Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình
Câu ca dao ướt đầm nước mắt thở than cho thân phận người phụ nữ thuở trước không còn ứng hợp với thời nay nữa, khi xã hội đã thực hiện giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng. Và rồi có ngày, tôi đã thực sự tham gia vào việc “giải phóng” đó khi nhập vào trong số những đàn ông đưa vợ đến khoa sản Bệnh viện tỉnh để “vượt cạn” sau đủ chín tháng mười ngày thai nghén nhọc nhằn.
Ngay khi những cơn đau trở dạ quặn thắt của vợ tôi bắt đầu chuyển từ thưa thớt, ngắt quãng sang dồn dập, tôi đã hối thúc vợ chuẩn bị lên đường, kẻo sợ nước đến chân mới nhảy thì nguy. Tôi chở vợ với bụng bầu lặc lè và hành lý, và áo xống, và tã lót, tôi chở cả tương lai đời mình trên một chiếc xe được chạy với tốc độ rùa bò nhưng lòng người chạy xe lại cứ hớt ha hớt hải như...ngựa phi nước đại. Chạy trong chiều đang dần xế mà cứ sợ trời sắp ập tối đến nơi, ừ thì “trai thương vợ nắng quái chiều hôm” mà. Đưa vợ vào phòng chờ sinh, tôi hơi hoảng giữa vòng vây của “một nửa nhân loại” bầu bì nhưng rồi cũng thở phào, khi nhác trông thấy có dăm ba dáng đàn ông túc tắc dìu vợ đến. Coi như mình có đồng minh để sẵn sàng ứng phó với những cơn tam bành của phụ nữ rất có thể nổi lên trong thời điểm “vượt cạn” ngặt nghèo biết đâu đấy. Trong phòng đợi sinh, cũng giống như bao phụ nữ mang nặng đẻ đau khác, vợ tôi quằn quại trong cơn đau tái nhợt mặt mày. Không nằm được, không ngồi được, hai tay nàng cứ bíu lấy hai thành giường, mắm môi, mắm lợi, rán hết sức bình sinh để chống chọi với sóng gió bất trắc khôn lường của cuộc “vượt cạn”. Chợt nhớ, Sigmund Freud, nhà phân tâm học trứ danh người Áo gốc Do Thái đã tìm cách giải mã những hình ảnh tượng trưng trong giấc mơ, để biết được người nằm mơ đã nghĩ gì, và theo phân tâm học Freud, giấc mơ về sự sinh đẻ bao giờ cũng được tượng trưng bằng hình ảnh chính là nước. Đã có nước, ắt có sóng gió, chuyện sinh đẻ là một chuyện sóng gió ngay cả trong giấc mơ của bao nhiêu sản phụ vậy. Nhìn vợ tôi đang bơi chới với trong biển nước Freud, không tay chèo, tay chống, một bà ngồi ở giường bên có lẽ đã quá từng trải chuyện sinh đẻ nói đùa mà thật:
- Hèn gì những cái giường ở phòng đợi sinh này, không có giường nào được lắp cọc treo màn cả. Lắp cọc vào sẽ bị sản phụ bẻ gãy hết.
Không có cọc treo màn, tôi đứng làm cọc cho vợ trì níu. Quay sang bên, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ người Vân Kiều cũng đang thắc thỏm đứng ngồi chờ cơn “vượt cạn”. Cô vợ khóc thút thít không thành tiếng, mắt đỏ hoe cứ như mới thuở nào bắt đầu biết tương tư. Tôi bắt chuyện với đức ông chồng vừa để cho đỡ buồn, vừa tìm niềm sẻ chia cùng cảnh ngộ. Người chồng tên là Hồ Văn Thoà, 23 tuổi, ở bản Vũng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông, cô vợ mới 20 tuổi mà đã “vượt cạn” lần này là lần thứ hai rồi. Chú em tôi vào thăm vợ chồng tôi đã đùa Thoà: “E mi ham chơi nên tảo hôn chớ chi”. Thoà không giận, chỉ lặng cười. Tôi hỏi Thoà:
- Sao em không để vợ sinh tại trung tâm y tế huyện cho gần mà đưa về Bệnh viện tỉnh chi cho xa?
- Sinh ở đây nhanh hơn - Thoà thủng thẳng giải thích - Lúc miềng đưa vợ đi sinh là lúc ở bản đang vào vụ trĩa lúa. Miềng phải bỏ rẫy mà đi, trông cho vợ sinh mau để miềng còn về làm cho kịp vụ.
Vợ tôi lại níu trĩu cả vai tôi xuống nhưng cái “cọc người” là tôi vẫn ráng trụ để không bị gãy gập như cọc giường. Nàng thở dốc tưởng đứt hơi, còn tôi vừa hổn hển thở lấy hơi, vừa tiếp tục mạch chuyện với Thoà:
- Vợ chồng Thoà trĩa lúa mỗi vụ được nhiều ít? Lúa có tốt không, có bón phân cho lúa không?
- Miềng trĩa được một thúng rưỡi. Nếu rẫy tốt sẽ thu hoạch được hai mươi thúng, nhưng rẫy của miềng chỉ thu được chừng mười hai, mười ba thúng. Bởi vì rẫy của miềng là rẫy đồi, dốc nên không bón phân được, có bón, phân cũng trôi mất thôi.
Vợ tôi nãy giờ những tưởng chỉ biết nghiến răng chịu đựng cơn đau vật vã của thiên chức “trời hành”, bỗng nổi cáu gắt:
- Đang mệt điếng người đây này mà cứ nói chuyện vơ vơ vẩn vẩn.
Suýt nữa thì tôi đã buột mồm cãi lại vợ: “Không biết gì mà cũng nói. Có biết là tôi đang nói chuyện hệ trọng với thằng em con của mẹ Âu Cơ ở trên núi, cùng chung một bọc sinh ra không. Cô cứ tưởng cái bọc của cô là to lắm, bọc của mẹ Âu Cơ còn to gấp trăm”. Nhưng tôi cứ lặng người, tiếp tục gồng mình làm nhiệm vụ “cọc người”. Tôi cố xốc nách nàng lên để giữ cho cái “cọc người” đứng thẳng, tránh nguy cơ ngã quỵ. “Ấy ấy, đừng kéo, đừng kéo. Đau lắm! Nóng lắm!”. Cái “cọc người” phải nhún xuống, và người làm cọc cũng phải có “độ nhún” vật lý, cứng quá dễ gãy. Lâu nay, phương châm sống của tôi là hết sức tránh tranh chấp, tranh cãi với phụ nữ, bất kể đó là phụ nữ trong nhà, trong cùng cơ quan hay ngoài xã hội, tránh khắc khẩu để khỏi mắc vào “khẩu nghiệp” bởi phụ nữ. Tôi có đi nhậu với bạn bè say khướt đến khuya mới lê tấm thân tàn về nhà, vợ có nhiếc móc gì cũng mặc, tôi chẳng đá thúng đụng niêu, cũng chẳng thượng cẳng chân hạ cẳng tay làm gì (chả là danh ngôn có câu: “Đừng đánh phụ nữ, dù chỉ là đánh bởi một cành hồng”). Tôi cứ lặng lẽ chuồi thân vào giường ngủ vùi theo “cơn đau vùi”. Nàng không bắt phải ly thân là may phước lắm rồi. Nói chung, ứng xử với phụ nữ, tôi thấy đem áp dụng cái phép xử thế của Lão Tử xem ra đầy công hiệu: “Vì ta không tranh với ai cả, cho nên không có ai tranh nổi với ta”. Nhân lúc nàng lịm người trong “cơn đau vùi” của nàng, tôi lại khều chuyện Thoà:
- Vợ chồng Thoà làm như thế thì đủ ăn mấy tháng trong năm, có tháng nào thiếu ăn không? Thiếu ăn thì có việc gì làm thêm để sống?
- Trỉa lúa như miềng đủ ăn khoảng 7-8 tháng, nên miềng phải làm thêm những việc khác để sống, trước đây cũng có đi gùi cõng thuốc Jet, hàng hoá ở Lao Bảo, đi kéo bè gỗ dọc sông, suối - Đương lúc Thoà kể không chút giấu giếm, tôi hỏi cắt ngang:
- Đi kéo gỗ, thế Thoà không sợ kiểm lâm sao?
- Thì miềng cũng biết là làm tầm bậy tầm bạ rứa đó - Thoà cười thành thật - Nhưng nay thì miềng chỉ đi chở cát sạn thôi.
- Thế ở vùng bản của Thoà, những hộ khá giả họ làm nghề gì, trồng cây gì? Thoà có học theo họ được không? - Tôi hỏi một câu có vẻ “định hướng”.
- Những hộ khá lên là nhờ trồng cà phê, tiêu sọ, hộ khá trồng được năm sáu trăm gốc cà phê. Họ có đất bằng, còn Thoà chỉ có đất đồi, chỉ trỉa được lúa thôi.
Bất giác, tôi nghĩ, miền núi Quảng Trị thiếu gì tiềm năng đất đai còn chưa được đánh thức. Nếu vùng Thoà ở không còn đất bằng nữa, những người như Thoà nếu siêng năng có thể đi khai phá đất đai trồng cây công nghiệp ở nơi khác, nhưng điều này cũng cần có sự tư vấn của các ngành chức năng, các nhà kỹ thuật, sự trợ vốn bằng cho vay ưu đãi v.v...Từ chuyện lâu dài, sực nghĩ đến một chuyện sát sườn của vợ chồng Thoà, tôi hỏi thẳng mà không ngần ngại, khi hiểu rằng, với người dân tộc thiểu số, nếp nghĩ tốt nhất vẫn là nghĩ một cách thiết thực, cụ thể, trực quan:
- Này hỏi thật nhé, đưa vợ về sinh ở đây, Thoà giắt lưng được nhiều ít tiền? Vợ chồng Thoà có giấy công nhận hộ nghèo miền núi để được miễn viện phí hay không?
- Miềng đem theo được 55 nghìn đồng, đi xe đò, xe thồ, rồi ăn uống từ hôm qua đến giờ hết hơn một nửa rồi. Nếu ở lâu thì phải về nhà nhờ ông anh giúp thêm. Miềng mới ra ở riêng, chưa làm giấy công nhận hộ nghèo. Có thể, miềng sẽ xin Bệnh viện tỉnh miễn phí cho vợ mình, chắc họ cũng cho thôi.
Có Thoà để chuyện vãn, dường như tôi quên bớt nỗi sốt ruột vì quãng thời gian chết gí không trôi, quên bớt đi cái bụng đói, kiên trì ngồi đợi vợ sinh suốt từ chiều cho đến tối. Thế rồi tôi cũng tạm thở phào, khi nghe chị bác sĩ nọ bảo tôi đưa vợ vào phòng đẻ. Vợ tôi than đau, nhưng tôi hiểu trong lời than đó có một cái lệnh của nữ quyền ban ra: “Ôi, xoa lưng cho với, đau quá”. Tôi tức tốc xoa xoa xoa xoa. “Ấy, ái! Không đúng rồi, xích lên tý, tý nữa!”. Tôi lại cần mẫn xoa từ đoạn thắt lưng trở lên sườn lưng nàng. Nghĩ đến Thoà và câu chuyện bỏ dở, trong lúc đang xoa lưng vợ, tôi chợt nhớ đến một câu thơ người miền núi, chính xác là của người Mèo diễn tả nỗi khắc khoải của chàng trai Mèo khi phải tạm biệt người yêu: “Ta lê bước về nhà, Hồn như còn ngủ ở thắt lưng em”. Tay tôi dường như có hồn Mèo thổi vào nên đã đỡ mỏi và đỡ vụng về hơn. Lại nghĩ, đàn bà được sinh ra từ một cái xương sườn của đàn ông, vậy tôi xoa lưng vợ chính là xoa cái sườn của mình ở trong “tiền kiếp”. Sách Sáng Thế, Kinh Thánh kể rằng, một lần nọ, người đàn bà nghe theo lời của con rắn xảo quyệt nên đã sa ngã, đã ăn trái cấm của cái cây “biết lành dữ” mọc giữa vườn Ê đen và còn dụ chồng cùng ăn, mặc dù biết rằng Chúa cấm. Vì thế, người đàn bà đã bị Chúa trừng phạt: “Ta sẽ làm cho mày chịu nhiều đau khổ lúc thai nghén, mày sẽ phải đau đớn khi sinh con, mày sẽ quyến luyến chồng mày nhưng chồng mày sẽ làm chủ mày”. Dù sao đi nữa, vẫn xin ngàn lần cám ơn sự “sa ngã” đó của đàn bà, sự sa ngã đã khiến cho loài người phải rời khỏi vườn địa đàng Ê đen, nhưng từ đó, con người được sống với những đắng ngọt đích thực của trần gian...
Tôi được bác sĩ sản khoa cho lui ra khỏi...phòng đẻ, vì vợ tôi đến giờ lên bàn đẻ rồi, khỏi cần dùng đến cái “cọc người đàn ông vô tích sự” nữa. Lúc này, các chị bạn vợ tôi cùng thằng nhóc con đầu của tôi đã đến và đứng nghe ngóng trước cửa phòng đẻ trong tư thế “sẵn sàng ứng cứu”. Các chị bạn đáo để của vợ vừa như muốn đẩy tôi vào phòng đẻ, vừa đùa...ác: “Ai cho anh ra. Phải nói với bác sĩ bắt anh đứng trong đó cho...chết. Vì anh làm người ta đau đớn đến nông nỗi này”. Bị dồn đến nước này, tôi không nhịn được nữa: “Đúng là vì anh, nhưng...đâu chỉ riêng anh”. Các chị cười phá lên, không rõ nụ cười đó có “kích thích” vợ tôi rặn thêm được tý nào không. Hình như con nít thính tai nghe được cơn đau rặn của mẹ hay sao mà thằng nhóc con tôi dướn lên cứ như kiểu cổ động viên “đường lên đỉnh Ôlympia” mà hét vọng vào phòng đẻ: “Mẹ ơi! Cố lên! Mẹ ơi! Cố lên!”. Nó chẳng cần biết đến bao nỗi lo âu, khắc khoải, thắc thỏm, kể cả “có điều gì gần như niềm tuyệt vọng” nữa của ba nó, người đang bị mẹ nó “đẩy” lên ở “trên đỉnh phù vân”. Thế rồi, 9 giờ kém 25 phút..., 9 giờ kém 20 phút..., thời gian nín thinh, co lại, dồn nén, đông đặc bỗng bung ra, vỡ oà trong tiếng “ò oa...ò oa...ò oa...” của một cu con chào đời đỏ hỏn. Con ơi, dẫu vẫn biết rồi đây, thiên chức làm người là nặng lắm, khó lắm, bởi thế nên người đời đã hát: “Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa-Trịnh Công Sơn), nhưng lòng ba cứ muốn hét toang lên cho vỡ cả lồng ngực: “Tôi đã hoàn thành kế hoạch Nhà nước rồi! Mỗi gia đình chỉ nên có hai con”.
...Vào khoa sản Bệnh viện tỉnh, tôi gặp lại chị Hồ Thị Hoa, trưởng khoa sản, người mà tôi đã gặp cách đây chừng chín năm. Bẵng đi đã lâu nhưng tôi vẫn chưa quên cái giọng Huế dịu dàng của chị lúc đó với tôi, một chàng trai chưa hề biết đến thiên chức làm bố: “Em đã có vợ con chưa. Nếu có rồi, em sẽ thấu hiểu sâu sắc những nỗi khổ sở của người phụ nữ, thấu hiểu rồi, chắc chẳng ai trách cứ phụ nữ là...phức tạp nữa“. Đã quen nhau từ trước, hai chị em ngồi nói chuyện sản khoa với nhau cứ hồn nhiên như thể...người cùng giới nói với nhau về những chuyện kín đáo vậy. Chị bảo rằng, với phụ nữ, hạnh phúc nhất vẫn là được sinh con qua cái cửa mà tạo hoá đã bày, những trường hợp sinh khó mới phải mổ. Trước đây, có những sản phụ không thuộc loại sinh khó, chỉ mới gần đến ngày sinh thôi nhưng vẫn xin mổ để sinh sớm cho đúng ngày đã chọn, hoặc mổ để khỏi bị...đau đẻ. “Đẻ mổ không tốt bằng đẻ thường đâu - Chị Hoa đi sâu vào chuyên môn - Cho nên, ngành y hiện không cho mổ đẻ theo yêu cầu của sản phụ nữa, trừ trường hợp chỉ định phải mổ do đẻ khó”. Hoá ra, con rắn vườn Ê đen lâu nay đã phải chịu tiếng oan là xảo quyệt, trong khi nhờ nó mà đàn bà mới được có “nỗi đau cần thiết”, một nỗi đau làm vinh danh phái đẹp? Khoa sản Bệnh viện tỉnh đỡ đẻ chừng 1500 ca/năm, trong đó, 70% là đẻ thường, 20% phải mổ, 10% đẻ khó, khoa sản đều cáng đáng nổi cả. “So với các nơi, tay nghề ở đây không thua kém, nhưng mình thua kém Huế về trang cấp thiết bị, ví như còn thiếu máy siêu âm sản khoa chẳng hạn - Chị Hoa chợt ngẫm ngợi rồi bỗng tươi hẳn lên vẻ tự tin - Nhưng so với các khoa khác trong Bệnh viện tỉnh, khoa sản thuộc trong số khoa ít có ca phải chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế nhất”. Sực nghĩ đến người mới quen đồng cảnh ngộ là Thoà, tôi lái mạch chuyện chị Hoa theo hướng khác:
- Hàng năm, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn thường về sinh ở Bệnh viện tỉnh chứ? Họ có được “bao cấp” không, nếu lỡ kẹt vì thiếu tiền?
- Họ thường về sinh ở đây. Khoa sản giành riêng cho họ phòng số 6. Hình như đã được truyền tai nhau hay sao mà cứ về đây là họ lại vào phòng số 6 liền. Có những trường hợp, Bệnh viện tỉnh đã bao cấp cả chi phí ăn uống cho họ.
Sau này, hỏi thêm anh Lê Công Đoàn, phó giám đốc Bệnh viện tỉnh, tôi được anh cho biết khoản “bao cấp” này của Bệnh viện tỉnh giành cho người dân tộc thiểu số, trong đó có những đối tượng như Thoà chẳng hạn khoảng 50 triệu đồng/năm.
Lúc đến với khoa sản vợ “bắt” chờ đợi nặng nề bao nhiêu, lúc xuất viện trở về mới thấy thấm thoắt nhẹ nhàng bấy nhiêu. Nhớ cái lúc tôi ngồi trông con cho Thoà, để Thoà vào đút cháo gấp cho vợ trong cơn đói lả. Nhớ cái lúc tôi hoang mang quên trước, quên sau, quên cả việc tìm cất cái rốn con thơ. Đợi vợ tôi “vượt cạn” xong đầy mệt nhoài nhưng vẫn dư đủ tỉnh táo để nhắc tôi đi tìm rốn con, tôi mới nhờ chị Cẩm, hộ sinh tìm lại cái rốn con tôi mà chị đã bỏ nằm cô đơn xếp xó nơi phòng rửa tay chân. Tôi thấy xấu hổ, tự rủa thầm mình và rồi một cảm giác hối hận với con cứ trào lên đắng nghẹn cả người. Và rồi những vần thơ trong bài thơ “Cái rốn” của anh Nguyễn Văn Đắc, anh bạn vong niên của tôi, người đang làm trưởng phòng tài vụ Công ty TNHH xây dựng số 1 Quảng Trị nhưng rất mê thơ, những vần thơ hơn một lần anh đã say sưa đọc tặng tôi ngày nào cứ trào lên nghẹn ngào trong tôi:
Ai cũng có một lần sinh ra
Từ giọt máu của cha
Từ quặn đau của mẹ
Cái rốn sinh ra âm thầm lặng lẽ
Dấu ấn một đời lòng mẹ cắt ra
Triệu triệu người trong cuộc sống chúng ta
Có những người khuyết tật bẩm sinh
Họ phải mang một thân thể dị hình
Họ đã thiếu cái họ có thể thiếu
Nhưng họ không thể thiếu cái họ không thể thiếu: Cái rốn
Cái rốn lớn lên âm thầm lặng lẽ
Dấu ấn một đời lòng mẹ cắt ra
Chín tháng mười ngày ruột mẹ nối rốn con
Miếng dở miếng ngon mẹ cũng nuôi con theo đường ấy
Đủ tháng đủ ngày con lớn dậy
Mẹ cắt ruột mình để rốn lại cho con
Từ ấy con mang rốn vào đời
Mang theo cả nỗi đau và niềm hạnh phúc
Có hạnh phúc nào lại không bắt đầu từ nỗi đau?
Và có nỗi đau thì niềm hạnh phúc mới diệu vợi
Ai cũng có một quê hương
Nơi chôn giau cắt rốn
Từ thuở mới lọt lòng đỏ hỏn
Ai cũng có một phần máu thịt để lại nơi đây
Không nơi đâu sâu nặng hơn nơi này: Quê Hương
Chợt nghĩ, thơ viết về quê hương thì nhiều nhưng thơ viết về quê hương lấy cảm xúc từ cái rốn hẳn không nhiều. Và trong những vần thơ trứ danh cao sang diễn tả nỗi nhớ quê hương dù có viện đến những yếu tố “bắc cầu”, tức cảnh sinh tình như “khói sóng” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai - thơ Thôi Hiệu, Tản Đà dịch) hay không cần viện đến (Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà - Huy Cận), giữa quê hương và nhân vật trữ tình vẫn còn một sự gián cách không gì bù đắp được. Còn trong những vần thơ nghiệp dư, chân mộc, không chút hào quang lộng lẫy trứ danh của anh Đắc, giữa quê hương và nhân vật trữ tình không có độ gián cách nào hết, mà gần gũi đến mức sờ được, nắn được: chỉ cần đặt tay lên lòng mình là thấy rốn, thấy Quê Hương.