe, cam lòng sống kham khổ  hiền lương  để nuôi  em ăn học. Họ đã sống trong một gian nhà lá nhỏ hẹp, thấp và nóng như lửa. Nóng đến nổi... mùa khô, cảm giác như họ đang được... chưng cách thủy trong một cái chảo gang _ nếu buổi trưa họ ở trong nhà.

 

Những khi ấy, Nhựt thường xách vài thùng nước tạt lên mái nhà mong giảm đi phần nào sự nóng bức điên người. Tức thì  nó hoá thành những dòng nước nóng hổi, miệt mài chạy đuổi bắt nhau trên mái tôn ầm ầm như suối, rồi nhanh chóng rớt xuống mặt đất mất hút ngay không còn tăm tích. Căn nhà nóng dịu xuống chốc lát, tựa như cơn khát cháy cổ được giải tỏa bằng một ly nước nhỏ.

 

Vào mùa mưa, trong nhà hai anh em thường thấy lỉnh kỉnh những thau thùng để rải rác khắp nơi  và một số tấm ny lông che đậy tủ áo; che chắn chỗ nằm và hứng chịu những giọt nước trời ban cứ nghiễm nhiên thánh thót, tí tách rơi rơi, ỡm ờ với họ như một sự ngang nhiên thách thức. Họ vẫn cứ sống như thế năm này qua tháng khác một cách điềm nhiên không phiền lụy.

 

Bù lại, Nhựt và Nguyệt cũng thấy vui vui phần nào khi phía trước sân nhà có mảnh vườn bé xíu, màu mỡ và nhộn nhịp với các loại cau kiểng, bưởi, nhãn, sả, gừng... chen chúc sống chật hẹp ấm áp bên nhau. Thường ngày có vài loài chim bay đến chíu chít tìm mồi, hót vang và thậm chí... ngủ gục trên những tàng cây xanh ngát thơm mùi nhãn chín. Dưới, có vài trự gà mái tơ, gà mái dầu, gà trống, gà chọi, gà con... liên tục diễu hành qua lại quanh đó chăm chỉ nhặt nhạnh thức ăn. Lũ gà trống cần mẫn và sung sức đến mức... thường tỏ vẻ khoái trá đạp phanh phách vào những bụi cau kiểng và hăng say bới tung đám đất bộn bề để tìm bằng được một con giun nhỏ đang trốn lánh _ mà không hề nghĩ  mình đang làm tổn thương người khác. Cau kiểng thường trân mình chịu đựng những cú đá dữ dằn kia một cách đáng khâm phục. Khiến nhiều lần chứng kiến, Nguyệt lại liên tưởng đến cái bao cát đang bị những võ sĩ tồi tệ nhất nhắm mắt mà đấm mà đá, lung tung túi bụi. Và những bụi sả, bụi gừng thường phải cong oằn, gãy gục  đi  đau đớn vì không chịu nổi.

 

Có ai đó ăn đu đủ quăng hạt tứ tung. Những hạt đu đủ bé nhỏ, tròn đen và trơn bóng lập tức lao đi tìm đất sống. Có hạt rơi vào vũng nước mưa; Có hạt nằm trong đống phân gà... Có vài hạt rơi trúng vào đám đất tơi xốp của lũ gà bươi sẵn hôm trước và duy nhất một hạt sống sót, âm ĩ  nảy thành mầm  tự  lúc nào không biết! Ngoảnh đi quay lại đã thấy hiện hữu trên mặt đất một mầm non xinh xinh tươi tắn, xanh mát mắt!

 

Cũng giống những thân cây yếu đuối ở xung quanh, Mầm xanh rất sợ những trự gà táo tợn nổi tiếng kia. Mỗi khi chúng nhón chân êm đềm rảo bước ngang qua là mỗi lần Mầm xanh chết khiếp. Sợ đến độ những tay lá non tơ phải xếp lại héo hắt, xuống màu đi một cách thảm thương! Hình như nó đang đau khổ. Hình như nó chiêm nghiệm ra một điều: "Mình phải mau chóng trưởng thành, cứng cáp, may ra mới mong chịu đựng được bạo lực phũ phàng của những ông bà gà kia". Nên nó đã cố gắng vận động, vẫy vùng, lao động cật lực ... Trong một thời gian ngắn, nó cao được hơn tấc, xanh mởn, vững chải, diễm tình!

 

Sự nỗ lực cuả Mầm xanh rồi cũng được toại nguyện. Nhưng không ngờ cũng là mầm hoạ cho nó. Lúc này lũ gà đã bắt đầu chú ý tới thân cây bé bỏng nhưng... gay mắt kia! Những lúc vui thì thôi. Lúc buồn, chúng bước tới đạp hậu vài cái thật mạnh, bất ngờ làm Mầm xanh chới với bật ngửa, gốc rễ đứt tung, văng bắn đi một đoạn xa nằm xoãi cánh chịu trận. Cứ thế, nó hiu quạnh nhìn trời: "Chỉ cần mỗi người đi qua đạp một cái, đi lại giậm một cái thì mình chết chắc! Đời ta tàn ở đây rồi! "

 

Nó đang than thầm cho số phận hẩm hiu của mình thì Nhựt vừa về đến.  Xách thúng xăm xăm về gần tới cửa nhà mình, chợt anh thấy có một cái gì... kỳ kỳ đang khổ sở nằm  cạnh lối đi. Xem kỹ, thấy ló ra một mép lá xanh non trong đống đất cát lung tung bề bộn. Nhặt lên, Nhựt mới biết đó là nhóc đu đủ đang thoi thóp chờ chết. Mầm xanh lúc ấy cả mừng, vội cố hết sức tàn, run rẩy vẫy lá thì  thào:

"Nước, nước... cứu em với!"

 

Nhựt lật đật nâng Mầm xanh dậy. Nhìn quanh nhìn quẩn, chỉ thấy một cái thùng thiếc đã rỉ sét đang đựng đất mà ai đó đã bỏ lây lất từ lâu. Túng thế, Nhựt mang nó đặt tạm vào, rồi phủ lên chân nó một lớp đất mịn, mỡ màng, rưới lên thân nó một ít nước mát trong lành để nó sớm hồi phục. Làm xong  Nhựt mới tạm hài lòng, xoa tay nhìn nó  lẩm bẩm:

 

"Phen này tụi gà quỉ có xung ba khía cách mấy đi nữa cũng khó đạp càn được đu đủ mi! Cái thùng rách này thấy vậy mà hay, ít gây chú ý cho người khác, cũng không có chỗ để bọn gà đứng được một chân chứ đừng nói tới chuyện đấm đá được  ai!"

 

Nghĩ vậy Nhựt yên tâm đi làm. Quả nhiên về sau lũ gà không còn để ý nữa. Mầm xanh được một khoảng thời gian thanh thản!

 

Nhưng ở đời làm gì có chuyện suôn sẻ dễ dàng cho những người ngay thẳng, khốn khó. Mầm xanh những tưởng từ đây rồi sẽ được yên thân để có thể khôi phục sức lực. Nào ngờ có một buổi chiều kia, bốn người đàn ông cùng xóm ngồi nhậu với nhau rất tương đắc trong một căn nhà lá cạnh bên. Nhậu chưa xong họ đã "cho chó ăn chè". Sẵn chỗ, họ "kê" ngay vào chiếc thùng rỉ sét Mầm xanh đang trú thân làm một hơi... lai láng!

 

Lúc Mầm xanh đang loi ngoi chờ chết, ngộp thở trong đống tạp nhạp khó ngửi kia thì may mắn cho nó, Nguyệt đi học về. Trông thấy cảnh thương tâm, Nguyệt tái mặt kêu lên:

"Ai tàn ác chơi kỳ vầy nè! Cây lá cũng có cảm thọ của nó chớ! Làm vậy cây chết mất thì sao?"

 

Rồi Nguyệt cắn răng nín thở, ì ạch bê nguyên chiếc "thùng đu đủ"  ra sông, thanh lọc đi lớp đất "chó ăn chè" dơ bẩn. Mầm xanh qua cơn ngộp thở, lại ở giữa mặt sông đang lấp loá nắng chiều, bàng bạc vô số những sắc trắng lóng lánh rực rỡ vô tận trên mặt nước lung linh thì quên mất chuyện sống chết vừa qua, bật lên tiếng cười reo vui khoái chí. Gương mặt Nguyệt vốn sáng trong, bây giờ trên sóng nước mênh mông của hoàng hôn huyễn hoặc làm cho Mầm xanh phút chốc  ngỡ ngàng, tưởng như đó là nàng Tiên cá trong cổ tích ngày xưa.

 

Một tuần sau, bà Út chủ nhà trọ mang từ đâu về một cây lựu con xinh xắn. Bà lúi húi trồng nó trên khoảnh đất trống cạnh cây Bưởi, cách Mầm xanh chừng hơn ba mét. Trồng xong, bà cảm thấy dường như  có điều gì khác lạ nên đảo mắt nhìn quanh kiếm tìm... Trông thấy một sự sống mới diệu kỳ đang trỗi dậy một cách tự tại trên đất của mình, bà đột nhiên nổi giận. Bà Út bước nhanh đến, nhổ phắt Mầm xanh quăng tuốt vào đống lá uá gần bên. Lần này, Mầm xanh đứt tiện hết rễ, gần như gãy gập thân lá và thê thảm hơn lần trước.

 

Dường như hai anh em nọ có duyên với Mầm xanh sao đó. Cho nên, lúc nó đang ngất ngư chờ chết thì Nguyệt lại về tới. Cô gái nhỏ vội vàng nâng nó dậy, tìm thêm một số đất ẩm, giàu dinh dưỡng để vào cái sô nhựa đã bị hỏng của mình, đặt nó  vào, vỗ về an ủi và lo toan chăm sóc tận tình. Lần thứ ba, Mầm xanh mạng lớn, thoát chết.

 

Rồi tiện dịp trong một chuyến đi ghe cát cho chủ, Nhựt xin về được một ít đất tốt cho Mầm xanh. Ngày hai buổi Nguyệt tưới cho nó bằng nước vo gạo và để tâm bảo bọc, âm thầm che chở.

 

Trong lúc đó, cây Lựu con ở gần bên giống như một công nương đài các, thong thả nhàn hạ trong nhung lụa ấm êm vì được chính tay bà chủ nhà chăm sóc, bón phân, cưng chìu... Tuy đến sau Đu đủ nhưng nhờ được ưu ái tận tình nên chẳng bao lâu Lựu đã cao dài gấp đôi Đu đủ. Vậy mà vóc dáng nó cứ ngày càng ẻo lả oặt oẹo đi. Đôi lúc Nhựt mỉm cười vu vơ khi liên tưởng đến cơ bắp của một con gà rừng... chắc  chắn  sẽ khác xa hơn  cơ bắp của một con gà nuôi công nghiệp.

 

Ngày kia, Lựu từ trên cao nhìn xuống, cảm thấy tất cả cây cối gần bên đều thấp kém hơn mình thì đắc ý rung cành tự mãn. Rồi tự nhiên sinh lòng lân mẫn, Lựu nhăm nhăm những cành lá khẳng khiu của mình nói với Đu đủ _đang đứng thấp  lè tè phiá dưới_ một cách kiêu kỳ:

"Chị ấy ơi! Chị sống chân thật quá, có hay ho tốt đẹp gì đâu! Cho dù chị có cố sức tốn công nhiều, tích cực sống cách mấy đi nữa thì tới lúc trưởng thành sinh quả ngọt cho đời, cũng sẽ có người khác đến bẻ ngang hái trộm mà thôi ! Rồi công chị trở thành công cốc. Người ta cướp công của chị, nhưng không hề nhớ đến chị đâu!".

 

Nhãn cũng gật gù đồng tình:

" Phải! Sống thật thì dũng cảm đấy! Nhưng nào có ích gì cho bản thân đâu? Như tôi đây, lúc đang ra hoa đầy cành, tưởng như  mùa thu hoạch này bà chủ nhà sẽ được kha khá. Nào ngờ chỉ  trong vài ngày xui xẻo, tất cả hoa đều rụng chết sạch… khiến tôi trở thành kẻ vô duyên như bây giờ!"

 

Đu đủ lúc ấy mới ngước nhìn lên, thấy mình với Lựu cách xa nhau quá chừng, nên mỉm cười  độ lượng bảo:

"Cám ơn em đã nhắc nhở tôi! Nhưng phần thưởng cao nhất cho công sức lao động chân chính của tôi không nhất thiết ở chỗ tôi sẽ nhận được gì. Mà qua đó, tôi cảm thấy được tôi đã trưởng thành như thế nào, bằng cách nào...!"

 

Lựu rung cành lá mạnh hơn, càng tỏ ra bức xúc:

"Cái chị này... sao ngốc thế!... Bây giờ tôi nói thẳng nhé! Chị muốn được như tôi bây giờ thì chị phải bán linh hồn đi! Bán cho quỷ cũng được! Miễn sao chị được nổi danh, chị được phát huy tài năng "chân chính" của mình thì... mất mát chút đỉnh cũng có sao đâu!? Chớ chị cứ một mình tự lực thế này thì chỉ có trời biết, đất biết mà không ai muốn "biết" hết chị ơi! Rồi biết tới chừng nào chị mới giàu có, mới ăn nên làm ra được như kẻ khác chứ! Suốt đời chị cam lòng túng thiếu hoài sao!?... Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm! Chị à!"

 

Đu đủ nhẹ vẫy những cành lá, tỉnh rụi đáp:

" Thì trời biết, đất biết, tôi biết, em biết. Thế là đủ lắm rồi! Mà, cả đời khôn hết đi, chỉ một mình tôi ngu là đủ!"

 

Lúc này, Cau kiểng mới mỉm cười, đủng đỉnh nói:

 "Có thế mới đúng là… Đu đủ. Chân tình không nằm trong những gì được thể hiện và được biết đến. Mà chính ở những điều làm được, nhưng không ai biết đến mà vẫn cứ vui vẻlàm hoài!"

Cây Lựu tức giận run lẩy bẩy, quay ngoắt đi trong trời chiều lành lạnh vì  sự kiên tâm tự cường của Đu đủ. Từ đó, nó không thèm nói chuyện hay ngó ngàng gì tới Đu đủ và Cau kiểng nữa_ "Cao chơi với thấp... mỏi cổ thấy mồ!"_ Lựu nói với Nhãn như vậy.

 

Đu đủ vẫn lầm lũi sống đơn côi, cật lực  như thế. Một thời gian sau, cái thùng đất dung dưỡng nó  bấy lâu nay bây giờ chực vỡ tung ra vì thân hình đu đủ đang ngày càng cao lớn, chắc  lẳn một cách hấp dẫn. Những chùm rễ đâm ngang rẽ dọc tìm đường bám đất sinh sôi vô tình bị chiếc thùng hạn hẹp cản ngăn bít lối. Chiếc thùng sét giờ giống như  một tấm áo chật chội, không che nổi  tấm thân nảy nở khi Đu đủ đang độ xuân trào.

 

Một chiều đẹp trời không một gợn mây, gió heo may hắt hiu lành lạnh thổi khiến Nhựt chợt nhớ ra: "Bây giờ Đu đủ sắp trưởng thành rồi! Nó đã đủ sức đương cự với phong ba đường đời để tiến kịp theo trào lưu của thế giới thì cớ gì mình kềm hãm sự tiến bộ của nó làm chi?!". Nghĩ vậy, Nhựt liền phá tung chiếc thùng cũ kỹ kia. Anh bê nguyên ụ đất ấy ra ngoài chỗ đất trống gần đường đi, nơi có đầy đủ nắng_mưa_sương_gió để cây đủ sức quang hợp, mau chóng trưởng thành.

 

Thế là không lâu sau, Đu đủ lớn nhanh vượt quá đầu người, nghiễm nhiên đứng ngang tầm cây Lựu nhưng thân thể nó lại to lớn gấp ba lần Lựu. Thực sự, khi con người ta còn có chân lý để vươn tới, thì dù trong hoàn cảnh đen tối bão táp nào, họ cũng vẫn vững tâm vui sống. Và, khi phải cố sống cay đắng cho chân lý mà không có những đồng minh tốt như Nhựt và Nguyệt giúp đỡ nhiệt tình thì chắc chắn Đu đủ không tài nào sống tốt. Nó thường tâm niệm vậy.

 

Lúc này Lựu càng ngã nghiêng trước gió tợn hơn trước và ganh tị ra mặt trước sức sống diệu kỳ mãnh liệt của Đu đủ. Có lần không nhịn được, Lựu tỏ ra ta đây, như kiểu sống hời hợt ngày nào, không hề biết được những công hạnh của Đu đủ bao lâu nay. Lựu ngạo ngễ nói, định vớt vát lại những gì mình đã từng khẳng định:

"Ôi! Cái thân chị như vầy , sức mấy có chỗ chen chân mà hòng với tới được mặt trời! Chị coi, xung quanh chị những cành lá rậm rạp của anh Bưởi và chị Nhãn đang vây quanh kín mít như vầy, còn chỗ đâu cho chị chen lọt mà đèo bồng, bày đặt thi đua với ai. Chị cùng đường rồi, Đu đủ ơi!"

Đu đủ lặng thinh. Nhưng nó vẫn âm thầm len lỏi ngày mỗi ngày nhích qua đám gai góc chằng chịt từng chút một. Dần dần nó lách được qua khỏi lớp rào cản của những cành nhánh rậm rạp do Bưởi và Nhãn vô tình hay cố ý đang vươn dài bủa vây, che ngáng nó bao lâu nay. Có lẽ nó chỉ mong đón được chút ánh nắng mặt trời, hít thở sảng khoái bầu không khí trong lành cao khiết. Nhiều lần len lách như thế khiến nó phải trầy xướt thân thể. Nhiều lá rách nát te tua mà nó vẫn vui  vẻ vô tư, không buồn oán hay để bụng.

 

Dù vậy, một thời gian lâu lắm, cuối cùng rồi Đu đủ cũng bứt được lên cao, hiên ngang ngắm nhìn mây bay gió chuyển, hít thở bầu không khí trong lành sảng khoái. Trên đầu nó bây giờ không còn một áp lực nào khả dĩ có thể làm nó lo âu hay phiền não nữa! Giờ nó đã nghiễm nhiên sánh vai cùng những thân cây lâu năm khác, quanh nó là không gian bao la thoáng đãng, khiến tân hồn nó nhẹ lâng lâng. Nó tưởng chừng mình đang dạo chơi, lướt bay thật xa cùng gió núi mây ngàn.

 

Ngày Đu đủ cho ra lượt quả đầu tiên  thì  cây Lựu chết. Lựu chết bất ngờ một cách tự nhiên không duyên cớ hay vì Lựu đã không đương đầu nổi với cơn gió lạ đêm qua?  Quả là tối qua có cơn gió lạ cuốn đi thật nhanh trong khoảnh khắc, nhưng gió lớn gầm rít dữ dội khiến khu vườn nhỏ sợ hãi rên rĩ, xôn xao. Sáng bảnh mắt ra, Nhựt đã thấy lá cây xơ xác ngập đầy sân, một số cành ngỡ như vững chắc lại bị gãy lìa nằm la liệt khắp lối... Sực nhớ tới thân cây Đu đủ tội nghiệp, Nhựt đưa mắt ngắm nhìn. Kỳ diệu thay, nó không hề chi mà chỉ xướt rụng một vài tay lá úa vàng.

Rồi Đu đủ cũng tới thời kỳ sung mãn nhất và khai hoa nở nhụy.

 

Vài ngày, lúc những quả Đu đủ non còn treo trên cây xanh bóng, mẩy tròn, hấp dẫn  thì  có người nhà của bà Út  đến thăm hỏi và "nhận bà con" với nó. Bà con… đại bác bắn không tới! Mỗi ngày họ đến ngồi xổm dưới gốc đu đủ, tiện tay gỡ những mảnh gạch xinh xắn ở lối đi cạnh bên, đem úp lên gốc đu đủ vì  sợ gà bươi trốc gốc(?). Khốn thay! Những mảnh gạch ấy là do chính tay Nguyệt nhặt được từ  những tiệm bán vật liệu xây dựng, mang về lót che lối đi trước sân nhà để tránh gà bươi móc dơ bẩn. Và mỗi ngày, họ đều đến thăm chừng _ kể cả bà Út, họ săn sóc chút đỉnh như  một sự khẳng định rõ ràng với mọi người: đây là vật sở hữu của tôi đấy nhé!

 

Nhựt chứng kiến tường tận từ đầu chí cuối, nhưng không nói chi, cũng chẳng tỏ vẻ giận hờn. Nguyệt vẫn thinh lặng tưới Đu đủ bằng nước vo gạo đều đặn như lúc trước. Đu đủ vẫn tiếp tục cứng chắc, sinh quả ngon hết lượt này đến lược khác. Mỗi lần quả chín đều có người bí mật đến hái đi.

 

Có điều, Nhựt và Nguyệt không hề hái Đu đủ, cũng không quan tâm ai đã hái mất hoài! Có người hàng xóm ở cạnh nhà thấy chuyện trái mắt không chịu được, nên một lần đã hỏi thẳng Nguyệt khi Nhựt vắng nhà:

" Công mình làm cực khổ, sao lại để người khác hưởng mà chi?"

Nguyệt cười cười:

" Tôi cũng không biết nữa!  Nhưng có lẽ anh Nhựt của tôi biết! Mà, có khi đơn giản chỉ vì mình không muốn một sự phấn đấu tích cực bị hủy diệt đi trong bóng tối mà thôi, chứ cũng không cần phải chờ được ăn quả ngọt! Điều quan trọng là tự thân Đu đủ đã cố vươn lên, đã gắng sống một đời lương thiện và đạo đức trong sự vùi dập rẻ khinh. Nó đã mang quả ngọt cho đời mà không hề câu chấp:  công của tôi, hay của người này, người khác!”

 

Tháng 01.2005

Văn Chấn Ngọc
Số lần đọc: 2144
Ngày đăng: 29.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện lẩm cẩm quanh quả táo - Đào Hiếu
Khối u - Trần Đức Tiến
Sa mạc người - Trần Đại Nhật
Dòng đời vẩn trôi - Hội An
Tỉnh Giấc - Trần Đức Tiến
Gà nhập - Nguyễn Đình Bổn
Cô gái trong đêm chung kết hoa hậu - Phạm Thanh Phúc
Tảng sáng mờ sương - Trương Đạm Thủy
Cây hậu sự - Quý Thể
Kỳ Nhân - Văn Chấn Ngọc
Cùng một tác giả
Chuyện Báo và Cọp (truyện ngắn)
Thử thách (truyện ngắn)
Không lời (tạp văn)
Kỳ Nhân (truyện ngắn)
Thiện trong thiện (truyện ngắn)
Khúc Tâm Du (truyện ngắn)
Đêm Muôn Màu (truyện ngắn)