Nguyên văn 4 bài lược ghi, trả lời phỏng vấn đã được đăng tải trên báo Thể thao & Văn hoá in giấy, các số từ 149 (28-5-2008) đến 152 (30-5-2008) và số 155 (03-6-2008). Ở trang này có đủ nguyên văn 4 bài báo kể trên.TXA
Thể thao & Văn hoá, số 0149, ngày thứ năm, 28-5-2008, tr. 18:
VUA HÀM NGHI CÓ SANG “ĐẠI ĐỨC” CẦU VIỆN?
(Bài 1)
http:// www. tintuconline. vietnamnet. vn/vn/vanhoa/204042/
Những chỗ ngờ về "nguyên bản" chiếu Cần Vương
Thứ hai, 2/6/2008, 16:19 GMT+7
Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 11/5/2008 có đăng "nguyên bản chiếu Cần Vương" của vua Hàm Nghi - một trong những vị vua đáng trân trọng nhất của lịch sử nước ta. Điều trước tiên phải khẳng định, đây là một tài liệu quý - rất quý (nếu là sự thật 100%) và là người có công lao phát hiện ra nó thật đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, văn bản là có thực về chất liệu, văn phong; nhưng cái ảo mà như thật, cái có thực mà không thật như cách nói của cố GS Trần Quốc Vượng về lịch sử lại là chuyện rất đáng phải bàn.
1. Vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871, ở ngôi (tại Kinh thành Huế) từ 2/8/1884 đến 9h30' sáng 5/7/1885, vị chi là 11 tháng. Sau sự biến kinh thành Huế ngày 23/5 năm Ất Dậu, vua Hàm Nghi xuất kinh để thực hiện cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, sau đó ông bị bắt ngày 1/11/1888. Và theo tác giả Thái Lộc thì ông bị đưa đến Alger (Algérie) vào ngày 13/1/1889.
Như vậy, tính từ khi lên ngôi đến thời điểm bị bắt (thời điểm mà từ đó về sau không thể nào ban chiếu nữa), chỉ có 4 năm. Nói cách khác, không thể nào có Hàm Nghi năm thứ 5, ngày 6/6 như tác giả đã trình bày. Lênh đênh trên biển từ cuối năm 1888, đến Alger đầu năm 1889, thời gian đâu để ban chiếu, gửi cho ai, truyền về nước bằng cách nào?... Một loạt câu hỏi không thể trả lời.
2. Cái đáng quý của "chiếu thực nhưng lại giả" là ở chỗ, sau khi vua bị bắt, những người Việt Nam yêu nước vẫn giả thảo ra chiếu vua để duy trì cuộc kháng chiến. Thời phong kiến, minh chủ hay vua mất là quân tan, đó là chuyện bình thường.
Điều tuyệt vời của giai đoạn lịch sử này là dù mất vua, phong trào Cần Vương vẫn tiếp tục. Đó là lý do để có “nguyên bản chiếu Cần Vương” mà tác giả bài báo này đã trình bày. Và theo chỗ tôi biết, không phải chỉ có một bản "giả mà rất thực" đó mà thôi. Đây là khả năng thứ nhất của bức chiếu và tôi hy vọng nó là khả năng duy nhất.
3. Nhưng đáng sợ là cái khả năng thứ hai mà theo tôi, không phải là không có cơ sở. Nếu nói rằng vua Hàm Nghi "đích thân sang nước Đại Đức để cầu cứu giúp đỡ" thì quả là oa biện (ngây thơ), coi thường sự thật đến mức khó chấp nhận. Dân ta hồi đó có ai biết nổi nước Đức ở đâu? Làm sao Hàm Nghi sang Đức khi chỉ mới mười mấy tuổi? Tuổi ấy, sang với văn minh phương Tây nói ai mà nghe?...
Phải chăng đây chỉ là một tài liệu thuộc dạng tâm lý chiến của người Pháp tạo ra để quy cho vua Hàm Nghi cùng về phe với Đức (phát xít)? Nên nhớ rằng văn bản này nằm trong thư viện riêng của đô đốc D'Argenlieu, người căm thù nước Đức phát xít tới tận xương tủy.
Hơn nữa, không thể nói một cách võ đoán rằng nó là văn bản "thật" bởi GS Pháp là Léon Vandermeersch đã tin là... thật! Rất tiếc là chúng tôi chưa thể chứng minh theo con đường logic thực tế rằng nước Đức > Hàm Nghi = phát xít = phong trào yêu nước của nhân dân ta gần với chủ nghĩa phát xít (!) = tài liệu của sau năm 1945.
Nếu đúng thế thì quả là rất đáng giật mình về trình độ tâm lý chiến cao siêu bằng cách làm giả văn một cách tuyệt tác của người Pháp bởi họ đã "lồng" được chuyện năm Ất Dậu 1885 với Ất Dậu của 1945 (!)? Sa vào chỗ này thì không phải là đề cao mà là hạ thấp danh tiếng, tấm lòng và nhiệt huyết của vua Hàm Nghi và cả của dân ta, nhiều lắm.
4. Chẳng bao giờ tiến hành một cuộc kháng chiến suốt 5 năm rồi mới ban chiếu "cần" (!). Bởi nó vô lý và vô nghĩa. Nếu có, phải là gần như ngay tức khắc sau thời điểm vua Hàm Nghi rời kinh thành Huế.
Nội dung của bức "chiếu" mà tác giả đưa ra thực ra chỉ là lời kêu gọi quyên góp tiền bạc để kháng chiến lâu dài. Vua đã ban theo tính chất thông báo như Chiếu dời đô thì gọi là chiếu; còn văn bản ra lệnh thì phải gọi là dụ.
Lâu nay đã có nhiều người nhầm lẫn về lịch sử nhưng âu đó cũng là chuyện riêng của người Việt mình. Để lâu... hóa bùn. Về mặt văn phong của "chiếu nguyên bản", rõ ràng không thể là của vua.
Vua chẳng bao giờ nói với dân đen hai chữ "kính thay". Mặt khác, ngôn từ trong văn bản đã nêu, nói là chiếu thì không phải, nói dụ cũng không, nên tác giả thực của nó phải là một người sống cách xa triều đình nhiều lắm. Xin dẫn chứng: Đã là chiếu thì không thể có câu như "tuân thủ nghiêm ngặt" và đã là dụ thì không thể "hãy cố gắng thay... Kính thay".
Có rất nhiều điều để nói xung quanh bài Chiếu Cần Vương "nguyên bản" của vua Hàm Nghi, nhưng có lẽ nên để người đọc suy luận thêm. Người viết bài này rất quý trọng tác giả nhưng vẫn buộc lòng phải viết, vì lịch sử không thể là sự suy luận trên cơ sở những tài liệu "có vẻ giống như thật".
Theo Hà Văn Thịnh
Giảng viên Khoa Lịch sử (Trường ĐH Khoa học Huế
(Thể thao & Văn hoá – Thông tấn xã Việt Nam, số 149, ngày 28-5-2008, tr.18)
Thể thao & Văn hoá, số 0150, ngày thứ năm, 29-5-2008, tr. 18:
VUA HÀM NGHI CÓ SANG “ĐẠI ĐỨC” CẦU VIỆN?
http : // docbao. com. vn / view/ 62/ default.dec
(Bài 2)
Nhà nghiên cứu Huế: Phan Thuận An:
HIỆN VẬT NÀY CÓ NHIỀU ĐIỂM BẤT THƯỜNG!
Khang An (ghi)
Qua phản ánh của nhiều bạn đọc cũng như một số nhà nghiên cứu, chúng tôi đã có cuộc chuyện trò với nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An. Với tầm hiểu biết sâu sắc của mình về lịch sử, ông đã cung cấp một số thông tin giá trị đánh giá độ tin cậy của bức Chiếu Cần vương mới tìm thấy cũng như bày tỏ quan điểm về chuyện “vua Hàm Nghi sang Đại Đức cầu viện”.
Ông Phan Thuận An khẳng định: Thông tin về “bức Chiếu Cần vương” không phải “mới tìm thấy, mà từ cuối năm 1995, bạn của tôi là TS. Võ Quang Yến, làm việc tại Paris, thành viên của Hội Pháp – các người bạn Đông phương đã gửi về cho Tạp chí Huế Xưa và Nay bài viết “Một bức chiếu chỉ Cần vương”. Bài viết này đăng trên Huế Xưa và Nay, số 15, tháng 02 năm 1996. Sau khi mô tả, TS. Võ Quang Yến kết luận: “Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu quý báu, thì các co quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại”. Song gần 13 năm trôi qua, tôi vẫn không nghe nhà chức trách hay nhà chuyên môn đề cập đến vấn đề này. Liệu, có phải tài liệu này chưa thật có giá trị?
1. Tôi cho rằng phải xác định tên gọi hiện vật này là chiếu hay dụ. Theo định nghĩa Từ điển Hán - Việt (Đào Duy Anh): dụ, lời kẻ trên bảo xuống kẻ dưới, nghĩa là lời vua chúa hạ lệnh cho thần dân, bảo phải tuân theo; chiếu, lời công bố, ban bố, nghĩa là lời của vua chúa, nhưng chỉ báo cho thần dân biết. Hơn nữa, khi đọc các tài liệu nói về triều Nguyễn, trong Đại Nam thực lục (tập 36) có nói chuyện vua Hàm Nghi, đều dùng từ: “Dụ Thiên hạ Cần vương” hay “Dụ Cần vương”... Nếu đây là văn bản Tôn Thất Thuyết lấy tư cách vua Hàm Nghi viết lời kêu gọi, thì phải gọi là dụ.
2. Nói về hình thức hiện vật, tôi không được tiếp cận trực tiếp văn bản nên khó biết rõ diện mạo của nó. Qua hình ảnh trên báo và lời thuật của TS. Võ Quang Yến trên tạp chí, tôi cảm thấy có một số điều bất thường so với một văn bản của hoàng triều.
- Về hình thức có 3 điểm đáng ngờ. Thứ nhất: Lạc khoản xưa nay thường để ở cuối văn bản, trong hiện vật này lại để ở đầu văn bản. Thứ hai: Con dấu trong hiện vật đề “Hàm Nghi bảo ấn” trong khi con dấu các vua vẫn thường dùng có chữ “Sắc mạng chi bảo”. Ngày xưa, “ấn” chỉ dùng cho các quan; riêng nhà vua thì dùng “bảo” (dấu làm bằng vàng, bạc) hoặc “tỉ” (bằng ngọc). Lạ hơn nữa là chữ “Phúc Minh chi ấn” ghi trong văn bản. Phúc Minh là tên huý của vua Hàm Nghi, không được phép dùng, nói đúng hơn là điều cấm kị. Thứ ba, theo miêu tả của TS. Võ Quang Yến, con rồng trong trang trí hiện vật là rồng 4 móng. Nên nhớ, quy định riêng cho nhà vua phải là rồng 5 móng (về nguyên tắc, khi dân lạy vua cũng phải lạy 5 lạy).
- Về nội dung: Thời điểm ban hành trong văn bản là “Hàm Nghi ngũ niên”. Lần theo lịch sử, vua Hàm Nghi lên ngôi ngày 28-8-1884, lúc 14 tuổi mụ (sau khi vau Kiến Phúc mất). Sau biến cố Kinh thành Huế 23-5 năm Ất dậu (5-7-1885), vua Hàm Nghi rời cung cùng một số quần thần thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp và bị bắt ngày 1-11-1888. Ngày 13-01-1889, vua Hàm Nghi bị đưa đến Algérie. Bức dụ nói trên ghi “Hàm Nghi năm thứ năm, mùng sáu, tháng sáu” tức là ngày 03-7-1889. Danh bất chính, do đó, bức dụ này không phải là của vua Hàm Nghi.
Sử sách ghi lại, từ khi lên ngôi, vua không rời một bước ra khỏi hoàng cung cho đến khi xuất bôn. Vậy, thời gian nào để ông sang Đức hay Quảng Đông? Lần đầu tiên và lần cuối cùng, nhà vua chỉ chạy loạn theo đoàn ngự đạo. Cũng với tuổi ấy, lấy tư cách gì để nói là sang Đại Đức yêu cầu giúp đỡ. Tôi cũng chưa tìm thấy nguồn tư liệu nào cho biết vua Hàm Nghi đi Đức trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” như thế.
Tóm lại, ở thời điểm kháng Pháp còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn mọi thứ, không thể làm được tờ dụ với chất liệu, màu sắc như bức dụ trên. Hơn thế, thời điểm ghi trong tờ dụ cũng là thời điểm Tôn Thất Thuyết đã ở Trung Quốc gần một năm. Lời lẽ trong tờ dụ chỉ phù hợp với một vị quan, ví tướng nào đó “mượn” danh vua Hàm Nghi để kêu gọi đồng bào kháng Pháp, hơn là lời của vua.
Đây chỉ là một số suy nghĩ của tôi, rất tiếc là chưa có điều kiện tiếp cận với hiện vật nên không chắc chắn 100% về giá trị của nó.
Khang An (ghi)
(Thể thao & Văn hoá – Thông tấn xã Việt Nam, số 0150, ngày thứ năm, 29-5-2008, tr. 18)
Thể thao & Văn hoá, số 0151, ngày thứ năm, 30-5-2008, tr. 18:
VUA HÀM NGHI CÓ SANG “ĐẠI ĐỨC” CẦU VIỆN?
http : // docbao. com. vn / view/ 62/ default.dec
(Bài 3)
GS.TS. Chương Thâu:
CHUYỆN RẤT MỚI, NÊN TỔ CHỨC HỘI THẢO!
Nguyễn Mỹ (lược ghi)
GS.TS. Chương Thâu (nguyên trưởng Phòng Lịch sử cận đại, Viện Sử học) đưa ra những lời giải đáp thú vị về “năm Hàm Nghi thứ 5”, đồng thời cung cấp một thông tin ít người biết đến xưa nay - chuyện đi “thông hiếu” với Nga của nhân sĩ phong trào Cần vương! Ông cho biết:
- Trước hết, đây là một bức chiếu mới, không giống với 2 chiếu được biết đến lâu nay và được coi đó là tài liệu kinh điển về phong trào Cần vương và vua Hàm Nghi. Hai bức chiếu trước đây khá dài và nói đường lối chinh sách rất kĩ.
+ Ông có suy nghĩ gì về năm tháng được đề trong bức chiếu rất mới này?
Nếu tính năm 1885 là năm Hàm Nghi thứ nhất như xưa nay vẫn tính thì năm Hàm Nghi thứ 5 đã là năm 1889 rồi. Về niên đại có thể đặt câu hỏi như vậy. Nhưng thật ra, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, các phong trào yêu nước vẫn lấy niên hiệu theo Hàm Nghi (chứ không lấy niên hiệu vua Đồng Khánh). Khởi nghĩa Phan Đình Phùng cũng vậy. Đến sau này, thì lấy theo niên hiệu vua Thành Thái, Duy Tân (cũng bỏ, không đề niên hiệu Khải Định). Sở dĩ có điều đó vì các nhân sĩ yêu nước giai đoạn này chỉ “công nhận” niên hiệu các vua yêu nước...
+ Còn về nội dung?
Tôi lưu ý mấy điểm về nội dung, chẳng hạn, bức chiếu ghi: “Chẳng ngờ Văn Tường hai lòng, nên xa giá phải rời đi Cam Lộ”. Có thực tế là gần đây khi thảo luận về Nguyễn Văn Tường, người ta có khuynh hướng khôi phục vị trí Nguyễn Văn Tường, cho rằng Nguyễn Văn Tường cũng là người yêu nước, không phải hai lòng mà cũng theo phái chủ chiến. Nhưng ở đây ngay từ đầu đã khẳng định Nguyễn Văn Tường hai lòng (*).
Nội dung rất quan trọng là bức chiếu có nói vua Hàm Nghi cầu viện nước Đại Đức. Đây là hiện tượng mới. Có phải vua Hàm Nghi có chủ trương cầu viện nước Đại Đức không? Đối với tôi, đây là thông tin rất mới. Trước đây tôi chỉ mới biết Tôn Thất Thuyết đại diện cho triều đình Hàm Nghi đi cầu viện Nga qua Lãnh sự quán Nga tại Trung Quốc, chưa thấy ở đâu ghi là cầu viện nước Đức (về việc đi “thông hiếu” nước Nga, sử gia người Pháp Georges Boudarel có đưa ra ý kiến là: “Có thể Tăng Bạt Hổ mang thư uỷ nhiệm của vua Hàm Nghi sang liên lạc với bá tước Cassini, sứ thần Nga ở Bắc Kinh, để cầu viện, nhưng bị từ chối 2 lần vào khoảng giữa tháng 12-1892 và tháng 3-1893. Phái bộ này gồm 3 người, cho biết rằng họ được lệnh sang Saint Petersbourg để yêu cầu Nga hoàng giúp Việt Nam đánh Pháp. Theo toàn quyền De Lanessan thì phái đoàn này của Tôn Thất Thuyết chứ không phải của triều đình Huế”).
+ Theo nghiên cứu của giới sử học Việt Nam thì cuối thế kỉ XIX mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức như thế nào?
Theo như tôi biết, cuối thế kỉ XIX, Việt Nam chưa có mối quan hệ nào với nước Đức cả, mãi đến phong trào Việt Nam Quang phục hội, khi Phan Bội Châu bị bắt năm 1913, thì giao lại cho Nguyễn Thượng Hiền (khi đó đang hoạt động ở Xiêm) sứ mạng liên hệ với Đức. Nguyễn Thượng Hiền cũng được Đại sứ quán Đức tại Xiêm giúp đỡ tiền để chống Pháp. Trong quan hệ với Phương Tây, nếu như người Việt Nam quan hệ buôn bán với người Hà Lan từ rất sớm (thế kỉ XVII-XVIII), nhưng vào thời đó, cả đến thế kỉ XIX không thấy bóng dáng người Đức đâu cả.
+ Và suy nghĩ của ông?
Tôi chưa có điều kiện tiếp xúc với nguyên bản bức chiếu, nhưng biết đâu, chính bức chiếu này sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới. Theo tôi nên tổ chức hội thảo. Nếu đây là tư liệu tốt, chính xác thì đưa vào kho sử liệu của Việt Nam. Theo như thông tin công bố, thì bức chiếu này đã được GS. Léon Vandermeersch (Pháp) xác nhận một cách quả quyết rằng đây là thật. Tôi tin về mặt khảo chứng văn bản học, vì GS. Léon là một chuyên gia có trình độ cao, và có thể tin cậy! (+)
+ Xin cảm ơn ông.
(*) Trong Chiếu Cần vương lần thứ 2 (19-9-1885) cũng đã kể tội Nguyễn Văn Tường -- (Chú thích của bài trả lời phỏng vấn).
_____________
(+) Các ý sai lệch khác của PGS.TS. Chương Thâu trong bài trả lời phỏng vấn nói trên tôi đã phê phán ở một trang web khác thuộc WebTgTXA., đặc biệt là phê phán ý thức sử dụng văn bản giả mạo như thế làm tư liệu sử học -- (Ghi chú của WebTgTXA.).
Nguyễn Mỹ (lược ghi)
(Thể thao & Văn hoá – Thông tấn xã Việt Nam, số 0151, ngày thứ năm, 30-5-2008, tr. 18)
Thể thao & Văn hoá, số 0155, ngày thứ năm, 03-6-2008, tr. 20:
VUA HÀM NGHI CÓ SANG “ĐẠI ĐỨC” CẦU VIỆN?
(Bài 4)
http:// thethaovanhoa. vn/ home/ doi-song-xa-hoi/ khoa-hoc-giao-duc/ Chi-co-chieu-Can-Vuong-lan-thu-nhat-la-that/ 169/ 2008060306355768,15.htm
Thứ Ba, 3/6/2008, 21:32 (GMT+7)
Chỉ có chiếu Cần Vương lần thứ nhất là thật?
(TT&VH Online) - Không những cho rằng văn bản này có thể là “giả”, mà theo TS Nguyễn Quang Trung Tiến, “Chiếu Cần vương lần thứ 2” (19-9-1885) được biết đến lâu nay cũng là “giả”. Ngoài ra, ông còn đưa ra giả thuyết về chủ nhân thực sự của những bức chiếu này, và phỏng đoán về việc tại sao lại có chi tiết vua Hàm Nghi đi cầu viện nước Đức.
1. TS. Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết: 13 năm trước (1995) nhà nghiên cứu Võ Quang Yến ở Paris đã gởi bài về Việt Nam giới thiệu văn bản này (được đăng trên tạp chí Huế Xưa & Nay). Trong khoảng 15 năm trở lại, các nhà nghiên cứu chuyên sâu lịch sử cận đại Việt Nam qua các hội thảo khoa học ở TP.HCM và Huế đã đi đến xác định: chỉ có văn bản thứ nhất, gọi là dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, phát đi từ Tân Sở thuộc huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị ngày 13-7-1885 là thật (Văn bản này xưa nay bị sử sách gọi sai là chiếu Cần Vương lần thứ nhất, cần phải sửa lại là dụ Cần Vương cho đúng nguyên bản và đúng với thể loại chuyển tải mệnh lệnh bắt buộc của hoàng đế).
Còn văn bản được gọi là “chiếu Cần Vương lần hai” phát từ Hà Tĩnh ngày 19-9-1885, do Gosselin đăng bằng tiếng Pháp (không có nguyên bản chữ Hán) trong cuốn Le Laos et le protectorat française (Lào và chế độ bảo hộ của Pháp) xuất bản tại Paris năm 1900, là văn bản giả.
Ở văn bản 3-7-1889 này (tức Chiếu Cần Vương lần thứ 3 được xem là “nguyên bản”- TT&VH), hình thức trình bày có khác với mạch văn của thời đó, ở chỗ ngày tháng lại đưa ra phần đầu (bên phải) chứ không nằm ở cuối (bên trái) như thường thấy ở văn bản Hán cổ; đó là điều hơi đáng ngờ. Nội dung văn bản chỉ nhằm mục đích kêu gọi quan viên dân chúng miền Nam ủng hộ kinh phí kháng chiến chứ không buộc toàn dân đứng lên giúp vua như Dụ Cần Vương 13-7-1885.
Văn bản lại có nhiều điểm mâu thuẫn, như đoạn đề cập không đúng về Nguyễn Văn Tường. Hơn nữa, thời gian phát xuất văn bản 3-7-1889, tức 8 tháng sau ngày vua Hàm Nghi bị bắt (1-11-1888) và đã bị Pháp lưu đày sang ngoại ô thành phố Alger ở Algérie. Do vậy, khỏi cần suy nghĩ cũng có thể khẳng định đó không phải là văn bản do / hoặc của vua Hàm Nghi ban hành.
2. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng nếu vua phái cận thần, thuộc hạ đi cầu viện thì cũng xem như vua đi cầu viện. Ở đây tôi có thể nói rằng vua Hàm Nghi đã từng cử Nguyễn Quang Bích đi cầu viện nhà Mãn Thanh (nhưng bất thành); sau đó vào tháng 2-1886 Tôn Thất Thuyết đại diện vua Hàm Nghi tiếp tục sang Trung Quốc cầu viện nhà Mãn Thanh, nhưng bị Pháp câu kết với Mãn Thanh quản thúc ông tại Quảng Đông, không trở về Việt Nam được và mất ở đó năm 1913.
Còn việc vua Hàm Nghi có cử người đi cầu viện ở đâu nữa thì chưa, hoặc không thấy tư liệu nào đề cập. Dẫu vậy, khó thể có chuyện vua tôi Hàm Nghi đi cầu viện Đức quốc và được nước Đức nhận lời như văn bản 3-7-1889 nói.
Cuối cùng, tại sao bức chiếu lại đề cập việc cầu viện Đức quốc thành công để kêu gọi quan viên dân chúng miền Nam? Thiết nghĩ năm 1870 cuộc chiến tranh Pháp - Phổ diễn ra vào thời điểm chỉ mới Nam Kỳ vừa mất vào tay Pháp.
Sự thắng lợi của người Đức là nỗi ám ảnh nhục nhã của nước Pháp, đồng thời là hy vọng mong manh của người Nam Kỳ về sự rút quân của người Pháp lúc đó. Tuy nước Pháp cuối cùng đã vượt qua thất bại để đi lên, nhưng hình ảnh nước Đức ở cuối thế kỷ XIX vẫn tạo nên những cảm xúc ngược chiều trong ý nghĩ của người Pháp và người Việt. Sự “hí lộng quỷ thần” về cầu viện Đức quốc thành công trong văn bản 3-7-1889 có thể vì lý do như đã nói.
3. Theo TS Tiến, văn bản này là giả; dù có thể chất liệu, mực, son và dấu ấn, triện trên văn bản có niên đại cùng thời vua Hàm Nghi. Lý do như đã nói là thời gian xuất hiện văn bản nằm sau ngày vua Hàm Nghi bị bắt khá lâu, trong khi vua bị ở xa tổ quốc và bị Pháp quản thúc chặt chẽ, không còn liên hệ với phong trào Cần Vương trong nước.
Vậy văn bản nói trên có thể là của ai? TS Tiến cho biết: Ngoài văn bản này, từ lâu các nhà nghiên cứu cận sử Việt Nam cũng đã phát hiện một số chỉ, dụ, sắc phong ký tên vua Hàm Nghi sau khi vua đã bị bắt. Thậm chí đến thời điểm 1892 vẫn còn xuất hiện những văn bản đó. Giải thích hiện tượng này như thế nào cho dễ chấp nhận?
Người Pháp rất vui mừng khi bắt được vua Hàm Nghi vào 1-11-1888. Họ lập tức loan tin vua Hàm Nghi bị bắt một cách rộng rãi, với mục đích làm nản lòng tướng sĩ Cần Vương. Trong thực tế, nhiều thủ lĩnh Cần Vương đã tự sát hoặc giải tán lực lượng ra đầu thú Pháp khi biết vua không còn.
Do vậy, khả năng người Pháp tạo ra văn bản Hàm Nghi giả rất thấp, thậm chí bằng không; bởi không có lợi gì cho nền thống trị của họ, phủ nhận chính thông tin họ đang cố gắng tuyên truyền, đồng thời sẽ tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng và lòng quyết tâm đấu tranh của sĩ dân Việt Nam.
Điều dễ suy luận là các văn bản ký tên Hàm Nghi xuất hiện sau ngày vua bị bắt thường không có lợi cho Pháp nhưng có lợi cho kháng chiến (ngoại trừ những nội dung sai lệch về cá nhân, sự kiện). Do vậy, chính các thủ lĩnh trong hàng ngũ Cần Vương là những người được nghi vấn nhiều nhất, đặc biệt là cụ Phan Đình Phùng.
Đặc điểm của mối quan hệ vua tôi, chủ tớ thời phong kiến là cần có một người bề trên (minh chủ) để điều hành công việc chung; nếu không, chẳng còn ai phục ai và mọi sự thống nhất sẽ không còn. Do vậy, các văn bản ký tên Hàm Nghi giả chủ yếu vì mục đích nuôi dưỡng niềm tin (chí ít là gieo nghi hoặc) để phong trào không tan vỡ và có tiếng nói chung, nên đó có thể là sự đóng góp hơn là phá hoại.
Tuy nhiên, đến nay giới nghiên cứu vẫn chưa đủ cứ liệu lịch sử, vì thế chỉ là nghi vấn chứ chưa thể nói đích xác người tạo nên các văn bản giả Hàm Nghi.
Khang An (ghi)
(Thể thao & Văn hoá – Thông tấn xã Việt Nam, số 155, ngày 03-6-2008, tr. 20)