Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.150.473
 
Thằng côi
Lê Mai

Thằng côi lột chiếc áo thun màu cháo lòng ướt đẫm mồ hôi ra lau mặt, bộ xương sườn đếm được ba mươi sáu cạnh, cột sống lưng cũng  đếm được từng đốt; sự thiếu cân lượng làm  cho nó cao lêu khêu. Nó lắc cái đầu tóc ướt nhẹp mồ hôi, tóc rủ che hết trán, khuôn mặt xương xương dài dài, hai hàm bạnh, cặp môi luôn mím chặt; nhìn giống như một người đàn ông ba mươi tuổi hơn là một thằng bé chưa tròn mười lăm.

 

Nó nhặt tấm ván chặn dưới  đất lên đập cho rơi hết cát  rồi  quẳng vào lòng chiếc xe ba gác, đẩy xe trở về góc cuối sân. Ngày hôm nay nó chở  được ba chuyến, tính cả vòng đi vòng về  là mười lăm cây số một chuyến, vị chi là bốn mươi lăm cây số. Bà Phấn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng đã ưu tiên dành việc chở cát cho nó, bà cho nó mượn cả xe, cả thuỗng, nó chở  được bao nhiêu cát thì tính thành phẩm cho hưởng chừng ấy. Mỗi xe cát mười tám ngàn đồng nó được nhận đủ, không bị khấu trừ tiền cho thuê xe và thuỗng; đó là sự giúp đỡ. Bà bảo nó hiền lành chân thực, giúp nó học hành, tạo phước nghiệp cho con cháu bà mai sau. Thằng Côi thiệt thà ít nói, nó cảm nhận  được lòng tốt của bà chủ bằng sự tri ân sâu sắc, nó thầm xem bà như người mẹ của nó.

 

Thằng Côi được bà ngoại cho đi học, nhưng bà bảo:

-Học được đến đâu thì học.

Bởi vì trong trí tưởng của bà và mọi người trong gia đình, không ai dám nghĩ nó khá hơn; cứ nhìn vào  người mẹ đãng trí  đã sinh ra nó họ chán chường lắc đầu. Trướng học và các cô giáo ở  cùng xóm, gần như ai cũng biết xuất xứ sự có mặt của nó. Ngay từ bé nó đã cảm nhận được sự khinh thường lẫn  sự thương hại của mọi người xung quanh, kể cả thái độ phải cưu mang nó của bà ngoại và các dì.

 

Nó học trung bình nhưng cũng thi đậu vào trường công, học xong cấp hai nó lại đậu được vào trường  cấp ba.  Không  được đi học thêm các môn học quan trọng như các bạn và không  được có sách vở tươm tất đầy đủ. Nó tự đi làm thêm để kiếm tiền học. May mắn cho nó đã gặp được bà Phấn.

 

Thường nó chỉ chạy được một chuyến xe cát vào buổi chiều hoặc buổi sáng sớm, còn lại thời gian phải đến trường, những ngày lễ hoặc chủ nhật như hôm nay nó mới đi được ba chuyến xe cát. Bà Phấn bao giờ cũng để dành lại một xuất xe chạy cát cho nó, hôm nào cần cát nhiều cung cấp cho công trường đang thi công, phải  giao hết việc  lấy cát cho những người thợ chuyên nghiệp thành thạo hơn bà lại kiếm việc  cho nó chở những xe gạch hoặc xi măng đi giao cho khách,  hoặc bốc xếp những kiện gạch hoa cho vào nhà kho.

 

Hôm nay bà đưa hẳn cho nó sáu chục ngàn, không cần thối lại. Được thêm sáu ngàn, nó mừng khấp khởi, bao nhiêu mệt mỏi tan biến, nó cảm ơn bà, mắt ánh niềm xúc động, chẳng phải vì số tiền nhận được mà vì cái tình cảm quý mến bà đối với nó. Ngoài giờ học nó hay quanh quẩn  trước  cửa hàng để chờ xem bà Phấn có  cần nhờ bảo việc gì.

 

Thằng Côi sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ, có chút lễ giáo. Bà ngoại nó là một người đàn bà độc đoán, khó tánh vì goá bụa sớm. Bà một mình quán xuyến nuôi năm cô con gái và một cậu con trai duy  nhất, cậu con này lại là con riêng của chồng. Năm cô con gái và bà ở dưới căn gác, ông con trai được ở trên gác gỗ phòng trong, phòng ngoài là nơi thờ phụng bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà. Một phòng thờ trang trọng uy nghi giá trị nhất trong toàn ngôi nhà. Trên chiếc tủ gỗ hương là tượng Phật mạ vàng trong bốn mặt kính; lư đồng, bình hoa, cặp  chân đèn, chiếc dùi gõ mỏ, tất cả đều bằng đồng luôn luôn sáng loáng, giá đựng kinh sách  đặt sát chiếc bàn thấp, tràng hạt, chỗ để bà ngồi tụng niệm hàng ngày. Hai bên tủ thờ chính đặt hai tủ thờ tháp hơn, thờ ông bà bên nội, bên ngoại. Mỗi sáng sớm và mỗi chiều tối trước khi ra chợ, chiều tối bà về nhà,trước khi lên gác gỗ tụng niệm bà thường tranh thủ xem xét con cái bằng  những lời răn đe phòng hờ những việc có thể xảy ra theo sự phán đoán gay gắt của bà, thường khi trách mắng hoặc trút bực nhọc bằng đòn roi. Người đàn bà bị áp lực sự sống chi phối nặng nề, bà nghi hoặc đố kị và khó chịu với bất cứ chuyện gì, với ai. Từ lâu rồi nụ cười của bà đã biến hẳn, bà nổi tiếng là người khó tính nhất khu chợ, người khách hàng nào lơ ngơ trả giá không sát hoặc đùa giỡn một chút đều bị bà mắng té tát. Chẳng có gì lạ khi đám con của bà đồng có nét mặt quằm quặm lấm lét nhìn xuống, trông cứ như muốn gây sự nhưng nhút nhát rụt rè đến tội nghiệp.

 

Cô con gái đầu hơi dở người, bà gọi nó là “Con té phảng”. Bà thường kể rằng:

-“Tôi và bà Cả nó ngồi hai bên mép phảng, vậy mà nó trườn qua bắp chân bà Cả rớt xuống đất”. Bà luôn kể cho mọi người nghe về bà Cả và anh con trai lớn, bà là vợ lẻ  được bà Cả đi cưới hỏi có lễ nghĩa hẳn hoi chớ không như các bà vợ lẻ không lễ nghĩa khác, và vì trọng lễ nghĩa nên bà vẫn nuôi dưỡng và tử tế với anh con trai của bà Cả, coi như con trai lớn của gia đình. “Con bé rớt xuống đất, mặt mày tím tái, nó chết ngất đi…”. Bà đã lo chạy chữa không biết bao nhiều thầy, bao nhiêu thuốc… mà nó cứ dại dại như vậy đó! Cho đi học mấy cũng không vô; rốt cuộc chỉ ở nhà dọn dẹp, cơm nước.

 

Con té phảng” đến mười tám tuổi cũng rậm rực, mắt xanh mỏ đỏ, quần này áo nọ. Nó mê trai đến nổi bị nhốt trong nhà  cũng bám vào khung cửa nhìn ngẩn ngơ, hết thằng trai này đi qua, thằng trai khác đi lại, nhìn hút mắt không chán. Bà mẹ xé phăng đi mấy cái áo chẽn hở ngực, mấy cái quần ôm bó khít, rồi lại mấy cái váy ngắn củn cỡn. Mặc kệ! Bà mẹ xé cái này, nó lại vá víu, túm cột ra làm kiểu khác. Ôi! Cái con nhà trò! Người không biết bệnh cứ tưởng nó ăn chơi “Mốt thời thượng”. Cái  Con té phảng” , luôn ở trong nhà, chỉ có buổi trưa ra chợ xách đồ ăn vè nấu rồi đưa cơm ra cho bà bởi vì các cô em gái bận đi học. Nó chỉ ra đường trong giờ khắc ấy thôi mà bỗng một hôm bà phát hiện ra “Con té phảng” lừ  đừ, ngủ ngầy, ngủ ngật; nó ăn cực khoẻ, “ựa” “ọc” thật ra trò, chân mày cứ dựng chia chỉa lên, hai bên thái dương mạch nhảy thon thót. Bà hốt hoảng kêu lên:

-“Thôi chết! Trời ơi! Con giời đánh, mày bôi tro trát trấu lên mặt bà rồi!

 

Bà trút những cơn tam bành thịnh nộ, cầm kéo xén phăng từng túm tóc “Con té phảng”, cả bốn cô em cũng tức tối  mắng chửi hùa theo mẹ. Trước những cú đấm đá và lời hạch hỏi hung hản, “Con té phảng” cứ trân trân hai con mắt dài dại, nhoè nhoẹt chì xanh chì đen, méo  xệch cái miệng trét sơn đỏ chót ra không khai rõ được ai là cha của cái bào thai. Bị  đánh mắng quá nhiều, nó hoảng sợ không  hiểu gì cả, mẹ và các em nó càng cảm thấy nhục nhã càng hành hạ đay nghiến tấm thân hình mập phì khờ khạo, nó có hiểu gì đâu. Cái đầu “Con té phảng” bây giờ đã bị gọt lam nham, chỗ trắng, chỗ đen lởm chởm. Nó soigương, tự động không phết son  phấn lên mặt và không chịu đi đâu nữa, suốt ngày chỉ ngồi ôm cái bụng khóc lóc kêu gào rồi ngủ gục dưới chân giường.

 

Thằng bé ra đời đã hôi hám vì mùi phân bầy chây của mẹ nó vừa đẻ vừa ỉa. Ai trách gì con người u mụ, nhưng bà cô đỡ cũng không thể  trìu mến lau chùi kỹ lưỡng cho hài nhi. Bà mẹ bảo  với mọi  người trong phòng sinh là cha thằng bé chết từ hồi nó còn trong bụng mẹ và bà cũng nảy ý đặt tên cho nó là Thằng Côi.

 

Thằng Côi lớn lên với ghẻ chóc và  sự chăm lo nhạt nhẻo của mọi người trong gia đình. Nó thu mình ngồi trong bóng tối giống như mẹ nó, thỉnh thoảng nó cũng được một người dì lôi ra tắm rửa kỳ cọ,  nhưng ít bao giờ họ cho nó đi theo ra  ngoài đường. Nó là nỗi ô nhục, vết dơ ảnh hưởng tương lai bốn bà dì còn lại. Bà nó thường chắt lưỡi:

-Không khéo rồi cái “Con té phảng” làm cho ế cả đám!

 

May thay cái đám cưới của Bác nó, con trai của bà Cả mở đầu màu sắc lễ cưới xin cho gia đình bà. Dù là đám cưới con trai hay con gái cũng làm rạng rỡ tưng bừng, khuôn mặt ngôi nhà thôi chìm trong u ám lâu nay. Bà cũng được một cô dâu con  nhà tử tế hẳn hoi.

 

Những ngày sau lễ cưới bác trai thằng Côi, bà mẹ “té phảng” của nó cứ quanh quẩn  bò trườn lên chân cầu thang rình rập; nó thao láo mắt nhìn mẹ nó, mẹ nó mắt tháo láo nhìn vào màn đên sau vách phòng thờ. Trong trí óc ngu độn cái phần người là đàn bà với những xúc cảm vô thức, đã từng  biết ái ân; “Con té phảng” dậm dật khao khát. Nó thường giật bắn người trước tiếng quát như pháo dội của bà ngoại nó, bà ngoại nó nắm ngược đầu “Con té phảng” vừa lôi vừa đánh mắng. Vài lần như thế thì vợ chồng Bác nó xin ra ở riêng, họ xin mang theo thằng Côi, còn để cho các dì nó lấy chồng!

 

Thế là thằng Côi được quan tâm, chăm sóc, nhưng rồi cũng chỉ đôi ba năm, đến lúc bác gái nó sinh con và bác trai nó làm ăn thất bại. Nó phải về lại nhà ngoại, một người dì đã đi lấy chồng; nó tới tuổi đi học.

Thằng Côi âm thầm sống qua những tháng ngày tuổi thơ. Mọi người vẫn cho nó khờ dại, nhưng nó thì nghe và hiểu được tất cả mọi điều xung quanh, nó hiểu cả bối cảnh, sự có mặt của nó trong cuộc đời này. Với thái độ cam chịu và nhẫn nại; nó quan sát mọi diễn biến trong nhà và ngoài hàng xóm. Người ta đã quen thuộc sự có mặt của nó, nó cũng chẳng làm nên chuyện gì quấy động.

 

Các dì nó lần lượt đi lấy chồng, căn nhà còn lại tiếng cười, khóc  rổn rảng ồn ào của mẹ nó và tiếng quát mắng dữ dội  của bà ngoại

 

Thằng Côi dần dần ít về nhà. Nó nhập đám bạn học nghèo đồng trang lứa từ các làng quê xa lên thuê nhà ở chung vừa đi học vừa đi làm. Cuộc sống trở nên dễ chịu, cái vẻ buồn trầm mặc trên con người nó dần tan đi, nó vui với tình cảm chăm sóc chừng mực của bà chủ. Nhiều khi nó ước ao phải chi mình là con của bà Phấn….

 

Bà Phấn là một người phụ nữ trẻ, ngoài ba mươi, tướng tròn trĩnh, tay chân mũm mĩm, móng tay móng chân được chăm chút cầu kỳ luôn tô màu hồng tươi, có khi lại điểm nững hình hoa quả nhỏ li ti xem ngồ ngộ. Bà làm chủ một cơ ngơi vừa phải, ngoài căn phòng khách, phòng ngủ và bếp, một cầu thang lên lầu, phòng cho đứa con gái còn nhỏ và chỗ rộng trống dự định làm phòng ở và phòng chơi cho cậu con trai tương lai chưa định hình. Một bên căn nhà là khoảng sân rộng, dọc góc sân được lợp mái tôn làm nơi chứa xi măng, gạch, gói, sát trong sân đựng mấy chiếc ba gác, phía ngoài đường là những ô sân chứa cát, sạn, đá sỏi…Nghe đồn bà làm vợ lẽ một tay nhà thầu giàu có. Tay này có rất nhiều vợ lẽ, và rất có đạo đức ở chổ là  lấy người vợ nào ông ta cũng tạo dựng cơ ngơi,  giao cho vợ quản lý một cửa hàng để tự sinh sống, thực tế là cột chân mỗi bà mỗi nơi, để ai cũng lo trách nhiệm có công ăn việc làm của mình không quấy quẩn đến ông. Bà Phấn đã có với ông một mặt con, nhưng là con gái, bà  muốn có thêm một đứa con trai nữa.

 

Ông Thầu người cao to phốp pháp, đi đứng dềnh dang, ông có cặp con mắt uẩn khuất sau hàng lông mày rậm, cằm bạnh, hàm râu quai nón xanh tốt phủ lên mép môi trên, ông có vẻ khí phách ngang tàng như một tay anh chị tầm cỡ hay là một vị dũng tướng hiên ngang thời xưa bên Trung Quốc, nói chung là một đấng mày râu đầy ấn tượng.

 

Khi xưa, bà Phấn người mảnh mai thanh cảnh lắm, ông Thầu bảo dáng bà đi nhẹ như bay, bà dịu dàng giọng nói như khánh ngân…Giờ đây ông Thầu không còn nhọc công sức tán tỉnh bà nữa, bà đã sinh cho ông một đứa con và ông bù đắp cho bà cửa hàng này. rồi theo thời gian tình cảm nồng nàn của ông  dành cho bà nhạt nhẽo dần dần, ông viện cớ bận công việc làm ăn đi liên tục có khi hàng tháng ông mới ghé về. Bà Phấn buồn rầu khổ sở, bà nhớ lại những ngày tháng bà lui tới làm thân với chị bạn là chủ cửa  hàng cung cấp vật liệu xây dựng tôn, sắt, thép…Bà biết chị này cũng là một người vợ lẻ của ông; bà vẫn rắp tâm quyến rũ ông, phần vì bà mê ông, phần vì bà ước muốn có được một cơ ngơi như các bà vợ của ông…bà Phấn thở dài, lâu này bà để mặc cơ thể phát triển mặc lòng. Thôi thì cái điều ước muốn đã được, dù sao bà cũng là một bà chủ có cơ ngơi sự nghiệp trong tay rồi, giữa thời buổi khó khăn, khối người khố rách áo ôm, bà đã vênh vang thể diện hơn người. Thôi thì cứ bằng lòng những gì đang có… nghĩ thế nhưng bà Phấn vẫn nuôi tham vọng, bà còn muốn được nhiều hơn nữa. Bà gặp thằng Côi, bà tử tế với nó vì những ngày đi lại  với chị bạn kia bà biết mẹ thằng Côi. Bà biết thằng Côi là ai.

 

Hôm nay ông Thầu về, ông chở một chiếc xe  tải đầy gạch men, thằng Côi được bà Phấn cho giỡ gạch xuống xe, nó lẳng lặng  khuân từng  thùng gạch men chất vào nhà kho. Nó cố gắng chống chọi với cơn đau đầu choáng váng, hai chân nó run lẩy bẩy, người toát mồ hôi. Hôm qua nó dầm nước sông dưới nắng đổ lửa, vì cần lấy cát mịn dưới sông làm cát tô, nó muốn thử sức lấy cát tô  để  được giá cao hơn, nhưng sức vóc một thằng bé mười lăm còm cõi làm sao kham nổi, vậy là ngã bệnh. Cơn sốt kéo dài hầm hập, mắt nó mờ mịt, nó cố bíu chặt thùng gạch nhưng thùng gạch cứ tuột đi rơi đánh rầm xuống đất bứt dây ràng bể rổn rản. Ông Thầu quay phắt người lại, chạy bổ đến, người đang ngầy ngật hơi men ông bốp luôn hai bạt tai choé lửa vào mặt nó:

-Làm ăn thế hả? Bồi thường cho tao!

 

Thằng Côi không gượng nổi nó khuỵ ngã. Bà Phấn nghe tiếng ồn, lật  đật chạy đến, bà đưa hai bàn tay trắng múp đỡ lấy thằng bé, nó lờ đờ cảm nhận mười cái móng hồng đỏ chập chờn, giọng bà Phấn vương cao run rẩy:

-Trời ơi sao ông đánh nó nặng vậy? Ông có biết nó là ai không? Con ông đó! Nó là con trai ông đó!

Ông Thầu ngớ người nhìn thằng Côi trong tay bà Phấn tưởng như không hiểu được điều vừa nghe; thoáng thấy mấy người làm công đang tiến đến gần, ông cúi xuống ẳm bồng thằng Côi lên theo tiếng nhắc nhở của bà Phấn:

-Đưa nó vào nhà đi. Nó đang bệnh này.

 

Thằng Côi được đưa lên lầu, đặt vào căn phòng dự ước dành cho đứa con trai tương lai của bà Phấn. Lần đầu tiên trong đời thằng Côi được nằm trong cái giường nệm đẹp thơm tho, được có bác sĩ đến tận bên khám bệnh. Bác sĩ cho uống thuốc, nó vẫn còn sốt cao lắm. Trong cơn mê chập chờn nó vẫn cảm nhận được bà Phấn đặt cái khăn lạnh trên trán nó, ông Thầu cũng ngồi cạnh giường nó, đầy vẻ lo âu và ân hận. Ông cúi nhìn nó, đúng là khuôn mặt của ông, cái trán, cái cằm của ông… ông mơ hồ nhớ về mẹ nó – một cuộc trăng hoa phút chốc – nhưng nó đúng là con ông! Nó đã lớn lên ngần ấy mà bao lâu nay ông không hề biết có nó. Ông để cho con sống thiếu thốn khổ sở, trông nó mới tiều tuỵ làm sao!Ông bảo:

-Tạm thời em cứ để con ở đây, chăm lo nó giúp anh. Anh sẽ…

 

Bà Phấn cướp lời ông:

-Sao tạm thời, nhà này cũng là nhà của nó mà, em có thêm một đứa con trai để nuôi nấng, em sẽ nuôi nó ăn học tử tế. Anh yên tâm em thương nó lắm!….

 

Ông Thầu ngập ngừng:

-Anh muốn bù đắp cho mẹ con nó….

Bà Phấn tựa sát vào người ông Thầu, mười ngón tay đẹp đẽ, dịu dàng vuốt ve mơm trớn hàm râu ông, giọng bà dài ra:

-….Mẹ nó dại người… Ông mới là không biết gì!…

 

Yên chí là thằng bé đã ngủ say bà Phấn thỏ thẻ kể lể nguồn cơn vì sao bà biết thằng Côi và bà đã tử tế với nó như thế nào….tại vì ông  ít về nhà thăm bà….cho nên bà vẫn âm thầm cưu mang con của ông… rồi bà nũng nịu:

-…Anh khuyếch trương cho em mặt hàng…

 

Họ thả mùng trấn quanh giường cho nó dìu nhau vào trong, thằng Côi nằm im, nước mắt trào tuôn trong đêm tối, nó nhớ căn nhà nhỏ bé của ngoại, nỗi buồn nặng nề phủ lên cuộc đời của hai người đàn bà, mẹ và bà nó.

 

Mười lăm tuổi, nó đủ hiểu được những toan tính của con người. Nó từng ước mơ bà Phán là mẹ trong một mái nhà sung túc… Bây giờ sắp sửa có được, nhưng tình cảm bà Phấn là sự vụ lợi  không như cảm nghĩ ngây thơ của nó. Nó nằm nghe hẫng hụt cảm giác buồn tủi bị lừa dối  . Tự nhiên nó tha thiết  muốn trở về căn phòng trọ, nơi đám bạn bè vô tư cùng chia sẻ cơm áo cùng học hành.

 

Sáng sớm hôm sau trời còn tờ mờ sương nó khe khẽ bước ra khỏi ngôi nhà  đẩy cánh cổng rào  lách qua đi thẳng.

Lê Mai
Số lần đọc: 2382
Ngày đăng: 15.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truyện cổ tích về một nghệ sỹ - Ngữ Yên
Đèn màu - Đổ Thị Hồng Vân
Chuyện của một thời - Lê Mai
Sáng nắng chiều mưa - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chớp mắt - Lê Vũ
Dây tầm gửi - Phạm Thanh Phúc
Cỏ xanh - Quý Thể
Quỳnh Dao công chúa - Trương Đạm Thủy
Quán bên sông - Lê Mai
Chuyện làng - Nguyễn Đông Phương
Cùng một tác giả
Quán bên sông (truyện ngắn)
Thằng côi (truyện ngắn)
Một chuyến xa nhà (truyện ngắn)
Trong cơn mưa (truyện ngắn)
Tôi (thơ)
Một… (thơ)
Quyền được rên (truyện ngắn)