Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
795
123.240.535
 
Trên đồng bưng sáu xã
Võ Ðắc Danh

Cầu trời đây chỉ là những chuyện đã qua hoặc hy vọng nó không bao giờ có thực… NHvcv

 

Ông Tư Hảo có một dáng đi lầm lũi, âm thầm như một người tuyệt vọng. Chiều hôm ấy, khi rời khỏi nhà ông, nắng đã tắt dần, xe chạy rất xa nhưng tôi ngoảnh lại vẫn còn thấy ông đứng lặng người như trời trồng trước sân nhà. Ông đang nghĩ gì ? Nghĩ về vợ ông và đứa con trai đang bị giam trong khám Chí Hòa ? Hay đang nghĩ về cái quyết định cưỡng chế khu đất dưới chân ông ? Nghĩ về một phương án đấu tranh để cứu lấy vợ con, cứu lấy đất đai, cứu lấy sự sống cho cả gia đình ? Cũng có thể là tất cả, tất cả những suy nghĩ, những bế tắc đang dồn nén ông trở thành điên loạn. Liệu ông có thể nhập viện tâm thần như anh Tạo chăng ? Hôm anh Tạo dựng lại túp lều trên nền nhà vừa bị chính quyền cho xe ủi thành bình địa, ông Hảo còn mang đến cho anh chiếc ghế bố. Rồi khi anh Tạo lên cơn điên, bị đưa đi nhập viện tâm thần, ông lặng người nhìn theo mà rưng rưng nước mắt. Lẽ nào bây giờ lại đến lượt ông ?

 

Tôi nhìn ông đứng đó như trời trồng mà hoang mang lo sợ, có một chút ân hận vì mình đã nghĩ xấu về ông. Hôm ấy, lần đầu tiên tôi gặp ông trong quán cà phê Guitar, người phụ nữ ngồi cạnh ông cho tôi biết: “Đây, xin giới thiệu với nhà báo, ông nầy là đặc công rừng sác, danh hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng, nhưng vợ con vừa bị bắt giam, nhà cửa đất đai sắp bị cưỡng chế”. Tôi vừa mở cặp lấy sổ tay ra thì ông vội bỏ đi. Tôi năn nỉ ông ngồi lại, những người khác cũng năn nỉ ông ngồi lại, nhưng ông cương quyết bỏ đi, cái dáng đi lầm lũi, âm thầm như một người tuyệt vọng. Mấy người phụ nữ trong quán nói dỏi theo một cách chua cay  rằng ông nhu nhược, thà để vợ con ngồi tù, thà để nhà cửa, đất đai bị cưỡng chế chớ không dám đấu tranh, sợ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Hôm sau tôi gọi điện xin gặp ông, ông từ chối: “Thanh tra Chính phủ còn không can thiệp được, báo chí các anh thì làm được gì ?”. Rồi ông cúp máy.

 

Những ngày sau, tôi tiếp tục lần mò lên quận 9, cuối cùng thì tôi cũng tiếp cận được ông. Thật ra, không phải ông im lặng vì sợ mất cái danh hiệu bốn mươi năm tuổi Đảng như bà con láng giềng đã nghĩ. Ông đang tuyệt vọng, ông đang bị mất lòng tin, ông đang bị tổn thương, cái vết thương đau đớn gấp ngàn lần so với những vết thương trên cơ thể ông thời chiến tranh bom đạn. Sau khi nghe câu chuyện về cuộc đời ông, tôi chợt nghĩ rằng, trong hơn ba ngàn nạn nhân bị mất đất ở khu công nghệ cao nầy, có lẽ ông Tư Hảo là người bị đối xử tàn tệ nhất, cạn tàu ráo máng nhất so với sự cống hiến, sự hy sinh của một đời người, một gia đình ba đời mang áo lính.

 

Ông ngậm ngùi nhớ lại, năm 1966, tại Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tiễn đưa đoàn chiến sĩ đặc công của ông vào Nam. Một chai kem đánh răng, một cây bàn chải, một chiếc khăn lau mặt, những lời căn dặn mộc mạc, ân cần mà thiêng liêng vô bờ bến. Cha ông, một cựu chiến binh, một cựu tù binh đầy khí phách đã nói với ông, ngắn gọn mà nghiêm khắc: “Không được hàng giặc dù bất cứ hoàn cảnh nào”.

 

Đặc công rừng sác anh hùng ! Tám mươi phần trăm nằm lại chiến trường, ông Tư Hảo trở về với hàng chục vết thương, hàng chục Huân chương, Huy chương, bằng khen, giấy khen của một thời vào sinh ra tử. Ông thấy mình may mắn hơn, hạnh phúc hơn nhiều bạn bè, đồng đội. Có những người giành lấy cái chết thay ông. Đó cũng chính là món nợ máu xương mà ông phải trả bằng nỗi nhớ suốt đời, không thể nào quên. Ông ra quân, cưới một cô giáo cùng quê. Năm ấy – năm 1977 – ông về Hải Phòng bán ngôi nhà tổ được hai cây vàng, mang vào Sài Gòn mua một căn nhà chật hẹp ở Tân Bình. Những  đứa con chào đời trong cảnh ăn bo bo thay cơm. Là dân đặc công rừng sác, không quen sống giữa phố phường chật hẹp, ông bán nhà, dời qua một khu phố cặp bờ sông Sài Gòn để được lặn hụp, mò cua bắt cá, phụ với đồng lương của vợ để nuôi con. Khi được tin ngôi nhà của ông nằm trong khu vực giải toả để xây dựng cầu Thủ Thiêm, ông lùi ra ngoại thành, vừa có đất rộng, vừa gần gũi với cá tôm. Đồng đội cũ của ông có những người khá giả đã giúp ông, mỗi người cho mượn một ít để mua 1600 mét vuông đất rẫy giữa đồng, thuộc “vùng bưng sáu xã”, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Tại đây, cuộc sống có lẽ thanh nhàn hơn, dễ thở hơn với một dãy chuồng heo, một ao nuôi cá, đất trồng rau. Những đứa con lớn lên, học xong phổ thông thì ông Hảo lại cho vào quân đội, âu cũng là cái nghiệp của dòng họ, gia đình. 1600 mét vuông đất, ông tách ra 1000 mét, cắm cọc chia đều cho năm đứa con. 600 mét còn lại, ngoài ngôi nhà chung và phần đất chăn nuôi, trồng trọt, ông Hảo xây một ngôi nhà nhỏ bên cạnh để thờ 121 liệt sĩ đặc công rừng sác. Càng về già, dường như ông càng lùi sâu vào cõi tâm linh, cả ngày lẩn đêm ông sống trong căn nhà nhỏ ấy, chăm lo nhan khói, chơi các loại đàn dân tộc một mình, nhưng ông luôn có cảm giác rằng 121 đồng đội đang ngồi quanh, thưởng thức những làn điệu của ông.

 

Cuộc sống thanh bần như thế tưởng sẽ an phận đến cuối đời. Nào ngời, đất lọt vào quy hoạch khu công nghệ cao. Làng xóm náo động lên với chuyện đền bù, giải tỏa. Không hiểu người ta tính toán bằng cách nào mà toàn bộ đất đai, nhà cửa, vườn rau, ao cá, chuồng heo của ông trị giá chỉ có 395 triệu đồng, nếu tính theo giá vàng thì chưa bằng một phần ba cái giá mà ông đã vay mượn để đổ vô đây, giờ vẫn còn mắc nợ. Còn nếu so với giá đất hiện tại thì con số ấy chỉ trên một phần mười. Người ta bảo ông lên ban đền bù giải tỏa của quận để nhận tiền và ký biên bản bàn giao đất. Ông hỏi giao đất rồi đi đâu ? Người ta nói ở đây chỉ làm công việc chi tiền đền bù giải tỏa theo quy định của cấp trên, ông có thể lên cấp trên mà hỏi. Ông làm đơn lên quận, năm lần bảy lượt, người ta nói thì cứ giao đất đi, nếu chấp hành tốt thì sau nầy sẽ được mua một nền tái định cư và một căn hộ chung cư, nếu thích thì ở, không thích thì bán lại cũng có lời. Ông nhẫm tính, một cái nền tái định cư một trăm mét vuông giá một trăm rưỡi triệu đồng, một căn hộ chung cư năm trăm triệu đồng, trong khi cả một cơ ngơi của ông người ta chỉ trả chừng ấy cục tiền, lấy gì để mua lại cái gọi là tái định cư ấy, rồi vợ chồng ông, rồi năm đứa con, dâu rể, cháu nội cháu ngoại, rồi hương hồn của 121 đồng đội ông, nhét vào đâu cho hết ? Ông hình dung một cuộc sống không có con heo, con gà, con vịt, không có vườn rau ao cá thì đời ông chẳng khác con chim bị nhốt trong lồng, và, nghiệt ngã hơn thế nữa là biết lấy gì để nuôi hơn chục miệng ăn trong khi con cái ông phần đông là lính. Từ ngày vợ ông nghỉ hưu, ông phải chạy vạy ngày hai buổi đi làm gác cổng cho một nhà máy gạch ở Biên Hòa để kiếm thêm tiền thuốc tiền trà và tiền sữa cho đứa cháu nội mới sinh.

*

Cô Chín Coi ngậm ngùi nói, cách đây năm sáu năm, cô nghe người ta tuyên truyền rằng, thành phố sẽ biến “vùng bưng sáu xã” nầy thành khu công nghệ cao, cô hỏi công nghệ cao là gì ? Người ta nói công nghệ cao là . . . đại khái là “Đô thị Internet”, là “Không gian kết nối toàn cầu”, nó cao siêu lắm, có giải thích thì những người nông dân như cô cũng không thể nào hiểu nổi. Nhưng muốn cho dân giàu nước mạnh thì phải có công nghệ cao. Với công trình nầy, thành phố HCM sẽ “đi trước và về đích trước” trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nghe thế, không riêng gì cô Chín Coi mà bà con trong xóm cũng lấy làm tự hào. Ít ra cũng phải vậy mới phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, mới xứng đáng với Tăng Nhơn Phú Anh Hùng. Tăng Nhơn Phú là thánh địa của hai đơn vị đặc công rừng sác Anh hùng, là căn cứ của chiến khu B, của tiểu đoàn 3, tiểu đoàn 4 phân khu Sài Gòn Gia Định. Nơi đây đã sinh ra những người con Anh hùng của Tổ quốc: Trung tướng Đào Sơn Tây, Đại tá Trương Văn Ngự, Đại tá Nguyễn Văn Hiển, biệt động Sài Gòn Lê Văn Việt, Nguyễn Văn Tăng, đặc biệt là “Hùm xám” Bảy Bê đã trở thành nhân vật huyền thoại Sáu Tâm trong bộ phim Biệt Động Sài Gòn.

 

Cô Chín Coi dẫn tôi chui qua tấm vách ván mục trong căn nhà mục nát để cho tôi xem dấu vết của căn hầm bí mật đã tồn tại trong căn nhà nầy ngót ba chục năm, qua hai cuộc đấu tranh giữ nước. Bao nhiêu người từng trú ẩn nơi đây, được lòng đất, lòng người chở che mạng sống, cô không nhớ hết. Năm 1948, người anh thứ Hai của cô bị lính Tây chặt đầu tại cầu Bến Nọc. Năm 1949, người anh thứ Ba và người chị thứ Năm của cô cũng tiếp tục hy sinh. Mẹ cô, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Cơ, trước khi qua đời đã để lại cho cô 1700 mét vuông đất vườn và 2500 mét vuông đất ruộng. Bà dặn, đất nầy là mồ hôi khẩn hoang và xương máu gìn giữ của gia đình, không được bán, phải trùng tu lại cái hầm bí mật để làm di tích lịch sử cho địa phương mình, gia đình mình.

 

Nghĩ vậy, năm 2000, có người gạ mua phần đất thổ vườn của cô với giá 3,4 tỷ đồng, cô không bán dù gia cảnh nghèo nàn. Cô nghĩ, bán thì sẽ làm tủi vong linh mẹ, vả lại năm đứa con rồi sẽ ở đâu ? Chia cho mỗi đứa mấy trăm triệu đồng rồi ăn xài cũng hết. Ở xứ nầy, từ ngày đất đai sốt giá, không ít người phất lên rồi sau đó lại trắng tay, nghèo hơn cái thời chưa bán đất. Hiểu thế, cô cắt đất ra chia đều cho năm đứa con. Thế rồi đùng một cái, người ta gởi cho cô giấy quyết định thu hồi đất để giao cho dự án khu công nghệ cao, toàn bộ đất đai và tài sản trên đất được đền bù 560 triệu đồng, riêng 2500 đất nông nghiệp, người ta nói rằng đây là đất biền, không có sổ đỏ nên không được đền bù. Trong phần đất thổ vườn, có 180 mét vuông cô tách ra làm con đường nội bộ của gia đình, nay bị xem là đất công, cũng không được đền bù. Ban đầu, người ta hứa sẽ bán lại cho cô bốn nền tái định cư với giá 600 triệu đồng. Cô nghĩ, hai khu đất của gia đình cô 4500 mét vuông, trị giá hàng tỷ, giờ đổi lấy 400 mét vuông, chỉ bằng một phần mười, nhưng phải bù thêm 40 triệu đồng. Cô làm đơn đi kiện, cùng với bà con làng xóm đi lên Sài Gòn, ra tận Hà Nội kêu oan, kết quả : Cô bị thu hồi lại ba nền tái định cư vì lý do đi kiện !?

 

Dẫn chúng tôi ra sau vườn, chỉ tay về phía một khu nhà máy mới xây, cô nói, giọng chua xót đến tận cùng: “Chỗ đó, 2500 mét vuông đất nông nghiệp của cha tôi canh tác từ năm 1953, đến năm 1962, cha tôi giao lại cho tôi, tôi làm ruộng mỗi năm cũng được hơn trăm giạ lúa. Bây giờ họ nói đất biền, không đền bù. Ủy ban huyện tịch thu, giao cho dự án khu công nghệ cao, khu công nghệ cao bán mặt bằng cho công ty Allied của Singapore, công ty Allied bán lại cho công ty Jabil của Mã Lai xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Đó là kết quả của một gia đình mấy chục năm theo kháng chiến, mấy chục năm nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật . . . Vậy mà tôi tưởng xây dựng khu công nghệ cao, trước hết là để cho đồng bào nghèo của vùng căn cứ kháng chiến được hưởng lợi  . . . ai dè . . . bây giờ người ta coi coi đất quan trọng hơn dân.”

 

Chưa có con số thống kê chính xác xem có bao nhiêu gia đình là nạn nhân của khu đất được mệnh danh là “Đô thị Internet”, là “Không gian kết nối toàn cầu” nầy. Chỉ biết rằng có hơn năm trăm hộ, sau nhiều năm đi gỏ cửa các công đường đã được đón nhận bằng sự lạnh lùng vô cảm, họ ký tên vào danh sách lập đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân vườn quán cà phê Guitar để mong cầu cứu vong linh của vị Cha già dân tộc. Ngày ngày, họ đến đó thắp nhang khấn vái, trao đổi, nghe ngóng thông tin, xem đây là nơi để nương tựa vào nhau, và, cùng nhau đối phó trước những bất công. Nhưng, bất công cứ càng ngày càng đe dọa nặng nề.

 

Tại nhà ông Tư Hảo, ngày đêm vợ chồng ông thắp nhang khấn vái vong linh của 121 đồng đội, sống khôn thác linh, hãy vì ông, vì những người dân của xóm làng nầy mà ra tay phù hộ, hãy giúp ông có đủ trí, đủ lực để chống lại bọn sâu dân mọt nước, bảo vệ lẽ công bằng như ngày xưa chúng ta đã từng kề vai sát cánh để giữ gìn từng tấc đất của non sông.

 

Ngày 22 tháng 11 năm 2007, theo lịch tiếp dân thường lệ của UBND quận 9, khỏang 50 người từ quán Guitar kéo ra làm một cuộc biểu tình. Mục tiêu của họ là yêu cầu chính quyền phải giải quyết thỏa đáng về giá đền bù, về tạm cư và tái định cư trước khi thu hồi đất. Đi một đoạn đường thì bất ngờ họ lọt vào vòng vây của hơn bốn trăm nhân viên công lực với đầy đủ khi giới, trong đó có cả một chiếc xe phóng thanh kêu gọi bà con giải tán, đừng nghe bọn xấu lợi dụng mà làm mất trật tự an ninh. Hôm ấy, UBND quận 9 khóa cổng rào, nội bất xuất ngoại bất nhập. Khi đoàn người biểu tình vừa đến cổng thì bất ngờ có mấy chục thanh niên mặc thường phục nhào ra giật băng-rôn, khẩu hiệu, quốc kỳ và ảnh Chủ Tịch Hồ Chí Minh một cách thô bạo. Bà con chống trả lại, hai bên ấu đả nhau, công an vừa can thiệp, vừa quay phim để làm chứng cứ. Cho đến bây giờ, những người ngang nhiên gây sự hôm ấy vẫn chưa rõ tông tích là ai, còn những người chống trả lại thì bị bắt giam cùng một đêm 02 tháng 03 năm 2008, tức là “bắt nguội” sau hai tháng mười ngày với tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Trong số mười người bị bắt ấy, có vợ và con trai ông Tư Hảo.

 

Ông Hảo cho rằng đây là một cái bẩy, một âm mưu, một trò ném đá giấu tay để đẩy bà con vào tội gây rối trật tự công cộng. Nhưng dù là tội gây rối trật tự công cộng - với mục đích đấu tranh đòi quyến lợi chính đáng của những người nông dân tay trắng-thì sao lại phải vây bắt giữa đêm hôm khuya khoắt ? Đêm ấy, khỏang 10 giờ đêm, công an quận 9 đến bao vây từng nhà bắt 11 người, phần đông là phụ nữ. Riêng tại nhà ông Tư Hảo, có hơn một trăm nhân viên công vụ tạo thành những lớp hàng rào thịt bao vây nhà ông, bốn người công an không chế ông vào một góc tường, sau đó họ đọc lệnh bắt vợ ông về tội gây rối trật tự công cộng rồi còng tay giải ra xe. Sáng hôm sau, họ viết giấy mời anh Biền, con trai lớn của ông lên huyện, lại đọc lệnh bắt rồi còng tay giải vô khám Chí Hòa. Chiều lại, một anh phó công an quận và trưởng công an phường đến gặp ông để xin lỗi, họ nói biết rằng làm như vậy là sai, nhưng vì lệnh của cấp trên, mong ông thông cảm.

*

Tình cờ trên đường đến quán cà phê Guitar, tôi gặp anh Minh dẫn hai đứa con nhỏ chừng bốn năm tuổi. Hỏi đi đâu, anh nói đem hai đứa nhỏ đi gởi nhà người quen để đi làm mướn. Hỏi sau không gởi cháu vào nhà trẻ, anh nói trước có gởi, nhưng từ ngày mẹ nó bị bắt đến nay, hết tiền rồi, làm mướn không đủ nuôi năm cha con. Hai đứa lớn, mười lăm, mười sáu tuổi cũng phải nghỉ học để đi đan giỏ mướn. Tôi dúi vào tay anh mấy chục ngàn, coi như bù vào một ngày công làm thợ hồ của anh để được nghe thêm một câu chuyện đau buồn của một gia đình đang tan nát vì cái dự án Khu Công Nghệ Cao trên Vùng Bưng Sáu Xã nầy. Vợ chồng anh Minh và chị Trang cưới nhau năm 1989, khi ra riêng, được cha mẹ cắt cho 551 mét vuông đất vườn. Năm 1995, sau năm năm làm thuê tích cóp được một ít vốn, anh đào ao nuôi cá và xây chuồng nuôi heo. Năm 1997, cơn bão Linda đi qua, tất cả trở thành bình địa. Trong cảnh trắng tay, hai vợ chồng anh dắt hai đứa con thơ lang thang đi làm phụ hồ kiếm sống. Ba năm sau, họ trở về dựng lại nhà cửa. Lây lất được vài năm thì phải đối đầu với cơn sóng gió của dự án Khu Công Nghệ Cao. Người ta nói vợ chồng anh không có hộ khẩu (đã bị xóa vì đi kinh tế mới năm 1976 ) nên không được tái định cư, chỉ được đền bù 121 triệu đồng và trợ cấp sáu tháng tiền tạm cư để thuê nhà trọ, mỗi tháng 400 ngàn. Đó là khoảng tiền gọi là “nhân đạo” để vợ chồng anh có thời gian tạm cư để đi tìm cuộc sống khác. Nhưng đi đâu ? Đi đâu với 121 triệu đồng cho một gia đình gồm hai vợ chồng với bốn đứa con, trong khi mảnh đất mà anh đang ở trị giá gần hai tỷ đồng, nếu bán đi một nửa, anh có thể xây được một ngôi nhà khang trang và còn chút vốn liếng để làm ăn sinh sống, con cái được học hành một cách đàng hoàng.

 

Chị Trang cùng với bà con trong xóm kéo ra quận đấu tranh, hy vọng sẽ được xem xét lại. Nhưng không ngờ, trên con đường đi đòi quyền lợi chính đáng ấy, chị bị đẩy vào nhà giam, cùng với mười người dân trong cái đêm kinh hoàng 02 tháng 03 năm 2008. Anh Minh nghẹn ngào kể lại, đêm ấy, khoảng mười giờ đêm, hơn ba mươi nhân viên công vụ đến bao vây nhà trọ và đọc lệnh bắt chị Trang. Thấy vợ mình bị còng tay trong khi đang mặc đồ ngủ, anh Minh năn nỉ nhà chức trách cho vợ anh thay bộ đồ khác kín đáo hơn, nhưng họ không chịu, một mực giải ra xe. Anh hét lớn: “Tôi sẵn sàng chịu còng tay thế mạng cho vợ tôi được thay quần áo”. Nhưng họ vẫm im lặng, lôi chị đi trong tiếng khóc la của bốn đứa con.

 

“Vì lợi ích quốc gia – anh Minh lại nghẹn ngào – nếu thật vậy thì trước hết người ta phải biết coi trọng quyền lợi của người dân. Đằng nầy, vì lợi ích quốc gia mà bao nhiêu gia đình phải tan nhà nát cửa, bao nhiêu thường dân vô tội phải ngồi tù . . .”

 

Than ơi ! Gia đình anh Minh vẫn chưa phải là số phận cuối cùng trên Đồng Bưng Sáu Xã nầy. Ngồi cách chổ chiếc bàn của chúng tôi vài mươi mét bên kia là anh Nguyễn Công Tạo, một người tan nhà nát cửa đến phát điên. Tôi gặp anh sau khi anh xuất viện được gần hai tháng, bà con trong xóm nói anh đã hết điên rồi, anh cũng nói với tôi như thế. Nhưng thỉnh thỏang tôi lại thấy anh cười một mình, cười không thành tiếng, chỉ nheo mắt, nhếch môi, nhưng ẩn sâu trong nụ cười vô cớ của anh như có một cái gì đó thật não nùng, cay đắng. Tôi gặp anh vài lần, nghe anh kể, không phải tôi không tin anh, nhưng tôi vẫn ngờ ngợ khi nghe anh kể về những ngày điên loạn, lúc nhớ lúc quên. Vì vậy mà tôi phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu về anh qua những người hàng xóm, trong đó có dì Ba Thêu, một trong những người tận tâm chăm sóc anh Tạo trong những lúc khốn cùng. Dì Ba kể, anh Tạo là một thanh niên hiền lành, chất phác, ly dị vợ cách nay hơn mười năm. Vợ anh dắt theo đứa con gái, anh nuôi đứa con trai. Hai cha con sống trong căn nhà cấp bốn trên khu vườn tạp 300 mét vuông. Hàng ngày, anh chạy xe ôm và bốc vác để nuôi con. Khi triển khai dự án Khu Công Nghệ Cao, người ta đền bù cho anh cả nhà lẩn đất chỉ 97 triệu đồng. Song, cũng ngay trên mảnh đất nầy, người ta bán lại cho anh cái nền tái định cư 100 mét vuông với giá 160 triệu đồng. Thấy chuyện vô lý, anh đi kiện. Rồi một hôm, sau một ngày vác đơn đi kiện trở về thì ngôi nhà của anh đã bị san lắp thành bình địa, nghĩa là anh bị cưỡng chế vắng mặt. Trước mắt anh chỉ còn lại một đống tường gạch ngổn ngang, đổ nát, cây cối bị chặt phá hoang tàn. Tất cả vật dụng trong nhà bị dân ve chai lấy hết. Chỉ còn con chó từ đâu lần mò tìm về mừng chủ trong ánh mắt hốt hoảng, thất thần.

Kiên quyết không giao đất, anh dựng lại túp lều bằng mấy tấm bạt nylon, bà con hàng xóm thương tình, người cho anh tấm đệm bàng, kẻ cho cái mùng cũ, vài bộ quần áo cũ và một bình đựng nước. Nhưng mấy ngày sau, chính quyền quận 9 đưa xuống 200 nhân viên công lực cùng với phương tiện cơ giới để cưỡng chế lần thứ hai. Và lần nầy, họ dùng kobe đào nát mảnh đất của anh thành những đường mương cắt ngang cắt dọc để anh không còn nơi dựng lại túp lều. Cha con anh Tạo cùng với con chó dắt díu nhau qua gốc cây của người hàng xóm để tạm cư. Cảm thương cảnh màn trời chiếu đất của anh, ông Tư Hảo mang đến cho anh chiếc ghế bố cũ. Ngày chạy xe ôm,  đêm về hai cha con nằm xoay nghiêng trên ghế bố dưới gốc cây, bên cạnh sự bảo vệ, chở che của con chó trung thành. Thế nhưng tai họa nối liền tai họa, thằng con trai của anh bị tai nạn giao thông ngoài xa lộ, được người dân tốt bụng ở địa phương đưa đi cấp cứu trong bệnh viện Gia Định. Dì Ba Thêu cùng với bà con hàng xóm vận động nhau góp tiền chạy lo cho đứa bé. Anh Tạo bắt đầu quẩn trí, người ta thấy anh thức suốt đêm, ngồi bên cạnh con chó trên nền nhà cũ, miệng nói lảm nhảm, chửi bới lung tung, mắt long lên, thần sắc khác thường. Rồi anh mài dao, múa như múa kiếm, miệng la hét “chém chúng nó”. Không ai dám gần anh ngoài con chó trung thành. Sau vài ngày thì anh hiện nguyên hình của một người điên, đốt lều, đốt cây cỏ, đập phá, chửi bới. Có lúc trời nắng như thiêu, anh để mình trần, đầu trần ngồi lặng người trên nền nhà cũ, bổng dưng anh ngước mặt lên trời, cất tiếng kêu một hồi dài, tiếng kêu ú ớ như tiếng chó tru.

 

Không còn cách nào khác, gia đình và hàng xóm xúm nhau đưa anh vào bệnh viện tâm thần.

Chúng tôi trở lại quán cà phê Guitar lần sau cùng thì thấy anh Tạo đã tỉnh táo, con trai anh cũng lành bệnh trở về. Chỉ có con chó là biệt tăm. Anh Tạo rầu rĩ nói: “Trong cảnh không nhà, không chủ, sống lang thang không nơi nương tựa, biết nó đã lọt vào tay ai. Nếu còn sống thì nó đã về. Chó là con vật trung thành, không bao giờ phản chủ”. Hai cha con anh Tạo mắc hai chiếc võng dưới tấm lều bạt trong vườn bạch đàn của ông Lộc, cha anh, ngày đi kiếm việc làm thuê, đêm về ngủ võng. Tài sản là một bình nước cột dưới gốc cây, phía trước túp lều. Tôi vừa mừng cho sự tỉnh táo của anh Tạo thì cũng bắt đầu lo cho ông Tư Hảo khi thấy ông bước vào quán, miệng nói lảm nhảm: “Ba mươi năm trước, tao về đây giải phóng Sài Gòn. Bây giờ, người ta không cần tao nữa, nhưng người ta cần đất của tao. Đất của tao có giá hơn tao. . .”

 

Phần đất của ông cắt cho người con trai lớn - tức anh Biền đang bị tạm giam – đã bị giải tỏa, ngôi nhà thờ 121 liệt sĩ của ông đã bị kober đập thành bình địa. Phần còn lại không biết sẽ tồn tại được bao lâu nữa. Cách nay mấy hôm, ông được vào thăm vợ. Thấy vợ tiều tụy, xanh xao, ông đã không cầm được nước mắt. Đêm ấy, ông ngồi một mình bên chai rượu đến hai giờ khuya. Rồi bất thần, ông gọi điện thoại sang nhà chị Nga hàng xóm, một hai bảo chị phải đến nhà ông gấp. Chị Nga vượt hơn hai cây số trong đêm chạy qua, thấy ông xếp sẵn hai bộ quân phục, gắn đầy những chiếc huy chương lên ngực áo, ông nói: “ Em giữ giùm anh hai bộ đồ nầy, chờ vợ anh ra tù trao lại cho bà ấy giùm anh”. Chị Nga vừa khóc, vừa van xin ông hãy bình tĩnh để tiếp tục làm tròn bổn phận của người chồng, người cha trong một gia đình đang điêu đứng. Nghe đến trách nhiệm ấy, dường như ông tĩnh lại.

 

Sau câu chuyện chị Nga kể, tôi nhìn ông Hảo và tự hỏi, liệu ông còn tĩnh được bao lâu khi tài sản của ông tiếp tục bị đe dọa và vợ con ông tiếp tục ngồi tù.

Trên đường về, đầu óc tôi cứ quay cuồng trong câu hỏi: Lẽ nào người ta cần đất hơn cần dân ?

 

Sài Gòn, tháng 6 năm 2008

Võ Ðắc Danh
Số lần đọc: 5111
Ngày đăng: 09.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hà Thành siêu độc giả - Lê Mai *
Chuyện đàn ông theo vợ “vượt cạn” - Nguyễn Hoàn
Hai mươi năm và nhiều hơn thế… - Trần Trung Sáng
Về thăm Quê Xép - Nguyễn Thuỵ Nhã
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Khởi sắc U Minh - Nguyễn Thuỵ Nhã
Đất của mẹ - Võ Ðắc Danh
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh - Nguyễn Hoàn
Cimexcol minh hải, 20 năm oan án. - Đặng Huỳnh Lộc
Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn
Cùng một tác giả
Mùa trái mắm (tạp văn)
Nhớ đồng (tạp văn)
Nồi cháo trắng (truyện ngắn)
Thư Sài Gòn (tạp văn)