TẶNG BỐ CON NHÀ THƠ HOÀNG LỘC
Nhận được mail của Hoàng Lộc báo tin, trung tuần tháng 7.2008- Anh sẽ có dịp về thăm quê (Hội An) và sẽ làm lễ Vu quy cho cô con gái rượu Phương Chi (ở Sài Gòn) từ nửa tháng nay; nhưng tôi cứ loay hoay không biết sẽ có món quà nào gửi tặng cho cha con Hoàng Lộc trong dịp vui này…
Tuần này – Hoàng Lộc phone về dặn tôi vào Saigon để anh em gặp nhau – cụng vài ly lai rai cho bù hơn ba mươi năm xa cách. Anh còn nhắc, “chỉ vào chơi với nhau thôi, không được “đi” tiền bạc hay quà cáp gì cả !”.
Đứa con gái lớn của tôi biết chuyện nói : “Bác ấy biết Ba nghèo – nên nói vậy – nhưng Ba phải có “quà” cho Phương Chi chứ?”. Tôi đồng ý “Dĩ nhiên là vậy! Nhưng mua món quà gì mới là chuyện cần nghĩ…”. Tôi thoáng nghĩ, quà cưới thì nhiều loại, nhưng “mấy thứ lỉnh kỉnh ấy”- liệu có cần, và có thể… mang sang bên kia không ? Phải thật gọn nhẹ. Và có ý nghĩa kỷ niệm lâu dài…
Thế là tôi nghĩ đến cái “tài vặt” của mình – đó là viết thư pháp một hai câu thơ – lồng khung kính cỡ giấy A4, có thể là “Vật kỷ niệm” treo ở vách phòng nhà được rồi! Vừa rẻ, gọn, vừa giữ được lâu!
Nhưng chọn câu thơ nào cho hợp với cảnh này – lại là một điều khó xử! Thơ phải hợp với tuổi trẻ, vừa nhẹ nhàng, vừa vui tươi – nói về tình yêu, tình đầu… Nếu Thơ có năng lực, phảng phất chút hương vị trong tương lai xa thì càng tuyệt !
Cuối cùng tôi chọn hai câu ca dao – rất cũ / rất quê, nhưng cũng rất tình:
“Yêu nhau
Cởi áo cho nhau…
Về nhà ,
Mẹ hỏi
Qua cầu gió bay!”
Theo bạn, ai cởi áo cho ai ? Đằng nam “cởi áo” cho đằng nữ - hay ngược lại? Chúng ta có thể hiểu, ai cởi áo cho ai cũng được cả. Cũng tốt cả. Mà đằng nam “cởi áo cho đằng nữ” dễ dàng hơn. Nhưng “về nhà mẹ hỏi” (vì mẹ thường hỏi han, chăm sóc cho cô con gái rượu hơn) – nên có thể hiểu là đằng nữ sẽ “cởi áo cho đằng nam”. (“Áo” đây phải hiểu là áo choàng, áo khoát lúc đi ra ngoài cho đỡ giá lạnh không có cài nút ấy mà!)
Thế là tôi vui vẻ mang giấy bút mực ra bàn – viết liền hai tấm. Thú thật, tôi chưa theo học ở một “trường lớp” nào về nghệ thuật thư pháp (tuy có đọc đôi bài nói về Thư pháp của vài nhà thư pháp thành danh); nhưng tôi chỉ nghe theo sự “mách bảo” của “đôi mắt riêng” mình thôi. Khi nào “đôi mắt riêng” ấy bảo rằng “được” – là tôi dừng! Chỉ đơn giản vậy thôi (chứ biết sao?)
Hai tấm vừa viết xong là “đôi mắt riêng” bảo stop! Tôi stop . Và chọn lại một tấm ép vào khung kính – sau khi “đóng dấu triệu son” và ký tên đề “Tặng hai cháu Phương Chi – Bảo Quốc” hẳn hoi.
Quà cho con đã tạm ổn – nhưng cũng nên “có cái gì” tặng bố chứ? (tặng bố cũng là tặng luôn cho mẹ - vì tuy 2 mà là 1 cớ mà!)
Tôi nhớ ra ngay hai câu thơ mình ưng ý nhất trong bài “Câu Đêm ở An Bàng” được Hoàng Lộc viết năm 1985. Đó là hai câu trong đoạn kết :
“(…) Đời có Văn Vương đâu mà làm Lã Vong
Ta nón cời riêng đội bóng trăng”.
Tôi phóng bút viết liền, cũng hai bản. Rồi stop. Tôi lấy một bản giữ lại cho vào khung treo lên vách “phòng văn” của mình – để “làm kỷ niệm”. Bức kia , trang trọng đề “Tặng nhà thơ Hoàng Lộc ngày về…” – cũng có triệu son, chữ ký theo đúng “thủ tục”!
Thế là tôi đã có hai món quà nhỏ để tặng cha con nhà thơ Hoàng Lộc mà “chẳng tốn kém gì bao nhiêu”! Giữ đúng như lời anh dặn. Và cũng … đúng với hoàn cảnh, tâm sự của mình.
Nhân đây, cũng xin “lướt qua” hai câu thơ vừa trích một chút: Mượn tích xưa tận bên Trung Quốc (Văn Vương / Lã Vọng) về vị minh chúa hiền đức cầu tìm người tài ẩn dật dầu trải qua bao khổ nhọc – cũng chẳng nản lòng để lóe lên chút tâm sự hôm nay. Văn Vương xưa đi tìm cầu Khương Tử Nha để sau này diệt được Trụ Vương (Nhà Thương) sáng lập nên nhà Chu một thời lẫm liệt ! Còn hôm nay ? Ở đây, nhà thơ “đi câu đêm” chơi vì buồn chứ đâu muốn “bắt chước” Lã Vọng – bởi vì, “đời có Văn Vương đâu”? Đây là một thực trạng. Một tâm trạng. Vô cùng buồn ! . “Ta nón cời riêng đội bóng trăng” – Câu thơ viết đủ : “Chỉ riêng có mình ta đang đội nón cời và đội bóng trăng đang ngồi câu cá thôi – không có ai cả”. Gộp chung 2 chữ “đội” là một cách dụng từ tuyệt khéo. Lại chỉ một từ “riêng” ở giữa “nón cời” với “bóng trăng” đã mở ra trước mắt người đọc một hình ảnh cô đơn tuyệt đối, thấp bé tuyệt đối giữa đất trời cô quạnh mênh mông… Tôi yêu quý cái hình ảnh cô độc nhưng vô cùng nên thơ ấy! Gã “câu đêm ở An Bàng” này thật lãng mạn nhỉ?
Chúc gia đình nhà thơ vui vẻ …
10.7.2008