Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.694
 
Cái chi chi thơ- phần 2
Vĩnh Phúc

NHAN NHƯ NGỌC

 
Nếu đặt tên khai sinh cho thơ, thơ sẽ có họ Nhan và tên là Như Ngọc. Hồng, Hoàng, Lam, Bạch… - Ngọc nào cũng rực rỡ sáng trong tinh khiết. Nhan Như Ngọc. Thơ là nhan sắc. (Người xưa chẳng bảo trong sách có mỹ nhân ư?). Nhan sắc không thể bị phỉ báng nguyền rủa. Đặt giới tính lên bàn tênh hênh mà mổ xẻ từng phân ly da thịt hay đem cả một mớ hổ lốn từ kinh nguyệt, phân cứt, tiếng chửi thề bôi mặt thơ chẳng phải là làm cho thơ vấy bẩn tục lụy? Không thể nhân danh cái tôi tự do sáng tạo, không thể núp dưới chiêu bài trường phái nọ kia mà phản thơ, mà làm mất vẻ đẹp của chương, làm lu mờ cái thanh sắc của văn; Cũng không thể vin vào lập luận thơ hồn nhiên, cảm xúc trực hiện mà mặc cho dồn nén ẩn ức (refoulement) mở hoác hận thù ngữ ngôn dung tục. Vết cắt của Trần Tiến Dũng và Hoàng sa Trường sa của Nguyễn Viện có chung một chủ đề, một tâm tình, một nỗi đau nhưng ánh mắt cô sinh viên cắt cứa tôi chảy máu còn Hoàng Sa, không hơn không kém, chỉ là một lời chửi tục không phải thơ?

 

Mở môi ngôn ngữ hồ đồ. Chân dài eo thon ngực phì nhiêu nhưng nhan sắc mở môi hồ đồ, đầu mày cuối mắt dâm đãng, chắc chắn không ai dám tính chuyện trăm năm vuông tròn. Họa chăng là khoảnh khắc mua vui!

 

Nhan sắc thơ không phải để mua vui - Mua vui cũng được một vài trống canh chỉ là cách nói của Tố Như khi tiên sinh đồng thời nhắn bảo thế nhân Ba trăm năm lẽ về sau nữa / Thiên hạ ai người khóc Tố Như. Do đó, những con chữ tròn vo bụng rỗng, méo mó, căng ra thắt lại, hì hà hì hục thụ thai/thụ tinh thì dù có dậm dật disco, gào khan những vũ điệu hoang dại, phát ngôn những dự báo phi thời tiết thì cũng bằng… không! Tiên học lễ hậu học văn. phi nghĩa bất thành lễ. Người đọc chạm mặt thơ đầu tiên ở cái vỏ bên ngoài (con chữ, nhịp điệu, hình ảnh, cách trình bày) nhưng ở đây thiếu vắng lễ nghĩa, phi thẩm mỹ thì còn đâu nói chuyện hòa hợp với đồng cảm. (Xin lạc đề một chút! Tình yêu đến em không mong đợi gì / Tình yêu đi em không hề hối tiếc. Khi ca sĩ Mỹ Tâm cất tiếng hát với dòng sông, thiên hạ đã vỗ tay hà rầm vì giai điệu, vì tiếng hát (?) nhưng ô hay, lời ca nghe mà ngậm đắng nuốt cay thế nào vì bài hát đang tung hô tình yêu của người máy, cực kỳ vô cảm!)

 

Tương tự, thơ không phải chỉ có giai điệu, tiết tấu, con chữ… Thơ còn phải có hồn vía, và nên chăng là tiếng nói phản tỉnh? Tôi thích nói chuyện với nhan sắc áo mũ đàng hoàng (không khỏa thân, hợm hĩnh) và biết chia sẻ hơn là với một chân dài ngốc nghếch tóc vàng tóc đỏ. Nhan sắc thơ đương đại như thế nào, đã trở thành nghệ thuật chia sẻ với đời với người chưa? Xin được nêu một vài ý nghĩ thô lậu, mang tính nhàn đàm.

 

1.
Diện mạo Thơ Việt Nam *) từ sau 1975 đến nay khá cường tráng và hoành tráng (từ của Nguyễn Việt Chiến); cường tráng về số lượng tác phẩm/tác giả và hoành tráng khi mở ra mười phương mặt người với suy tưởng mới trên nhịp động chuyển của bánh xe công nghiệp và với những thi pháp đặc trưng mang dấu ấn của nhiều trường phái trào lưu từ hiện sinh, siêu thực, ấn tượng, hiện đại, hậu hiện đại… Thơ thứ thiệt đã gần như đoạn tuyệt với thơ mới thời tiền chiến trong cấu tứ, câu chữ, nhịp điệu. Ở đây đã có những khuôn mặt lớn tiêu biểu từ Trần Dần, Lê Đạt đến Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Thi Hoàng, Nguyễn Bình Phương, Inrasara, Trần Quang Quý, Phan Nhiên Hạo, Thường Quán… Mỗi người một vẻ ngẫm ngợi trong tư duy đa chiều và những thể nghiệm cách tân. Một cánh lá rơi, tiếng rao hàng, bông hoa mất ngủ, một mắt liếc, ngày áo cơm rồI sốt gạo, ngành điện "một mình một chợ", nhập siêu, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu giảm… Tất cả đi vào thơ, ảo và thực, đánh thức nhịp sống không còn ngái ngủ mơ màng của ngày kỹ trị.

 

Thanh Thảo đã chào buổi sáng bằng tiếng rao, và,  tiếng cười bên đống rác làm nên một ngày  hồn nhiên áo cơm chật vật.thoảng tiếng rao / ngày sinh một chiếc bánh tẻ / một bát khoai khô nấu mật

một người mẹ gầy như ban mai / một tiếng cười bên đống rác

(Ngày 12 tháng 3)

 

Với Trần Anh Thái, Ngày đang mở sáng nhưng tất cả đều mơ hồ, có chăng ban mai là thật?

 

Không có vùng sáng nào đặc quyền

Chúng ta bị dối lừa trong lời tụng ca rối rắm, giấc mơ vấy đục

Gã hề lăng xăng sàn diễn u mê

(Trường ca “Ngày đang mở sáng”)

 

Trong mơ hồ đó, Trần Tiến Dũng hồn nhiên như đá lăn lóc giữa cuộc trần gian, chẳng bận tâm, và… ngủ:

 

Ngủ để quên đói / Ngủ để quên lốp xe bể /

Không vì mảnh chiếu ở trọ đêm nay sẽ bị vứt ra đường / mà ông thức…

(Ông đồ chơi)

 

Nhưng khi thức giấc, anh cất tiếng gáy nỗi buồn khi công chính, đạo đức, thẩm mỹ… Mọi thứ đều bị bôi bẩn dưới ánh mặt trời, một nỗi buồn nghe ra lại đầy chính khí hạo nhiên! 

 

Có thể viết gì, thi sĩ! / Xứ sở chỉ còn màu nắng đầu ngày là không bị bôi bẩn

Ngửa cổ gáy vào đó nỗi buồn kiêu hãnh / ngẩng mặt làm thi sĩ của chính mình (Đôi chân sợ hãi, tôi chọn bước ra)

 

Đối lại, khi thế giới không còn trăng, Nguyễn Trọng Tạo ôm đàn hát khúc đồng dao về những quả đắng và sự trả giá:

 

anh Rock một đời hoa thành quả đắng / từng giọt chiến tranh chảy dòng máu trắng

ai đem rao bán vinh quang rẻ tiền / anh mua giá đắt một mùa lãng quên.

(Đồng dao cho bạn)

 

Còn Inrasara, trong Lễ Tẩy trần tháng tư, lặng lẽ mà đau đớn khắc chạm hình ảnh dân tộc mình hành hương về bên kia đêm tối, lại vẽ Chân dung nàng Chăm mới lớn bị nhổ khỏi plây / bị văng vào phố, và ở đó: 

 

Em giặt giũ trong căn gác lạ / em thợ phụ trong xưởng máy lạ / em hoảng hốt trong con hẻm lạ / em rụng vào đêm lạ.

 

Lạ đánh thức nỗi sợ của linh hồn ruộng đồng. Lạ, con rắn quẫy đuôi cắn vào từng lớp xống áo hoang mang!

 

Riêng nhà thơ công chức Phan Thị Vàng Anh lại chênh vênh giữa lạ và quen. Cô yêu đến nghẹt thở cái công tắc đèn mỗi ngày nhưng lại lạ lẫm Hồ Gươm ngay dưới kia nhưng đã thành người lạ. Lạ quen đan chen, xáo trộn thường  ngày buộc mình phải nhận diện mình: 

 

Lấp loá bên kia đường / Tôi không trốn được tôi

(Ở khách sạn Phú Gia)

 

Phải chăng cuộc sống quá nhiều tầng áp lực nên anh đã lơ đãng đến mức không cài lại khuya áo ngực cho em sau những phút giây tình ái êm đềm và Dư Thị Hoàn phải khấn nài:

 

Tôi sẽ khỏi bệnh / Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy / Không cần Bác sĩ

Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến

Một nhành hoa dại thôi

(Trong bệnh viện tâm thần)

 

Nhành hoa dại ở đây chính là cánh nhất chi mai của Mãn Giác hôm nào trước thềm xuân tàn tạ. Đọc Tiệc Nửa Đêm Với Các Đại Gia Và Venus của Phan Nhiên Hạo, tôi chợt thấy sống lưng lành lạnh khi mắt người là bù lon, ngực bằng sành sứ và tình người đuợc chiết tính trên lợi nhuận. Hãy nghe phát biểu của một doanh nhân tiêu biểu:

 

Thưa đại ca, tôi nghĩ đây là thời hữu dụng của những doanh gia. Chúng ta hãy bán bảo hiểm vì ngày càng có nhiều thứ để mất. Chúng ta hãy bán hoa vì ngày càng có nhiều kẻ trưởng giả. Chúng ta hãy bán nhang vì người ta ngày càng mê tín. Chúng ta hãy bán nón vì ngày càng có nhiều kẻ hói đầu. Nói chung sứ mạng của chúng ta là bán thật nhiều thứ cho đến khi con người tự bán mình cho chúng ta.

 

Thực dụng đang ăn mòn rỉa rói. Người bán linh hồn cho người và bán  thân xác cho thời gian. Câu thơ của Ngô Tự Lập quẳng vào dòng cuốn của tháng năm  một tiếng kêu xé trời :

Triệu triệu bầu vú bị chặt đứt khỏi thân mình đau đớn

 

Rơi như những trái dừa xanh xuống đất mềm

Những trái dừa xanh cả dưới mồ còn căng mẩy

(Đàn bà những năm sáu mươi )

 

Không thể cầm giữ dù là một sợi tóc và, nghi hoặc nở bung mấy mùa. Nguyễn Quang Thiều bị vây bọc bởi giấc mơ và những khúc hồi tưởng đấy ám thị. Cái chết là ngẫu nhiên như hòn đá rớt xuống cành mai, và,  không có gì để nghi ngờ khi nó biến mất tại chỗ (sur-place):

 

H đang qua ngã tư

Chỉ còn một bước chân cuối cùng

Sẽ sang bên kia đường

Chợt con bay cuối đàn biến mất

Không ai nhìn thấy H  

(Một bài tập làm văn)

 

Những ngã tư, ngã năm, những con đường của nhà thơ là Thục đạo nan đá sỏi gập ghềnh, rơm rớm nước mắt và cả máu. Nầy là bước chân một cậu bé đi qua loang lỗ hoàng hôn

Nơi những lá cờ đã say ngủ, quên cả mùa di cư, quên cả những con đường gió

Giờ đập cánh bay lên, lượn quanh cờ ngũ sắc, theo hình trôn ốc

Và cậu bé đi không phải để dựnglên một lá cờ khác

Chỉ đi như một trụ cầu để đỡ lấy một giọng nói. 

 

Bế tắc, Nguyễn Việt Chiến đem những đói khát, đau khổ cất vào ngăn tim em khi đó là chỗ ẩn trú cuối cùng,  hy vọng cuối cùng:

 

chẳng con đường nào nâng tôi lên qua những dằn vặt cũ

chẳng máy giặt nào giặt hộ tôi những đau khổ cũ

chẳng máy điều hòa nào có thể cứu nổi một sa mạc cũ

đang phổng phao lớn dần những đói khát trong tôi 

(Để nhớ về em)

 

Trên một đường link tương tự, Đoàn Mạnh Phương bắt kịp những tín hiệu khi cảm giác nhai từng ngày trong miệng,

 

Ngày thúc vào sọ não…/ Lướt trên mọi kênh rãnh giác quan / Xuyên thẳng giữa những cái nhếch mép của nụ cười / và cuối cùng là bật lên tiếng khóc

(Nhân thế)

 

Nhân thế trăm năm với giọt lệ nụ cười, với mưu toan nghi kỵ, với dằn vặt và vấn nạn, những tấn bi hài vẫn là chuyện của muôn đời được soi chiếu bằng trải nghiệm và hình tượng ngôn ngữ mới. Mùa thu, tôi muốn về úp mặt ngủ trong tiếng chuông văng vẳng nắng rươm rướm chiết ra từng tiếng vọng. Hữu thể hay hư vô, vật chất hay tinh thần? 

 

Trước khi gõ thì tiếng chuông ở đâu

Trước kia hồn ta ở thịt xương nào?

Hỏi vậy vào một sớm mùa thu sao mà văng vẳng

Nắng rươm rướm chiết ra từng tiếng vọng 

(Cộng sinh – Thi Hoàng)

 

Mai Văn Phấn, Đoàn Minh Hải, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Doãn Phương… cũng đã đào xới quá khứ, mở phơi hiện thực bằng những cắt dán mang màu sắc hậu hiện đại với thủ pháp vắt dòng và giọng điệu giễu nhại:

 

Và bát tiết canh ở quê nhà cũng / đã đổi màu thành thâm tím chỉ có

con ruồi xanh đang đậu trên miệng bát / là xanh đẹp trong bốn mùa đợi mong

(Tím Bầm – Đoàn Minh Hải)

 

Chúng ta đã, đang chấp nhận sống chung với ruồi xanh ô nhiễm môi trường, ô nhiễm ngày sống. Ruồi xanh, bốn mùa xanh và đẹp? Câu hỏi bật ra và Đỗ Doãn Phương trả lời:

 

Hãy thở bằng lá phổi kiểu cây và từ từ lặn đầu xuống

Im lặng như chiếc đinh đóng ngập vào thớ lõi

Cuộc sống treo lên những túi xách tay

(Biến Thành Cây)

 

Đây là một cách cảm nhận cũng là một cách thế sống với những nghịch lý. Mai Văn Phấn cười đau cái lệnh Hoàng thượng loa truyền đến hôm nay:

Vạn lý Trường Thành còn xây dở? / Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ

Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ / đánh hộc máu mồm

Khâm thử!

(Ghi Ở Vạn Lý Trường Thành)

 

Giễu nhại, nghi hoặc nhưng có khi Mai Văn Phấn lại lặng đi với một bông hoa vừa bung mở, mở ra các tầng tầng không gian đất với trời, mở ra như một hạnh ngộ 

 

Trôi qua vô cớ lặng im / ngọn bấc cạn / muội dầu trăng trối

Thoảng nghe thang thuốc phân trần…

Bông hoa mở

Bùng vỡ những khoảng đất rộng

(Đất Mở)

 

Nguyễn Bình Phương vực dậy nỗi buồn từ những cái bắt tay, chiếc mặt nạ giả nhân nghĩa, giả thân thiện nên mắt là hổ phách, đẹp dữ tợn:

 

Buồn chiếu vào ta những ráng mỡ gà / Cái bắt tay lỏng lẻo với nụ cười ai ái

Buồn không mang comlê không đợi chờ ai / Mắt là hổ phách / đẹp dữ tợn

(Buồn)

Siêu thị mặt của Trần Quang Quý, dứt khoát hơn, vạch mặt chỉ tên, phất lên ngọn cờ đổi mới một cách toàn triệt theo tinh thần của Allen Ginsberg, không chấp nhận những vô tổ chức với phi thẩm mỹ:

 

Tôi nhặt sông Hồng đổi chỗ cho Tô Lịch thau rửa cặn phố

nới rộng Hồ Gươm mong tránh cơn bi kịch ao làng

tôi nhổ những căn nhà siêu mỏng, mái chóp, mái bằng nhấp nhô thò thụt

hàm răng vô tổ chức bẩm sinh

gặm rách xanh trời, chọc giận mỹ cảm

thay vào đó một con đường, một công viên, một khu phố biết giã biệt hình ống

(Trò Chơi Hình Khối)

 

2.

 Cứ thế, thơ đương đại chọn cho mình nhiều góc độ nhìn, nhựng cách thế soi chiếu hiện thực. Chắc chắn ở đây, tôi không có ý định tầm chương trích cú, chẻ từng sợi tóc thơ mà ngửi hoa hương cũng không bình chọn, sưu tầm, sắp xếp trật tự thơ hay phân biệt tác giả các dòng thơ. Bởi lẽ đoạn chót của sắp xếp là phân rã. Những vần thơ trên, tự nó đã lay động tôi trong khoảnh khắc nào đó với ngồn ngộn nỗi buồn vui, cô đơn nghi hoặc, cả đau thương tuyệt vọng lẫn niềm tin. Sức lay động đó bắt nguồn trên nền tảng của lương tâm và sự chân thật trong thơ. Thơ giả và không đeo đẳng lương tâm, với tôi, là thơ bỏ đi. Tôi thông cảm sâu sắc với định nghĩa thơ của Saint John Perse: Thơ gợi ra giữa chính thế kỷ này một phận người xứng đáng hơn của người nguyên thuỷ. Không, thơ không cần hát lời tụng ca chế độ, không cần vo tròn bóp méo thành đạn thép, đạn đồng, đạn chì… để bắn vào đầu thù. Thơ nhân sinh, dân quyền, thơ phản kháng, có thể, nhưng thơ phải ở ngoài, ở trên những thể chế, ý thức hệ mới có thể ngoảnh nhìn nhân gian với sinh lão bệnh tử, với khổ đau, tình yêu và cô đơn thân phận. Tôi không đọc nổi Nguyễn Quốc Chánh với các loại nôm na (C. đương thời), nhưng lại thích Phan Nhiên Hạo - trong các nhà thơ hải ngoại - vì những hình tượng đầy tính nhân văn và dự báo. Giá như tẩy bớt đi tạp chất chính trị, Thiên đường chuông giấyChế tạo thi ca là những bài thơ hay của một kẻ lưu vong chuyên nghiệp (từ của Inrasara). Tôi đã đọc TQ 28cục cứt thơ hai bài thơ của Nguyễn Đình Chính trên bàn Hội Luận này với rất nhiều xúc động mặc cho khá nhiều ý kiến phản đối về ngôn từ sử dụng, về cái thi pháp đầy chất giễu nhại của tác giả. Đừng bảo thủ, đừng mang mặt nạ đạo đức và hãy khoan nóng vội, cứ bình tĩnh đọc thật chậm bài thơ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra tiếng cười như một nỗ lực che mặt để giấu từng tiếng nấc từng ngọn, từng ngọn như sóng và ngọn cuối trơ ra, vỗ bờ:

 

tổ quốc bị thương lê lết / trốn trong cây hoa ngũ sắc / lặng im / nhìn…

 

Hoa ngũ sắc và tổ quốc đều bị thương, đen kịt bùn vây, chạy trốn thiên tai và bão táp. Tôi đã cầm, chạm được giọt nước mắt của Nguyễn Đình Chính thấm ướt trang giấy cuộc đời! Còn nữa:

 

thơ đứng về phe nước mắt (trên cả tuyệt vời) / nhưng… cẩn thận nước mắt (cá sấu)

nhân văn thời nay không xài nước mắt / nhân văn ăn nhậu tối ngày

nhân văn cười ruồi lặng im

ối thơ ơi là thơ

 

Thì đây là bài văn tế của thời hiện đại, một văn tế sống đào huyệt chôn những mặt người, chết dở sống dở, chôn cả thơ ươn ươn nhàn nhạt làm sao lại có thể là hai bãi thơ. Chữ tự nó có nghĩa khi cõng trên lưng các tin nhắn nhân văn. Nó hoàn toàn không nhầy nhụa nhớp nháp trần truồng kiểu thơ Cái l. què của Bùi Chát, hoặc khoe cửa mình vật vã của Lynh Bacardi trong nhóm “Ngựa trời”:

 

Âm thanh của đứa trẻ chưa kịp nhìn đời

tiếng rên rỉ dòng nước trắng ứ bầu vú em

vật vã cánh cửa mình chưa kịp khép kìa.

(Chở Thuê)

 

Mấy câu thơ làm tôi bật cười nhớ Kén rể, một cái truyện tiếu lâm. Anh chàng công tử dốt đặc cán mai, lý bí trước yêu cầu đề thi tụng ca nước kiệu của bạch mã, may thay nghe được tiếng địt của mẹ vợ tương lai như sấm ngang đầu nên xuất khẩu thành thơ:

 

Bà lớn địt cái tịt / Ngựa ông chạy xa tít

Chạy lại rồi chạy đi / Khu bà vẫn chưa khít

 

Thế là được vợ vì tài thơ!?

 

Sự phân biệt cơ bản nằm ở lương tâm thơ (mục đích viết). Tôi không cổ vũ loại thơ có cả phân, kinh nguyệt, và đủ thứ ngôn ngữ thông tục của tầng lớp dưới; nhưng tôi chấp nhận những thể nghiệm, xúc cảm của tác giả trong những tình huống cụ thể, với điều kiện thơ phải chia sẻ với người đọc điều gì đó lớn hơn là tiếng cười (chỉ để buồn cười), lớn hơn một tiếng chửi (chỉ để thóa mạ) và có ý nghĩa hơn một cú hích cởi trói tình dục. Một nhà thơ nữ, trong tình huynh đệ, đã chân thành góp ý bài thơ tôi vì, e hèm, mở ra là có băng vệ sinh và kết thúc là thuốc cường dương!

 

những viên thuốc cường dương xanh

những tuyên ngôn đỏ rực

thời gian phi nước đại

không hồi xuân 

(Lạc)

Tôi đành cười trừ/cười khổ và… im lặng.

 

3.
Trong nhiều trường hợp, im lặng là vàng vì biết nói thế nào giữa bát nháo hỗn độn của loại thơ mệnh danh là thơ trẻ, thơ hậu nữ quyền, hậu hiện đại.Tôi nhớ cái miệng móm mém của nhà thơ tiền bối Lê Đạt khi trả lời phỏng vấn về thơ trẻ: Nhiều anh trẻ hiện nay văn hóa hơi yếu, nhưng tiếng tăm nổi nhanh hơn văn hoá. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, giờ đã ra đi nhưng có lẽ vẫn còn trăn trở ngậm ngùi:
Đêm đêm, tôi chong đèn đọc Thơ trẻ. Tôi muốn tìm hiểu họ, những nhà thơ Việt của tương lai, nhưng thú thực, khó lòng hiểu nổi. Tôi không hiểu được họ, không bởi lỗi ở họ, mà vì tôi không tới được họ. Cùng nói một ngôn ngữ tiếng Việt với nhau mà không hiểu được nhau, sao lại thế? (“Thơ trẻ… mất ngủ”, Văn Nghệ Trẻ, số 51, 21/12/2003). Sao lại thế? Một câu hỏi kêu đau! 

 

Lạc kênh! Tôi cũng cảm thấy mình lạc kênh giữa cơn lốc thơ trẻ và cả những tuyên ngôn nẩy lửa. Cao Hải Hà, khi trả lời phỏng vấn về vụ đem treo những lốc ảnh nude của mình trên blog, đã hồn nhiên vô tội: Tôi là nghệ sĩ, có thể được tự do bay bổng trong cảm hứng của mình, miễn không làm tổn hại gì đến xã hội. Tự phong danh hiệu nghệ sĩ rồi tự do khoe mông má ngực… đàn ông và tự tin không làm tổn hại xã hội!!! Chuyện không nói nữa. Đọc một loạt bài của Trần Hoàng Thiên Kim, từ Sau giấc ngủ, Thời gian, Bài ca đêm chỉ thấy nỗi cô đơn ăm ắp cả thân thể, khuôn mặt lạnh, tim lạnh và rồi em như xác chết còn anh một vệt môi dịu dàng. Cứ thế và nữ sĩ tung hô lênMặc dầu có những hạn chế nhỏ khi bộc lộ cái tôi cá nhân cô đơn, buồn bã, nhưng thơ nữ trẻ đương đại đã có những khoảnh khắc thăng hoa của cái tôi cô đơn. (Nhận định về thơ trẻ Sài Gòn , Vietbao.net). Tôi thực sự không hiểu cái khoảnh khắc thăng hoa ấy có nằm trong một xác chết với cái tim lạnh hay không?

 

Thú thật, tôi đã đào xới các mạng, tìm kiếm đến mờ mắt những câu thơ hay của các khuôn mặt tên tuổi từ Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Hồ Huy Sơn, Phan Huyền Thư, Trương Quế Chi, Nhóm Ngựa Trời, Nhóm Mở miệng… và chỉ thấy ở đó rất nhiều những con chữ phùng mang trợn mắt không hồn vía, những rêu rao tình dục, những giễu nhại hồ đồ phi thẩm mỹ. (Bùi Chát đem cả Cáo Bình Ngô mà lếu láo lắp ghép từ Lý Liên Kiệt đến Lý Thường Kiệt - Bình luận & hù doạ bắp ngô báo cáo tóm lược?), còn Khương Hà thì mang cả chăn gối ra hù mấy ông già yếu sinh lý: “Chiếc drap trải giường sau cơn cuồng lạc trơ trơ vô cảm giữa mớ hỗn loạn bầy nhầy…”. Ôi thôi thế sự đảo điên, cháu con nó cười vào mặt ông cha! Chỉ một click chuột, thế gian trần truồng sẽ hiện ra nhiều hơn 35 kiểu, cần chi đến những câu thơ mệnh danh là giải phóng tình dục, là nữ quyền luận. Tôi đã đọc được một comment của một bạn đọc sau khi đọc Căn phòng 22. âm thanh sóng của Lê Thị Thấm Vân: Làm thơ thế này thì… gái điếm làm hay hơn! Cái đầu óc lú lẫn của tôi cũng nghĩ suy như thế.

 

May mà trong dòng chảy trẻ hóa, vẫn còn vài khuôn mặt, những vần thơ của nỗi niềm. Này là hình ảnh bà vắt ngang dọc trong nỗi nhớ của Nguyễn Vĩnh Tiến

 

Bà ví lông gà, vàng như vườn cải / Ông ví mặt trời, như lời mối lái,

Ai ví tình yêu, như trò nghịch dại / Bà lên kẻ chợ, có buồn được đâu

Ra về lúc lắc, héo mòn một xâu / Ra về lúc lắc, héo mòn một xâu…

Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng / Đầu làng mình chợt nổi trận gió to

(Bà Tôi)

 

Đám mây của Lê Vĩnh Tài là biểu tượng đồng thời của nước mắt và niềm tin:

 

nơi nàng nằm xuống/ hơi ấm đã đóng thành nước mắt

nó lo nàng ngạt thở/ nhưng nó không mất hy vọng

về bầu trời/ và ngôi sao và mây trắng mơ hồ

(Bài Thơ Tả Đám Mây)

 

Mùa thu trong mắt Lãng Thanh thật lạ. Những lá sen tàn báo hiệu một mùa thu sinh sôi :

Nuớc cọ bầy rêu, đá núi nhăn mày Phật

Lá sen tàn là hoa nở đầu thu

(Mùa Thi I)

 

Nữ sĩ Dương Anh Xuân nhìn thiên hạ tóc rối đầu bù (vì không đủ thời gian điểm phấn gương soi?), bằng một cái nhìn thấu suốt nhân tình và lòng nhẹ tênh, thênh thang.

 

Một ngày khật khưỡng bước ra đường  /Ha hả cười nhìn thiên hạ đáng thương

Đầu bù tóc rối / Nồng nồng mồ hôi

Lải nhải ba hoa với những ngôi nhà cau có / Có chó gì phải buồn

Niềm vui giống như những con chuồn chuồn / Cánh thì mỏng mà nỗi đau lại lớn

(Ngày Cười)

 

Đặc biệt là Phan Trung Thành, anh đã chuyển điệu từ giọng thơ tình sang màu nhân sinh khi đã chứng ngộ chữ tình chẳng là cái chi chi giữa tang thương dâu bể với bao nhiêu  thăng trầm thế sự. Đồng Hồ Một Kim đã khởi đi trên những suy tưởng lắng sâu xây dựng trên nền tảng hiện thực bộn bề.

 

anh yêu phố yêu đời bầm dập / cà phê lạc soong / nhạc lạc soong / vỉa hè lạc soong

em bên lề mong ngóng lạc soong / ngã tư Bốn xã / nhà liền mồ mả / cổng chợ cổng chùa

nhà thương trại hòm / bụi đè lên bụi / nơi ta nhập cư / xe rác nghiền nát

chào em rau má khép nép  /cho một cốc nhớ thương!

(Đồng Hồ Một Kim)

 

Bên cạnh là Võ Mạnh Hảo với một bút lực mạnh mẽ mở ra những hình tượng liên tưởng giàu chất trí tuệ. Mùa treo lên đẹp đẽ với nhiều gam màu và âm sắc âm hưởng thi vị :

 

Lũ ong bầu nhộn nhạo làm tổ tháng tư

Vào một ngày nắng thuỗn ra hình những quả mướp

Hờ hệt treo lên nhánh mùa hè

Ở một nơi từng hố sâu được phủ đầy rơm và dấu chân gà giẫm lên tất thảy

(Mùa)

 

Rồi còn đó những tác giả trẻ vô danh, lặng lẽ lầm lụi trên đường cày, không làm mày làm mặt. Thạch Thảo Bình Dương đã chào Mùa xuân bật thức trên những đôi chân kiến nhẫn nại:

 

Bò đi bò đi những chú kiến trên đôi chân nhẫn nại

Ngọn râu vễnh chào ánh ngày ấm áp truyền vang thông điệp

Những hạt cơm không để lãng phí một ngày

Và em u mê khi dán vào môi anh.

(Tạp chí Sông Hương, tháng 3/2008)

 

Lam Hạnh, sinh năm 1983, đã giành được tặng thưởng Thơ Sông Hương 2007 với Sóng xô vào cuộc bể dâu:

 

Chạy trốn, em, chạy trốn, rơm rạ mùa màng/sóng giằng xé nước tham lam cuốn, hút nhấn chìm / Em khóc / nước mắt tan thành bọt / sóng xô bờ, bờ xô người vào cuộc bể dâu

Trước mặt là bão / sau lưng là lũ / trên chênh vênh sống chết

Em chỉ chưa đánh mất chính mình

(Sông Hương, tháng 12/2007)

 

Còn câu thơ của Đặng Hải Yến đánh rơi giữa trưa tình mộng cũng đầy dịu dàng dù trời thắp lửa:

Nắc nẻ cười vỡ mo nang trưa đầy lửa / Ta treo ngược ý tưởng lên mây

Ba hồn bảy vía / Đong đưa đong đưa

Chú tiểu học đòi / Sư nữ ôm giấc mơ tình mộng

(Trưa Bản Mông)

 

Không cần bẻ chữ, vắt dòng, không cần thổi phù cơn mê muội chữ với ấm a ấm ớ tắc tị, không cần khoác áo hậu hiện đại hay trình diễn, dự phóng, họ, những người thơ trẻ cũng làm ta da diết với cuộc đời này. Tôi trân trọng những vần thơ trên. Thế hệ trẻ đã cố gắng đổi mới, không phải chỉ bằng cách phản thơ đến nhảm nhí kiểu của Khúc Duy:

 

Chưa có thịt bò ăn / phải làm sao có, chưa có thịt

người ăn phải làm sao, có làm /thì mới có con / không dưng ai dễ banh mồng chổng khu

 

Hay phá thơ bằng việc mở miệng chửi thề của Nguyễn Quốc Chánh:

 

Ðó là cảnh khắp nơi. Cái chết trong mỗi người. Sợ và chìm vào tăm tối. Sự dã man dàn hàng ngang. Chặt! Chặt! Chặt! Cái con cặc!

(Tai Nạn Đương Thời)

 

Giá như bỏ đi câu đính kèm, câu thơ rất giàu ấn tượng với tôi. Mà tại sao lại thêm cái khúc đệm ấy làm gì nhỉ? Chỉ với chặt chặt chặt cũng đã thúc phản kháng đến cao trào?

 

Phỏng nhại là sáng tạo, cắt dán là sáng tạo. Sáng tạo bằng cảm thức mới, tinh thần mới. (Inrasara ) Và đây là bài thơ tiêu biểu mà nhà phê bình giới thiệu đính kèm chú thích: Hậu hiện đại, người ta tỏ tình kiểu khác.

yêu rồi mà / khỏi phân bua

nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms

(Nắng Chia Nửa Bãi Chiều Rồi - Nguyễn Hoàng Nam)

 

Thơ cần phải tiết chế cảm xúc để khỏi nhảm nhí chăng? Thôi, bó tay chấm com! Không lẽ đây là món đặc sắc của hậu hiện đại?

 

4.
Thơ hay/dở, rồi thơ và cái giống thơ, phản thơ chỉ cách nhau một sợi tóc và chắc chắn không có cột mốc định vị. Nhưng theo tôi, thơ phải là nhan sắc và nhan như ngọc thì có dễ tính đến mấy cũng không thể gọi méo miệng, sứt môi, lé mắt, lùn tịt… là đẹp, là phì nhiêu nhan sắc. Nhân danh các chủ nghĩa và trường phái, một số tác giả đang có khuynh hướng bỏ quên nội dung để đeo đẳng hình thức, làm lạ hóa, mặc cho những con chữ của mình những chiếc áo kỳ quái, kỳ dị, tắc tị mù mờ và gọi đó là thơ.

Bài thơ À há của Vương Ngọc Minh là điển hình cho cái gọi là… à há?

 

1,

 Giở tấm vải đậy bức tranh lên, vừa thấy, em buột miệng liền: ô, mark rothko!

- có cảm giác như “việc ăn cắp vặt của mình bị phát giác, bị thộp cổ”, tôi đứng chết trân.

… dưng không chúng ta lại đi tìm ý nghĩa của từng cọng mì ăn liền, lúc đấy tôi cho: giá như em đừng can, để mặc tôi hô “cứt, cứt” thì giờ thùng mì gói chúng ta có thể mang trả lại được.

- cũng vậy, lúc tôi vo đầu, bứt tóc nói: em nên nhớ… em luôn là nguyên cớ dựng tôi dậy bất cứ lúc nào… bất cứ đâu…; nếu em đừng đáp trả: sao lại nông nỗi thế này… ôi… anh yêu…, thì tôi sẽ không nói tiếp: em có biết (!) gió từ biển ùn ùn thổi ngang mặt tôi đêm ngày…; và em, đúng thế, em sẽ thôi đáp rằng: vâng! em vẫn sống cạnh bên… anh yêu.

 

2,

trời ơi, tôi không hiểu rồi, chữ sẽ đưa tôi về đâu [còn màu sắc nữa!]

… đến nước này mà em vẫn còn nói: hành động vo đầu bứt tóc… chả nói lên chi cả… anh yêu…; lúc này tôi nghĩ, giá như em cứ hô “cứt, cứt”…

 

Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm độc giả chịu đọc loại thơ đầy chữ nghĩa này và giả như đọc xong/lỡ đọc, tôi tin trong đầu người đọc còn lại chỉ có mỗi vọng âm duy nhất của điệp khúc cứt cứt. Tác giả đã dựng lên bức tường lửa dối lừa gạt gẫm thây kệ người đọc nên còn đó nỗi buồn, những ám ảnh và mặc cảm.

 

Nên/cần chăng hiểu những thi sĩ hậu hiện đại theo phân tích của Như Huy?

 

1.Bởi luôn tìm cách gắn bó với hiện thực và hiện tại, nên sở hữu khả năng hài hước

2. Bởi luôn tìm cách khai triển khả năng hài hước, nên sở hữu ngôn ngữ

3. Bởi luôn tìm cách thực-hiện-ngôn-ngữ, nên sở hữu khả năng thấy-ra, cùng lúc cả sự vô lý và hữu lý trong mọi biến cố

4. Bởi luôn thấy ra, cùng lúc, cả sự vô lý và hữu lý trong mọi biến cố, nên Sở-hữu-khả-năng-bất-lực 

(Sở -hữu khả- năng- bất-lực, trích talawas.org)

 

Thời đại nào, con người nấy. Cần chấp nhận đổi mới để tồn tại, chấp nhận mọi trường phái trào lưu để không lạc hậu nhưng thơ thứ thiệt thì không thể phóng đảng, phá tán, thóa mạ. Thơ cần có văn hóa để không lộn xộn giữa một thế giới đã quá nhiều hỗn độn, bôn chôn.

Xin mượn tiếng ha ha trong Bây giờ có người làm thơ như thế của Nguyễn Đức Thiện để kết luận:

 

Ha, ha, ha, thơ

Là một công nghệ huếnh lên, vo tròn, cưỡng hiếp, bắn chém, và đồng tính luyến ái

Đáng thương thay chữ ơi, bay chỉ còn là công cụ

Đáng thương thay, thơ ơi.

Ta chẳng hiểu được bay, và nhất định, bay chẳng hiểu gì ta…

Khoái thật, sướng thật, mê ly thật

CÓ PHẢI THẾ KHÔNG

Nhưng quả là tôi dốt

Không biết làm thơ để mọi người chẳng thể hiểu gì

 

Vâng, chữ đã thành công cụ để giễu nhại, cười đùa cuộc nhân sinh lấm lem nước mắt. Người ta cũng đã chạy theo phấn son hình thức mà bỏ quên cái bên trong cảm xúc, chạy theo lố lăng để hy vọng nổi tiếng cùng với tai tiếng! Ta chẳng hiểu được bay, và nhất định, bay chẳng hiểu gì ta. Thơ đang bị bán rẻ gây nạn lạm phát, nạn phân biệt trung tâm với ngoại vi, truyền thống và hiện đại, xô người đọc vào mấy ngã hỗn mang! Thơ đang buổi chợ chiều, một mớ hỗn độn của chợ chiều thi ca (Dư Thị Hoàn). Ôi thôi, đi suốt cuộc trần gian, hỏi thơ là gì? Là tấm lòng, là chia sẻ, thế thôi! Chuyện không nói nữa vì hôm nào Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa ! **)

 

* Trong tinh thần hội nhập, khái niệm "Thơ Việt Nam” xin hiểu là thơ làm bằng tiếng Việt của người Việt không phân biệt Bắc–Trung-Nam, trong nước hay hải ngoại.

 

Cam Ranh, đêm 27/5/2008

Vĩnh Phúc
Số lần đọc: 2850
Ngày đăng: 02.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Inrasara & các Viết ngắn về thơ - Inrasara
Thử tìm một mẫu số chung cho thơ - Mang Viên Long
Khi miếng bánh sắp được ’’cắt - chia’’? - Lê Xuân Quang
Cái chi chi thơ - Vĩnh Phúc
Giải minh hậu hiện đại 2 - Inrasara
Đi tìm hoa hậu trong tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh - Phạm Ngọc Hiền
Nhập lưu hậu hiện đại kì 9. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 8. - Inrasara
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN - Khổng Ðức
Bàn về Thơ - Nguyễn Đức Thiện