Tôi được biết ông ngoại năm tôi lên sáu tuổi, khoảng cuối năm 1975. Trước tiên là mẹ tôi “giới thiệu” ông ngoại với tôi. Kế đến là ba tôi. Và, sau cùng là bà ngoại. Bà nắm tay tôi, nhắc : “cháu lại mừng ông ngoại đi, cháu!”
Cả nhà vui vẻ hẳn lên, gương mặt rạng rỡ và những giọt nước mắt tự nhiên cứ tuôn chảy… Tôi cũng đang thực sự bối rối, phân vân, chẳng biết phải làm gì. Tôi đứng im, nhìn mọi người, với nhiều câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu : “Tại sao ông ngoại về, bà ngoại và mẹ tôi lại khóc? Tại sao ông ngoại tóc không bạc, không có râu? Tại sao ông ngoại mặc đồ xanh bộ đội? Tại sao ông ngoại có súng?…”. Không có ai trả lời giúp cho tôi, mà cứ xoắn lấy ông mà hỏi chuyện, mà cười, mà khóc…
Sau này, lớn dần lên, tôi mới hiểu ra hết mọi chuyện. Tôi cũng hiểu lúc ấy nếu có ai trả lời, giải thích cho tôi, thì có lẽ tôi cũng sẽ chẳng hiểu được gì nhiều.
Ông tôi đang công tác ở Cục Quân y ở Hà Nội, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đi thanh sát các tỉnh phía nam, nhân tiện ghé lại thăm gia đình sau hơn hai mươi mốt năm xa cách. Hai mươi mốt năm – khoảng thời gian dài đằng đẵng ấy, khoảng thời gian đủ để cho một con người trưởng thành với biết bao đổi thay, bao khổ đau, phiền muộn, nhớ thương… Bây giờ mới được gặp lại nhưng ông chỉ thăm nhà được hai hôm, rồi lại ra đi… Tôi không sao hiểu được tình cảm của bà ngoại, nhưng sau ngày ông lên xe U-oát tiếp tục vào Sài Gòn, bà tôi bỗng cạo tóc sạch nhẵn. Tôi rất lấy làm lạ hỏi bà – bà đáp: “Bà đã nguyện cầu từ nhiều năm rồi, Trời Phật cho gặp lại ông mạnh giỏi, bà xin cạo đầu và ăn chay”. Nhìn bà khác lạ với cái đầu trắng nhẵn, tôi lờ mờ hiểu được tấm lòng thủy chung và tình yêu thương vô bờ của bà đã dành cho ông.
Khỏi phải nói nhiều, từ sau ngày ông ngoại tôi về thăm, cả nhà tôi đều sống trong không khí tươi vui , rộn ràng. Khác hẳn với những ngày tháng lặng lẽ nhẫn nhục. Người chịu nhiều khổ đau nhất là bà tôi. Năm đưa ông ngoại tôi xuống tàu tập kết, bà chỉ mới 26 tuổi. Bà tôi phải gửi dì và mẹ tôi cho ông bà nội, đi bộ một ngày đường xuống cảng chỉ để gặp lại ông tôi một giờ, trong đám đông bộ đội đang tập trung trên bãi cát chờ xuống tàu.
Sau đó là khoảng thời gian dài hun hút một thân nuôi dạy hai con, bươn chải đầu ghềnh góc chợ để kiếm tiền, đêm đêm xách chiếu mền ra trụ sở xã ngủ. Bà kể lại : “Cứ xẩm tối là bế con ôm mền chiếu ra đi, mà mỗi lần ra đi, cứ lo sợ không biết sớm mai có còn sống để gặp lại hai con không?”. Trong thôn xã có lắm kẻ quyền thế, nhiều tiền thường đến gạ gẫm, phỉnh dụ, nhưng bà vẫn im lặng, nhẫn nhục, chờ ông.
Người chịu bất hạnh tiếp theo là dì và mẹ tôi. Năm ấy, dì tôi lên tám, còn mẹ tôi được năm tuổi. Ba mẹ con sống quấn quýt bên nhau trong ngôi nhà vườn khá rộng giữa xóm Soi có mười mấy nóc. Âm thầm và khép kín. Ông nội thì khó tính, chỉ thương mấy đứa cháu trai con ông bác, và chú. Chỉ có bà nội là sau mùa thu hoạch, có ghé cho mẹ tôi vài lon đậu phụng, đậu xanh…
Khoảng sáu tháng sau, ông ngoại tôi mới có phép về thăm gia đình 21 ngày. Lần này thì tôi đã dần quen với ông vì những gói quà, bánh kẹo. Tôi không thiếu quà và bánh kẹo, nhưng quà và bánh kẹo của ông cho có hơi khác – nó được mang từ Hà Nội, Đà Nẵng được lôi ra từ chiếc ba lô…
Sau khi học kỳ hai của năm học kết thúc, hướng dẫn học sinh lớp 12 đi khai hoang vỡ hóa về trường được mấy hôm, thì cha tôi lại lên đường đi học tập cùng với số giáo sư trước đây có bị lệnh tổng động viên gọi học quân sự. Niềm vui đến với bà và mẹ tôi chưa hưởng trọn, thì nỗi buồn lo vì cha tôi phải xa nhà lại ập đến. Ông ngoại về, cũng chưa sống trọn nghĩa đoàn tụ. Có lẽ nào, cuộc đời, là một chuỗi chia ly, phiền muộn ?
Biết tôi buồn, nhớ cha, chiều chiều ông thường chở tôi xuống bãi biển. Ông rượt đuổi bắt còng cho tôi. Rồi nhặt từng vỏ ốc đẹp, nhiều màu sắc bỏ đầy hai túi áo tôi. Những lúc ấy, tôi thương ông lắm. Tôi lại nghĩ, nếu tôi được gặp ông, sống cạnh ông sớm hơn thì vui biết chừng nào.
Trước ngày trở lại đơn vị mấy hôm, ông nhờ mẹ tôi hướng dẫn đến thăm những người bạn thân, đồng nghiệp với cha tôi. Rồi ông một mình đến trường cha tôi dạy, thăm ông hiệu trưởng, ban giám hiệu.
Trong bữa cơm chiều, ông nói với mẹ tôi :
- Ngày mai ba sẽ lên trại thăm cha con Nhã, con có nhắn gửi gì không?
Mẹ tôi đáp, giọng buồn buồn:
- Để con đi…
Bà tôi góp ý:
- Để ba mày đi, ổng lên thăm rồi có dịp nhắc nhở nó, lần sau con đi cũng được.
Mẹ tôi thở dài :
- Để ba đi có chuyện gì không?
Ông tôi gắt:
- Chuyện gì? Ba không ngại thì thôi, con lo làm gì?
Mẹ tôi thuật lại chuyện các cô giáo ở trường, có chồng cũng đang học trên trại, người cha ruột đi mấy mươi năm về nhà, không dám đi thăm con! Vợ con thúc nhắc, cằn nhằn lắm, mới viết được cái thư có mấy dòng. Mà toàn những lời khuôn rập, khô cứng: “… Hãy ráng phấn đấu lao động tốt, học tập tốt…”.
Ông ngoại tôi nghe xong, phì cười :
- Những điều ấy nó nghe đã đầy lỗ tai rồi, phải có tình thương yêu mới cảm hóa, răn dạy nó được…
Sau ngày ông ngoại tôi trở lại đơn vị được mấy tháng, cha tôi được phóng thích. Người mừng nhất là tôi. Đáng lẽ ra người vui nhất tiếp theo là mẹ tôi – nhưng không phải, lại là bà ngoại tôi. Bà thương cha tôi hơn con đẻ, và bà nói rằng bà không muốn mẹ tôi lại phải sống cảnh vắng chồng như bà hơn hai mươi năm trước. Bà lại bảo rằng, mẹ con tôi sẽ không thể nào chịu đựng nổi sự cô độc, gian khó như bà thuở trước.
Ngày đầu tiên được về với gia đình, cha tôi viết thư thăm và báo tin cho ông ngoại tôi ngay. Cha tôi cho cả nhà biết, ông rất ngạc nhiên và bàng hoàng, khi người thân lên trại tìm thăm ông lại là ông ngoại. Cha tôi còn kể chuyện mấy người bạn cùng trại, chờ ngóng dài cả cổ mà chẳng thấy bóng người cha ruột thịt thân yêu !
Cuối năm ấy, mẹ tôi sinh cu Hưng. Cha tôi bị nghỉ dạy và chờ đợi với lý do : trường sẽ không còn dạy Anh văn. Chỉ dạy duy nhất môn tiếng Nga.
Từ Cục Quân y, ông ngoại tôi được điều về làm Trưởng phòng quân y Quân khu. Ông có nhiều dịp ghé thăm gia đình hơn dầu chỉ là một buổi hay một ngày. Nghe ông cho biết sẽ đi tiếp qua chiến trường Campuchia, mẹ tôi lo lắng hỏi : “Sao ba không cử người đi thay, bên ấy đang đánh nhau ác liệt lắm?”.
Ông cười :
- Việc của mình, mình làm, con bảo ai sẽ làm thay cho mình ? Con hãy nhớ ba vẫn đang là một người lính..
Ông kể cho mẹ tôi nghe (và cũng để cho bà và tôi nghe nữa) những trận ông kề cận với cái chết trong gang tấc. Ông đã vào chiến trường miền Nam hơn 15 năm, và chỉ trở lại miền Bắc vì chứng sốt rét ác tính, kéo dài. Ông kể, một lần đang trốn ẩn trong hầm để lánh pháo với hai người bạn. Sau đợt pháo, hai người bạn vội phóng sang hầm khác, ngay lúc đó, một quả pháo tiếp theo đã dội trúng căn hầm ấy. Hai người bạn hy sinh. Lần khác, ông đi công tác lên Trung đoàn, trở về nơi trú quân thì thấy vắng hoe. Đơn vị đã di chuyển bất ngờ đến đâu ông chưa rõ. Bếp nấu còn ngún khói, lán trại được thu dọn tạm bợ. Ông nghĩ bụng đơng vị vừa mới di quân thôi. Trời đã đứng bóng, vừa mệt vừa đói, ông thổi cơm và ăn để buổi chiều tìm hướng liên lạc với đơn vị. Đang lơ mơ ngủ, ông nghe bên tai có tiếng gọi : “Dậy đi, dậy đi – giặc càn tới rồi kìa…”. Ông choàng dậy, tai nghe tiếng giày xạo xạc phía dưới. Không có bóng người nào trong khu trại. Ông phóng nhanh khỏi khu vực đơn vị, dầm mình dưới khe suối um tùm suốt buổi chiều…
Tôi rất thích nghe chuyện “làm bộ đội” của ông ngoại, nên cứ theo đòi ông kể hoài. Mẹ tôi gắt: “Để cho ông ngoại nghỉ, con gái nghe làm gì mấy chuyện đánh nhau?”. Còn ông ngoại thì cười cười: “Chuyện còn dài lắm, để có dịp, ông ngoại sẽ kể tiếp… Trước mắt, cháu phải cố gắng học cho thật giỏi. Thời của cháu, chắc là không cần tới súng đạn, đánh nhau nữa…”.
Chờ đợi mấy tháng, tới lui phòng giáo dục mấy bận mà chỉ nhận được sự lạnh nhạt, cha tôi nghe lời khuyên của bà ngoại đến học sửa đồng hồ với một người học trò cũ. Nhớ lại hơn mười năm tận tâm dạy dỗ của mình, nhiều lúc ngồi cạnh chiếc tủ kính để ở góc phố, cha tôi thường trầm ngâm với điếu thuốc cháy liên tiếp. Chính buổi khai giảng đầu tiên dưới mái trường cách mạng, cha tôi đã được ông hiệu trưởng ở chiến khu về tín nhiệm đề nghị đứng ra điều khiển buổi lễ long trọng ấy. Bài diễn văn của ông tân hiệu trưởng cũng được cha tôi góp ý xây dựng. Được đồng nghiệp bầu làm tổ trưởng tổ xã hội, chọn là người đại diện dạy môn Văn thay cho môn tiếng Anh… Tóm lại, đó là chuyện của dĩ vãng. Chuyện của những lời hứa hẹn. Bây giờ, cha tôi là một người thợ sửa đồng hồ…
Công tác ở phòng quân y được ba năm, ông ngoại tôi chủ động xin chuyển nơi khác. Trước khi ông xin chuyển đi, ông đã đề nghị thuyên chuyển, tạm ngưng công tác một số cán bộ ở phòng và vài đơn vị quân y trong quân khu. Ông được cử làm giám đốc nhà bảo tàng quân đội quân khu. Ông cảm thấy rất thích thú và thoải mái với công việc mới lạ này. Suốt ngày cùng vài nhân viên đi sưu tập tư liệu, hình ảnh, hiện vật cho nhà bảo tàng…Ông tỏ ra rất quý trọng những hiện vật đã tìm được, cho dầu đó là chiếc áo trấn thủ bị thủng rách, đôi dép lốp, hay chiếc gậy cầm tay của một vị tướng đã hy sinh…
Ông ngoại tôi nghỉ hưu năm ông chưa đầy năm mươi, với cấp bậc thượng tá dược sĩ. Trong mấy tháng đầu được trở về, ông cưỡi chiếc xe đạp Trung Quốc đi thăm hết thảy bà con xa gần, bạn bè thân cũ trong chín năm kháng chiến còn sót lại. Sáng sớm ra đi, chiều tối về. Nơi nào xa cần ở lại đêm, ông mang theo chiếc ba lô với chăn màn, kem bót đánh răng… Bà ngoại tôi thấy ông loay hoay cột chiếc ba lô sau yên xe, cười – nói:
-Ông mang theo chi các thứ lỉnh kỉnh ấy, nhà nào lại không có đủ chăn màn cho ông?
Ông điềm nhiên đáp:
- Đồ riêng của mình, mình dùng tiện lợi, sạch sẽ hơn chứ, bà?
Mẹ tôi lại trêu:
- Xa nhà hai mốt năm, trở về với cái ba lô và chiếc xe đạp, đi đâu ba cũng mang theo, ba sợ mất chắc?
Ông ngoại tôi chỉ cười.
Nói về sạch sẽ, thì ông ngoại tôi là người sạch sẽ bậc nhất: giường ngủ với chăn màn riêng, áo quần phải tự tay ông giặt (có lần mẹ tôi đem đi giặt, ông phải giặt lại), không hề đụng tới các món ăn bán ở quán chợ, không biết uống rượu hút thuốc, chỉ dùng nước lọc đun sôi… Sự sạch sẽ của ông lúc đầu khiến bà tôi hơi khó chịu, nhưng sau, bà lại rất tôn trọng và có chút tự hào. Lúc vui chuyện, cha tôi hỏi: “Thời gian ở chiến trường gian khổ, thiếu thốn mọi thứ, ba làm sao?”.
Ông nói – giọng chắc nịch:
- Vẫn thế! Thà chịu đói khát một chút, còn hơn ăn uống lung tung…
Ông ngoại tôi đã đồng ý đứng tên cho một hiệu thuốc tân dược ở thị xã. Buổi sáng, sau giờ điểm tâm, ông đến làm việc ở hiệu thuốc. Buổi chiều, sau giấc nghỉ trưa, ông đi bộ đến thư viện tỉnh với cuốn tập ghi chép dày cộm. Ông làm việc và ăn uống điều độ, đúng giờ, sống giản dị với tâm ít ham muốn, luôn luôn biết đủ. Sau sáu tháng làm việc ở hiệu thuốc, tháng thứ bảy ông không nhận lương. Bà ngoại tôi hỏi, ông chậm rãi nói:
- Vợ chồng nó kêu vừa bị phạt mấy thùng thuốc, bị thua lỗ, mình nhận lương làm gì?
Bà cười:
-Hơi đâu mà ông tin lời con buôn? Nếu nó có lãi lớn, nó có cho ông biết không?
Ông ngoại tôi im lặng.
Người vợ chủ hiệu thuốc mang tiền lương bỏ trong bao thư, đến gửi cho ông. Ông một mực từ chối: “Vợ chồng cháu bị lỗ, bác không nhận!”. Thế là họ đem tiền gửi bằng bưu điện. Ông cũng trả lại. Mẹ tôi thấy vậy, thủ thỉ: “Ba không nhận thì cho con, cho cháu. Lương giáo viên của con không đủ vào đâu…”. Ông gắt:
- Có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Người ta buồn mình vui sướng gì?
- Nhưng là tiền công của ba – Mẹ tôi cố chống chế.
- Đành vậy… Ông buông thõng hai tiếng yếu ớt rồi bỏ lên gác.
Cuối năm ấy, ông xin nghỉ việc ở hiệu thuốc, cả nhà không rõ nguyên nhân. Ông chỉ tâm sự riêng với cha tôi: “Tụi nó làm ăn lung tung quá, ba rất ngại!”. Cha tôi góp ý: “Hiệu thuốc nào cũng thế cả, ba lo ngại làm gì? Làm sao ba có thể tìm được một hiệu thuốc làm ăn nghiêm chỉnh, có lương tâm như ba?”.
Ông chỉ thở dài:
- Lòng tham của con người thật không có đáy.
Tôi đã tốt nghiệp trường Đại học y dược – khoa Dược, đúng như ước vọng của ông ngoại tôi. Tôi cũng đã khước từ làm trình dược viên cho hai công ty dược nước ngoài với lương tháng mấy triệu, để đồng ý ký hợp đồng về làm việc cho phòng kỹ thuật Xí nghiệp dược 25. Bà giám đốc nhiệt tình giúp đỡ tôi. Còn cô trưởng phòng sau gần một năm công tác, đã hứa hẹn sẽ đề bạt tôi làm phó phòng…
Nghe tôi đã đi làm với số lương khởi đầu ít ỏi, trước tiên là bà tôi kêu lên: “Mày thật giống tính ông mày!”. Tiếp theo là mẹ tôi: “Con phải sống thực tế một chút giữa cái buổi người ta đều chạy theo tiền bạc… Mẹ không khuyên con như thế, nhưng con phải làm có đủ, để tự lo cho con chứ?”. Cha tôi bao giờ cũng chiều theo ý tôi. Ông an ủi mẹ tôi: “Nơi nào làm việc hợp khả năng, có thể tiến thân được thì nó làm… Nay mai nó còn học thêm cao học, bà trách con làm gì?”. Ông tôi nói, giọng dứt khoát: “Nó đã lớn rồi, cứ để cho nó quyết định!”.
Hưng cũng đã tốt nghiệp khoa điện tử viễn thông, được bưu điện thành phố đến trường phỏng vấn, và chọn ngay sau khi vừa trình xong luận văn tốt nghiệp. Đi làm được mấy hôm, Hưng đã điện thoại về báo tin cho ông bà ngoại. Cuối cùng, Hưng nói: “Bắt đầu từ tháng này, ông ngoại đừng gửi tiền cho cháu nữa – cháu đã làm ra tiền rồi! Nhận tháng lương đầu tiên, cháu sẽ mua tăng ông bà, cha mẹ – mỗi người một món quà…”.
Món quà của Hưng gửi về tặng cho ông ngoại là bộ sách gồm ba cuốn sách dày cộm , Hưng đã bỏ công lục tìm một buổi chiều chủ nhật trong một hiệu bán sách lớn. Đó là cuốn đại cương triết học Trung Quốc “Thiền luận” của Daisetz Teitaro Suzuki. Hưng đã có lần bảo ông ngoại có đời sống rất thiền. Đó là một cái tâm thuần thiện, thanh tịnh, không phải ai cũng dễ có. Nó còn nói nếu hết thảy cán bộ, bộ đội đều như ông ngoại thì đất nước ta hùng mạnh, văn minh từ đời nào rồi!
Nhận được gọi quà bất ngờ của Hưng, ông ngoại quyết định sẽ gửi cho Hưng một món quà đặc biệt.
- Ông định gửi cho cháu món gì? – Bà tôi chăm chăm nhìn ông.
- Rồi bà sẽ biết …
Ông chậm rãi lên gác, mở ngăn tủ riêng, lấy ra một chiếc hộp vuông. Ông thong thả xuống gác.
- Đây, cái này! - Ông đặt chiếc hộp xuống bàn.
- Thứ gì trong ấy? – Bà tôi ngạc nhiên hỏi.
-Bà cứ thử mở ra mà xem…
Bà tôi tò mò cạy mở nắp hộp. Bà kêu lên : “Trời ơi, nó đã lớn rồi, ông còn cho nó đồ chơi à?”.
Ông tôi cười:
- Đúng là những cái này bây giờ không đổi được bao nhiêu tiền, nhưng đó lại là mồ hôi, nước mắt và xương máu của tôi. Nó là tuổi trẻ của tôi. Là kỷ niệm không bao giờ quên…
Ông tôi lấy từng chiếc huân huy chương ra giải thích cho bà tôi nghe. Bà đã có được sự đồng cảm với ông. Từng chiếc huy chương ghi đậm từng vết thương, từng chặng được gian khó hiểm nguy đã bước qua trong đời ông…
Bà ngoại tôi giọng thành thật:
- Sao ông không để dành mà đeo?
Ông lại cười:
- Con cháu chúng biết được là tốt rồi, đeo mà làm gì?
Nói xong, ông cúi xuống vuốt vuốt mặt tờ giấy cho thật phẳng – bắt đầu viết thư cho Hưng: “Ông xét cháu về mặt đạo đức và thành tích học tập rất xứng đáng để nhận…”.