Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.216
123.152.367
 
Mùa cưới cho ai
Phạm Thanh Phúc

Tiếng động của cánh cửa sổ va vào bờ tường làm Hạnh thức giấc. Gió từ bên ngoài thổi tung tấm màn cửa kêu lên phành phạch. Hạnh thò đầu ra khỏi chăn. Chao ơi là lạnh. Tưởng chừng như không khí rét mướt của mùa đông đã dồn hết vào phòng cô. Trùm chăn ngủ tiếp thôi. Buổi sáng, quanh xóm Hạnh yên tĩnh lạ. Mọi người chắc đã đi làm cả rồi. Hình như chuông đồng hồ vừa điểm  tám tiếng thì phải. Mặc kệ, mình cứ ngủ.

 

Lần thứ hai Hạnh thức giấc bởi tiếng pháo của ai đó đã thu lại qua cassette. Ban đầu, tiếng pháo chỉ đì đẹt, lẻ tẻ rồi sau đó rộ lên từng hồi dài. Tiếng cười nói râm ran. Hạnh chợt nhớ hôm nay đám cưới nhỏ Quyên nhà cuối xóm. Chắc là bây giờ đang rước dâu. Hạnh tụt chăn định chạy ra khỏi cửa để nhìn, nhưng rồi không hiểu sao, cô lại kéo chăn trùm kín hơn. Tiếng pháo nhảy chồm qua cửa sổ, đập vào tai Hạnh những tiếng chan chát. Cô khóc rưng rức.

 

*

Hôm nay tôi đại diện cho nhà gái, xin có đôi lời…

Cả gian phòng im lặng khi người đàn ông cất tiếng nói. Giọng ông ấm đục. Đôi trai gái bước lên. Họ làm thủ tục trao nhẫn. Mọi người chăm chú nhìn những động tác lóng ngóng, ngượng nghịu của cô dâu, chú rể. Thực ra thủ tục này đã được hoàn tất ở nhà, song, người ta muốn thực hiện lại một lần nữa để ra mắt quan khách. Hạnh mang khăn lạnh đến từng bàn, cô và đám bạn phục vụ đã quá quen  thuộc với cảnh này nên chỉ chú  tâm vào công việc. Hạnh vào làm ở nhà hàng này đã ba năm. Với cô, ba năm bằng ba chục năm…

 

Khó mà biện minh cho việc xin vào nhà hàng này của Hạnh bằng bất cứ lý do gì để cho nó  trở thành một nguyên nhân chính đáng. Hồi ấy, 16 tuổi, cô bé Hạnh đã biết thèm thuồng nhìn mấy chị hàng xóm ăn mặc đẹp, thật “mốt”, chiều nào cũng đủng đỉnh trèo xe cúp của một chàng trai nào đó sang trọng không kém. Cô bé thích thú khi biết chị Lan, chị Cúc làm ở khách sạn. Những ngón chân sơn đỏ phẳng phiu, cánh tay trắng mịn, no tròn, những bộ quần áo lộng lẫy và cung cách tiêu tiền như rác đã khiến Hạnh ao ước được “làm ở nhà hàng”.

 

Thỉnh thoảng, cô bé được nghe những lời dè bỉu: “Xì, làm đĩ chứ có tốt lành gì mà bày đặt khoe mẽ…”. Nhưng lúc đó, làm đĩ là một khái niệm khá mơ hồ và mới mẻ đối với cô bé mới lớn. Cho nên vừa thi rớt một năm, Hạnh đã xin vào làm ở nhà hàng Hoàng yến. Xinh đẹp, trẻ trung dĩ nhiên cô bé được nhận vào ngay. Tiếp Hạnh là một người đàn ông trạc 50 tuổi, đầy nét khả kính. Điều đó toát ra bên ngoài qua bộ veston thanh lịch, đôi kính đổi màu đắt tiền và nhất là khuôn mặt nghiêm trang của một giám đốc nhà hàng: Ông ta hẹn cô bé đến làm việc vào tối thứ bảy.

 

Về đến nhà, Hạnh hát toáng lên vì sung sướng. Kể ra mình còn may mắn hơn đám bạn mòn chân đi hết chỗ này, chỗ nọ mà chẳng ma nào thèm nhận vào. Tối hôm đó, Hạnh trằn trọc mãi không ngủ được. Nửa khuya, cô bé đột ngột thức giấc vì tiếng đập cửa khá ồn ào.

-    Ai đó?

-    Tôi đây, cô bé có cho tôi vào hay không?

 

Giọng nói ngọt ngào đầy sức quyến rũ. Tự dưng, tim Hạnh đập thình thịch người nổi gai ốc. Cô bé không tự chủ được mình nữa rồi.

-    … Có.

 

Hạnh vừa bước ra khỏi giường, bỗng từ khe cửa một làn khói đen nhẻm lọt vào phòng. Làn khói lớn dần, lớn dần và trong cụm  khói âm u ấy hiện ra một chàng trai trẻ ăn mặc giống như những hoàng tử trong các phim thần thoại, chàng cất lời:

-    Ta biết cô bé đang rất muốn có những bộ quần áo đẹp, rất muốn sống sung sướng. Ta sẽ làm cho cô bé những ước muốn kia, với một điều kiện…

 

Hạnh hỏi ngay:

-    Điều kiện gì ạ?

Chàng thong thả đếm từng tiếng:

-    Không – bao – giờ – yêu – và – được – yêu – cho – tới – chết…

 

Nói rồi chàng đem bản giao  ước tới tận tay Hạnh. Cô bé nghĩ thầm: Giao ước buồn cười thật. Mình cứ nhận, còn sau đó… yêu ai mà chẳng được? Hơn nữa, mình xinh đẹp thế này…”. Hạnh đặt tay lên bản giao ước. Đột nhiên, tờ giấy lạnh buốt, hoá thành hàng răng nanh gớm ghiếc ngoạm lấy ngón tay trỏ của Hạnh. Cô bé thét lên. Chàng trai cười ha hả. Gương mặt điển trai lúc này bỗng biến dạng đổi màu xanh biếc, ma quái. Cô bé lắp bắp:

-    Người là…tôi không muốn…

-    Nhưng cô bé đã ký rồi - một bản giao ước với…quỷ. Hà! Hà!

 

Hạnh run lên từng hồi, răng cô bé va vào nhau lập cập. Có tiếng gõ cửa bên ngoài. Con quỷ biến mất. Mẹ Hạnh xuất hiện ở bục cửa.

-    Khuya rồi, sao con không ngủ đi mà còn đọc sách to tiếng vậy?

 

Hạnh ôm chầm lấy mẹ:

-Mẹ ơi! Con sợ quá, con quỷ…

 

Mẹ Hạnh xoa đầu cô bé, trấn an: “ Chắc là con bé lại nằm chiêm bao rồi…” Bà nghĩ thầm. Sáng hôm sau, Hạnh kinh khủng nhận ra vết răng ở ngón trỏ. Vết răng không làm đau, nhưng nó tồn tại dai dẳng mãi cho tới bây giờ.

Buổi tối, nhà hàng thật ồn ào, tiếng nhạc, tiếng nói cười rộn rã, nhất là trước sàn nhảy lại càng vui hơn. Hạnh mặc chiếc đầm trắng tinh, đẹp đẽ như một thiên thần khiến những cặp mắt ngưỡng mộ nhìn cô bé không chớp. Chẳng gì cũng là đêm đầu tiên “ thử” nhận việc. Hạnh không thể nhận thấy ánh mắt thương hại của mấy chị lớn tuổi đứng sau quầy rượu, bia… hơn 11 giờ khuya, có người báo với Hạnh là ông giám đốc gọi lên văn phòng.

 

Người đàn ông cười nhẹ dưới ánh đèn mờ màu đỏ quạch.

- Dạ… chú cho gọi cháu…

 

Ông chỉ tay xuống ghế:

- Cháu thấy việc có cực lắm không, có làm nổi không?

 

Rồi ông ngước nhìn, dò hỏi. Hạnh suýt reo lên “ vậy là ông ta bằng lòng nhận mình rồi”

-    Bữa này làm thử. Bắt đầu từ ngày mai, em phải đến đúng giờ nghe!

 

Ông nhẹ nhàng kéo ngăn tủ, chìa ra trước mặt Hạnh bản hợp đồng lao động và cây viết. Cô bé vội vàng đón lấy, nhưng trước khi Hạnh kịp ký tên thì một bàn tay trắng trẻo với những ngón no đủ đã cầm lấy tay Hạnh. Tưởng ông đùa, Hạnh để yên. Trong thoáng chốc đó, cô bé nhìn thẳng vào mặt ông. Muộn mất rồi, trước khi Hạnh thấy được những tia vằn đỏ đầy dục tính trong mắt ông, thì đôi cánh tay mạnh mẽ đã kéo toạc phần váy đầm bên dưới. Cô bé thét lên vài tiếng, mong được người tới cứu. Song, người đàn ông chẳng hề sợ hãi. Ông sợ gì kia chứ? Con cừu non ấy làm sao biết được một quy luật bất thành văn là khi giám đốc tiếp khách “mới thử làm việc” thì không ai được phép vào (cả khi nghe tiếng kêu cứu). Ông chậm rãi vứt xuống nền gạch men những mảnh vải còn sót lại, rồi vồ lấy con mồi. Giữa lúc chịu đựng cơn đau, Hạnh phát hoảng nhận ra khuôn mặt mãn nguyện của con quỷ thấp thoáng bên cửa sổ…

 

Hôm sau, rồi hôm sau nữa, Hạnh không tới nhà hàng. Ông giám đốc có bề ngoài khả kính ấy tìm đến nhà Hạnh, năn nỉ cô đi làm. Thoạt đầu, Hạnh khăng khăng từ chối. Tuy nhiên, ngày này qua ngày khác, Hạnh mới vở lẽ ra rằng mình chẳng còn gì để mất. Cô bé- không còn là cô bé nữa - quyết định đi làm, nhưng không phải ở nhà hàng ấy. Cô đến một nhà hàng sang trọng hơn. Gã giám đốc trẻ trắng trợn đòi ngủ với cô, Hạnh gật đầu ngay. Được một năm, cô lại đi. Hết nhà hàng này đến khách sạn khác. Đi đâu, Hạnh cũng gặp những người đàn ông đòi ngủ với mình. Không biết từ lúc nào, trong Hạnh chai đi những cảm xúc ân ái. Điều chắc chắn là với Hạnh, tình yêu như là một khái niệm xa xôi mà có lẽ cô chẳng bao giờ có được.

- Xin lỗi anh, đã tới giờ nhà hàng đóng cửa…

 

Mặt gã con trai thoáng lúng túng:

- Tôi muốn…tôi… đợi cô…

“Lại một tên muốn ngủ với mình” – Hạnh nghĩ thầm:

- Em biết anh muốn gì rồi! Anh có tiền thuê phòng không?

 

Gã con trai ngớ ra trước tiếng “em” ngọt xớt và những điều gã vừa nghe thấy:

- Không…không…tôi chỉ muốn…nói chuyện với cô.

- Chỉ là muốn “ nói chuyện” suông à. Lạ quá?

 

Gã tên Hoàng, sinh viên đại học, khách mời của cặp vợ chồng trẻ đặt tiệc hồi tối. Ăn cưới xong, gã ngồi lại đợi Hạnh. Chưa bao giờ có một người con trai chờ đợi mà không đòi hỏi xác thịt. Gã con trai ngồi trước mặt cô, quần áo xộc xệch, giày cũ mèm, chắc là gã nghèo. Đã thế  thì đừng  hòng ngủ được với cô.

-    Cô hiểu lầm rồi. Không hiểu sao, tôi… tôi… muốn tặng cô… bài thơ. Tự dưng thấy cô trong bộ đầm trắng tinh, tôi…

 

Hạnh cười nhạt. Lại một màn tán tỉnh rẻ tiền. Giá gã thấy được bộ đầm trắng rách toang, loang lỗ máu trong đêm đầu tiên cô trở thành đàn bà thì chắc gã hết nói nhảm. Rồi Hạnh nhớ có lần gã nhà thơ nào đó cũng đòi đọc thơ tặng cô. Cuối cùng, gã tự lật mặt mình bằng câu kết: “Anh muốn đêm nay anh và em cùng viết chung một bài thơ”. Lần đó, Hạnh cười muốn vỡ bụng. Hoá ra những con người nhà văn – nhà thơ ấy khi tự lột truồng ra khỏi những mỹ từ thì cũng trần tục như bất cứ gã đàn ông nào.

 

Gã trai trẻ đọc thơ. Cũng khá cảm động. Bài thơ ngợi ca một thiên thần nào đó – chắc không phải là Hạnh. Gã trai cáo từ ra về. Hôm sau, hôm sau nữa, rồi ngày nào gã cũng đến. Chỉ trò chuyện dăm câu rồi ra về. Cho tới một đêm, gã buồn buồn nói với Hạnh:

-    Chắc tôi không thể tới đây nữa rồi…

-    Sao vậy?

 

Gã ấp úng:

-    Tôi đã hết thứ gì bán được để có tiền vào đây…

 

Gã nói không hết câu. Hèn gì Hạnh thấy những thứ trên người gã dần dần biến mất. Từ chiếc đồng hồ cũ kỹ cho đến chiếc xe đạp. Tự dưng lòng Hạnh thoáng rung động.  Nhưng điều đó vẫn không phải là tình yêu. Lòng thương hại thì đúng hơn.

-    Anh đừng vào đây cho tốn tiền…

-    Hạnh cho phép tôi đứng ngoài cửa nhé!

 

Và Hoàng đợi ngoài cửa thật. Mỗi tối, gần một, hai giờ sáng nhà hàng mới đóng cửa, Hạnh bước ra là thấy anh ngồi trong bóng tối của mái hiên đối diện nhà hàng. Có hôm, cô thấy tồi tội, Hạnh nói với Hoàng: “Đừng đợi Hạnh làm gì, Hạnh không thể yêu được nữa đâu, không bao giờ…” Hoàng không hỏi vì sao. Anh nói rất nhỏ: “Tôi biết. Nhưng tôi không thể không đợi, không nhìn thấy Hạnh mỗi tối…”. Hạnh quay đi. Nếu anh ta biết hàng đêm mình làm gì chắc anh ta sẽ không đợi. Từ ngày có Hoàng, Hạnh bớt sống buông thả hơn. Có những đêm, trong vòng tay một gã Việt kiều lắm tiền, nhưng nghe tiếng nhà hàng đóng cửa là Hạnh ngồi bật dậy ngay. Van vĩ, đặt cao giá mấy, cô cũng không ở lại. Hạnh yêu Hoàng từ hồi nào không hay. Có lẽ Hoàng là người duy nhất đến với cô bằng tình yêu đúng nghĩa. Anh chưa bao giờ đòi hỏi một lần ân ái, nhưng giá anh lên tiếng chắc cô cũng không từ chối. Hạnh biết rốt cùng rồi cũng chẳng đi đến đâu, nhưng từ một chỗ sâu thẳm nào đó, cô vẫn thầm ao ước được làm vợ. Làm vợ đàng hoàng chứ không phải làm gái bao của hết người đàn ông này đến người đàn ông khác như hiện nay. Hạnh và các bạn đã phục vụ cho không biết bao nhiêu đám cưới diễn ra ở nhà hàng này. Lúc nào cô cũng thèm thuồng được ở vào vị trí cô dâu bên cạnh các chàng rể. Song, mơ ước vẫn là những điều không bao giờ có thật…

 

Buổi sáng chủ nhật tuyệt vời. Hôm nay là ngày đầu tiên trong đời Hạnh vui như tết. Cô thức dậy thật sớm, đi chợ rồi về nhà ngay. Hạnh đứng ì ra trước gương. Cô đã thay hết  chiếc áo này sang đến chiếc áo khác mà vẫn không vừa ý. Cô dành trọn buổi sáng chủ nhật để nấu nướng cho Hoàng. Anh sẽ đến với một người bạn.

-    Xin chào! Mời hai anh vào nhà.

 

Hoàng cười:

-    Cô tiên của anh sáng nay đẹp quá! Đây là Viên, bạn cùng khoá với anh. Hạnh gật đầu chào. Cô thoáng thấy trong mắt của bạn Hoàng có gì khác lạ. Anh ta cứ nhìn Hạnh đăm đăm.

-    Nhìn gì dữ vậy thằng quỷ. Người đẹp của riêng tao đó nghe.

 

Cả hai cùng cười. Hạnh cũng bật cười theo. Cô đi xuống bếp. Thức ăn đã làm sẵn, cô chỉ cần bắc bếp lên là xong. Hạnh vừa nấu, vừa hát khe khẽ. Lâu lắm rồi cô mới có một buổi sáng dễ thương, hoàn toàn trong sạch như bữa nay.

 

Mặt Viên hơi tái. Anh ta cứ ngó quanh đồ vật ở trong nhà.

-    Mày làm sao vậy?

-    … Không biết nữa…

 

Rồi Viên ngập ngừng:

-    Bạn mày làm ở đâu?

 

Hoàng đáp gọn:

-    Cô ấy làm ở công ty du lịch, chi nhánh nhà hàng Thiên Châu, gần đây.

 

Viên hạ thấp giọng: “Nói nhỏ mày nghe, mày lầm rồi. Cô ta chẳng phải công nhân viên du lịch, du liếc gì đâu. Một con điếm. Mày nghe chưa: một con điếm hạng sang. Cách đây một năm, cậu tao từ Canada về có dẫn tao tới đó. Ông bao một em “xịn” nhất Thiên Châu trọn đêm, chính là em này…

 

Hoàng thét lên:

- Láo. Mày nói láo…

 

Thực ra, không phải Hoàng không phải không biết điều đó. Nhưng đã từ lâu nay, anh quên bẵng đi. Anh chỉ biết anh đang yêu và yêu bằng tất cả tình cảm thiêng liêng mình có được. Hạnh nào dối gạt gì anh đâu. Ngay từ ngày đầu Hạnh đã cho anh biết cô ấy làm nghề gì rồi mà.

 

Tiếng Viên nhỏ nhẹ:

-    Nghe tao đi. Nó chỉ là một con điếm thôi…

“Một con điếm à” Hoàng nhắc lại như một cái máy. Một tiếng động lớn phía sau màn cửa làm cả hai giật mình. Hạnh đang đứng bất động  ở đó, dưới chân là chảo thịt rán văng tung toé.

-    Tôi biết… kết thúc sẽ như thế này…

 

Hoàng xô ghế đứng dậy:

-    Hạnh ơi! Không bao giờ anh có ý khinh ghét em cả, tha lỗi cho anh…

 

Mắt Hạnh ráo hoảnh. Tự dưng, cô thấy chung quanh vỡ bùng ra một nỗi tức tối pha lẫn tủi nhục chặn nghẹn ngang họng.

-    Về đi… về đi…

 

Hoàng còn muốn nói thêm, nhưng anh chợt nhìn thấy ánh mắt trống lạnh, vô hồn của Hạnh. Hoàng đi giật lùi ra cửa, rồi đột ngột anh xoay người bỏ chạy để lại Viên đàng sau vừa dắt xe vừa thở.

 

*

Hạnh nằm bẹp dí ở góc giường. Đã hai hôm nay cô không đi làm, cũng không ăn uống nỗi. Đói cồn cào ruột gan, nhưng cô chẳng buồn ngồi dậy. Hạnh chợt nhớ đến bản giao ước đã ký với con quỷ dạo nào. Vậy là chẳng bao giờ cô có được tình yêu. À! Con quỷ kia rồi. Nó đang cười nhăn nhở trên mặt kính  của chiếc ti vi màu trên đầu tủ. Cô co tay đấm mạnh vào mặt nó. Kính vỡ toang. Tay Hạnh lênh láng những máu. Khuôn mặt ma quái ấy lại ẩn hiện trong tủ gương. Hạnh vớ chiếc guốc ném thẳng tay làm ly tách trong tủ gương vỡ tan. Nhưng rồi ở đâu trên những đồ vật đắt tiền trong nhà, Hạnh cũng thấy gương mặt quái quỷ đó. Cô ném vỡ hết thứ này đến thứ khác. Đến khi Hạnh mệt lử, ngã xuống nền gạch mát lạnh cũng là khi đồ vật trong nhà bị đập tan hoang như một bãi chiến trường thật sự.

 

Mãi nữa đêm, nền gạch men lạnh buốt làm Hạnh tỉnh lại. Tiếng pháo vẫn chồm chồm, rền vang xa xa. Không biết pháo giả người ta thu qua cassette hay pháo tết nữa. Hạnh tự hỏi: “Mùa xuân và mùa cưới lẫn lộn nhau từ lúc nào nhỉ?!” Mùi máu tanh tanh làm Hạnh lợm giọng. Nhưng cô không ngồi dậy nổi nữa rồi. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê đó, Hạnh chợt nghe tiếng người con trai mình yêu khẽ gọi: … Hạnh ơi…/.

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 3013
Ngày đăng: 05.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ông ngoại tôi - Mang Viên Long
Khói và mảnh trăng khuyết - Nguyễn Lệ Uyên
Đôi khi người ta đùa cợt... - Trương thị Thái Hòa
Thời chiến - Trần Đại Nhật
Câu chuyện dở nơi mái hiên người - Nguyễn Mỹ Nữ
Đắng cay có lúc ngọt bùi - Phạm Ngọc Hiền
Huyền thoại về vợ tôi - Đào Hiếu
Điều bất ngờ đã đến - Mang Viên Long
Mái tóc ngày xưa - Nguyễn Đức Thiện
Thiện trong thiện - Văn Chấn Ngọc