Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.043
123.235.269
 
Về cái được gọi là “chiếu cần vương – D’argenlieu – 03-7-1889”
Trần Xuân An

Vài thập niên cuối thế kỉ XIX là thời đoạn đất nước ta phải đối mặt với một loại thực dân hung bạo, tinh vi. Trong khi đó, nội bộ triều đình lại tranh chấp chính kiến, một bộ phận nhân dân bị cuồng tín hoá bởi một tôn giáo đã trở thành công cụ tâm linh – chính trị. Đặc biệt, đó cũng là giai đoạn chữ nghĩa không còn là khả năng hiếm hoi, nhưng lại hoàn toàn không có báo chí chữ Hán – Nôm, quốc ngữ ABC (không kể ở Nam bộ thuộc Pháp sau 1874). Sau giai đoạn này, dân tộc lại chìm vào cảnh mất nước. Vì thế, nghiên cứu giai đoạn lịch sử ấy, các nhà sử học gặp phải nhiều luồng thông tin trái ngược nhau, lắm thứ “tư liệu” thuộc loại chủ quan hoặc có mục đích “chiến tranh tuyên truyền” đến mức rối nhiễu.

 

Cái được gọi là “Chiếu Cần vương”, tìm thấy ở bảo tàng gia đình của Thierry D’Argenlieu (1889-1964), cựu linh mục, cao uỷ Đông Dương thời Pháp tái xâm lược, 1947, được công bố trong khoảng dăm bảy năm trước trên một tập san ở Huế, và mới đây, trong tuần qua, trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 18-08 (1283), ra ngày 11-5-2008, thuộc vào loại đó. Đây là văn bản tạm gọi là “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889”. Bản chiếu này cùng một giuộc với “Chiếu Cần vương – Gosselin – 1885” hay “Chiếu Cần vương số 2”, trong cuốn “Lào và chế độ bảo hộ thuộc Pháp" (1).

 

I. Về “Chiếu Cần vương – Gosselin – 1885” hay “Chiếu Cần vương số 2”:

 

Trước đây, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã công bố một tham luận sử học “Chiếu hay Dụ Cần vương?” (2), xác định là Dụ chứ không phải Chiếu, được tuyên tại Tân Sở, Cam Lộ, 13-7-1885, là Dụ Cần vương chính thức và duy nhất, đồng thời cũng khẳng định là Chiếu Cần vương số 2 (ban bố tại Hương Khê, Hà Tĩnh, 19-9-1885, theo sách “Lào và chế độ bảo hộ thuộc Pháp” của Gosselin (3) chỉ là văn bản giả mạo. Tham luận sử học ấy chỉ ra sự sai lạc về thể thức hành văn bắt buộc đối với thể chiếu, và chỉ ra những khiếm khuyết, xuyên tạc ngay trong nội dung bản chiếu số 2, đồng thời cũng vạch trần tính chất cá biệt, đơn lẻ, không thấy xuất hiện ở cuốn sử, tập sách nào khác, qua việc khảo chứng một loạt tư liệu cùng thời, và việc chính Gosselin không còn nhắc đến Chiếu Cần vương số 2 trong cuốn sách về sau của chính Gosselin, lại là cuốn sách có đề tài chính là về vua Hàm Nghi (4); và cũng chính trong cuốn “Hoàng đế An Nam” này, Gosselin viết rõ về Nguyễn Văn Tường (đối tượng xuyên tạc, vu khống chính trong Chiếu Cần vương số 2): Ngày 05 tháng 09 là hạn chót hai tháng mà ông thống tướng De Courcy quy định cho [Nguyễn Văn] Tường phải ổn định An Nam. [Nguyễn Văn] Tường, như người ta nhận biết, đã cung cấp cho chúng ta những nguồn tin thất thiệt; mặc dù chúng ta đã giám sát chặt chẽ, ông ta vẫn liên lạc với những nhân vật đáng ngờ ở bên ngoài. Thống tướng quyết định cho bắt giữ ông ta” (5).

 

Tôi đã góp phần khẳng định mạnh mẽ hơn, với các cứ liệu xác thực, bằng việc đối chiếu cụ thể vào “Đại Nam thực lục, chính biên”, các kỉ V và VI:

 

1. “Lệnh Dụ Thiên hạ Cần vương”, tên chính thức của “Dụ Cần vương” (chứ không phải “Chiếu Cần vương” [số 1]) được ban bố và truyền đi khắp cả nước vào ngày 2-6 Ất dậu (13-7-1885), “Dụ Nguyễn Văn Tường”, 02-6 Ất dậu (13-5-1885) và “Dụ Hoàng tộc”, 07-6 Ất dậu (18-5-1885), cũng từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) gửi vào kinh đô là ba bản dụ quan trọng nhất của Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết! Đối với giới nghiên cứu sử, đó chính là những văn kiện có giá trị sử học nhất của thời Cần vương. Xin nhớ rằng, “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” (tức “Dụ Cần vương” số 1), từ trước đến nay, như chúng ta biết, cũng được ban ra, truyền đi từ Tân Sở (Cam Lộ) cùng một ngày (tôi nhấn mạnh: cùng một ngày) với “Dụ Nguyễn Văn Tường” và trước “Dụ Hoàng tộc” chỉ 5 ngày. Và cả ba bản dụ kể trên đều nhất quán về nội dung (6).

 

2. Một loạt văn kiện khác:

     

- 2.a. Hai bản án về Nguyễn Văn Tường, một do De Champeaux cáo thị, một do De Courcy và nguỵ triều Đồng Khánh kết án, cùng những thông tin về việc thi hành án (7);

 

- 2.b. Một đoạn thuật sự, tóm lược nội dung lời Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa Hàm Nghi kêu gọi sĩ dân Bắc Kỳ (có thể là dụ hoặc hịch), vào tháng 9 năm Ất dậu (08-10 – 06-11-1885) (8). Văn bản này bị ngụy triều, ngụy vương Đồng Khánh phản bác bằng một bản dụ cũng gửi sĩ dân Bắc kỳ (9). Qua Dụ Đồng Khánh truyền ra Bắc Kỳ lần này, chủ yếu là phê phán Tôn Thất Thuyết, cùng với vài câu tóm lược nội dung lời Tôn Thất Thuyết khi “về đến sơn phòng Hà Tĩnh, mượn tiếng danh nghĩa cổ động mê hoặc sĩ dân” Bắc Kỳ nói trên (10), người nghiên cứu có thể xác định tuyệt đối đúng nội dung văn bản: Đây chỉ là lời kêu gọi sĩ dân Bắc Kỳ hưởng ứng Cần vương mà thôi, chứ tuyệt nhiên không một lời đề cập đến Nguyễn Văn Tường, người vốn là đồng sự, đồng chí của Tôn Thất Thuyết, cũng là bề tôi trung thành, thân cận nhất của Hàm Nghi (11).

 

- 2.c. Một đoạn thuật sự và tóm lược nội dung bản “Chiếu chỉ triệu thân hào hạt Hà Tĩnh, chia đặt quan lại (...), chặn đóng chỗ xung yếu (...), làm kế đóng trường kì” (gọi tắt là “Chiếu chỉ triệu tập thân hào Hà Tĩnh”) cũng vào tháng 9 năm Ất dậu (08-10 – 06-11-1885) (12).

 

- 2.d. Bản dụ của Đồng Khánh và của Hector do Phan Liêm, Phạm Phú Lâm truyền vào Tả kì (từ Quảng Nam trở vào), tháng 02 năm Bính tuất (06-3 – 03-4-1886) (13). Nguyên văn bản dụ có đoạn lên án Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường mà qua đó, chúng ta thấy sĩ phu, nhân dân cho đến thời điểm ghi trên (02 năm Bính tuất [1886]) vẫn còn rất trung thành với hai vị phụ chính, mặc dù lúc bấy giờ Nguyễn Văn Tường đã bị lưu đày vào Gia Định, ra Côn Đảo từ trước đó khá lâu (27-7 Ất dậu [05-9-1885]). Sau văn bản này, “Đại Nam thực lục chính biên” không còn đề cập gì nữa đến Nguyễn Văn Tường (thông tin về cái chết của ông chỉ được đề cập đến ở “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục [tục biên] và Quốc sử quán triều Nguyễn [hoàn tất] (14)).

 

Ai cũng biết rằng, theo luật pháp và theo nguyên tắc viết sử thuở bấy giờ, những văn kiện, đặc biệt thuộc loại có châu phê (châu bản) hoặc do chính vua ban ra (chiếu, dụ, sắc văn...), phải được bảo đảm tuyệt đối, không một ai có quyền cắt, sửa hoặc xuyên tạc, ngay cả vua nối ngôi. Do đó, có thể xác quyết tuyệt đối về mức độ khả tín của các tư liệu gốc kể trên, để đi đến kết luận: Không có “Chiếu Cần vương – Gosselin – 1885” hay “Chiếu Cần vương số 2” như trong cuốn “Lào và chế độ bảo hộ thuộc Pháp”. Đó chỉ là một văn bản giả mạo. Vả lại, không một triều đình nào, cho dù là triều đình kháng chiến, lại ra đến 2, 3 bản chiếu có một mục đích cần vương, mà nội dung lại trái ngược nhau. Để giữ tính chất long trọng và uy nghiêm của Dụ (hay Chiếu) như Lệnh Dụ Thiên hạ Cần vương, triều đình Hàm Nghi cũng như các vua khác phải và chỉ ban ra một lần, và chỉ một lần duy nhất, bất di bất dịch. Vì vậy, nội dung của Dụ (hoặc Chiếu) loại này phải có tính khái quát về tình hình, nguyên nhân căn bản, mục tiêu lớn; nó không đề cập đến các cá nhân trong đó. Do đó, không thể có Chiếu (Dụ) Cần vương số 2 hoặc số 3! Những văn kiện sau đó chỉ là thứ yếu, có mục đích triển khai, linh hoạt theo tình hình.

 

II. Về “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” hay “Chiếu Cần vương số 3”:

 

Theo thông tin không chính thức trong một vài nhà nghiên cứu sử, tôi được biết bản “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” này đã được thông báo không chính thức bởi ông Võ Quang Yến, một Việt kiều Pháp, cách đây khoảng 7 hoặc 8 năm. Tuy nhiên, vì ngày tháng năm và nội dung của bản chiếu rất đáng ngờ về tính chất nguỵ tạo, vu khoát của nó, nên giới nghiên cứu sử và các cơ quan hữu trách ở Huế không đón nhận. Bẵng đi vài ba năm, cũng theo nguồn tin không chính thức khác, nó được một tập san ở Huế công bố, nhưng ít người quan tâm.

 

“Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” hay “Chiếu Cần vương số 3” chỉ trở thành vấn đề khi nó lại được công bố một lần nữa trên một tuần báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, có lượng độc giả khá lớn, rồi lại được đưa lên trang nhất của một website có tên Tuổi Trẻ online (đều thuộc Toà soạn nhật báo Tuổi Trẻ) trong nhiều ngày.

 

Trước hết, “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” chỉ mới được công bố gần đây (khoảng chưa tới 10 năm [?]), quá hạn giải mật đến cả 100 năm, nên không có giá trị gì nữa.

 

Kế đến, xuất xứ của nó rất đáng ngờ, vì nó không được bảo lưu trong các kho lưu trữ của Nước Cộng hoà Pháp (kể cả các thuộc địa), mà quá lâu rồi, nó vẫn chỉ tồn tại độc một bản tại bảo tàng cá nhân của một linh mục do Vatican đề cử trong thời điểm Pháp tái xâm lược Việt Nam, từ 1946 (Pháp theo chân quân đồng minh Anh - Ấn và Trung Hoa Quốc dân đảng vào giải giới quân phát-xít Nhật tại nước ta). Đó chính là Thierry D’Argenlieu.

 

Đặc biệt, mặc dù bài báo của phóng viên Thái Lộc cho biết, nó đã được và chỉ được duy nhất một người được gọi là giáo sư Léon Vandermeersch (Pháp) “khảo sát tường tận”, “xác nhận một cách quả quyết rằng đây là một bức chiếu thật” (15), nhưng đấy chỉ là giám định một cá nhân, không phải là của một hội đồng giám định chuyên nghiệp bằng các phương pháp khoa học thực nghiệm. Với kĩ thuật hiện đại, người ta còn làm giả được tiền với các khuôn dấu, nét vẽ, chất liệu giấy kĩ thuật cao, nữa là bản chiếu ấy. Vả lại, các vật liệu như lụa, mực xạ, son cách đây khoảng 100 năm, hiện nay không phải là quá hiếm.

 

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là nội dung bản chiếu.

 

1. Vẫn những cứ liệu tôi đã đưa ra, kể cả thể thức và cách hành văn như hai nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh chỉ rõ, nhằm chứng minh “Chiếu Cần vương – Gosselin – 1885” hay “Chiếu Cần vương số 2” là giả mạo, ở đây, đối với bản “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” hay “Chiếu Cần vương số 3”, một lần nữa, tôi sử dụng những cứ liệu ấy để xác quyết: “Chiếu Cần vương số 3” vẫn là tư liệu giả mạo. Cần nhấn mạnh: chi tiết “Bất ý Văn Tường hoài nhị, nhi Cam Lộ giá thiên” (chẳng ngờ Văn Tường hai lòng, nên xa giá phải dời đi Cam Lộ -- giả định 2 chữ “hoài nhị” khá lạ này là đúng nghĩa như bản dịch), thì nó hoàn toàn phi lí. Nói là chi tiết ấy hoàn toàn phi lí, nếu chúng ta đã đọc, đã đối chiếu với 3 bản dụ tháng 6 năm Ất dậu (13-7-1885 & 18-7-1885), gồm “Lệnh Dụ Thiên hạ Cần vương”, “Dụ Nguyễn Văn Tường”“Dụ Hoàng tộc” cũng như các bản án và việc giặc Pháp, nguỵ triều thi hành án đối với Nguyễn Văn Tường (lưu đày, tich biên tài sản, 05-9-1885 và cuối tháng 9 đầu tháng 10-1885), nhất là bản dụ các tỉnh Tả kì của Đồng Khánh và Hector vào tháng 02 năm Bính tuất (06-3 – 03-4-1886). Điều cần lưu ý: những thời điểm vừa kể là sau ngày 19-9-1885 được ghi trong “Chiếu Cần vương” số 2 khá lâu. Điều quan trọng là một khi nhóm chủ chiến đã đoàn kết với nhau, “kẻ ở người đi”, theo sự phân công, giao nhiệm vụ lịch sử trong cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ (7-5-1885), và mãi đến 06-3 – 03-4-1886, sĩ dân từ Hữu kì cho đến Tả kì, ngoài Bắc trong Nam, đều vẫn còn trung thành với hai phụ chính Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đến thế, nhất là khi Nguyễn Văn Tường đã chết ở Tahiti, sau đó di thể được thân phụ của Tôn Thất Thuyết (tức ông Tôn Thất Đính) đưa về cải táng tại quê nhà, thì việc xuất hiện “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889”, với chi tiết đổ tội làm thất thủ kinh đô cho Nguyễn Văn Tường là hoàn toàn phi lí, trái tình!

 

2. Cụ thể hơn, xin phân tích một vài chi tiết quan trọng nhất của bản chiếu này:

 

- 2.a. Mọi tư liệu đều của Pháp và của các nhà soạn sử nước ta từ trước đến nay đều ghi rõ, vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt vào ngày 01-11-1888 (hoặc 30-10-1888), nhằm vào ngày 28 hoặc 27-9 năm Mậu tí (1888) (16). Tình tiết của sự kiện này cùng với bản dụ của Đồng Khánh về sự kiện ấy đã được “Đại Nam thực lục chính biên” kỉ VI ghi một cách cẩn trọng (17). Ngay cả việc bàn về tiền trợ cấp hằng năm cùng việc sắp xếp người phục vụ vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày, giữa Rheinart với triều đình và Đồng Khánh, cũng được phần sử triều Đồng Khánh kể trên ghi rất chi tiết (18). Do đó, ở bản “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889”, về chi tiết ngày tháng năm  “Hàm Nghi ngũ niên lục nguyệt sơ lục nhật” (Hàm Nghi năm thứ 5, ngày mồng sáu tháng sáu, tức là 03-7-1889 [?!?] thuộc năm Kỷ sửu [?!?]), rõ ràng hoàn toàn sai lạc với sự thật lịch sử, một sự thật mà Pháp không giấu giếm làm gì, và triều Đồng Khánh lại công khai dán thông tri kèm với ảnh chân dung Hàm Nghi khắp nước. Và dĩ nhiên, cả tư liệu gia đình do hậu duệ Hàm Nghi hiện còn ở Pháp lưu giữ cũng như thế phả, tộc phả của Nguyễn Phước tộc đều chứng minh sự sai lạc ấy. Ngày 03-7-1889, Hàm Nghi đã bị lưu đày tại Alger gần đúng 7 tháng, làm sao còn có mặt tại nước ta hay ở Trung Hoa để ban “Chiếu Cần vương số 3” !  

 

-- 2.b. Sự thật lịch sử về lộ trình xuất bôn kháng chiến của vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã được ghi rõ từng ngày, từng tháng, từng địa điểm trong những trang cuối “Đại Nam thực lục, chính biên” kỉ V (1884-1885) và trong 2 tập thuộc kỉ VI (1885-1888). Nói một cách khái lược, từ ngày 23-5 năm Ất dậu (05-7-1885), cho đến ngày bị bắt, 28 hoặc 27-9 năm Mậu tí (01-11-1888 hoặc 30-10-1888): Hàm Nghi chỉ ra tỉnh thành Quảng Trị, lên Tân Sở, Cam Lộ (Quảng Trị), ra Bảo Đài (Quảng Bình), lại vào Cam Lộ, rồi đến đồn Trấn Lào, qua Lào, về Bờ Cạn, đồn Mã Hạc, Hàm Thao (Quảng Bình), ra dụ cho quan quân Hà Tĩnh vận lương, mở đường, rồi ra sơn phòng Hà Tĩnh, lại vào xứ Thằng Cục, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình), cho đến ngày bị giặc Pháp bắt tại đó. Riêng Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, hai ông đã sang Trung Hoa cầu viện sau ngày quân Pháp tấn công sơn phòng Hương Khê, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, vào ngày 16-9 năm Ất dậu (23-10-1885). Nói rõ ra, thời gian dài nhất trong khoảng hơn 3 năm trời (7-1885 – 11-1888), vua Hàm Nghi chỉ sống với hai người con của Tôn Thất Thuyết (Tôn Thất Hợp [Hiệp], Tôn Thất Đạm [Đàm]) và cha con của một vị quan khác, Nguyễn Thuý, cùng với nhóm người thiểu số do Trương Quang Ngọc làm chỉ huy, tại vùng thượng du giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh ấy. Do đó, chi tiết vua Hàm Nghi đích thân qua nước Đại Đức (“Đại Đức quốc”) cầu viện và đã được chính phủ nước Đức đồng ý [?!?]; rồi khi vua Hàm Nghi đã về thẳng tỉnh Quảng Đông, vị vua trẻ này đã tiếp kiến các quan viên hội họp để nghe họ biện bạch [?!?]... được viết trong bản “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” hay “Chiếu Cần vương số 3” là hoàn toàn sai sự thật, chỉ là vu khoát.

 

- 2.c. Chi tiết thứ ba và có lẽ là mục đích của “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 1889” là nhằm quyên góp tiền của, vàng bạc của quan dân các tỉnh Miền Nam (“Nam trung quan viên lê thứ”).

 

Vua Hàm Nghi đã bị bắt trước đó hơn 9 tháng, Đồng Khánh cáo thị và dán ảnh chân dung Hàm Nghi khắp nước, từ Bình Thuận trở ra, và chắc thực dân Pháp cũng cáo thị và dán ảnh như vậy khắp lục tỉnh Nam Kỳ, thì việc xuất hiện “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” là vô cùng phi lí, khó hiểu.

 

Nhưng ngẫm lại, nếu đặt giả định với xác xuất vài phần trăm thôi, thì chỉ có những kẻ hiểu được bối cảnh nhiễu nhương, thiếu vắng báo chí, nhân dân vốn bị lừa bịp lắm lần, nên vẫn có người bán tin bán nghi, và vì thế chúng mới tung ra “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” để cầu may, hòng kiếm được chút đỉnh tiền vàng. Nhưng kẻ đó là ai? Nếu cho đó là Tôn Thất Thuyết, có nghĩa là bôi nhọ vị tướng kháng chiến Cần vương này, cũng như chúng từng bịa ra “Chiếu Cần vương – Gosselin – 1885” hay “Chiếu Cần vương số 2” để bôi nhọ và li gián Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, khiến họ trở thành kẻ bôi nhọ hay người bị bôi nhọ, và cả hai đều bị sĩ dân khinh ghét. Ở trên rừng và ở Trung Quốc, có ai bắt buộc Tôn Thất Thuyết phải xuyên tạc, bôi nhọ đồng chí của mình như thế đâu! Còn ở kinh đô, sau 05-7-1885, tất cả đều do De Champeaux (khá giỏi chữ Hán, lại nắm giữ chức thượng thư Bộ Binh, đại thần thứ nhất Cơ mật viện) và các đệ tử của thực dân như Nguyễn Hoằng, Nguyễn Hữu Cư, Nguyễn Hữu Bài (đều được huấn luyện tại Pénang), rồi Nguyễn Hữu Độ, làm tất. Nguyễn Văn Tường phải đấu tranh rất vất vả với chúng để có thể giành được ít chủ quyền, cụ thể là vài ý tưởng trong các văn bản Từ Dũ ban ra (19). Tôn Thất Thuyết và sĩ dân đều hiểu điều đó nên sĩ dân mới trung thành với hai phụ chính, mà Cáo thị của Đồng Khánh – Hector, tháng 2 năm Bính tuất (06-3 – 03-4-1886) đã vô hình trung cho chúng ta thấy rõ lòng trung thành sâu sắc ấy.

 

Tôi không bao giờ cho rằng “Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885 (số 2) hay “Chiếu Cần vương D’Argenlieu – 03-7-1889(số 3) là do Tôn Thất Thuyết giả mạo. Bản chiếu “Chiếu Cần vương số 3”  là cái bẫy mới được ai đó tạo ra gần đây, trong khoảng dăm bảy năm hay ít hơn đổ lại, nhằm mục đích khiến chúng ta mắc bẫy, đổi lòng, đâm ra phê phán, lên án Tôn Thất Thuyết.

 

Trong ba bản tạm gọi là “Chiếu Cần vương” số 1, số 2 và số 3, thực sự chỉ có duy nhất, chính thức một bản vốn đã được ban bố tại Tân Sở, Quảng Trị là thật: Đó là “Lệnh Dụ Thiên hạ Cần vương”, tên chính thức của “Dụ Cần vương” (chứ không phải “Chiếu Cần vương” số 1) được ban bố và truyền đi khắp cả nước vào ngày 2-6 Ất dậu (13-7-1885).

 

“Chiếu Cần vương – Gosselin – 19-9-1885” cũng như “Chiếu Cần vương – D’Argenlieu – 03-7-1889” đều là đồ giả, được tạo ra nhằm xuyên tạc, bôi nhọ và li gián Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

 

Tướng thực dân Thierry D’Argenlieu – Nguồn ảnh: web-findabrave (Google search)

 

 

(1) Gosselin, "Le Laos et le protectorat français", Paris, 1900.

(2) Kỉ yếu Hội nghị khoa học lịch sử về “Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, ĐHSP. TP.HCM., 20.6.1996, tr. 25 – 30; Tạp chí Xưa & Nay, số 128, tháng 11. 2002, tr. 9 – 11.

(3) Gosselin, “Le Laos et le protectorat français”, sđd.

(4)  Gosselin, “Hoàng đế An Nam” – “L’Empire d’Annam”, Perrin et Cie, Librairies – éditeurs, Paris, 1904.

(5) Gosselin, “Hoàng đế An Nam, sđd., tr. 219

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, chính biên” (ĐNTL.CB.)., tập 36, Nxb. Khoa học Xã hội (KHXH.), 1976, tr. 225 – 226, tr. 226 – 228.

(7) ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. KHXH., 1976, tr. 247 & ĐNTL.CB., tập 37, Nxb. KHXH., 1977, tr. 35, 63...

(8) ĐNTL.CB., tập 37. sđd., tr. 69.

(9) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 69-72.

(10) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 69.

(11) Xem lại: “Lệnh Dụ Thiên hạ Cần vương”, 02-6 Ất dậu [13-7-1885], “Dụ Nguyễn Văn Tường”, 02-6 Ất dậu [13-5-1885] và “Dụ Hoàng tộc”, 7-6 Ất dậu [18-5-1885]), các sđd..

(12) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 75-76.

(13) ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 138-139.

(14) Cao Xuân Dục [tục biên] và Quốc sử quán triều Nguyễn [hoàn tất], “Quốc triều hương khoa lục”, bản dịch, Nxb. TP.HCM., 1993, tr. 297.

(15) Thái Lộc, “Tìm thấy nguyên bản Chiếu Cần vương”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 11-05-2008 (Tuổi Trẻ online), bài đã dẫn, tr. 9.

(16) Trần Trọng Kim, “Việt Nam sử lược”, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 1999, tr. 592, ghi là ngày 26-9 Mậu tí [1888]).

(17) ĐNTL.CB., tập 38, Nxb. KHXH., 1978, tr. 140-144.

(18) ĐNTL.CB., tập 38, sđd., tr. 148-149.

(19) Các sắc dụ của Từ Dũ đều do Nguyễn Nhược thị Bích chấp bút, viết thay. Trích tiểu sử Nguyễn Nhược thị Bích: “… Năm 36, Dực Tôn Anh hoàng đế lên chầu trời, vâng ý chỉ 2 cung, sắc dụ đều cho tay thị ấy làm. Năm Hàm Nghi thứ nhất, tháng 5, kinh thành có việc, đi theo 2 cung đi Quảng Trị có bài hát quốc âm Xe vua vào đất Thục [Đường Minh Hoàng tránh loạn đi vào Thục – VSH. chú thích]. Ngày 2 xe cùng về, các sắc phụng chiếu thư, cầm bút viết xong ngay, việc gì cũng xứng chỉ. Năm Thành Thái thứ 4, kính vâng từ chỉ, nghĩ công khó nhọc, tấn phong tam giai Lễ tần. Năm Duy Tân thứ 3, tháng 11, thị chết, thọ 80 tuổi” (Đại Nam liệt truyện, tập 3, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr. 78). TXA.

 

Xem thêm:

“NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886) VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05-7-1885)″

Trần Xuân An
Số lần đọc: 3123
Ngày đăng: 30.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn thêm về cội nguồn dân tộc Việt Nam - Hà văn Thùy
Bàn thêm về thông báo cho thiên hạ cần vương (cáo dụ cần vương), lệnh dụ thiên hạ cần vương & cụm từ “tờ chiếu cần vương của vua Hàm Nghi” - Trần Xuân An
Đức Bổn Sư đạo Tứ ân hiếu nghĩa cùng “Bá gia” quyết trấn giữ vùng biên cương, núi xa - Nguyễn Hữu Hiệp
Việt Nam và những vấn đề ở biển Đông - Giang Tâm
Đô thị ở Nam bộ thời cận đại - Nguyễn Thị Hậu
Bàn lại với ông Trần Trọng Dương : Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt? - Hà văn Thùy
Huyền tượng mẹ ÂU CƠ: Bi kịch và mầu nhiệm - Trần Xuân An
Giai đoạn huyền sử trong ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (1697) và KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (1884) - Trần Xuân An
An Dương Vương : “Giặc Thục” hay anh hùng bi tráng ? - Trần Xuân An
Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần Chung, Sài Gòn 1929 - Lại Nguyên Ân