Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.085
123.198.541
 
Đám cưới em họ
Hội An

Thông là con chú họ của tôi. Thường chúng tôi không liên lạc nhiều với nhau vì Thông nhỏ hơn tôi những hai chục tuổi. Em thuộc về một thế hệ khác, sinh ra khi tôi đã rời làng ra đi khá lâu. Tuy nhiên rồi trời đất sắp đặt sao đó mà nơi cư trú hiện tại của chúng tôi không xa nhau lắm. Chúng tôi ở đây bao gồm không chỉ có tôi và Thông mà còn nhiều giọt máu đào khác trong họ tôi. Họ, kẻ trước người sau cùng vào làm công nhân ở một khu chế xuất ngoại thành Sài Gòn cách tôi chỉ hơn trăm cây số. Nhận được thiệp mời, sáng chủ nhật tôi bắt xe lên Thành phố với một tâm trạng bồi hồi gần giống với khi chuẩn bị về quê.

 

Chẳng hiểu sao lại thế bởi 2 nơi hoàn toàn khác nhau. Thành phố thì ồn ào náo nhiệt hơn cả nơi tôi đang sống, còn quê tôi thì dù sao cũng là một vùng bán sơn địa với con sông Lam dịu dàng uốn quanh những bờ bãi, xa xa là những ngọn núi xanh mờ quanh năm hiu quạnh và vắng vẻ. Và tôi chợt hiểu ra: Tôi sắp gặp lại những người anh em bà con của mình, dù là ở nơi khác, trong một khung cảnh khác.

 

Đón tôi ở bến xe buýt không phải là Thông mà là Thắng. Đó là một anh họ của tôi, người đã đưa Thông vào làm cùng và là người lo lắng mọi điều cho việc tổ chức đám cưới này. Anh kém tôi dăm tuổi, ốm nhom và cao lêu đêu, có nụ cười cởi mở và hơi tếu. Anh trách tôi đã không chịu nghe lời khi anh gọi điện đề nghị đón tôi ở tận bến xe Miền đông chứ không phải cà rịch cà tang 2 chặng xe buýt như vầy. Tôi nói lâu lâu tôi mới lên thành phố, phải đi cho nó biết, sá gì vài tiếng đồng hồ để ngắm cảnh, ngắm người. Tôi đã không hình dung được bữa ăn thịnh soạn công phu để đón tôi đã nguội ngắt và những người anh em tôi đói bụng dài cổ đợi chờ.

 

Tôi rửa qua loa rồi ngồi ngay vào mâm. Đó là một chiếc chiếu trải gần hết gian phòng khách hẹp với những đĩa và tô thức ăn đã dọn sẵn. Ngoài vợ chồng Thắng còn có thím Minh mẹ Thông mới ở quê vào và mấy người anh em họ của tôi cùng 2 đứa con của Thắng. Thông không tới. Chú rể và cô dâu hôm nay có quá nhiều việc phải làm. Tất nhiên đó là những việc xung quanh chuyện trang phục và làm đẹp mà người khác không làm thay được. Những gì còn lại thì đều được Thắng và anh em cùng xúm vào lo hộ. Tôi nắm bàn tay thím Minh ngồi cạnh. Nét hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt thím không che hết dấu vết tiều tuỵ tuổi tác của một người mẹ quanh năm vất vả. Vừa ăn thím vừa tranh thủ kể tôi nghe vài điều ở quê. Mọi người nhắc đến mẹ tôi. Tôi đã đưa mẹ vào sống cùng dăm năm nay. Giá mà mẹ tôi khoẻ hơn để đi cùng thì chắc bà sẽ vui lắm. Trong những câu chuyện râm ran và những cợt đùa vui vẻ, nỗi nhớ quê trong tôi vừa như dịu lại vừa như cồn cào thêm lên.

 

Ngày tôi còn bé, nhà tôi, nhà Thắng, nhà thím Minh và những anh em tôi hôm nay có mặt đều ở trong cùng xóm Đông nằm cạnh bờ đê con sông Lam. Chúng tôi cùng có chung một ông bà cố. Làng tôi không đến nỗi nghèo vì đất đai tươi tốt trù phú và ông bà cố tôi cùng con cái đều chăm chỉ và biết cách làm ăn. Tôi còn nhớ những ngày mùa, cái sân gạch đỏ au và rộng rãi của cố tôi lúc nào cũng chất đầy thóc lúa đang phơi. Nhưng rồi chiến tranh, sơ tán, một thời bom gào đạn rú. Mấy nhà anh em tôi tứ tán khắp nơi. Hoà bình lập lại, chẳng hiểu sao làng cũ đã không còn được ở. Rồi chủ trương di dân lên những ngọn đồi. Mấy anh em trong lòng cố tôi vẫn bám víu với nhau về cùng một chỗ, mang cả ngôi nhà thờ dựng cùng ven một ngọn đồi thấp. Mỗi lần về phép thăm nhà tôi vẫn được ăn cơm đủ mỗi bác mỗi thím một bữa ăn mời, được kính cẩn thắp nhang trong nếp nhà thờ gỗ cũ kĩ rêu phong, thăm mộ bố và các bậc bề trên trong nghĩa trang thâm u của dòng họ, cùng nhau điểm lại những vui buồn và nhớ về những kỉ niệm cũ.

 

Và hôm nay cũng vậy. Tôi hiểu chúng tôi sẽ còn gắn bó với nhau lâu dài mặc dù đã không còn gần gũi như ngày ở quê. Đó là ý muốn của các cố tôi ngày trước, là lời dặn lại của các bậc cha mẹ, là dòng máu nguồn cội thơm thảo chảy mãi trong huyết quản của mỗi người. Tuy chỉ là những công nhân nghèo nhưng mấy người anh em tôi đều là những người lương thiện, chăm chỉ chịu thương chịu khó. Anh Thắng mới được đề bạt làm quản đốc, chú Trí là tổ trưởng có uy tín, Thông là một thợ điện giỏi, Dương vừa làm vừa học đại học ban đêm…Bây giờ họ đã là công dân tốt của quê hương mới- Thành phố đang cưu mang họ và họ đang cống hiến hết sức mình.

 

Trong đám cưới tối nay, không chỉ cô dâu chú rể mà những người anh em tôi ai cũng đẹp. Tôi nhìn thấy một vẻ đẹp khác ẩn bên trong son phấn và áo quần. Nó không lộng lẫy như những ánh đèn màu, không kiêu sa hào nhoáng như những cao ốc, nhà hàng khách sạn trên đường tôi đi. Đó là vẻ đẹp của lao động, của tần tảo và thương khó. Nó là cơ sở của niềm tin và sự gắn kết. Vẻ đẹp này dòng máu nguồn cội cho họ, quê hương mới cho họ nhưng phần chủ yếu do họ tự tạo ra. Trong tôi dâng lên niềm tự hào về những người anh em bình thường mộc mạc của mình.

 

Lúc trở về, mặc tôi ngăn, Thắng vẫn chở tôi ra tận bến xe đò. Chia tay khi xe sắp chạy, tôi nắm chặt bàn tay gân guốc của anh, lòng rưng rưng. Họ hàng, quê hương, nguồn cội…không chỉ là kí ức mà mãi mãi là một điểm tựa, là nỗi nhớ niềm thương, là một góc trong trái tim tôi, thiêng liêng mà bình dị 

Hội An
Số lần đọc: 2403
Ngày đăng: 13.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chọn hướng xây nhà - Trần Huy Thuận
Bà Bắc - Nguyễn Mỹ Nữ
Bầu bán! - Trần Huy Thuận
Bích Khê - trong mùa trăng tượng trưng - Trần Ngọc Tuấn
Quà nhỏ - Mang Viên Long
Tản mạn về làng Lựu Bảo và tình sử Đặng Huy Trứ - Ngô Thiên Thu
Thơ xích lô - Trần Trung Sáng
Trao đổi lại với ông Văn Chinh * - Hà văn Thùy
Một cõi non bồng - Văn Chấn Ngọc
Ra Ngoài Ngàn Năm hay tiếng vọng thời gian? - Hoài Hương
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)